Pages

Thursday, August 17, 2023

Đi Chơi Chùa Hương - Nguyễn Giụ Hùng


CHƯƠNG III

TUYẾN CHÙA TUYẾT SƠN


Tuyến đường vào chùa Tuyết Sơn

      Từ bến đò Phú Yên, chúng tôi rẽ vào ngã ba của suối Tuyết để lên chùa Tuyết Sơn.

      Khi vừa tới khúc suối rẽ vào suối Tuyết, tôi trông thấy một chị lái đò đã hơi đứng tuổi, khoảng 25. Thấy thuyền chị không có khách, tôi gọi to để chị lại gần. Mọi người trên thuyền đều ngạc nhiên về hành động bất ngờ của tôi. Mơ là người ngạc nhiên hơn cả, cứ nhìn tôi chăm chăm. Khi chị lái đò đến gần sát thuyền tôi, tôi vội lên tiếng:

      - Chào chị! Chắc chị chưa có khách?

      - Thế, các anh chị muốn gì nào?

      Tôi chỉ vào Mơ:

      - Đây là cô Mơ, em họ của tôi. Cô ấy chèo thuyền đưa chúng tôi đi chơi đã hai ngày liền rồi. Nay chúng tôi lại muốn lên chùa Tuyết Sơn xa tít trên kia. Sợ cô ấy mệt nên chúng tôi định nhờ chị đổi tay chèo dùm cô ấy được không?

      Nghe đến đây cả Mơ lẫn chị lái đò cùng cười rộ lên. Chị lái đò chỉ Mơ:

      - Ối Giời ơi! Anh đừng phải lo cho nó. Có lần tôi với nó chèo đò dọc trên sông Đáy liên tục ba ngày, ba đêm liền. Nó chèo thuyền khỏe lắm, cả làng này ai mà chẳng biết tiếng nó. Các anh chị cứ đi chơi vui vẻ, thoải mái đi. Nhằm nhỏ gì với mấy con suối cỏn con này.

      Chị quay sang nói với Mơ:

      - Cô em có ông anh họ tử tế nhỉ!

     Nói xong câu ấy chị lái đò cười cười chèo thuyền bỏ đi. Uyên và Thi trố mắt nhìn tôi đang ngẩn ngơ, sượng sùng.

      Mơ nói với tôi:

      - Cám ơn anh! Công việc thường ngày này, đối với chúng em thì đâu có gì là mệt nhọc. Được đi chơi với các anh chị là vui lắm rồi. Mấy khi em gặp được khách quý và vui như thế này.

      Mơ nói tiếp theo:

      - Chị ấy tên Thơm, người cùng xóm với em. Chị ấy thường đi hái mơ và kiếm củi trên núi với em.

      Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi một cách kín đáo, mắt vẫn nhìn ra xa mỉm cười, không nói gì.

      Tôi lên tiếng:

      - Chúng tôi cám ơn cô Mơ nhiều lắm. Có cô đi chung, thật là vui!

      Mơ không trả lời tôi mà chỉ cắt nghĩa:

      - Khúc suối Tuyết này, từ đây dẫn vào chùa Tuyết Sơn bằng hai phần ba khúc suối Yến dẫn vào Thiên Trù. Vào những ngày hội chùa Hương, khách hành hương đến đây cũng đông lắm nhưng không đông bằng bên Hương Tích. Ngay bến đò, anh chị thấy một ngôi đền nhỏ cũng gọi là đền Trình, nhưng để phân biệt với đền Trình-Ngũ Nhạc, người ta gọi đền này là đền Trình-Phú Yên. Trong đền Trình này cũng có nhiều cây cổ thụ và ngoài cổng có hình một con hổ tạc trên phiến đá.


       Dọc theo suối Tuyết, cảnh vật thanh bình, êm ả và đẹp mắt lắm. Ta thấy hai bên bờ suối cũng có những rặng núi đá vôi nhưng thấp và thưa hơn.

      Mơ chỉ vào những quả núi, nói thêm:


        - Quả núi có hình dáng như chiếc thuyền rồng kia gọi là núi Thuyền Rồng, quả núi có hình dáng như con chim phượng được gọi là núi Con Phượng. Các anh chị để ý nhé, vài chỗ có những tảng đá vuông vức giống nhau lại chồng lên nhau như chồng sách gọi là “Thư thạch” (sách đá). Người ta cũng cho đó là những chồng kinh Phật.

