Pages

Tuesday, February 20, 2024

Hoàng Hôn Tím - Trần Văn Khang


Cuộc chiến Việt Nam do Cộng Sản Miền Bắc xâm lăng Miền Nam kéo dài cả gần hai thập niên, kết thúc vào 30 tháng 4 năm 1975. Cuộc chiến đã gây ra hàng triệu người tử vong, hàng triệu người bị thương tật, bao nhiêu cảnh điêu tàn và chia ly… Cuộc chiến đã chấm dứt từ nhiều năm, vẫn còn mang lại hệ lụy cho những thế hệ sau, những hậu duệ chưa từng một ngày sống trong cảnh chiến tranh. Truyện ngắn dưới đây là một trong những trạng huống này.

Mới vào Hè, chiều về khi nắng đã nhạt trên những hàng cây, người ta thường thấy cô gái Á Ðông ấy dạo bước một mình trên bờ biển. Cô còn trẻ, khuôn mặt khả ái, thanh tú, vóc dáng đẹp và hiền. Cô đi chân không. Những bước nhẹ trên cát ướt, âm thầm và cô đơn.

Cô lơ đãng nhìn những con hải âu, in dấu chân trên cát nâu. Những vết chân chim mau chóng bị xóa đi mỗi khi sóng tới. Cô nhìn những áng mây trời, nhìn ra biển khơi, rồi lại đưa tầm mắt vào những đợt sóng lớp lớp xô bờ. Những ngọn sóng bạc khi tới bờ cát, tới ghềnh đá, chỉ còn là bọt nước tan mau… Tan mau như cuộc tình mình…


CUỘC TÌNH SINH VIÊN

Khi cha cô đi tù cải tạo, Bích Vân còn trong bụng mẹ. Mẹ mới mang thai cô được vài ba tháng. Cô là con út của gia đình gồm 5 anh chị em. Cô nghe kể lại cả nhà ai cũng tưởng khi cha cô đi trình diện tại trường Gia Long Sài Gòn, sẽ học tập ba ngày rồi trở về. Không ngờ cha cô tù Cải Tạo cả trên mười năm, bị chuyển tới vùng Hoàng Liên Sơn miền Bắc, mùa đông giá lạnh. Nhiều tù nhân đã bỏ mình vì đói rét, tai nạn, lao động kiệt sức, đau ốm không có thuốc men.

Nhưng rồi dịp may đến. Có lẽ người Mỹ còn chút lương tâm hay một nỗi hối hận, đã bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa. Qua Chương Trình HO, cha của Bích Vân và cả gia đình 5 anh chị em được sang Mỹ, định cư tại San Diego khoảng đầu thập niên 90. Bích Vân học khá. Cô tiếp tục đi học. Sau hai năm học tại Mesa Community College, cô được chuyển trường, học tiếp chương trình đại học tại UCSD (University of California San Diego).

Bích Vân không để ý, nhưng một hôm nghe mấy cô bạn sầm sì. Họ nói trong lớp cô học có một “thằng Việt Cộng”. Cô tò mò để ý xem anh chàng ấy mày ngang mũi dọc ra sao. Cô thấy anh ta có dáng thể thao, cao và diện mạo cũng khá. Cô nghe cha kể lại sự ác độc của Việt Cộng, nhất là những ngày ông trong lao tù, cô cứ nghĩ những người thuộc phe này có lẽ phải dữ dằn lắm. Nhưng cô thấy anh sinh viên này cũng không khác gì những bạn sinh viên gốc Việt khác. Anh ta còn “sang trọng” nữa. Ngày ấy là sinh viên, ai có xe hiệu Lexus là khá cao cấp. Anh ta có một xe hiệu này, màu trắng ngà. Ngay cả tiền chi phí cho một chỗ đậu xe trong khuôn viên Đại học cũng không nhỏ.

