Pages

Friday, October 13, 2023

Chuyện Cổ Tích Cuối Thế Kỷ 20 - Quan Dương


Khi gặp nàng ngồi một mình trong góc phòng, tôi xáp tới ngay. Nàng đang nghe Ý Lan hát bản “Thôi cũng đành như chiếc que diêm” và lặng nhìn đám người nhảy nhót trên sàn. Tụi con gái ở đất Mỹ này choai choai cỡ nàng chịu khó ngồi im một chỗ nhìn người ta vui chơi thì đúng là chuyện khó tin. Đèn trong phòng mờ ảo nhưng không hấp dẫn lắm.

- Hi.

Tôi lên tiếng chào trước. Không có tiếng chào lại. 

- Tôi có thể ngồi đây không?

- Nếu ông thích và nếu ghế còn trống.

Đã đủ lý do, tôi chọn một cái ngồi đối diện với nàng. Giữa hai người có chiếc bàn tròn ngăn cách. Nàng không thèm dòm ngó gì đến tôi, còn tôi đang nhìn nàng. Nàng khoảng 18, 19 gì đó. Mái tóc cắt ngắn úp vào sau gáy, khuôn mặt hình trái xoan, đôi mắt to, mũi dọc dừa. Đặc biệt đôi môi hơi dày đỏ choét, chắc vừa tô hết một thỏi son. Tuy trang điểm hơi quá tay nhưng so với quần áo nàng đang mặc thì khuôn mặt nàng vẫn còn dịu hiền hơn. Nàng mặc chiếc voan trắng hở cổ, cố ý để lòi một phần hai bờ ngực nhỏ xíu để chứng tỏ ta đây đã lớn.  Ăn mặc như thế thật uổng phí nhan sắc trời cho, bởi vì khuôn mặt kia giá không son phấn chắc phải đẹp xinh xắn là cái chắc. Tôi mở lời làm quen: 

- Cô đi một mình?

Nàng không thèm trả lời. Đúng là bất lịch sự. Tôi hơi bị quê độ. Con nhỏ coi mòi khó chịu nên tôi tính chuyện rút lui. Tôi liếc ngang liếc dọc xem còn chỗ nào trống để rút lui trong danh dự. Không còn một bàn trống, ngay cả lối đi người ta chiếm hầu hết. Tôi vẫn tự hào về tướng tá đẹp trai của mình. Người ta thường nói đẹp trai không bằng chai mặt. Tôi vừa đẹp trai vừa chai mặt, hội đủ hai điều kiện ăn tiền, thế mà đối với nàng ngay phút khởi đầu chưa kịp ra tay thì đã lẹ làng thất bại. May cho tôi. Sau khi ẹo qua ẹo lại cho hết bản nhạc, Ý Lan cúi đầu chào khán giả. Từng cặp, từng cặp đang nhảy với nhau tự động rã ra, ai về bàn nấy. Căn phòng như được rộng hơn chút đỉnh. Không khí lúc này hơi dễ thở. Tôi vươn vai, định lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng đứng dậy để vọt. Nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ, thì một bầy con gái ùa về phía bàn của tôi giống như ăn cướp. Họ bất kể lớn nhỏ trẻ già, vừa đi vừa cãi lộn. Không, có lẽ vừa nói chuyện thì đúng hơn. Có đến 7, 8 cô, cô nào cô nấy son phấn thật kỹ lưỡng, đủ mùi thơm lựng.Thấy bạn mình đang ngồi bơ vơ với một anh chàng lạ huơ lạ hoắc, một con nhỏ chống nạnh hỏi:

- Ê, Phượng, ai vậy mày. Boy friend hả?

Nàng đốp chát không ngại ngùng:

- Ai biết, khi không vác mặt tới tao đâu có quen.

Nghe nàng trả lời, mấy cái mặt choai choai liền quay qua tôi. Có lẽ nhờ tướng tá đẹp trai nên lời nói hồi nãy có vẻ dịu hơn một tí:

- Xin lỗi ông. Đây là bàn dành riêng của tụi tôi.

Ý là muốn đuổi. Đúng là thiếu lịch sự, nhưng tôi lại mừng. Mấy con nhỏ đắc ý xúm lại cười khúc khích. Tôi trong tư thế gươm lạc giữa rừng hoa. Một đứa địch không lại, đằng này lại 8 đứa làm sao địch cho nổi. Đành thua non. Kể ra được thua non như vầy cũng còn danh dự.


Sau lần tao ngộ đó, tôi yên chí chỉ là một chuyện thường tình xẩy ra hằng ngày trong thiên hạ. Rồi sẽ quên, không ai bận tâm đến ai, nhất là ở đây thời gian quý báu không có ai dư dả. Tôi đâu ngờ gặp lại Phượng tại Shopping Dillard ngày cuối tuần. Phượng đi mua sắm, còn tôi dĩ nhiên hóng mát thôi. Lý do rất dễ hiểu tôi làm gì có tiền mua sắm. Đi dạo shopping kiểu tôi rất ít tốn tiền, chỉ cần bỏ ra một vài đồng mua một ly kem, kiếm cái bàn nào đó ngồi xuống thế là đủ. Vừa mát mẻ vừa khoái khẩu, cũng chẳng ai cấm đôi mắt của mình có quyền gởi theo bất cứ bóng dáng thon thả nào. Đang ngồi tận hưởng cái thú hiếm hoi đó thì bỗng nhiên tôi chợt cảm thấy ớn lạnh phía sau lưng. Giác quan thứ sáu bảo nhỏ cho tôi biết có một điều bất thường sắp xẩy ra.

- Phượng này! Ai, hình như thằng cha cà chớn đêm hôm đó phải không mày?

Tiếng nói của con nhỏ rộng mồm làm sao tôi quên được.

- Kệ hắn.

- Đâu được. Phải cho hắn một bài học.

Đúng là ông tha bà chẳng tha. Một bàn tay phát nhẹ vai tôi:

- Hello, chào bạn.

- Chào.

Tôi buột đại một câu để cầu hòa:

- Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Cô nàng đốp lại:

- Vô duyên đối diện lung tung xèng.

Rồi tiếp:

- Hai đứa ngồi chung được không?

Tôi lập lại câu nói của nàng đêm hôm đó:

- Được, nếu các cô thích và nếu ghế còn trống.

Sau khi an vị hai cái bàn tọa, bên địch vẫn chủ động:

- Ông có thể mời hai đứa tôi ăn kem được không?

- Không thành vấn đề. Rất hân hạnh.

Tôi sốt sắng đứng dậy, hú hồn trong túi còn đủ số tiền đãi khách. Một thằng bạn nào đó đã tặng tôi hai câu thơ giữ mình: 

“Thà ăn cơm hẩm cháo heo 

Còn hơn nàng đá lông nheo địa tiền”. 

Nó từng dặn dò, sống theo kiểu Mỹ có một cái luật: luật sống phẳng vào tiệm, ai ăn nấy trả tiền nếu mình không mời. Đừng chơi theo kiểu Việt Nam có ngày sạch túi. Túi tôi vốn lúc nào cũng sạch nên khỏi lo chuyện đó. Gia tài sự nghiệp tôi chỉ cầu mong sao đủ một chầu kem may phước lắm rồi. 

Cũng cần nói thêm, ngoài việc đi học, tôi còn phải đi làm part time 2 đêm mỗi tuần. Một đêm chủ trả 50 đô, 2 đêm vị chi là 100 đô. Số tiền 100 đô tôi lại chia làm hai, một nửa cho mẹ, một nửa xài riêng. Tuần nào gọn gàng tuần đó. Kể ra ở một đất nước cha mẹ gần như mất quyền đối với con cái đến tuổi trưởng thành như tôi, gặp một thằng con "khôn chợ dại nhà" cũng đã là đại phước. Tôi không giúp đỡ gì cho gia đình, nhưng tôi không phá phách. Lời nói ba mẹ đối với tôi là mệnh lệnh, là một quyền uy tối thượng. Tôi không dám làm buồn lòng hai đấng sinh thành ra mình. Trong quá khứ, ba mẹ tôi đã từng đau khổ cay đắng nhiều. Sau ngày mất nước, ba tôi ở tù thời gian dài, mẹ ở nhà buôn bán tảo tần nuôi con, lại còn tiếp tế cho chồng đang thiếu thốn mọi bề trong tại tập trung của Cộng Sản. Tôi chỉ là bộc phát từ sự dồn nén chịu đựng thế hệ đi trước. Tôi không muốn bất kỳ ai trong xã hội được quyền khinh rẻ chúng tôi như đã từng khinh rẻ ba mẹ tôi trong một quãng đời. Ba mẹ tôi có thể nhịn nhục vì tương lai con cái mình, nhưng tôi thì không thể. Tôi nghèo không đủ điều kiện học hành thì kệ tôi, không ai được phép thương hại để ban phát những cái mà họ xem như một đặc ân cứu vớt những người khốn khổ. Tôi có thể bán cho họ sinh lực thể xác này nhưng không bao giờ bán đi cái dòng máu lính ngang tàng bất khuất của ba tôi. Tương lai tôi chưa biết về đâu, nhưng kệ đến đâu thì đến. Hiện tại tôi đang còn những đồng bạc cuối cùng để mua hai ly kem cho hai con nhỏ trời ơi đất hỡi này.

Nhìn Phượng múc từng muỗng kem nhỏ xíu từ tốn bỏ vào miệng tôi thấy khác với cô nàng Phượng mà tôi gặp trong đêm dạ vũ. Có thể do nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc. Trong đêm dạ hội ấy, ai nấy đều rậm rật chứng tỏ ta đây cho nên nàng cũng thế. Giờ này, giữa shopping rộng lớn yên tĩnh, khung cảnh trả lại cho nàng cái nét dễ thương dịu hiền muôn thuở của một cô gái Việt Nam. Chỉ có cô bạn nàng còn đang cay cú, nên vừa ăn vừa liếc nhìn tôi. Bỗng nhiên lòng tôi chùng lại. Lúc này tôi cũng đang hiền như cục đất: 

- Xin lỗi, tôi tên Thành. Còn cô? Riêng Phượng thì tôi đã biết tên rồi.

