Pages

Sunday, December 17, 2023

Mùa Cuối Năm...- Phan


Mùa lễ cuối năm ở Mỹ là mùa sum vầy, ai rồi cũng nhớ nhà, người thân vào mùa lễ cuối năm đã về, ai cũng muốn trở về, gặp lại người xưa chốn cũ nên gọi là mùa sum vầy cũng không có gì là quá đáng, nhưng không phải ai cũng có một nơi để về trong trời đất bao la chỗ đến, nhưng về đâu là câu hỏi muôn đời của kiếp nhân sinh.


     Cuối năm, ngồi nghe những tàn phai từ tiếng lá rơi bên thềm, con chim lạc đường bay trong trời tối sớm thống thiết tiếng kêu. Những sự ra đi cuối tháng mười một năm nay cũng không khác gì những sự ra đi cuối tháng mười một năm ngoái, năm trước nữa vì trong sự sum vầy nào cũng sẵn mầm ra đi. Nhưng có những sự ra đi làm người ta tiếc nuối như hôm 24 tháng 11, truyền thông đưa tin thầy Tuệ Sỹ viên tịch lan truyền trên mạng. Sau phút bàng hoàng tiếp nhận hung tin về sự ra đi của người tôi kính ngưỡng từ khi còn đi học. Nhưng bình tĩnh lại tôi thấy mừng cho “cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương” đã được giải thoát. Chẳng phải thầy đã sống một đời như cọng lau gầy trĩu nặng bóng tà dương với thân thế người ở lại trong bàn tay bạo chúa, trong bối cảnh lịch sử đất nước chiến tranh tàn khốc nhưng hoà bình mù loà, mù loà tới tuyên án tử hình cho thầy thì không có sự mù loà nào hơn cho nhà cầm quyền bên thắng cuộc.

    Chúc thầy thượng lộ bình an, kẻ hậu bối được tiếp kiến thầy đôi lần trong cõi ta bà Sài gòn sau miền nam thất thủ chỉ là tên học trò không sách vở cầm tay nhưng có duyên với những tiền bối vang danh một thời. Nhờ đạp xe chở ông cố nội Bùi Giáng về chùa Già Lam mà thành cơ duyên được bái kiến thầy Tuệ Sỹ. Tôi đọc rất nhiều những thi văn của thầy bởi lòng kính trọng sự uyên bác và nhân cách cọng lau gầy trong bàn tay bạo chúa của thầy. Tôi cảm thấy trên mặt đất chúng ta hằng sống có một thế giới khác là thế giới của những người uyên bác. Họ không quan tâm đến những gì người thường chúng ta quan tâm, họ không có nhu cầu đời sống vì họ không sống với những nhu cầu như người thường. Hèn gì giáo sư Phạm Công Thiện từng viết trong tác phẩm “nẻo về của ý” của ông có câu, “tập sống với những gì không có, tập làm quen với những vết hoen ố trên tường…” Có lẽ ông đã sống như thế nên mới hiểu được văn thơ, chữ nghĩa, tinh thần, nhân cách… của thầy Tuệ Sỹ.

    Tạ ơn cả hai tiền bối đã khai thị, khai trí cho vãn sanh, hậu bối.

    Tiếp theo là lời phân ưu của Đức Đạt Lai Lạt Ma với người Việt Nam về sự ra đi, viên tịch của thầy Tuệ Sỹ. Nhìn ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma ôm di ảnh thầy Tuệ Sỹ áp vào ngực ngài là minh chứng cho thầy Tuệ Sỹ khi sinh ra chỉ mình thầy khóc còn mọi người cười, nhưng khi thầy mất đi, thầy viên tịch thì chỉ mình thầy cười còn mọi người khóc. Cuộc đời thầy viết nên trang sử đặc biệt trong lịch sử nước nhà, bất chấp quan điểm nhất thời vì dân mới là vạn đại.

    Cùng đọc lại bài thơ “tôi vẫn đợi” như nén hương lòng tưởng nhớ Trưởng lão Hoà thượng Tuệ Sỹ vừa viên tịch ở quê nhà…

 

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều

(Sài gòn 78)
Nguồn: Tuệ Sỹ, Giấc mơ Trường Sơn, An Tiêm xuất bản, California, 2002.

 

Tháng mười một sum vầy trong sẵn mầm chia xa, ngày 28 tháng 11 năm nay. Một cây cổ thụ trong giới tinh hoa Việt nam cũng vừa bật gốc. Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã ra đi êm đềm như em đến thăm anh đêm ba mươi/ còn đêm nào đẹp bằng đêm ba mươi/ anh nói với người phu quét đường/ xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em… Mấy câu thơ, lời nhạc trích là ông, ông là mấy câu thơ, lời nhạc trích bất hủ đó. Trùng trùng kỷ niệm về ông qua những lần ông về Dallas để làm những đêm đọc thơ và nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn. Một tiền bối khiêm tốn, bình dị nhưng đi vào lòng người như giọng đọc của ông trên đài phát thanh xưa, như quan tâm của ông tới bằng hữu đồng đạo và hậu bối ngưỡng mộ ông.

