Pages

Wednesday, July 5, 2023

Văn Hoá Tự Sướng - Cung Đô

Người đàn bà đang chụp hình khung cảnh thành phố. 2. Tự chụp hình với cây “selfie-stick”


Vào tháng Năm vừa qua, một người đàn ông Ấn Độ đã thiệt mạng khi cố gắng chụp ảnh “tự sướng” bên cạnh một con gấu bị thương. Đây là cái chết thứ ba liên quan đến việc chụp ảnh tự sướng ở Ấn Độ kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong hai tai nạn khác, những con voi đã đạp chết hai người trong lúc họ đang cố gắng tự chụp với chúng trong hai lần “tự sướng” riêng biệt.

Vào tháng 7 năm nay, Gavin Zimmerman, một người Mỹ du lịch đến Úc, 19 tuổi, đã mất mạng vì rơi xuống vực khi anh đang tự chụp ảnh tự trên một vách đá ở New South Wales.

Báo chí trong những năm gần đây thường xuyên xuất hiện những bản tin với những dòng tít như: “Một cặp vợ chồng mất mạng tạiYosemite Park trong khi chụp hình tự sướng.”; “Bé gái ngã chết trong lúc chụp hình tự sướng trên ban-công”; “Người đàn ông bị xe lửa tông khi đang chụp hình tự sướng”

Tại sao người ta lại liều mạng chỉ để có được bức ảnh tự sướng hoàn hảo? Liệu nỗi “sung sướng” có đáng để đánh đổi tánh mạng, thời giờ, và những hậu quả liên hệ khác.

Bài này xin được gọi chữ “selfie” là “tự sướng” dù bị chỉ trích là sử dụng chữ nghĩa thô thiển, nhưng vì ý nghĩa gần như xác thực của cảm giác đạt được sau khi tự thực hiện điều này.


Sơ lược về lịch sử chụp ảnh “tự sướng”

Robert Cornelius, một nhiếp ảnh gia người Mỹ được ghi nhận là người tự chụp bức ảnh “tự sướng” đầu tiên: vào năm 1839. Cornelius, sử dụng một trong những chiếc máy ảnh đầu tiên, đã lắp đặt máy ảnh của mình và bắt đầu tự chụp.

Sự phát triển ngày càng rộng rãi của máy ảnh ngắm và chụp trong thế kỷ 20 dẫn đến việc tự chụp chân dung nhiều hơn, với nhiều người sử dụng phương pháp phổ biến (vẫn) là chụp ảnh trước gương.

Công nghệ chụp ảnh “tự sướng” đã có một bước tiến vượt bậc với sự phát minh ra điện thoại chụp ảnh. Sau đó, tất nhiên, có sự ra đời của chiếc gậy tự sướng. Đã có một thời cây gậy tự sướng được tôn vinh: tạp chí Time đã gọi cây “selfie-stick” là một trong 25 phát minh xuất sắc nhất năm 2014. Nhưng các nhà phê bình nhanh chóng chỉ ra điểm tiêu cực của nó và gọi nó là “cây gậy tự kỷ” và cây gậy này hiện bị cấm ở nhiều bảo tàng và công viên, bao gồm cả Walt Disney Resort.

Bất chấp những lời chỉ trích nhắm vào ảnh tự chụp, mức độ phổ biến của chúng vẫn không ngừng tăng triển. Các con số cụ thể dường như không thể nào đếm đủ, ước tính số lượng số lần selfie được đăng tải hàng ngày vẫn ở mức tối thiểu 1 triệu đến tối đa là 93 triệu chỉ tính trên các thiết bị Android. 

Dù con số thực sự là bao nhiêu, một cuộc khảo sát của Pew từ năm 2014 cho thấy cơn sốt chụp ảnh tự sướng đã làm khuynh đảo giới trẻ. Trong khi 55% thế hệ trẻ tuổi chia sẻ ảnh tự sướng trên trang xã hội, có 33% thế hệ lớn tuổi (những người sinh từ 1920 đến 1945) thậm chí không biết selfie là gì hay chưa từng “tự sướng”.

Một báo cáo của Anh năm 2016 cũng cho thấy phụ nữ trẻ tham gia tích cực hơn vào việc chụp ảnh tự sướng, họ dành tới 5 giờ một tuần để tự chụp chân dung. Lý do lớn nhất để làm như vậy là gì? Tự thấy mình đẹp. Nhưng những lý do khác làm điều này là để khiến người khác ghen tị, hoặc để khiến người tình lừa dối hối hận về sự không chung thủy của họ.

 

Tăng cường tự tin hay xoa dịu tự ái?

Một số người xem ảnh tự chụp là một tiến trình tích cực.

Giáo sư tâm lý Pamela Rutledge tin rằng hành động tự chụp-tự sướng này giúp tôn vinh “những người bình thường”. Và nhà tâm lý học Andrea Letamendi của UCLA tin rằng ảnh tự chụp “cho phép thanh niên thể hiện trạng thái tâm trạng của họ và chia sẻ những trải nghiệm quan trọng.”

Một số lập luận rằng ảnh tự chụp có thể tăng cường sự tự tin bằng cách cho người khác thấy bạn “tuyệt vời” như thế nào đồng thời có thể lưu giữ những kỷ niệm quan trọng.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều mối liên hệ tiêu cực với việc chụp ảnh tự sướng. Trong khi ảnh tự chụp đôi khi được ca ngợi là một phương tiện để nâng cao vị thế, một nghiên cứu ở châu Âu cho thấy rằng thời gian dành cho việc xem ảnh tự chụp trên mạng xã hội có liên quan đến suy nghĩ tiêu cực về hình ảnh cơ thể của phụ nữ trẻ.

Ngoài những tác động như gây chấn thương, tử vong hay đơn giản là sự vô vị, một vấn đề lớn đối với ảnh tự chụp dường như là chức năng của chúng hoặc là nguyên nhân hoặc hậu quả của lòng tự ái hay tự ti-tự tôn.


Peter Grey, viết trong tạp chí Psychology Today, mô tả lòng tự ti-tự tôn là “một cái nhìn thổi phồng về bản thân, cùng với sự thờ ơ tương đối với người khác”. Người tự ti-tự tôn có xu hướng đánh giá cao tài năng của họ và phản ứng với sự tức giận trước những lời chỉ trích. Họ cũng dễ bị bắt nạt hơn và ít khi nghĩ thông cảm hay quan tâm đến người khác. Theo Gray, các cuộc khảo sát về sinh viên đại học cho thấy đặc tính này ngày nay phổ biến hơn nhiều so với 30 năm trước.

Ảnh tự chụp và lòng tự ti-tự tôn có tương quan không? Nhà tâm lý học Gwendolyn Seidman gợi ý rằng hai điều này có liên hệ qua lại. Cô trích dẫn hai bản nghiên cứu đã kiểm tra mức độ phổ biến của ảnh tự chụp trên Facebook/instagram trong một cuộc khảo cứu hơn 1,000 người. Theo đó, những người đàn ông trong cuộc khảo cứu đăng nhiều ảnh tự chụp hơn cho thấy bằng chứng về lòng tự ti-tự tôn cao hơn so với nhóm người không đăng ảnh “tự sướng”. Trong khi những phụ nữ với số lượng đăng ảnh tự sướng cao lại liên quan đến một yếu tố khác nhẹ hơn của lòng tự ái được gọi là "nhu cầu ngưỡng mộ", được định nghĩa là "cảm giác được hưởng địa vị hoặc đặc quyền đặc biệt và cảm thấy vượt trội hơn những người khác."

Điểm mấu chốt của cuộc khảo cứu này là kết luận: Ảnh tự chụp và lòng tự ái, tự ti-tự tôn dường như có mối liên hệ tương quan với nhau.


Cách chúng ta so sánh bản thân với những người khác

Ảnh tự chụp là phương thức tự thể hiện phổ biến và được thế hệ trẻ thời nay ưa thích.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu khái niệm về bản thân đã gợi ý rằng hình ảnh bản thân của chúng ta và cách chúng ta thể hiện nó được lọc qua hai tiêu chí: khả năng tin cậy (mức độ đáng tin cậy của những đăng tải từ chính mình về bản thân mình) và lợi ích (mức độ hấp dẫn, tài năng và kết quả mong muốn của những gì mình đăng tải về bản thân mình).

Theo nghĩa này, selfie hay hình tự chụp tự sướng là phương tiện hoàn hảo. Đó là một cách dễ dàng để phô trương ra bằng chứng về một cuộc sống thú vị, tài năng và khả năng phi thường, trải nghiệm độc đáo, vẻ đẹp cá nhân và sức hấp dẫn của bản thân.


Trong khi đó số liệu cho thấy rằng người ta đơn giản thích xem khuôn mặt. Trên mạng xã hội, ảnh tự chụp thu hút nhiều sự chú ý và nhiều bình luận hơn bất kỳ ảnh nào khác, và bạn bè và đồng nghiệp của chúng ta khẳng định họ yêu thích ảnh tự chụp bằng cách bấm “like” cũng như sử dụng các hình thức chấp thuận khác trên phương tiện truyền thông xã hội nhiều hơn.

Một giải thích cho lý do tại sao mọi người lại bị thu hút bởi việc nhìn vào ảnh tự chụp có thể đến từ một khuôn khổ tâm lý được gọi là lý thuyết so sánh xã hội. Người khởi xướng lý thuyết, Leon Festinger, đã đề xướng rằng mỗi người chúng ta đều có bản năng bẩm sinh và động lực đánh giá bản thân so với những người khác. Điều này được thực hiện để cải thiện cách chúng ta cảm thấy về bản thân (tự nâng cao), đánh giá bản thân (tự đánh giá), chứng minh chúng ta thực sự giống như chúng ta nghĩ (tự xác minh) và trở nên tốt hơn (tự cải thiện).

Đây là một danh sách gợi ý một loạt các động cơ có vẻ khá tích cực. Nhưng không may thực tế không mấy lạc quan như vậy. Theo các cuộc khảo cứu, những người có nhiều khả năng đăng ảnh tự chụp dường như có lòng tự tin thấp hơn những người không đăng. Ảnh tự chụp thu hút sự chú ý, có vẻ như là một điều tốt. Sự chấp thuận đến từ các lượt “thích” và nhận xét tích cực trên mạng xã hội là phần thưởng - đặc biệt là đối với những người cô đơn, bị cô lập hoặc bất an. Tuy nhiên, kết quả từ các cuộc nghiên cứu không mấy phấn khởi.


Ảnh Hưởng đến Quan Hệ Tình Cảm

Một nghiên cứu mới của các học giả Jessica Ridgway và Russell Clayton thuộc Đại Học bang Florida đã phát hiện ra rằng những người hài lòng hơn với hình ảnh khuôn mặt và cơ thể của họ đăng nhiều ảnh tự chụp hơn lên mạng xã hội – do họ tự tin khi phô trương hình tự chụp. Nhưng ngược lại họ cũng cho biết họ gặp nhiều xung đột hơn với người bạn đời - chẳng hạn như tranh cãi ghen tuông về sự chú ý của người khác dành cho hình đăng tải lên mạng của họ - và chất lượng quan hệ tình cảm của họ kém hơn so với những cặp không đăng hình tự chụp. Điều này có nghĩa việc  họ “tự sướng” với ảnh tự chụp đăng tải lên Instagram hay facebook liên quan đến việc “tự hại” quan hệ tình cảm của họ?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trong quan hệ tình cảm, khi một người thường xuyên đăng ảnh tự chụp hấp dẫn, người kia có thể cảm thấy ghen tị hoặc bị đe dọa. Điều này có thể dẫn đến việc theo dõi mạng xã hội của nhau, gây ra xung đột, nghi ngờ, lừa dối hoặc chia tay.

Một cách khác để giải thích những tác động có thể gây tổn hại tình cảm của việc đăng ảnh tự chụp là họ lo “tự sướng” mà không lo “sướng chung” khiến người bên cạnh có cảm giác bị bỏ rơi. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng người ở trong quan hệ với người nghiện tự chụp tự sướng cảm thấy họ không gắn bó và thiếu hỗ trợ tinh thần trong mối quan hệ của họ.

Tuy vậy, các liên quan đưa ra trong nghiên cứu của Ridgway và Clayton không thể nói chắc chắn liệu việc đăng ảnh tự chụp trên Instagram có thực sự khiến người bạn đời hay người tình bên cạnh cảm thấy không an toàn hoặc bị bỏ rơi, do đó tác động khiến mối quan hệ đi xuống hay không. Và xu hướng tự chụp tự sướng vẫn tiếp tục tăng triển và ai trong chúng ta có lẽ ít nhiều cũng đều đã có lần tự chụp hình bằng điện thoại hay có lần tự đăng hình hình mình “tự sướng” lên mạng xã hội.


Tự Sướng ở Nhiều Lãnh Vực Khác

Chữ “tự sướng” không chỉ giới hạn cho việc tự chụp hình, tự làm người mẫu, tự xem hình bản thân, rồi lân lân tự sướng, mà ở thời đại kỹ thuật tân tiến ngày nay, quá trình tự sướng này được áp dụng trong nhiều lãnh vực khác của cuộc sống.

Chẳng hạn người ta từ bao giờ đã giảm thiểu nhu cầu đi nghe các chương trình nhạc trang trọng nơi người nghe đến ngồi yên lặng nghe ca sĩ nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn, mà thay vào đó họ thích đi đến các buổi tụ tập “hát cho nhau nghe” nơi họ được tự hát, hay dễ dàng hơn nữa là mỗi nhà tự sắm một bộ karaoke rồi tự diễn, tự nghe, tự đắm đuối, và tự sướng.

Dĩ nhiên, quá trình tự sướng này không có giới hạn. Hãy tưởng tượng sau khi được làm người mẫu, tự ngắm nghía mình, bạn trở thành ca sĩ, tự nghe mình hát. Sau đó tiến thẳng lên làm văn sĩ, thi sĩ, tự viết truyện, tự làm thơ, tự in sách của mình, và tự say đắm.

Còn chữ nào đúng nghĩa hơn chữ “tự sướng”.


Cung Đô

vietbao.com

No comments:

Post a Comment