Ngày 13 Tháng 8 năm
1971, trưa hầm hập nóng. Cái nóng của Sài Gòn, hừng hực mái tôn, như chảo lửa
đun... sôi. Chiến tranh... khói... khói... lãng đãng mặt người. Trong căn nhà
trọ trong hẻm 482 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, mình nằm chịu trận như một con
cá mắc cạn, ngóc lên mà thở trong cuộc chiến khốc liệt nầy... thì nhận được thơ
anh. Bức thơ nhầu nhĩ, bì thơ là một tờ giấy, người viết chỉ việc viết vào mặt
sau, xếp lại, rồi đề địa chỉ ở mặt trước, có in tem sẵn, dán lại, gởi đi cho nó
gọn mà những người lính từ mặt trận thường dùng để gởi về thân nhân là ba, má,
vợ hay người yêu hoặc mấy đứa em thơ ngây còn ở hậu phương. Thơ anh viết từ
ngọn núi Ba Hô nào đó, khoảng 17 cây số đường chim bay về phía Tây Bắc Quảng
Trị, án ngữ đường 9 Nam Lào. Ai kiểm soát độ cao nầy là kiểm soát đường chuyển
quân phía dưới. Và muốn tấn công, xâm nhập vào Quảng Trị thì phải tìm cách nhổ
sạch quân trú phòng ở đỉnh Ba Hô! Anh nói những ngày ở đây thật là gian khổ và
ác nghiệt nhưng gian khổ nhứt là đi lấy nước vì địch quân rình bắn sẻ. Anh nói:
Gió Lào mùa nầy ác nghiệt cũng không kém mấy thằng Bắc Quân bên kia núi rình
bắn lén. Bầu trời trên đầu, ngày lại ngày, không một đám mây, không mưa... khô
khốc! Nước!
Đại đội 1, Tiểu đoàn 6
Thủy Quân Lục Chiến của anh nằm trên đỉnh Ba Hô đó. Anh không biết ngày về vì
hành quân liên miên như vậy và đóng chốt ở đây không biết đến bao lâu mới có
đơn vị khác đến thay?
Thơ anh đến, chưa kịp
trả lời, thì 21 tây, xác anh đã về tới. Người anh bà con bạn dì, trên chiếc xe
Honda, mượn của thằng bạn học khác, chở mình lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Chạy trong cái nắng đổ lửa của Sài Gòn mà không nghĩ gì hết. Không tin gì hết.
Đầu óc như cứng lại, khô khốc, đặc quánh lại... như cơn gió Lào vi vút, u u... thổi
ngoài kia của dãy Trường Sơn.
Xe qua tượng Thương
Tiếc, quẹo vào con đường vòng cung. Phía trên đồi là Nghĩa Dũng Đài sừng sững, rồi
ngừng lại ở tiền sảnh của Nhà Quàn Liên Đội Chung Sự Nghĩa Trang Quân Đội Biên
Hòa! Không có ai chỉ dẫn. Như linh tính của tình anh em ruột thịt, mình đến
ngay chiếc quan tài hình chữ nhựt màu xanh biển thẫm, đã phủ quốc kỳ. Đầu hòm
có một chữ Hán không hiểu nghĩa là gì? Anh bà con đi chung đang học năm thứ 2
Văn Khoa nói: “Chữ Thượng nghĩa là trên. Đầu nó nằm đây nè!”
Mặt trước quan tài có
đính một tờ giấy. Trên đó viết vài hàng chữ: Cấp bậc: Thiếu Úy. Họ tên: Đoàn
Xuân Hòa. Sanh ngày 14 tháng 9 năm 1949. Đại đội Phó, Đại đội 1, Tiểu Đoàn 6 Thủy
Quân Lục Chiến. Tử trận ngày 15 tháng 8 năm 1971 tại Quảng Trị.
Nằm kế bên anh là
Chuẩn Úy Lê Định, sanh năm 1952, sanh quán Huế, cùng chung đơn vị. Phía sau
lưng anh là khoảng 20 chiếc quan tài nữa, chia làm hai hàng, có một vài cái
thuộc Sư Đoàn 5, còn bao nhiêu đều là lính Đại Đội 1 với anh. Sau nầy, nghe kể
lại, ngày 15 tháng 8 một trận đánh khốc liệt đã xảy ra trên đỉnh Ba Hô giữa bộ
đội quân chánh quy Bắc Việt và Đại Đội của anh. Đại Đội bắn hết đạn, bị tràn
ngập. Trận đánh xáp lá cà bằng lưỡi lê đã diễn ra và kết thúc bằng phi cơ phản
lực đến ném bom. 24 chiến sĩ Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 6 Thần Ưng Cảm Tử tử trận! 24
chiến sĩ ngã xuống và bao nhiêu vành khăn tang đội lên đầu của thân nhân tử sĩ?
Nào ai biết được con số chính xác. Nỗi đau người lính không còn đau nữa, đã đền
xong nợ nước, mà nỗi đau của cha mẹ, vợ con, anh em của người chiến sĩ thì còn
đau mãi đến tận bây giờ!
Quanh quẩn bên chân anh,
nhang tàn rồi thắp nhang khác, nến tàn rồi đốt ngọn nến khác. Một cọng chân
nhang, cắm vào đó một điếu thuốc thơm! Mời luôn những người đồng ngũ của anh mỗi
người một điếu! Hà tiện chi nữa! Hết thuốc, lại dốc hết tiền trong túi ra,
xuống câu lạc bộ nhà quàn mua cho anh hút trước khi xác thân các anh về với
đất. Phía sau tiền sảnh là một căn phòng tối lù mù, chiếu sáng bằng những ngọn
đèn tròn, vàng vọt. Rồi có tiếng trực thăng sơn chữ thập hồng, phầm phập xuống
bãi đáp. 2 người lính cứu thương, quân y, bước ra, chuyển từ trong trực thăng
xác 1 người lính thuộc Sư Đoàn 5, phù hiệu ngôi sao trắng và số 5 màu đỏ máu
trên tay áo!
Xác tử sĩ nằm trên
băng ca, một tay thòng xuống, còn đòng đưa theo nhịp đi của 2 người lính đang
khiêng... chứng tỏ anh vừa mới chết, xác hãy còn nóng hổi, chưa lạnh, nên chân
tay hãy còn dịu nhỉu. Quần áo trận của anh vẫn còn ướt sũng và vấy đầy bùn đất!
Xác anh được mang vào phòng và những người lính Quân Nhu thuộc Liên Đội Chung
Sự xúm lại làm phần việc của mình trong im lặng. Trước hết dùng kéo cắt quần áo
trận ra để tắm rửa cho tử sĩ lần cuối. Cái vòi nước xịt vào khuôn mặt giờ hơi
tai tái nhưng vẫn còn lật qua lật lại được theo tia nước. Sau đó là lau khô
xác, hớt tóc cho ngắn gọn, dùng phấn và son tô lại khuôn mặt, môi người tử sĩ
để thân nhân nếu có lên nhìn mặt cho đỡ tủi. Mặc cho người lính vừa ngã xuống
một bộ ka ki vàng còn hồ cứng. Công đoạn cuối cùng là đổi cáng. 2 chiếc thẻ bài
đeo trên ngực tử sĩ được rứt ra. 1 sẽ giao lại cho thân nhân và 1 gắn trên đầu
hộc tủ, 1 trong khoảng 300 cái của phòng lạnh, để biết mà mở ra cho thân nhân
lên nhận diện 5 giờ chiều thì Ba, Má dẫn mấy đứa em từ Mỹ Tho lên. Lúc đó thấy
Má đi không nổi nữa. Chân như khuỵu xuống; phải tựa vào vai Ba mà bước! Mấy đứa
em còn nhỏ quá nhìn quanh... ngơ ngác. Thấy Má như vậy, nước mắt mình bây giờ,
trưa tới giờ có khóc được giọt nào đâu, mới trào ra như suối: “Ảnh nằm đây nè! Má!”
Má chỉ kêu: “Con ơi!” Rồi khóc! Nghe thảm làm sao! Ba chỉ im lặng, không nói
gì, mặt nhăn nhúm lại!
Đêm xuống, Ba, Má và
mấy đứa em vô nhà khách nghỉ để bình minh, rạng sáng mai đưa xác anh về quê cũ.
Mình không ngủ được, mặc chiếc áo ba-đờ-xuy cho đỡ lạnh. Trên đồi, gió nhiều
quá, thổi u...u... Mình ngồi bó gối, dưới chân anh. Nhang tàn thắp khuya. Thuốc
tàn lại đốt. Tiếng con vạc sành bám trên nóc sảnh lâu lâu lại rơi xuống, đập
cánh xè xè, nghe như hơi người chết từ những chiếc quan tài chập chờn ánh nến,
thoát ra.