Thấy tôi quá sức đàng hoàng, cô bạn Phượng cũng hết ngổ ngáo:

- Tôi tên Mai. À, đêm đó anh chơi có vui không?

- Cám ơn, cũng tạm được. Đêm đó có gì không phải xin bỏ qua giùm cho.

Phượng mỉm cười trước thái độ lễ phép bất ngờ. Mai kẻ cả:

- Không sao. Nhờ anh đãi chầu kem này, hai đứa tạm tha tội cho anh.

Tôi chẳng biết mình có tội gì để được tha, nhưng không muốn gây chiến tranh nữa, nên đành im lặng. Phượng hôm nay rất đẹp vì nàng không trang điểm. Tôi phục cặp mắt tinh đời của mình hết sức. Đêm dạ vũ nhìn nàng phấn son lòe loẹt, tôi đã biết nếu chùi lớp phấn son kia đi nàng rất là xinh xắn. Quả y như thế. Hôm nay, khuôn mặt tự nhiên của nàng, màu da trắng mịn. Một lớp lông tơ rất mỏng nhìn nghiêng mới thấy khiến cho nàng trẻ trung hấp dẫn. Phượng mặc quần jean, áo sơ mi màu xanh blue đậm, trông nàng rực rỡ. Nhìn nàng, bỗng dưng tôi bắt gặp trong tôi một cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng êm ả. 


Buổi trưa bên ngoài Shopping nắng hừng hực, nhiệt độ đâu như trên 90 độ F thì phải. Trời quang mây tạnh không có mưa gió bão bùng, nhưng không hiểu sao tôi lại nghe trong tôi có một luồng sét đánh. Thế mới biết những phách lối giả tạo thường ngày của tôi chỉ cốt đi tìm cho mình một bình yên dịu vợi. Những đứa con gái tôi gặp trong đời hầu hết tự đánh mất cái đẹp dịu hiền, cái thứ vũ khí làm cho đàn ông con trai khiếp sợ. Phượng, trưa nay ông trời trả lại cho nàng vũ khí lợi hại đó. Tôi nhỏ nhẹ:

- Sao Phượng không nói gì hết vậy?

- Nói gì là nói gì?

- Đại khái nói về mình chẳng hạn. Đằng nào mình cũng đã là bạn rồi mà.

- Ê, có hai ly kem định nhận bạn ẩu đi anh hai. 

Có tiếng con Mai xen vào. Nãy giờ đầu óc để đâu đâu tôi quên là có Mai bên cạnh. Tiếng con nhỏ xen vào làm tôi giật thót mình. Y hệt đang đi ăn trộm bị bắt quả tang. Thiệt thê thảm! từ nhỏ đến lớn có bao giờ tôi như thế này đâu. Tôi không ăn hiếp thiên hạ thì thôi chứ đừng ai hòng ăn hiếp bắt nạt tôi. Thế mà lần này tôi lại bị con Mai. Đúng là quả báo. Như thể nó là thiên lôi đang cầm chiếc búa tầm sét, đem tiếng sét của Phượng đánh nát bấy tim tôi. 

- Anh Thành đừng áy náy nữa, kể từ nay mình là bạn, tất cả chuyện xảy ra trước đó đều xí xóa. Tụi này coi dữ tợn vậy chứ hiền khô à.

Nàng tự khen mình hiền. Đúng là mèo khen mèo dài đuôi. Nhưng kỳ lạ ghê, nghe nàng khen nàng hiền, tự nhiên tôi thấy nàng hiền thật. Giá như tóc nàng đừng cắt ngắn, giá như tóc nàng được phủ dài ngang lưng thì nàng sẽ giống như Đức Mẹ Đồng Trinh. Mà nếu nàng giống như thế, vẻ đẹp tinh khiết chỉ để con trai nhìn ngắm tôn thờ, chứ ma nào dám mơ tưởng đèo bòng với tay đến. Cũng hên nàng tự phế bỏ phần nào vẻ đẹp thánh thiện kia để tự đem mình làm bạn với tôi. Thiệt là một hy sinh vô cùng cảm động. Con Mai thấy không khí của chúng tôi quá sức thanh bình, nó ngơ ngác nhìn hai “kẻ thù” đang trầm mặc êm ả, nó chợt ngộ ra một điều gì, đó là hai đứa tôi đang “để ý” nhau. Nó buột miệng lẩm bẩm:

- Đừng nói với tôi là hai người định sẽ yêu nhau đó nha.

Khi thấy con Mai lúc nào cũng kềm kẹp bên Phượng, tôi nghĩ nó sẽ là con kỳ đà cản mũi. Con đường tiến đến Phượng sẽ cam go không dễ gì nuốt trôi, bởi vì bên Phượng có bà chằn giữ cửa, bàn ra nhiều hơn bàn vô. Nhưng khi nghe nó buột miệng lẩm bẩm nói giùm lên ý đồ của tôi một cách trực khởi như vậy, tôi khoái chí hết sức. Tự nhiên tôi thấy con Mai dễ thương một cách cực kỳ. Ba má nó chọn cái tên một loài hoa biểu tượng mùa xuân ấm áp để đặt cho nó, chứ đâu nghĩ tên Mai để làm mai dong cho tôi, lại là bà mai hết ý, đáng thưởng cái đầu heo để... nấu cháo. Tôi nhìn con Mai một cách trìu mến, oán thù đều được hóa giải một cách êm đẹp. Bản mặt tôi chắc là ngố lắm. Liếc nhìn Phượng, nàng thoáng đỏ mặt không nói gì. Tôi vừa trả lời Mai cũng vừa thả quả bóng thăm dò Phượng: 

- Phần tôi không thành vấn đề. Còn phải đợi xem bên đó phản ứng ra sao!

Tôi nói thật ngọt ngào. Tôi không ngờ mình có lúc ngọt ngào được như vậy. Phượng nhéo Mai một cái:  

- Cái con quỷ này khéo ăn khéo nói. Tao không thích chọc.

- Ai dám chọc mày. Nhưng mà kệ nó. Ai chọc thì chọc, miễn mình có là được rồi.

Con Mai lại nói một câu hay hơn câu trước. Tôi giơ ngón tay ra dấu hiệu “number one” cho con Mai thấy. Cái con nhỏ này càng nói càng thật có duyên. Tôi thầm hứa sau khi mình yên bề gia thất, phải tìm cho nó một thằng thật sịn mới được. 

Nhờ con Mai làm chim xanh, hai đứa tôi thường gặp nhau cuối tuần. Điểm hẹn là Shopping, cũng tại cái quầy kem nho nhỏ. Hai đứa thích nhìn bồn nước giữa trung tâm, nói chuyện vẩn với nhau. Thường thì những chuyện không đâu vào đâu cả. Đại khái như:

- Trong các loại kem Phượng thích ăn kem gì nhất?

- Kem chocolat.

- Kem đó ăn dễ mập lắm. Mập quá, eo iếc mất hết. Phượng không thích giữ eo à?

- Giữ chứ. Người ta giữ eo đừng mập, còn Phượng giữ eo đừng xẹp.

Nàng cũng biết nói đùa. Nàng nói vậy thôi, chứ trên thế gian này tôi dám cá mười ăn một là không tìm đâu ra một người con gái nào có cái eo đúng tiêu chuẩn giống nàng. Ước gì hai đứa được đi chơi bên cạnh, tay tôi được quàng qua cái eo đó mà không bị chủ nhân phản đối.

- Này Thành, trưa nay đợi Phượng có lâu không?

- Lâu quá xá là lâu.

- Mấy phút?

- 5 phút.

- 5 phút mà lâu gì?

- 5 thế kỷ mà không lâu à?

- Xạo.

- Thiệt đó, không xạo đâu.

Hoặc là:

- Phượng à! Trưa nay nóng ghê hén.

- Ngồi xe có máy lạnh, nóng nỗi gì.

- Nhưng mà lúc bước ra khỏi xe nóng quá trời.

- Ừ.

Phượng ừ một tiếng rồi im, tôi tiếp:

- Nắng dữ dội mà chịu khó đến gặp Thành làm Thành cảm động muốn chết.

- Xiiiiií!

Những câu chuyện của hai kẻ thương nhau không giống ai, lạt như nước lã, nhưng đối với tôi những câu chuyện ấy thật đậm đà hấp dẫn mê ly. Nếu như thời gian ngừng trôi để tôi được bềnh bồng một chỗ cái cảm giác này hay biết mấy. Mà cho dù thời gian có trôi đi cũng được, hai đứa tôi vẫn được ngồi nói những chuyện vớ vẩn như trên, sáng trưa chiều tối, từ thế kỷ này qua thế kỷ khác thì tôi cũng rất vui lòng. Giá như Phượng đừng về, giá như Shopping đừng đến giờ đóng cửa đuổi hai đứa tôi ra, thì tôi sẽ tiếp tục nói chuyện đâu đâu cho tới già mà không thấy chán. Phượng chắc có lẽ tâm trạng giống như tôi, chắc nàng sung sướng lắm. Bởi vì nhiều lúc hết nói chuyện, nàng nhìn mấy tia nước phun lên, mơ màng đến nỗi tôi lợi dụng sự mơ màng đó khẽ nắm lấy tay nàng, nàng không hề rụt lại. Đôi lúc làm như vô tình bóp nhè nhẹ tay tôi nữa chứ. Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy trôi... trôi qua...


Tôi dùng chiếc handtruck đẩy mấy cái thùng rác ra phía bên ngoài nhà hàng. Đêm nào cũng vậy, cứ đến giờ nhà hàng đóng cửa là tôi lãnh nhiệm vụ này.Ba cái thức ăn dư thừa tụi Mỹđen vứt đại vào thùng bầy hầy dơ dáy kinh khủng. Đành phải gồng mình thôi. Ý ba tôi muốn như vậy, muốn cho tôi thấm đòn cu-ly mà lo học hành. Chỉ có cố gắng học hành mới hy vọng tránh khỏi cái kiếp vất vả về tay chân. Mặt trước nhà hàng là con đường Bourbon thuộc khu French Quarter. Con đường nổi tiếng cổ kính của thành phố New Orleans. Vì là thành phố cổ nên dân ở đây cũng như du khách từ các tiểu bang khác, vào những đêm cuối tuần đổ xô chật ních. Con đường không dài lắm, từng cặp từng cặp dập dìu đi lên đi xuống. Đi như thế suốt đêm mà không chán, đúng là đồ điên. Trong khi tôi thèm ngủ muốn chết mà không được ngủ, còn họ được ngủ lại thức đi cà nhong thật uổng phí “thời giờ là vàng bạc”. Nói vậy thôi, chứ đôi lúc nhìn thấy mấy con Mỹ trắng ăn mặc cũn cỡn, tôi chợt quên mình là thằng hốt rác, đứng nhìn ngơ ngơ. Nhìn tụi nó mà nghĩ đến Phượng. Chuyện hai đứa cứ tiếp tục đều đều như thế đến nay đã lâu vậy mà tôi vẫn chưa ngỏ lời chính thức. Nàng có lẽ đang chờ, dĩ nhiên thôi vì nàng là con gái. Còn tôi thì đang ngại vì tiêu chuẩn của một boy friend không thể nào đạt đến. Ngoài cao ráo đẹp trai, tôi không có gì hết. Đến nỗi có một cái job thì cái job quá thấp hèn, chiếc xe đang đi cũng chờ ngày ra nghĩa địa. 

Mải suy nghĩ đâu đâu, bỗng sẩy tay mất thăng bằng, thùng rác đổ nghiêng về một phía. Theo phản xạ, tôi đưa chân ra đỡ. Đúng là đồ ngốc, cái sức nặng hơn 200 pounds đập vào ống quyển, tá hỏa. Đau đến độ nổi đom đóm. Tôi nhăn mặt hít hà. Mồ hôi rịn theo hai bên tóc mai. Sùng quá, tôi há miệng định chửi thề một tiếng rất bình dân... khi cái miệng còn nằm ở thế chữ "a" chưa kịp vo tròn thành chữ "o", tiếng chửi thề còn nằm ở tư thế chuẩn bị sẵn sàng tác chiến trong cổ họng... thì tôi... tắt tiếng. Bởi vì tôi vừa trông thấy... nàng. 


Phượng bắt gặp quả tang tôi đang giơ tay hạ chân định đánh lộn với cái thùng rác vô tri vô giác. Tôi bắt gặp quả tang nàng đang dạo phố vào cái giờ hắc ám này không phải... một mình. Chắc có lẽ Phượng vô cùng thất vọng vì tôi lộ nguyên hình một thằng cu-ly phàm phu tục tử, tôi không phải là thằng Thành áo quần sạch sẽ đúng model hàng ngày. Tôi thoáng thấy khuôn mặt nàng hơi tái. Nhưng có một điều, dù khuôn mặt nàng có xanh như tàu lá đi chăng nữa cũng không xanh bằng khuôn mặt của tôi. Nàng có thất vọng hay ân hận vì lỡ quen tôi cũng không bằng tôi ân hận vì lỡ quen nàng. Bởi vì... bên cạnh nàng còn có một thằng lạ hoắc. Thằng này cũng đẹp trai cao ráo không kém gì tôi, nó còn trội hơn tôi nữa vì có đến những... bốn con mắt. Trông bên ngoài nó rất đàng hoàng trí thức. Trong khi tôi đang đứng chết lặng như trời trồng chỉ mong mặt đường nứt ra làm hai để tìm một cái lỗ trống nào đó để chui xuống cho đỡ nhục thì thằng bốn mắt lại nhe răng ra cười. Đúng là cười không đúng lúc. Cười thì dễ thôi. Phượng xinh xắn như thế, được đi bên cạnh nàng mà không cười tươi như bông hoa thì có nước là... đồ điên. Quen tôi bấy lâu nay, đời nào nàng chịu cho tôi dẫn nàng dung dăng dung dẻ ngoài đường như thằng này đâu. Tức quá, trước khi nàng định nói một câu gì đó, tôi đã bỏ quay lưng vào nhà hàng đóng cửa lại, còn kịp thấy thằng kia đang nắm tay nàng. Ống chân tôi sưng một cục bầm tím, nhưng nào tôi còn cảm giác gì. Trái tim tôi còn đau gấp trăm, gấp ngàn lần hơn thế nữa. Cái đồ thay lòng đổi dạ, cái đồ lừa gạt tình yêu. Tôi dùng tất cả những danh từ độc địa để mắng chửi con phù thủy ác độc kia. Nhìn lại quần áo mình, bộ đồ xấu nhất dùng để mặc đi làm dính dầu mỡ tùm lum thiệt là tủi thân tủi phận. Tôi ngồi ôm đầu lòng tự dặn lòng không việc gì phải rơi nước mắt. Đã dặn lòng như thế, nhưng sao hai con mắt vẫn thấy cay cay. Tôi ngước cổ hít một hơi dài. Hồi còn đi học có một ông thầy dạy khi nào đau khổ, con hãy hít một hơi dài, tay để lên lồng ngực rồi thở ra nhè nhẹ, đau khổ sẽ tan đi. Tôi để tay lên lồng ngực, hít một hơi dài và thở nhẹ y chang như lời thầy dạy. Có lẽ công lực tôi chưa đủ thâm hậu. Đau khổ có tan đi còn hậu xét, chứ khi tôi thở ra nhè nhẹ để cho vơi bớt nỗi niềm u uất thì những giọt nước mắt tự phát tràn ra ướt cả hai gò má. Cái này người ta gọi là cầm lòng không đậu. Tôi gạt dòng nước mắt, khuôn mặt nàng sừng sững hiện ra, cũng nét dịu hiền đó tôi không còn được nhìn cho thỏa. Nàng tàn nhẫn vô tâm đùa giỡn trên tấm chân tình tôi đã trót trao. Tại sao nàng đã có “bồ” rồi mà vẫn còn nỡ hẹn hò gặp mặt với một thằng thất cơ lỡ vận, cù bơ cù bất như tôi. Nàng đã để cho tôi nuôi dưỡng một tình yêu chín mùi rồi tàn bạo chà đạp nó đi. Nàng đang chơi trò bắt cá hai tay, lỡ sẩy con này thì còn được con khác. Lũ con gái đời này tham lam, coi nhẹ, rất nhẹ cái gọi là tình yêu. Trước kia thấy mấy tay xâm mình “Hận đời đen bạc” hay “Hận kẻ bạc tình” xâm luôn trái tim có mũi tên xuyên qua rướm máu, tôi đã cười họ. Việc gì phải xâm cho đau đớn, mất con này thì kiếm con khác, con gái thiếu gì. Nay đến phiên tôi nếm mùi đau khổ đó, tôi căm gan còn hơn thế nữa. Tôi thấy mấy tay kia xâm trên tay, trên lưng, trên ngực còn chưa đúng chỗ, còn chưa đã gan. Phải xâm lên mặt mới sướng. (Nhưng phải xâm lên mặt kẻ bạc tình, dại gì xâm lên mặt mình... đau lắm.) Phần tôi, đau đớn con tim này cũng đã gần chết rồi, xin đừng cho tôi thêm một đau đớn nào nữa.  

