Pages

Saturday, December 2, 2023

Gió Cuối Năm - Mường Mán


Trưa nắng gắt, kẹt phà. Hàng chục xe khách xe tải nối đuôi nhau chờ ở làn đường không ưu tiên. Tảo rời xe đò vào một quán cơm bên đường. Quán thưa khách. Nghe gọi thức uống, bà chủ quán mang ra trái dừa lạnh cắm ống hút đặc lên bàn, nhìn chăm mặt khách, đoạn xởi lởi, kêu :

        - Ủa, anh Tư, anh Tư nông trại phải không ?
        Ngỡ ngàng rồi Tảo chợt nhớ ra : Út Chiến. Phải rồi, mắt ấy, miệng ấy mũi ấy không phải nó thì là ai ? Tuy cái da cái thịt có mỡ màng mũm mĩm hẳn ra, quần áo trang sức có “đô thị hóa”, nhưng cái vẻ ruộng rẫy vẫn chưa hề rời bỏ Út, lầm sao được ? Hồi ấy Út Chiến khoảng mười hai mười ba tuổi, ốm nhom, tóc cháy nắng ngọn xanh ngọn đỏ, thỉnh thoảng theo cha bơi xuồng đến Nông trại – một bộ phận của khoa trồng trọt Trường đại học Cần Thơ – nơi sản xuất, nhân các giống lúa mới, nơi ông Năm Thầy Lang “làm rẽ” mươi công ruộng, kiêm nuôi vịt chạy đồng. Hễ ghé, con nhỏ không bao giờ quên đưa anh keo ớt, vì có lần đám giỗ ở nhà nghe anh Tư khen ớt nó ngâm dấm ngon “bá cháy”. Cha Út Chiến vốn gốc nông dân nòi, tự mày mò học hỏi sao đó, hồi ấy khắp vùng Ô Môn, Thốt Nốt, ngược vô tận Cờ Đỏ, Thới Lai...hễ ai bệnh, tin thuốc Nam, ông đều vui lòng chữa, bốc thuốc miễn phí, mát tay tới độ bà con quen gọi là ông Năm Thầy Lang. Qúy Tảo có chữ nghĩa, thỉnh thoảng ông :tham vấn” anh về chuyện học hành của sắp nhỏ hoặc những chuyện vặt trong gia đình, ngoài làng xóm. Đôi khi giận lẫy, ông ở lì ngoài đồng cùng bầy vịt cả tháng không về nhà, Út Chiến phải đến “thỉnh” Tảo đi hòa giải. Nết nhậu vốn đằm, những lúc nhậu tay đôi, vô vài ly ông hay nhắc kể kỷ niệm mối tình đầu. Cô ấy đã chết ngoài vàm sông lớn. Ông bảo, những đêm sáng trăng ngồi ở chòi vịt trông ra sông thường thấy bóng cô nửa hư nửa thực ngoài ấy.
        
Mới đó đã ngoài mười lăm năm. Con nhỏ ruộng rẫy ngày nào nay đã là bà chủ quán thời kinh tế thị trường vàng đeo đỏ cổ tay, vẫn giữ nguyên lòng hiếu khách rất chân quê. Chẳng cần biết Tảo có gấp vội hay không, sau vài câu thăm hỏi, Út Chiến dọn ra bàn dĩa gà xé phay, bia lon đon đả mời, kéo ghế ngồi, vui vẻ cưa đôi nửa ly gọi là “mừng sức khoẻ”.
        - Chú Năm chắc nghỉ hưu rồi hả ?
        - Chưa anh à, ông vẫn “kết mô đen” với bầy vịt chạy đồng.
        
