Pages

Monday, July 3, 2023

Dân Số Trên Địa Cầu - Phạm Đình Lân



Diện tích địa cầu không thay đổi trong khi nhân số trên địa cầu gia tăng nhanh chóng mặc dù trên thế giới lúc nào cũng có một số nhân loại chết vì chiến tranh, thiên tai, bịnh tật, nghèo đói v.v.

Vào thế kỷ XVIII dân số địa cầu lối 814 triệu người (1750). Nhà kinh tế và dân số học Anh Thomas Robert Malthus (1766-1834) đã cảnh báo nhân loại gia tăng theo cấp số nhân giữa lúc mức sản xuất lương thực gia tăng theo cấp số cộng.

Năm 1800 trái đất có 01 tỷ người (01 tỷ: 1.000 triệu).

Năm 1927 nhân loại có 02 tỷ người sau khi đệ nhất thế chiến cướp đi 40 triệu mạng sống của các chiến sĩ và thường dân.

Dân số Việt Nam năm 1940 là 23 triệu người. Năm 1944-1945 có 02 triệu người bị chết vì nạn đói chưa kể đến những người bị chết vì chiến tranh.

Trẻ em trong nạn đói tại Việt Nam 1944–1945 (Ảnh Võ An Ninh / vi.wikipedia.org)

 

Từ năm 1945 đến 1975 Việt Nam liên tục có chiến tranh. Chiến tranh chấm dứt năm 1975. Việt Nam được thống nhất. Dân số Việt Nam vào năm này là 47 triệu người.

Năm 1950 dân số địa cầu là 2,5 tỷ người sau khi đệ nhị thế chiến (1939-1945) cướp sự sống của 70 - 80 triệu nhân loại.

Đến cuối thế kỷ XX dân số địa cầu lên đến 6,1 tỷ người.

Năm 2011 dân số địa cầu lên đến 07 tỷ người.

Mười một năm sau, tức năm 2022, dân số địa cầu là 08 tỷ người! Trong vòng 11 năm nhân loại tăng lên 01 tỷ người. Trung bình mỗi năm dân số địa cầu tăng lên trên 90 triệu người. Tính xa hơn từ năm 1800 đến 2022, trong vòng 222 năm dân số địa cầu gia tăng từ 01 tỷ người đến 08 tỷ người, tức gia tăng 07 tỷ người trong 222 năm. Trung bình mỗi năm dân số địa cầu gia tăng thêm 31 triệu người trong thời gian 1800 - 2022.

Dân số địa cầu gia tăng đều đều mặc cho chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, mất mùa, đói kém, bịnh dịch.

Trung Hoa và Ấn Độ là hai nước đông dân nhất thế giới. Đó là hai nước nông nghiệp to lớn lâu đời ở Á Châu theo chế độ phụ hệ và đa thê. Ở các quốc gia nông nghiệp chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo như Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên quan niệm đa tử đa tôn là đa phúc; nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; trai năm thê bảy thiếp được nam giới thuộc lòng như kinh nhật tụng. Trong Thất Xuất (Bảy điều bỏ vợ) đàn ông có quyền bỏ vợ nếu vợ không có con để nói dõi tông đường. Nếu vợ chỉ có con gái thì người vợ phải cưới thiếp cho chồng để có con trai. Ngoài ra còn có tục tảo hôn (có gia đình lúc 6, 7 tuổi mặc dù tuổi lập gia đình thời phong kiến là 16 cho nam và 13 cho nữ. Nam thập lục, Nữ thập tam).

Sinh suất của người Phi Châu (3,2% hay rõ hơn 32/1000) và Á Châu ( 3, 2% – năm 1980 giảm xuống còn 1,8% hay 18/1000 ở Đông Á) cao hơn sinh suất của người Âu Châu (dưới 1%) và Bắc Mỹ (1,18%). Tử suất của trẻ em sơ sinh và người lớn ở Phi Châu và Á Châu cũng cao vì thiếu dinh dưỡng, thiếu thuốc men và chăm sóc y tế.

Tuổi thọ trung bình (life expectancy) của người Việt Nam vào đầu thế kỷ XX không quá 60 so với 62 tuổi của người Âu Châu. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 75 so với 79, tuổi thọ trung bình của người Âu, 82 của người Úc, 77 của người Hoa Kỳ v.v.