Thế rồi một buổi trưa, tan giờ học tại giảng đường, Bích Vân đang trên đường đi xuống một dãy bậc thềm để sang Price Center, gần đó có những quán ăn cho sinh viên. Khi gần tới bậc thềm chót, cô hụt bước té ngồi, chồng sách mang trên tay rơi rải rác. Tình cờ “thằng Việt Cộng” đang đi phía sau. Anh ta giúp Bích Vân đứng dậy và giúp thu lượm những sách vở, cùng tập giấy ghi chép bài giảng của cô. Cô bị đau nơi cổ chân trái. Anh tự giới thiệu tên là Thành. Vì mới té ngã, cô đi tập tễnh. Anh cho cô vịn nơi tay và mời cô cùng dùng bữa ăn trưa giản dị tại một quán ăn. Hai người thân quen và dần dà yêu thương nhau từ đó.


HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Bích Vân và Thành cùng tốt nghiệp và có lẽ vì học xuất sắc nên được một Công Ty về Bio Engineering tại San Diego nhận làm việc. Trong một chiều đầy nắng đẹp trên bờ biển La Jolla Shore, dịp Lễ Độc Lập nước Mỹ, ngày 4 tháng 7, Thành ngỏ lời cầu hôn. Bên biển rộng, hai người dừng chân, anh nhẹ nhàng quỳ một gối, tặng nàng chiếc nhẫn đính hôn. Bích Vân cảm động, mi ướt. Nàng hân hoan nhận lời và trao anh một nụ hôn, với tiếng vỗ tay chúc mừng của nhiều người đang trên bãi cát gần đó.

Một hôm anh hỏi nàng sao cha mẹ cô là ông bà Hoàng đặt tên cho cô là Bích Vân. Cô nói khi đó cha đang trong tù cài tạo. Hàng ngày ông nhìn mây bay và mong ước được như mây sớm đưa về với gia đình thân yêu. Không biết bằng cách nào ông nhắn tin khi mẹ sanh con, nếu là con gái thì chọn tên Bích Vân. Nếu sanh con trai, đặt tên Cao Vân. Còn anh sanh tháng 6 năm 75. Cha anh là cán bộ lâu năm, trung kiên phục vụ Đảng và Nhà Nước miền Bắc. Cha anh đã tích cực tham gia cuộc chiến gian lao, nhiều cam khổ. Khi thành công trong cái gọi là giải phóng miền Nam, như để kỷ niệm mừng chiến thắng, cha đã chọn cho anh tên Công Thành, Nguyễn Công Thành.

Từ đó anh nhiều lần đã được Bích Vân giới thiệu với gia đình. Cha mẹ cô mới đầu còn e ngại. Họ nghĩ Thành có lẽ là con một đại gia bên Việt Nam, hay thuộc gia đình có quyền lực của chế độ Cộng Sản. Sau thấy Thành có phong cách tốt, lễ độ trong những dịp gặp gỡ. Lại biết Thành có ý muốn sống tại Hoa Kỳ và cô con gái út đã có cảm tình sâu đậm với cậu trai. Các anh chị em của Bích Vân đều đã có gia đình. Ông bà cũng muốn Bích Vân thành gia thất cho an tâm. Ông bà không can ngăn, không muốn cản trở cuộc tình của cô con gái.

Thành mau chóng lo sắp xếp, ba tháng sau ngày tỏ tình cùng nàng, anh đón cha mẹ từ Hà Nội sang Hoa Kỳ, đến San Diego để ngỏ lời cầu hôn Bích Vân cho anh.


GẶP GỠ: HAI NGƯỜI, HAI BÊN CHIẾN TUYẾN

Vài ngày trước cuộc hẹn, cha mẹ Bích Vân được sự phụ giúp của các con đã chuẩn bị căn nhà nhỏ nhưng khá khang trang, chờ đón tiếp cha mẹ của Thành đến thăm.

