Pages

Thursday, September 7, 2023

Ký Ức Về Ngày Khai Trường - Người Phương Nam


Nắng đã lên cao, trời xanh biêng biếc.  Nắng thu không gay gắt mà phơn phớt dịu dàng quyện lấy không gian, nhẹ rải tơ vàng trên vạn vật.  Đã qua rồi mùa phượng vĩ, cây phượng đứng bên bờ tường chỉ còn lác đác vài cánh hoa nở muộn cuối mùa như còn tiếc lá thương cành chưa vội rụng rơi.  Cổng trường hôm nay mở rộng sau ba tháng hè khép kín cho rong chơi tuổi học trò.


Sân trường tấp nập huyên náo.  Như đàn chim xa ríu rít trở về, đó đây tốp năm tốp bảy xúm xít bên nhau tay bắt mặt mừng, bao nhiêu là chuyện hàn huyên sau chín mươi ngày xa cách.  Hôm nay là ngày khai trường, nhưng ngày khai trường năm nay ở đây, ở ngôi trường dòng nam này người ta nhận thấy có một cái gì rất là khác lạ, mới mẻ mà những mùa khai trường trước kia chưa hề thấy có bao giờ.  Bên những bụi hoa vàng mới nở, lẫn trong đám học sinh nam đồng phục quần xanh áo trắng cố hữu, người ta thấy thấp thoáng có tà áo bay bay, những tà áo trắng thướt tha yêu kiều quyện bay theo gió của những cô nàng nữ sinh mới của trường.  Một hiện tượng thật sự khác thường không thể nào xảy ra được ở nơi đây trừ khi nhà dòng đã cải tổ phá lệ.  Thế thì sự hiện diện của các cô hôm nay phải chăng đã nói lên một biến chuyển, một dấu hiệu canh tân thực sự của nhà dòng.  Dòng nam tu De La Salle sau hơn thế kỷ sáng lập với bao luật lệ khắt khe quá đáng giờ đây đã đến hồi cởi mở, bớt đi những gò bó sai lầm cố chấp để từ đó các tu sĩ sẽ cảm thấy phấn khởi hăng say hơn trong sứ mạng phụng vụ thiêng liêng, một sứ mạng đòi hỏi sự hy sinh dâng mình mà chỉ những ai được ơn thiên triệu mới nảy ý chọn làm hướng đi cho đời.  