Tuổi thọ trung bình cao trên thế giới hiện này là:

Thứ hạng

Quốc Gia

Tuổi Thọ Trung Bình

Nam

Nữ

1

Monaco

87

85

89

2

Hong Kong

85

83

88

3

Macao

85

83

88

4

Nhật Bản

85

83

88

 

Tuổi thọ trung bình trên lục địa Phi Châu xê dịch từ 55 đến 59 tuổi.

Cước chú: Vì loại bỏ số lẻ nên các quốc gia số 2, 3 và 4 gần như có tuổi thọ trung bình ngang nhau.

Sự dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và ý thức bảo vệ sức khỏe góp phần hữu hiệu vào việc kéo dài tuổi thọ của loài người.

Chiến tranh Cách Mạng Hoa Kỳ (1775-1783), cách mạng Pháp năm 1789, sự lớn mạnh của chế độ đại nghị và cách mạng kỹ nghệ Anh vào thế kỷ XVIII dẫn đến tự do, dân chủ, sự phát triển giáo dục và khoa học kỹ thuật và sự phồn vinh của các nước dân chủ tiền phong trên thế giới như Anh, Hoa Kỳ và Pháp. Con cái gia đình bình dân có cơ hội đi học để góp phần vào việc mở mang và phồn vinh đất nước. Khoa học kỹ thuật và định chế chánh trị dân chủ đảm bảo sự no ấm của nhân loại. Sự tiên liệu bi quan về sự gia tăng nhân sổ theo cấp số nhân và sự sản xuất lượng thực theo cấp số cộng của Malthus mất đi phần nào giá trị tuyệt đối của nó dẫu biết rằng từ năm 1845 đến 1850 của thế kỷ XIX hàng triệu người Ireland (Ái Nhĩ Lan) chết đói vì thất mùa khoai tây nên có 01 triệu người Ireland vượt Đại Tây Dương sang Hoa Kỳ tìm sinh lộ. Hậu duệ của những người Irish (Ái Nhĩ Lan) này rất thành công ở Hoa Kỳ trong sinh hoạt chánh trị, tôn giáo (Thiên Chúa Giáo) và thương trường trên đất mới bên kia bờ Đại Tây Dương.

Nạn đói tái diễn ở Ireland (Ái Nhĩ Lan) vào các năm 1861, 1876-1878. Nga bị nạn đói vào năm 1891-1892, Ấn Độ: 1896-1897 và 1899-1900, Trung Hoa: 1876-1879. Dưới triều vua Tự Đức nạn đói xảy ra ở Bắc Kỳ vì bão lụt và sự phá hại mùa màng của cào cào, châu chấu. Nạn đói rất trầm trọng ở Hưng Yên nhất là ở phủ Khoái Châu. Do đó có câu:

Oai, oái như dân phủ Khoái xin cơm.

Nạn đói chứng minh sự bất lực trong việc mang no ấm cho nhân dân của các nhà lãnh đạo phong kiến và sự lạc hậu trên lãnh vực khoa học kỹ thuật ở các quốc gia xảy ra nạn đói.

Vào thế kỷ XX nạn đói trên thế giới vẫn còn do thiên tai (bão tố, lụt lội, hạn hán, hoàng trùng) gây ra cảnh thất mùa, do chiến tranh và nhất là do chánh sách nông nghiệp tàn độc thi hành ở Liên Sô và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Những nạn đói khủng khiếp trên thế giới vào thế kỷ XX đại lược gồm có:

Quốc Gia

Năm

Nga Sô

1921- 1922 (10 triệu người chết)

Ukraine

1932- 1934 (07 triệu người chết)

Trung Hoa

1927 (Tây Bắc T.H.), 1929 (Hunan: Hồ Nam),

1943 (Henan: Hà Nam - thời Quốc Dân Ɖảng/Kuomintang;

1958-1962 (sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao Zedong - 38 triệu người chết);

1966-1976 (Cách Mạng Văn Hoá - 10 triệu người chết ?)