Đúng ngày giờ hẹn, nghe tiếng chuông, Bích Vân ra mở cổng mời Thành cùng cha mẹ anh vào nhà. Ông Hoàng, cha của Bích Vân, đứng ngay gần cửa chính căn nhà để tiếp đón. Ông bàng hoàng, sững người, không nói được một lời nào trong vài giây. Người đàn ông, cha của Thành, đứng trước mặt ông là người cán bộ công an, tên quản giáo ngày xưa nơi trại cải tạo Cổng Trời miền Bắc. Bạn tù của ông, lúc vắng mặt hắn, cho hắn cái biệt danh là “Hưng khểnh” hay là “Tư khểnh”. Hồi đó hắn là Thiếu Tá công an, cai quản cả một khu trong trại tù. Hắn vẫn còn nguyên chiếc răng nanh khểnh phía bên phải của hàm trên, hình ảnh khó quên được. Ngày ấy hắn trực tiếp trách nhiệm cái lán của ông và nhiều lán khác nữa. Dù thật bất ngờ và lòng không vui, ông Hoàng vì xã giao, cũng phài mời khách vào nhà. Mặc cho “đối phương” tươi cười, ông chưa có được nụ cười thân thiện trên môi.

Mời khách nước trà, bánh ngọt. Cuộc giao tiếp trang nhã, nhưng không có được sự thân mật như dự đoán. Chắc chắn “Tư khểnh” không nhớ được ông. Ngày ấy hắn trách nhiệm cai quản nhiều tù nhân cải tạo quá. Bây giờ cha Bích Vân không đen đủi, không áo quần rách rưới, không gầy ốm như ngày xưa. Sau tuần trà, hắn mở lời xin kết thân. Bà Hoàng, mẹ Bích Vân, vui vẻ chuyện trò với “bà sui” tương lai. Bà không thể biết nổi cái bất ngờ, cái tâm tư lúc này của người chồng đã từng chịu đựng nhiều gian khổ những ngày tù cải tạo.

Bà Hoàng trong lòng hết sức ngạc nhiên, khi thấy ông chồng tiếp khách phương xa mà không niềm nở, không nồng hậu. Bà còn lấy làm lạ khi ông Hoàng đáp lời xin kết thân từ cha mẹ cua Thành là “để hỏi kỹ” cháu Vân và sẽ phúc đáp sau. Thành cùng cha mẹ anh chào ra về, không có được cái hẹn ngày hai gia đình gặp lại.


HỒI NHỚ NHỮNG NGÀY LAO TÙ

Khách về. Bà Hoàng có ý trách chồng sao từ trước tới giờ, ông là người lịch thiệp, biết xã giao, nói năng với ai cũng thân thiện. Sao dịp quan trọng hôm nay lại lạnh nhạt đến thế. Bích Vân cũng ngạc nhiên và buồn. Cô cũng chưa biết tại sao.

Ông Hoàng từ tốn kể lại cho vợ và các con nghe những ngày ông gian lao khi trong trại tù ở Hoàng Liên Sơn. Ông cho vợ con ông biết là cha của Thành chính là tên Thiếu Tá Hưng công an cộng sản, quản giáo của ông. Cha của Thành ngày ấy đã đối xử rất độc ác với các tù nhân cải tạo. Theo chỉ tiêu, ông và nhiều bạn tù mỗi ngày phải vào rừng, chặt cây vác gỗ đem về. Có lần trên đường, mang một cây gỗ xuống dốc, ông té ngã ở ven đường, may mắn không rơi xuống một sườn núi ngay bên. Lần ấy ông bị sái khớp một cổ tay. Hưng khểnh không tin, lúc ông nói cổ tay đau không chặt cây được nữa. Nhưng khi thấy một cổ tay ông sưng đỏ, hắn xếp ông vào toán chăn nuôi và trồng rau. Hàng ngày ông phải xúc phân, gánh phân đem bón những luống rau do bạn tù trồng để có đủ rau, củ cho trại tù. Hắn biết ông trước là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng một đơn vị Bộ Binh, mấy lần hắn cho gọi ông lên văn phòng cán bộ, khai đi khai lại. Phải kể cả “tội ác” trong những chiến dịch, trong những trận đánh. Khai lý lịch tam đại. Nhiều lần, hắn xem các khai báo của ông, hạch sách đủ điều, khiển trách ông thiếu thành khẩn. Không hiểu sao, hắn biết ông có người anh ruột là Đại Tá Thẩm Phán Tòa Án Quân Sự Ngụy, đã kết án nặng nề những chiến sĩ cách mạng của hắn trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Hắn mai mỉa tên Đại Tá anh của ông đã tẩu thoát hai hôm trước ngày Giải Phóng, và đã ra nước ngoài hưởng “bơ thừa sữa cặn” của giặc Mỹ. Ông không thể chịu đựng thấy hắn bây giờ có con trai du sinh, sang Mỹ học Đại Học, lại đã nhiều lần chở con gái ông đi đây đó với chiếc xe sang trọng! Vết thương tâm lý của ông khó lành. Kỷ niệm buồn đau những ngày gian khổ khó quên!


