Pages

Sunday, August 6, 2023

Đêm Cuối Cùng - Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích



Cái đêm Giao thừa ấy đã khắc sâu vào tâm khảm, cô Minh không thể nào quên được: 

... Nâng nắp hầm lên, cô bưng tô cháo còn bốc hơi cho Tư Trầm ăn giải cảm. Mùi tiêu, mùi củ nén xông lên ngào ngạt. Ăn xong, cô đưa ông uống thêm ly nước chè lá vối nấu với vài lát gừng giúp cho cơ thể ông toát mồ hôi. Tuy chưa thật khỏe, Tư Trầm vẫn hối thúc cô Minh rà soát lại động tĩnh bên ngoài rồi vội vã ra đi.


Hai người lặng lẽ đi trong đêm, luồn theo lũy tre phủ kín mịt mùng. Họ đến nơi đậu chiếc ghe câu của cô bên vực sông để đưa Tư Trầm qua bờ bên kia công tác. Cô đã làm cái công việc nguy hiểm nầy bao lâu cô không còn nhớ rõ. Duy cái việc cô giấu Tư Trầm dưới hầm bí mật đào trong nhà là nỗi lo âu canh cánh bên lòng. Tự nguyện hay bắt buộc, lòng cô chưa giải bày được, nhưng qua sự chung đụng lâu ngày hình như cô thấy cần có Tư Trầm.


Ðêm nay, dù sắp đến giờ đón Giao thừa, cô Minh phải thi hành công tác chèo ghe  đưa Tư Trầm qua  bên kia sông để gặp các đồng chí hoạt động bí mật. Vừa đến bờ sông, bỗng tiếng quát “đứng lại”, tiếng chân người chạy thình thịch rồi những loạt súng nổ vang. Ðạn bay vãi trên đầu ngọn tre rào rào. Họ vừa kịp tháo dây cột thuyền là nhào xuống nước, vừa bơi vừa đẩy thuyền trôi ra xa. Những loạt đạn bắn xối xả đuổi theo làm tung tóe nước chung quanh thuyền. Hai người vừa lặn dưới nước vừa đẩy thuyền đi. Khi im tiếng súng họ mới lên thuyền chèo đến điểm hẹn.


Sợ lực lượng tảo thanh nhìn mặt, cô Minh không trở lại nhà để cúng Giao thừa, mà giữ nguyên áo quần ướt chèo thuyền đi trong đêm xuống tận thị xã lánh mặt. Tin tức từ trên vùng quê cô Minh cho biết đêm đó lính Quốc gia đồn trú tại  Núi Tròn phục kích. Ban đầu họ tưởng dân đánh cá sau mới biết đó là cán bộ Cộng sản nằm vùng. Lực lượng an ninh lục soát và xăm hầm trong xóm  mới phát giác căn hầm bí mật trong nhà cô Minh.


Cũng từ những đêm sau cùng ấy, khi rời khỏi hơi ấm vòng tay Tư Trầm cô cảm thấy trong cơ thể mình hơi khang khác. Thời gian ở ẩn trong xóm lao động nơi thị xã cô mới nhận biết mình có triệu chứng cấn thai. Và bụng cô mỗi ngày mỗi lớn. Làm sao giải thích với mọi người “không chồng lấy ai có chửa” nhất là chính quyền địa phương. Họ sẽ để ý, theo dõi rồi kêu tới kêu lui điều tra thì thật là nguy hiểm. Thế nên cô âm thầm bỏ quê Quảng Ngãi vào tận vùng Cà Mau sinh sống...

 

*******

Cô Minh là con út của gia đình gồm 3 người con gái. Hàng xóm láng giềng thường gọi các chị cô bằng thứ bậc Cô Hai, Cô Ba. Riêng cô lại được gọi bằng cái tên cúng cơm: Út Minh.