Trước đây nửa tháng, Như Kim và nhóm bạn của cô còn chưa dứt khoát được việc chọn trường.  Trường cũ của các cô chỉ là một trường trung học đệ nhất cấp mà các cô thì vừa mới học xong lớp cuối.  Để học lên tú tài, các cô đã họp nhau lại bàn tính việc chọn một trường đệ nhị cấp.  Trường công trường tư lớn nhỏ ở cái tỉnh lẻ này tính ra cũng có đến năm bảy trường cho nên các cô tha hồ mà bình phẩm chọn lựa.  Thanh Trúc, đứa năng nổ nhứt trong bọn vốn tính bộc trực vô tư, con người ăn ngay nói thẳng không biết nể nang ai  là gì lên tiếng mở đầu cuộc hội thảo bằng cách loại bớt chê bai.  Trúc nói:
          - Trường Nguyễn Du thì thôi dẹp đi, khỏi cần bàn tới.  Anh tao nói trường đó “ẹ” lắm, kỷ luật rất là bết bát, học sinh thường hay cúp cua trốn học, thi rớt liên miên.  Mình cho dù là học sinh gương mẫu đi nữa mà chui đầu vào đó thì cũng sẽ bị mang tiếng lây, gần bùn thì sao tránh khỏi hôi tanh mùi bùn, tụi mày thấy tao nói có đúng không?
Ngọc Mỹ, cô nàng hay làm điệu trong nhóm bảo:
          - Bà chị tao năm rồi học ở Phụ Huynh, chị ấy ca tụng từ ông giám thị cho tới các thầy cô, bảo tao kéo tụi bây vào học nhưng tao rất ớn phải băng qua chợ gà và con đường đất lầy lội mỗi khi  mưa xuống.  Trời mưa mà phải mặc áo dài đi qua đó thì còn chi là “áo em trắng quá nhìn không ra!”. Tội nghiệp tụi mình lắm!
Mỹ Lan, con bạn nhã nhặn từ tốn nhất trong đám đề nghị:
          - Tao thấy trường Lam Sơn cũng có tiếng lắm tuy phòng ốc hơi chật hẹp nóng nôi.  Ban giáo sư ở đó đều là thành phần ưu tú.  Kỳ thi rồi tỷ số học sinh đậu rất cao so với những trường khác, tụi bây thấy sao?  Hay là mình học trường bà phước đi, nghe cho có danh giá một chút, chịu không?
Tuyết Mai thì thực tế hơn lắc đầu nhăn nhó nói:
          - Không được đâu, mấy bà Soeurs khó tính lắm, tao với nhỏ Kim đã trải qua cái thời kỳ tiểu học ở đó rồi, tao rất rành mấy bà ấy.  Kỷ luật rất là nghiêm khắc, áo dài phải mặc loại vải dày, cổ áo thì cao đúng năm phân, eo không được ôm thắt, từ trên xuống dưới suông đuột thùng thình trông chẳng khác gì các chị đệ tử nhà tu.  Gần nhà tao có vài đứa đã học với mấy bà năm rồi, nghe than ghê lắm.  Mình vào đó không có lạng quạng gì được hết, chán lắm, thôi dẹp đi. Tuổi này là mình phải được quyền “xí xọn” làm dáng một chút cho đời lên hương. Mình đâu có tính đi tu đâu mà tội gì phải ăn mặc như bà vải vậy.
Chờ Mai dứt lời, Như Kim lên tiếng:
          - Còn trường công Hoàng Diệu thì không dễ gì cho bọn mình chen chân, lại nữa cũng quá trễ cho niên học này rồi. Tao nghe anh bạn hàng xóm của tao học ở La Salle nói năm nay mấy ông Frères phá lệ, bắt đầu từ niên khóa này sẽ nhận học sinh nữ vào các lớp đệ nhị cấp.  Trường nào tụi bây cũng cho là có vấn đề hết, hay là sẵn dịp này bọn mình vào đó học thử xem.  Biết chừng đâu những lớp ấy mở ra dành cho bọn mình.

Vừa nói cô vừa đưa mắt nhìn các bạn như ngầm dọ ý.  Trúc nghe vậy thích chí cười vang gật gù:
          - Ừ, có lý lắm, mà sao lại may rủi trùng hợp như vậy kìa, đúng vào lúc bọn mình đang lênh đênh như con thuyền không bến, mười hai bến nước chẳng biết phải tắp về đâu.  Hay quá.  Chắc là ý trời, chắc dành cho mày đó Kim.  Hết bà phước thì tới thầy dòng, phải đổi không khí mới thú vị cuộc đời. Mình vào phá mấy ông Frères một mách, thử xem mấy ổng dạy dỗ như thế nào rồi “dông”.  Năm nay đâu phải là năm thi mà lo gì.  Vậy nếu không đứa nào có ý kiến gì nữa thì tụi mình đi ghi danh ngay đi vì chỉ còn hai tuần nữa thôi là đến ngày tựu trường rồi đó.

Thế là hôm nay bọn "Ngũ Long Công Chúa" Như Kim có mặt nơi đây, ở ngôi trường dòng nam mà trong lịch sử từ xưa chưa thấy xuất hiện bóng hồng. Trường lạ người chưa quen nhưng cả bọn cộng lại cũng đầy một “bàn tay năm ngón kiêu sa” nên cũng không đến nỗi cảm thấy lẻ loi bỡ ngỡ lắm trong ngày đầu khai giảng.

Tiếng chuông bất chợt reo vang báo hiệu giờ học.  Những câu chuyện đang sôi nổi, những tiếng cười đang nổ dòn như pháo tết bỗng chốc im phăng phắc để nhường cho bài diễn văn khai mạc của vị sư huynh hiệu trưởng.  Đại khái ông bảo học sinh phải tuân hành kỷ luật, làm gương tốt cho nhau.  Đặc biệt năm nay trường có thêm các cô nữ sinh, các em được có chị và các anh như có thêm em gái, hãy giúp đỡ chỉ dẫn nhau trong tinh thần đồng môn thân mến và hãy học chăm học gắng để làm rạng danh nhà trường.

Sau đó mỗi người lũ lượt kéo nhau ai về lớp nấy.  Lớp của Kim là lớp đệ tam A (lớp 10) nằm ở đầu dãy lớp cạnh bên cầu thang dẫn lên các phòng nội trú trên lầu.  Một ông Frère bước vào cho ghi thời khóa biểu.  Giờ đầu là giờ Pháp văn.  Frère tự giới thiệu mình là Frère Venance, phụ trách môn Pháp văn lớp này.  Trông Frère hãy còn trẻ, khoảng trên dưới ba mươi, người có vẻ vui tính, nụ cười không ngớt trên môi.  Frère xưng Frère và gọi các học sinh bằng các anh chị.

Trước khi vào bài Frère điểm danh.  Lớp học không đông lắm so với trường cũ của bọn Kim.  Hai phần ba là các nam sinh đều đã học với Frère từ các lớp dưới lên nên Frère đã biết tên vanh vách, chỉ có đám nữ sinh là “lính” mới hoàn toàn.  Frère nói Frère phải gọi vài lần mới nhớ nổi.  Ngoài một số nữ sinh ở trường ngoài vào còn có một số đệ tử các dòng nữ tu và hai Ma Soeurs.  Đọc đến tên Kim, Frère chợt dừng lại nhìn xuống chỗ cô ngồi, mỉm cười dọ dẫm hỏi:
           - Người Việt gốc Hoa thì phải?  Mà có biết nói tiếng Hoa không, dạy Frère với.  Cả lớp quay nhìn cô khiến cô hơi thẹn.  Cô cúi đầu đáp nhỏ :
           - Dạ biết chút chút.
Và cô nghĩ thầm trong bụng Frère điểm danh cả chục người trước mình, nghe qua cũng biết là con cháu nhà Tống nhà Minh chính tông chính hiệu mà sao Frère không hỏi lại nhè hỏi mình, làm ngượng quá  đi.
Trúc vụt lên tiếng tào lao :
          - Nó chỉ biết có vài câu ăn cơm ăn cháo “chịa pừng chịa múi” thôi Frère ơi!  Nó nói bà nội nó bảo bên Tàu nghèo đói lắm, chỉ cần biết bao nhiêu đó là đủ vốn rồi.  Còn nếu như no bụng rồi mà muốn tắm rửa sạch sẽ gì đó thì “chàng ếch chàng nhái” là xong.
Cả lớp cười ào lên.  Cô háy Trúc một cái thật dài, ý chừng như muốn nói mới ngày đầu mà đã khua môi múa mồm rồi, muốn nổi danh sớm hay sao.

Buổi học đầu để biết trình độ học sinh, Frère cho làm một bài luận tả về tỉnh nhà.  Qua giờ Pháp văn hôm sau, bài được chấm xong phát ra nhưng bài của Kim thì lại biến đâu không thấy.  Cô hoang mang chạy lên bàn Frère thắc mắc tìm hỏi, lúc ấy đã sắp đến giờ học. Frère bảo :
           - Bài của em và Khải hay nhứt nên Frère còn giữ lại đây để giờ chơi dán lên bảng cho các bạn cùng xem.
Cô nhăn mặt lắc đầu :
           - Thôi đừng Frère ơi!  Ở đây toàn là “cao thủ” không hà, em đâu dám “múa rìu qua mắt thợ”, người ta cười chết, trả lại em cho rồi.
Frère ra lệnh:
- Em về chỗ đi, ngày mai Frère mới trả, bài của em hay thật mà.  Lời hay ý  đẹp, văn phạm lại đúng, nếu ai cười tức là cười Frère không biết chấm bài.