      Tới bến đò Tuyết Sơn, chúng tôi lên bờ, Mơ đi trước dẫn đường, đưa chúng tôi tới một ngôi chùa mang tên Bảo Đài. Chùa Bảo Đài nằm trong động, xung quanh cây cối rậm rạp.

       Gần chùa Bảo Đài có một hang động trong đó có một cái ao cá thiên nhiên trong núi, người ta gọi là “Hang Cá” hay động Chùa Cá. Trong ao cá có cá vàng, cá bạc được cho là cá của Phật.

         Chùa Tuyết Sơn là chùa đẹp hàng thứ hai sau chùa Hương Tích. Chùa nằm trong hang động có độ lớn không thua gì động Hương Tích là mấy. Trong động có nhiều thạch nhũ đẹp, có chỗ rủ xuống, có chỗ trông như vẩy rồng. Sự sắp đặt tượng Phật gồm tượng thờ Phật Bà và các vị La Hán. Tượng thờ, hoặc được tạc ở thế đứng riêng biệt hay thế ngồi, thế nằm, hoặc được tạc trên vách đá hayđược đặt trên bệ thờ như phần lớn các chùa trong các hang động ở Hương Sơn. Có bức tượng được tạc bằng đá trắng, có bức tạc bằng đá mầu nâu trơn bóng rất đẹp. Ngày Hội, khói hương trong động toả ra mù mịt như khói hun.      

      Động Tuyết Sơn nổi tiếng từ lâu đời. Chỗ thạch nhũ giống trông giống như những con rồng trong ổ nên còn gọi là động “Ngọc Long” (Rồng ngọc). Trên đỉnh núi phía xa xa có một tảng đá giống như tượng Phật được tạc hay giống như hình thù một vị sư mặc áo cà-sa.

      Trước cửa động có hai bài thơ, một Hán, một Nôm được khắc trên đá của Tĩnh vương Trịnh Sâm.

      *Bài thơ chữ Nôm:

          Éo le thay bấy cảnh thiên thành!

          Có vẻ tân kỳ, có vẻ thanh

          Gió quyến cầm thông, thông lợp tán

          Mây vờn vách đá, đá in tranh

          Non cao Phật hiện phô kim tướng

          Động thắm, rồng quanh lắng ngọc kinh

          Sương tuyết càng nhiều, càng tú lệ

          Này này chẳng khác chốn Bồng Doanh.

          (“Vịnh Cảnh Tuyết Sơn”)

      Bài thơ này tả cái đẹp của cảnh bên ngoài, có thông reo, có mây vờn đá, đá in tranh, có tượng Phật trên đỉnh núi. Trong động có thạch nhũ hình con rồng lắng nghe kinh.

      *Bài thơ chữ Hán:

          Phương Nam chất ngất núi bao la

          Động tạc sườn non vẻ nuột nà

          Nét tỏ dấu thần vàng chuốt móng

          Sương ngưng gốc thụ ngọc in da

          Sáo reo: gió thổi ngàn thông quyện

          Song vắng: mây buông bóng nguyệt qua

          Một hạt cỏn con gồm thế giới

          Thơ lồng trong cảnh rộn lòng ta.

          (“Vịnh Động Tuyết Sơn” Quách Vinh dịch)


   Chúng tôi rời động Tuyết Sơn, lại theo triền núi thả dốc trở về bến đò Tuyết Sơn. Đường núi cheo leo nhưng vì đi xuống dốc nên cũng đỡ mệt hơn lúc leo lên.

      Khi chúng tôi xuống tới thuyền thì trời đã ngả về chiều. Nắng chiều chỉ còn vương vất ngang sườn núi hắt lên. Cảnh vật dần dần trở nên u tịch hơn.

      Mơ theo con đường khác để về. Cô dùng con đường suối Tuyết đi bọc theo sườn núi, băng qua cánh đồng chiêm để gặp suối Yến ở đền Trình-Ngũ Nhạc. Rồi từ đền Trình về bến Đục không xa.

