Pages

Wednesday, October 4, 2023

Chuyện Kiếp Trước Và Trẻ Em - BS Hồ Văn Hiền


    Thỉnh thoảng có những trẻ em nhắc đến kiếp trước của mình từng là một người sống ở một nơi chốn khác. Đa số các bác sĩ sẽ coi chuyện này như sản phẩm của trí tưởng tượng của trẻ con và không làm gì cả. Và thật vậy đa số lúc lớn lên chừng trên dưới 10 tuổi các em sẽ quên những câu chuyện mà trước đó chúng từng kể về một cuộc sống trước khi chúng sinh ra. Chúng ta sẽ bàn chung về luân hồi trước khi nói về những khảo cứu hiện nay trong giới y khoa về những dấu hiệu có thể có kiếp trước, một lãnh vực còn rất “controversial/ tranh cãi” và bị nghi ngờ.


Luân hồi qua các tôn giáo 

      Người Việt chúng ta có lẽ quen thuộc hơn với đề tài này, tuy chúng ta có thể còn bán tín bán nghi. Phật giáo cũng như Ấn Độ Giáo xem việc đầu thai kiếp khác (samsara, transmigration, karmic cycle, reincarnation) là chuyện thường, tuy đa số chúng ta không mấy ai nhớ được kiếp trước của mình ở đâu, làm gì, là ai. Theo trang mạng Phật giáo VN, “Theo tinh thần của kinh Địa Tạng và quan điểm Phật giáo nói chung thì thần thức của một người sau khi chết hầu hết đều phải trải qua giai đoạn trung gian, thọ thân trung ấm tối đa là 49 ngày, sau đó sẽ thọ sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp lực mà họ đã gây tạo (cõi trời, A tu la, người, súc sinh, địa ngục và ngã quỷ).” Và cũng theo trang này, qua tu tập người đạt tới Tam minh có thể biết đến kiếp trước và kiếp sau của mình: “Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng Tam minh Lục thông. Đầu hôm, Phật chứng Túc mạng minh biết tất cả các kiếp quá khứ của Ngài. Nửa đêm, Phật chứng Thiên nhãn minh thấy tất cả hiện tượng xảy ra trong trời đất. Và khi sao Mai mọc, Phật chứng Lậu tận minh thấy tương lai vô cùng tận của Ngài và những người hữu duyên. Như vậy, Phật đã thấy rõ ba đời nhân quả, thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

  

Trước Đức Phật, người Hy Lạp cổ đã nói về một hình thức luân hồi gọi là “metainpsychosis” (từ Latinh gốc Hy lạp: meta: chỉ thay đổi, in: trong, psyche: linh hồn). Tôn giáo Orpheus (Orphism), lần đầu tiên xuất hiện ở vùng Thrace ở biên giới phía đông bắc Hy Lạp còn bán khai. Theo huyền thoại, Orpheus, thi sĩ có khả năng làm mủi lòng cả muông thú và sỏi đá từng xuống âm phủ và trở về, cho rằng linh hồn và thể xác được gắn bó một cách bất bình đẳng; linh hồn thiêng liêng, bất tử và khao khát tự do bị thể xác bị giam giữ như một tù nhân. Cái chết làm tan biến sự gắn kết này, nhưng sau một thời gian ngắn linh hồn lại bị giam cầm trong một thể xác khác, là người hay là thú vật, vì bánh xe sinh tử quay không ngừng nghỉ. Orpheus cho rằng con người cần ân sủng của các vị thần cứu chuộc, và kêu gọi họ hướng về các vị thần (chính là Dionysus) bằng cách sống khổ hạnh và tự thanh lọc: cuộc sống càng thuần khiết thì lần đầu thai tiếp theo sẽ cao hơn, cho đến khi linh hồn hoàn thành vòng xoáy đi lên của số phận để sống mãi mãi như một vị Thần trở về nơi xuất phát.   


    Nói chung Do Thái Giáo và Thiên Chúa Giáo không chấp nhận có kiếp trước hoặc kiếp sau. Thiên Chúa Giáo tin rằng người chết sẽ sống lại như Chúa Giê Su đã sống lại. Trong Tin kính của Công giáo (Apostles Creed): “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”. (Theo bộ lễ mới: Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau). Tuy nhiên, trong thời buổi toàn cầu hóa, các tín điều tôn giáo có thể qua lại ảnh hưởng với nhau (syncretism) mặc dù không được các giáo hội phê chuẩn. Ví dụ, một phần ba người công giáo ở Mỹ tin rằng có luân hồi (theo 2018 Pew Research Poll).