Út Minh to con lớn xác nhất nhà và làn da cũng khác với 2 bà chị ruột. Thay vì trắng như trứng gà bóc thì màu da của cô lại tối sầm, màu sạm nắng của những đứa trẻ rong chơi ngoài đồng suốt ngày. Tính tình nghịch ngợm như con trai, nên cha mẹ cô hay bảo cô được “Mụ Bà nặn lộn”.


Ðến mùa đạp mía mọi người đổ xô ra chòi. Kẻ đánh bò chạy che, người chụm mía... Còn cô thì cứ lông nhông chơi trò đánh giặc giả. Cô bắt 2 thằng nhóc to con nhất trong xóm, đứa đi sau 2 tay giữ vai đứa đi trước, lưng cúi xuống làm thớt voi cho cô cỡi đóng vai Tướng quân Đinh Bộ Lĩnh. Gươm giáo là những cây mía cô lấy trong chòi phân phát cho chúng nó. Cô còn bắt lũ trẻ cầm những cây cờ mía giả làm cờ lau phất cờ khởi binh ra trận.

Dựa vào dòng nước chảy dốc và lưu lượng dồi dào của sông Trà Khúc phát xuất từ thượng nguồn dãy Trường Sơn, người ta ngăn sông dựng lên những bờ xe nước. Ðây là hệ thống dẫn thủy nhập điền đặc biệt của tỉnh Quảng Ngãi. Những đoạn kè ngăn sông đều có chừa cổng dành cho thuyền bè lên xuống. Sức nước chảy dồn nơi đây khá mạnh như một cái thác đủ sức quay hàng chục bánh xe có đường kính 10 mét. Ðộ dốc của nó từ 1 mét đến mét rưỡi khi có mưa nguồn đổ về, ghe thuyền đi ngược dòng vượt qua cổng gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Người thuyền trưởng phải vừa có sức mạnh vừa có kinh nghiệm. Thông thường thuyền nào cũng phải có 2 đến 4 trai bạn giúp sức đẩy thuyền lên mỗi lần thuyền ngược nước.

Chú Cảnh là một thanh niên lực lưỡng, có chiều cao 1 mét 8. Chiếc thuyền buôn của chú chỉ cần một người chèo phía sau lái, một người đứng trước mũi chịu sào. Khi vượt cổng xe nước chỉ mình chú đứng trên be thuyền đặt vai vào trụ đập rồi đẩy thuyền vượt qua dòng nước ngược đổ dốc ào ào.

Gần chục năm thuyền buôn chú Cảnh lênh đênh trên sóng nước ngược xuôi từ sông ra biển luôn được Thủy Thần phò trợ. Nhưng cuộc đời đâu có suôn sẻ mãi, vận rủi bất ngờ ập đến. Trong một lần vượt cổng bờ xe, thuyền lên nửa chừng chú Cảnh trượt chân, nước xoáy đẩy thuyền quay tròn rồi lật úp. Hàng hóa mất sạch. Thuyền bị vỡ nát. Vốn liếng trắng tay. Thoát hiểm, chú bỏ nghề buôn trên sông nước, đầu quân vào nghề làm đường mía với gia đình cha mẹ Út Minh.

Khi Út Minh lên 16 tuổi, cha mẹ lần lượt lìa đời. Từ đó tính tình Út Minh hoàn toàn thay đổi. Cô sống thầm lặng, ủ rũ. Năm 20, cô lấy chú Cảnh.

Ðám cưới chỉ tổ chức đơn sơ. Vợ chồng cô dựng một căn nhà nhỏ trên đám đất của cha mẹ để lại làm của hồi môn. Mấy năm sau cô sinh được đứa con đầu lòng. Thằng Mẫn ăn nhiều chóng lớn lại được bố tập bơi, dạy võ từ lúc mới lên 7 tuổi. Càng lớn, Mẫn càng tỏ ra có sức lực hơn người.