Mấy ngày sau đó, tôi thất tha thất thểu đi lên đi xuống, đi qua đi lại trong căn phòng nhỏ hẹp của mình. Tôi không muốn tiếp xúc với ai. Mẹ tôi thấy thế lấy làm ngạc nhiên. Tôi dặn mẹ, bất cứ ai gọi phone đến đều bảo tôi đi vắng, nhất là con gái. Tôi phải quyết tâm quên nàng. Tuy dặn mẹ như thế song tôi vẫn hồi hộp mong mẹ nói lại, đại khái như:

- À, sáng giờ có 5 hay 10 cú điện thoại của cô nào đó gọi con, mẹ bảo con không có nhà. Hoặc là con có nhà nhưng không chịu tiếp.

Nếu nàng gọi phone để thanh minh tôi sẽ làm nư cho đã giận. Nhưng tất cả hồi hộp đợi chờ để hành hạ nàng đều...công cốc. Nàng im hơi lặng tiếng, nàng lì đòn hơn tôi tưởng nhiều. Chỉ có tôi đang hành hạ tôi thiệt vô duyên.. Tôi quay quắt muốn đập tung, muốn phá phách cho vơi bớt nỗi niềm. Tôi trầm lắng ưu tư, tôi tập làm thơ, những vần thơ con cóc không diễn tả được hết sự đau khổ. Tôi xé rồi lại làm. Mùi vị bồ đá thật là khó chịu.

Mẹ không hiểu tôi đang thất tình, bà đang lo sợ tôi đang bị sốc bởi tâm lý của một thanh niên mới lớn đang bị thua thiệt bạc đãi ngoài đời. Chỉ có ba tôi là hiểu. Chắc có lẽ trước khi cưới được mẹ,ba cũng đã là một chuyên viên thất tình, bị bồ đá ít nhất vài chục lần. Cho nên khi thấy tôi như thế, ba biết ngay tôi đang “muốn người ta, người ta không muốn. Xách cái quần đi xuống đi lên”. Ba tôi chỉ cười nói:

- Mấy vụ này ba rành lắm, không có gì đâu. Chỉ là một vết thương nhỏ, rồi nó sẽ để lại cho mình một vết sẹo nhớ đời. Vết sẹo nào cũng có một kỷ niệm riêng của nó. Vết sẹo tình yêu là vết sẹo đáng nhớ nhất. Bởi vì mai sau nó sẽ là mắm muối nêm cho nồi canh cuộc đời thêm mặn mà thơ mộng.

Chờ thời gian để trả ngày hôm nay cho mơ mộng đầy thi vị như ba tôi nói thì còn hơi lâu. Bởi thời gian đang trôi chậm rãi theo qui luật thiên nhiên đâu cần biết ai nôn nóng đợi chờ hầu được quên đi. Cái thằng bốn mắt là thằng nào, tài cán gì lại phỗng tay trên Phượng của tôi. Nàng nắm tay nó dung dăng ngoài đường vào lúc nửa đêm. Nếu nghe ai nói lại làm sao tôi tin, đằng này tôi thấy tận mắt rõ ràng hết đường chối cãi. Nó hơn tôi vì nó nhìn đời qua cặp kính, được sàng lọc bởi hai miếng gương dày. Tôi nhìn đời bằng con mắt thịt trần gian, cho nên cứ tưởng tất cả mọi điều đều tuyệt đối. Tôi đúng là thằng ngốc dại khờ. Nó phải có kinh nghiệm hơn tôi, phải đầy đủ gấp trăm lần, cho nên Phượng mới chọn lấy nó mà đá cho tôi một cú giò lái gọn gàng. Nó hơn tôi là cái chắc. Ít ra có nghèo lắm cũng không đến phải đi bằng chiếc xe đưa vào viện bảo tàng. Nó không phải đi làm cu-ly, lấy đêm làm ngày. Ba mẹ nó phải giàu có chứ không như ba mẹ tôi cày quần quật mười mấy tiếng một ngày vừa đủ trả mấy cái bill hàng tháng. Ở đời này có ai chịu nhìn xuống mà không muốn nhìn lên. Chỉ có tôi ngu ngốc thì có. Sau một tháng tự hành hạ mình, tôi bình tâm trở lại. Chờ đợi tín hiệu từ phía nàng không kết quả. Cuối cùng tôi bắt tín hiệu từ phía tôi trước. Trăn trở mãi cũng viết được cho nàng một lá thư,đương nhiên nhờ bà mai tên Mai thuở nào trao hộ. 

“Phượng,

Xin lỗi đã quấy rầy Phượng sau một thời gian quen biết. Thôi thì cứ xem thư này như là một quấy rầy sau cùng. Tôi không dám trách gì Phượng đâu. Dù sao Phượng cũng đã cho tôi nhiều hơn là nhận. Cái mà Phượng đã cho thì Phượng đã lấy lại. Cũng là công bằng không có gì phải nói. Cái đáng nói là tôi nhận cái mà Phượng cho không chịu trả lại. Bởi vì tôi đã lỡ tiêu hóa nó vào từng sợi tế bào của mình rồi. Thôi thì xin Phượng hãy thông cảm cho tôi giữ lại cái Phượng đã ban phát, xem như vốn quí cho cuộc đời mình.

Chúc Phượng vui vẻ với cái thằng bốn mắt. Cứ xem tôi là một thằng ngu ngốc tồi tệ nhất trên cõi đời này cũng được. 

Vĩnh biệt.

Thành”

Thư gửi đi rồi, lòng tôi bỗng nhiên thanh thản lạ lùng. Thư gửi đi khoảng vài ngày, tôi gặp lại Mai. Hình như Mai cố ý tìm tôi đúng hơn. Tôi đang lui cui thăm nhớt cho chiếc xe cổ lỗ sĩ của mình, thì xe Mai trờ tới. Chúng tôi gặp nhau tại Parking phía dưới khu Apartment nơi tôi ở. Con Mai thò đầu ra khỏi xe gọi: 

- Ê, anh Thành.

Con nhỏ gọi tiếng ê thật xấc. Tôi quay lại.

- Rảnh không?

- Chi vậy?

- Nếu có rảnh thì tôi đưa cho cái này. Còn không thì thôi.

Vừa nói, nó vừa lấy từ trong bóp ra một lá thư. Trời đất! Lá thư của tôi nhờ nó gởi cho Phượng tuần trước. Nàng tuyệt tình đến nỗi không thèm nhận thư? Mặt tôi tái hẳn đi:

- Phượng không nhận thư tôi à?

- Nhận chứ.

- Vậy lá thư này là thế nào?

- Ai biết! Nó chỉ nhờ tôi đưa cho anh. Nó có dặn nếu anh không nhận thì quăng vào thùng rác giùm nó.

- Thì quăng vào thùng rác đi.

- Phải vậy không đó. Xem cái bản mặt hốc hác thế kia thì đã biết địa chỉ của anh ở đâu rồi, đừng đứng đó mà nói dóc. Bây giờ tôi đếm từ 1 đến 3 nếu anh không ừ, tôi đi đây.

- Khỏi cần đếm. Nhận thì nhận, ngán gì.

- Không cám ơn à?

- Cám ơn.

- Giỏi. Vậy mới được chứ. Con Phượng nói, nếu thằng chả không muốn đọc thì kêu thằng chả xé đi. Tôi chỉ tiếp lời nó thôi. Bái bai.

Lá thư tôi cầm trên tay là lá thư tôi đã gửi. Nàng không đọc mà trả lại cho tôi. Tôi tần ngần muốn xé đi cho đỡ nhục. Nhưng trước khi hủy diệt cái chứng tích khù khờ cuối cùng, tôi muốn xem lại tôi đã viết gì cho nàng. Thế là tôi bóc thư ra. Bì thư là của tôi, nhưng trong ruột là thư của nàng. Nàng đã trả lời nhưng không thèm bỏ vào bì thư mới, cốt ý làm cho tôi đứng tim chơi.