“Kết mô đen” ! Chà, con nhỏ nhiễm nặng không chỉ các thứ thời trang mà còn cả thời trang ngôn ngữ bụi bặm thị thành, còn ông Năm Thầy Lang thì vẫn thủy chung với hình sương bóng khói mối tình đầu ngoài sông. Cứ thế, câu chuyện lan man nhắc kể sang những nhân vật khác, những bạn nông dân nay kẻ còn người mất, đã khá lên hay vẫn còn nghèo túng. Bia bọt, chút duyên ngầm tản mạn từ nụ cười đến giọng hàn huyên chân tình của “nhỏ” Út, và đặc biệt món ớt ngâm dấm tuyệt ngon khiến Tảo quên mất chỗ ngồi trên chuyến xe đò lúc này hẳn đã qua sông.
        - Nhắc cùng trời cuối đất, sao anh tảng lờ chị Chanti vậy ? Cái nháy mắt và ngữ điệu trách móc nhẹ nhàng chẳng làm Tảo giật mình, chỉ thoáng nghe khí hậu trong mình đổi khác. Anh buộc thốt :
        - Ờ há, cô ấy giờ thế nào ?
        - Giàu của lẫn giàu...con. – Út Chiến đủng đỉnh nói, Tảo nửa ngờ nửa tin :
        - Thật à ?
        
Vóc người săn rám, đôi mắt đen to trên gương mặt bầu bĩnh lúc nào như cũng gửi vào thế giới cái nhìn kinh ngạc. Ngày ấy, Chanti là chiếc lá, cánh bèo trôi giạt theo dòng người tỵ nạn chiến tranh biên giới Tây Nam từ Kampuchia sang, mồ côi cha mẹ, chẳng thân thích họ hàng, được ông Năm Thầy Lang nhận làm con nuôi. Lang thang đói rách đâu từ thuở mới lên mười, sang năm mười bảy trông cô như chưa thể bước ra khỏi tuổi thơ của mình. Tuy vậy, vốn siêng năng hoạt bát, lại biết múa dẻo hát hay, Chanti nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người, thuộc loại nông dân giỏi trong đám thợ cấy gặt đến Nông trại làm việc theo thời vụ. Qua vài mùa gặt, Chanti nói khá sõi tiếng Việt, học bổ túc văn hóa ban đêm ở trường xã luôn luôn đạt thứ hạng khá, trội hơn nhiều học viên người Việt cùng trang lứa, thoát hẳn cái vỏ “tuổi thơ vĩnh cửu”, và trở thành cô gái không chỉ khiến lũ trai bạn mà cả những cán bộ, nhân viên Nông trại cũng ưa nhìn. Các cuộc liên hoan lớn nhỏ không bao giờ vắng mặt Chanti. Vắng những màn ca múa do cô độc diễn buồn một, nhưng vắng tay nhậu Chanti thì hình như mọi người buồn tới...mười. chanti nhậu rất “chiến”, “lượm” cánh đàn ông “bỏ túi” lúc nào chẳng hay.
        
Trong cánh đàn ông “dở ẹc” ấy có Tảo, kẻ được Chanti chọn làm kẻ đi về trong cõi mơ của mình. Thoạt tiên, những dấu hiệu phải lòng ở cô Tảo chẳng khó khăn gì mà không nhận ra, nhất là những lúc chỉ có hai người riêng rẽ trên ca bin máy kéo, ở bến nước hay góc đồng không mông quạnh nào đó. Chanti thường bối rối lảng tránh ánh mắt và đôi bàn tay của gã đàn ông hình như lúc nào cũng hừng hực lửa thanh xuân, và lửa ái tình của một con đực sặc mùi hoang dã từ bộ râu quai nón rậm rì đến vóc dạc thấp đậm, vạm vỡ. “Này Chanti, em đã nhảy qua lửa bao nhiêu lần mà nước da hồng dòn hễ thấy là muốn...cắn ngay vậy ?”. giọng cợt nhã của gã làm cô khoái chí cười tít cả mắt, để rồi ngượng chín khi bàn tay rám nắng to bè nọ xòe ra táo bạo chộp lấy vai cô lắc lắc. Cho đến một ngày bàn tay không dừng lại ở vai mà rơi tuột xuống dịu dàng mân mê đôi bầu vú non tơ kèm cái hôn môi bỏng rẫy cô ngỡ dài cả thế kỷ trong lần hẹn hò thứ chín hay mười gì đó, thì họ coi như đã thuộc về nhau, nửa kín nửa hở trước mắt mọi người.
        