Thời điểm kinh tế bi đát nhất của vùng Liên khu 5 do ViệtMinh chiếm giữ, chú Cảnh mua đồ đồng hư nát đúc chiêng mang lên vùng thượng du đổi lấy các sản phẩm trên rừng.

Sau ngày hiệp định Genève 1954 ký kết, Vùng Liên Khu 5 chính quyền Quốc gia tiếp thu, Cán bộ bộ đội Việt Minh Cộng sản phải tập kết ra miền Bắc nằm ngoài vĩ tuyến 17.

Những ngày tháng hết chiến tranh chú Cảnh lại mắc một chứng bịnh lạ lùng. Bụng chú phát to như bụng bò, lớn rất nhanh. Người ta bảo chú bị dân thượng miền Sơn Hà  bỏ bùa, yểm ngải. Các vị đông y cho là bệnh phát cổ trướng. Bác sĩ tây y chẩn đoán cho là bệnh gan... Khi cái bụng phát triển hết sức lớn, tròn nhẵn, căng cứng, tim chú Cảnh đập yếu dần rồi tắt thở. Ðám tang của chú phải chọn đúng 12 lực điền vặm vỡ mới khiêng nổi cái quan tài to gấp đôi người thường.


******

Ngày tháng đau buồn rồi cũng qua đi. Niềm an ủi của cô Minh bây giờ là đứa con trai duy nhất. Trần Văn Mẫn lên 16 tuổi học lớp đệ tứ trường công lập. Nó cao lớn như bố, đẹp trai cường tráng. Cô đặt hết hy vọng vào tương lai của con mình.

Tuy lớn xác nhưng tính tình Mẫn vẫn còn ngây thơ. Các nữ sinh cùng lứa đã có kẻ yêu thầm nhớ trộm. Cô nào bạo dạn  thì buông lời trêu chọc, Mẫn e thẹn bỏ đi.

Theo thường lệ, sau giờ tan học Mẫn về nhà đúng giờ ăn cơm tối. Nhưng hôm nay cô Minh chờ mãi mà chẳng thấy con về. Sáng ngày, cô lật bật đến trường hỏi thăm. Thầy giám học cho biết Mẫn không đến lớp đã 2 ngày qua.

Lòng cô Minh như lửa đốt, tim cô như kim châm, vừa nhớ con vừa lo lắng. Thằng Mẫn có mệnh hệ nào thì làm sao cô sống nổi. Mấy đêm liền cô mất ngủ, nơm nớp đợi chờ tin tức của con.

 

*******

Ðêm nay, trận bão rớt từ biển Ðông thổi vào. Tiếng gió gào thét trên những ngọn tre quằn quại cùng tiếng răng rắc của thân tre vặn mình cọ vào nhau tựa như tiếng rên rỉ trước cơn thịnh nộ của đất trời. Rồi cơn mưa ập đến cuồng điên như trút nước. Cô Minh bưng đèn xem lại cửa nẻo, nhìn kỹ mái nhà có bị gió làm tốc mái không. Bỗng có tiếng gõ cửa vội vàng, thúc hối. Cô đặt chiếc đèn dầu hôi trên bàn, hồi hộp mở cửa.

Một người đàn ông lách mình chui nhanh vào nhà. Ban đầu cô ngỡ  là thằng Mẫn, nhưng khi người ấy cởi áo đi mưa và khăn trùm đầu cô mới thật sự thất kinh vì khuôn mặt hoàn toàn xa lạ.

Người đàn ông cất tiếng hỏi:

- Út Minh có khỏe không?

Nhìn khuôn mặt ông khách, cô chẳng thấy có nét nào quen thuộc. Càng khiến cô bối rối hơn khi ông ta gọi tên cô thuở còn thơ ấu. Âm giọng có chút gì đó gợi nhớ trong ký ức, nhưng pha nhiều tiếng đàng ngoài nên cô hoài nghi. Cô nhỏ nhẹ trả lời:

- Thưa ông, tôi... vẫn bình thường.