    Ông đi rồi nhưng hương thơm ly cà phê sáng, vị tô bún bò huế ở Dallas được thưởng thức cùng ông đọng lại, còn mãi trong lòng ngưỡng mộ những cư dân thành Đà. Nhớ ông rất tâm đầu ý hợp với bác Hai Trầu (tức nhà văn Lương Thư Trung). Hai lão tiền bối gặp nhau là thiên thu truyền kỳ truyện. Hậu bối, vãn bối ngồi nghe thâu đêm ở nhà Đinh Yên Thảo thành Đà tới trăng lên trăng lặn trăng tà. Ông với nhà thơ ở cạnh nhà thờ Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Tô Thùy Yên khi gặp nhau cũng là tam hợp. Người đời sau hiểu ra, khám phá nhiều lịch sử không có trong sách giáo khoa.

    Tạ ơn ông đã để lại cho đời “áo mơ phai” bất hủ và bất tử, những lời thơ, lời nhạc trong sáng, nhẹ nhàng mà lắng đọng biết bao nhiêu đường trần ai có qua cầu mới hay. Nhưng cái hay của riêng ông là bình thản trước lịch sử, cường quyền, tù ngục… người nghệ sĩ có trái tim tha thứ để yêu thương cả những đáng ghét trong cuộc đời này.

    Buồn. không nói khác được với tin ông ra đi. Nhưng ông đã có một nơi để về từ khi còn sinh tiền là tấm lòng đại lượng, sự tinh tế của người làm nghệ thuật chân chính nên tạo nên được những tác phẩm văn học, thơ ca, âm nhạc tuyệt vời như một đóng góp vào văn minh nhân loại.

    Chúc ngài thượng lộ bình an tới nơi về là cõi vĩnh hằng, không ai bỏ tù người nghệ sĩ chân chính nữa. Mong sự tinh tế trong chữ nghĩa của ngài không thuộc hành lý mang đi cho chữ nghĩa đời sau bớt u ám như bây giờ.

    Tháng mười một kết thúc với sự ra đi của một nhân vật mang tầm lịch sử thế giới là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Đâu hồi hè, tôi thoáng thấy ông trên tivi, ngồi với ông Tập Cận Bình bên Trung Cộng. Hai điều không ngờ ập đến trong tôi. Ủa, ông ấy còn sống hả ta? Và, ông ấy còn đến Trung Cộng để làm gì? Nhưng không quan tâm nên tôi không xem chuyện gì đã và đang xảy ra với chuyến thăm Trung Cộng của ông Kissinger vào tháng bảy vừa qua.

     Hôm 29 tháng 11, truyền thông đưa tin ông Kissinger qua đời ở tuổi 100. Ông trở thành bằng chứng có sống thọ đến trăm tuổi thì cũng ra đi thôi. Nên vấn đề còn lại của đời người là những gì đã làm được khi sinh tiền. Ông không ngẫu nhiên trở thành cố vấn chính phủ Mỹ, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Hoa kỳ thời tổng thống thứ 37 Richard Nixon. Nghĩa là ông có thực tài thì mới được đề cử vào hai chức vụ quan trọng ấy. Với thế giới, ông được công nhận là nhà ngoại giao số một thời bấy giờ sau công vụ kết nối với Trung cộng. Đọc lại lịch sử thế giới thời bấy giờ rõ là thế giới rơi vào thế chân vạc giữa Hoa kỳ, Liên Xô, Trung cộng. Ông đi đêm với thủ tướng Chu Ân Lai của Trung cộng lúc bấy giờ để thu xếp chuyến thăm đầu tiên của tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh sau thế chiến II. Bức ảnh nồi tiếng trình làng trên mặt báo thế giới là hình ảnh ông Nixon cầm lon Coca-cola trên Vạn lý trường thành. (Chắc là ảnh thật vì thời đó chưa có photoshop).

    Ai rảnh cứ tìm đọc trên Google bây giờ có rất nhiều thông tin về nhân vật lịch sử thế giới này. Nhưng với riêng miền nam nước Việt thì ông là tên đồng minh phản bội. Ông bán đứng miền nam cho cộng sản bắc Việt, cho Trung cộng để đổi lấy những lợi ích của Hoa Kỳ bên Trung Đông, cụ thể ở Do Thái. Đó là lý do người Việt không ưa ông. Lý do Hoa Kỳ đưa ra là ông bắt tay với Trung Cộng để đối phó Nga trong thế tay ba mà Trung Cộng ngả về phe Hoa kỳ thì Liên Xô đơn độc. Lúc đó hai đánh một không chột cũng què…

    Thôi thì lịch sử thế giới còn biết bao nhiêu trang chưa được giải mật và biết bao nhiêu trang sẽ không bao giờ được giải mật. Chỉ biết một con người đi vào lịch sử thế giới với đánh giá chung là người lỗi lạc thì hẳn là ông tài giỏi. Với Việt Nam, ông có là người có tài nhưng không có đức là người vô dụng như sách giáo khoa tôi học hồi nhỏ thì ông cũng là Kissinger - người hùng của Hoa Kỳ, kỳ tài của ngành ngoại giao quốc tế. Cuộc đời ông khép lại như bao cuộc đời người khác, ông là vĩ nhân hay tội đồ phản bội đồng minh thì bàn cờ Việt Nam cũng đã ngã ngũ nửa thế kỷ qua rồi. Xin để ông cho lịch sử phán xét, tiểu nhân không muốn lạm bàn.

 

– phan

No comments:

Post a Comment