Cái vóc thon thả, nước da hồng quân của Chanti ngày mỗi đẹp dần lên trong mắt Tảo thế nào thì cũng hấp dẫn, cũng quyến rũ như thế trong mắt thằng Tú – cậu học trò cấp 3, tim bắt đầu rậm rựt những nhịp đập mới lạ, hồn và xác bắt đầu bị giục giã bởi cơ man nào là những mường tượng kỳ thú về chuyện chăn gối gái trai. Khi chợt phát hiện những ánh mắt khát khao rình rập, những cử chỉ thường ngày bỗng trở nên khác thường, Chanti vụt cảm thấy sự hồn nhiên vốn có giữa hai đứa nay đã không còn, nó “biến tấu” thành nỗi niềm gì đó cô chưa hiểu nổi. Mỗi ngày ra vào chung một mái nhà mà cả hai cứ như thể biến dần thành kẻ xa lạ. Trạng huống ấy ngầm, dồn nén để rồi bùng vỡ vào một chiều muộn, khi họ chống xuồng đi giăng lưới cắm câu dọc bờ kinh phía sau nhà. Xong việc, Tú rủ rê :
        - Ra chợ chơi nghe Chanti !
        
Cô gái ái ngại nhìn mông bốn phía, bóng tối bắt đầu dâng ngút hai bờ kinh, lừ lừ bò lên từ chân ruộng, buông xuống từ trời làm lem úa cả người lẫn cảnh.
        - Về thôi ! – Chanti nói xuôi xị. Tú dụ khị :
        - Có một chỗ chiếu phim chui...phim mới...
        - Phim “chăn nuôi” chớ gì ? Đừng hòng dụ tao coi lần nữa, gớm chết !
      
Gã trai buông sào chống, nhẹ bước đến dí sát mũi vào bạn, nhăn nhở cười :
        - Mày chỉ giỏi làm bộ, không coi phim thì...đóng phim...
        - Dang ra ! – cô gái giãy nãy – Mày nốc rượu hồi nào mà sặc cả mùi hèm vậy hả ?
        
Vừa nói, Chanti vừa lẹ làng cúi thấp người xuống né cái choàng ôm sỗ sàng của Tú khiến hắn lỡ đà ngã tòm xuống mặt nước đặc sánh màu đêm đen như hắc ín. Cô gái chống sào xô nhanh mũi xuồng quay vào bờ. Tú lóp ngóp leo lên thì Chanti đã rời xuồng chạy thục mạng. Bóng tối gấp gáp leo lên rượt đuổi theo họ. Nhưng rồi dẫu chạy nhanh thế nào thì sau cùng Chanti cũng bị gã trai níu lẫy, quật ngã, đè nghiến xuống vệ cỏ. Cô gái quẫy đạp điên cuồng, bỗng trở nên mạnh mẽ khác thường, và đã vuột thoạ́t khỏi cơn hứng tình của Tú sau khi để lại những vết cào tươm máu trên mặt hắn.
        
Ngày nọ, sau đợt nghỉ Tết, Tảo về với Nông trại đã hơn mười giờ đêm, chị y sĩ trưởng trạm xá vui vẻ “thông báo” mọi người đã bị Chanti quật “phơi xác” trên hội trường sau bữa tiệc tân niên, đoạn hất cằm ra phía bến sông :
        - Nó đang ở ngoài ngoải, bữa nay con nhỏ trông lạ lắm.
        
Trời lấp lánh sao. Đồng ruộng âm vang tiếng ễnh ương, nhóc nhen, bù tọt hòa xướng. Chiếc xuồng ba lá trôi lặng lẽ dọc bờ kinh dưới những rặng điên điển xòe tán. Chanti ngồi đằng lái khuấy dầm, Tảo ngồi đối mặt cô phía đằng mũi ,  lặp lại câu hỏi lần thứ mười :
        - Đi đâu mới được chứ ?
        Chanti cười tiếng cụt :
        - Về nhà em !
        - Nhà em ? Không còn ở với chú thím Năm sao ?
        - Đúng hơn là...về chòi của em, má Năm đuổi em rồi.
        
Chòi là cái lều chăn vịt bỏ hoang, được lợp lại lá, thưng lại vách sơ sài. Trong bóng tranh tối tranh sáng của ánh sao, lù mù những thứ vật dụng tối cần thiết cho một người sống đơn độc. Thấy Tảo cứ lóng ngóng chưa chịu bước vào, Chanti vỗ bộp lên vạt chõng tre :
        - Vô đây, bộ chỗ này dơ lắm sao mà anh...
        
Tảo miễn cưỡng vào ngồi cạnh cô. Gác cằm lên đầu gối co sát ngực, cắn chùm tóc ngang miệng, Chanti đau đáu nhìn bạn, ánh nhìn kinh ngạc cố hữu pha chút man dại hệt ánh mắt thú hoang. Mùi rượu phả từ người cô, tiết xuân mát mẻ vỗ về đêm quạnh vắng. Ắng lặng một lúc, Tảo bứng rứng ôm vai nàng dỗ dành :
        - Thôi đừng buồn nữa, cưng - Vừa nói anh vừa dịu dàng ướm tay vào ngực cô. Chanti vùng đứng lên, ôm mặt khóc nức nở, gầm rít qua nước mắt :
        - Về, anh về đi ! Cái giống đàn ông các người trăm thằng cứ y như một...
        Hôm sau gặp ông Năm Thầy Lang, Tảo gần xa gợi chuyện, ông buồn bã lắc đầu :
        - Qua có muốn nó bỏ đi đâu. Đúng là bà Năm có...Và cả thằng Tú...Chậc, thằng nhỏ y như con nghé đực tới hồi động cỡn. Lại nữa, cái tật thích đàn đúm rượu chè hát hò qua và bả rầy mãi Chanti nó hổng chịu nghe nên bả bực...
        Út Chiến rót thêm bia đầy ly khách, nói vui :
        - Nè, sao anh Tư bỗng ngây người ra vậy ? Hồi ấy hai người yêu nhau da diết, sao anh lại đánh bài chuồn hả ?
        
Đêm trước ngày Tảo rời Nông trại, về trường nhận công tác khác, bữa tiệc liên hoan đưa tiễn kéo dài tận nửa đêm. Như thường lệ, cánh con trai đàn ông bị Chanti “đốn ngã” bằng rượu. Sau cùng chỉ còn cô và Tảo là tương đối tỉnh táo. Chẳng phải tửu lượng của Tảo cao mà nhờ trước khi nhập tiệc, Chanti đã bí mật đưa cho anh mấy lát củ thiềng liềng xắt cực mỏng, dặn lúc nào cảm thấy sắp xỉu thì bí mật cho vào miệng nhai. Tới tận lúc ấy anh mới biết “bí quyết” giúp cô thắng trong những cuộc rượu. Và, họ lại bơi xuồng ra chòi. Lúc này, chẳng ai rủ ai, thấy Chanti đi xuống bến, Tảo liền ngất ngưỡng bước theo.
        
Đêm tối đen như mực. Cẩn trọng hơn lần trước, Tảo dạo đầu bằng những cử chỉ mùi mẫn điệu nghệ. Sự đòi hỏi của người đàn ông được cô gái đáp ứng với chút ngượng ngùng rồi dần sôi nổi trong câm lặng. Họ không thốt lời nào lúc quấn quýt cuồng nhiệt cũng như lúc mệt nhoài buông nhau ra. Ngoài tiếng côn trùng rả rít mỗi lúc mỗi trở nên xa vắng dưới chân ruộng, ngoài bờ kinh, âm thanh độc chiếm là tiếng kẽo kẹt của chiếc chõng tre già nua, rên lên từng hồi hối hả rồi thình lình ngã chuồi xuống nền đất khiến cả hai không thể nhịn được cười, và lại tiếp tục như dây thừng quấn bện vào nhau. Sau đó hệt vừa xong bữa tiệc ngon, chàng mời nàng thêm món “tráng miệng” bằng những lời tỉ tê hứa hẹn, kèm đôi giọt nước mắt chia tay, và ngay trong đêm, Tảo rời Nông trại lén lút như kẻ chạy trốn.
        - Sao anh nỡ quất ngựa...nỡ xử tệ với chị Chanti đến vậy ?
        - Chậc, nói cô Út thông cảm, hồi đó tôi mới cưới vợ, cuộc sống của một anh kỹ sư cơ khí phụ trách đội máy kéo của Nông trại còn rất khó khăn. Tảo nghe giọng mình chợt úng nhão một cách ngang xương – cô ấy bây giờ chắc cũng yên bề rồi, phải không ?
        - Chanti thề không bao giờ lấy chồng, và đến giờ chị vẫn giữ đúng lời thề đó! Sau ngày anh đi, chị không làm với Nông trại nữa, trôi giạt qua nhiều nơi. Dù hận đàn ông tận xương tủy nhưng cảm thấy có lúc không thể thiếu họ, chị đẻ tới hai trai ba gái, lai Việt có, rặt Khmer có, nhưng người ta và cả bọn chúng không thể biết được ai là cha.
        
Còn mày, có lời thề nào để cuộc sống đỡ vô vị không hở thằng luôn tưởng mình bị trời đày bắt cô đơn, bị trời hành bị cô độc ? Tảo kẹp chặt hai tay giữa đùi, thoáng rùng mình như có ngọn gió nào lạ từ đám chuyển động rùng rùng ngoài bến phà bất thần quật ngang vào. Một mối tình vỡ vụn đầu đời, và những đứa con không bao giờ biết mặt cha ? Chanti có khắc nghiệt với bản thân mình quá không ? Nếu có thì sự nghiệt ngã này là do, bởi, tại mầy tất tần tật ! Người đàn ông cắn chặt môi mình nghe đau như thể bị gọng kìm cay nghiệt nào...cắn.

        ° ° °

Sau lần tình cờ gặp lại Út Chiến chừng nửa năm, sau cả tỉ lần ngập ngừng, đắn đo, băn khoăn các thứ, Tảo đi tìm Chanti.
        - Nói đi Chanti, trong sắp nhỏ của em có đứa nào là...con anh không ? Nghĩa là...biết đâu đêm hôm ấy...- Giọng úng nhão cảm xúc nửa van cầu nửa thắc thỏm hy vọng của người đàn ông tựa đợt sóng yếu ớt vỗ vào ghềnh đá. Người đàn bà mím môi thinh lặng với vẻ mặt thanh thản đến lạnh lùng. Vẻ mặt phong trần của một người mẹ độc thân có lúc tưởng đã bị nhấn chìm trong giòng lũ cuộc sống gạo đong từng bữa, tình tạm từng ngày. Nhưng rồi nàng đã vượt qua tất cả để trở thành bà chủ của một xưởng sản xuất ghe xuồng có tầm cỡ ở miền Tây.
        - Hãy tha lỗi cho anh, Chanti ! Nói đi Chanti, trong sắp nhỏ của em...
        
Nói, nói và nói. Tấm bằng kỹ sư cơ khí đã vứt bỏ đâu đó dọc những ngày và đôm bon chen, ngỡ mình sẽ thành công nhờ tài lọc lõi trong những thứ ngành và nghề khác giàu thủ đoạn, ít tốn công sức, lợi to lộc lớn. Nhưng rồi trắng tay. Người đàn ông vạm vỡ, luôn toát vẻ hoang dã ngày nào giờ gầy đét hệt con khô khoai, hai đầu vai cao nhọn hẳn lên tạo cho anh ta cái dáng co ro lúc ngồi, cái vẻ lom khom lúc đứng. Người đàn ông đã từng trải qua hai lần ly dị vợ, không kiếm đâu ra được một mụn con tha hồ nói. Lời lẽ chân thành đan xen những ngoa ngôn lộng ngữ lộn xộn. Mặc, người đàn bà vẫn tiếp tục giữ sự câm lặng như là giữ chút phẩm hạnh nhỏ nhoi chưa bị đánh mất hoặc đánh cắp của mình.
        
Và, sự câm lặng ấy chỉ bị phá vỡ khi Hạnh xuất hiện. Con nhỏ chừng mười lăm hay mười sáu tuổi vai mang cặp sách, tay cầm bó hoa dại hái đâu đó dọc đường đi về, bước vào phòng khách. Chanti dịu dàng vuốt tóc nó, dịu dàng nói :
        - Chào khách đi con. Ngày xưa má từng mồ côi, bây giờ ổng đang mồ côi. Không biết mắc phải tội gì mà ra thân tàn ma dại vầy nè! Mắc phải vạ gì mà từ một ông kỹ sư bảnh bao, giờ hổng có một miếng đất cắm dùi, phải xuống ghe bán hàng rong kiêm sửa chữa máy đuôi tôm, máy bơm dãi dầu sông nước, lêu bêu như lục bình trôi...
        
Giọng người đàn bà mỗi lúc một mỏn dần như thể lẩm bẩm nói một mình. Con nhỏ ngơ ngác, chẳng hiểu mẹ nói gì, đôi mắt tròn xoe y hệt mắt Chanti lúc nào như cũng gửi vào thế giới cái nhìn kinh ngạc,

        ° ° °

Nước trong vắt, nắng từ trời cao bủa xuống ngàn tia kiếm sáng, cả hai bơi lội thỏa thích trong “trang phục cổ xưa” của ông Adam và bà Eve. Theo từng động tác sải tay uốn lưng mềm mại, cặp vú màu nâu hồng có núm đỏ tựa mõm của loài cá lạ thoắt ẩn thoắt hiện giữa làn sóng xanh. Chanti bơi mải miết, Tảo bơi bên cạnh, vừa bơi vừa chiêm ngắm nàng và, lúc chợt nhận ra hai người không còn ở dòng kinh quen thuộc mà đã ra tới biển, Chanti bị một cuộn sóng cuốn mất hút vào miệng một con cá mập lớn thì Tảo choàng thức, ngồi bật dậy, xuất hạn dầm mình, thực mà ngỡ như mơ thấy con Hạnh ngồi dưới vừng sáng ngọn đèn thắp bằng ắcqui tỏa xuống vòm mui đang chăm chú lấy các loại trái cây từ bọc ni lông ra bày mâm ngũ quả.
        - Tía dậy rồi sao ? – Nó nói, mắt vẫn không mâm trái cây được sắp xếp một cách khéo léo – Con tưởng tía ngủ tới sang năm chớ !
        - Sang năm à ? – Tảo bửng lửng.
       - Sắp giao thừa, bộ tía hổng tính đón năm mới, rước ông bà về ăn Tết sao ?
        
Chậm rãi, tỉnh tuồng, cứ như sự có mặt của nó trong cái ghe hàng rong chật chội, nghèo nàn này là chuyện tất nhiên, chẳng có gì để ông chủ ghe phải bận lòng. Tảo ráng bắt chước sự tỉnh tuồng của nó :
        - Con đến lúc nào vậy ? Sao biết tía ở đây mà...
        Bưng mâm trái cây đặt lên cái trang thờ cũ kỹ, ám khói lưu cửu treo bên mui, đoạn Hạnh ngồi bó gối, ngó mông lên bầu trời cuối năm đầy sao.
        - Má nói ngày xửa ngày xưa má và tía đã tắm chung ở dòng kinh này không biết là bao nhiêu lần.
        - Ờ !
        - Ông Năm Thầy Lang còn ở đây không tía ?
        - Không, ổng dọn nhà ra chợ Thới Lai rồi.
        - Cái Nông trại má hay nhắc kể cũng biến luôn sao ?
        - Biến, giờ đất này thuộc Viện Lúa đồng bằng...
        - Sao tía còn quay về làm gì ?
        - Ờ thì...Còn con sao lại...
        
Con Hạnh quay lại, mỉm cười, nhìn xoáy vào mắt người đàn ông cách đây chưa lâu bỗng hóa ra là...tía nó.
        - Ngộ lắm, tía ! Không biết nghĩ thế nào mà bây giờ má hổng còn giấu tông tích những ông cha của mấy chị em con nữa. Bốn đứa em con đã được giao tận nơi, còn má ăn Tết với cô Út Chiến trên bắc Cần Thơ, hẹn tới mồng hai tất cả cùng quay về nhà ăn Tết tiếp.
        - Quay về ? Cả mấy ông chồng hờ của má mày, và tía luôn sao ?
        - Má nói chỉ tụi con quay về, còn các ông không được bước qua cửa, ai cãi lời, léng phéng là má...chém!
        
Tảo cười, con nhỏ không cười, đăm đăm nhìn tía nó. Ngọn gió cuối năm luồn qua lòng ghe hẹp thổi theo vào ít ánh sao khiến ho cảm thấy lạnh người đàn ông sông nước ôm con nhỏ vào lòng, miệng mỉm cười mà ngấn lệ.

        
MƯỜNG MÁN

2 comments: