Pages

Thursday, February 1, 2024

Bánh Chưng Ngày Tết - Chúc Thanh


Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết.

    Bánh chưng hay bánh tét đều giống nhau, bên ngoài gói bằng lá chuối hay lá dong bên trong thân bánh là gạo nếp và đậu xanh nghiền nhuyễn. Giữa bánh là nhân thịt heo xào thơm với hành và tiêu. Nêm nếm vừa ăn.

    Bánh chưng thì vuông, theo truyền thuyết dân gian sơ khởi như là hình thể trái đất. Bánh tét làm y hệt bánh chưng, mà làm thành hình ống, dài, là nghe đồn rằng khi xưa vua Quang Trung rong ruổi quân binh từ đàng trong ra đàng ngoài đại phá quân Thanh, nhu yếu phẩm, binh lương là những đòn bánh tét, ngon, gọn, dễ mang, dễ ăn cho việc hành quân. Vậy bánh tét, coi như món ăn nuôi quân, mang tính cách lịch sử ít nhiều trong trận đánh thần tốc, đại chiến, đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu, 1789.

    Người Việt Nam, ngày Tết, nhà ai cũng có bánh chưng, bánh tét, vừa để cúng, để trưng và để ăn Tết… Tết mà thiếu bánh chưng coi như thiếu thốn lắm. Thiếu cái hồn của Tết. Ngày còn ở quê hương, mỗi gia đình có tập tục hay tự gói bánh chưng, tuy công việc làm bánh có vất vả lích kích, nhưng mà chuẩn bị gói bánh nấu bánh rất vui, rất Tết. Đêm 28, 29 hay 30 Tết mà cả gia đình ngồi quây quần quanh nồi nấu bánh chưng thì còn gì ấm cúng và hạnh phúc hơn. Mọi tâm sự vui buồn, mọi hàn huyên ấm lạnh quanh bếp lửa đêm cuối năm là không bao giờ và không ai có thể quên. Mỗi người Việt Nam nào, đoan chắc, cũng ôm ấp ít nhiều kỷ niệm nấu bánh chưng ăn Tết. Bếp lửa cuối năm.

    Ông nội tôi cũng là một ông lão có tài gói bánh chưng rất khéo, rất vuông vắn, khít khao, góc vuông góc, cạnh ra cạnh. Ông cứ kể nhiều lần rằng trong những năm 1945-1946, giặc Tây lên càn quét làng quê vào mỗi dịp Tết, trước khi chạy giặc, ông còn dịp dìm một số bánh tét xuống ao trong mấy ngày, vậy mà cả mười ngày sau, trở về, vớt bánh lên ăn, bánh bóc ra vẫn thơm ngon.

    Rồi năm năm tháng tháng qua đi. Khi Việt Cộng lấn chiếm Miền Nam năm 1975, thì nội tôi đã già yếu, mà không hiểu sao, một năm sau đó, vào dịp Tết năm 1977 ông cụ cứ nhất định đòi Tết Tân Tỵ này, ông phải gói bánh chưng một lần nữa, có thể ông đinh ninh đó là lần cuối cùng.

    Từ 2, 3 tháng trước cuối năm, ông đã nhờ chị em và các cô chú trong nhà đi bòn mót mua lén được 10 kí nếp, 3 kí đậu xanh, thịt ba rọi và hành, tiêu, gần Tết may đã mua được dù khó khăn, ông cứ nói với các cháu có khó khăn ăn mới ngon. Lá chuối thì trong vườn nhà đã có sẵn, có nhiều là khác, vì chuối nhà trồng, cây nhỏ trổ ra rất mau và cho vô số lá. Mọi thứ như ngâm nếp và để ráo nước, đậu nấu chín xay nhừ, thịt làm nhân phải làm sẵn từ hôm 28 Tết. Ngày 29 là ngày quan trọng: gói bánh. Chiều cùng ngày là bánh đã gói xong, mọi thứ lá, dây cột, dao, thớt đã thu cất gọn gàng, đồ thừa đã vất bỏ kín đáo.

    Suốt cả ngày hôm gói bánh, phải đóng cổng vườn kỹ, có lúc đóng cả cửa nhà và lối xuống bếp, chỉ là gói bánh vụng, giấu giếm hàng xóm thì ít, mà để che mắt công an khu vực thì nhiều, nên làm gì, nhất cử nhất động phải nhẹ tay và không nói chuyện, cứ gọi là làm bánh chưng « câm »!

    Khen thay ông nội tôi đã già mà còn làm việc lanh tay lẹ mắt và gọn nhẹ, từ xếp lá ra mâm, đổ gạo, đậu, nhân thịt rồi phủ gạo lớp ngoài, cuốn, bẻ lá, ông cụ khéo tay và làm êm ru, không một tiếng động mạnh, tụi tôi toàn làm thợ vịn và thợ nhòm. Thỉnh thoảng ông ngừng tay gói, sửa, chỉnh vài góc cạnh rồi mỉm cười làm tiếp. Tôi phải nể cái ý chí của cụ già. Cụ già đã 78 tuổi mà gói xong cả chục cái bánh khá nặng và đẹp trong có nửa, hơn nửa ngày trời. Khoảng 6 giờ chiều chạng vạng, thì bánh được xếp ngăn nắp, đều, vô một thùng phi nhôm dầy, đó là nồi nấu bánh, đổ đầy xâm xấp nước qua mặt bánh, nồi tổ chảng đặt trên bếp nấu, sau cửa sau nhà bếp. Bên cạnh lò lửa, có hai ba ấm nước quây quanh lò cho nước luôn luôn nóng, để cứ thấy nồi bánh rút cạn, thì chêm thêm nước sôi vô bánh đang nấu.