CUỘC TÌNH KHÔNG THÀNH

Sau hai đêm suy nghĩ ông Hoàng nói với Bích Vân: Ba rất thương con. Ba cũng không ghét gì cậu Thành. Nó không có tội tình gì cả. Nhưng Ba không thể ngồi chung chiếu với cha cậu ta, nói gì làm thông gia. Ông ta là quản giáo trại tù của Ba ngày trước. Ông ấy ác độc, đã hành hạ Ba và các bạn tù rất vô nhân đạo. Ba không thể nào quên được những ngày khổ nhục dưới bàn tay cha của cậu Thành. Ba suy nghĩ, một người cha có tâm địa vô nhân như vậy, không biết cậu Thành có bị ảnh hưởng xấu của cha cậu ta hay không. Con nghĩ xem, bạn đồng ngũ của Ba, bạn tù của Ba, rồi sĩ quan binh sĩ cũ của Ba nữa, nhiều người đang cư ngụ tại San Diego, ở Cali và ở Mỹ này, họ sẽ nghĩ sao khi thấy Ba làm sui gia với tên Quản Giáo nổi tiếng hắc ám ngày xưa. Ở đây, nhiều người cũng quen biết Ba trong Hội Tù nhân Cải Tạo. Ba biết ăn nói làm sao với họ. Các bạn đồng ngũ, bạn cùng trại tù với Ba họ nghĩ sao.

Bích Vân nghe cha nói vậy, cô chỉ biết khóc. Cô biết cha mình không thể nào quên những năm tháng dài khổ ải trong trại tù ngày trước. Cô gặp lại Thành, tâm tình, kể hết chuyện trắc trở với người cô yêu.

Thành cũng tường thuật tình huống éo le với cha mẹ anh. Ông Hưng, cha Thành, tìm cách giải thích với con. Ông nói ở thế hệ của ông thấy đánh Pháp, rồi đánh Mỹ, giành độc lập thống nhất cho Việt Nam là yêu nước. Ông ở trong một môi trường đã được huấn luyện, giảng dạy như vậy từ lúc còn trẻ tuổi. Ông phải theo như “cuốn theo chiều gió”. Nhưng bây giờ ông cũng nói với con đáng lẽ ông nên hành xử nhân đạo hơn khi đã ở bên thắng cuộc.

Thành biết chuyện hôn nhân với Bích Vân khó thành. Sự ngăn cách giữa cha mình và cha người yêu quá lớn. Khó mà “hòa hợp, hòa giải” được. Anh xin đổi đi, làm việc cho một viện Bào Chế tại New Jersey. Đi xa, tìm quên lãng cho một mối tình dang dở.

Bích Vân, như đã kể ở đầu truyện ngắn này, những buổi chiều khi có thời giờ rảnh rang, cô thường một mình đi trên bờ cát bên biển cả, lòng buồn nhớ về cuộc tình ngang trái của mình.


Trần Văn Khang

(Trích tập truyện Hai Bên Chiến Tuyến)

No comments:

Post a Comment