Tôi xa quê đã lâu, lâu đến nỗi
không còn có thể nói hay đọc được tiếng mẹ đẻ một cách lưu loát và
trôi chảy nữa. Trên đường lưu lạc, có
hôm, tôi lỡ bước đến Ayutthaya – nơi được vua U Thong chọn làm kinh đô
của Xiêm La, từ thế kỷ XIV.
Nhìn thành quách, đền đài, phế
tích điêu tàn giữa ánh nắng chiều mà không khỏi bùi ngùi, và chợt
nhớ đến bài thơ (“Thăng Long Hoài Cổ”) của Bà Huyện Thanh Quan:
Tạo hóa
gây chi cuộc hý trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
…
Vì vốn liếng biết tiếng Việt
nghèo nàn (và vì cách dụng từ có khuynh hướng hàn lâm của tác giả)
nên tôi không dám chắc là đã hiểu hết được cái tâm cảm áo não của
bà, sau một cuộc bể dâu.
May mắn là ngay bên dưới bài thơ
thượng dẫn còn có thêm vài câu chú thích, tuy ngắn gọn nhưng khá
tường tận:
“Thăng Long là kinh đô nước ta từ
đời nhà Lý đến đời nhà Lê, đến đời Minh Mệnh nhà Nguyễn thì đổi ra tỉnh Hà Nội.
Đi qua cố đô, Bà huyện Thanh Quan, đại biểu cho giai cấp sĩ phu Bắc Hà, bâng
khuâng trước sự di đô đổi triều, đau lòng trước sự tang thương.”
Thì ra là thế!
Tôi vốn không sính chuyện thơ văn
(và cũng chả có tinh thần nghinh tân hay hoài cựu gì sất cả) nên
hoàn toàn không cảm thấy “bâng khuâng” chi hết, “trước sự di đô đổi
triều tang thương” xẩy ra trong thời đại của chính mình.
Điều may mắn là dân Việt không
chỉ toàn cái thứ thất phu và vô cảm như tôi (“sỹ phu Bắc Hà” đâu có
bao giờ thiếu) nên mọi diễn biến thời cuộc, cùng tâm tình của thế
nhân, đều đã được họ ghi nhận hết sức khách quan:
Lê Phú Khải: “Ngày vui ngắn chẳng
tày gang, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình
lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những
ngày ảm đạm, u ám của những cuộc ‘đấu tranh giai cấp’, của cải cách ruộng đất,
của cải tạo tư sản, đấu tố …”
Nguyễn Khải: “Một nửa nước được
độc lập nhưng lòng người tan nát, tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước
tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng
lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu
cũng bị nhà nước trưng thu luôn.”
Nguyễn Văn Luận: “Hà Nội im lìm
trong tiết đông lạnh giá, người Hà Nội e dè nghe ngóng từng ‘chính sách’ mới
ban hành... Hà Nội đói và rách, khoai sắn chiếm 2 phần tem gạo, 3 mét vải ‘cung
cấp’ một năm theo ‘từng người trong hộ’. Mẹ may thêm chiếc quần ‘đi lao động’
thì con nít cởi truồng.”
Bùi Ngọc Tấn: “Quản lý chặt dạ
dày, hộ khẩu, duy trì tình trạng thiếu đói cả ở nông thôn và thành phố, chia
nhau từng mét chỉ, nửa cây kim, nửa cái bát sành…”
Cuộc hý trường kế tiếp, xẩy ra
21 năm sau (năm 1975) cũng thê lương và thảm thương không kém:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý/
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do!
Tuy đã mất tự do và công lý
nhưng nhiều người cầm bút vẫn còn giữ được lương tâm, và đã khẳng
khái nói lên mọi cảm nghĩ chân thật của mình, dù thuộc bên thắng
cuộc:
Nhà văn Dương Thu Hương: “Vào miền
Nam tôi khóc vì sao? Là bởi vì tôi hiểu đạo quân chiến thắng ở miền Bắc phụ
thuộc vào một chế độ man rợ.”
Nhà thơ Phan Huy: “Tôi đã khóc ròng
đứng giữa thủ đô/ Giận đảng giận đoàn bao năm phỉnh gạt.”
Nhà báo Trần Quang Thành: “Những
người chóp bu của Cộng sản đã lừa dối nhân dân Việt Nam và lừa dối cả nhân dân
toàn thế giới.”
