Pages

Tuesday, September 12, 2023

Tùy Bút: Ngày Tôi Vào Học Lớp Đệ Thất Trường Trung Học Công Lập Kiến Tường - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


Đúng ra, như phần lớn các bạn của tôi sinh sống ở Bắc Hòa thì phải đến năm lớp đệ tứ (lớp 9 ngày nay) thì tôi mới có cơ may được vào học ở trường Trung học Công lập Kiến Tường (THCLKT).


Thật vậy, gia đình tôi chuyển đến sinh sống ở khu dinh điền Gò Chuối thuộc xã Nhơn Hòa, quận Kiến Bình (nay là xã Bắc Hòa) đầu năm 1962. Thông thường, sau khi học xong lớp nhất (lớp 5) thì sẽ chuyển lên học tiếp trường Trung học Bán công Hòa Lập ở ngay đó. Khi đó trường này có ba lớp đệ thất, đệ lục và đệ ngũ (lớp 6, 7 và 8). Thường khi học xong lớp cuối của trường này thì sẽ được chuyển ra học lớp đệ tứ ở THCLKT nếu như có chỗ. Đôi khi có bạn phải chuyển lên học ở một trường tư thục khác ở Bến Tranh (Mỹ Tho)!

Riêng tôi, đường vào THCLKT của tôi cũng khá đặc biệt.

Nguồn minh họa: Internet


Giữa năm 1963, trong một lần theo bố tôi ra thăm một người quen đang bịnh ở khu Thành Công (tôi nhớ là ông bà Uyển thì phải). Trong lúc nói chuyện về việc học, ông Uyển khuyên tôi nên nộp đơn thi vào lớp đệ thất THCLKT vì theo ông đây là trường công, có nhiều giáo sư giỏi được đào tạo từ trường đại học sư phạm dạy và học sinh đã qua kỳ thi tuyển nên cũng giỏi nữa do đó sẽ tốt cho việc ganh đua học hành. Thấy lời khuyên của ông hợp lý và được sự đồng ý của bố nên tôi vội trở về nhà lấy giấy tờ nộp đơn thi vào lớp đệ thất THCLKT vì ngày hôm sau là hạn chót nhận đơn! Ông Uyển còn nói: “Cháu học giỏi như vậy, cứ nộp đơn thi kẻo lỡ cơ hội. Nếu như sau này vì lý do gì không học cũng đâu có sao! Ngày mai là hạn chót nhận đơn rồi đó cháu ạ!” 

Tới ngày thi, thí sinh phải thi hai môn toán và luận văn. Tôi không nhớ đề thi toán nhưng đề thi luận văn thì tôi vẫn còn nhớ. Luận văn yêu cầu thí sinh bình luận câu: “Dùng đồ nội hóa là yêu nước”. Tôi làm khá trôi chảy cả toán và luận văn. Có khoảng 200 thí sinh dự thi và trường chỉ lấy hai lớp khoảng 100. Kể ra cũng không khó lắm!

Ngày niêm yết kết quả, tuy nghĩ mình làm bài cũng khá nhưng tôi cũng hơi hồi hộp. Tôi đậu hạng 9. Thủ khoa năm đó hình như tên Nguyễn Hữu Thừa. Bạn này sau đó không vào học THCLKT mà chuyển về học ở Trung học Công lập Thủ Thừa (Long An). Tuy đã đậu rồi nhưng gia đình tôi vẫn chưa quyết định sẽ cho tôi ra học ở THCLKT vì khi đó gia đình tôi vẫn còn ở trong Bắc Hòa.

Trường THBC Hòa Lập khai giảng sớm vào ngày 1-7-1963 và tôi đã theo học ở đó hơn một tháng. Tôi còn nhớ tên một số vị giáo sư giảng dạy ở trường này như thầy Kiều Xuân Bảng (dạy quốc văn), thầy Nguyễn Văn Trấn (dạy toán), linh mục Tuân (dạy Anh văn)…. Một số bạn học như Lưu Đình Tuân, Lăng Đức Hải, Phạm Mạnh Đảng, Phạm Văn Tuyên… Anh Nguyễn Văn Thay thì học trên tôi một lớp… Sau này tôi gặp lại bạn Tuân, Tuyên và anh Thay khi họ được chuyển ra học ở THCLKT.

Thời gian đó, tôi nhớ có vài anh ở gần tôi cũng đang học ở THCLKT như anh Đỗ Văn Xuân (con ông trùm Uẩn ở Gò Chuối), anh Thịnh (con cụ Ký Duy ở Nhơn Hòa)… Khi biết tôi trúng tuyển vào lớp đệ thất THCLKT, cả hai anh đều khuyên tôi nên ra Kiến Tường học. Anh Xuân còn nói tôi đậu hạng 9 thì sẽ được học bổng nữa. Tôi thưa lại với bố mẹ tôi về chuyện này và sau đó ra văn phòng THCLKT hỏi thì được xác nhận 10 học sinh đỗ đầu sẽ được học bổng 700 đồng/năm (tức khoảng 78 đồng/tháng học). Vào thời điểm đó, số tiền này cũng tạm đủ để mua sách vở và may quần áo đồng phục.

Bố mẹ tôi đồng ý để tôi ra tỉnh học ở THCLKT và gửi tôi trọ học ở nhà ông bà trùm Hiện trong khu Tân Tạo (thân sinh của bà xã bạn Nguyễn Thanh Liêm).

Tôi được dẫn đi may bộ quần áo đồng phục tại một tiệm may nhỏ ở Nhơn Hòa, quần tây xanh và áo sơ mi trắng ngắn tay.

Trước ngày nhập học, tôi và một vài bạn có đến văn phòng trường để xem danh sách xếp lớp. Tôi và vài bạn bị xếp vào lớp đệ thất P (Pháp văn) mặc dù khi nộp đơn tôi có ghi chọn sinh ngữ Anh văn. Nhà trường giải thích vì chỉ có hai lớp đệ thất, một Anh văn và một Pháp văn mà lớp Anh văn đông nên phải chuyển một số qua học lớp Pháp văn. Tôi không được vui lắm vì cảm thấy mình bị cưỡng bách phải học sinh ngữ mà mình không chọn. Tôi hỏi ý kiến bố tôi, ông cụ có vẻ thích tôi học Pháp văn (có thể vì ông cụ cũng biết tiếng Pháp). Cũng nhờ vậy mà tôi được học chung với các bạn Hồ Minh, Võ Văn Kiệm, Trương Văn Ấn, Trần Văn Hai, Trần Văn Ngoán, Bùi Đức Bính, Mai Trí Huệ, Trần Thị Thanh Nguyên, Võ Lệ Thu, Đặng Thị Lệ Dung, Trương Thị Thái, Nguyễn Tấn Đầy, Lê Thị Ry… những người bạn mà tôi vẫn còn nhớ dù đã trải qua gần 50 năm rồi.

Tôi ghi chép thời khóa biểu để chuẩn bị sách vở cho ngày học đầu tiên. Thời khóa biểu ở văn phòng hơi lạ. Tôi chỉ thấy ghi tên thầy cô chứ không ghi tên môn học. Đại khái chỉ ghi thứ Hai 1 giờ - 3 giờ: cô Trà, 3 giờ - 4 giờ: thầy Quang, 4 giờ - 5 giờ: thầy Ý…. Tôi phải đoán mò dựa vào số giờ học mỗi tuần để từ đó đoán ra là môn gì!

Tôi háo hức chờ ngày nhập học, tâm hồn tôi xốn xang với những cảm giác lạ lùng. Trước hết là cảm giác bỡ ngỡ trước ngôi trường khá lớn so với ngôi trường trong Nhơn Hòa. Bởi vậy, nên tôi thấy mình nhỏ bé làm sao!

Giờ học đầu tiên là giờ toán do cô Trà phụ trách. Cô giới thiệu đôi lời về cô rồi cho chúng tôi chép thời khóa biểu, chép nội quy rồi chép chương trình toán. Lúc này tôi mới biết rõ từng môn học với những thầy cô phụ trách. Tôi chỉ nhớ cô Trà dạy toán, cô Võ Thị Trà Liên dạy quốc văn, thầy Đoàn Hữu Ý dạy sử địa, thầy Trần Ba dạy Pháp văn (sau đó khoảng một tháng thì đổi thầy Trần Văn Tây dạy), thầy Mai Văn Nhãn dạy lý - hóa và nhạc lớp đệ thất.

Vâng đó là chuyện tôi đến với trường Trung học Công lập Kiến Tường và tôi đã mài đũng quần ở ngôi trường thân yêu này 6 niên khóa.



MAI KHÁNH THƯ- PHẠM DOANH MÔN
(Canberra, Úc viết lại nhân mùa khai giảng 2023)

1 comment:

  1. Xin gửi tới độc giả blog NPN youtube ban nhạc Trung học Kiến Tường
    https://trunghockientuong.com/2015/03/06/bai-hat-ket-noi-thkt/

    ReplyDelete