Sau hai tuần học, một buổi sáng vào giờ chơi, bọn con gái vì đều là mới nhập môn còn ngại ngùng e lệ, chưa dám chạy loanh quanh nên cứ tụ nhau đứng dưới cầu thang tán láo.  Trúc mở đầu câu chuyện :
         - Học hai tuần rồi tụi bay thấy sao?  Con Mỹ nó nói chán mấy ông thầy quá, muốn rút lui rồi đó.  Nó nói bây giờ mình đổi trường còn kịp chán.  Tụi bây nghĩ xem, chương trình Vạn vật năm nay toàn là sỏi đá mà ông Frère dạy môn này cũng khô khan chẳng khác chi là đá với sỏi, thật chán phèo.  Ông Lý hóa thì cứ nhăn mặt nhíu mày, làm như bị…táo bón kinh niên.  Ông dạy Văn thì lại là ông cha nên giảng văn nghe không “mùi” tí nào hết.  Còn Frère dạy Toán thì quả là “lãnh diện nhân”, không có lấy một nụ cười, cứ mở miệng ra là các anh các chị nghe “nặng ngàn cân”.  Chỉ có Frère hiệu phó dạy Anh văn và Frère Venance là vui tươi dễ dãi, khi biết hết tên mình thì gọi thẳng tên chớ không còn khách sáo màu mè.  Tụi bây nghĩ sao?  Có đứa nào định chuyển trường như con Mỹ hay không?
Lan chậm rãi nói:
          - Tao đồng ý với sự nhận xét của mày, nhưng có thể vì từ trước đến giờ mấy Frères chưa có dịp tiếp xúc với nữ sinh, chưa biết phải có thái độ thế nào với đám nữ sinh về mặt tâm lý nên phải tỏ ra nghiêm khắc như vậy.  Tao thì không có ý định đổi trường.  Con Mai chắc cũng vậy vì anh chàng Dương của nó nhứt định học ở đây cho đến khi xong tú tài mới thôi.
Kim tiếp lời Lan:
          - Tao cũng nghĩ như Mỹ Lan vậy.  Biết đâu mấy ổng ngoài mặt thì có vẻ khô cằn như sa mạc nhưng bên trong trái tim là một dòng sông dạt dào .  Mày không thấy, với tụi mình ông ta làm bộ khó đăm đăm vậy chớ với bọn con trai tao thấy ông ta cũng cười dài dài, chạy đua, chơi sport tưng bừng chớ bộ.  Đi đâu thì cũng phải học thôi, thôi thì học luôn ở đây cho rồi, đổi tới đổi lui làm gì cho phiền phức.  Có điều gặp ông thầy vui tính thì mình ham học hơn và mau tiến hơn. 

Vừa lúc ấy, Frère Venance từ trên cầu thang đi xuống, thấy các cô đang châu đầu vào nhau to nhỏ, Frère hỏi đùa:
          - Các cô nói lén gì Frère đó?
Trúc nhanh nhẩu trả lời :
           - Dạ đâu có Frère, Kim nó nói Frère dạy vui và dễ hiểu.  Nó đã giỏi môn Pháp văn mà gặp Frère dạy hay thì chắc nó càng thêm giỏi, tụi em sẽ không thể nào theo kịp nó đâu.
Đập nhẹ vào vai Trúc, Kim mắng đùa :
          - Đồ quỷ, ai biểu đâu mà lách chách làm tài khôn vậy. Để dành hơi phá ông “lãnh diện nhân” kìa.
Frère nhìn xoáy vào mắt Kim tươi cười hỏi vặn :
          - Có thật không đó?  Hay là bị hỏi bất ngờ rồi Trúc phải bịa chuyện nói vậy.
 Kim cười bẽn lẽn chưa kịp đáp thì Lan đã đáp thay :
          - Thật mà Frère.  Con nhỏ này hay mắc cở lắm, Frère đừng có hỏi nó làm gì.  Em cũng nhận thấy như vậy.  Có lẽ nhờ Frère mà tụi em sẽ tiến nhanh hơn trong môn học này.
Frère có vẻ cảm động :
-Nếu được vậy thì hay quá.  Làm thầy mà được học sinh khen tặng một câu như thế là đủ mãn nguyện lắm rồi.  Cám ơn Lan lắm.  Còn Kim, sao Frère hỏi mà không nói, còn e lệ nhút nhát gì, bộ còn chưa quen với Frère hay sao?  Hôm qua nghe nói Kim nhức đầu không đi học được, bữa nay đã khỏi chưa?  Thôi sắp tới giờ học rồi, Frère đi các cô nhé.

