Pages

Friday, April 5, 2024

Hào Nhoáng Đời Tu - Lorenso Hanty Nguyễn Trọng Khải


Sáng nay trên đường đi thăm viếng, tôi có ghé thăm nhà của một em trong nhóm ơn gọi của tôi. Nhà em ở tít trên ruộng, phải lội qua một cánh đồng xa khoảng 2 km mới tới được nhà của em. Căn nhà lá đơn sơ, cũ kỷ, xung quanh là bốn bề ruộng lúa. Em đang chăn vịt ngoài đồng. Thấy tôi đến em hớn hở chạy vô chào rất vui vẻ.

Em tuy ở xa thế, nhưng chưa bao giờ vắng một buổi họp ơn gọi nào. Em luôn có mặt đúng giờ và rất nghiêm túc. Người nhỏ nhắn, đen nhẻm nhưng rất lanh lẹ và có duyên. Em có ước muốn đi tu làm linh mục, vì vậy mà em rất siêng đi Lễ, và thích được giúp lễ.

Sau khi chia tay ra về, em đi theo tôi một đoạn và em hỏi tôi:

“ Thầy ơi nhà con nghèo chắc không đi tu được hả thầy ?”.

Tôi hỏi em: “Sao con lại hỏi thế?”

Em nói rằng: “Mẹ con bảo nhà nghèo hong đi tu làm cha được, vì mẹ con hong có tiền để lo lễ tạ ơn, lo sắm đồ lễ cho con được. Mẹ con nói là làm linh mục tốn tiền nhiều lắm”.

 

Chia tay em mà câu hỏi của em vẫn trong tâm trí tôi, làm cho tôi mãi suy nghĩ, tôi đem vào giờ cầu nguyện tối của tôi. Câu hỏi của em làm cho tôi phải nhìn lại thực tế cuộc sống của những người đi tu như tôi hôm nay. Chúng tôi đã sống thế nào mà để cho người khác có một cái nhìn, cái suy nghĩ như thế.

Xã hội phát triển, con người ta sống trong một xã hội đầy đủ tiện nghi, vật chất. Người tu cũng bị ảnh hưởng bởi cái sự hưởng thụ vật chất, cũng sống xa hoa, cũng có đầy đủ mọi thứ sang trọng có khi là không cần thiết.

Tôi không biết tự bao giờ mà có tục lệ làm lễ tạ ơn sau khi được khấn dòng, được thụ phong linh mục, hoặc là 2,3,4,5…. năm linh mục hay khấn dòng, và Thánh lễ tạ ơn làm rất long trọng, hoành tráng từ vài chục măm đến hơn trăm măm cỗ. Không biết là sau khi khấn xong, hay sau khi làm linh mục thì bản thân người ấy sẽ sống ra sao, làm được gì cho tha nhân, nhưng trước hết là làm cái lễ tạ ơn cho thật to, thật oách cái đã. Mỗi năm đến mùa phong chức hay khấn dòng thì nhiều người cứ phải chạy show đi ăn lễ tạ ơn vì được mời. Lễ tạ ơn nhiều quá, giờ nó không còn gì mới lạ, hấp dẫn  hay ý nghĩa nữa mà đôi khi nó trở nên gánh nặng cho người được mời, cho cả gia đình vì phải gồng gánh tổ chức lễ.


Tôi cũng không biết tự bao giờ mà những đồ dùng trong Thánh Lễ lại có nhiều mẫu mã, nhiều chất liệu, nhiều loại giá cả như hôm nay, chẳng khác gì thời trang ngoài xã hội, kẻ có tiền mua đồ tốt, người ít tiền mua loại rẻ hơn. Đồ lễ cũng thế, cha nào có tiền thì mua loại tốt, cha nào ít tiền thì mua loại rẻ, nhìn vào chén lễ và đồ lễ sẽ thấy đẳng cấp. Có dịp ghé vào nhà sách công giáo, tôi mới thấy đồ lễ có đủ loại giá, từ một triệu cho đến hàng trăm triệu cũng có. Tôi tự hỏi sao Giáo Hội không qui định tất cả mọi thứ chén lễ, hay đồ lễ,…chỉ dùng cùng một loại chất liệu, một loại vải,…tất cả cùng giống nhau, giá cả cũng giống nhau, để linh mục nào cũng giống linh mục nào, không có cha giàu, cha nghèo, cũng không có Nhà Thờ giàu Nhà Thờ nghèo, để không có đẳng cấp, không có sang hèn trong những đồ ‘thánh’ này. Và để cho mọi người ý thức rằng Chúa mới là chính chứ không phải là những đồ vật đấy là chính.

Nhìn vào thực tế người tu hôm nay chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh những người tu ‘đẳng cấp’ ‘sang chảnh’ nơi quần áo, đồ dùng mà họ có. Biết bao người tu đã chạy theo cái hào nhoáng bên ngoài ấy để rồi đánh mất cái căn tính của người tu đó là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu - một Giêsu nghèo khó, nhưng người tu hôm nay lại ‘khó mà nghèo’.


Có một thầy phó tế nọ chuẩn bị cho ngày lễ tạ ơn sau khi được thụ phong linh mục rất hoành tráng. Thầy mua chén thánh tám mươi triệu, và mỗi áo lễ là khoảng bảy triệu một cái. Thầy con yêu cầu gia đình là phải gắn máy lạnh tất cả các phòng ngủ để đón khách đến vào ngày lễ tạ ơn. Cha mẹ chỉ là nông dân bình thường thôi, họ phải gồng gánh để chuẩn bị lo cho thánh lễ tạ ơn của con trai mình theo như ý nó muốn. Gia đình chắc phải chuẩn bị hàng tỉ đồng để lo cho cái ngày con trai mình bước lên bàn thánh. Rồi sau ngày lễ tạ ơn ấy, người linh mục này sẽ thế nào? Tôi không biết Chúa ở trong chén thánh tám mươi triệu có khác với Chúa ở trong chén thánh vài ba triệu không? Linh mục mặc áo lễ bảy, tám triệu làm lễ có sốt sáng hơn linh mục mặc áo chỉ một hai triệu hay không? Hay người ta chỉ ngắm nhìn cái chén, trầm trồ vì cái chén đẹp mà chẳng thấy Chúa ở đâu trong cái chén ấy. Và người ta chỉ lo ngắm cái áo của vị linh mục, mà chẳng có chú tâm đến Chúa ở trong vị linh mục ấy.

Người  thầy  tu và nữ tu ngày nay cũng thế, bị cuốn hút vào xã hội vật chất này. Nhiều thầy  tu và nữ tu cũng làm lễ tạ ơn thật hoành tráng sau khi tuyên khấn lần đầu, trọn đời, hoặc kỷ niệm 25 năm, 50 năm. Người nữ tu ấy cũng chẳng thiếu thứ gì, thứ gì cũng đắc tiền, cũng sang chảnh mới chịu. Ngày nay chúng ta không khó để nhìn thấy những nữ tu giàu có, sang chảnh, sành điệu…

Và bản thân tôi người  thầy tu và nữ tu cũng bị vật chất lôi cuốn, khi mà tôi cũng chọn cho mình loại vải thật đẹp, đắc tiền để may những bộ tu phục. Tôi cũng thích khoác lên mình những thứ đắc tiền để thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu,…theo thói đời. Người ta không còn thấy Chúa ở nơi tôi mà chỉ thấy một nữ tu ‘sành điệu’ ‘sang chảnh’ và giàu có, cái nét đơn sơ, giản dị, nghèo khó của một người nữ tu thực sự không còn ở nơi tôi nữa.


Vì cách sống của chúng tôi như thế thì làm sao mà người ta không khỏi thắc mắc như cậu bé kia đã hỏi “ nghèo có đi tu được không?”. Nếu người tu cứ sống như chúng tôi đang sống trong xã hội này, cứ hưởng thụ, cứ tiêu xài,…cứ tổ chức hết lễ tạ ơn này đến tạ ơn khác, thì thử hỏi làm sao người ta không nghĩ rằng ‘nghèo sao đi tu được’, làm gì có tiền để lo được như thế.

Người tu dần mất đi chất lượng bên trong vì quá tập trung vào cái hào nhoáng bên ngoài, và cũng vì thế mà ngày nay có biết bao nhiêu scandal của người tu hàng ngày xảy ra. Người tu kém chất lượng, kém giá trị làm cho người khác mất dần sự tín nhiệm, sự trân trọng, và sự tin tưởng vào người tu nữa. Người tu thay vì làm gương sáng thì đã trở nên gương mù cho tha nhân.

Nhìn lại bản thân tôi là một người tu trong thời hiện đại này, tôi thấy chúng tôi đã bị nhiễm quá nhiều tinh thần thế gian, tinh thần hưởng thụ, thích cái hào nhoáng, tìm kiếm hư danh. Chúng tôi đã đi lạc xa con đường của Chúa. Xin tha thứ cho chúng tôi, xin cầu nguyện cho chúng tôi thật nhiều để mỗi người chúng tôi biết nhận ra mà quay trở về con đường khiêm nhu của Chúa. Xin lỗi vì đã làm cho mọi người thấy hình ảnh méo mó của Chúa, đã làm cho mọi người hiểu sai về đời tu qua cách sống của chúng tôi.


Xin lỗi cậu bé vì đã làm cho con thất vọng và mặc cảm khi nghĩ rằng ‘nghèo không đi tu được’. Con à nghèo hay giàu đều có thể đi tu, vì đó là ơn gọi do Chúa ban cho chúng ta. Con hãy kiên trì cầu nguyện và tiếp tục tham gia sinh hoạt cùng nhóm ơn gọi nhé. Thầy cầu nguyện cho con và sẽ luôn đồng hành cùng con. Xin Chúa chọn gọi và nâng đỡ con trong mọi ngày đời của con.

 

LORENSO HANTY NGUYỄN TRỌNG KHẢI

1 comment:

  1. Lời nguyện cầu của người khác không giúp cho ta được nhiều sự thay đổi bằng chính ý thức và sự cố gắng của chính mình .
    Trái mướp đắng dẫu được nhúng vào nước Thánh vẫn không thể làm thay đổi chất đắng cố hữu của nó . Trừ phi nó chấp nhận sự " Vắt Bỏ " chính nó
    Và , bản chất của đời sống tu trì là Khó Nghèo , Vâng phục .
    Nên điều cần thiết là phải loại bỏ những hào nhoáng , xa hoa để có thể nhìn ra được CHÚA đang hiện trong những con người nghèo khó chung quanh .
    Cửa Thiên Đàng vô cùng chật hẹp cho những kẻ mang vác cồng kềnh

    ReplyDelete