Pages

Saturday, July 8, 2023

Bố Tôi - Hướng Dương


Ngày bố tôi  sắp về hưu, lúc ấy ông gần 65 tuổi, tôi thấy ông có thái độ lạ lùng,  không là con người ông vẫn là lúc trước. Ông đã thay đổi không những về tính nết  mà cả về cách cư xử và hành động. Nói cách khác, ông đã trở thành một con người  khác lạ trong gia đình. Ông càng ngày càng ít nói và cuối cùng gần như không còn  nói một câu nào suốt ngày, chỉ trả lời vắn tắt “có” hay “ không” khi chúng tôi  hỏi, và nhiều khi im lặng không trả lời khi câu hỏi bắt ông phải nói ra một câu  dài. Đối với mẹ tôi, ông càng không nói, chỉ lầm lầm lì lì. 

Ông vốn là  một người nóng tính, hay cau có gắt gỏng, hơi một tí là la hét um sùm. Bây giờ  ông chỉ suốt ngày yên lặng, không để ý tới ai, như thể ông chỉ còn sống cho mình  ông. Có lẽ vì ông không còn giao tiếp với mẹ tôi nhiều nữa nên ít còn cọ sát, ít  đụng chạm. Những vụ to tiếng thường xuyên đối với mẹ tôi đã mất hẳn, vì ông  không còn nói gì với bà nữa, ông chỉ còn là một sự hiện diện trong nhà, có cũng  như không. 

Ông cũng đã cả đời tỏ ra là một người khó tính, luôn luôn đòi hỏi sự  tuyệt mỹ, đòi hỏi cái tối đa, cái nhất, không hẳn là chỉ đối với mẹ tôi và chúng  tôi mà ngay cả đối với chính ông nữa. Ông ít khi bằng lòng liền với những công  việc chúng tôi làm, ông thường hay phê bình chỉ trích, đôi khi bắt chúng tôi sửa  hay làm lại. Chúng tôi thấy ở nơi ông một con người khó hợp với, khó sống cùng  vì thế! 


Nhưng ông lại là một con ngưòi nhiều  tình cảm, ông sống cả đời vì chúng tôi, ông thương chúng tôi hơn cả chính ông,  ông làm cái gì cũng vì người khác, kể cả những người không ruột thịt máu mủ.

Ông  lo lắng từng tí cho chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi đã trường thành và đã có  gia đình riêng. Ngày ông có các cháu nội, ông dành bao nhiêu thì giờ rảnh chơi  với chúng, đùa nghịch với chúng như một đứa bé con, ông cũng giỡn, cũng cười,  cũng chơi như chúng, coi chúng như những đứa bạn nhỏ của mình.

Ấy thế mà bỗng  nhiên ông đã thay đổi hoàn toàn, ông không còn thân thiết với ai trong nhà nữa.  Dường như ông chỉ còn sống cho bản thân ông, ông chỉ còn nghĩ đến ông, không còn  ai xung quanh ông là quan trọng nữa. Ngay cả các cháu nội, ông cũng không còn  bồng bế, nô đùa với chúng, ông đã quên chúng, ông không xa lánh nhưng không còn  gần gũi như xưa. 

Nhưng  cái khác lạ rõ ràng nhất là sự đối xử của ông đối với mẹ tôi. Ngày xưa ông  thương yêu mẹ tôi biết là chừng nào. Ông sống vì bà, ông cố gắng, hy sinh vì bà. 

Ông đã từng chăm sóc cho bà như chăm sóc cho một người tình, lúc nào cũng muốn  có bà bên cạnh. Nhưng mối tình nóng hổi ấy đã phai nhạt với năm tháng, một phần  bởi vì mẹ tôi không hiểu rằng có ông là một cái gì quí mà trời cho, bà luôn luôn  coi việc có ông như là một sự đương nhiên, bà không gây dựng hay tìm cách nuôi  dưỡng cho mối tình tiếp tục nẩy nở hay ít ra là không suy tàn.