Từ khi biết tên tuổi cả lớp, Frère gọi tất cả học sinh bằng tên đơn giản chớ không khách sáo gọi bằng anh bằng chị nữa.  Frère vừa nói, vừa cười quay đi về hướng lớp Frère.  Kim len lén nhìn theo với một chút xao xuyến trong lòng.  Bất chợt cô liên tưởng đến một câu lục trong “Đọan trường tân thanh. Người ơi! gặp gỡ mà chi?”
Tiếng Trúc lại vang lên làm cô giựt mình trở về thực tại:
          - Tao thấy Frère tỏ ra có cảm tình với mày lắm, liệu mà giữ hồn đó nghe Kim.  Chiều hôm qua giờ Pháp văn vắng mày, không có mày để gọi, coi bộ Frère hơi buồn, dạy không hăng hái như mọi bữa.  Giờ chơi tao ra đứng ở đây, thấy Frère đi tới sắp sửa lên phòng, tao làm bộ hỏi  Frère có biết bài hát “L’aiguille,  je suis la petite aiguille, au doigt de la jeune fille” đó, dạy tụi em với. Con Mai phát lên cười làm Frère chợt hiểu là tao muốn ám chỉ mày, Frère đỏ mặt cười xòa nói Trúc ranh mãnh quá, thôi đừng phá Frère mà.
Kim cũng mắc cười trước sự tinh nghịch của Trúc nhưng giả vờ cự nự :
          - Mày sao, đúng là quỷ sứ mà.  Còn tên Kim của tao có nghĩa là “or” là vàng, quý kim đó nha, chớ đâu có phải là cây kim may đồ đâu mà mày nói là “aiguille” làm tao mất giá quá đi.
Trúc cười hì hì:
          - Vàng bạc châu báu gì tao không cần biết, tao chỉ muốn nói sao cho Frère hiểu là tao muốn ghẹo Frère thôi.
Cả bọn lắc đầu cười.  Lan lên tiếng nhắc :
          - Chuông reo rồi, thôi mình vào lớp đi.

Tuần qua tuần thật nhanh, thấm thoát mà bọn Kim vào đây học đã hơn một tháng rồi.  Giờ đây các cô chỉ còn lại có bốn đứa mà thôi vì Mỹ đã bỏ sang trường Phụ Huynh học với bà chị cho có chị có em.  Trúc thì nhận  thấy chương trình học ở đây có vẻ rất là tài tử, học mà chơi, chơi mà học như ai đó đã nói rằng “Học mà không chơi bán rơi tuổi trẻ, chơi mà không học bán rẻ tương lai”, thật là hợp jeux với Trúc vô cùng.  Vì ngoài giờ học, học sinh còn có thể tham gia các bộ môn thể thao như bóng rổ, bóng chuyền hay bóng bàn và thỉnh thoảng còn được đi picnic và du ngoạn vào ngày cuối tuần.  Tất cả những sinh hoạt thể thao đầy hứng thú và hấp dẫn này đều rất thích hợp với con người linh hoạt khỏe mạnh đầy sức sống như Trúc nên Trúc không đành lòng nào mà bỏ đi cho được.  Mai thì nhứt định ở lại để hằng ngày được gặp gỡ anh chàng người yêu tên Dương.  Lan và Kim thì nghĩ rằng học đâu rồi sẽ quen đó, như trước kia khi còn học ở trường cũ, các cô cũng đã từng gặp các vị thầy cô khó tính nhưng các cô cũng đã học được bốn năm cho đến hết lớp của trường. Vì các cô vốn ngoan hiền và tế nhị, không làm gì trái ý họ thì làm sao họ có thể giữ thái độ nghiêm khắc mãi cho được.

Giờ Pháp văn có thể nói là giờ vui nhứt trong tất cả các giờ học.  Khách quan mà nói thì Frère Venance rất có kinh nghiệm về tâm lý sư phạm nên Frère đã được lòng đa số học sinh.  Chẳng hạn như hôm nào gặp phải một bài văn phạm rắc rối, Frère thường cho học trò nghỉ xả hơi năm ba phút hoặc bảo hát chung với nhau một bài hát êm dịu nào đó cho đầu óc thư giản nhẹ nhàng rồi Frère mới tiếp tục dạy lại.  Sau giờ học, ít khi Frère được ra khỏi lớp đúng giờ vì các học sinh, thường là nữ sinh hay giữ Frère lại để hỏi thêm này nọ về bài Frère vừa giảng.  Riêng Kim không có gì để hỏi, cô thường ra đứng ngoài hành lang trước cửa lớp nhìn mông lung chờ các bạn.  Mỗi lần như thế, khi thoát được ra ngoài, đi ngang chỗ cô đứng, Frère đều dừng lại cười bâng quơ với cô và hỏi cô vài câu vớ vẩn.  Có lần Frère hỏi cô về sự học :
         - Em thích môn nào nhứt hở Kim?
Cô lắc đầu trả lời Frère :
          - Em không thích môn nào hết vì môn nào em cũng dở, nhứt là môn toán thì em xin chào thua.
Frère cười bảo :
          - Người như em, nhiều tình cảm hay mơ mộng như vậy làm sao giỏi toán cho được.  Còn môn Pháp văn của Frère thì sao, Frère thấy em khá lắm, có thể nói là nhứt lớp, em cũng không thích nữa à?  Làm người thì phải có mục đích, phải biết mình thích cái gì hay muốn cái gì.  Sở thích và nguyện vọng sẽ giúp cho mình hăng hái sống và cuộc đời từ đó mới có ý nghĩa, em biết không?
          - Cám ơn Frère đã khuyên bảo và quá khen.  Thật ra em không giỏi gì đâu mà vì em đã có căn bản từ thuở nhỏ, em đã học hết bậc tiểu học chương trình Pháp ở trường bà nên bây giờ coi như là ôn lại thôi.  Em còn nhớ lúc đó các bà Soeurs bắt tụi em phải nói tiếng Pháp trong lớp cũng như ngoài lớp vào giờ chơi, đứa nào lỡ quên miệng nói ra tiếng Việt là bị phạt một đồng, hết tiền ăn bánh.  Vì vậy tụi em không dám quên, nói tiếng Pháp với nhau cả ngày như là đầm con vậy.
Frère phì cười hỏi tiếp :
          - Sao em không tiếp tục học chương trình Pháp khi lên trung học?
          - Dạ vì các Soeurs không mở lớp trung học Pháp.  Nhưng như vậy thì cũng phải.
          - Cũng phải như thế nào?
Cô định nói nếu học luôn chương trình Pháp thì bây giờ cũng trở thành lỗi thời, không dùng vào đâu được vì người Pháp đã cuốn cờ về nước từ lâu.  Thời đại này là thời Anh thời Mỹ “làm chủ tình hình”, và Anh ngữ hiện thời được xem là một ngôn ngữ thịnh hành thông dụng nhứt trên thế giới mới là thứ ngôn ngữ cần thiết để học hơn, nhưng sực nhớ ra là Frère đang dạy Pháp văn, lời thật e sẽ mất lòng nên cô phải nói trớ đi :
          - Cũng phải vậy để em khỏi học với các Soeurs nữa.  Các bà Soeurs muốn cho học sinh mình công dung ngôn hạnh đủ đầy  nên rất là khe khắt.  Em mến các Soeurs lắm nhưng cũng rất ớn kỷ luật gắt gao ở đó nên đã ra học trường ngoài khi chuyển sang chương trình Việt.  Frère biết không, Tuyết Mai và em lên đệ thất mới bắt đầu học tiếng Việt, vì vậy tụi em viết chính tả không có một chữ nào đúng khiến cô giáo dạy Việt văn tụi em phải kêu trời như bộng.  Mỗi khi gặp bài của tụi em cô cứ nhắm mắt cho bừa zéro là xong chớ không cần nhọc công phải đọc cả bài.  Nhưng cũng may, cô là người xóm giềng với Mai, coi nó như em cháu trong nhà nên không tiếc công nệ sức, thấy tụi em bết quá, cô phát nóng mũi nóng mặt bắt tụi em mỗi chiều sau giờ tan học phải đến nhà cô để cô chỉ dạy thêm đôi chút.  Và ngoài ra cô còn buộc tụi em phải đọc thật nhiều sách, truyện cổ nước Nam hay các loại tiểu thuyết lành mạnh để học cách hành văn.  Nhờ vậy mà sau hai tháng tụi em không còn trật lỗi chính tả một cách xà bát như trước nữa và những bài luận của em dần dần lên được hạng ba hạng tư trong lớp.  Cô nói em có khiếu văn chương.
Frère gật gù công nhận :
          - Thì đúng vậy rồi.  Mấy bài luận Pháp văn bây giờ em viết rất hay, ý tưởng thật phong phú.  Như bài viết về ngôi trường cũ của em hồi tuần rồi, em ví ngôi trường như chiếc nôi thời thơ ấu, những lời giảng dạy như những tiếng ru êm đềm của mẹ và những tàng phượng vĩ như những cánh tay mẹ hiền vươn ra che chở đón lấy con mình…
Mắt ngời sung sướng, cô hân hoan nói :
          - Frère lại khen em nữa rồi.  Frère nhớ rõ vậy sao.  Tuy giờ đây em không còn học với các Soeurs nữa nhưng đó là ngôi trường đầu tiên của em nên em có một ấn tượng rất sâu sắc, nhứt là những cây phượng già tàng to rợp bóng che mát cả sân trường.  Mỗi độ hè sang hoa nở đỏ ối đầy cành rực rỡ, em thích lắm, em thường nhặt hoa rụng mang về chia cho mấy đứa hàng xóm để cùng nhau chơi. Hoa phượng có nhiều trò chơi rất thú vị đối với bọn con nít. Thí dụ như thổi phồng lên đập vào trán nghe nổ cái bốp vui tai,  chơi đá gà móc hai đầu ngéo vào nhau, của đứa nào gãy trước là đứa đó thua, hoặc chơi nhà chòi mua bán, hoặc làm đám cưới giả, đứa nào cũng muốn làm cô dâu để được đội vương miện hoa phượng xinh xắn, và sau hết là cái nhụy hoa có thể ăn được, ngòn ngọt thơm thơm.  Hôm nào hoa rụng ít, em còn nhờ chú phu xe đưa rước hằng ngày trèo lên cây hái thêm cho em nữa.

Frère nhìn về phía cổng trường nơi có mấy gốc phượng vừa chớm tuổi dậy thì, giọng mơ màng xa xôi :
       - Vậy à?  Vậy thì hè năm nay em khỏi cần đi đâu cho mất công.  Trường mình cũng có mấy cây phượng do chính Frère trồng lúc Frère mới đổi về đây, đến nay đã được gần bốn năm rồi.  Tuy chúng chưa đủ già dặn để trổ nhiều hoa nhưng chắc cũng đủ cho em chơi đùa.  Năm sau đến mùa hoa nở, Frère tặng hết cho em rồi Frère đi.

Cô đang vui chợt nghe nao nao buồn.  Sao chưa gì Frère đã nói chuyện ra đi!  Niên học chỉ mới bắt đầu, sân khấu vừa mở màn thôi, tuồng còn chưa kịp diễn, người chỉ mới nhập cuộc sao vội nói chi chuyện tiệc mãn đêm tàn.  Bây giờ thì em đã lớn, đã qua rồi thuở bắt bướm hái hoa, đã qua rồi tuổi hồn nhiên thơ ấu, em không còn thích nữa chuyện chơi đùa, em không muốn Frère tặng hoa cho em rồi Frère đi đâu.  Sao Frère biết em nhiều tình cảm và hay mơ mộng?  Frère quan tâm đến em lắm hay sao?  Frère biết em hay  mơ mộng nhưng có biết là em mơ gì hay không?  Mộng của em không lớn không nhiều nhưng nếu đã là mộng thì làm sao có thể thành sự thật, mơ chỉ để mà mơ thôi.  Frère biết em nhiều tình cảm còn Frère thì sao?  Có phải vì Frère đã suy bụng ta nên mới ra bụng người ?  Nhạc lòng nếu không cùng âm điệu thì làm sao biết được ai là tri âm?  Frère hỏi em chưa quen với Frère hay sao mà còn thẹn thùng bẽn lẽn?  Frère có biết đâu mỗi lần bắt gặp ánh mắt và nụ cười của Frère hướng về em trong giờ học hoặc ngoài lớp, em đã không khỏi bâng khuâng lòng, thầm nghĩ cái nhìn trìu mến đó, nụ cười rạng rỡ kia phải chăng em đã gặp đã quen tự bao giờ!  Phải chăng Frère là một người quen cũ, một người thân xưa hay một cố nhân từ muôn kiếp trước mà mãi đến kiếp này em vẫn chưa quên?