   Ngoài ra, môt số giáo phái Do Thái (ví dụ trong truyền thống Kabbalah của Hasidism) tin vào luân hồi mà trong Hebrew có tên gọi là “gilgul ha'neshamot”, nghĩa là “bánh xe của các linh hồn”), cuộc sống này chỉ là một giai đoạn trong quá trình gồm nhiều cuộc sống tiến tới tình trạng toàn thiện lúc chớp lửa của linh hồn cá nhân được tái hợp với ngọn lửa thiêng của Chúa, giống như người trồng nho gặp phải loài nho chua, phải trồng đến hàng ngàn thế hệ nho mới đạt được ý nguyện.

 

Nghiên cứu khoa học tại Đại Học Virginia 

     Tuy vậy, thật đáng ngạc nhiên là tại Đại học Virginia, có một phân khoa của Trường Y nghiên cứu về vấn đề này theo phương pháp khoa học. Phân khoa nghiên cứu về tri giác (Division of Perceptual Studies), nghiên cứu về những hiện tượng như Kinh nghiệm chết hụt (Near death experience) và Luân hồi hay Tái sinh (Reincarnation).

      Phân khoa Nghiên cứu Tri giác có nguồn gốc từ những năm 1920, khi Tiến sĩ Ian Stevenson lớn lên ở Canada. Là một đứa trẻ ốm yếu, ông bị viêm phế quản nhiều lần và nằm hàng giờ trên giường, ngấu nghiến bộ sưu tập sách phong phú của mẹ về các tôn giáo phương Đông và lần đầu tiên người thiếu niên tiếp xúc với những báo cáo về các hiện tượng huyền bí. Ông có trí nhớ phi thường và tốt nghiệp y khoa tại Đại học McGill năm 1943, trước khi đi đến Arizona (Mỹ) nghiên cứu một thời gian ngắn về sinh hóa (biochemistry) trước khi chuyển sang y khoa tâm thể (psycho somatic medicine), để tìm kiếm “thứ gì đó gần gũi hơn với thực thể con người trong toàn bộ” hơn là những gì tìm thấy trong ngành sinh hóa. Từ đó, ông được đào tạo về bệnh tâm thần và phân tâm học.

    Sự nghiệp học tập của ông thăng hoa ở Hoa Kỳ và ông được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa tâm thần học tại Đại học Virginia (UVA) vào năm 1957, khi vẫn còn ở độ tuổi 30. Vào khoảng thời gian đó, ông đã hồi sinh sở thích thời thơ ấu của mình đối với những điều huyền bí (paranormal). Ông đã “nhúng ngón chân” vào dòng nước cận tâm lý học (parapsychology) – nghiên cứu về các khả năng tinh thần có vẻ như đi ngược lại (hoặc nằm ngoài) các quy luật đã biết của thiên nhiên và khoa học – bằng cách viết các bài điểm sách và các bài báo cho các ấn phẩm phổ thông như tạp chí Harper’s.

    

      Năm 1958, ông thắng giải nhất trong cuộc thi của Hiệp hội Nghiên cứu Tâm linh Hoa Kỳ (American Society for Psychical Research) cho bài luận hay nhất về các hiện tượng tâm thần huyền bí và mối quan hệ của chúng với cuộc sống sau khi chết (life after death). Bài luận văn của ông, “Bằng chứng cho sự sống sót từ những ký ức được kể lại về hóa thân” (The Evidence for Survival from Claimed Memories of Incarnations), đã xem xét 44 trường hợp cá nhân trên khắp thế giới có ký ức về tiền kiếp. Những trường hợp thuyết phục nhất, ông nhận ra, tất cả đều liên quan đến trẻ nhỏ, thường trong độ tuổi từ 2 đến 5, và nói rất chi tiết về những nơi chúng chưa bao giờ đến và những người chúng chưa bao giờ gặp, hoặc những người có vết bớt bẩm sinh (birthmarks) tương ứng với thương tích ở những người khác trước đó lúc họ chết một cách tàn bạo, bất đắc kỳ tử. Hầu hết những trường hợp đó là ở các nước châu Á, nơi niềm tin vào luân hồi rất cao.    

