Pages

Monday, April 29, 2024

Ngày Thống Nhất Hay Chia Rẽ?

 

Từ ngày 30/04/1975 đất nước tuy thống nhất về địa lý nhưng lại bắt đầu sự chia rẽ mới trong lòng dân tộc với "hàng triệu người vui và hàng triệu người buồn" - theo lời ông Võ Văn Kiệt. Hàng năm báo chí loa đài rầm rộ ca ngợi ngày "giải phóng miền Nam" và "chiến thắng đế quốc Mỹ" nhưng đối với nhiều người miền Nam đây là ngày "quốc hận" hay "tháng tư đen".

Cách tuyên truyền ấu trĩ cực đoan của cả hai phía do ngộ nhận lịch sử cần thay đổi khi Internet tạo điều kiện cho chúng ta tìm hiểu thông tin đa chiều. Nếu chú phỉnh muốn khoe khoang thành tích "chiến thắng đế quốc Mỹ" thì nên kỷ niệm Hiệp định Paris được ký ngày 27/01/1973 sẽ hợp lý hơn. Hiệp định này thỏa thuận việc quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, chậm nhất đến cuối tháng 3 năm 1973. Trớ trêu thay đến bây giờ báo chí vẫn luôn bi bô về ngày "giải phóng miền Nam". Thời khắc lịch sử đó không những trở thành cơn ác mộng kinh hoàng với nhiều người bên kia chiến tuyến mà còn gây cú sốc về vật chất và tinh thần đối với rất nhiều quân nhân miền Bắc vốn bị tẩy não bởi báo đài quốc doanh. Có chăng đó là ngày giải phóng ... mặt bằng khi "tiến về Sài gòn ta chiếm nhà mặt tiền" như mình và mấy cậu bạn nhỏ cùng phố ngày xưa vẫn nghêu ngao chế lời mỗi khi nghe tiếng nhạc bi hùng nổi lên. 


Những người dân Việt nam Cộng hòa đang quen ăn sung mặc sướng, được tự do báo chí, hội họp và biểu tình sau một đêm bỗng rơi vào cảnh túng quẫn, ăn bo bo, con trai tóc dài bị lôi ra cắt, con gái quần loe cũng bị xén ống, bị tịch thu tài sản, đi kinh tế mới hay "học tập cải tạo" vvv... Những chính sách ngăn sông cấm chợ buộc người dân muốn đi từ vùng này sang vùng khác cũng phải xin giấy phép. Hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi vì đói khổ và bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Sự thống nhất bằng vũ lực chẳng có gì đáng vui mừng thậm chí tự hào cả. Sau Hiệp định Paris khi quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút khỏi miền Nam, những người Cộng sản và các phe phái trong chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam nếu được lòng dân có thể tham gia tranh cử tự do để giành chiến thắng trong hòa bình. Vậy tại sao Bắc Việt với ưu thế về chính trị và ngoại giao lại không nhân cơ hội này để phô trương thanh thế của đảng cộng sản và công khai tham gia bầu cử ở miền Nam?

Tính theo nhân khẩu lúc bấy giờ thì miền Bắc có khoảng 30 triệu người trong khi toàn bộ dân số miền Nam khoảng 19 triệu. Trong số đó đến 60% diện tích và dân số ở các vùng nông thôn miền Nam từ năm 1965 đã thuộc sự quản lý của chính phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt nam mà tiền thân là "Mặt trận giải phóng". Bộ đội chủ lực miền Bắc kết hợp với quân Mặt trận thành lực lượng áp đảo dùng xe tăng với vũ khí viện trợ của Liên xô và Trung quốc để chiếm nốt phần lãnh thổ ít ỏi còn sót lại của Việt nam Cộng hòa, ỷ đông hiếp yếu. Như vậy đâu có gì là vẻ vang mà chính quyền và truyền thông phải xoắn. Đã thế còn bày đặt diễu binh, diễu hành với cờ hoa và biểu ngữ lòe loẹt phản cảm, gân cổ hát hò hô khẩu hiệu ầm ĩ trước bao đau thương ly tán mất mát của bao nạn nhân vô tội ở cả hai phía.

Hãy xem nước Đức đã thống nhất trong hòa bình ra sao ta sẽ thấy cái giá phải trả cho cuộc chiến đau thương do những sai lầm của các nhà lãnh đạo Việt nam ở cả 2 miền gây ra khủng khiếp chừng nào.

Trước khi bức tường thành Berlin sụp đổ có hơn 340 ngàn lính Liên xô cùng hơn 200 ngàn nhân viên dân sự và thân nhân của họ đóng ở Cộng hòa Dân chủ Đức, chiếm đến 4,5% dân số của Đông Đức lúc bấy giờ. Ngay Tây Đức cũng chịu sự chiếm đóng của Mỹ và NATO với lực lượng thường trực lên tới 400 ngàn quân. Bằng khả năng tự cường về kinh tế khoa học và công nghệ hai nửa nước Đức đã cạnh tranh tự do nhưng phần phía Tây đã phát triển vượt trội hơn với sự giúp đỡ của Mỹ và nhờ vào tính ưu Việt của thể chế tự do dân chủ.

Nước Đức tuy bại trận sau thế chiến thứ hai và bị chia cắt nhưng đã phục hồi bằng kinh tế cùng những cải cách xã hội. Kết quả họ đã giành chiến thắng oanh liệt trước các đối thủ cũ bằng tri thức và tài ngoại giao khôn khéo buộc các cường quốc chiếm đóng là Liên xô và Anh Pháp phải lặng lẽ rút quân.

Ngày 03/10/1990 nước Đức thống nhất mở ra một trang sử mới kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh kéo theo sự tan rã của khối XHCN Đông Âu. Đức và Pháp trở thành trụ cột thúc đẩy việc mở rộng phát triển hợp tác trong khối EU. Người dân và các quan chức Đông Đức cũ - trừ một số nhân viên mật vụ (Stasi) - không phải đi học tập cải tạo và cũng chẳng cần phải vượt biên tị nạn. Sau khi bức tường ngăn cách bị xóa bỏ, những người dân Đông Đức tự do sang bên Tây để tìm kiếm những công việc lương cao và cuộc sống thanh bình. Vào dịp kỷ niệm thống nhất hàng năm, dân Đức chẳng thèm khoe khoang thành tích đuổi Liên xô và thắng Anh với Pháp (về kinh tế). Họ không ngạo nghễ ca tụng tài lãnh đạo sáng suốt của đảng Thiên Chúa giáo, cũng đếch cần nghêu ngao điệp khúc "Như có bác Kohl trong ngày vui đại thắng" (*)


Sau ngày 30.04.1975 Việt nam tiếp tục đường lối sai lầm về chính trị và kinh tế XHCN của Liên xô khiến người dân phải gánh chịu thêm 15 năm gian khó qua những thời kỳ hợp tác xã, cải tạo công thương, bao cấp rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua tuy đã cải cách và đạt được một số bước tiến nhất định về kinh tế nhưng đất nước vẫn trì trệ lạc hậu bởi bao bất công xã hội, nhân cách méo mó khi người dân phải uốn mình trong những chiếc cũi về tư tưởng do nhà cầm đồ ban phát.

Khi thế giới đang tìm cách phát triển trí tuệ nhân tạo và xe tự hành thì chú phỉnh và tuyên giáo vẫn nặn ra một đội ngũ AI chạy bằng cơm với biệt danh AK47 để tiếp tục chia rẽ dân tộc, khoét sâu lòng thù hận trong quá khứ. Đám này chỉ biết phá làng phá xóm luôn quy chụp những người có ý kiến trái chiều là 3///, phản động, đu càng, khát nước vvv... Đã đến lúc Việt nam cần cải tổ hệ thống tuyên giáo, phá bỏ những chiếc cũi về tư tưởng để người Việt tự do suy nghĩ và hành động trên tinh thần dân chủ. Chúng ta cần chấp nhận và tôn trọng những tư tưởng khác biệt, học hỏi cách ứng xử văn minh như cách nước Đức đã trỗi dậy và thống nhất trong hòa bình. Như vậy người Việt mới mong hòa giải và đoàn kết, khép lại quá khứ để cùng nhau xây dựng một xã hội nhân bản tự do.


Karlsruhe 30.04.2023

HT Lãng Tử

(*) chú thích: Helmut Kohl là thủ tướng Tây Đức từ năm 1982 và thủ tướng nước Đức thống nhất từ năm 1990 đến 1998.

No comments:

Post a Comment