Pages

Monday, December 25, 2023

Mùa Noel Sau Cùng - Long Vân Tự


Noel – Christmas season – mùa Giáng sinh lại về trên toàn thế giới; mang đến cho nhân loại niềm hân hoan, điều hy vọng sau một năm làm lụng, vui chơi và kết tình thân ái để đón một năm mới với niềm tin mới và yêu thương mới. Mỗi mùa Giáng sinh luôn là như thế.

Riêng tôi, cũng như các đồng niên từng sống và hưởng những mùa Noel đẹp đẽ tại Sài Gòn trước 1975 đều không thể quên những giây phút tuyệt vời của “đêm Thánh vô cùng”; cũng như những thất vọng buồn chán của những mùa Noel sau 1975 cho đến bây giờ và không biết đến bao giờ…

Hồi đó, năm 1974, tụi tôi là những học sinh lớp 8, 9 của trường dòng khá nổi tiếng ở Sài Gòn: Lasan Taberd – ngôi trường vừa kỷ niệm 100 năm thành lập rất “xôm tụ” và “hoành tráng”. Từ đầu tháng 12, tiết trời se se lạnh mỗi buổi sáng đi học, một không khí náo nức đón chào Noel lan tỏa toàn Sài Gòn, đặc biệt ở khu vực gần trường Taberd, Nhà thờ Ðức Bà và Bưu điện Sài Gòn.

Một ngôi sao lớn, bên trong có đèn néon để thắp sáng vào buổi tối,  được đặt vào đỉnh tháp mặt trước của nhà thờ, hướng về tượng Ðức Mẹ Maria, nhìn ra đường Tự Do (nay là Ðồng Khởi); với những dây kim tuyến lấp lánh giăng đều ra năm góc. Và, một “băng-đơ-rôn” lớn bên dưới ngôi sao với hàng chữ to:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Không chỉ khu vực trung tâm, mà tất cả các nơi trong Sài Gòn, đặc biệt là các nhà thờ, trường học do các Cha hoặc các Sơ (soeurs) quản lý điều hành đều sắm sửa, trang trí thích hợp cho mùa lễ hội. Sài Gòn hình như mới hơn, tươi hơn bởi không khí và cảnh quan của mùa kỷ niệm Chúa ra đời. Người Sài Gòn, nam nữ già trẻ, nhân dịp này sắm sửa và “lên” đồ để đi chơi Noel và cả Tết Tây, Tết Ta liền theo… Những buổi tối gần đến Noel, xe cộ nườm nượp, phố xá đông vui, kẻ mua người bán, không khí hân hoan (đúng nghĩa “Merry”) tràn ngập Sài Gòn.

Trường Taberd tụi tôi, cũng như các trường khác, ngoài việc trang hoàng lễ hội, còn thi làm hang đá, thể thao, ca nhạc, vẽ tranh, làm báo tường… Thiệt là vui!

Lớp tụi tôi quyết đoạt giải làm hang đá nên cố gắng làm cho giống hang Bê-lem, nơi Chúa hài đồng ra đời. Chúng tôi kiếm nhiều bao xi măng, dán lại bằng keo, xịt sơn pha loãng cho cứng chắc sau khi tạo hình lồi lõm giống như cái hang trong hốc núi. Tạo hình xong, xịt mực lốm đốm bên ngoài để tạo rêu phong. Chúng tôi góp tiền mua các tượng Chúa hài đồng, Ðức Mẹ, Thánh Giu-se, các mục đồng, con bò, con lừa… đặt vào từng vị trí trong hang đá sao cho thẩm mỹ và sinh động. Thằng Thái “mén” đi qua đi lại, miệng méo méo mím mím như là suy nghĩ dữ lắm. Nó hết đổi vị trí các tượng qua phía này, phía nọ rồi đặt lại chỗ cũ. Thằng Nam “Hai lúa” thì chắp tay sau đít đi vòng quanh (không nhớ nó đã đi mấy chục vòng) gật gù ra vẻ “commander”. Thằng Dũng “chủ nhà” thì tiếp nước với lương thực cho tụi tôi…

Hơn chục đứa, mỗi buổi chiều đến nhà thằng Dũng, nhà nó rộng rãi, hì hục làm, sửa rồi làm lại; cho đến khi tất cả vừa ý mới đem nộp dự thi. Má Dũng làm cơm chiều rất ngon cho tất cả. Ba Dũng lấy xe pick-up chở hang đá đến trường nộp.

Trời không phụ lòng đám “quậy tưng” tụi tôi. Ngay khi nộp dự thi, tụi tôi biết thế nào cũng có giải thưởng vì hang đá tụi tôi làm “bự” nhứt, nhưng không biết giải 1, 2 hay 3 do không biết các hang đá khác có đẹp hơn của mình hay không.

Buổi sáng ngày 24 tháng 12 năm đó; cuối giờ học, tiếng loa giữa sân trường loan báo kết quả dự thi: lớp tụi tôi đoạt giải nhất làm hang Bê-lem với số tiền thưởng là 500 đồng cùng với một đống sách vở, truyện tranh thiếu nhi mới tinh. Cả bọn tụi tôi hò hét vang trời rồi đi một vòng xem các “tác phẩm” dự thi khác. Ðèn chiếu soi lên dây kim tuyến lấp lánh, cả đám mới thấy “công trình” của mình đúng là “đẹp nhất” trong nhóm “không tệ” còn lại. Cả bọn ngất ngây niềm vui, kéo ra ngoài cổng trường, “dứt” mỗi đứa một dĩa gỏi khô bò và một ly chè đậu đỏ. Thằng Dũng còn mời tất cả tối đến nhà nó ăn “rề-vây-dông”. Trời, quá vui!

Tuổi thiếu niên chúng tôi như vậy đó: vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa học; đâu có ngờ rằng đó là năm sau cùng tụi mình được “chơi” Noel! Ai đâu biết 30 tháng 4 năm 1975 tới, mỗi người một nẻo cho đến tận bây giờ! Còn đâu thinh âm vang vọng của bài hát:

Silent night, holy night. All is calm, all is bright; ‘Round yon virgin Mother and Child; Holy infant so tender and mild; Sleep in heavenly peace; Sleep in heavenly peace…

Ðêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng; Ðất với trời se chữ Ðồng; Ðêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ; Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa; Ơn châu báu không bờ bến; Biết tìm kiếm của chi đền

Những năm sau 1975, chiến tranh với Cam-bốt rồi TC; kinh tế trì trệ, đời sống xuống dốc, chính trị áp chế, hàng triệu người bỏ nước ra đi… Ăn còn chưa đủ thì làm gì có Noel; nhạc hay trước 1975 bị cấm thì ở đâu mà có “đêm Thánh vô cùng”?

Từ đó đến bây giờ, sự hân hoan trong niềm tin và hy vọng của mỗi mùa Giáng sinh không còn nữa. Không còn sự háo hức, vui tươi thật sự trong tâm hồn và tinh thần người dân đón chào Giáng sinh, cho dù những năm gần đây, chính quyền có phần nào cởi mở hơn. Noel Sài Gòn bây giờ chỉ là dịp cho tuổi trẻ “vui chơi nhảy múa” là chính, hoặc là dịp “ăn chơi” mà thôi!

Các bạn đồng niên của tôi khắp các phương trời ơi, tôi “mượn” câu chữ và ý tưởng của “The last Tango” để làm tựa đề bài tùy bút hồi ức này, với nỗi niềm chung của lứa chúng mình: bao giờ có lại mùa Noel – The Real Merry Christmas season – như xưa?

LVT

No comments:

Post a Comment