- Bình thường sao được – người đàn ông lên tiếng – chị đang lo cho thằng Mẫn lắm, phải không?

Cô Minh trố mắt nhìn ông khách lạ.

Ông ta tiếp:

- Hôm nay không thể dài dòng. Tôi báo tin mừng cho chị là cháu Trần Văn Mẫn đã tình nguyện theo quân Giải phóng. Xin chị đừng lo lắng gì. Chúng tôi sẽ đưa cháu ra Bắc để cách mạng đào tạo cháu trở thành nhân tài của đất nước. Bổn phận làm mẹ chiến sĩ, chị phải tiếp sức với chúng tôi trong phong trào gầy dựng cơ sở. 

Chưa kịp hỏi han gì, người đàn ông khoác chiếc áo mưa trùm đầu, đẩy cửa ra đi cùng với 2 người đứng chờ bên ngoài sau khi ông hứa sẽ trở lại trong một ngày gần đây.

Cô Minh trằn trọc cả đêm, vừa lo cho con vừa nghĩ ngợi về người đàn ông xa lạ. Ông ta tỏ vẻ thân thiện và hình như biết rõ về hoàn cảnh của cô. Cặp chân mày rậm sắc như hai lưỡi mác vắt ngang vầng trán cao làm nổi bật ánh mắt không khoan nhượng lọt thỏm trong quầng mắt thâm đen. Ký ức cô chợt hiện ra hình ảnh người láng giềng bên kia hàng rào dâm bụt: Bùi Chước. Ðứa con trai vặm vỡ lớn hơn cô 2 tuổi đã từng làm voi cho cô cưỡi đóng vai Đinh Bộ Lĩnh ngày nào. Nhưng anh ta đã bỏ làng ra đi lâu lắm rồi. Nửa tin nửa ngờ, cô Minh thiếp đi trong giấc ngủ đầy ác mộng...

 

******

Sau ngày đất nước hết chiến tranh 1975, cô Minh trở về làng cũ sau bao năm lưu lạc trên miền đất Cà Mau muỗi nhiều như vãi trấu. Ngày bỏ làng ra đi, đứa con gái còn trong bụng mẹ, giờ bé Hương đã 16 tuổi rồi.  Phần cô thì tuổi già sức yếu cũng mong được gần mộ phần của cha mẹ và 2 bà chị ruột. Nhưng mối ưu tư lớn nhất của cô là tương lai của bé Hương. Cô mong tìm được người đàn ông cùng dòng máu của nó để sau nầy cô có nằm xuống thì con gái sẽ có người cha đỡ đầu. Ðồng thời cho nó hết mặc cảm là con không cha. Ðiều ước nguyện thứ hai là được gặp Mẫn, thằng con trai của cô đã bỏ nhà theo cách mạng. Hòa bình rồi, thế nào nó lại không về quê tìm mẹ.

Cái vườn nhà ngày xưa của cô bây giờ do cơ quan xã chiếm giữ. Những mẫu ruộng đất màu mỡ của gia đình cô cũng do nhà nước quản lý. Người ta cấp cho mẹ con cô miếng đất sát rìa núi Chợ đủ dựng túp lều tranh và mảnh ruộng hoang từ mười mấy năm chiến tranh không ai đụng tới. Mùa khô thì nẻ toác chân chim, mùa mưa thì nước không lối thoát. Nghĩ phận mình mẹ góa con côi, ức quá, nhiều đêm cô ôm mặt khóc thầm.

Một hôm cô Minh đến trình bày những thua thiệt của mình với ông chủ tịch xã.

Ông chủ tịch giương mắt nhìn cô Minh như nhìn một bà già lẩm cẩm, rồi gay gắt hỏi:

- Trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, thời đen tối nhất thì bà bỏ làng ra đi, lúc này bà trở về khiếu kiện đòi công bình với những người bám trụ, bình đẳng với những người có công với cách mạng?

- Tôi không tranh phần hơn, nhưng tối thiểu, xã nhà cũng nên trích dành cho tôi một khoảnh đất hương hỏa trong hàng mười mấy mẫu của cha mẹ tôi để lại đặng có chút gì hương khói thờ tự. 

Cô Minh phân trần.    

Sau những lời nói có tính cách trấn áp, ông chủ tịch nghĩ thầm đây là đối tượng cần phải giáo dục cho thấu triệt chính sách, bèn tiếp:

- Dân đều bỏ làng ra đi như bà thì đất đai còn đâu mà đòi phần hương với hỏa. Bà so bì sao được với thím Thuận, từng nuôi cán bộ dưới hầm. Tranh sao được với cụ Lại có con thoát ly hy sinh... 

Ông chủ tịch còn muốn liệt kê thêm những người được quyền lợi ưu tiên. Nhưng cô Minh chận lời:

- Tôi đâu có đòi ưu tiên. Việc bỏ làng đi cũng là hoàn cảnh bắt buộc.

- Thời chiến tranh không một ngày vắng bom đạn, bà tính coi, làng nầy nhà nào không hoàn cảnh?

-  Nhưng nếu tôi báo với chú chủ tịch rằng tôi cũng có một thời kỳ giấu cán bộ trong nhà thì chính sách có ưu đãi không? Vả lại con gái tôi là...

Chợt thấy không lợi gì khi đề cập đến lai lịch của đứa con gái mình nên cô Minh kịp ngưng lại.

-  Ai làm chứng cho bà? 

Chủ tịch xã hỏi và soi mói nhìn cô.

- Thời đó việc ai người ấy biết - Cô Minh lúng túng đáp - Sơ hở là mất mạng. Những người liên hệ với tôi ngày trước giờ không còn ai, chú là giới trẻ sau này nên đâu có biết tận tường...

- Tôi rõ chớ - chủ tịch xã ngắt lời -  Nhưng làm gì cũng phải có nguyên tắc. Ðã nhiều người lên đây khai báo rằng thời “đen tối” đã từng làm việc nầy, chuyện nọ. Ðến khi điều tra thì toàn là khai dối, chứng gian. Chúng tôi làm việc nghiêm túc đúng chính sách quy định chớ không chạy theo tình cảm.

- Thế thằng con tôi, Trần Văn Mẫn đi theo cách mạng từ năm nó 16 tuổi do anh Tư Trầm dẫn đi. Chính quyền địa phương có nắm được danh sách những người thoát ly nầy không? 

Cô Minh mạnh dạn cật vấn ông chủ tịch.

- Hồ sơ của địa phương trong thời khói lửa hoàn toàn bị thất lạc. Ông Tư Trầm là ông nào chúng tôi cũng không hề biết. Bà nên liên lạc với đồng chí Tư Trầm nào đó cho giấy xác nhận thì địa phương mới áp dụng theo chính sách ưu tiên. Vả lại, nếu con trai bà hy sinh thì đã có thông tư từ bộ Thương binh Xã hội gởi về.

Cô Minh nghĩ: “Chim có nhớ tổ mới tìm về cội, sao tổ lại đi tìm chim!” Xét thấy không còn lý lẽ nào để chứng minh, cô cầm nón thất thểu ra về. Ông chủ tịch xã với vẻ đắc thắng nhìn cô Minh băng qua đường trong dáng đi xiêu đổ.

Hai mẹ con cô Minh đành đánh vật với thửa ruộng Hóc Lăng cát nhiều hơn đất mùn. Người nông dân không bám vào đất, lấy gì nuôi thân. Trăm thứ phải lo cũng từ đất mà ra. Hai mẹ con phải làm thêm nghề đốt than lén lút mang về bán cho tổ hợp chạy máy nước. Ðứa con gái cũng không có điều kiện đến trường. Quanh năm suốt tháng dãi dầu mưa nắng vẫn không đủ miếng ăn. Nhiều lúc cô Minh muốn bỏ xứ trở lại vùng đất Cà Mau, tuy nhiều muỗi mòng nhưng dễ kiếm ăn. Nghĩ đến thằng Mẫn, nghĩ đến ông Tư Trầm cô lại quyết tâm bám trụ nơi đây chờ đợi.

 

******              

Thời gian nặng nề trôi qua với bao mùa nắng đốt, thiêu cháy cỏ cây. Vùng đất miền Trung đưa mặt ra biển hứng trọn những cơn bão từ Thái Bính Dương đổ vào mang theo những trận mưa tối trời tối đất. Nước sông dâng lên cuốn trôi tất cả hoa màu nhà cửa. Năm nào cũng vậy, người dân xứ Quảng âm thầm chịu đựng tai họa của trời giáng xuống triền miên.

Sắp đến ngày Tết Nguyên Ðán, lệnh trên sức dân trong xã ra đường dọn vệ sinh, làm quang làng xóm để chuẩn bị đón tiếp cấp trên về chúc Tết nhân dân. Cấp trên cỡ nào dân chúng không được biết, nó thuộc phạm vi bảo vệ an toàn cho lãnh đạo.

Trong hội trường đã tập trung đầy đủ các cán bộ xã, đảng ủy, những thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, đại diện các hội nông dân, phụ nữ, thanh niên... Còn những dân hồi cư như mẹ con cô Minh, thành phần tham gia chế độ cũ thì đứng vòng ngoài, cách xa.

Chừng xế trưa, chiếc xe con màu đen bóng và 2 chiếc xe jeep màu nhà binh từ đường cái lớn lượn vào sân hội trường xã. Những lá cờ cầm tay phất lên, những tiếng vỗ tay dậy trời làm huyên náo cả một vùng.

Ông chủ tịch huyện, ông chủ tịch xã và một số nhân vật khác đích thân ra xe đón tiếp cán bộ cấp cao, nghe đâu từ trung ương. Một người mập mạp, trắng trẻo trong xe bước ra rồi đi thẳng lên hàng ghế danh dự trên khán đài.

Sau nghi thức ban đầu, ông chủ tịch kiêm bí thư huyện đọc lời chào mừng rồi trịnh trọng giới thiệu đồng chí Phụ tá Thứ trưởng phát biểu. Ông cán bộ trung ương vận áo cộc tay màu trắng bỏ ngoài, da mặt bóng hồng bước lên bục. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay rào rào. Bài nói chuyện khá dài có nội dung biểu dương xã tiên tiến Tịnh Sơn đã dẫn đầu tỉnh về thành tích công tác thương binh xã hội. Xã chú tâm đến những người đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng đúng tầm mức chính sách, đường lối mà trung ương đã đề ra. Ðoạn nào thấy cần phát huy là ông tự vỗ tay trước cho đồng bào vỗ theo. Cuối cùng, ông bày tỏ nỗi vui mừng khi được trở lại đây thăm đồng bào xã nhà, nơi mà ông đã hồi kết từ năm 1959 và bắt đầu hoạt động bí mật gầy dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị cho ngày đồng khởi.

Sau khi lên khán đài nhận bằng khen của bộ Thương Binh Xã Hội, ông chủ tịch xã cảm động thưa rằng: “Nhân dân xã nhà rất tự hào, rất vinh dự được anh Tư đặt nền móng phong trào cách mạng đầu tiên tại địa phương nầy. Thay mặt nhân dân trong xã kính gởi lời chúc Tết lên đồng chí thứ trưởng”. Tiếng vỗ tay lại nổi lên.

Diễn từ, đáp từ diễn ra trong vòng một tiếng đồng hồ rồi đồng chí Phụ tá Thứ trưởng và đoàn tùy tùng ra xe.

Hội trường không đủ chứa lượng người quá đông nên một số lớn đồng bào phải ở ngoài sân.