      Mơ vừa chèo thuyền vừa nhìn trời như sợ trời sắp tối. Tôi nói như để trấn an Mơ:

      - Phải chi chúng ta được đi thuyền trong bóng đêm yên tĩnh, để được nghe tiếng mái chèo khua nước, tiếng nhái hay ễnh ương kêu vang, hay được nghe tiếng vượn hú, tiếng chuông chiều từ những cổ tự vang ra thì thích thú biết bao.

      - Các anh chị không sợ đêm tối à?

      - Không! Chúng tôi không sợ đâu! Cô cứ thủng thẳng mà chèo. Ta vừa đi thuyền trên suối vừa được nói chuyện trong bóng đêm cũng là cái thú đấy chứ.

      Thi lấy chân bấm mạnh vào chân tôi. Tôi biết Uyên và Thi sợ bóng đêm nơi vắng vẻ hoang vu này lắm. Chắc như hiểu tâm trạng của hai cô gái “tiểu thư” trên thuyền, Mơ lên tiếng:

      - Em sẽ cố đưa các anh chị về nhà trước khi trời tối hẳn. Hôm nay em còn phải đãi cơm anh chị nữa cơ mà. Mơ vừa nói vừa chèo nhanh hơn.

      Hoàng hôn có lúc tưởng như xuống thật nhanh vì những ngọn núi che lấp mặt trời. Tới chỗ núi quang, trời lại sáng hẳn lên. Để làm vui cho Mơ, tôi pha trò:

      - Các cô có biết bài ca dao này không nhé.

          Ba cô đội gạo lên chùa

          Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

          Sư về sư ốm tương tư

          Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu

          Ai làm cho dạ sư sầu

          Cho ruột sư héo như bầu đứt dây

          (Ca dao)

      Anh hỏi trong ba cô, hôm nay cô nào bỏ bùa cho sư nào?

      Thi như hiểu ý tôi muốn chĩa mũi dủi vào Mơ để trêu nên nàng chỉ ngay vào Mơ:

      - Chị Mơ! Đúng rồi! Chị Mơ là người bỏ bùa cho sư vì chị Mơ đẹp nhất.

      Mơ chỉ cười chứ không trả lời. Thi chỉ Uyên:

      - Không phải chị Mơ thì phải là chị Uyên.

      Từ nẫy tới giờ Uyên ngồi yên lặng, mơ màng nhìn cảnh đẹp, chợt thấy cô em trêu mình, vội lên tiếng:

      - Không phải chị đâu!

      Tôi trêu Thi:

      - Không phải Uyên, không phải cô Mơ thì đúng là em rồi.

      - Để em coi nào, không phải là hai chị thì chắc là ... chắc là em rồi. Đúng rồi! Em bỏ bùa cho sư này này!

      Thi vừa nói vừa chỉ vào tôi. Tôi xua tay cãi lại:

      - Anh không phải ... không phải là sư!

      Thi nói nhanh để lấn át tiếng tôi:

      - Phải rồi! ... Phải rồi! ...  Anh là sư!

      Thi vừa nói vừa thò tay xuống suối tạt ít nước vào tôi. Tôi vội la lớn lên:

      - Đừng làm ướt anh! Ừ, ừ, anh là sư! ... Anh là sư! Lật thuyền bây giờ!

      Thi ngừng tay cười to làm mọi người cùng cười theo. Mơ là người cười to nhất. Mơ vừa cười xong, lau nước mắt:

      - Ba chị em mình đâu có ai đội gạo lên chùa nên đâu có ai bỏ bùa cho sư được.

      Thi đưa hai tay lên trời khua qua, khua lại như vừa đồng tình, vừa tán thưởng câu nói của Mơ:

      - Chị Mơ nói đúng rồi! Hoan hô chị Mơ! Chị Mơ nhanh trí quá!

      Mơ lại cười phá lên. Được thể Mơ nói tiếp:

      - Sư về sư ốm tương tư. Sư về chùa rồi mới ốm tương tư, thế mà trên đường đi chị em mình có gặp ông sư nào đi về chùa đâu mà để bỏ bùa. Mà sư có ốm mình cũng đâu có biết.

      Cả bọn chúng tôi vỗ tay hoan hô trước sự phân tích của cô. Uyên là người vỗ tay to nhất.

      Tôi lại gợi chuyện với Mơ:

      - Cô Mơ ơi! Cô nói chuyện về anh chàng mê cô ở quán phở đi, cái anh hay ăn vụng thịt ấy.

      - Em không nói chuyện ấy đâu!

      - Thế cô nói chuyện về ông đầu bếp cứ đòi nấu phở cho cô Mơ ăn suốt đời vậy.

      Mơ cười nhắm cả mắt:

      - Hôm đó em dữ thật. Em “gầm” lên như cọp Hương Sơn hay sư tử Hà Đông vậy. Ừ, phải rồi, Hương Sơn cũng thuộc về tỉnh Hà Đông mà. Em nhớ hôm đó, mặt ông ấy tái xanh.

      Chúng tôi lại cười phá lên.

      Thuyền đi nhanh vì Mơ cố chèo về cho kịp trước khi trời tối mịt. Những dãy núi đá vôi chung quanh đã đổi thành màu xám đậm, những dãy núi xa xa chỉ còn mờ mờ lẫn trong nền trời. Cánh đồng lúa mầu xanh nay chỉ còn thấp thoáng con suối màu trắng bạc như con trăn bò. Mọi thứ trở nên yên tĩnh quá, cái yên tĩnh của sự êm đềm vắng lặng.

* * *

      Trời đã đổ tối không trông rõ mặt người, thuyền cũng vừa ra tới ngã ba suối Yến. Đền Trình với nước vôi trắng, mờ mờ hiện ở phía bên kia bờ suối. Từ đền Trình về đến bến đò Yến không còn xa. Mơ dặn chúng tôi chuẩn bị hành trang để lên bờ.

      Tôi đeo cả ba cái ba-lô lên vai rồi ngồi đợi. Thi nhìn tôi phì cười:

      - Sao anh tham thế! Thôi để chúng em đeo bớt cho.

      Tôi cứ ngồi yên như không nghe thấy.

      Uyên nói với Thi:

      - Chị em mình chạy ra phố một tý rồi về nhà sau.

      Uyên quay sang nói với Mơ:

      - Chị và anh cứ về trước, em chạy ra chợ một tý rồi về. Mua cái gì nấu sẵn để khỏi mất nhiều thì giờ chị ạ. Chị cũng đã mệt lắm rồi.

      - Em đã chuẩn bị cho nồi canh sắng nấu với củ mài rồi mà. Đặc sản Hương Sơn đấy. Nhớ về nhanh để em chỉ cho chị nấu.

       Khi vừa xuống đò, Uyên và Thi lon ton chạy ra chợ bến đò Yến. Mơ cột thuyền rồi cùng tôi vội vã về nhà. Cô thật nhanh nhẹn và rất tháo vát, chân tay cứ thoăn thoắt, làm việc nào thì chu toàn việc nấy.

      Vừa vào tới nhà Mơ chạy ngay vào bếp. Tôi cất ba cái ba-lô vào phòng rồi đi tắm, tiết kiệm thời gian khi các cô còn lo việc ăn uống.

      Chẳng mấy chốc, Uyên và Thi về tới với vài thứ trên tay. Một cậu trai chừng 14, 15 tuổi lễ mễ mang một gói nặng đặt trên thềm nhà rồi bỏ đi ra. Hóa ra đó là một yến gạo hai người mua về. Cũng chẳng mấy chốc bữa cơm đã được bầy sẵn sàng trên chiếc chõng giữa sân. Một bát canh rau sắng được đặt chính giữa mâm còn đang bốc khói, cùng với những món ăn vừa mới mua về. Một chiếc đèn dầu để bên cạnh mâm.

      Tất cả chúng tôi đều đói nên ăn rất ngon. Lần đầu tiên, ba chúng tôi được ăn món canh đặc biệt của Hương Sơn, vừa lạ lại vừa rất ngon miệng: rau sắng nấu với củ mài.

      Cơm nước xong, chúng tôi dọn dẹp rồi trở lại chõng ngồi nói chuyện. Uyên và Thi hỏi Mơ về món canh ngon miệng vừa ăn. Mơ cho biết:

      - Rau sắng Hương Sơn là loại rau rừng mọc vào mùa xuân, từ tháng Giêng cho tới tháng Tư. Nó cùng họ với rau ngót, lá giống rau ngót nhưng mầu xanh mướt, mỡ màng bóng bẩy và nhọn hơn, nhất là lá non. Có nơi gọi nó là rau “ngót rừng”.

      cho biết thêm, rau sắng hiếm quý vì tìm được ít, và lá non chỉ có nhiều vào mùa Xuân nên đắt. Ai đi trẩy hội chùa Hương cũng cố mua về một ít để thưởng thức hay làm quà.

      Kể cả người bán lẫn người mua đều phải “nâng niu” nó vì nó dễ bị dập héo, ăn mất ngon. Những ai sành điệu ăn rau sắng, người ta không nấu canh sắng với thịt, chỉ luộc nó với tý muối. Ăn như thế mới thưởng thức được cái thơm, cái ngọt mát nguyên chất của rau sắng. Có người còn đòi hỏi loại sắng “rồng rồng”, tức là rau sắng có chồi hoa non, lấm tấm như hoa ngâu để bát canh thêm đẹp, có cả lá lẫn hoa. Hoa còn ngọt hơn cả lá non nữa     

      Cây sắng không phải là loại cây thảo, hay loại dây leo mà nó thuộc vào loại cây mộc. Cây sắng to, cao, chỉ thích hợp mọc trên núi đá vôi mà thôi. Muốn có được lá non người ta phải trèo lên cây mà hái. Mùa Đông lá rụng hết và cũng như những loại cây khác, tới mùa Xuân cây đâm chồi nẩy lộc. Hoa ra cùng lượt với lá. Đến tháng Năm, cây sắng có quả chín từng chùm như chùm sung. Hái lá sắng thì cứ mỗi tháng hái một lần, hái đến tháng Sáu thì thôi. Phải là người chuyên môn như chúng em mới hái được nhiều.

      Và nhắc tới rau sắng, tôi không thể không nhớ tới nhà thơ Tản Đà, và tôi cũng không thể không nhớ về giai thoại “rau sắng chùa Hương” khá lý thú của cụ.

          Muốn ăn rau sắng chùa Hương

          Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa

          Mình đi, ta ở lại nhà

          Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.

      Bài thơ được đăng trên báo. Ít lâu sau, vào khoảng tháng 3 năm 1922, thi sĩ Tản Đà nhận được một gói quà gửi từ Phủ Lý ra Hà Nội, mở ra thấy có một mớ rau sắng kèm theo một bài thơ dưới có đề “Đỗ tang nữ bái tặng”:

          Kính dâng rau sắng chùa Hương

          Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa

          Không đi thì gởi lại nhà

          Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.

      Cụ Tản Đà cảm tạ “Đỗ tang nữ” bằng bài thơ sau, trong “truyện thế gian”:

          Mấy lời cảm tạ tri âm

          Đồng bang là nghĩa, đồng tâm là tình

          Đường xa rau vẫn còn xanh

          Tấm lòng thơm thảo, bát canh ngọt ngào

          Yêu nhau xa cách càng yêu

          Dẫu rằng suông nhạt, càng nhiều chứa chan

          Nước non khuất nẻo ngư nhàn


         Tại lòng, xin mượn “Thế gian” đưa tình.

      Uyên hỏi thêm:

      - Thế còn củ mài?

      Mơ giải thích:

      - Củ mài cũng là đặc sản của Hương Sơn như rau sắng và mơ vậy. Canh rau sắng đã ngon, thêm củ mài vào lại càng ngon hơn. Cù mài còn được dùng để nấu chè, làm bánh nữa. Củ mài thuộc loại dây leo giống như củ từ, lá hình trái tim. Củ hình dẹt hoặc tròn. Mỗi dây một củ, thường mọc trên núi đá. Củ ăn sâu, chui cả vào những khe đá nhỏ nên đào được nó rất khó khăn, phải kiên nhẫn. Có lần em đào, phải đập cả đá ra để moi. Có khi đào đến nơi thì lại thấy củ nó nằm dưới tảng đá to, đành bỏ.

      Cô giải thích tiếp:

      - Củ mài có dược tính tốt, như trong sách của cụ Hải Thượng Lãn Ông, một thầy thuốc nổi danh của nước ta cho biết

          Sơn dược là tên chữ củ mài

          Ngọt bình không độc, tính lành hay!

          Bổ tim dưỡng thận, bồi tỳ vị

          Nhuận gan, thêm khí, khoẻ hình hài . . .

      Chúng tôi vỗ tay khen Mơ là giỏi cả về cây thuốc. Mơ đắc chí nói thêm:

      - Em còn biết cả, nào là “hoa kim ngân” trị tiêu độc, củ “khúc khắc” trị chữa thấp và phong, cây “ổ rồng” chữa lành xương gẫy, cây sâm bổ tỳ vị ... À, em còn biết được dược tính của cây mơ nữa. Cụ Tuệ Tĩnh (sống ở cuối đời nhà Trần) có cho biết “Quả mơ muối, vị chua, tính hàn không độc, trừ nhiệt, sinh nước bọt, lợi cuống họng, trị trúng phong, tiêu đờm, chữa lỵ” Loại lá mơ leo, chữa bệnh kiết lỵ rất tốt.

      Chúng tôi lại vỗ tay khen. Tôi nói với Mơ:

      - Cô Mơ phải làm thầy thuốc hay đi học làm thầy thuốc mới đúng.

      Mơ nói:

      - Thầy em rất giỏi về thuốc Nam mà có sống được bằng nghề ấy đâu! Em học thế nào được. Thầy em dậy cho em tý nào em chỉ biết tý nấy thôi.

      Tôi nghiêm mặt, hỏi Mơ:

      - Cô Mơ có anh chàng nào đang theo đuổi chưa?

      Mơ nhìn tôi rồi trầm ngâm như suy nghĩ:

      - Trước đây em có, nhưng bây giờ thì hết rồi. Anh ta có vợ rồi. Em không thích mấy anh con trai em quen biết ở trong làng này. Em quý họ nhưng mỗi khi em nói chuyện động tới sách vở hay tý hiểu biết thì họ nói em là đứa “dở hơi” hay “dở người”, kiếm ăn không ra mà cứ nói chuyện trên trời. Em chán nên em chẳng yêu ai. Em cũng chưa biết sau này em sẽ lấy ai trong bọn họ nữa. Mà, anh hỏi em câu ấy để làm gì vậy?

      Tôi cố nghiêm nét mặt để Mơ phải hết sức tin cậy vào lời nói đứng đắn của tôi:

      - Tôi muốn giới thiệu cho cô người bạn học của tôi. Anh ta dễ mến lắm, lại đẹp trai nữa. Anh ta ở Hà Nội nhưng thường tâm sự với tôi là anh ta chỉ thích làm quen với những người con gái mộc mạc ở dưới quê thôi. Có vài cô gái ở Hà Nội yêu anh ấy mà anh ấy không yêu lại, chỉ mong sao quen được với một cô gái miền quê. Thế mới lạ chứ. Anh ta tâm sự với tôi rất thật lòng.

      - Thế anh ấy có vợ chưa?

      Tôi cười:

      - Chưa! Có vợ rồi ai dám giới thiệu cho cô Mơ!

      Mơ bẽn lẽn hỏi:

      - Thế anh ấy già hay trẻ?

      Tôi phá lên cười:

      - Cô Mơ thấy tôi già không mà lại hỏi bạn học của tôi là già hay trẻ! Anh ta học trên tôi mấy năm. Đẹp trai, con nhà giầu nữa. Cô chịu không?

      Mơ trợn to mắt nhìn tôi rồi cúi xuống:

      - Em con nhà nghèo, lại quê mùa!

      Tôi nghiêm mặt:

      - Tôi chỉ giới thiệu cho hai người quen nhau thôi mà. Tôi đâu có làm “mai mối” cho hai người đâu mà cô sợ.

      Mơ cười với tôi:

      - Ừ nhỉ! Thế mà em cứ hỏi lôi thôi.

      Thi nhìn tôi, tò mò hỏi:

      - Ai vậy anh?

      Tôi trả lời ngay:

      - Anh Hội.

     Thi hớn hở như muốn nhẩy lên:

       - Anh Hội hiền lành lắm chị Mơ ơi! Đúng rồi, anh này không thích con gái ở tỉnh thành. Có hai cô mê tít anh ấy đấy.

      Thi kể tiếp:

      - Một tối khuya, anh Hội chở cái “ông” này này về nhà trọ (Thi chỉ vào tôi). Lúc đó “ông ấy như người chết rồi. Anh Hội đặt nằm trên giường, người sặc mùi rượu, chân tay không cục cựa. Em sợ quá!

      Tôi cười nói:

      - Sao em không kể là em cứ nắm tay anh mà khóc rống lên?

      Thi dí nhẹ tay vào trán tôi:

      - Em cấm anh uống rượu say rồi đó. Hôm đó em khóc là tại tưởng anh chết. Mà ai nói cho anh biết là em nắm tay anh khóc vậy?

      - Anh Hội. Anh ấy nói là em cứ cuống cả lên. Em vừa khóc vừa chạy lên chạy xuống cầu thang kêu cứu. Hôm đó anh thi lên lớp, anh được điểm cao nhất lớp, lại được thầy khen nên vài đứa bạn trong lớp thưởng cho anh một bữa cơm Tây. Anh uống nhiều quá vì vui nên say. Anh đã hứa với em là anh không uống rượu say nữa rồi mà.

      - Ừ, uống rượu với bạn bè thì được, nhưng say thì không được đâu đấy. Em sợ lắm!

      Uyên ngồi nghe, bây giờ mới cười:

     - Ái chà! Ai lấy cô này về chắc uống rượu cũng không được nữa chứ đừng nói là say.

     Thi phụng phịu đánh vào vai chị. Cả bọn chúng tôi cùng cười ồ.

     Tôi nhìn Uyên rồi đề nghị:

      - Uyên hát tặng cô Mơ một bài đi. Uyên hát bài “Đi Chùa Hương”. Được không?

      Uyên nói với Mơ:

      - Em hát tặng chị Mơ bài hát này để kỷ niệm ngày chúng ta đi chơi với nhau nhé!

      Tôi hỏi Mơ:

      - Nhà có đàn không cô Mơ?

      - Thằng Sơn có một cây đàn cũ, không biết ai cho nó.

      Tôi dục Mơ vào lấy. Tôi đệm đàn cho Uyên hát. Uyên hát bài “Đi Chùa Hương"(1) phổ nhạc bài thơ “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

          Hôm nay đi chùa Hương

          Hoa cỏ mờ hơi sương

          Cùng thầy me, em dậy

          Em vấn đầu soi gương.

          . . .

      Giọng hát của Uyên trong và cao vút, nghe thật truyền cảm làm sao. Những chỗ phải ngừng để lấy hơi, những chỗ luyến láy, đa tình, lẳng lơ, Uyên diễn tả thật điêu luyện. Uyên hát chẳng thua gì một nữ ca sĩ nhà nghề là mấy. Đoạn cuối nghe hơi thoáng buồn vì đôi trai gái phải tạm xa nhau. Tôi đệm đàn nhưng thỉnh thoảng tôi nhìn Thi, cùng hát bè với Uyên vài câu, nhất là những câu có thể để trêu Thi. 

          Con tôi xinh xinh quá

          Bao giờ cô lấy chồng?

          . . .

          Nhưng em chưa lấy ai

          Vì thầy bảo người mai

          Rằng em còn bé lắm

          Ý đợi người tài trai.

      Thi biết tôi hát trêu nàng nên mỗi khi tôi cất tiếng hát hoà theo Uyên, Thi lại cúi xuống mỉm cười.

      Uyên hát xong mọi người đều vỗ tay khen. Mơ cảm động, cứ nắm tay Uyên mà bóp chặt, mắt long lanh như muốn khóc.

      Tôi nói với Mơ:

      - Tôi cũng hát tặng cô Mơ một bài nhé. Bài này có tên là “Em đi chùa Hương (2) cũng phổ nhạc từ bài “Chùa Hương” của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.

      Mơ cảm động trố mắt nhìn tôi.

      Tôi tự đệm đàn cho mình và cất tiếng hát. Hát xong bài hát, tôi cứ hát đi hát lại mãi hai câu:

      Tuổi bây giờ mới trọn mười lăm. Em (í) còn bé lắm (chứ) mấy anh kia ơi!         

     Thi thẹn vì biết tôi trêu nên hai tay cứ che mặt cười rồi chạy lại ngay chỗ tôi giữ chặt lấy phím đàn không cho tôi đánh nữa. Thi phụng phịu:

      - Em không chơi với anh nữa đâu!

      Mơ cứ cười phá lên với cái bản tính hồn nhiên, chất phác và mộc mạc của cô.

      Thi cũng dơ tay lên nói:

      - Các anh chị cho em nói! Em cũng hát tặng chị Mơ một bài hát. Em hát tặng chị bài “Cô Hái Mơ” (3) nhé. Em hát một mình, không cần đàn.

      Mơ vỗ tay hoan ngênh. Thi chợt chỉ vào tôi:

      - Anh không được đánh đàn để phá đám hay trêu em đó!

      Tôi buông đàn xuống ngồi nghe Thi hát.

      Thi hát cũng hay, nhưng không thể điêu luyện như Uyên. Thi vừa hát vừa ra dáng điệu như cô gái hái mơ. Khi đến hết đoạn cuối

          Cô hái mơ ơi!

          Chẳng trả lời nhau đến một lời

          Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng

          Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi.

Thi chạy lại cù Mơ làm cô cứ co rúm người lại để cười.

      Chúng tôi lại ngồi nói chuyện vui với nhau một thời gian nữa. Xoay quanh câu chuyện về anh chàng Hội để trêu Mơ. Rồi cuộc vui cũng tàn. Trước khi cùng chia tay để đi ngủ. Mơ hỏi:

      - Anh Hội có biết hát không?

      Tôi bật cười:

      - Anh ấy hát hay lắm, nhất là hát “xẩm”. Hôm nào túng (tiền), anh ta ra ngồi trước cửa chợ Đồng Xuân hát xẩm kiếm tiền.

      Uyên vội đánh nhẹ vào tay tôi, lườm nhẹ:

      - Cái anh này! Chị Mơ là người thật thà, chị ấy lại tưởng thật.

      Mơ cười và cũng nói đùa theo:

      - Anh ấy túng tiền thì em sẽ chèo đò nuôi anh ấy ăn học mà. Có sao đâu!

      Tôi và Uyên nhìn nhau. Uyên rơm rớm nước mắt nói với Mơ:

      - Em quý chị lắm! Mai chị em mình lại phải xa nhau rồi!

      Mơ cũng rơm rớm nước mắt không nói, cứ nắm tay Uyên rồi lại nắm tay Thi. Cô quệt nước mắt rồi bỏ vào nhà ngang. Thi cũng cảm động, chạy lại nắm tay tôi thật chặt, rơm rớm nước mắt theo.

      Tôi bỏ vào buồng ngủ, nghĩ đàn bà con gái sao họ thật vẩn vơ? Có thế mà cũng sụt sùi. Các cô muốn gặp nhau thì cứ nhẩy lên xe khách mà tới. Có hơn hai giờ đường mà cứ làm như là xa xôi lắm vậy, cứ như Thái tử Đan nước Yên đưa Kinh Kha qua sông Dịch, một đi không trở lại. Và cứ như khúc hát Kinh Kha ngày nọ:

          Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn

          Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

 

          (Gió hiu hắt chừ, Dịch thủy lạnh ghê

          Tráng sĩ ra đi chừ, không bao giờ về)

          (Khuyết danh)

      Đúng là đàn bà, con gái. Tôi cười một mình rồi lăn đùng ra giường làm một giấc ngủ say cho tới sáng.


NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Mời nghe lại vài bản nhạc để tạm biệt chùa Hương

 

 Đi Chùa Hương (Ý Lan)

https://www.youtube.com/watch?v=A8GWEJXnsGE&list=RDA8GWEJXnsGE&index=1

Hái Mơ (Hà Thanh)

https://www.youtube.com/watch?v=FvTQZQJC6L8

 

      Ghi chú:

(1) Nhạc sĩ Trần Văn Khê

(2) Nhạc sĩ Trung Đức (Bàn nhạc được viết sau này nhưng vẫn đưa vào đây)

(3) Nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm

No comments:

Post a Comment