Vì thế mà dần dần  giữa hai người không còn sự thắm thiết của thuở xưa nữa, không còn sự cảm thông,  sự hiểu biết nhau, không còn mối tương quan thắm thiết giữa hai người bạn đời,  trái lại chỉ còn sự cay đắng, sự chống đối, sự bất đồng, và có thể nói gần như  là sự hận thù. Vì vậy mà mẹ tôi coi sự thể ông đã thôi không giao tiếp với bà  nữa như là một điều may mắn, bà khỏi bận tâm, khỏi suy nghĩ, và nhất là khỏi  phải đối phó với những khó khăn mà, bà nói do ông gây ra. 

Sau ngày ông về hưu, ông lại còn lạ lụng hơn nữa. Ông  cứ suốt ngày ngồi trong phòng đọc sách, viết văn, hay suy tư. Ông hay ngồi hàng  giờ với một ly rượu và bao thuốc nghĩ ngợi, tôi không hiểu ông nghĩ gì, cái gì  làm cho ông bận tâm khi mà ông đã về hưởng tuổi già, khi đáng lý ra ông phải  được hưởng sự thanh thản của tâm hồn?

Tôi không dám hỏi ông, mặc dầu những lần  tôi về thăm nhà cùng đứa con ba tuổi, tôi không thấy ông vui, ông chỉ ra ôm đứa  cháu, hôn nó một cái rồi lại đi vào trong phòng riêng của ông.

Tôi có cảm tưởng  ông sống trong một thế giới cô lập của riêng ông, ông không còn màng tới những  gì xẩy ra bên ngoài căn phòng đó, ông đã bị lôi cuốn vào một thế giới của ảo  tưởng, của tiềm năng, ông sống với những mơ ước mà ông đã không thực hiện được  trong cuộc đời mình.

 Thế  rồi một hôm, khi không ai để ý đến ông, ông đã ra đi, ông đã biến mất để cho đến  khi đứa cháu nội vào gọi ông ra ăn cơm chiều thì cả nhà mới hay ông không còn ở  đó nữa, ông đã đi rồi.

Tôi vào trong phòng ông lục lọi xem ông có mang thứ gì  theo hay không, thì thấy ông chỉ đi người không, ông đã mặc bộ đồ khi ông còn đi  làm. Trên bàn có tờ giấy nhỏ xíu, trên đó ông viết: "Tôi đi rồi tôi sẽ về, không  có gì phải lo lắng cả. Đừng đi tìm tôi vô ích." 

 

Và đúng như lời ông dặn dò, chúng tôi không đi tìm ông. Mẹ tôi chẳng  tỏ vẻ lo lắng gì cả. Bà nói: 

 -Để cho bố chúng  mày đi chơi cho sướng cái thân. Ở với tao ông thấy khổ, tao cho ông ấy đi ở với  gái trẻ, đi chán ông ấy sẽ về! 

 Cái sai lầm ở  mẹ tôi là ở chỗ ấy. Bà nói cứ để cho bố tôi đi, nhưng rồi ở nhà ai lo công việc  trong nhà? Mặc dù bố tôi có vẻ bất thường nhưng ông vẫn là người quyết định mọi  việc, ông vẫn lo giải quyết những vấn đề khó khăn như vấn đề tiền bạc, vấn đề  sửa sang nhà cửa, và nhất là khi phải đối phó với người ngoài.

Nay ông đi rồi  thì mẹ tôi đâu có biết phải làm những công việc ấy? Tôi sẽ phải đứng ra thế ông,  nhưng nay tôi đã có gia đình riêng, tôi lo thân tôi chưa xong, nhiều khi còn  phải hỏi ý kiến bố tôi thì làm sao bây giờ? 

Vả lại có ông ở nhà thì mẹ tôi còn lo dọn dẹp nhà cửa, đi chợ đi búa  về làm cơm cho ông ăn. Nay ông đi vắng mẹ tôi, vốn dĩ lười, cứ để nhà bừa bộn,  không lau chùi nên nhà bếp nhà tắm bẩn như hủi.

Trong phòng ngủ quần áo mặc rồi  mẹ tôi chất đống, chẳng buồn treo lên mà cũng chẳng đem đi giặt. Phòng khách  phòng ăn ôi đủ thứ la liệt, sách báo, kẹo bánh, đồ dùng xài xong vẫn vứt đó,  chén trà, cốc nước uống xong không buồn dọn, có khi để đó vài ba ngày, một tuần. 

