Bà con mình ai cũng biết vào tháng Chạp, năm 1907, một tai nạn
ở Monongah, tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ đã làm chết rất nhiều thợ mỏ. Những
nạn nhân xấu số là trụ cột của gia đình. Hằng ngày, những người cha còn rất trẻ
phải chui xuống hầm sâu như mộ để kiếm bánh mì và bơ về cho vợ con mình.
Cha chết, mẹ ở vậy nuôi đàn con thơ dại cho tới lớn khôn. Ðể
tạ ơn tình mẫu tử bao la đó, Anna Jarvis khởi xướng “Mother’s Day”.
Còn mẹ của Sonora Smart Dodd chết; cha là William Jackson
Smart một mình gà trống nuôi một bầy con 6 đứa.
Vậy, tại sao có ngày Từ Mẫu mà không có ngày Từ Phụ?
Thế là năm 1910, Sonora Smart Dodd đề xướng ngày mùng 5,
tháng Sáu, sinh nhựt của phụ thân mình, là Father’s Day đầu tiên.
Nhưng mùng 5, tháng Sáu, có thể rơi vào thứ Hai, thứ Ba gì đó.
Ngày thường, ai cũng bận đi làm kiếm bánh mì và bơ, thì rảnh đâu để nhớ tới công
dưỡng dục của cha mình! Nên sau cùng, Father’s Day được ấn định vào Chủ Nhựt thứ
ba của tháng Sáu, ngày Hạ chí, bắt đầu mùa Hè rực nắng.
Năm nay, năm 2021, Father’s Day ở Mỹ là Chủ Nhựt, ngày 20,
tháng Sáu. Giới báo chí, truyền hình, phim ảnh mấy tuần nay đã “lăng xê”
Father’s Day bằng những chương trình đặc sắc.
Ì xèo rùm beng như vậy làm sắp nhỏ mới sực nhớ: Ờ mình cũng
có cha, có mẹ! Vậy mà suốt năm mình quên tuốt luốt. Cứ tưởng mình dưới đất nẻ
chui lên!
Vậy là chiều thứ Bảy, gọi “collect call” (con gọi, tía trả
tiền) để chúc mừng: Happy Father’s Day! Tuy nhiên, đứa nào không rít như kẹo kéo
thì móc xỉa ra mua quà tặng cho tía.
Tía “hảo ngọt” thì sô-cô-la, mà ông Hà Mai Anh dịch trong cuốn Vô gia đình là
“súc-cù-là”.
Tía già rồi mà còn khoái diện kẻng để nhớ thuở làm quan khi
xưa, thì đám con đông như một đội đá banh, hùn tiền lại, đứa chừng một trăm đô để
mua suit, giày “made in Italy” ở David Jones cho tía. Tiền còn dư lại thì dắt tía
má đi ăn “yum cha” nhà hàng Tàu, “tom yum” nhà hàng Thái hay “sushi” của nhà hàng
Nhựt Bổn
Năm chỉ một lần! Ðông vui nhưng đâu có hao. So với Mother’s
Day thì ít tốn hơn nhiều. Chít lưỡi hít hà mà chi cho chúng nó khi! Một hai
trăm đô cho một người đã từng cày sâu, cuốc bẫm, vất vả gian nan suốt cả 20 năm
của một đời xuân sắc để nuôi con ăn cho no, cho mập mà không một chút thở than.
Ðời mà! Tây hay Ta cũng không khác gì nhau. Nước mắt chảy xuôi!
Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng; con thương cha mẹ con tính từng đồng!
Thế giới càng tân tiến; trách nhiệm làm cha càng lúc càng nặng
nề hơn. Thế kỷ 20, người cha làm tròn trách nhiệm khi cho vợ con mình một mái
nhà để đụt nắng, che mưa, cơm ngày ba bữa. Thế kỷ 21, người cha làm tròn trách
nhiệm khi cho vợ con mình một biệt thự có hồ bơi, một garage cho bốn chiếc xe và
mỗi năm có một vacation ở nước ngoài!
Chính vì yêu cầu của sắp nhỏ ngày càng cao và ngày càng hao;
nên người cha nào cũng phải lao ra đời lăn lộn; lăn tới, lăn lui như chiếc xe hủ
lô để kiếm tiền về cung phụng cho em yêu và sắp nhỏ. Tàn một ngày làm việc mệt
rã rời, về nằm xỉu trên ghế phô-tơi thì đứa con gái nhỏ xề lại hỏi xin tiền đi
cắm trại do trường tổ chức.
– Ðừng hỏi tía, hỏi má con đi! Tía đâu được phép giữ đồng
xu, cắc bạc nào đâu nè.
– Sao tía lại nói thế? Má con nói tía là ông trời trong nhà nầy
chớ hổng phải trên thiên đình mà! Ai làm boss trong nhà nầy? Tía phải không?
– Ðúng thế, cô công chúa nhỏ của tía.
– Tía làm lãnh tụ trong nhà là do mẹ phân công, giao nhiệm vụ
cho tía phải không?
Thiệt con nhỏ nầy, mới bây lớn mà mở miệng ra, là nó không
quên mang theo cái cù nèo giống hệt như má nó vậy!
o O o
Sau 75, bỏ nước ra đi, tui đã bỏ cái thói gia trưởng bên kia
trời lận đận. Ðối với vợ thì tui bỏ cái thói: “Không đánh thì bậu luông tuồng, Giơ tay đánh
bậu thì buồn lòng qua”. Ðối với con thì tui bỏ cái thói: “Thương cho roi cho vọt!”.
Tui bỏ hết ráo vì sợ lính bắt về tội bạo hành trong gia đình! Phần với đầu óc rộng
mở, tui học được cách dạy con của mấy thằng Úc, thấy cũng hay hay!
Tui như dân Úc, muốn con mình lớn lên phải mạnh mẽ, phải kiên
cường, phải tự lập. Muốn vậy, tui không làm nó xấu hổ trước mặt bạn bè của nó như
xưa nữa. Tui không chỉ trích con mình, vì tui sợ lớn lên, nó sẽ chửi bới loạn xạ
những người không cùng chánh kiến với nó trên Facebook. Tui không dám bạt tai
con tui nữa, vì sợ lớn lên, nó sẽ giống Mike Tyson đánh võ đài mà “cẩu xực”, cắn
đứt lỗ tai của Evander Holyfield.
Tui sẽ ngợi khen tuốt luốt cho dù nó học dở ẹt, giống tui hồi
nhỏ. Trong lớp 30 đứa, nó đứng hạng 28, tui vỗ tay nói: “Con thiệt là thông
minh nhe! Giỏi hơn tới 2 đứa lận đó”.
Tui sẽ cho mấy thằng chơi “drug” đứng trước chợ Footscray
xin tiền mỗi đứa 2 đô la; vì tui muốn lớn lên con tui sẽ biết thương người,
thương đời.
Tui sẽ không cằn nhằn khi em yêu bận lên Facebook chít chát
với người xưa – em bỏ lại ở Cần Thơ nữa; vì tui muốn lớn lên, con tui sẽ có
tánh khoan dung.
Tui sẽ làm bất cứ những gì em yêu sai biểu, vì tui muốn lớn
lên, con tui cũng sợ vợ, cũng thờ bà giống hệt như tui cho cửa nhà êm ấm.
o O o
Chu cha, coi bộ làm cha kiểu Mỹ, kiểu Úc coi bộ khó quá! Nó trật
chìa, lọi khớp với cách làm cha theo kiểu truyền thống của ông bà mình.
Cách dạy con của ông bà mình là cách giáo dục kiểu “bonsai”,
cắt tỉa lá cành ngay từ hồi nhỏ. “Dạy con từ thuở còn thơ. Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về!”
Dạy con kiểu “bonsai”, nhìn đẹp thiệt; nhưng nó dị dạng hết trơn hè. Chi bằng
theo cách dạy con của Mỹ, của Úc, kiểu hoa đồng cỏ nội. Sắp nhỏ muốn gì mình
chiều theo nấy. Muốn chăn bò, mình mua cho nó con ngựa, bộ yên và cây súng lục
cho giống tài tử John Wayne.
Ðừng kỳ vọng con mình sẽ là nhà bác học của NASA hay làm Tổng
thống Mỹ mà chi. Mình sanh ra nó; nhưng cuộc đời là của nó. Xứ tự do mà! Nó hỏi
mình nói, không hỏi thì thôi. Ỷ làm cha, mình xía vô là rách việc.
o O o
Ðể kết bài nầy: Happy Father’s Day một mặt để vinh danh “tác
giả”. Không có các bực “tác giả” nầy, nhân loại đã tiêu vong mấy mươi đời vương
rồi!
Mặt khác làm cha là phần thưởng của Thượng đế ban cho mình!
Làm cha không phải cực hình. Ðược con cái yêu thương lại là quý lắm nhe. Tụi nó
sống với mình cùng lắm là 20 năm rồi cũng lấy vợ, lấy chồng ra riêng. Như cánh
chim đã đủ lông, đủ cánh phải rời tổ ấm bay đi cho dù bầu trời cao rộng ngoài
kia đầy bất trắc, mưa cuồng bão loạn. Lúc đó vườn không, nhà trống, chỉ còn hai
con khỉ già khẹc khẹc với nhau thôi!
Hỡi những đứa con có hiếu hoặc những đứa con bất hiếu trong
ngày Father’s Day! Làm cha khó lắm, phải đâu chuyện đùa! Nhưng tía đã làm cha một
cách dễ ợt. Chẳng qua là vì tình phụ tử vô bờ, vô bến đối với tụi bây đó thôi.
Tụi con nên nhớ rằng cuộc sống là có sanh, có diệt! Ðó là lẽ
thường của Tạo Hóa, không ai cãi lại được. Thế nên “còn cha, còn mẹ còn vui; mất cha, mất mẹ bùi
ngùi đời con”! Vì “có cha, có mẹ thì hơn; không cha, không mẹ như đờn đứt dây”!
Happy Father’s Day!
Đoàn Xuân Thu
Gọi là "từ mẫu" nghe thuận tai, lại có ý nghĩa đẹp dành cho người mẹ, nhưng khi gọi là "từ phụ" tháy có vẻ gượng ép.
ReplyDeleteVời tôi mình có thể dùng chữ "nghiêm phụ" vừa có nghĩa về giáo dục con cái thành nhân, mà khi đi kèm "nghiêm phụ- từ mẫu" nghe thuận tai lại tránh được lập đi lập lại(điệp ngữ) chữ "từ"
Ara