Nhưng tiếc thay! cố nhân giờ đây là thầy của cô, hơn thế nữa lại là một tu sĩ thì cái chuyện tái hợp hôm nay cũng cầm bằng như mây với gió, như nước với bèo, hợp tan tan hợp, hợp để rồi tan thôi chớ trăm năm dễ có duyên gì mà mơ...! Thôi thì hãy cứ tận hưởng chút hạnh phúc đang có trước mắt đi. Đẹp nhứt là hiện tại mà. Chuyện ngày mai thì để ngày mai hẳng hay, Que sera sera!…

Người Phương Nam
(trích từ truyện dài Về Phương Trời Cũ)

8 comments:

  1. Bài văn thật hay !Làm tui nhớ lại nhiều kỷ niệm trong tuổi học trò!
    Ngày khai giảng nào cũng vui gặp lại... mà cũng buồn vì vắng vài bạn thân đã bỏ trường xa lớp !
    Cám ơn nữ sĩ nhiều HTL

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh Hàn Thiên Lương đồng cảm.
      Tuổi học trò là tuổi đẹp nhứt trong đời người phải không anh Hàn Thiên Lương?
      TK

      Delete
  2. "Ai bảo Frère Venance là linh mục?" đã làm cho cô Như Kim phải...vấn vương! Smile!
    Chuyện tình tuổi học trò thật là ngây thơ, vụng dại. Bây giờ nhớ lại thấy cũng vui vui, phải không Tố Kim?
    Sương Lam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chị Sương Lam ơi, "Frère" trong tiếng Việt gọi là sư huynh, là những thầy tu mà khi ra trường chỉ đi dạy không lương cho nhà dòng, lấy việc làm của mình phụng sự Chúa như trường Taberd Saigon vậy đó chớ không phải trở thành linh mục làm lễ trong nhà thờ. "Frère" chuyên về giáo dục còn linh mục thì rao giảng đức tin, phát huy phúc âm lời Chúa, phục vụ cho giáo hội.
      Cám ơn chị Sương Lam.
      Tk

      Delete
  3. Cám ơn chị Tố Kim cho đoc và nhớ lại những ngày tháng hoa mộng dễ thương và rất đẹp của tuổi học trò. Những vấn vương thuở đầu còn giữ mãi trong tim.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
      Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên".
      Cám ơn Hồng Thúy thân thương.
      TK

      Delete
  4. Thưa chị Tố Kim, chị viết hay quá. Tôi muốn ngừng đọc để "để dành" đọc dần nhưng bị lôi cuốn đọc cho tới hết. Hay! Hay thật! Ngày còn trẻ, lúc còn là sinh viên tôi cũng đi dạy kèm tư gia hay mở lớp luyện thi nên những chuyện tình cảm thày trò thường xảy ra. Những cô học trò thua mình vài ba tuổi là những đối tượng dễ làm mình rung động lắm. Chỉ tiếc hồi đó, thày cứ phải làm thày, trò có cái giới hạn của trò không thể mở lời ra được nên, nếu có, nhiều lắm cũng chỉ tiến đến được cái mức "bàng bạc" như cô Kim và "Frere" trong câu chuyện của chị. Áy thế mà lại đẹp và nhớ lâu. Bài viết của chị đem tôi về với những kỷ niệm một thời, cái thời chẳng thể tìm lại được. NGH

    ReplyDelete
    Replies
    1. Theo quan niệm Khổng giáo ngày xưa thì thầy cũng như cha nhưng về sau này, tuổi trẻ tài cao, thầy chỉ lớn hơn trò chừng 5 - 7 tuổi cho nên thường xảy ra những mối tình thầy trò dẫn đến hôn nhân. Mà một khi trò đã là vợ của thầy rồi thì thế nào trước sau gì trò cũng sẽ "lên ngôi" trở thành "bà bề trên" của thầy thôi 😊😊
      Cám ơn anh Hùng.
      Tk

      Delete