Đồ mua về vứt ngay cửa ra vào có khi cả mấy tuần không đem cất. Mỗi khi về  nhà thăm mẹ tôi, hai vợ chồng tôi phải dọn dẹp cho bớt ghê mắt, riêng tôi chỉ sợ  bố tôi về bất tử thì lại có chuyện. 

 Mẹ  tôi hay cãi lại ông làm ông nổi giận đập phá đùng đùng. Bà có tật hay dựng đứng  câu chuyện lên rồi đổ lên đầu bố tôi, làm cho bố tôi phát điên lên thì mới thôi.  Hơn nữa, mẹ tôi là dân Hà Đông, bà có cách nói xéo, làm người nghe rất khó chịu. 

Bố tôi ghét cái tính xấu đó của bà nhưng chẳng làm được gì. Bố tôi nói càng về  già mẹ tôi càng có nhiều hành động làm cho bố tôi bực bội.

Tối đến bà thức có  khi đến hai giờ sáng chỉ để ngồi xem báo hay xem truyền hình. Bố tôi dục đi ngủ  bà cứ lờ đi. Sáng ra bà không dậy nổi, bố tôi chuẩn bị bữa ăn sáng xong, bà cũng  chưa chịu dậy, đến khi bố tôi ăn xong bà mới ra ngồi ăn.

Cơm tối cũng vậy, mẹ  tôi đi làm tan sở không về liền, bố tôi chờ không được dành dọn cơm lên ngồi ăn,  ăn nửa chừng thì bà về. Bố tôi ăn xong đi nơi khác, mẹ tôi ngồi ăn, cả tiếng  đồng hồ sau vẫn chưa xong, bà cứ ngồi một mình chậm rãi ăn, lúc nào muốn thôi  thì thôi. 

 Nay bố tôi đi rồi thì mẹ tôi chẳng  còn đối tượng để mà chống đối nữa, bà dành toàn thì giờ đọc báo hay coi truyền  hình. Bà có thể ngồi đọc báo hoặc coi truyền hình hai ba tiếng đồng hồ, quên ăn  quên ngủ.

Tin tức gì bà cũng thuộc nằm lòng. Bà cứ kể đi kể lại những gì bà học  được, nhiều khi người nghe phải nhắc là bà đã nói hai ba lần rồi thì bà mới thôi  kể.

Bà cũng có thể ôm điện thoại nói chuyện với bạn bè hết giờ này sang giờ  khác. Còn nói đến việc đi mua bán thì có khi mẹ tôi đi không còn biết giờ về. Bà  đi đến đâu cũng xem hết thứ này đến thứ kia nhưng không mua, bà chỉ thích xem để  mà xem, để mà biết. Cái gì bán ở đâu bà đều biết, nói đến cái gì bà cũng  hay. 

 Có  một điều là mẹ tôi hay nói nhưng không bao giờ làm. Bà muốn cái gì thì cứ nói  lên cho bố tôi nghe, rồi nếu ông không làm thì bà than, bà trách. Bà nói bảo làm  không làm để bây giờ như thế này, như thế kia. Mà khi bà không bằng lòng một  chuyện gì thì bà cứ nói tới nói lui, có khi cả hai ba năm sau bà vẫn còn lôi  chuyện cũ ra mà nói. Bố tôi đến khổ vì bà, nhưng ông cho đó là vì bà già, bà  thay đổi tính nết, bà khó chịu cũng như tất cả những người đàn bà khác khi về  già. Khi bố tôi góp ý với bà thì bà nói với bố tôi: 

-Không  vừa ý thì đi tìm gái mười tám cho nó hầu hạ, để cho tôi yên thân. 

 Tôi không hiểu trong đầu bà nghĩ gì mà lại nói thế,  nhưng tôi biết bà cũng không sung sướng gì. Câu nói đó thể hiện một sự bất mản cùng cực.

Có một điều tôi thấy lạ là thay vì đạp đổ, tại sao bà không chịu có  một thái độ xây dựng? Tâm lý người đàn bà vào cái tuổi trên năm mươi hẳn là rất  phức tạp, tôi không hiểu được những biến chuyển sinh tâm lý xẩy ra nơi họ. Tôi  nghe nói là chính những người đàn bà đó cũng không hay biết rằng họ đã thay đổi,  họ đã khác xưa, và vì thế họ khăng cho rằng họ vẫn thế, lỗi là do những người  khác chứ không phải tại họ. 

 Tôi nghĩ bố tôi  đã chán cái cảnh cơm không ngọt canh không bùi, ông đã không chịu nổi cái uơng  ngạnh của mẹ tôi, ông muốn sống những ngày còn lại trong yên bình, và vì thế ông  đã rút lui vào cái thế giới của riêng ông, vào giữa bốn bức tường của căn phòng  làm việc mà xưa kia ông không thích vào.

Nhưng như thế cũng không mang lại cho  ông niềm sung sướng, vì ai sướng khi chỉ sống trong môi trường chết, môi trường im lìm, không tiếng nói, tiếng cười? Ai có thể ngày đêm chìm đắm trong sự u mê,  sự day dứt của nội tâm? Tôi biết ông đang bị giằng co giữa bổn phận và hạnh phúc  cá nhân. Ông đã không chịu ly dị vì còn con cái, còn các cháu của ông mà ông  thương yêu vô ngần. Mẹ tôi đã bao lần nói thẳng vào mặt ông:  

-Sao ông không ly dị tôi cái quách đi cho rồi? Để mà còn đi tìm gái  tơ mà hưởng đời chứ? Ông còn tiếc cái gì nữa? 

 Tôi không biết bà có thực sự muốn thế không, nhưng tôi thấy bố tôi  chỉ cắn răng lại để khỏi nói câu gì, vì tôi biết nếu đổ thêm dầu vào lửa tất nó  sẽ bùng lên và không còn cứu chữa được nữa.   

 Ngày  bố tôi ra đi, chúng tôi tưởng ông đi đâu chơi một hai ngày. Nhưng cả tháng trôi  qua chúng tôi không thấy về, tôi cũng hơi lo lắng. Tôi gọi điện thoại đến các  bác, các chú, bạn bè của ông thì không ai biết ông đi đâu, ông không hề thổ lộ kế hoạch của ông cho ai hết.

Họ cũng ngạc nhiên về hành động này và không ngờ bố  tôi lại có thể làm cái chuyện bất thường như thế. Nhưng tôi thì không ngạc nhiên  chút nào.

Ngày ông còn trẻ ông đã làm nhiều chuyện ngông cuồng. Đang đi làm yên  bình ở sở này, ông vì bất bình một chuyện gì, ông xin nghỉ và sang làm một sở  khác.

 Trong cuộc đời ông, ông đã thay đổi việc làm như chong chóng, ông đã không  làm một công việc gì quá năm năm. Ông tuyên bố làm lâu một nơi chán, ông thấy  cần thiết phải thay đổi.

May mà ông là người có chí, ông luôn luôn trau dồi kiến  thức, và ông có khả năng trí tuệ phi thường, không có một công việc gì mà ông  không làm cho bằng được.

Cuộc đời ông đã có những lúc khổ cùng cực, ông đã phải  làm những công việc nặng nhọc hay thật tầm thường để tạm sống. Ông có tinh thần  đấu tranh phi thường, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng cố vươn lên để thoát  khỏi sự cơ cực.

Ông rất tự hào về những thành quả ông gặt hái được trong cuộc  đời. Tất nhiên tôi rất hãnh diện về con người phấn đấu của ông, tôi rất muốn  giống ông và ông đã là gương sáng dẫn đường cho tôi đi. Chính vì tôi nhìn vào ông, noi gương ông, mà cũng đã thành công nhanh chóng và tiến lên trong sự nghiệp của mình. 

 Và như thế bố tôi đi đâu, không ai biết, cho đến một hôm chúng tôi nhận được một tấm thiệp ông gởi về đề  tên Bé Mai, đứa con gái đầu lòng của em tôi, sanh ra khi ông không có nhà. Tấm  thiệp mang những giòng chữ nắn nót của ông như sau:

  Cháu Mai thương yêu của Ông Nội, 

Ông rất tiếc khi  cháu ra đời ông không có mặt để bồng cháu ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Vì hoàn  cảnh đặc biệt ông không thể về ngay thăm cháu, nhưng khi nào ông về thì ông hứa  sẽ không quên có quà cho Bé Mai của ông. 

Ông hôn cháu và yêu  cháu vô cùng. 

 Nhìn con dấu bưu điện chúng tôi  ngạc nhiên thấy rằng ông đã gởi nó từ một tiểu bang xa xôi cách chúng tôi cả mấy ngàn dặm.

Thì ra ông đã quyết định ra đi thật xa, đi như thể đi trốn cái nơi đã  làm cho ông buồn khổ, đi để mà quên lãng, đi để không còn gì gắn bó với một dĩ  vãng đau thương. 

Thành phố ông đang ở cũng là  một thành phố lớn, nơi đó cũng có nhiều ngưới Việt sinh sống. Tôi chưa bao giờ  đặt chân đến nơi đấy nhưng tôi nghe nói nơi đó sinh hoạt của cộng đồng cũng cao,  cũng có nhiều người làm ăn buôn bán nhộn nhịp, và nhiều khu cũng sầm uất không  khác gì nơi tôi đang ở.    

Trong  khi chúng tôi rất xúc động khi nhận thiệp ông gởi về thì mẹ tôi vẫn dửng dưng như không. Bà cũng chẳng buồn cầm đến lá thơ mà cũng chẳng hỏi xem bố tôi đã  viết những gì trong ấy.

Tôi lấy làm lạ sao mà mẹ tôi lại có thể dứt tình với bố  tôi như vậy. Tôi muốn tìm hiểu xem bố tôi đi xa như thế để sống với ai, không phải vì tôi tò mò hay muốn tìm cách kết tội ông, mà là vì tôi thương ông. Tôi  thương bố tôi vì tôi biết chẳng đặng đừng bố tôi mới phải ra đi như thế, tôi  biết rằng xa các con cháu ông nhớ lắm và cũng khổ sở không ít. Và tôi định tâm  một ngày nào gần đây tôi sẽ xin nghỉ một tuần lễ để đi tìm ông. 

Tôi chưa kịp đi thì bố tôi về. Ông về vào lúc đêm tối  khi mẹ tôi đã đi ngủ, ông lẳng lặng mở cửa vào nhà, rồi vào phòng ông nghỉ.

Sáng hôm sau khi mà mẹ tôi còn ngủ thì ông đã thức dậy pha trà uống và ngồi đọc báo ở ngoài phòng khách. Nghe tiếng động mẹ tôi tỉnh dậy và thấy ông, bà rất ngạc  nhiên. Ông đi như vậy là gần ba tháng trời, ra đi ông không nói cho ai hay mà về  cũng chẳng báo trước. Mẹ tôi nói: 

-Tôi tưởng ông đi luôn rồi  chứ! Sao lại còn về? Tôi tưởng ông đi cho sướng cái thân thì còn về nhà làm gì cho khổ thêm cả tôi nữa? 

 Bố tôi cứ im lặng  chẳng nói câu gì. Mẹ tôi nói thêm: 

-Nó bòn hết của rồi nó đuổi ông đi chứ gì. Bây giờ lại về lấy thêm tiền mang đi nuôi nó chứ  gì? 

 Cáu quá bố tôi nói lại: 

-Bà xem tôi có lấy đồng xu nào mang đi không nào? Bà đừng có ăn nói hồ đồ. Đừng có làm cho tôi điên tiết lên. Khôn hồn thì để cho tôi yên!  

  Mẹ tôi vừa đi xuống bếp vừa  nói:  

-Ông không có tiền thì nó ăn cai gì mà nó nuôi ông? 

 

Thế là bố tôi đập bàn một cái rầm, rồi  nói: 

-Đã bảo câm cha nó cái miệng lại mà không chịu câm. 

 Bố tôi đi vào phòng của ông đóng xầm cửa lại. Thế là ông lại trở về với cái thế giới của ông, trong cái thế giới đó không có người vợ oái oăm, khó chịu mà ông nay ghét thậm tệ. 

 Chiếu  thứ bẩy nghe tin bố tôi về, hai anh em tôi mừng rỡ, định tổ chức đi ăn cơm chiều  cho cả gia đình. Em tôi bế bé Mai về ra mắt ông nội, ông mừng hết sức, ông ẵm bé, ông hôn, ông không chịu rời đứa cháu cưng của ông.

Ông về ông đã mua cho cháu ông một tấm lắc đeo tay bằng vàng tây, ông lấy ra đeo cho cháu rồi bắt chụp cho ông cả chục tấm ảnh ông bồng bé Mai của ông. Thấy ông vui sướng, chúng tôi  mừng quá chừng, mẹ tôi tức tối nói: 

-Sao ông không đẻ một bé Mai của ông mà ôm mà thương yêu? Lấy một con vợ mười tám tuổi thì nó đẻ cho chứ  có khó gì? 

 Thế là bố tôi giận, không đi ăn  cơm chiều nữa, ông nói ông “không đi ăn với con mẹ khó chịu đó”.

Ông bảo mẹ tôi là việt cộng, chuyên môn phá hoại, cứ đến lúc cả gia đình vui vẻ thì bà phải làm  một cái gì để phá, để chọc giận bố tôi, làm cả nhà hết vui vẻ. Mẹ tôi chẳng cần  có bố tôi đi, bà nói tỉnh bơ: 

-Bố mày dỗi, để cho ông ấy ở nhà. Mình đi mình cứ đi! 

 Chúng tôi đành đi mua đồ ăn về nhà, bố tôi không còn hứng, ông ăn hai ba miếng rồi bồng bé Mai vào trong phòng ngồi ôm cháu. Mẹ tôi ngồi ăn vui vẻ như không có chuyện gì, trong  khi chúng tôi thì rầu thối ruột. 

Những ngày  ông ở nhà, chiều nào ông cũng đến thăm các cháu nội, nhất là cháu bé gái bé bỏng  của ông. Nhưng vì ở nhà không được vui, hai tuần sau ông lại ra đi, ông đi mà không nói trước với ai, tự dưng ông biến mất, không để lại một vết tích  gì. 

Thế rồi mỗi tháng ông biên thơ về cho các cháu, ông hỏi thăm, nói chuyện này nọ, và thơ nào ông cũng nói ông nhớ chúng nó, nhất là bé Mai của ông. Ông muốn chúng tôi gởi hình các cháu cho ông và ông cho một hộp thơ để chúng tôi gởi tới đó.   

Sáu tháng trôi qua, không thấy ông về thăm nhà, chúng tôi sốt ruột, tôi bèn xin nghỉ một tuần đi tìm ông. Tôi nghĩ tôi biết thành phố nơi ông ở, tôi chỉ cần đi hỏi  thăm thì sẽ tìm được ra ông, nhưng tôi đã lầm. Năm ngày trời tôi đi khắp các khu  phố có người Việt làm ăn buôn bán hỏi thăm, không ai biết và không ai nhận ra người trong tấm hình của bố tôi mà tôi đưa cho xem.

Ban ngày tôi đi mỏi cả chân, chiều tối về khách sạn, tôi điện thoại cho những người quen biết ông hiện đang ở vùng này để xem bố tôi có liên lạc với ai không, thì cũng không ai biết tin gì vì ông không hề tiếp xúc với họ. Thật là một chuyện lạ lùng, như thể ông muốn  giấu hết tất cả mọi người về sự hiện diện của ông ở nơi đây. 

Đến tối hôm thứ sáu, khi tôi đã thất vọng tưởng phải bay về tay không, thì bố tôi gọi điện thoại đến khách sạn hỏi tôi. Ông nói ông được biết tôi đi tìm ông nên ông muốn gặp tôi nói chuyện.

Ông hẹn sáng thứ bẩy hai bố con đi ăn sáng gặp nhau, vì chiều tôi đã lên máy bay trở về. Ông cho nơi hẹn và giờ hẹn rồi thôi không nói gì hơn nữa. 

 Đêm hôm ấy tôi trằn trọc không ngủ được. Tôi không hiểu tại sao ông  biết tôi đến đây đi tìm ông mà ông gọi? Tại sao ông lại chọn nơi này mà đến ở?  Ông sống với ai nơi đây? Thật là những điều bí hiểm. 

 

Sáng hôm sau tôi đến nơi hẹn sớm cả nửa tiếng đồng hồ vì tôi muốn xem ông tới bằng cách nào và với ai. Đúng giờ hẹn tôi thấy một chiếc xe hơi loại sang đậu lại cách nơi đây vài trăm thước và tôi thấy ông bước xuống.

Ông mặc một  bộ đồ mà tôi chưa thấy bao giờ, trông rất lịch sự, ông bước rất khoan thai, vẻ mặt tươi tỉnh, không ủ rũ như khi ở nhà.

 Cái gì làm ông thay đổi như vậy, tôi tự  hỏi. Tôi thấy ông đẩy cánh cửa tiệm ăn, nhìn một vòng, thấy tôi, ông cười và tiến tới. Ông nói: 

-Làm gì mà con phải đi tìm bố vậy? Thư thả rồi bố về chứ gì? 

-Con muốn sang đây thăm bố và xem bố sống làm sao. Ở nhà chúng con hơi lo… 

-Sao phải lo? Bố sống  ở đâu chẳng được? Thôi con đã đến đây thì để bố kể hết chuyện cho con nghe. Con lớn rồi chẳng có gì mà phải giấu con nữa. 

 Người hầu bàn đến, chúng tôi gọi phở và cà phê đen. Bố tôi hỏi chuyện ở nhà ra sao, tôi nói mọi chuyện vẫn bình thường, các cháu nhớ ông lắm, chúng cứ hỏi ông đâu. Nghe nói vậy vẻ mặt bố tôi hơi thay đổi, phảng phất một nỗi buồn, tôi biết ông cũng nhớ các cháu ông lắm. 

 Phở  mang ra, chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi hỏi: 

-Bố ở đây với ai? Ăn uống làm sao? 

Ông ngừng ăn, tay vẫn còn cấm hai chiếc đũa, nhìn tôi như muốn xem tôi có ẩn ý gì không. Ông ăn thêm vài ba gắp rồi đẩy bát phở sang một bên, cho đường vào cà phê uống. Ông nói: 

-Bố ở với một người bạn quen từ lâu lắm rồi, con không biết bà ấy. Bố quen từ trước khi lấy mẹ con. 

-Bố tìm bà ấy hả bố? 

-Không, tình cờ bố gặp lại. Đã gần 40 năm trôi qua. Bố không nhận ra bà ta nhưng bà ta nhận ra bố. Thật là một chuyện lạ lùng!  

-Bố gặp hồi nào? 

-Cách đây 5 năm, ở Paris, tại nhà một người bạn chung của hai người. 

-Sau đó bố vẫn tiếp  tục liên lạc? 

-Thỉnh thoảng, bố nói chuyện điện thoại thôi. Lúc sau này bố buồn thì tâm sự nhiều hơn. Bà ấy góa chồng đã hơn mười năm nay rồi, có một đứa con gái nay cũng bằng tuổi con. Bà làm ăn buốn bán nên khá gỉa, nhà cửa rộng mà không có ai ở, chỉ có hai mẹ con nên mời bố sang chơi. 

-Thế rồi bố ở luôn ? 

-Không bố đâu có tính ở luôn? Ở nhà lúc nào tinh thần cũng căng thẳng, làm sao bố chịu mãi cho được. Bố bị suy nhược thần kinh vì thế. Ở đây thoải mái, bố thấy dễ thở, bố bớt u sầu, không còn buồn bực. Bố ở tạm một thời gian cho khỏe lại… 

-Con thấy bố có khá hơn ở nhà, bố bình thường hơn trước, con mừng lắm. Nhưng ở như thế mãi sao tiện? 

-Người ta mời bố, chứ bố có xin đâu? Nhà cửa rộng thênh thang để không, không ai chăm nom, bố làm quản gia, người ta còn mừng. Nói thế chứ bà ta thương bố, thấy bố buồn khổ, muốn giúp. Bố không thấy có gì phiền hà… 

-Cơm nước thì sao hả  bố? 

-Ở chung nhà thì ăn chung chứ có gì đâu? Bố ăn đâu có bao nhiêu? 

-Bố có góp tiền hàng tháng không? 

-Bà ấy đâu chịu lấy? Bà nói, bố đến ở là vui cửa vui nhà, bố không  phải lo lắng gì cả. Tiền mà làm gì hả con? 

-Thế còn tiền máy bay đi về? 

-Con Thủy nó mua cho bố. Quần áo bố mặc cũng vậy, nó thương bố lắm! Mỗi lần bố về nhà, cả hai mẹ con cứ thấp thỏm, chỉ sợ bố không qua nữa! 

-Vì vậy mà lâu quá bố không về nhà? 

-Có lẽ vậy. Không có vé máy bay thì làm sao về? Mà về đến nhà là lại có chuyện, bố không muốn về nữa! Mẹ con đâu còn thương bố nữa? 

-Bà ấy thương bố nhiều lắm phải không? 

-Không  biết, nhưng ở đây không bao giờ có một vấn đề gì để buốn phiền! 

-Bố thích ở đây hơn? 

-Không hẳn là thế! Hoàn cảnh bó buộc. Bố đâu còn cách lưạ chọn nào khác? Xa con và các cháu, bố nhớ lắm  chứ! 

-Con biết! Thôi con nghĩ thế này cũng được. Bố cần có cuộc sống riêng của bố, con không dám nói gì. 

-Con về cứ coi như không tìm ra bố. Chớ có nói gì với ai. Cái này là bí mật giữa hai bố con mình. 

-Thưa bố vâng! 

 

Chưa  bao giờ bố tôi lại tâm sự với tôi như thế! Tôi nghĩ ông cảm thấy thoải mái hơn  sau khi cho tôi biết những gì ẩn náu trong lòng ông từ nhiều năm nay. Sau khi  ông đã chia sẻ nỗi lòng của ông với tôi, ông không còn phải chịu cái gánh nặng ấy một mình.

Tôi thấy hình như ông thở ra khoan khoái, và ông ra về vui vẻ. Ông ôm vai tôi, chúng tôi ra cửa, ông leo lên chiếc xe vẫn chờ từ nãy giờ nơi đó,  tôi về khách sạn để chuẩn bị ra phi trường.    

 

Những  lần sau ông về, ông ở nhà hai vợ chồng tôi, ông vui chơi với các cháu nội, nhưng về được một tuần, ông lại sốt ruột đòi ra đi. Tôi hiểu ông nên không dám nói gì.  Chỉ có các cháu nhỏ, chúng cứ nhao nhao “Ông nội đừng đi! Ông nội đừng đi!” làm  ông chảy nước mắt mỗi khi ra đi. 

 

Tôi cũng một năm hai lần lấy cớ đi họp, sang thăm ông vài ba ngày. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở  nơi công cộng, ông không bao giờ cho tôi biết nơi ông ở, càng không cho tôi biết ngươì đàn bà bí mật mà ông ở nhờ. 

 Cứ như thế  được 10 năm trời. Rồi một hôm ông về, ông ốm nặng đòi tôi đưa vào nhà thương.  Mới vào hôm trước hôm sau thì ông qua đời. Những lần tôi vào với ông vào những  giờ chót ông sắp ra đi, tôi thấy hai người đàn bà, một người lớn tuổi như mẹ tôi, ăn mặc sang trọng, ngồi nơi chiếc cửa sổ cách phòng bố tôi nằm chừng mươi thước. Trông họ nghiêm trang và có vẻ buồn rầu lắm. Tôi biết ngay đó là Thủy và  mẹ chị, người đã nuôi dưỡng chăm sóc bố tôi hơn mười năm qua. 

 Những ngày xác bố tôi quàn ở chùa, tôi thấy suốt ngày  bóng dáng hai người đàn bà ấy lảng vảng ở sân chùa, người mẹ cầm chiếc khăn tay lau mắt. Tôi lấy làm xót xa cho bà, vì bố tôi chết, mẹ tôi không buồn, không  khóc mà bà thì đau đớn sụt sùi.

Và bà lại không được khóc công khai! Thật là một  sự bất công, nhưng làm sao được? Định mệnh đã an bài như thế! Ngày xưa bố tôi đã  bỏ người con gái ấy để lấy mẹ tôi. Thế mà một đời, người ấy vẫn thương vẫn muốn  làm sao cho bố tôi bớt khổ. Công lao ấy tôi ghi trong lòng mãi  mãi.  

 

Hướng Dương  

2 comments:

  1. Đúng như hai câu thơ của Thi Sỹ Thế Lữ: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy... Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”, chỉ vì cái dở của bà mẹ là cứ đay nghiến ông bố để rồi: “ Bạn tình cũ không rủ cũng đi “ là như vậy.

    ReplyDelete
  2. làm gì có "bà vợ mẹ" như vậy "... tao bỏ đấy nhưng không ai được rờ vào!

    ReplyDelete