    Cả nhà tôi lặng lẽ như đang ăn vụng. Mà chưa ăn đã thấy ngon và vui rồi. Chúng tôi quần tụ quanh nồi bánh của ông nội. Cô chú ba, anh chị em tôi, ba mẹ tôi và hai cháu nhỏ gồm cả thảy 11 người. Mọi người hớn hở và không ai nói với ai điều gì, nhưng chúng tôi đều mừng rỡ khấp khởi trong tâm, vì thấy ông nội vui ra mặt, thỉnh thoảng người xoa xoa tay cười, ông cười với nồi bánh tét đang sôi reo vui, ông cười với đàn con cháu và ông cười hình như cả với khoảng không gian kín đáo đồng hành trong ngách bếp, giữa vườn chuối và một bên là tường gạch xây. Vườn chuối sau hè rậm rạp và kín đáo.

    Khuya khuya thì sợ ông mệt, ba mẹ tôi mời ông đi nằm nghỉ. Ba mẹ tôi sẽ trực tiếp canh lửa cho đều, châm nước thêm cho đủ. Ông dặn là nấu bánh khoảng 12 giờ, tới 6 giờ sáng mai mới vớt bánh ra. Chúng tôi không làm ồn, không nói chuyện, nhưng không đứa nào chịu đi ngủ. Ngồi loay hoay nghịch gạt than củi vun gọn một vòng tròn quanh bếp. Con chó Tô Tô mà cả nhà tôi rất yêu quý, từ sớm tới cuối ngày, dường như cảm thấy cái gì đó long trọng lan truyền, nó cũng im re, cứ lởn vởn sau hè và cửa bếp, đi qua đi lại, nằm nghe ngóng động tĩnh. Ông nội rất quý con Tô, ông xoa đầu nó vuốt ve an ủi: « Tội nghiệp Tô Tô, nhà sắp có bánh ăn Tết mà con thì không ăn được, vì là chó mà ăn nếp là dính răng nằm đầu hè! »

    Hồi tối thì ông nội nói con em út tôi cho chó ăn sớm sớm đi và cho nó kha khá đồ ăn ngon vô, vì là ngày Tết mà. Con út cho chó ăn, vuốt ve một hồi rồi mang xích nó ngoài cây cọc vẫn chăng dây phơi quần áo như thường lệ, cạnh đó là một cây chanh sai trái. Con chó rất thích thú, chờn vờn, chơi giỡn với những quả chanh rụng sớm.

    Buổi tối sâu hơn, lối 8 giờ, chị em tôi ra cài then cổng ngoài, thì bất ngờ gặp ba chú bộ đội đi sát bờ rào, họ thấy tụi tôi thì chạy lại nói hớt hải:

    — Mấy em ơi, cho tụi anh xin một nắm lá chanh!

    Em tôi nhanh ý, chặn họ lại, hỏi bâng quơ xem họ xin lá chanh làm cái giống gì. Còn tôi, tôi lăng xăng cản đường:

    — Chờ đấy, chờ đấy, tôi hái cho ít lá chanh, nhiều hay ít đây?

    — Khoảng một nắm tay con nít nhỏ.

    — Đợi, đợi chút, có ngay.

    Tôi bọc vội nắm lá chanh trong miếng lá chuối, xé lẹ tay, rồi tuồn cho họ qua khe hàng rào, họ cũng vội vã đi ngay, có lẽ do bận rộn Tết nhứt mà. Mọi việc êm đềm trôi qua, rồi bánh chưng trên bếp vẫn reo vui đều đều trên bếp lửa ấm áp, lửa than thêm lửa củi thỉnh thoảng bắn lách tách, gợi nhớ một thời thanh bình pháo nổ xa xưa.

    Đến mờ sáng 30 Tết thì tắt lửa, bánh đã chín. Ba mẹ và chú tôi vớt bánh ra, xếp lên chõng, lấy miếng ván đè phía trên rôi khuân vài cục đá xanh nén cho nước thoát ra. Bất ngờ chú ba tôi từ vườn chuối chạy lẹ vào như bị ma đuổi, trên tay chú còn cầm toòng teng sợi dây cột con Tô Tô.

    — Trời ơi, trời, họ bắt trộm mất con Tô Tô rồi!

    Mọi người ngơ ngẩn nhìn nhau, mẹ tôi nói như phát cáu:

    — Họ họ nào, mấy thằng bộ đội xin lá chanh hồi hôm, chúng trở lại ăn trộm chó, chớ ai vô đây!

    — Giờ mình phải làm sao?

    Làm sao? Hu hu, tội nghiệp con Tô! Cha tôi thành thạo:

    — Mình không bắt quả tang thì làm gì được chúng nó? Chúng nó biết cả đấy, biết hết đó. Lũ tinh ma đó, nó để cho mình làm bánh vụng, rồi nó đến ăn trộm chó!

    Tức thời, cô ba tôi lột vỏ một cái bánh chưng còn nóng hổi, bốc khói hừng hực, cô dang tay đập nguyên cái bánh nóng đánh bốp dính chặt vô cột nhà:

    — Đó đó, con phải đập cái này vô bản mặt cái thằng ăn cắp chó cho nó bể toang cái mặt sát nhân hại vật của nó ra! Tội nghiệp con Tô Tô nhà mình quá!

    Ông nội tôi, chừng đến lượt ông, thức giấc và nghe tỏ mọi việc, thì ông đỏ bừng mặt, rồi rưng rưng hai hàng nước mắt, nước mắt của người già coi thiệt nghẹn ngào.

 

Chúc Thanh

(Paris, mùa Xuân 2024)

No comments:

Post a Comment