  Carlson đột ngột qua đời vào năm sau và để lại cho UVA 1 triệu đô la để hỗ trợ nghiên cứu của Stevenson. Trong mấy chục năm sau đó, Stevenson đi khắp thế giới theo dấu vết các trẻ em có hồi ức về kiếp trước; mỗi năm đi trên 55 ngàn miles và phát hiện trên 2000 trường hợp. Ông thực hiện trên 300 công bố, trong đó có mười bốn cuốn sách.

     Bộ phận nghiên cứu mới tại UVA bị ép đặt tên là Phân khoa Cận tâm lý (Division of Parapsychology (*). Stevenson đổi tên thành Phân khoa nghiên cứu nhân cách (Division of Personality Studies), lo ngại rằng “cận tâm lý học” đang tự cô lập mình khỏi phần còn lại của các ngành học thuật. Sự mơ hồ về lãnh vực “nghiên cứu nhân cách” phù hợp với Stevenson, khi ông tiếp tục làm việc để đạt được sự tôn trọng của khoa học chính thống. Sứ mệnh đó xuyên suốt các nghiên cứu của ông: ông không ngừng định lượng dữ liệu của mình – mã hóa 200 biến số trong cơ sở dữ liệu các trường hợp của mình, tính toán xác suất của một hoặc hai vết bớt bẩm sinh (birthmark) trên mình đứa bé tương ứng với một hoặc hai vết thương trên cơ thể người đã chết (thuộc về “kiếp trước”), và cẩn thận kiểm tra mọi cách giải thích bình thường có thể có, trái ngược với cách giải thích theo lối huyền bí – cố gắng cho người khác thấy việc làm của mình là nghiêm túc (Có những trường hợp ông so sánh và liên hệ các vết thương như vết bắn vào đầu, bàn tay bị nghiền nát bởi máy xay trong kiếp trước với vết chàm bấm sinh trên mặt và sau đầu, hay bàn tay dị dạng bị thiếu một bên ở đứa trẻ). Ông viết: “Chúng ta có thể cố gắng hướng tới tính khách quan bằng cách tiết lộ càng nhiều càng tốt tất cả các quan sát có xu hướng làm suy yếu cách giải thích dữ liệu mà chúng ta cho là thích hợp hơn”; nghĩa là dự tính những kẽ hở có thể được dùng để công kích lý luận của mình và công khai các chỗ yếu đó.

      Lúc Bác sĩ Stevenson 77 tuổi, ông cần một người tiếp tục công việc nghiên cứu về luân hồi của mình tại Đại học Virginia. Bác sĩ Jim Tucker, chuyên về khoa tâm thần trẻ em hành nghề tư nhân lúc đó cũng muốn tìm kiếm một việc gì đó hào hứng hơn. Khi đang đọc một trong những cuốn sách của Bác sĩ Stevenson, bà Tucker thấy một tin trên tờ báo địa phương nói về khoản trợ cấp mà phân khoa đã nhận được. Bà khuyến khích ông chồng mình xin đảm nhận chức vụ này vì công việc có vẻ phù hợp với một người có kinh nghiệm và thoải mái khi phỏng vấn trẻ nhỏ và gia đình của chúng, có khả năng suy nghĩ cẩn thận, đầu óc khoa học và nhiệt tình. Giờ đây, đơn vị nghiên cứu được gọi là Phân khoa Nghiên cứu Tri giác, hay DOPS/ Division of Perceptual Studies (**), và vẫn hoạt động mặc dù Stevenson qua đời năm 2007.

 

Chuyện cổ tích Việt Nam 

         Xưa có 2 người ở tỉnh xa cùng đi lính với nhau và sống với nhau rất thân thiết. Đến lúc thôi lính về nhà thì một người làm nên giàu có, còn người kia vẫn nghèo đói. Người nhà giàu nhớ bạn, đến hỏi thăm thấy bạn nghèo khổ, liền đưa cho vay 10 lạng bạc để làm vốn. Cách đã mấy năm không được tin tức gì của bạn, người nhà giàu nghĩ bụng rằng, bạn ta có lẽ vẫn còn túng, nên chưa có tiền trả ta. Bây giờ ta sang thăm anh ta, và đem thêm 10 lạng bạc, nếu anh còn nghèo đói, thì ta giúp anh lần nữa, nghĩ vậy rồi ra đi. Khi vừa đến cổng, thấy nhà bạn trang hoàng lịch sự, thì người bạn đem bạc giấu ở trên đầu cổng, rồi mới vào nhà. Vợ chồng bạn thấy mặt, nghĩ là sang đòi nợ, mời vào nhà thết đãi ăn uống tử tế, rồi lập mưu đợi đến đêm khuya, giết đi, đem xác chôn dưới cây khế. Ít lâu sau, cây khế chỉ sinh được một trái to. Người vợ trông thích mắt hái ăn, rồi thụ thai, sinh ra một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô, nhưng phải cái tật không biết nói.