“Anh Thành,

Nếu tui là anh, tui đã không nhận lá thư này. Nếu lỡ nhận lá thư này, tui sẽ không mở ra. Nếu đã mở ra thì tui sẽ đọc cho hết để biết người ta viết gì trong đó. Anh tưởng tui khi quen anh không biết anh đi làm bằng chiếc xe cũ rích kia á? Anh tưởng tui không biết anh mới qua Mỹ một năm nay sau khi chia sẻ cùng gia đình những cay đắng gian khổ mà cuộc chiến đã để lại cho ba mẹ anh à? Anh tưởng tui là đứa con gái được sinh ra và lớn lên tại Mỹ bị ảnh hưởng nếp sống ở đây quên hết cội nguồn của mình à? Anh tưởng anh phải có đầy đủ những tiện nghi về cuộc sống, phải có một cái job ngon lành tôi mới chịu quen anh à? Nếu quả thật anh tưởng như vậy thì anh thiệt không xứng đáng quen với tui. Bởi vì anh đã xem thường tui quá sức. Còn chuyện thằng bốn mắt, tiện đây nói cho anh biết, nó tên là Dũng, con ông chú ruột của tui. Nó từ Boston qua chơi. Nghe nói khách từ xa tới New Orleans mà không biết khu French Quarter thì kể như là thiếu sót. Tui đâu biết anh làm ở đó. Dẫu biết thì đã sao? Đồng tiền mình kiếm được bằng mồ hôi là đồng tiền lương thiện. Còn công việc làm, đó chẳng qua là sự phân công của xã hội. Sau giờ làm việc, quyền con người đều bình đẳng với nhau. Không ai được quyền vỗ ngực xưng tên ta đây là trí thức giàu có, còn nó là một thằng cu ly nghèo mạt. Biết bao nhiêu người thành danh xuất thân từ cu- ly. Miễn mình có một ý chí vững chắc là được. Hôm tui gặp anh tiện thể định giới thiệu Dũng cho hai người quen biết nhau. Nhưng anh đã chơi quê không thèm nói, bỏ đi.  Anh đã coi thường tui quá sức. Tui giận anh lắm, nhưng thằng Dũng khuyên nên thông cảm cho anh. Biết đâu anh hiểu lầm anh ghen, nhưng biết anh ghen thật hay ghen giả đây? 

Tui.

PS: Cái ghế quày kem nơi góc Shopping cả tháng nay bỏ trống. Trưa chủ nhật này lúc 12 giờ anh có rảnh ghé lại, đừng để nó cô đơn tội nghiệp. Phượng chờ anh ở đó. Kỳ này để Phượng trả tiền. Nếu anh không đến thì kể như... thôi là hết chia ly từ đây...

Phượng”

Tôi có mặt nơi hẹn từ 11 giờ trưa. Tôi tự phạt cái lỗi hồ đồ của mình bằng cách đến đó sớm hơn một tiếng. Câu chuyện của hai kẻ yêu nhau lại tiếp tục:

- Anh chờ em có lâu không?

- Một tiếng, vị chi là 60 phút.

- Một phút là một thế kỷ.

- 60 phút là 60 thế kỷ. Anh chờ em đúng 60 thế kỷ.

- Cho chừa cái bản mặt dễ ghét của anh. Em định để cho anh chờ đến 100 thế kỷ mới xuất hiện. Thấy anh tội quá không nỡ.

Ba tôi có dạy, khi người con gái nói tiếng tội với người con trai, có nghĩa là người con gái đó dọn đường sẵn sàng cho người con trai bước đàng hoàng vào trái tim mình. Khi nghe Phượng nói thấy tôi TỘI, tôi liền thử nắm lấy tay nàng. Tôi đang trắc nghiệm bài học của người xem thử ra sao? Phải công nhận, ba tôi đúng là sư tổ chuyên viên tâm lý học, chẳng qua vì thời thế đành làm nghề hốt rác trên xứ người. Bởi vì khi tôi nắm tay Phượng, chẳng những nàng để yên không phản đối lại còn ngã đầu lên vai tôi nữa chứ. Tôi nhẹ quàng tay mình qua vòng eo từng mơ ước, kéo nàng sát vào người. Phượng khẽ nhắm đôi mắt đẹp của mình lại... đợi chờ. Tôi từ từ đầu hơi cúi thấp và hôn lên... mái tóc nàng (đúng là thằng điên, môi không hôn lại hôn tóc). Mùi thơm nhè nhẹ từ làn tóc con gái quyện lấy hồn tôi, dìm cuộc đời tôi vào đó với nỗi ngây ngất vô bờ. 

Ở cuối thế kỷ 20 này, khi mà tại một đất nước văn minh vào bậc nhất thế giới đưa nếp sống con người vượt qua khỏi tất cả những tập quán, khuôn mẫu của người Á Đông, thanh niên nam nữ sớm trở thành đàn ông, đàn bà trước khi đến tuổi dậy thì, con gái đòi hỏi đối tượng của mình trăm, ngàn điều kiện để tiến tới làm quen, thì nàng Phượng yêu của tôi không cần gì hết. Nàng chỉ cần ở tôi một tấm chân tình, có khác gì trong câu chuyện cổ tích. Một chuyện cổ tích vẫn có thể có ở cuối thế kỷ 20.


Quan Dương

2 comments:

  1. Hay, truyện có hậu, nhưng đúng là truyện cổ tích, làm mất giờ nghĩ trưa của tui.

    ReplyDelete
  2. Truyện hay, cá ơn tác giả

    ReplyDelete