Ấn Độ

1943 ở Bengal (03 triệu người chết)

Bắc Bộ Việt Nam

1944-1945 (02 triệu người chết)

Bắc Hàn

1995-1999 (số người chết không rõ)

 

Về sự gia tăng dân số trên thế giới người ta có vài nhận xét sơ khởi như sau:

1. Các nước nông nghiệp có sinh suất cao hơn các nước kỹ nghệ:

Kỹ nghệ hóa gắn liền với việc đô thị hóa. Tỷ lệ thị dân gia tăng. Đời sống đắt đỏ ở các thành phố. Đất đai, nhà cửa đều đắt tiền. Cư dân thành thị lo học hành, tìm việc làm nên không dám lập gia đình sớm khi sự nghiệp chưa rõ ràng. Ở nông thôn đất đai còn rộng. Việc xây cất một mái nhà tranh rộng rãi không khó khăn lắm. Cư dân lập gia đình ở tuổi 17-18 giữa lúc thị dân lập gia đình giữa tuổi 25-30. Nông dân không ngại có nhiều con vì nghề nông càng có nhiều nhân lực càng chóng khá giả. Nông dân không lo lắng về nhà cửa và việc học hành của con cái như thị dân.

Dân số Việt Nam, một nước nông nghiệp, vào năm 1940 là 23 triệu người. Cũng năm nầy Pháp, một nước kỹ nghệ, có 41 triệu dân. Hiện nay Pháp có 68 triệu dân trong khi Việt Nam có 98 triệu dân sau khi trải qua đệ nhị thế chiến, chiến tranh Việt-Pháp tức Chiến tranh Việt Nam I (1945-1954) và chiến tranh Việt Nam II (1960-1975). Năm 1940 dân số Pháp lớn hơn dân số Việt Nam 1,78 lần. Hiện nay dân số Việt Nam lớn hơn dân số Pháp 1,44 lần.

Ngay từ thế kỷ XIX kỹ nghệ phát triển ở Pháp. Nhiều thanh niên Pháp đã theo chủ nghĩa độc thân (celibacy). Đệ nhất và đệ nhị thế chiến đã cướp đi sự sống của nhiều thanh niên Pháp. Trung bình mỗi gia đình Pháp có không đến 02 con. Tướng De Lattre de Tassigny chỉ có một con trai tử trận ở Ninh Bình năm 1951. Tổng thống De Gaulle có 01 con trai và 02 con gái. Người con gái út bị bịnh bẩm sinh. Vì tình trạng dân số sụt giảm chánh phủ Pháp phải khuyến khích sự sinh sản bằng cách giúp đỡ tối đa cho các gia đình đông con.

 

2. Người da màu có sinh suất cao hơn người da trắng:

Người da đen ở Phi Châu, da nâu trên các hải đảo Thái Bình Dương, da vàng ở Á Châu, da cà phê sữa ở Trung Đông hầu như theo chế độ đa thê trong khi người da trắng ở Âu Châu, Mỹ Châu theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành hay Chính Thống Giáo đều theo chế độ độc thê. Các Quốc gia dân tộc da màu, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Hoa đều là những quốc gia có nền kinh tế nghèo nàn.

Theo Âm- Dương Ngũ Hành thì màu Đen tương ứng với Thủy (Nước). Người, thảo mộc, động vật đều cần nước để sống.

Đất (Thổ) thiếu nước thì khô cằn không canh tác được. Đất (Thổ) ngập nước cũng không trồng trọt được.

Cây (Mộc) thiếu nước thì khô héo. Cây bị úng nước thì chết.

Nước (Thủy) chảy đá mòn. Nước chảy xói mòn đất (Thổ). Nước dập tắt lửa (Hỏa). Sắt (Kim) ngâm lâu ngày trong nước thì bị rỉ sét. Đó là sức mạnh của nước (Thủy) trước Kim, Mộc, Hỏa, Thổ.

Trong sự pha chủng các giống người chúng ta tạm có công thức sau đây:

Hắc chủng (Thủy) + Bạch Chủng (Kim): sắc da áp đảo là sắc Đen

Hắc chủng + Hoàng chủng: sắc da áp đảo là sắc Đen

Hoàng chủng (Thổ) + Hắc chủng: sắc da áp đảo là sắc Đen

Lục địa Phi Châu là địa bàn của người Hắc chủng. Các nước trên lục địa này là cựu thuộc địa của các nước bạch chủng Âu Châu. Từ thế kỷ XV đến hậu bán thế kỷ XIX có 09 triệu người Phi Châu bị bán sang Mỹ Châu làm nô lệ. Năm 1619 vùng đất hiện nay là Virginia của Hoa Kỳ tiếp nhận người Hắc chủng Phi Châu từ Angola chở đến. Đó là lý do tại sao ngày nay người Hắc chủng hiện diện nhiều ở Âu Châu và Mỹ Châu (các hải đảo trong biển Caribbean, Trung Mỹ, Nam Mỹ).

 

3. Dân có trình độ học vấn cao có sinh suất thấp hơn dân có trình độ học vấn thấp:

Thị dân có trình độ học vấn cao hơn dân nông thôn. Trào lưu tiến bộ của loài người dẫn đến sự bình đẳng nam-nữ. Phụ nữ được giải phóng. Xưa kia ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên v.v. phụ nữ không được đi học, không được làm việc mà chỉ ở nhà để chu toàn nhiệm vụ của người dâu, người vợ và người mẹ trong gia đình. Dưới thời thuộc địa Pháp, ở Việt Nam có trường tiểu học và trung học đệ nhất cấp dành cho nữ sinh. Vào đầu thế kỷ XX có nhiều phụ nữ Việt Nam phục vụ trong ngành giáo dục, y tế, ngân hàng trong guồng máy chánh quyền thuộc địa. Bà Henriette Bùi Quang Chiêu (có Pháp tịch) là nữ bác sĩ Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp đại học Y Khoa Pháp. Bà Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào (có Pháp tịch) tức hoàng hậu Nam Phương sau này học trường Pháp ở Sài Gòn rồi sang Pháp học năm 12 tuổi. Bà có tú tài Pháp (Baccalauréat) trước khi kết hôn với vua Bảo Đại năm 1934.

Thiên Chúa Giáo chống sự phá thai và ly dị. Nam, nữ chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây thường lập gia đình muộn và không muốn có nhiều con nên có khuynh hướng tìm cách ngừa thai và chậm có con. Quan hệ tình dục giữa những cặp vợ chồng trí thức thành thị ít oi và kém nồng nhiệt vì áp lực của những công việc bàn giấy và trí tuệ.

Trung bình mỗi gia đình thị dân ở Âu Châu và Bắc Mỹ có 02 hay 03 con. Ông Robert F. Kennedy, bào đệ của tổng thống John F. Kennedy, có rất đông con (11 người) vì ông là là một tín hữu Thiên Chúa Giáo giàu có, hội đủ điều kiện vật chất để nuôi dưỡng và giáo dục con cái.

***

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp cho nhân loại giảm bớt sự lo sợ đói kém, thiếu ăn, bệnh tật. Tuổi thọ của loài người gia tăng. Tử suất trẻ sơ sinh sụt giảm rõ rệt. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật gắn liền với kỹ nghệ hóa và đô thị hóa. Hai yếu tố này trở thành nguồn gốc của việc lập gia đình chậm trễ và sự hạn chế sinh sản tự nguyện của những cặp vợ chồng.

Nhân loại thích tiên tri và nghe tiên tri nên tự tạo cho mình sự hốt hoảng.

Năm 1900 dân số Việt Nam là 11,7 triệu người. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 1930 Việt Nam có 17,5 triệu người. Châu thổ sông Hồng và sông Mã được xem như bị nhân mãn. Đa số dân chúng nghèo khổ và thiếu ăn. Chánh quyền thuộc địa đưa một số người trên châu thổ sông Hồng và sông Mã vào Nam Kỳ làm việc trong các đồn điền cao su ở các tỉnh miền đông Nam Kỳ như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa, Bà Rịa (Phước Tuy), Tây Ninh. Trước đó họ đưa một số người ở miền Bắc sang đảo Nouvelle Calédonie gần Úc Đại Lợi để khai thác quặng mỏ.

Năm 1954 Việt Nam bị qua phân lấy vĩ tuyến 17 làm đường phân ranh. Miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1955 dân số hai miền lối 31 triệu người. Miền Bắc có 17 triệu và miền Nam có 14 triệu người. Với dân số 17 triệu người miền Bắc phải phát động chánh sách Ba Khoan: Khoan Yêu, Khoan Cưới, Khoan Đẻ nhằm ngăn chặn sự gia tăng dân số. Từ thập niên 1960 chánh quyền khuyến khích mỗi gia đình nên có 01 hay tối đa 02 con mà thôi. Chánh sách hạn chế sinh sản này vẫn còn hiệu lực sau khi đất nước thống nhất. Công nhân viên vi phạm bị khiển trách và bị sa thải. Điều này cho thấy sự yếu kém của kinh tế chỉ huy ở các nước theo chủ nghĩa Marx-Lenin vì nó không đủ sức nuôi dân. Hiện nay Việt Nam có 98 triệu dân nhưng sự dinh dưỡng đầy đủ nên các đội bóng đá và các võ sĩ Việt Nam đã lập được một số thành tích vẻ vang. Đó là hiệu quả của nền kinh tế thị trường hay kinh tế Tư Bản ứng dụng trong một quốc gia Cộng Sản.

Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) là người sớm kết hợp chánh trị Cộng Sản với kinh tế Tư Bản trong sự ví von ‘mèo trắng Mèo đen gì cũng được miễn là bắt được Chuột’ vào cuối thập niên 1970 ở Trung Quốc.

Chủ tịch Mao Zedong (MaoTrach Đông) nhảy múa trên 50 đến 60 triệu xác chết của người Hán. Chết vì chiến tranh Triều Tiên, vì sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt (Bond en avant - Great Leap Forward), vì chánh sách cải cách ruộng đất, vì thiên tai, mất mùa, vì Cách Mạng Văn Hóa v.v. Mao không sợ chiến tranh nguyên tử với lập luận đơn giản rằng, giả sử chiến tranh nguyên tử xảy ra và giết chết 50% dân số Trung Quốc, nước này vẫn còn là quốc gia đông dân nhất thế giới trong khi các quốc gia đối nghịch bị bom nguyên tử giết sạch.

Trung Quốc luôn luôn đứng đầu về dân số trên thế giới trước Ấn Độ.

Quốc Gia

Năm

Dân Số

Trung Quốc

1960

1980

2023

667 triệu

980 triệu

1,43 tỷ(1)

Ấn Độ

1960

1980

2023

450 triệu

697 triệu

1,43 tỷ (01 tỷ: 1.000 triệu) (*)

 

(*) Đến tháng tư năm 2023 Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới, hơn Trung Quốc vài triệu người.



Trung Quốc bị ám ảnh về nạn đói ảnh hưởng xấu đến sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng nên năm 1980 Beijing (Bắc Kinh) ban hành chánh sách 01 con nhằm ngăn chặn sự gia tăng dân số. Chánh sách này có hiệu lực từ năm 1980 đến 2016. Nhà nước cưỡng bức phá thai đối với phụ nữ đã có một con nhưng mang thai nhi thứ hai. Chánh sách một con của chánh quyền Cộng Sản Trung Quốc gây bất mãn cho người Hán vốn chịu ảnh hưởng Khổng Giáo sâu đậm nên họ muốn có đông con trai để nói dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo giỗ chạp và gìn giữ mồ mả tổ tiên. Hậu quả là nhiều trẻ sơ sinh nữ bị bỏ ngoài đường, trước cổng chùa hay nhà thờ. Nhiều nữ tín đồ Thiên Chúa Giáo bị trừng phạt gắt gao vì tôn trọng lời dạy của Thiên Chúa mà vi phạm chánh sách một con của Đảng. Chánh sách một con ở Trung Quốc đưa đến các hậu quả sau đây:

a. Trung Quốc không còn là quốc gia đông dân nhất thế giới. Ấn Độ bắt đầu vượt qua Trung Quốc về dân số (cao hơn vài triệu người) vào năm 2023.

b. Số người trẻ cầm súng giữ nước và lao động để phát triển kinh tế giảm trong khi số người cao niên gia tăng. Trong những thập niên gần đây dân chúng Trung Quốc được bồi dưỡng và chăm sóc sức khỏe khá đầy đủ. Tuổi thọ người già tăng so với quá khứ thời Mao Zedong (Mao Trạch Đông).

c. Số người già không còn sức lao động càng đông xã hội càng thêm gánh nặng. Năm 2019 số người già không lao động ở Trung Quốc lên đến 254 triệu người tức gần 20% tổng số dân. Người ta ước lượng con số này sẽ lên đến 402 triệu người vào năm 2040 tức gần 30% tổng số dân.

Đảng vội vã bãi bỏ chánh sách một con và thay vào đó chánh sách hai con rồi ba con! Đảng ước muốn thanh niên nam, nữ sớm yêu đương và có gia đình trước tuổi 20. Đảng khuyến khích dân số gia tăng bằng cách tạo thủ tục khó khăn cho việc ly dị.

