Pages

Monday, June 12, 2023

Người Già Muốn Gì? - Nguyễn Ngọc Chính


Trước hết, xin cảm ơn tổ chức Liên hiệp quốc đã có nhã ý dành một ngày để “vinh danh” người già trên toàn thế giới. Đó là ngày 1/10 hàng năm. Tôi cũng là người già nhưng thật tình chẳng biết đến ngày “International Day of Older Persons” nếu không tình cờ đọc được thông tin này trên mạng.


Theo Wikipedia, “Ngày quốc tế người cao tuổi” đầu tiên được tiến hành vào ngày 1/10/1991. Ngày này được tổ chức để nâng cao nhận thức về các vấn đề ảnh hưởng đến người già, chẳng hạn như quá trình lão hóa và việc lạm dụng người cao tuổi. Đây cũng là một ngày để đánh giá cao những đóng góp mà những người cao tuổi đã cống hiến cho xã hội.

Đọc tin này, các lão ông, lão bà thấy cảm động quá, trong lòng cứ “bồi hồi xúc động” tựa như trẻ thơ được cha mẹ khen ngợi và vinh danh đến… “phổng cả mũi”! Tuy nhiên, đó chỉ là phản ứng nhất thời vì vấn đề đặt ra là chúng tôi, những người lớn tuổi, thực sự muốn gì?


Ta có hiệu xe Yamaha mà một số người lại cải biên thành “Già-Mà-Ham” để chỉ cái tật không nhận thức được tuổi già của mình cứ muốn thế này, thế khác. Xét cho cùng, dù già cả nhưng trong lòng vẫn có những ước muốn thầm kín nhưng nói ra lại sợ con cháu cười.

Một trong những ước muốn đó là Sức khỏe. Mỗi sáng thức dậy, những người từ 60 tuổi trở lên thường hay tự kiểm tra hôm nay thấy trong người như thế nào? Có giống như hôm qua hay lại tệ hơn? Các cụ ngoài 70 lại còn bi quan hơn, một ngày mới chỉ đem lại một quỹ thời gian ngày một cạn kiệt!


Khổ nhất là người già bị bệnh, mà ai cũng thế, thôi thì đủ các món “ăn chơi” nhưng lại khó nuốt: loãng xương, thấp khớp, tiểu đường, cholesterol, huyết áp (tăng hoặc giảm), táo bón kinh niên mà lại đi tiểu soèn xoẹt. 

Đầu óc thì không còn nhạy bén như hồi còn trẻ, nói trước quên sau, thậm chí còn có người bị lú lẫn, không biết mình là ai. Tai thì nghễnh ngãng đến độ điếc đặc! Đi lại thì khó khăn mà lại còn hay té ngã. Mà mỗi lần té hay bị gãy xương nhiều khi còn bị nằm liệt giường. 

Người già bỗng chốc trở thành kén ăn, hiểu theo nghĩa cứ món nào mềm, nhừ mới ăn được. Răng cỏ cái còn, cái mất nên kén ăn là phải. Mà của đáng tội, có ăn được bao nhiêu đâu nên bao tử ngày càng teo tóp. Con cái vì thương cha mẹ nên cứ ép ăn, ép uống tựa như em bé ngày nào. 

Người ta nói một người già bằng ba con nít. Nếu quả như vậy thì quá khổ cho con cháu phải chăm sóc. Có những người già phải mang tã vì không kiểm soát được sự bài tiết. Có những người lớn tuổi phải di chuyển trên xe lăn có nghĩa là con cháu phải đi theo.

 

Trong những gia đình sống theo kiểu “tam đại đồng đường” có người cao tuổi là ông bà nội ngoại thì hẳn nhiên là cha mẹ và con cái bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi bị bệnh, ông bà không thể giúp cha mẹ trong việc chăm sóc con cái như khi còn khỏe. Trái lại, họ trở thành một mối lo hàng đầu trong mọi sinh hoạt gia đình. 

Sẽ không còn những ngày cuối tuần vui vẻ, cả nhà kéo nhau đi ăn tiệm. Trong nhà sẽ vắng đi tiếng cười trẻ thơ vì ông bà bệnh làm sao vui được. Vợ chồng sẽ bớt đi những giây phút riêng tư với nhau vì còn phải lo cho ông bà. 

Hơn nữa con vẫn phải đi làm, cháu vẫn phải đi học nên người bệnh có khi phải thui thủi một mình. Nếu may mắn có thêm người chồng hoặc vợ bên cạnh thì đó là niềm an ủi duy nhất. Tuy vậy, đó chỉ là tinh thần vì người hôn phối nay cũng đã già. Làm gì còn có cảnh “hầu quạt” như nhà thơ Huy Cận đã vẽ ra:

“Tay anh em hãy tựa đầu,

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…”

Người già thấy rõ những điều đó nhưng không thể nào thay đổi được tình hình. Người già vốn hay tủi thân nên chỉ cần một cử chỉ vô tình hay lời nói không cố ý cũng đủ làm họ buồn cho thân phận bệnh hoạn của mình. Thế cho nên, có người cầu mong mình được chết sớm để trả lại một cuộc sống bình thường cho con cháu.

 

Vẫn biết, làm người ai cũng “tham sanh, húy tử” nhưng ở trong tình trạng bệnh hoạn, người già chỉ mong sao cho mình chết sớm. Nói theo nhà Phật là để giải cái “nghiệp” của mình cũng như trả cái “nợ” cho những người thân.

  

Trên thế giới, người ta đã nói đến “Quyền được chết”, một từ ngữ pháp lý dùng để chỉ về việc lựa chọn của con người: tìm đến cái chết một cách tự nguyện nhằm giải thoát khỏi đau khổ, bệnh tật hoặc các lý do khác. “Trợ tử” là sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng về sự kết thúc một cuộc sống, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa. 

Vấn đề đặt ra là những tranh cãi gay gắt về đạo đức và lo ngại những hệ lụy xấu do việc trợ tử gây ra. Tính đến nay, trong tổng số 221 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ có 3 nước cho phép trợ tử bệnh nhân là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan.

 

Nhiều người phản đối vì cho rằng con người không có quyền can thiệp vào sự sống chết của người khác, trừ khi đó là tội phạm đã bị tòa tuyên án tử hình. Mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người bệnh được chết đều phải bị coi là giết người.


Ngoài ba nước nói trên, Thụy Sĩ, Argentina và 5 tiểu bang ở Mỹ (Washington, Oregon, Vermont, New Mexico và Montana) cho phép bệnh nhân tự nguyện dừng điều trị để tự tìm cái chết nhưng cấm mọi người khác (kể cả người thân và bác sĩ) gợi ý, kê đơn hoặc cung cấp phương tiện cho họ tự sát (nếu cung cấp thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự). 

Bỏ qua mọi tranh cãi về đạo đức và tôn giáo, tại sao ta không nhìn về “quyền được chết” của người già dưới con mắt của một người bình thường? Đó là quyền và cũng là lối thoát hợp lý nhất của con người trong hoàn cảnh bệnh hoạn. Đó cũng là giấc mơ được giải thoát chứ không phải là sự “tự tử” của những người chán sống. 

Đành rằng sự ra đi của người thân là sự mất mát không nhỏ đối với những người trong gia đình. Cuộc sống là như vậy, có sinh ắt có tử, ai cũng phải trải qua một lần. Người già tự nguyện ra đi với một nụ cười để giúp những người trẻ tiếp tục sống một cuộc đời hạnh phúc mà trước đó họ đã từng hưởng. 

Đó là vấn đề mà mọi người cần quan tâm. Và đó cũng là điều mà những người già mong muốn nhưng không nói ra!


Nguyễn Ngọc Chính

4 comments:

  1. Cảm ơn tác giả và Block Người Phương Nam: Bài viết quá hay, không phải chỉ riêng bài nầy mà hầu hết các khác cũng rất hay: Giọng văn chững chạc, ý tưởng sâu sắc. Một lần nữa cảm ơn tác giả và Ban biên tập.

    Nguyễn hữu Ba

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị Tố Kim chuyển bài viết rất hay của tác giả Nguyễn Ngọc Chính về người già ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
  3. up-date:
    Physician-assisted suicide, or "medical aid in dying" is legal in eleven jurisdictions: California, Colorado, District of Columbia, Hawaii, Montana, Maine, New Jersey, New Mexico, Oregon, Vermont, and Washington.

    ReplyDelete
  4. và Canada nữa.

    ReplyDelete