Nhìn lên đồi cao nơi
mộ ông Tướng Đỗ Cao Trí đèn thủy ngân sáng choang. Nhìn xuống dưới, những hàng
bia mộ người chết trận... lặng im... chìm trong tối. Dọc đường từ nhà quàn vào
khu gia binh của Liên Đội Chung Sự, những mảnh ván quan tài đang đốt dở, cháy
leo lét trong gió. Những mảnh ván quan tài đang cháy dở là do việc thân nhân
mướn những người thầu tư nhân rửa xác tử sĩ lại để còn nhìn mặt lần cuối. Hòm
cũ bỏ đi, sau đó xác được đặt vô cái hòm kẽm mới, hàn chì lại để ngăn mùi tử
khí không thoát được ra ngoài, có người nằm lại nghĩa trang cùng đồng đội, có
người được mang về quê an táng.
Ba không muốn khui nắp
quan tài anh ra nữa, không phải sợ tốn tiền. Mà ba sợ ảnh chết như vậy chắc
không còn nguyên vẹn gì... mà nếu Má nhìn thấy thì làm sao chịu cho nổi!
Hai là hy vọng người
tử sĩ nằm đó không phải là xác của con mình. Một hy vọng hão huyền là có thể
ngày nào đó anh sẽ về, gặp lại Ba, gặp lại Má chăng? Rõ ràng hy vọng đó chỉ là
ảo vọng; dù vậy Ba vẫn còn ráng nắm níu, ráng mà bám víu theo?!
Sáng hôm sau,1 bán
tiểu đội lính, 6 người, ông Trung Úy già, Trưởng Hậu Cứ Tiểu Đoàn chỉ huy và
chiếc GMC mười bánh đến! Những người lính kê vai, vác, đưa chiếc quan tài lên
xe! Và anh về quê cũ. Tiếng kèn đồng nghe u uất. Trước đầu xe có tràng hoa cườm
và băng vải tím.
Người yêu anh, chị
Loan, y tá Bệnh Viện Lê Hữu Sanh của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nức nở: “Anh
Hòa ơi! Anh Hòa ơi!” lúc di quan! Tình nồng thắm của anh chị như bọt nước đã
đành tan theo vận nước sau đó.
Lại theo xác anh. Xe
qua những đường phố Sài Gòn nhộn nhịp. Người lính tử trận... lẳng lặng đi qua.
Có người dừng lại, chào kính xác người chiến sĩ. Có người dừng lại, ngả nón cúi
đầu! Đa số vẫn tiếp tục đi. Và xe chở xác vẫn đi!
Mang anh về lại quê
nhà, Mỹ Tho... nơi, anh vì nước phải bỏ nó mà đi chỉ mới có 4 năm!
Mình không nghĩ được
gì hết! Cuộc chiến tranh nầy ai gây ra ư? Tại sao vậy? Làm sao cắt nghĩa được
tham vọng của 1 lũ điên? Chỉ biết một điều là 1 thanh niên mới vừa xong trung
học là lên đường nhập ngũ, từ Mỹ Tho ra tận Miền Trung gió Lào khô khốc thổi,
rồi ngã xuống ở Đỉnh Ba Hô nào đó của Quảng Trị để ngăn chận Bắc Quân tràn vào
thị xã.
Ngày 25 tháng 8, ôm
tấm di ảnh của anh, thằng em kế, thứ năm, nối bước theo sau, trên hai tay là
chiếc gối nhỏ, màu vàng viền đỏ, màu cờ, có cặp lon trung úy và chiếc bảo quốc
huân chương đệ ngũ đẳng kèm anh dũng bội tinh với nhành dương liễu, đưa anh đến
huyệt mộ! Thòng dây đưa quan tài anh xuống kim tĩnh mà mấy ông thợ hồ vừa mới
xây xong, xi măng chỉ vừa kịp khô nước.
3 loạt tiếng M-16 bắn
chỉ thiên, chào vĩnh biệt người chiến sĩ.
Lại tiếng kêu khóc của
người yêu anh ở giờ hạ huyệt: “Anh Hòa ơi! Anh Hòa ơi!”
Đất lấp lại! Và năm ấy
mình vừa 20 tuổi. Ngày chôn anh, ngày 25 tháng 8, là ngày sinh nhựt của mình!
Đoàn Xuân Thu
No comments:
Post a Comment