    Hai vợ chồng lấy làm buồn bực, phàn nàn với nhau về đưa con bị câm. Đứa con nghe thấy, tự nhiên bật nói ra rằng:

    – Bố mẹ cho mời quan huyện qua đây chơi với con, rồi con nói cho bố mẹ nghe.

    Quan bằng lòng đi một chuyến xem sao. Thằng bé thưa hết đầu đuôi câu chuyện của người bạn phản trắc.

    – Hồn con nhập vào quả khế, vợ anh ăn vào rồi sinh ra con. Xin quan cho đào gốc khế, coi trên mái cổng xem có thật không?

    Quan sai lính làm như lời khai, thấy thật như vậy, trị tội cả hai vợ chồng. Thằng bé lạy quan xong trở về nhà cũ. Về tới nhà tính ra, đã biệt tích 20 năm. Khi đi vợ mới có thai, bây giờ con đã có cháu.

    Bởi chuyện này nên có câu rằng:

    Tham vàng phụ nghĩa cố nhân,

    Oan hồn, hồn hiện, trời gần chẳng xa,

    Sinh con rồi mới sinh cha,

    Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.

    (Chuyện xưa tích cũ)

 

Chuyện Đạt-lại Lạt-ma Tây Tạng

      Khi Đạt-lại Lạt-ma (***) thứ 13 viên tịch vào năm 1935, để giải quyết việc tìm người thừa kế, chính phủ Tây Tạng cho người đến hồ Lhamo Lhatso là nơi linh thiêng mà người ta có thể nhìn thấy việc tương lai. Căn cứ vào những hình ảnh thấy trong mặt nước hồ, người ta tìm đến ngôi nhà có một cái máng xối kỳ lạ trong một ngôi làng có chùa với mái vàng và xanh cùng cảnh vật giống như vậy. Cậu bé 2 tuổi trong ngôi nhà nhận ra được xâu tràng hạt (mala) và những đồ dùng thường ngày của Đạt-lại Lạt-ma vừa quá cố hai năm trước; nhận ra được người đến tìm mình là Lạt-ma ở tu viện Sera, nhận ra danh tánh của trưởng phái đoàn và người thị giả và nói theo giọng phương ngữ vùng Lhassa mà mẹ cậu không hiểu được. Cậu bé được thừa nhận là Đạt-lại Lạt-ma theo truyền thống Tây Tạng như là Hóa thân của Đạt-lại Lạt-ma thứ 13, cũng là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, hiện thân của lòng từ bi. Đức Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 hiện nay đang sống lưu vong ở Ấn Độ, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989 và là người lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng lưu vong.

 

Các trường hợp được nghiên cứu

Tìm hiểu thêm về vấn đề trẻ em nhắc đến “kiếp” trước của mình, tôi thấy có trường hợp sau đây có những điểm tương tự và người nghiên cứu tường tận câu chuyện là bác sĩ Jim Tucker tại Đại học Virginia.

    Bé Gus Taylor, 18 tháng tuổi, là người Mỹ ở vùng Trung Tây (Midwest). Ông nội bé tên Augie, đã qua đời một năm trước khi Gus được sinh ra. Tuy nhiên cậu bé Gus một tuổi rưỡi đã tuyên bố rằng trước đây nó là ông nội của chính mình. Khi lên 4 tuổi, nó có thể nhận dạng Augie trong các bức ảnh gia đình, mặc dù nó chưa bao giờ nhìn thấy ông này ngoài đời thực. Câu chuyện còn kỳ lạ hơn nữa; nhiều năm trước, chị của Augie bị sát hại và thi thể bị vứt vào Vịnh San Francisco. Không ai trong gia đình nói chuyện này với Gus, và do đó, mọi người đều bị sốc khi Gus bắt đầu kể về người chị đã chết của mình.

    Một câu chuyện khác được Bác sĩ Jim Tucker nghiên cứu tường tận và được nhắc đến nhiều trong truyền thông là trường hợp bé Ryan mà kiếp trước là một diễn viên Hollywood.

    Người mẹ, Cyndi, cho biết tất cả bắt đầu với những cơn ác mộng kinh hoàng khi Ryan mới 4 tuổi. Rồi khi 5 tuổi, bé tâm sự với mẹ vào một buổi tối trước khi đi ngủ rằng trước đó bé là một người khác. Sau đó, đứa trẻ còn học mẫu giáo đòi “về nhà” ở Hollywood, và khóc đòi mẹ đưa đến đó. Bé kể mình từng gặp gỡ những ngôi sao như Rita Hayworth, đi du lịch nước ngoài trong những kỳ nghỉ xa hoa, khiêu vũ trên sân khấu Broadway và làm việc cho một công ty nơi mọi người “sẽ đổi tên”. Bé còn nhớ tên con phố mà nó từng sống có từ ‘rock” (đá) trong đó. Không thể nào một đứa trẻ dựng nên một chuyện khúc mắc chi tiết như vậy được. Mẹ bé theo đạo Tin lành Baptist và không bao giờ nghĩ đến chuyện luân hồi. Bà không cho chồng biết về chuyện này và âm thầm vào thư viện tìm hiểu về Hollywood để giúp con trai đối phó với ký ức kỳ lạ của mình.

    Một bức hình tìm thấy trong sách làm thay đổi mọi việc. Hình chụp trích từ cuốn phim “Night after Night”, quay năm 1932, và phim đầu tay của nữ tài tử “sex symbol” Mỹ nổi tiếng Mae West. Ryan chỉ vào một người đàn ông trong hình xưa và nói đấy là hình của nó. Người đàn ông trong hình chỉ là một vai phụ và sau đó qua nhiều tìm kiếm mới biết lai lịch ông ta.

    Người giúp tìm ra manh mối chuyện này là Bác sĩ Jim Tucker. Bác sĩ Tucker nhờ các chuyên viên của một phim tài liệu đang được thực hiện về kiếp trước truy tầm tông tích của người đàn ông bí ẩn trong hình. Ông ta tên Marty Martyn, lúc đầu là một diễn viên đóng vai phụ và sau đó trở thành một người đại diện cho các tài tử (Hollywood agent) và chết năm 1964.

    Tìm thêm các hồ sơ cũ – hầu như không có hồ sơ nào trong số đó tìm được trên internet – và tìm ra được cô con gái của nhân vật trong hình, Bác sĩ Tucker đã có thể xác nhận 55 chi tiết mà Ryan đã kể về cuộc đời mình trước đây.

    Hóa ra Martyn không chỉ là một người thủ vai phụ. Như bé Ryan từng cho biết, ông ấy cũng đã từng khiêu vũ trên sân khấu Broadway, đi du lịch nước ngoài, đến Paris và làm việc tại một công ty đại diện cho các tài tử phim ảnh ở đó nghệ danh (stage name) thường được tạo ra cho các khách hàng mới. Bác sĩ Tucker cũng phát hiện ra tuyên bố của Ryan rằng nó từng ta sống ở đường phố với từ “rock” trong tên đường – Martyn sống tại 825 North Roxbury Dr. ở Beverly Hills.

    Bác sĩ Tucker cũng xác nhận được những sự thật khó hiểu khác mà Ryan đưa ra – Martyn có bao nhiêu con, kết hôn bao nhiêu lần, thậm chí có bao nhiêu chị em gái. Trong khi con gái của Martyn lớn lên và nghĩ rằng cha cô chỉ có một người chị, Tucker đã có thể xác nhận rằng Martyn thực sự có hai người chị, một lần nữa, đúng như Ryan đã tuyên bố. Còn một chi tiết mà lúc đầu tưởng bé Ryan nói sai. Nó nói không hiểu tại sao Chúa lại cho sống đến tuổi 61 và sau đó bắt nó trở lại như một đứa trẻ. Giấy chứng tử của Martyn lại ghi tuổi ông là 59 tuổi khi ông qua đời.

    Nhưng Bác sĩ Tucker đào sâu hơn và phát hiện ra hồ sơ điều tra dân số cho thấy trong thực tế Martyn sinh năm 1903 chứ không phải 1905, có nghĩa là tuyên bố của Ryan – không phải giấy chứng tử chính thức của anh ta – là thực sự chính xác.

    Khi Ryan 10 tuổi, bé cho biết những ký ức của nó về cuộc đời của Marty Martyn đang mờ dần, điều mà Tiến sĩ Tucker nói là điển hình khi trẻ lớn hơn. Ryan nói trong khi nó vui vì đã có được kinh nghiệm này, nó cũng mừng được tiếp tục cuộc sống và chỉ là một đứa trẻ. 


Các câu nói điển hình của đứa trẻ 

Trên đây là một số ví dụ được nghiên cứu cẩn thận, tuy vẫn còn nhiều người phê phán, trong giới khoa học, y khoa cũng như người ngoài chuyên môn. Nói chung, theo Bác sĩ Tucker, những câu nói điển hình của các trẻ nhớ lại kiếp trước như sau:

    Bà/ông không phải là mẹ / bố của tôi.

    Tôi có mẹ / bố khác.

    Khi tôi còn là người lớn, tôi… (từng có đôi mắt xanh / từng có xe hơi, v.v.)

    Điều đó xảy ra trước khi tôi nằm trong bụng mẹ.

    Tôi có vợ / chồng / con.

    Tôi đã từng… (lái xe tải / sống ở một thị trấn khác, v.v.)

    Tôi đã chết… (trong một vụ tai nạn xe hơi / sau khi tôi té ngã, v.v.)

    Hãy nhớ khi tôi… (còn sống trong ngôi nhà kia / là bố của anh, v.v.)


Một số hướng dẫn cho cha mẹ 

Một số hướng dẫn cho các bậc cha mẹ tìm kiếm sự trợ giúp với một đứa trẻ dường như đang nhớ lại kiếp trước (phỏng theo Bác sĩ Tucker).

    1) Trước tiên, điều quan trọng là phải biết rằng trẻ nói như vậy không có nghĩa chúng bị bệnh tâm thần. Có nhiều gia đình, trong đó một đứa trẻ nói nó nhớ cha mẹ khác, một ngôi nhà khác, hoặc một cái chết trước đó, và những đứa trẻ hiếm khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Thường những đứa trẻ này phát triển có vẻ giống như những đứa trẻ cùng trang lứa. Chúng có thể xảy ra trong những gia đình có niềm tin vào luân hồi hoặc trong những gia đình chưa bao giờ nghĩ đến ý tưởng về luân hồi trước khi đứa trẻ bắt đầu phát biểu.

    2) Khi con cái kể về tiền kiếp, cha mẹ đôi khi không biết phải trả lời như thế nào. Các bậc cha mẹ nên có thái độ cởi mở với những gì con cái họ đang kể lại. Một số trẻ biểu lộ rất nhiều cảm xúc liên quan đến những vấn đề này, và cha mẹ nên tôn trọng lắng nghe giống như đối với các đề tài khác mà con họ nhắc đến.

    3) Khi một đứa trẻ nói về cuộc sống trong quá khứ, cha mẹ nên tránh hỏi những câu hỏi khó chịu, gay gắt. Điều này có thể gây khó chịu cho đứa trẻ và quan trọng hơn , có thể khiến đứa trẻ bịa ra một câu trả lời cho câu hỏi. Khi đó sẽ rất khó hoặc không thể tách ký ức ra khỏi tưởng tượng. Chúng tôi nghĩ rằng có thể hỏi những câu hỏi mở, chung chung, chẳng hạn như “Con còn nhớ điều gì khác không?” và tỏ ra đồng cảm với những phát biểu của một đứa trẻ thì tốt hơn nữa (“Như vậy thì sợ thật!” khi một đứa trẻ mô tả một vụ tai nạn chết người chẳng hạn).

    4) Cha mẹ nên ghi chép lại bất kỳ câu nói nào về tiền kiếp mà con cái họ nói ra. Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp trẻ em cung cấp đủ thông tin để có thể xác định được một cá nhân đã qua đời. Trong tình huống như vậy, việc ghi lại những lời kể trước đó sẽ rất quan trọng trong việc cung cấp bằng chứng tốt nhất rằng đứa trẻ thực sự đã trải qua những ký ức từ kiếp trước.

    5) Đồng thời, cha mẹ cũng không nên quá chú tâm vào những điều trẻ nói về quá khứ mà quên rằng cuộc sống hiện tại mới là điều quan trọng nhất bây giờ. Nếu trẻ kiên trì nói rằng chúng muốn trở lại gia đình cũ hoặc ngôi nhà cũ của mình, nên giải thích rằng mặc dù chúng có thể đã có một gia đình khác trong kiếp trước, nhưng gia đình hiện tại là gia đình mà chúng có cho cuộc sống này. Cha mẹ nên thừa nhận và coi trọng những gì con cái nói với mình, tuy nhiên phải chỉ rõ cho chúng thấy rằng tiền kiếp thực sự đã nằm trong quá khứ.

    6) Không nên cho trẻ em trải qua phương pháp “thôi miên hồi quy về tiền kiếp” (past life regression hypnosis) là dùng thôi miên để hướng dẫn một người nào đó trở về các trải nghiệm trong cuộc sống trước.

    Theo Bác sĩ Ian Stevenson, người sáng lập ra phân khoa Nghiên cứu cảm nhận của UVA: “Nhiều người không coi trọng bất cứ điều gì trong giấc mơ của họ và nhận ra rằng hầu hết chúng chỉ là hình ảnh trong tiềm thức của người nằm mơ mà không tương ứng với bất kỳ thực tế nào khác - tuy nhiên họ lại tin rằng bất cứ điều gì xuất hiện trong quá trình thôi miên luôn có thể được coi là có thực. Trên thực tế, trạng thái của một người trong khi bị thôi miên giống theo nhiều cách - mặc dù không phải tất cả - trạng thái của một người đang mơ ngủ. Các phần tiềm thức của tâm trí được giải phóng khỏi những ức chế thông thường và sau đó chúng có thể thể hiện đầy kịch tính dưới dạng một “nhân cách” mới. Nếu đối tượng đã được nhà thôi miên hướng dẫn - một cách rõ ràng hoặc ẩn ý - để “quay trở lại địa điểm và thời gian khác” hoặc đưa ra một số hướng dẫn tương tự, thì “nhân cách” mới đó có thể là một nhân cách nằm trong những giai đoạn khác trong quá khứ…Tuy nhiên, trên thực tế, gần như tất cả những “nhân cách trước đây” (previous personalities) được gợi lên bằng thôi miên như vậy hoàn toàn chỉ là tưởng tượng giống như nội dung của hầu hết các giấc mơ. Chúng có thể bao gồm một số chi tiết lịch sử chính xác, nhưng chúng thường bắt nguồn từ thông tin mà đối tượng có được một cách bình thường thông qua việc đọc sách báo, nghe các chương trình phát thanh và xem truyền hình hoặc các nguồn khác.”

    7) Các bậc cha mẹ đôi khi còn bị bực bội vì những câu nói của đứa trẻ còn hơn là con của họ. Nghe một đứa trẻ mô tả trải nghiệm chết một cách đau đớn hoặc không êm thắm có thể rất khó khăn, nhưng cả cha mẹ và con cái đều cần biết rằng đứa trẻ hiện đang an toàn trong cuộc sống này. Một số cha mẹ có thể được an ủi khi biết rằng đại đa số những đứa trẻ này sẽ ngừng nói về kiếp trước khi chúng được 5 - 7 tuổi. Đây là độ tuổi mà trẻ em gắn bó với trường học và cũng là độ tuổi mà chúng mất đi những ký ức về thời thơ ấu, và những câu chuyện về một kiếp trước cũng phai nhạt dần cùng với những ký ức đó. Rất hiếm khi ký ức sẽ tồn tại ở tuổi thiếu niên hoặc tuổi trưởng thành, mặc dù với cường độ ít hơn nhiều so với những năm còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi lớn lên, chúng thậm chí không còn nhớ rằng chúng đã từng nói về tiền kiếp.

    Nhìn chung, các bậc cha mẹ thường thấy những tuyên bố của con cái về việc nhớ kiếp trước đáng chú ý hơn là chính chúng nó nhìn vào sự việc; đối với chúng, những điều có vẻ như là ký ức ấy chỉ đơn giản là một phần trong trải nghiệm cuộc sống của chúng. Thông thường, những đứa trẻ sau đó từ bỏ những ký ức về kiếp trước này để sống một cuộc sống điển hình của tuổi thơ.

     Tóm lại, khác với các văn hoá phương đông như Việt Nam chúng ta, trong xã hội Tây phương chuyện đầu thai ít khi được nhắc tới. Tuy vậy đã có những bác sĩ và khoa học gia nghiên cứu rất nhiều và rất nghiêm túc về những trường hợp trẻ em kể lại về kiếp trước hay một đời sống khác trước đời sống hiện tại. Tuy nhiên, khác với câu chuyện cổ tích “Sinh con rồi mới sinh cha…” của chúng ta nói trên, các khảo cứu này nhất là của Bác sĩ Stevenson, chỉ ghi nhận và phân tích, và không nhắc đến yếu tố nghiệp chướng (karma) hay báo oán. Chúng ta cũng không thấy những trường hợp “ma nhập”. Riêng Bác sĩ Stevenson không bao giờ nói rằng ông chứngminh được luân hồi (reincarnation) là có thật. Tuy dòng khảo cứu này có vẻ còn xa lạ với dòng chính y học, hiện tượng trẻ em kể lại về kiếp trước này thường xảy ra ở những trẻ 2-5 tuổi không phải là hiếm và thường phai nhạt đi lúc trẻ lớn lên mà không cần cha mẹ can thiệp đáng kể và phát triển của phần lớn các em vẫn ở trong mức bình thường.

 Bác sĩ Hồ Văn Hiền

 

Chú thích: 

(*) Para có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, nghĩa là "bên cạnh, có liên quan mật thiết đến, trên..." Thuật ngữ parapsychology được đặt ra vào khoảng năm 1889 bởi triết gia Max Dessoir. Sau đó J. B. Rhine đã dùng nó vào thập niên 1930 thay cho thuật ngữ psychical research (nghiên cứu tâm linh) nhằm chỉ bước chuyển quan trọng hướng đến phương pháp học thực nghiệm và chuyên ngành khoa học. Thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: παρά para có nghĩa là "bên cạnh", và psychology (tâm lý học).


Parapsychology, siêu tâm lý học (tiếng Trung: 超心理学/ Chāo xīnlǐ xué), tâm linh hc (tiếng Trung: 灵学/ Xīnlíng xué), linh hn hc (tiếng Trung: 靈魂學/ Línghún xué) là lĩnh vc chuyên nghiên cu v các hin tượng siêu linh và tâm linh như công năng đặc dị (tiếng Trung: 功能特異/ gōngnéng tèyì) hay siêu năng lc (tiếng Trung: 超能力/ chāo nénglì), thn giao cách cm, linh cm, nhãn thông, psychokinesis, tri nghim cn t, s đầu thai, tri nghim apparition và các điu d thường khác. Phần lớn các nhà khoa học chính thống đều coi parapsychology là ngụy khoa học.(Wikipedia tiếng Việt; ngày 7 tháng 7, 2021)

 

(**) Từ ngữ “perceptual” ở đây có thể có nghĩa hẹp hơn là tri giác theo nghĩa rộng và dùng để chỉ “extrasensorial perception”, những tri giác đi ra khỏi giới hạn của ngũ quan (five senses) mà chúng ta thường gọi là ngoại cảm.

Thuật ngữ này được nhà nghiên cứu tâm lý học J. B. Rhine của Đại học Duke dùng để chỉ các khả năng tâm linh như trực giác (intuition), thần giao cách cảm (telepathy), đo lường tâm lý (psychometry), thấu thị (clairvoyance, bắt nguồn từ tiếng Pháp clair nghĩa là clear (rõ ràng), voyance nghĩa là vision (nhìn)) và hoạt động xuyên thời gian của chúng như nhận thức trước (biết chuyện sẽ xảy ra, vị lai/precognition) hoặc nhận thức lại (bói chuyện đã xảy ra, nhìn thấy quá khứ/retrocognition).


(***) Đạt-lại Lạt-ma là phiên âm Hán Việt từ chữ Hán 達賴喇嘛 (Dá lài lǎ ma). Trên thc tế, sách báo tiếng Vit s dng thường xuyên Đạt Li Lt Ma. "Đạt-li" có gc t tiếng Mông C nghĩa là "biển cả", còn "Lạt-ma" là từ tiếng Tây Tạng được dịch từ tiếng Phạn guru गुरू là t xưng hô dành cho các v Đạo sư. "Đạt-li Lt-ma" có nghĩa là "Đạo sư vi trí tu như bin c". Trong li dùng hàng ngày nhiu người còn dùng t Pht sng để ch Đạt-lại Lạt-ma.

    Danh hiệu Đạt-lại Lạt-ma được vua Mông Cổ Altan Khan phong cho phương trượng của trường phái Cách-lỗ (Gelug hay Hoàng giáo) vào năm 1578. Kể từ 1617, Đạt-lại Lạt-ma thứ 5 trở thành người lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây Tạng. Kể từ đó, người Tây Tạng xem Đạt-lại Lạt-ma là hiện thân của Quán Thế Âm và Ban-thiền Lạt-ma là người phụ chính. Mỗi một Đạt-lại Lạt-ma được xem là tái sinh của vị trước. (Wikipedia tiếng Việt)

No comments:

Post a Comment