Pages

Friday, July 7, 2023

Chuyện Về Chuyến Bay Delta15 - Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO (Phỏng Dịch và Ghi Chú)

 

Tâm từ không phải là sự yêu thương thiên về xác thịt, về tình dục, cũng không phải là lòng trìu mến vị kỷ, lòng luyến ái đối với riêng người nào. Tâm từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không dành riêng cho tình đồng chí, đồng chủng, cũng không dành riêng cho tình đồng hương hay đồng đạo. Hơn nữa tâm từ không phải chỉ nên có giữa người và người mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, bởi vì, loài cầm thú cũng cần đến sự giúp đỡ và tình thương. 

Tính ra đã hơn cả chục năm kể từ khi xảy ra biến cố kinh hoàng 9-11 tại Hoa Kỳ. Dưới đây là câu chuyện thật của JERRY BROWN, một tiếp viên đoàn phi hành trên chuyến bay Delta 15 kể lại…

*****

“Vào buổi sáng ngày thứ Ba, 11 tháng Chín, chúng tôi đã rời Frankfurt được khoảng 5 tiếng đồng hồ và đang bay qua Bắc Đại Tây Dương. Tấm màn ngăn cách khoang tàu bất ngờ bị vén ra và tôi được gọi ngay vào buồng lái để gặp trưởng phi công.

 

Khi vừa bước vào trong đó là tôi nhận thấy ngay trên khuôn mặt đoàn phi hành lộ ra vẻ nghiêm trọng rất đặc biệt. Trưởng phi công trao cho tôi một bản tin đã được in ra. Bản tin từ văn phòng chính của hãng Delta tại Atlanta và đọc ngắn gọn: „Mọi tuyến không lưu thương mại trên Lục Địa Hoa Kỳ đều không được phép. Hãy đáp càng sớm càng tốt xuống phi trường gần nhất. Hãy báo cho nơi đáp đó biết.“

 

Chẳng ai nói một lời cho biết điều này có nghĩa gì. Chúng tôi biết đây là một tình trạng nghiêm trọng và cần phải hạ cánh xuống đất liền ngay. Trưởng phi công xác định sân bay gần nhất cách chúng tôi 400 dặm ở Gander, Newfoundland.

 

Ông thỉnh cầu được thay đổi đường bay với trạm kiểm soát không lưu Canada và được chấp thuận ngay không cần hỏi lý do gì cả. Sau này đương nhiên chúng tôi đã hiểu ra tại sao họ không do dự khi chấp thuận thỉnh cầu của chúng tôi.

 

Trong lúc đoàn phi hành chuẩn bị cho phi cơ đáp xuống, thời một tin nhắn khác gửi đến từ Atlanta báo cho chúng tôi biết về hoạt động khủng bố trong khu vực New York. Sau đó vài phút tin cho biết về các không tặc.

 

Trong khi vẫn đang còn bay ở trên không chúng tôi quyết định không nói thật với các hành khách. Chúng tôi nói với họ rằng phi cơ chỉ gặp một trục trặc về cơ khí nhỏ và cần đáp xuống sân bay gần nhất ở Gander, New Foundland, để được kiểm soát. Chúng tôi hứa sẽ loan báo thêm tin tức sau khi hạ cánh ở Gander. Nhiều hành khách càu nhàu, nhưng điều đó chẳng lạ! Bốn mươi phút sau, chúng tôi đápxuống Gander. Giờ địa phương tại Gander lúc đó là 12:30 PM!… tức là 11:00 AM Đông.

 

Đã có khoảng 20 phi cơ khác trên mặt đất đến từ khắp nơi trên thế giới và cũng phải bay vòng kiểu này đang khi trên đường dự trù bay đến Hoa Kỳ.

 

Sau khi chúng tôi đã đậu trên phi đạo, trưởng phi công loan báo như sau: „Thưa quý hành khách, chắc quí vị đang thắc mắc phải chăng tất cả các phi cơ đậu quanh đây đều có vấn đề trục trặc về cơ khí như chúng ta. Sự thật là chúng ta đang ở đây vì một nguyên do khác.“ Rồi ông tiếp tục giải thích cho chúng tôi biết thêm chút ít về tình hình tại Hoa Kỳ. Có những hơi thở dốc lớn tiếng và những tia nhìn hoài nghi. Trưởng phi công loan báo cho hành khách biết rằng trạm kiểm soát dưới đất ở Gander bảo chúng tôi phải ở yên trong tàu.

 

Chính phủ Canada nay đảm trách về tình trạng của chúng tôi và không ai được phép ra khỏi phi cơ.Không ai ở dưới đất được phép đến gần bất kỳ chiếc phi cơ nào. Chỉ có cảnh sát sân bay tuần tự đến nhìn kiểm soát quanh chúng tôi, xong đi qua phi cơ kế cận. Khoảng sau đó một giờ đồng hồ, thêm nhiềuphi cơ đáp xuống và tổng kết lại Gander nhận tất cả là 53 phi cơ từ khắp nơi trên thế giới, 27 chiếc trong số đó là phi cơ thương mại Hoa Kỳ.

 

Trong lúc đó, có những mẩu tin tức khởi sự loan ra trên hệ thống máy thu thanh của phi cơ và lần đầu tiên chúng tôi được biết có các phi cơ bị không tặc nhắm bay đâm vào Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới ở New York và vào Ngũ Giác Đài ở DC. Mọi người cố thử dùng điện thoại di động của họ, nhưng không thể gọi được vì hệ thống tải sóng ở Canada khác biệt. Vài người gọi được, nhưng chỉ có thể liên lạc với nhân viên tổng đài ở Canada và họ cho biết các đường dây gọi vào Hoa Kỳ đã bị ngăn chặn hoặc bị kẹt.

 

Khoảng vào buổi chiều tối tin tức cho chúng tôi biết hai tòa cao ốc Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới đã bị sụp đổ và chiếc phi cơ thứ tư bị không tặc kết cuộc đã đâm xuống đất tan nát. Tới lúc này các hành khách đều kiệt sức cả về thể xác lẫn xúc cảm, không kể đến sự kinh hãi, nhưng mọi người đều bình tĩnh đáng ngạc nhiên. Chúng tôi chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy 52 phi cơ bị mắc nạn khác mà nhận ra rằng không phải chỉ riêng mình mới lâm vào tình trạng khó khăn này.

 

Trước đó chúng tôi được loan báo là họ sẽ cho phép mọi người ra khỏi phi cơ lần lượt từng chiếc một. Lúc 6 giờ chiều, sân bay Gander cho chúng tôi hay phiên chúng tôi rời ra khỏi phi cơ sẽ là 11 giờ sáng hôm sau. Các hành khách không hoan hỉ, nhưng họ cũng cam chịu với cái tin này mà không gây ồn ào và bắt đầu sửa soạn để qua đêm trên máy bay.

 

Gander hứa với chúng tôi sẽ chăm sóc về y tế, nếu cần, và cả nước lẫn dịch vụ vệ sinh. Và họ đã giữ lời hứa. May mắn là chúng tôi không có vấn đề y tế nào phải quan tâm đến cả. Chúng tôi có một phụ nữ trẻ đang có bầu 33 tuần. Chúng tôi đã chăm nom thật chu đáo cho người đó. Đêm trôi qua không gặp chuyện bất ngờ nào ngoài sự xếp đặt chỗ ngủ không được thoải mái.

 

Vào khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 12, một đoàn xe buýt nhà trường xuất hiện. Chúng tôi ra khỏi phi cơ và được dẫn tới trạm kiểm soát ở đó chúng tôi qua cửa nhập cảnh và quan thuế và rồi phải ghi danh với hội Hồng Thập Tự.

 

Sau đó chúng tôi (đoàn phi hành) được tách khỏi đám hành khách và được chuyển bằng xe van tới một khách sạn nhỏ. Chúng tôi không rõ nhóm hành khách của chúng tôi đi đâu. Nhân viên của hội Hồng Thập Tự cho chúng tôi biết rằng tỉnh Gander chỉ có dân số là 10.400 người và họ đang có khoảng 10.500 hành khách cần chăm nom đến từ các phi cơ đã buộc phải ghé vào Gander! Họ bảo chúng tôi hãy nghỉ ngơi tại khách sạn và họ sẽ liên lạc khi các phi trường Hoa Kỳ hoạt động trở lại, nhưng đừng hy vọng sẽ nghe tin sớm.

 

Chúng tôi chỉ biết được toàn thể nội vụ cuộc khủng bố ở nước nhà sau khi tới khách sạn và mở TV, 24 tiếng đồng hồ sau khi chuyện đó khởi sự.

 

Trong khi đó, chúng tôi có rất nhiều thì giờ rảnh rang và nhận thấy rằng người dân Gander thân thiện hết sức. Họ bắt đầu gọi chúng tôi là „người máy bay“. Chúng tôi vui với sự hiếu khách của họ. Chúng tôi đi quanh thành phố Gander và tóm lại đã có một thời gian khá thích thú.

 

Hai ngày sau, người ta gọi chúng tôi và đưa trở lại phi trường Gander. Quay về phi cơ, chúng tôi hội nhập lại với các hành khách và được hay biết những gì họ đã làm trong hai ngày vừa qua. Những điều mà chúng tôi phát hiện ra đó thật khó tin.

 

Gander và tất cả các cộng đồng quanh đó (trong vòng bán kính 75 cây số) đã đóng cửa tất cả các trường trung học, các phòng hội, các trụ sở và các nơi tụ họp lớn khác. Họ biến đổi tất cả các chỗ tiện nghi đó thành các nơi trú ngụ tập thể cho tất cả các du khách lâm cảnh khó khăn. Chỗ thì kê giường nhỏ, mắc võng, chỗ thì trải thảm với túi ngủ và gối.

 

Tất cả các học sinh trung học được kêu gọi tình nguyện bỏ thì giờ ra để chăm lo cho „khách“. 218 hành khách của phi cơ chúng tôi được dẫn về một thị trấn có tên là Lewisporte, cách Gander vàokhoảng 45 cây số và tại đó được xếp đặt vào trú trong một trường trung học. Nếu phụ nữ nào muốn có khu dành riêng cho đàn bà cũng được dàn xếp ổn thỏa. Gia đình đi chung được giữ lại cùng với nhau. Tất cả các hành khách cao niên được đưa tới các tư gia.

 

Còn nhớ người phụ nữ trẻ mang thai đó chứ? Bà ấy được gửi vào một tư gia ngay đối diện bên kia đường với một cơ quan Chăm Sóc Khẩn Cấp 24 Giờ. Có một nha sĩ thường trực và các y tá nam nữ lưu lại với đám đông suốt thời gian tạm trú.

 

Tất cả mọi người có thể gọi điện thoại và E-Mail tới Hoa Kỳ cùng khắp thế giới mỗi ngày một lần. Trong ngày, các hành khách được mời tham gia các chuyến „du ngoạn“. Một số đi bằng tàu thuyền trên các sông hồ và hải cảng. Một số đi bộ trong các khu rừng tại đây. Các tiệm nướng bánh địa phương vẫn mở để làm bánh mới cho các vị khách. Thực phẩm được các người dân tại đây nấu nướng rồi mang đến các trường học. Ai muốn tới các tiệm ăn do mình chọn lựa cũng được chở đi và được mời dùng những bữa ăn ngon lành. Mọi người đều được cấp phiếu tới các tiệm giặt địa phương để giặt giũ áo quần vì hành lý vẫn còn kẹt trên phi cơ. Nói khác đi, mỗi nhu cầu của du khách gặp gian khó đều được đáp ứng.

 

Các hành khách đã nhỏ lệ khi kể lại cho chúng tôi những chuyện đó. Sau cùng, khi mọi người được cho biết là các phi trường ở Hoa Kỳ đã mở lại, họ được chuyển ra sân bay đúng giờ và không một hành khách nào bị bỏ sót hay chậm trễ. Hội Hồng Thập Tự địa phương đã có đầy đủ tất cả các dữ kiện liên quan tới từng hành khách một và đã đưa về lại đúng phi cơ trước khi chuẩn bị cất cánh. Họ phối hợp mọi việc một cách toàn hảo.

 

Thật quả là hoàn toàn khó tin.

 

Khi các hành khách đã lên tàu, thật giống như họ vừa du lịch trên biển về. Mọi người đều biết tên nhau. Họ kể cho nhau những chuyện của họ khi ở lại vừa qua để xem ai là người được thoải mái hơn. Chuyến bay của chúng tôi về đến Atlanta trông tựa như một chuyến bay được thuê để đi du hí. Đoàn phi hành tránh đường mời họ. Thật khó mà tưởng tượng được. Hành khách hoàn toàn gắn bó cùng nhau và gọi tên nhau, trao đổi số điện thoại, địa chỉ và địa chỉ E-Mail.

 

Và sau đó xảy ra một điều rất bất thường. Một trong những hành khách của chúng tôi đến gần tôi và hỏi rằng ông ta có thể loan báo vài lời qua hệ thống âm thanh của phi cơ được không. Chúng tôi chẳng hề bao giờ cho phép việc đó. Nhưng lần này thì lại khác. Tôi nói „đương nhiên“ và đưa cho ông ta cái máy nói. Ông cầm máy rồi nhắc nhở mọi người về những gì họ vừa sống trong mấy ngày qua. Ông nhắc lại lòng hiếu khách mà họ đã nhận được từ tay của những con người hoàn toàn xa lạ. Ông tiếp tục nói là muốn làm một cái gì đó để hồi đáp lại những người có lòng tốt ở Lewisporte.

 

Ông nói sẽ thiết lập một Quỹ Tín Thác với tên của Delta 15 (con số chuyến bay của chúng tôi). Mục đích của quỹ là cung cấp các học bổng đại học cho các học sinh trung học ở Lewisporte. Ông kêu gọi sự đóng góp với bất kỳ số tiền tùy tâm nhiều hay ít từ tay các khách cùng chuyến bay này. Khi chúng tôi thâu nhận các tờ giấy tờ hiến tặng lại trong đó có ghi số tiền cùng tên họ, số điện thoại và địa chỉ của khách tặng thời tổng cộng được trên $14.000!

 

Vị đề xướng chuyện đó, một bác sĩ ở Virginia, hứa sẽ đóng góp một số tiền cũng ngang bằng tổng số tiền này và sẽ xúc tiến thủ tục giấy tờ thiết lập học bổng. Ông cũng nói ông sẽ chuyển đề nghị này đến công ty Delta và yêu cầu họ cũng hiến tặng nữa.

 

Lúc tôi viết chuyện này, quỹ tín thác đã lên tới hơn $1.5 triệu và cho tới nay đã trợ giúp được 134 sinh viên theo học đại học.

 

Tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện này bởi vì ngay bây giờ chúng ta cần những chuyện tốt lành như thế. Nó cho tôi một chút hy vọng khi biết là nhiều người dù ở chốn xa vẫn có từ tâm với các chúng sinh lạ lẫm thật sự lạc bước tới với họ. Nó nhắc nhở tôi rằng có biết bao điều tốt lành trên thế gian. Dù cho mọi điều tồi bại chúng ta thấy đang diễn ra trong thế giới ngày nay, câu chuyện này xác định vẫn còn rất nhiều người tốt lành và thánh thiện trên thế gian và khi hoàn cảnh trở nên xấu xa thời họ sẽ hiện diện.”

 

******

 

Câu chuyện trên được JERRY BROWN đăng tải khiến người đọc khắp nơi cảm thấy thấm thía về lòng từ của người dân tại Lewisporte, Gander, New Foundland ở đất nước Canada và nhất là luật nhân quả hiện tiền. Cái “quả” lành mà các học sinh tại New Foundland Canada được học bổng du học đang gặt hái.

 

Quả thật Ðức Phật đã từng khuyên dạy chúng sinh là hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Riêng tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác, lòng lành giúp ích cho người, lòng thương yêu, chúng sinh, lòng mong ước cho tất cả chúng sinh đều được an lành vui vẻ.

 

Tâm từ không phải là sự yêu thương thiên về xác thịt, về tình dục, cũng không phải là lòng trìu mến vị kỷ, lòng luyến ái đối với riêng người nào. Tâm từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không dành riêng cho tình đồng chí, đồng chủng, cũng không dành riêng cho tình đồng hương hay đồng đạo. Hơn nữa tâm từ không phải chỉ nên có giữa người và người mà phải bao trùm tất cả chúng sinh, bởi vì, loài cầm thú cũng cần đến sự giúp đỡ và tình thương.

 

Nói tóm lại, tâm từ bao la, rộng rãi, trải ra đồng đều, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là “ta” không còn nữa. Mọi sự chia rẽ đều biến mất như đám sương mù tan trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.

No comments:

Post a Comment