Bây giờ Đảng chống lại chánh sách Ba Khoan. Thay vào đó là sự khuyến khích sớm yêu đương, sớm tiến tới hôn nhân và sớm có con.

Trong 03 thập niên qua Trung Quốc là trung tâm kỹ nghệ thế giới vì các nước kỹ nghệ Tây Phương đầu tư ở đó để có giá nhân công rẻ. Tỷ lệ thị dân tăng lên đến 65,2% vào năm 2022. Nhiều nông dân ra thành phố tìm công việc làm. Họ sống chen chúc trong những căn nhà tối tăm với những người đồng cảnh ngộ. Họ để cha mẹ, vợ con ở lại nông thôn và chỉ về thăm gia đình vào những ngày Tết mà thôi. Thanh niên sống trong thành phố cần học hành, cần có sự nghiệp nên tạm gát chuyện yêu đương, cưới hỏi và sinh con. Tỷ lệ thanh niên sống độc thân càng ngày càng tăng. Họ bi quan trước sự sống và chết.

Sống không có việc làm, không nhà cửa nương thân.

Chết càng khó hơn vì chi phí chôn cất hay hỏa thiêu quá cao.

Tỷ lệ người Sống không nhà, chết không mồ mả ngày càng gia tăng phi mã sau dịch Covid-19. Đó là bài toán không đáp số của Trung Quốc với 1,4 tỷ dân nhưng vẫn thấy thiếu người lao động sản xuất! Những người chào đời trong thời chánh sách một con phần lớn là những “cậu ấm bình dân” nhác lao động và không có nhiều nhiệt tâm trong nghĩa vụ quân sự, ý thức rằng họ chết đi ai nối dõi tông đường?

 

4. Vấn đề dân số trở nên nghiêm trọng đối với Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia kỹ nghệ đầu tiên ở Á Châu sau cuộc canh tân của Meiji-tennō (Minh Trị Thiên Hoàng) năm 1868. Nhật bắt đầu bành trướng ảnh hưởng và lãnh thổ trên quần đảo Okinawa (1879), đảo Taiwan (Đài Loan) của Trung Hoa (1895), nửa đảo Sakhalin của Nga (1905), bán đảo Triều Tiên (1910), bán đảo Shandong của Trung Hoa (Sơn Đông - 1919), Mãn Châu của Trung Hoa (1932), xâm lăng Trung Hoa (1937) v.v.

Thị dân ở thành phố Nhật Bản (Ảnh: Internet)

Vào năm 1920 Nhật có 56 triệu dân, sinh suất 3,6% (tức 36 trên 1.000 người). Năm 1930 dân số Nhật lên đến 64,5 triệu người; sinh suất 3,2% (32 trên 1.000 người). Thế nhưng Nhật cảm thấy bị nạn nhân mãn (surpopulation – overcrowding).

Sơ lược dân số Nhật:

Năm

Dân Số

Tỷ Lệ Thị Dân

1945

71 triệu

59%

1960

94 triệu

65%

1980

117 triệu

76%

1990

123,5 triệu

77%

2000

127 triệu

78,5%

2020

124,6 triệu

93%

2022

124 triệu

92%

2023

123,2 triệu

92%

 

Kinh tế Nhật đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ từ thập niên 1980. Số thị dân càng lúc càng cao. Năm 1980 tỷ lệ thị dân là 76%. Đến năm 2020 tỷ lệ thị dân lên đến 93%. Trước kia phụ nữ Nhật dù có học vị cao và làm việc với lương bổng cao thường nghỉ việc sau khi có chồng để có thì giờ chăm sóc và dạy dỗ con. Nay phụ nữ cũng làm việc để phụ chồng kiếm thêm lợi nhuận hầu bắt kịp với cuộc sống càng ngày càng có khuynh hướng khó khăn và phức tạp. Thanh niên nam, nữ vật lộn với công việc và cuộc sống hàng ngày. Nhiều người chỉ ngủ 05 hay 06 giờ mỗi ngày vì phải đi làm bằng xe lửa cách xa nhà hàng trăm cây số. Chủ nghĩa độc thân, việc chậm lập gia đình hay có gia đình và chậm có con hay không có con ngự trị ở các nước kỹ nghệ có tỷ lệ thị dân cao. Sinh suất của Nhật năm 1920 là 3,6% (36 trên 1.000 người). Sinh suất hiện nay chỉ còn 1,3% (13 trên 1.000 người).

Nhật Bản báo động về sự sụt giảm dân số.

Nhật khuyến khích sinh sản bằng cách quảng bá phim ảnh tình dục, giáo dục sinh lý. Chánh phủ hứa giúp đỡ các gia đình có con nhỏ như Pháp đã thực thi sau hai thế chiến.

Tuổi hưu trí ở Nhật là 61. Người Nhật nổi tiếng có tuổi thọ cao. Tỷ lệ người cao niên không lao động và không cầm súng ngày càng cao. Cứ theo đà nầy người ta ước lượng dân số Nhật sẽ giảm đi 50 triệu người vào năm 2100 (thế kỷ XXII) và lực lượng lao động Nhật sẽ giảm 50% vào năm 2060.


***

Khi viết về dân số trên địa cầu tôi nhớ đến ông Malthus và câu Trời sinh voi sinh cỏ của ông bà ta.

Khi nhân loại có 01 tỷ người, nạn đói hoành hành trên địa cầu. Khi địa cầu có 07, 08 tỷ người, người người lại được ấm no đến mang chứng béo phì và các bịnh do chứng này gây ra. Chủ thuyết Malthus không hoàn toàn đúng trên thực tế dẫu biết rằng còn một số địa phương trên địa cầu còn trong tình trạng thiếu lương thực. Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp cho những vùng khô hạn có nước bằng những giếng khoan (1), vài vùng sa mạc trở thành vùng canh tác (2), việc trồng trọt trong nhà kiếng chỉ cần nước mà không cần đất (hydroponics – hydroculture – Thủy canh), năng suất ngũ cốc, rau cải, dược thảo, trái cây gia tăng vượt bực v.v.

Người duy tâm chấp nhận câu Trời sinh voi sinh cỏ dễ dàng hơn người duy lý. Qua quá trình sống người ta đưa ra những câu hỏi lý thú sau đây:

a. Người trồng cây muốn cây không có trái hay muốn cây có nhiều trái?

b. Muốn cây có một trái hay hai trái mà thôi?

c. Có phải cặp vợ chồng không con mới giàu có và hạnh phúc?

d. Bị chết đói vì đông con? Hay nhờ đông con mà trở nên khá giả, giàu có?

THIỆN THẦN và ÁC THẦN luôn luôn có mặt trong vũ trụ.

THIỆN THẦN trông ốm yếu, tao nhã. THIỆN THẦN cai quản 20% diện tích đất nổi trên Địa Cầu (3).

ÁC THẦN cao lớn và bạo tợn. ÁC THẦN cai quản 80% diện tích đất nổi trên Địa Cầu (3).

THIỆN THẦN muốn biến Địa Cầu thành một THIÊN ĐÀNG ĐỊA GIỚI nơi loài người được tự do, ấm no và hạnh phúc trong một thế giới diễm lệ và hòa bình.

ÁC THẦN muốn biến thế giới thành một ĐỊA NGỤC đầy máu đổ, thịt rơi với những tiếng la thét, rên rĩ không ngừng vì đói khổ và bị tra tấn đánh đập. ÁC THẦN không ngớt đe dọa hủy diệt nhân loại bằng bom nguyên tử.

THIỆN THẦN dùng thành tựu khoa học để cứu giúp nhân loại.

ÁC THẦN dùng thành tựu khoa học để hủy diệt nhân loại.

 

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Chú thích

(1) Puits artésiens lấy tên của thành phố Lillers-en-Artois của Pháp (puits artésiens: giếng phun Artois <sau khi khoan trúng mạch nước dưới lòng đất nước phun lên>).

(2) Sa Mạc Negev ở Do Thái, một phần sa mạc ở Xinjiang (Tân Cương) v.v.

(3) Diện tích Địa cầu: 510.072.000 km2 (bao gồm biển và đất nổi). Đại dương, biển, sông, hồ chiếm 361.132.000 km2 (71%) và đất nổi chiếm gần 150.000.000 km2 (29%).

 __________

a2a mời đọc về Nạn Đói năm Ất Dậu 1945:

70 năm nhìn lại nạn đói tháng 3 năm Ất Dậu (1945-2015) 

No comments:

Post a Comment