Nhà báo Huy Đức: “Có một miền
Nam không giống như miền Nam trong sách giáo khoa của chúng tôi.”
Nó khác ra sao?
Ông Châu Hiển Lý (bộ đội tập kết)
cho biết:“Sự bẽ bàng còn lớn hơn vinh quang chiến thắng. Hòa bình và thống
nhất đã chỉ phơi bày một miền Bắc xã hội chủ nghĩa thua kém miền Nam, xô bồ và
thối nát, về mọi mặt.
‘Tính hơn hẳn’ của chủ nghĩa
Mác-Lênin trở thành một trò cười. Sự tồi dở của nó được phơi bày rõ rệt cùng
với sự nghèo khổ cùng cực của đồng bào miền Bắc.”
Với thời gian, cùng với sự
“tồi dở” và “thối nát về mọi mặt” mỗi lúc được “phơi bày rõ rệt”
hơn, dân Việt đều trở nên hoài cổ ít nhiều. “Bao giờ trở lại ngày
xưa?” (hay “Ngày xưa ơi biết bao giờ trở lại?”) có lẽ là lời than thở
đầu môi, sau mỗi cuộc hý trường ở đất nước này.
Nguyễn Đình Toàn (1936):
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người
đã mất tên
Mất từng con phố đổi tên đường
Khi hẹn nhau ta lạc lối tìm
Ôi tình buồn như đã sống thêm....
(Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên).
Hoàng Anh Tuấn (1932 –
2006):
Mưa hoàng hôn, năm cửa ô sầu hắt hiu
trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngàу qua
Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông
Hồng Hà
Ôi còn đâu vàng son mùa thơ hiền hòa
Đau lòng Tháp Rùa, Thê Húc bơ vơ,
Thành Đô xác xơ! (Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội).
Vũ Thành (1926 – 1987):
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày
tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ em … Hà Nội
ơi!
(Giấc Mơ Hồi Hương).
Tuy kẻ mất người còn nhưng
Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Anh Tuấn, Vũ Thành... đều thuộc về một thế
hệ đã qua. Họ có “dĩ vãng vàng son” để mà hoài cổ, và đó là
chuyện thường tình. Điều bất thường là lớp trẻ bây giờ cũng thế,
cũng có khuynh hướng... nhìn lui!
Ngày 4 tháng 10 năm vừa qua, nhà
báo Lê Anh Hùng đã ghi lại một bức ảnh của chính ông, trong bộ cánh
rất chỉnh tề và lịch sự, cùng với câu hỏi: “Bao giờ cho đến ngày
xưa?”
Ngày xưa nào?
Lê Anh Hùng sinh năm 1973. Ông
chào đời chưa bao lâu thì “cả nước đã quy về một mối, một mối hận thù,
một mối đau thương”!
Tuổi thơ, cũng như tuổi trẻ của
ông (e) đều không êm đềm hay tươi vui lắm. Vậy mà ông vẫn hoài cảm (hay
hoài cổ) thì nghĩ cũng hơi kỳ.
Cuộc sống (xem chừng) mỗi lúc
một tệ hại hơn với tất cả mọi người dân Việt, bất kể tuổi tác hay
thành phần – trừ đám lãnh đạo ở đất nước này:
Nguyễn Phú Trọng: “Nhìn tổng
quát, đất nước có bao giờ được như thế này không?”
Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đất nước này
được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm châu bốn biển như thế này,
vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị
và trật tự an toàn trong cả nước.”
Nguyễn Xuân Phúc: “Việt Nam tuy là
nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới.”
Nguyễn Mạnh Hùng: “Tôi có một
niềm tin rằng người Việt Nam sẽ làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm”.
Sự tự tín, lạc quan và tin
tưởng (hay hoang tưởng) của họ không khỏi khiến tôi nhớ những câu than
trách của nhà báo Nguyễn Thông:
“Đám cai trị xứ này cũng không hẳn
là mù mắt, nhưng sự mù đầu mù óc, mù tư duy, suy nghĩ thì quá rõ. Như các cụ
xưa bảo, đường quang chẳng đi lại đâm quàng bụi rậm. Quờ quạng cây gậy lý luận
khua khoắng dò đường, chỉ đâm vào ngõ cụt.”
Sau cả nước “đâm quàng vào bụi
rậm” rồi toàn dân lại “đâm vào ngõ cụt” thì hỏi ai mà không hoài cổ?
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment