Pages

Monday, July 31, 2023

Medicines Not In Pharmacies



*1 - Exercise is medicine.*
 *2 - Fasting is medicine.*
 *3 - Natural food is medicine.*
 *4 - Laughter is medicine.*
 *5 - Vegetables and fruits are medicine.*
 *6 - Sleep is medicine.*
 *7 - Sunlight is medicine.*
 *8 - Loving others is medicine*
 *9 - Loving yourself is medicine.*
 *10 - Gratitude is medicine.*

 *11 - Letting go of offense is medicine.*
 *12 - Meditation is medicine.*
 *13 - Reading and studying the Word of God is medicine.*
 *14 - Eating well, on time and without excess is medicine.*
 *15 - Right thinking and right thinking with a good mindset is medicine.*
 *16 - Trusting in God is medicine*
 *17 - Good friends are medicine.*
 *18 -. Forgiving yourself and forgiving others is medicine.*
 *19 - Drinking plenty of water is medicine.*
 *20 - A peaceful heart is medicine*



Legumes and grains contain different but overlapping sets of amino acids which, when consumed together in a complete diet, provide all the building blocks we need to make and use proteins ourselves.

So, beans and grains together provide perfectly adequate proteins without the need to consume meat as well, but not beans alone. Also, beans don’t provide adequate levels of a number of micronutrients found in meat: iron, B12, and others.


From: Kim Hoa Ba Ba

Hai Lần Mở Cửa - Huyền Lam


Tuấn quen Davis hơn 20 năm trước tại Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ khi theo học ngành lập trình điện toán. Cũng giống như bao người Việt qua đây trong thời gian đầu, ngày ấy Tuấn rất khổ sở với các môn đòi hỏi phải đọc và viết nhiều tiếng Anh. Những môn Toán Lý Hóa, Lập trình, Logic thì Tuấn học rất khá. Trong một lần vào phòng lab, thấy Davis bực bội giải không ra bài lập trình, Tuấn đến giúp và quen anh từ dạo ấy.


Tuấn và Davis như cặp bài trùng suốt những năm dài đại học. Cả hai nương nhau để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Davis giúp Tuấn làm bài môn Văn, Lịch sử, Xã hội học... Tuấn giúp Davis Lập trình, Toán, Logic. Có thể nói không ngoa, nếu không bù đắp mặt yếu cho nhau, hai người có thể không tốt nghiệp.

Ra trường, hai người làm hai nơi nhưng không xa lắm nên thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa. Khoảng năm 2000, Davis bỏ nghề, chuyển qua kinh doanh bất động sản. Thời gian đầu anh chỉ kinh doanh nhỏ vì ngân hàng chỉ cho mượn theo giá trị căn nhà thế chấp. Anh mua đất, chia lô rồi bán lại. Những năm ấy bất động sản được mùa, làm ăn khấm khá, tích lũy nhiều tín dụng nên ngân hàng ngày càng cho anh mượn nhiều tiền. Từ một người chia lô 4, 5 căn hộ, anh trở thành nhà quy hoạch cả trăm lô đất, bao thầu mọi khâu từ khai phá đất hoang cho đến việc xây, bán căn hộ.  

Thành người triệu phú bận rộn nên Tuấn rất ít gặp anh, mỗi lần gặp, Davis đi xe sang hơn, phong cách doanh nhân lịch thiệp hơn, không còn tà tà thư giãn chuyện trò bạn bè như ngày trước. Bẵng đi khoảng 2 năm Tuấn không gặp anh, cho đến một chiều tối, anh gọi điện thoại, giọng mệt mỏi:

- Khoảng nửa tiếng... tôi tới nhà nhé...

Không bao lâu, tiếng chuông nhà reng, Tuấn hớn hở ra mở cửa đón bạn.  Một hình hài râu tóc rối bù, mắt sâu hoắm, lờ đờ thâm đen, làn da trắng bệch bạc, áo quần nhàu bẩn, bàn tay run run của người mất ngủ và uống quá nhiều thuốc chống trầm cảm. Nếu không nhờ giọng nói, Tuấn không thể nhận ra Davis lịch lãm mới ngày nào.

Anh nói như khóc, bấn loạn:

- Cám ơn cho tôi tới nhà... tuyệt vọng lắm, chắc điên lên mất... tôi...

Tuấn ra dấu cho anh vào:

- Chút nữa bạn kể tôi nghe, chúng ta có rất nhiều thời gian.

Tuấn pha trà thảo hương
                                                                             

Dẫn anh vào phòng đọc sách nơi Tuấn có thiết kế không gian thiền đơn giản. Để anh ngồi một mình trong không gian tĩnh lặng ấy, Tuấn đi pha bình trà thảo hương mà người Hoa Kỳ thường dùng. Rót tách trà nóng, Tuấn từ tốn:

- Bạn có nhiều tâm sự, thong thả uống ly trà rồi làm theo tôi vài phút bạn sẽ thấy dễ dàng hơn.

Đôi bàn tay Davis run run, ráng giữ tách trà khỏi chao đổ, anh uống từ từ, nhìn Tuấn gật đầu.

- Bạn nhắm mắt lại, thở bình thường cho nhẹ cho sâu, nghe tiếng chuông bắt đầu vang, theo dõi âm thanh từ từ nhỏ dần rồi mất hẳn.
                                         
Trong buổi chiều vắng lặng, Tuấn thỉnh nhẹ chuông, âm thanh dịu dàng lan tỏa. Sau mỗi lần tiếng chuông ngưng vang, Tuấn để yên vài giây cho không gian chìm vào sâu lắng rồi thỉnh tiếng khác. 10 hồi chuông chậm rãi trôi qua, Tuấn nhìn bạn ân cần:

- Thấy diện mạo anh tôi rất lo, bây giờ anh có thể chia sẻ bất cứ điều gì. Chúng ta quen nhau hơn 20 năm rồi.

Davis đã bình tĩnh hơn, anh kể Tuấn nghe trong mấy tháng qua chịu nhiều áp lực khi chứng kiến hết ngân hàng này đến ngân hàng kia xiết nợ, phát mãi tất cả sản nghiệp vì thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Công sức bỏ ra, vốn liếng tích lũy trong nhiều năm tan thành mây khói. Anh khủng hoảng tinh thần, tim đập bấn loạn, không đêm nào ngủ được. Bác sĩ bắt anh phải uống thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ. Cách đây hai hôm, do quá bức xúc, giận cá chém thớt, anh mạt sát vợ. Cảnh sát đã đến khuyên anh ra khỏi nhà vì sợ gia tốc thành bạo lực. Anh lái xe đi lang thang, lắm lúc nghĩ đến nhảy cầu xa lộ, hoặc lủi đại chiếc xe xuống núi cho nhẹ thân nhẹ đầu...

Davis thở dài:
- Một cuộc sống cực kỳ chán nản, đầy đau khổ thì sống để làm gì.

Tuấn chắm chú lắng nghe, sau khi bạn dứt lời một lúc lâu mới lên tiếng:
- Mất hết sản nghiệp buồn lắm chứ! Nhất là khi ta bỏ cả đời tạo dựng. Nhưng hãy buồn một ít thôi, phải vui lên vì có rất nhiều người chỉ mong được như bạn hiện tại.

Davis ngạc nhiên nhìn Tuấn, hỏi như trách:
- Có ai mà muốn như tôi đâu bạn?

- Đúng là không có ai muốn mất sản nghiệp cả. Tôi cũng sẽ đau khổ như bạn nhưng rồi tôi sẽ gắng bỏ qua vì thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Davis nghĩ xem, hiện có hơn 2 triệu người đang bị giam cầm tại Hoa Kỳ vì những lỗi lầm, những người này đều mong ước được tự do như bạn bây giờ. Ngay cả những người tù được thả ra hôm nay hay tương lai cũng mong được như bạn hiện tại. Với hồ sơ từng ở tù nằm trong máy điện toán, từ mướn nhà cho đến xin việc làm, ở đâu họ cũng nối vào trung tâm dữ liệu để kiểm tra quá khứ người điền đơn. Cơ hội được mướn nhà, có việc làm rất khó khăn. Họ rất ước ao có được một quá khứ trong sạch như bạn để làm lại cuộc đời. Đó là lý do nhiều đối tượng phạm pháp trở lại vì không có thân nhân che chở, vì rơi vào đường cùng.

David ngỡ ngàng, lặng thinh một hồi lâu:

- Ở trong hoàn cảnh tôi, bạn sẽ hiểu nó đau như thế nào? Đau lắm, chán lắm!

Tuấn vẫn nhẹ nhàng khuyên bạn:

- Đúng là không ai hiểu được nỗi đau của bạn. Chúng ta đau vì chúng ta khổ công mới có, rồi lại mất đi. Tuy nhiên chúng ta hãy coi cái mất đi như chưa từng có trước đây. Ngoài ra biết bao người bệnh nằm chờ chết sẽ sung sướng đánh đổi tất cả để được như bạn.

David ngập ngừng:

- Ừa... thì tôi sẽ ráng, chỉ sợ mình không đủ khả năng.

- Đêm nay bạn ở lại đây, ngày mai sạch sẽ gọn gàng về nhà xin lỗi vợ. Biết đâu nhờ những khó khăn này, vợ chồng bạn gắn bó chăm sóc nhau để vượt qua, từ đó có được tình yêu thương lớn hơn bao giờ hết. Hạnh phúc đích thực này quý hơn ngôi biệt thự hoặc mấy chiếc xe mắc tiền trước đây của bạn.

Sáng sớm, tiễn Davis về lại nhà, Tuấn tặng anh chiếc chuông nhỏ đêm qua, dặn anh khi muộn phiền đánh lên vài tiếng, hít thở nhắc nhở mình đang có hạnh phúc trong bàn tay. Davis tuy còn nét trầm cảm nhưng vững chãi hơn lúc đến rất nhiều. Anh gật đầu, mỉm cười thoáng chút ngượng ngùng.

***

Một năm sau, Davis gọi điện đến thăm. Tuấn ra mở cửa, Davis cười tươi rạng rỡ, tràn đầy sức sống, anh đem theo hộp quà. Tuấn định dẫn anh đến phòng khách ngồi uống nước chuyện trò, anh bảo vào phòng đọc sách kia.

Tuấn pha bình trà thảo hương, Davis uống một ngụm rồi nhắc mở hộp quà. Tuấn bưng lên lắc lắc nói đùa:

- Cái gì nặng nặng như vàng.

Davis cười to:

- Cái này quý hơn vàng.

Tuấn từ từ mở ra, bỗng buột miệng:

- Ô cái chuông! Cho tôi cái chuông à. Cái chuông cổ thế này tiếng kêu chắc thanh khiết lắm.

Tuấn cầm dùi chuông định thỉnh một tiếng ngân nghe thử, Davis nhẹ nhàng lên tiếng:

- Không! Để tôi thỉnh, năm ngoái bạn thỉnh cho tôi rồi. Mình làm giống năm ngoái nhé.

Buổi chiều hè những tiếng chuông ngân thanh tịnh, trầm ấm:

... Boong... boong... Âm thanh mầu nhiệm giúp người khai tâm.

Huyền Lam

Nhẹ Bước Về Thảnh Thơi! - Như Nhiên Thích Tánh Tuệ


Nhiều người làm không nói

Lắm kẻ nói không làm.

- Tu là thường quán chiếu

Cẩn ngôn lúc nhàn đàm..


Thật giàu thì không khoe

Khoe vì.. che nghèo khó

Chân nhân thường bất lộ..

Lộ - thường có vấn đề! 


Lời thật thường mất lòng

Được lòng, chưa chắc thật

Ai không vì được, mất

Ắt nói lời trung ngôn..


- Làm trăm nghìn việc tốt

Đời chưa nhớ một lần

Một chút ta lầm lỗi..

Đà trở thành tội nhân.


Vui đời, vui trong khổ

Khổ đạo, khổ thành vui.

- Hết mơ màng vui, khổ.

Nhẹ bước về thảnh thơi!


Như Nhiên 

Thích Tánh Tuệ 

Văn Hoá Cằn Nhằn... LeVanQuy


1. Có lần mình bay với 1 ông khách Thuỵ Điển, thủ tục xong thì nghe thông báo máy bay chậm 4 tiếng. Hầu hết hành khách lo lắng bồn chồn, chạy tới quầy hỏi, rồi thở dài, bắt đầu to tiếng. Mình cũng không ngoại lệ, 4 tiếng đồng hồ ngồi chờ đó, lòng cứ khó chịu, chê ông giám đốc hãng hàng không tham lam, mắng nhân viên mặt đất vô trách nhiệm và nhắn tin với mọi người và đăng lên FB đại loại "khộ quá khộ, lại delay, lần sau không đi hãng này nữa". Quay nhìn thì thấy ông Thuỵ Điển vẫn bình thản đọc sách, thậm chí không nhìn đồng hồ. Khi lên máy bay, ông nói với mình là "nhờ máy bay delay mà tao đọc hết cuốn sách này, thật thú vị". Oh my god!


Mình tuôn 1 tràng về chuyện cái hãng chó chết (dead dog), gọi xách mé là delay airlines cho hả hê. Mình dùng hết mọi từ vựng trong giáo trình thobiology (thô bỉ học) để trút giận. Ông Thuỵ Điển nói, mày tức giận chi vậy, mày có chửi hơn nữa thì máy bay cũng không thể bay sớm. Trễ thì mình xoay sở kiểu trễ. Ví dụ gọi lại xin cái lịch làm việc mới với đối tác. Nếu đối tác không thông cảm thì đối tác đó cũng không xứng đáng để làm cùng, tương lai sẽ tìm đối tác khác tốt hơn, biết thông cảm hơn. Cùng 4h đồng hồ đó, tao vui vẻ, mày tức giận. Trong cuộc đời tao và cuộc đời mày, sẽ có hàng ngàn khoảnh khắc "4h delay" như vậy, phản ứng của mình sẽ thể hiện CHẤT LƯỢNG cuộc sống. Mày nói tẩy chay hãng này là nóng giận tức thời thôi, chứ vài tháng nữa, nó rẻ hơn hãng khác 100,000đ thì mày cũng thức đêm ngồi canh vé đi à. Mình thề là không thèm, free cũng không đi (2 tuần sau, mình lại book tiếp hãng này vì nó rẻ hơn hãng khác 50,000 đồng, lên sân bay vẫn chụp hình cười khí thế, não cá vàng mà).

Trên máy bay, khi tiếp viên phục vụ không niềm nở, bực. Thức uống không free mà bán, vào toilet thì người trước quên xả nước rất hôi, bực. Khi xuống máy bay, đi taxi về công ty, kẹt xe, bực. Trên phố, mỗi người 1 chiếc xe máy đâm chéo qua chéo lại, leo lên lề, còi xe bóp inh ỏi...vì quá nhiều xe trên đường, ai cũng muốn đi nhanh hơn, bực. Mình ngán ngẩm, buộc miệng chê mấy câu về đường sá, nói tại không chịu mở rộng, tại quy hoạch bất cập, tại dân chạy ẩu, người nhập cư gì mà nhiều, ...


Ông Thuỵ Điển nói mày suy nghĩ tiêu cực quá. Chính mày, cha ông mày, ba mẹ mày cũng nhập cư đến Tp này, đường sá thì có mở rộng mãi được đâu. Chính mày đã mua 2 chiếc xe máy và 1 chiếc ô tô, cái nhà cũ đã chia tách thành 3 căn, mặt tiền nào cũng biến thành hàng quán cửa hàng....thì chính mình đã xây dựng nơi mình sống như thế. Đất hoang, tao thấy rất nhiều cây cỏ trên đó, tự dưng đi lấp rồi phân lô bán, ai mua được lô đất thì cười hỉ hả, xong đi nói người khác về việc mất rừng và bảo vệ môi trường. Có nhà đẻ 3-4 đứa con, nhân 3 -4 lên vậy thì tài nguyên phải bị mất dần chứ, vài năm nữa thì 4 đứa con đó lái xe ra đường, rồi nó lập gia đình với 4 người từ nơi khác tới nữa, thì chính mày tăng đến 8 người ra đường. Ham ăn, ham đẻ, ham đất đai nhà cửa, ham xe cộ vật chất....thì phải chấp nhận cảnh giành giật nhau từng m2 đường giao thông, giành nhau chỗ học, chỗ ăn, chỗ ngủ. Mọi thứ do mình cả thôi.


Mình ngẫm nghĩ rất lâu, biết là mình lớn lên từ văn hoá Việt, xuất thân nghèo khổ nên nhìn thấy tiêu cực nhiều hơn mặt tích cực. Khi thấy trái ý là tức giận, ăn nói thô tục, không văn minh, tự thấy thật hổ thẹn. Nhớ lại các chuyến đi du lịch với đoàn khách Việt Nam, chưa có chuyến đi nào vui vẻ. Khách phàn nàn liên tục vì nghĩ đã bỏ tiền ra, phải được hầu hạ như thượng đế, và tưởng tượng lung linh quá, trong hình người ta photoshop chứ thực tế đâu có cảnh nào đẹp cỡ vậy. Từ lịch trình đến hướng dẫn đến đồ ăn đến điểm đến, cứ có khách Việt là có sự phàn nàn, tiếc tiền, các bạn đi du lịch đoàn hay làm hướng dẫn viên sẽ hiểu rõ cái này. Cứ mua hàng là chê mắc, vì làm ra ít tiền quá nên không có sự hào sảng phóng khoáng và sang trọng. Lo tranh đấu với công ty du lịch về mấy cái con con tiểu tiết nên không có tâm trí thưởng thức cảnh đẹp và văn hoá địa phương. Lúc đó toàn tức tối "tao phải làm cho nó dẹp tiệm", đăng đàn bắt bạn bè chia sẻ khắp cho nó biết mặt, mất uy tín cho nó sợ, với danh nghĩa là "không để người khác tốn tiền như mình". Phải mất chục năm sau, khi đầu óc trưởng thành, mình mới tiếc nuối là đã từng ngốc nghếch và vớ vẩn. Chính mình đã phá hỏng những "khoảnh khắc 4h" của cuộc đời mình. Gửi bạn bè xem hình đi du lịch, cái nào mặt mũi cũng xấu xí, nhăn nhó. 


2. Có lần mình thử đi 1 tour ở châu Âu với khách Âu, chỉ có mình và 1 gia đình người Việt kia, thấy khác hẳn. Máy bay delay, họ lấy sách ra đọc. Tài xế đi sai đường, họ nói wow, nhờ đi sai mà tao thấy được nhiều cái hay và lạ trên đường, tao rất thích. Đồ ăn không hợp khẩu vị, họ nói để tao challenge, cả nhà cùng nhau thử thách ai ăn hết được 10 điểm, cười vui rộn ràng. Đi cơ quan công quyền ở đâu cũng quan liêu hết, thấy cô nhân viên hành chính nhăn nhó, quay qua bảo nhau "chắc hôm nay cô ấy đèn đỏ, đau bụng nên thông cảm, hỏi thăm giúp cô ấy vui vẻ lên đi". Họ luôn miệng xin lỗi, cám ơn, chúc 1 ngày vui vẻ, tôn trọng cảm xúc của nhau để giúp nhau có được "1 good day". Họ giải thích mọi thứ theo hướng tích cực, nên tự động có chất lượng cuộc sống rất tốt. Riêng gia đình người Việt trong đoàn thì khác. Bà vợ quên cái kính mát ở khách sạn, mà hôm đó đi biển, lớn tiếng chửi chồng sao không nhắc em. Ông chồng, lúc lấy điện thoại ra chụp cảnh thì thấy hết pin do thằng con chơi game, ông liền chửi thằng con. Group viber để mọi người chia sẻ ảnh đẹp lên đó thì thấy mỗi gia đình họ là post ý kiến chê bai đủ thứ lên đó, 30 người còn lại ái ngại vô cùng, không rõ vì sao mà cái "ego" của họ lớn đến vậy, cố gắng "show off" là mình cao cấp hơn, đến độ anh hướng dẫn nói họ là "they are the king and the queen of complaints, vua và nữ hoàng phàn nàn". Món ăn nào họ cũng chê là nhạt nhẽo, ly này ngọt quá, ly kia sao lại không có đường ai uống cho vô....và bà mẹ luôn gào thét vì bắt thằng con phải thế này thế kia cho đúng ý. Mấy người Tây nhún vai nói, bà mẹ châu Á luôn là a shouting mom, tức bà mẹ hay la. Cũng chương trình du lịch y chang nhau, người xem là thiên đường để enjoy, người tự biến thành địa ngục để đày đoạ, to tiếng.


Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải đi áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối sẽ được xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Nắng nóng gay gắt là cơ hội để tiêu diệt mọi mầm vi khuẩn vi rút và nấm bệnh trong không khí, có tiền mua điều hoà sẽ thoải mái, không có thì cố làm cho có tiền để mua. Sau lũ lụt, phù sa sẽ màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác (do mình nghĩ vậy thôi chứ chưa chắc đó là lỗi lầm của người khác), thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều, vì sự thoải mái của mình trước đã.


Trong từ Hán Việt, "nguy cơ" bao gồm nguy và cơ. Với người có tư duy tích cực, nguy (problem) họ sẽ biến thành cơ (opportunity). Người tích cực sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình, không để ý cái nhỏ, cái tôi hạ rất thấp, thích nghi lại rất cao nên có thành tựu rực rỡ. Mở miệng ra là thốt lời hay ý đẹp, luôn khen, nếu không nói lời tử tế được cho nhau thì họ im lặng. Còn người tiêu cực, có thể họ có tiền, nhưng họ không bao giờ có 1 cuộc sống chất lượng và có thành tựu lớn, vì cảm xúc tiêu cực đã chiếm hết quỹ thời gian trong đời họ.


Với 1 cốc nước, có người nhìn thấy "nước chỉ còn 1 nửa", và uống với cảm giác chán chường. Có người sẽ thấy "ối, còn tới cả nửa ly nước" và uống với tâm trạng vui vẻ. Cũng nhiêu ml nước đó vào cơ thể, nhưng 2 tâm trạng khác nhau.

Bạn có thoát được văn hoá phàn nàn và tiêu cực để thưởng thức cuộc sống không? Hay vẫn để tiền bạc chiếm hết tâm trí và lúc nào cũng khó chịu nhăn nhó, làm mình làm mẩy, thượng đế phải được thế này thế kia. Nếu vậy thì bạn quan trọng giá cả hơn giá trị, và tự làm hỏng quỹ thời gian cuộc đời mình!

Người có chỉ số hạnh phúc cao sẽ nhìn mọi thứ ở góc độ khác nhau. Nếu ông khách Thuỵ Điển là 10 điểm ở chỉ số hạnh phúc, vậy bạn tự cho mình là bao nhiêu ?


Le VanQuy 

100 – 1 = 0: Đạo Lý Không Phải Ai Cũng Hiểu Được


Vị hòa thượng già viết lên giấy 4 phép tính:

2+2=44+4=88+8=169+9=19

Ngay lập tức, các đệ tử nhao nhao lên:

"Thầy ơi, thầy tính sai một phép tính rồi."

Vị hòa thượng già ngẩng đầu lên, chậm rãi nói: "Đúng thế, mọi người đều nhìn thấy rất rõ, phép tính này ta đã tính sai rồi. Nhưng 3 phép tính trước tính đúng, tại sao không có một ai khen ta mà chỉ nhìn thấy và lập tức chỉ ra phép tính sai của ta?"

ĐẠO LÝ 100 - 1 = 0

Làm người cũng vậy, khi bạn đối xử tử tế với người khác 10 lần, họ có thể cũng chẳng nhớ, nhưng chỉ 1 lần bạn làm họ phật ý, họ sẽ nhớ rất lâu và có thể phủ nhận hoàn toàn những điều tốt đẹp mà bạn dành cho họ. Đó chính là đạo lý 100 – 1 = 0.

Người xưa có câu: Cho một bát gạo thành ân nhân, cho một bao gạo thành kẻ thù. Có những người đã quen với việc được cho mà dễ dàng quên ơn huệ. Không phải ai ai cũng hiểu được hai chữ "lương tâm"!
Cho dù bạn sở hữu cả chục cái tốt cái hay nhưng chỉ cần có một cái không tốt, nó sẽ là cái cớ để xóa sạch sẽ mọi cố gắng nỗ lực của bạn. Cho dù bạn dốc hết tâm huyết ra vì người khác, nhưng chỉ một việc không đúng, bạn sẽ trở thành tội đồ trong mắt họ.

Trong cuộc sống này có một số người, bạn giúp họ cả trăm lần họ không có được một lời cảm ơn. Nhưng chỉ một lần không giúp, họ quay ra hận bạn. Bao nhiêu cố gắng nỗ lực bỏ ra vì người khác, thứ bạn nhận lại được không phải là sự chân thành mà chỉ là nỗi cay đắng.

Vì thế cần nhớ:

1. Làm người, rộng rãi cũng được nhưng cần rộng rãi với đúng người – những người biết tri ân báo đáp, nếu không, tấm lòng của bạn sẽ trở nên lãng phí.

2. Làm người, lương thiện cũng được, nhưng cần lương thiện với những người thấu tình đạt lý, nếu không bạn sẽ phí hoài tấm thịnh tình.

3. Làm người, bao dung cũng được, nhưng cần bao dung với người có tâm có đức, nếu không sự nhẫn nhịn chịu đựng sẽ trở nên vô nghĩa.

Nếu không, khi chúng ta vô tư bỏ công sức ra giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ chỉ nhận lại tổn thương, thậm chí là tai họa.

4. Làm người, ngốc nghếch không phải là tật xấu, không giả dối là được; không thông minh cũng chẳng sao, không xấu xa là được; giàu hay nghèo không thành vấn đề, miễn sao biết cách cho đi là được.

Đời người cũng như một cuộc làm ăn vậy, bỏ ra công sức nhưng chưa chắc đã thu lại được kết quả tốt đẹp như mong muốn.

5. Làm người, quá lương thiện sẽ bị người khác bắt nạt, đối xử quá tốt với người khác rồi sẽ có ngày họ cho rằng đó là điều nghiễm nhiên; quá ngô nghê sẽ bị người khác cho là ngu ngốc, quá rộng rãi sẽ bị người khác lợi dụng.

Xưa nay, đã có quá nhiều câu chuyện thực tế đã chứng minh cho điều này. Trên đời, vẫn luôn tồn tại những kẻ không có lòng biết ơn, vong ân bội nghĩa.

Thế nên, trong các mối quan hệ giữa người với người, chúng ta cần tỉnh táo để nhận diện đối phương.

Kết bạn với một người quân tử sẽ có lợi cả đời, ngược lại, giao du với kẻ tiểu nhân, chúng ta sẽ bị kéo xuống hố sâu.

Và một khi đã là bạn, hãy đối xử tử tế, tôn trọng lẫn nhau, chỉ đơn giản vậy thôi cũng đã có thể xây dựng nên một tấm chân tình bền vững!


Theo Hatgiongtamhon

Tâm Tình - Hàn Thiên Lương

Nhớ về quê mẹ đau lòng lắm

Giấc ngủ từng đêm chẳng được tròn

Nghiêng gối mắt sầu luôn đẫm lệ

Xa nhà xa nước thật cô đơn !

 

Cố nhân chắc cũng đau lòng nước

Cũng nhớ về xa tóc bạc màu

Ao ướ cnhiều đâu làm chi được

Ngẩn ngơ sầu!- chờ đợi bao lâu! ?

 

Bạn bè tội nghiệp đi gần hết

Kẻ còn ở lại cũng suy tàn

Tính tuổi thời gian nay đã cạn

Đường xa từng bước rất gian nan!

 

Quê hương ta mãi còn nhớ lắm

Dẫu kiếp lưu vong vẫn trọn lòng

Tim hồng vẫn rõ tình quê mẹ

Lòng luôn trăn trở chuyện non sông!

 

Xin tạ lỗi Người và Non Nước

Thất thế nên đành chịu dở dang

Sự nghiệp trao vào tay con cháu

“Anh Hùng Hậu Duệ” nước bình an !


30-7-2023

Hàn Thiên Lương

Sunday, July 30, 2023

Ai Khổ Hơn Ai? - Việt Dương Nhân

 

Hai gia đình, Lý Trọng Nhân và Trương Độ Lượng, trước kia là tình bạn thâm giao. Nay thì kết tình sui gia thắm thiết. Họ thuộc thành phần tư chức bậc trung trung, làm việc cho ngân hàng Sàigòn, tại góc hai đại lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi.

Lý Trọng Nghĩa và Trương Hải Hà là con của hai gia đình trên. Đôi vợ chồng trẻ yêu nhau tha thiết, đã cưới nhau được 3 năm mà vẫn chưa có đứa con nào, thì biến cố 30/4/1975 xẩy ra. Cha mẹ hai bên đều thúc giục con chạy xuống tàu... vượt biển. Một thời gian ngắn ở trên đảo... Rồi được nước Pháp cho tỵ nạn cộng sản, tạm cư ở vùng Normandie (Le Havre) vào đầu năm 1976. Trình độ học vấn của Trọng Nghĩa tới tú tài đôi chương trình Pháp.

Sau mấy tháng ở trong trại tỵ nạn... Hai vợ chồng Trọng Nghĩa được một gia đình bà con bảo đảm lãnh lên Paris. Vì họ đã từng đi du học trong thập niên 1960, rồi lập nghiệp luôn trong khu La Tinh quận 5. Sau khi lo giấy tờ hợp lệ xong, Trọng Nghĩa ghi tên vào trường... học ngành chuyên viên điện tử (informatique), do chánh phủ Pháp đài thọ và trợ cấp chút ít tiền. Ban ngày Trọng Nghĩa đi học, ban đêm cậu đi làm nhân viên soát vé cho những rạp xi nê ở khu Montparnasse. Còn Hải Hà thì đi học pháp văn...

4 năm sau, Trọng Nghĩa lấy được bằng cấp... tương đương kỹ sư. Và đi làm cho hãng “IBM” ngoại ô Paris, gần Porte de Maillot... Lương bổng khá cao. Bấy giờ hai vợ chồng mướn nhà ra ở riêng trong quận 17 Paris cho gần sở làm.

Bao năm tháng, hai vợ chồng Trọng Nghĩa - Hải Hà sống trong hạnh phúc tuyệt vời... Nhưng vẫn không có con!

Đầu mùa xuân Paris, năm 19... mà khí hậu có hôm vẫn còn lạnh buốt.Tuy vậy, hai bên lề đường đã có những cây ngô đồng lú nhú đâm chồi nẩy đọt...

Hải Hà nhìn đồng hồ đã hơn 20 giờ đêm mà chưa thấy chồng về, trong lòng hơi lo lo. Bất chợt tiếng chìa khóa mở cửa... Hải Hà vui lên, biết ý chồng mình thường thích uống sirô bạc hà pha với nước suối “Vittel” khi về đến nhà. Nàng bưng ly nước màu xanh xanh để trên salon, miệng tươi cười, hỏi chồng:

- Chắc trong hãng có nhiều việc lắm, nên anh về trễ hơn mọi hôm phải không anh?

Trọng Nghĩa nhìn vợ và cười cười, đưa tay kéo Hải Hà ngồi bên cạnh, vuốt tóc nàng và nói nhỏ nhẹ:

- Có chút vấn đề thôi. Anh xin lỗi em. Anh để cho em đợi. Vì anh không điện thoại về cho em hay.

Hải Hà đưa tay bụm miệng Trọng Nghĩa và ngả đầu vào ngực chàng:

- Em nào có bắt lỗi anh đâu. Nhưng lần sau, anh nhớ nhín chút thì giờ gọi điện thoại về nhà cho em hay là đủ rồi. Thấy anh về trễ, em hơi lo thôi.

Trọng Nghĩa ôm vợ và siết chặt vào lòng, nói:

- Rồi, anh hứa sẽ không để em chờ đợi và lo âu nữa.

Chàng hôn vợ thật mạnh:

- Nè, đền một cái, đền thêm cái nữa chịu hôn?

Hải Hà cười sung sướng, rồi đứng lên đi ra sau bếp dọn cơm... Trong khi ăn cơm, Trọng Nghĩa nhìn vợ, lòng cảm thấy ray rức và tự hối: “Giây phút “con lợn lòng” nổi lên, mình không kềm chế được. Mình đã lỡ có con với Thùy Duyên rồi. Mình đâu có yêu nàng bằng yêu Hải Hà. Nhưng mình phải ráng cố gắng giữ kín không cho Hải Hà biết. Và mình cũng phải dàn xếp với Thùy Duyên, cho nàng tự biết nàng là kẻ đến sau. Bé Trọng Hậu mới chào đời mà đã gặp cảnh trái ngang rồi. Thật tội nghiệp cho cả 3 người. Trời ơi! Tội lỗi này là do chính tôi gây ra...” 

Hải Hà thấy chồng đang suy tư, nàng đưa ánh mắt hồn nhiên, hỏi chồng:

- Bộ trong hãng có chuyện gì quan trọng phải không anh?

Trọng Nghĩa làm tĩnh:

- Thì em cũng biết mà. Việc làm trong sở đôi khi cũng phức tạp, rắc rối với các nhân viên dưới quyền anh. Anh... anh phải ở lại họp.

- Vậy thì anh đổi hãng khác đi!

- Anh nghĩ, đi đâu cũng vậy thôi. Bộ em thấy anh lo hả?

- Dạ!

Năm tháng trôi qua, nay bé Trọng Hậu được 5 tuổi. Một hôm Thùy Duyên chịu hết nổi cảnh không chồng mà có con. Nàng điện thoại hẹn với Trọng Nghĩa đến hãng ăn cơm trưa. Vừa ăn xong, Thùy Duyên đưa ra điều kiện:

- Anh mà không ly dị với vợ anh thì em sẽ bồng con đi biệt tích.

Trọng Nghĩa nghe Thùy Duyên nói thế, chàng nghe lòng đau như dao cắt ruột. Với bản chất đầy nhân hậu, cứng rắn và cương trực, nhưng vì một phút yếu lòng nên bị Thùy Duyên gài bẩy cho dính có con, bây giờ đứng trước một hoàn cảnh khó xử. Trọng Nghĩa nhìn thẳng vào mắt Thùy Duyên, nghiêm trang hỏi:

- Tại sao hôm nay em lại đổi ý vậy? Anh đã nói với em nhiều lần rồi, là anh không bao giờ bỏ vợ anh được. Hải Hà là kẻ vô tội. Anh yêu nàng cũng như anh yêu em. Chính anh là kẻ có tội đây. Tội nghiệp nhứt là bé Trọng Hậu. Anh lo cho em và con đầy đủ mà.

Trọng Nghĩa ôm ngực và thở ra, nói tiếp:

- Cũng may là Hải Hà hiền lành và ngây thơ. Nàng không hề để ý hay kiểm soát tiền bạc trong công băng. Anh mong em giữ lời hứa như buổi ban đầu đi.

Thùy Duyên không quên lời mình đã hứa. Nhưng vì quá cô đơn và đôi khi lửa ghen (ngược) không dập tắt được. Thùy Duyên ngồi khóc cho qua cơn đau khổ. Nàng chậm nước mắt, rồi gật đầu:

- Vâng! Em xin lỗi anh. Em cố gắng giữ lời hứa.

Trọng Nghĩa nắm tay Thùy Duyên:

- Anh mang ơn em nhiều thứ; em đã giữ gìn sự bình yên cho Hải Hà bao năm nay, và lo cho con chu đáo... Thôi, đến giờ anh vô sở, em về đi nha!

Thùy Duyên gạt lệ ra về, trong lòng mang bao nỗi niềm chua xót...

Đầu thập niên 1990, Trọng Nghĩa lo giấy tờ cho cha mẹ đoàn tụ sang Paris sống chung với vợ chồng chàng. Vài năm sau, buổi trưa đang làm việc trong hãng, bỗng nhiên Trọng Nghĩa lên cơn đau tim, chàng ngất xỉu, xe cứu cấp chở vô nhà thương... Sau đó được chữa khỏi. Trong những ngày nằm bệnh viện... Chàng cảm thấy mình bị nỗi sầu u uẩn, chẳng biết cùng ai để mà tâm sự? Chàng ra khỏi bệnh viện nằm nhà dưỡng sức. Rồi một ngày thứ 7 đẹp trời, Hải Hà, vợ chàng được chị bạn tên Thương rủ đi dạo phố. Nhân dịp ấy, Trọng Nghĩa mời cha mẹ đi dùng cơm trưa ở một nhà hàng Tây ngoài khu phố Opéra để chàng tâm sự. Bữa cơm Tây soàn soàn vừa xong, họ đi ra cà phê “La Paix” ngồi ngắm những người bộ hành qua lại. Trọng Nghĩa thấy cha mẹ đang vui vẻ, chàng lưỡng lự, rồi mở lời:

- Ba má à! Con có tâm sự riêng, muốn nói cho ba má biết.

Ông bà Lý Trọng Nhân rất ngạc nhiên nhìn con, ông Nhân hỏi nhanh:

- Cái gì? Con có tâm sự riêng tư hả?

Bà Nhân cũng tiếp:

- Tâm sự gì? Hãy nói cho ba má nghe đi, chứ đừng để trong lòng mà sanh bệnh đó!

Bà Trọng Nhân nghi ngờ, nghĩ: “Chết rồi! Chắc vợ nó có mèo chuột gì đây?”. 

Bà nóng ruột quay sang khều vai con:

- Con nói đi. Nói cho ba má nghe coi!

Trọng Nghĩa cố trấn an tinh thần và nói:

- Con... con có một đứa con rơi!

Hai ông bà Trọng Nhân giựt mình. Ông Nhân hỏi:

- Trời ơi! Con có con rơi? Mà trai hay gái, mấy tuổi, tên gì? Hiện giờ ở đâu?

- Dạ, con trai, tên Trọng Hậu. Nay, cũng được hơn 10 tuổi rồi ba má à! Mẹ con của bé Hậu ở ngoài Nanterre.

Bà Nhân hỏi nhanh:

- Rồi, vợ con có hay biết chuyện này không?

- Dạ, không.

Ông Trọng Nhân trách con:

- Trời ơi! Con tạo ra cảnh khổ tùm lum rồi! Vợ con là con nhà tử tế, đẹp và hiền lành mà con còn đèo bồng chi cho rối rắm vậy Nghĩa?

Trọng Nghĩa ngồi im lặng. Bà Nhân thấy con bị cha rầy, bà liền đỡ lời cho con trai cưng:

- Thôi ông à! Ông nhẹ lời với con một chút đi. Cái gì cũng do số trời và định mệnh khiến xui mà ông.

- Con biết con có lỗi má à!

Ông Trọng Nhân lắc đầu, than thở:

- Mấy đời trong giòng họ Lý Trọng chưa có ai lầm lỗi mấy chuyện này! Mặc dù, ngày xưa ông nội con (Lý Trọng Từ) làm tới Quan Huyện mà chẳng hề có vợ bé, vợ mọn gì hết. Nay tại sao con phạm lỗi chứ?

Bà Nhân lấy tay vuốt vai chồng:

- Ông! Sao ông cứ trách con mình hoài vậy?

Ông Trọng Nhân có vẻ giận dữ:

- Hứ! Phải còn ở bên nhà là tui bảo nó lên ván cúi xuống cho tui đánh 10 roi rồi. Thiệt, tui thật xấu hổ với vong hồn vợ chồng anh Trương Độ Lượng quá đi. Nếu ông bà ấy mà còn sống chắc tui phải quỳ lạy xin lỗi họ rồi đó.

Trọng Nghĩa chẳng dám nói gì thêm. Bà Trọng Nhân an ủi con:

- Chuyện đã dĩ lỡ rồi, con đừng suy nghĩ nhiều mà bệnh tim của con tái phát là khổ hết cả đám nghe con!

Ông Trọng Nhân nghe vợ nhắc đến bệnh tình của con, ông liền nhẹ giọng:

- Ba nghe chuyện của con bất ngờ quá, nên ba bị sốc chút thôi. Ba nói vậy, chứ ba không có trách hờn gì con đâu. Con đừng lo nghĩ nhiều mà hại sức khỏe. Mọi sự, ba má để cho con dàn xếp. Ba mong sao giữa con và Hải Hà được hạnh phúc êm đềm. Nhứt là đừng để cho vợ con hay biết chuyện này... Ý cha! Thật tội nghiệp cho Hải Hà, con dâu thảo của ba má, và vợ ngoan hiền của con! Rồi thằng cháu nội của ba má phải chịu lênh đênh trên đời này! Thiệt là khổ!

Trọng Nghĩa thở ra:

- Con rất cảm ơn ba má đã thông cảm và cho phép con nói ra hết. Con thấy lòng con được nhẹ bớt phần nào rồi.

Bà Nhân nghe lòng nôn nao, muốn gặp cháu nội đích tôn, bà hỏi dò:

- Nè, hôm nào có dịp, dẫn cho ba má thấy mặt cháu nội coi nha con?

Trọng Nghĩa lắc đầu:

- Chưa được đâu ba má à!

Ông Trọng Nhân thấy con trai mình buồn vì đang gặp tình cảnh trái ngang, ông an ủi con:

- Không sao. Chừng nào con cảm thấy được thì cho ba má gặp. Nhưng nhứt định là phải giấu kín với vợ con nha.

- Dạ, con cảm ơn ba. Thôi, mình về đi ba má!

Thắm thoát thời gian bay vèo qua bao năm, tháng. Hầu hết tất cả người Việt tỵ nạn được an cư lạc nghiệp trên đất Pháp. Cha mẹ Trọng Nghĩa đã khá già và lần lượt qua đời. Trọng Nghĩa - Hải Hà vẫn sống trong hạnh phúc êm đềm.

Vừa bước qua thiên niên kỷ thứ ba. Vào đầu xuân... Trọng Nghĩa bị bệnh đau tim trở lại. Lần này thì các bác sĩ đành bó tay. Chàng trút hơi thở cuối cùng vào một chiều xuân u ám và đầy mưa gió. Sau khi đám tang và hỏa thiêu hài cốt Trọng Nghĩa xong, Hải Hà ôm bình tro về nhà thờ phụng cho ấm lòng. Nàng thương tiếc người chồng bao năm mặn nồng thắm thiết. Đôi mắt nàng hay ướm lệ, và hằng ngày thường nhìn ảnh chồng trên bàn thờ, miệng thì thầm:“Suốt 30 năm, anh là người chồng chung thủy và thương yêu chỉ có một mình em. Nay anh nỡ bỏ em mà ra đi sớm. Nhưng trong tim em luôn luôn có hình bóng anh, như ngày anh còn sống. Em yêu anh mãi mãi. Và cảm ơn anh đã cho em những năm tháng hạnh phúc tuyệt vời...”. 

Nhưng than ôi! Nghiệt ngã, oái oăm đưa đến với người đàn bà hiền lành vô tội này...

Một buổi sáng đầu mùa hè, nắng vàng lóng lánh trên cỏ cây hoa lá, Hải Hà dẫn con chó nhỏ tên Vicky xuống nhà cho tiểu tiện. Nàng đi tà tà đến mở hộp thư, thấy có phong thư hơi dầy. Nàng gọi Vicky và dắt trở lên nhà nhanh để mở thư ra đọc. Vừa mở thư thì có vài tấm ảnh rớt ra. Nàng nhìn sơ và để qua một bên mà lo đọc lá thư:

Nanterre, ngày... tháng... năm...

Thưa bà Lý Trọng Nghĩa,

Tôi tên là Lê Thị Thùy Duyên, mẹ của Lê Trọng Hậu. Trọng Hậu là con trai của Lý Trọng Nghĩa và tôi. Nay, Trọng Hậu được 18 tuổi. Hậu được biết cha nó đã qua đời mấy tháng nay (...). Trọng Hậu nhờ tôi xin bà trao lại bình tro của cha nó để nó thờ phụng sau này (...). Kèm theo đây mấy tấm ảnh để chứng minh là sự thật. Mong bà không nỡ từ chối...

Kính chào bà

Lê Thị Thùy Duyên

Hải Hà vừa đọc xong thư và lấy mấy tấm ảnh nhìn xem, chợt thấy Trọng Nghĩa chụp chung với một cậu thanh niên giống y hệt chàng. Và một tấm chụp chung có người đàn bà xa lạ. Tay chân Hải Hà bủn rủn run lên, nước mắt tuôn trào nghẹn ngào muốn ngất xỉu. Nàng như kẻ chết ngồi. Mấy phút sau, nàng chợt nghĩ đến chị bạn tên Thương là người bạn thân nhứt đời. Hải Hà liền gọi điện thoại... Bà Thương, nay đã trên 60 tuổi, không còn đi làm việc gì nữa mà chỉ ở nhà lo việc tu tâm, đọc sách thôi. Bà xin được một phòng nho nhỏ trong chung cư bình dân “HLM” ở gần Porte d’Italie quận 13 Paris. Buổi sáng bà hay nghe Kinh kệ. Tiếng mõ chuông cóc cóc, beng beng... Thì tiếng chuông điện thoại reo vang, bà liền với tay tắt máy casette, rồi đi từ từ đến nhấc điện thoại, nói một giọng trầm tĩnh:

- A lô! Tôi nghe đây!

Tiếng nấc nghẹn ngào của Hải Hà bên đầu dây:

- Em đây, chị Thương ơi! Cứu em, chị Thương ơi!

- Hải Hà đó hả? Từ từ, chuyện đâu còn có đó. Hãy nói cho chị nghe đi.

Hải Hà cứ khóc, chớ không nói được gì. Bà Thương vẫn giữ giọng cũ:

- Em bị gì vậy Hà? Hay là để chị chạy tới nhà em?

- Dạ, chị tới nhà em liền đi. Em khổ quá chị ơi! Chắc em chết mất chị ơi!

- Bình tĩnh, bình tĩnh. Nè, nghe lời chị, em rót một ly nước mát uống liền đi. Chị thay đồ xong là xuống Mê trô đến nhà em liền. Chắc cỡ chừng 45 phút chị sẽ tới đó. Chờ chị, chớ đừng có đi đâu nghe hôn!

- Dạ, em đợi chị.

Trong khi nóng ruột chờ đợi bà Thương đến với mình, Hải Hà nhìn lên bàn thờ thấy ảnh của Trọng Nghĩa nhìn nàng như đang van xin, cầu khẩn vợ tha thứ... Hải Hà đứng dậy với tay lật úp tấm hình chồng cho khỏi thấy mặt. Vì trong lòng nàng đang ghen tức và đau khổ tột cùng. Thật, giữa đời ai học được chữ ngờ đây? Người đời, khi có xẩy ra chuyện như trên thì thường hay nói để tự an ủi cho đỡ cơn tức giận: “Ối, ở đời muôn sự của chung mà hơi đâu dành giựt!”... Hoặc: “Tiếc chi một nãy chuối xanh, năm bảy người dành cho mủ dính tay...”. Nói thì dễ lắm, nhưng thực hành có nổi không đây? Bởi chúng ta, ai ai cũng là Người Ta, Tham Sân Si dày đặc trong tâm, chớ có phải Thánh Thần gì đâu! Nhưng đôi khi cũng có người được thoát ra ngã tăm tối ấy. Nhờ có tâm hồn rộng lượng, bao dung, tha thứ...?!

Tiếng nhận chuông làm con Vicky sủa rân lên, Hải Hà ra mở cửa. Vừa thấy bà Thương là nàng xỉu trong tay bà. Bà Thương dìu Hải Hà vào salon, giựt tóc và rải nước lên mặt nàng. Vài phút sau, Hải Hà tỉnh dậy, ôm bà Thương mà khóc nức nỡ. Bà Thương vuốt tóc Hải Hà và bằng một giọng trìu mến thương yêu:

- Em của chị, hãy bình tĩnh nói cho chị nghe chuyện gì làm em như thế này?

Hải Hà nhìn bà Thương với ánh mắt long lanh đầy lệ rồi lấy tay chỉ:

- Kia kìa, chị hãy đọc thư và xem mấy tấm hình đi.

Bà Thương làm theo lời của Hải Hà. Bà với tay lấy thư đọc từ từ và xem mấy tấm hình. Bà thở ra, nói chậm rải:

- Đời là thế đó em à! Thôi, để từ từ mình sẽ giải quyết. Bây giờ hai chị em mình đi ra ngoài ăn cơm nha!

- Làm sao em ăn nổi chị?

- Phải đi ra ngoài để nhìn thấy trời đất bao la, rồi mới tìm được những ý nghĩ hay ho để giải quyết chuyện này.

- Giải quyết làm sao đây chị?

- Thì đi với chị đi.

Hải Hà lưỡng lự, rồi gật đầu:

- Em nghe lời chị. Em chỉ còn có chị thương em thôi. Chớ người đời, sao em sợ quá rồi chị ơi!

- Em tin và thương chị mà nói vậy. Chớ ngoài đời cũng còn lắm kẻ hiền. Em đừng có quá bi quan. Thôi, mình đi. Chị nghe đói bụng rồi!

Bà Thương ở lại với Hải Hà mấy ngày liền để an ủi và giảng giải nhiều điều của kiếp con người cho nàng nghe. Bà thấy Hải Hà bớt khóc, bà giảng tiếp:

- Em cứ xem là chồng em chung thủy và luôn luôn yêu chỉ một mình em đi. “Mía sâu có khúc, nhà dột có nơi”. Mía sâu khúc nào là mình chặt bỏ, giữ lại khúc mía tốt. Còn nhà dột nơi nào thì tránh né hoặc che đậy lại. Không lẽ nhà dột một chỗ rồi mình xô cho sập cả cái nhà sao?... Còn chuyện này, nay cậu Trọng Nghĩa đã mất rồi, xem hủ tro kia như là cát bụi, đưa cho họ quách cho rồi. Em chỉ giữ lại kỷ niệm trong 30 năm hạnh phúc đến ngày cậu Trọng Nghĩa chết. Còn bây giờ...

Hải Hà cướp lời bà Thương, nàng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:

- Còn bây giờ, em thù ghét ảnh lắm. Em thù ghét ảnh lắm chị ơi!

Bà Thương vẫn một giọng dịu dàng:

- Chị biết mà. Hễ thương yêu nhiều là thù ghét nhiều hà! Nhưng chị hiểu tâm tánh của em. Em rất từ tâm rộng lượng. Em thường nói là, em thương hết thế gian, ai ai cũng thấy dễ thương mà! Nay, vì chuyện riêng tư gia đình mà làm tâm hồn em trở nên thù hận. Theo chị thấy, em chỉ giận nhứt thời thôi. Chớ tánh em đâu phải như vậy!

Bà Thương chích được vào tâm của Hải Hà, làm lòng nàng vơi đi phần nào tức giận. Ánh mắt Hải Hà hơi sáng lên và nói:

- Em cảm ơn chị đã nhắc nhỡ em. Em thấy đỡ nhiều rồi chị Thương ơi!

- Vậy là em bớt thù chồng rồi hén? Bây giờ chị đề nghị với em chuyện này. Nhưng cũng tùy ý em quyết định nha!

Hải Hà tươi tắn hơn chút và mìm cười:

- Đi ra ngoài đường nữa phải không?

Bà Thương nói giễu giễu:

- Hết ra ngoài đường rồi. Mà là ở trong nhà... hà hà...

Hải Hà nhướng mắt lên:

- Trong nhà! Làm gì trong nhà bây giờ đây chị?

- Em hết nghe nặng ngực, hết thù chồng rồi chưa? Nếu hết thì chị mới nói.

- Cái gì mà sao chị úp mở hoài vậy?

- Muốn biết ý kiến của chị thiệt hén? Chuẩn bị tinh thần nghe đây.

- Rồi, em chuẩn bị!

- Hôm nào em vui vẻ thật sự. Em viết thư mời hai mẹ con của cháu Trọng Hậu đến đây để giao hủ tro - cát bụi đó đi. Em nghĩ sao?

Nước mắt Hải Hà lại ướm đọng bờ mi, nàng nói:

- Hiện bây giờ thì em chưa muốn.

- Chớ em đợi chừng nào? Kìa, hình chồng của em, em úp xuống rồi. Chị ở đây mấy ngày mà có thấy em đốt nén nhang nào đâu!

Hải Hà nhìn lên bàn thờ quả thật như vậy. Nàng im lặng vài giây rồi nói:

- Tự nhiên em thấy hết thương ảnh rồi chị ơi!

- Em đừng nói vậy mà tội nghiệp cho vong hồn cậu. Chị biết, hoàn cảnh khó xử của cậu Trọng Nghĩa. Chắc cậu bị lương tâm cắn rứt dữ lắm. Cho nên mới bị đứt tim chết để trốn tránh nợ trần.

Ánh mắt bà Thương trở nên buồn. Bà nhìn ra cửa sổ, lắc đầu thở ra và nói tiếp:

- Thật ra, chị chưa biết Ai Khổ Hơn Ai?

Hải Hà nghe bà Thương nói, nàng liền đứng dậy với tay dựng hình chồng lên và đốt nhang khấn vái: “Em không còn giận hờn anh nữa. Em cầu cho anh sớm siêu thoát. Và em sẽ trao bình tro cho Trọng Hậu một ngày gần đây để anh được gần con. Vì trước sau gì em cũng theo anh. Hẹn anh trong cõi Hư vô”.

Bà Thương thấy Hải Hà xả bỏ những hờn ghen, tức giận. Bà nhìn trên gương mặt và ánh mắt của Hải Hà không còn chút phiền muộn. Bà nghe lòng nhẹ nhàng. Xem như bà đã làm được việc lành cho tha nhân. Từ đó, bà thường lui tới nhà Hải Hà và rủ nàng đi viếng những thắng cảnh lòng vòng gần thủ đô Paris, để biết thêm lịch sử của nước Pháp.

Hải Hà hứa với bà Thương là, nàng sẽ chờ đúng 1 năm, ngày Trọng Nghĩa lìa đời. Nàng sẽ mời Thùy Duyên và Trọng Hậu đến nhà để làm giỗ giáp năm cho Trọng Nghĩa. Và, nàng xả tang chồng đồng thời trao cho Trọng Hậu hủ tro để thờ phụng cha cậu sau này.


Việt Dương Nhân

Ngoại-ô Paris- Bên bờ sông Seine, Bạch-Am, ngày 13-08-2002

Học Cao Hiểu Hẹp - Alain Bảo


Anh họ tôi du học qua Tây Đức, theo diện quốc gia nghĩa tử vào những năm cuối cùng trước khi Miền Nam thất thủ, sau khi dượng tôi một sĩ quan cấp Tá, bị ám sát ngay trước vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu. Sau 1975, đại gia đình bên ngoại tôi phần lớn bị kẹt lại và sống một cuộc đời lê lết, ngục tù của những kẻ được mang danh là con cháu “Mỹ Ngụy”.

 

Ngày anh họ tôi về thăm đại gia đình từ Tây Đức vào những năm rất sớm sau “giải phóng”, anh có một dáng vẻ một khoa học gia, thật thà, với nước da trắng hồng và cặp mắt thật sáng của một người sống lâu năm tại xứ lạnh, khác hẳn với tôi, một thằng nhóc con đen đủi ốm nhom lòi xương, được hân hạnh sống dưới thiên đường xã hội chủ nghĩa và học tập dưới đỉnh cao trí tuệ trong thời gian tiểu học.

 

Có lẽ vì ra ngoại quốc du học quá lâu hay là vì quá yêu khoa học mà anh họ tôi rất ít biết về 2 từ “Cộng Sản”, một chủ nghĩa được sáng tạo ngay trên đất nước Đức, nơi đã đào tạo anh thành một tiến sĩ khoa học gia.

 

Chỉ vài năm sau, vì quá kinh hoàng trước cách đối xử và sinh sống của chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa, cả đại gia đình từng người một vượt biên, vượt biển và nhờ trời phật phù hộ, may mắn tất cả đều đến định cư rải rác các xứ sở tự do từ Châu Âu, Châu Úc, Mỹ và Canada.

 

Cuôc đời lắm chuyện tréo cẳng ngỗng, khó ai mà lường được, vào những năm cuối thập niên 90, anh họ tôi lại quyết định về giảng dạy tại trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội.

 

Ngày đó cũng là ngày dì tôi khóc sướt mướt, và quyết định sẽ không liên lạc với “thằng con trời đánh” nhưng lại là người con hiếu thảo đã tảo tần gửi viện trợ về giúp đỡ gia đình dì tôi vào những năm còn sống tại Việt Nam.

 

Rồi thời gian cũng qua đi, vì bận lo mưu sinh, kiếm cơm manh áo tại xứ người, đại gia đình tôi dần dần quên lãng có một người anh em bạn dì hiện là giáo sư từ Tây Đức về giảng dạy tại Việt Nam.

 

Những năm Las Vegas có Conference về computer và khoa học kỹ thuật, tôi lại gặp được anh họ tôi ngay tại thành phố nóng cháy và không bao giờ ngủ. Vì học chung ngành nên thường tôi có dịp được anh họ giảng dạy và trao đổi những dự án và phát minh về tin học cũng như toán học, mà anh đại diện cho Việt Nam trình bày tại những Conference này.

 

Ở Việt Nam, anh họ tôi thuê 1 căn nhà nhỏ tại Sài Gòn, và hàng ngày cắm cúi đạp xe lên trường giảng dạy, chiều tối về nhà cơm rau cháo muối đạm bạc một mình đơn côi, như một người xa lạ sống ngay trên quê hương.

 

Có lần trong dịp qua trường đại học ASU (Arizona State University) giảng dạy theo lời mời của Hoa Kỳ, tôi có vài lời khuyên anh hãy cẩn thận với thức ăn bên Việt Nam, vì dạo này tụi Tàu hay làm đồ giả, thức ăn độc hại pha chế và nhập cảng vào Việt Nam.

 

Anh họ tôi cho biết, nhu cầu ăn uống của anh rất đơn giản, ngoài ra anh có đóng bảo hiểm sức khoẻ cho Trường Đại Học Bách Khoa – nếu có bệnh tình hay chuyện gì xảy ra thì cũng đỡ lo, vì anh hiện sống ở Việt Nam dù là công dân Đức.

Đạp xe đi dạy, với ổ bánh mì.

 

Cuối năm 2013 đầu năm 2014, được tin anh bị đau gan nặng, và tất cả tiền bảo hiểm sức khoẻ của anh đóng tại trường Đại Học Bách Khoa đều bị ban giám hiệu của trường này giựt và đem ăn xài nhậu nhẹt.

 

Vì không về Đức thường xuyên để làm việc, cộng với số tiền lương khiêm nhường ít ỏi của nhà nước Cộng Sản, và anh đã trút hết tin tưởng vào số tiền bảo hiểm sức khoẻ khá lớn mà anh họ tôi đã đóng cho trường và bị mái trường xã hội chủ nghĩa cướp một cách trắng trợn. Anh họ tôi hoàn toàn không có khả năng chi phí những khoản tiền khổng lồ 1200 dollars, cho mỗi lần chữa trị bằng phóng xạ. Gia đình dì tôi bên Mỹ phải gom góp và gửi về tất cả chi phí cho bệnh viện.

 

Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến, vào cuối tháng 6 năm 2014, anh họ tôi trút hơi thở cuối cùng tại Việt Nam, không một người thân, không một họ hàng. Bệnh Viện đã quăng xác anh họ tôi vào nhà xác, chờ gia đình dì tôi từ Mỹ về nhận. Trường Bách Khoa (trên khu trường đua Phú Thọ cũ) thì im hơi lặng tiếng về hàng chục ngàn dollars chia chác từ tiền bảo hiểm sức khoẻ do anh tôi đóng hơn mười mấy năm.

 

Mãi tới ngày mai 30 tháng 6 năm 2014, thì anh họ tôi mới được người thân cấp tốc bay về từ Mỹ nhận xác. Xác anh họ tôi nằm trong bệnh viện cộng sản từ 21 tháng 6 đến chủ nhật 30 tháng 6, liệu có còn nguyên vẹn như lời hứa ướp xác của bệnh viện hay không và khi gia đình xin lãnh xác thì phải qua bao nhiêu thủ tục nhiêu khê, giấy tờ ban bệ lằng nhằng, cống nạp không biết bao nhiêu lệ phí để trót lọt.

 

Dù sao đi nữa, xin cầu chúc linh hồn anh được an lạc nơi cõi bên kia. Kính tưởng niệm hương hồn người anh họ, anh em bạn dì Lê Ngọc Minh – Giáo Sư Tiến Sỹ Khoa Học Gia trường Đại Học Stuttgart West Germany – Trường Đại Học Bách Khoa Sài Gòn !

 

Alain Bảo