Ngồi đợi từ sáng sớm đến trưa dưới cơn nắng như lửa nung, cô Minh lùng bùng cả hai tai không nghe được gì bài nói chuyện của ông cán bộ trung ương. Nhưng cô chú ý đến giọng nói của người nầy nó y chang giọng nói của Tư Trầm. Giọng sang sảng đã ăn sâu trong tiềm thức của cô. Khi ông cán bộ trung ương bước ra xe, cô lấy nón khỏi đầu nhìn trực diện. Chợt cô  hớt hải kêu lên: 

- Anh Tư Trầm!

Cô gạt mấy người ngồi chắn ngang đường, chen chân hướng về phía chiếc xe kêu to hơn:

- Bớ anh Tư Trầm, bớ anh Bùi Chước!

Cô định nhào ra nơi chiếc xe mà đồng chí cán bộ trung ương vừa chui vào, nhưng lực lượng giữ an ninh lập tức vây quanh, họ kéo rịt cô vào góc tường.

Chiếc xe lăn bánh. Ðồng chí Phụ tá Thứ trưởng đưa tay qua cửa sổ, tươi cười vẫy tay chào nhân dân.

Giữa sân hội trường xã, cô Minh ngã xuống trên nền gạch, miệng còn thì thào: “Tư Trầm ơi, con Hương... nó là con ruột của anh! Hãy...” Một dòng máu ứa ra nơi khóe miệng làm tắt lịm những tiếng nói cuối cùng của cô Minh.

 

******

Sáng sớm ngày mồng 1 đầu năm mới, người con gái ngồi bên mộ mẹ vừa nhổ từng ngọn cỏ non vừa nghĩ về cuộc đời lận đận, lao đao của mẹ. Những mong ước dù nhỏ nhoi đến đâu cũng chưa bao giờ được toại nguyện. Nghĩ về mình, nàng cũng có người cha, người anh nhưng chưa hề biết mặt.

Cái ông Tư Trầm nào đó rất nhiều lần được mẹ nhắc đến nhưng cứ tưởng ông ấy đã hy sinh. Người ta khuyến khích Hương làm đơn lên trung ương xin ông Tư Trầm xác nhận lý lịch của mình và chứng nhận người anh ruột đã đi theo Quân đội Giải phóng lúc 16 tuổi dưới sự bảo trợ của ông ta. Ðó là điều kiện để mẹ nàng được chính thức nhận bằng khen “Gia Ðình Có Công Cách Mạng”.

Hương đốt nắm nhang cắm dưới chân mộ mẹ, nàng khấn:

- Mẹ ơi, như vậy là mẹ đã toại nguyện rồi. Cuối cuộc đời của mẹ được yên nghỉ vĩnh viễn bên mộ người thân và con cầu mong linh hồn mẹ được đoàn tụ với anh con Trần Văn Mẫn ở chốn tuyền đài.

Hôm nay, con xin phép Mẹ được rời bỏ nơi đây để trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của con, phần tận cùng của đất nước: Mũi Cà Mau.

Nơi ấy, người con gái tên Hương được sinh ra và lớn lên vui hưởng những ngày tháng chân bám phèn nhưng tâm hồn trong sáng. Nơi ấy, nhịp đập trái tim nàng đã giao hòa cùng tiếng sóng vỗ đại dương. Và hơi thở nàng lồng trong từng cơn gió biển mát rượi tình người, ngày thêm tươi xanh cánh rừng tràm trên đất bồi phù sa.

Cúi đầu trầm ngâm trước mộ mẹ một lúc, Hương ngẩng mặt lên với đôi mắt đẫm lệ, nàng nhìn áng mây ửng hồng trên bầu trời cao, mở đầu một ngày mới.

Vừng thái dương vừa vượt khỏi đỉnh đồi, Trần Thị Hương ôm gói áo quần rời mộ mẹ bước đi trong màu nắng nhạt nhòa./.


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

1 comment: