Pages

Saturday, April 6, 2024

Ông Giao Chỉ Và Giấc Mơ Để Lại Cho Mai Sau - Tuấn Khanh

Có một bức ảnh nhỏ được trưng bày ở ngay lối vào của Viện Bảo Tàng Người Việt tại San Jose.

Bức ảnh có nội dung đơn giản, lọt thỏm giữa những hình ảnh gai góc, dữ dội nhất của viện bảo tàng, hút trọn ánh nhìn của người khác. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những đứa trẻ Việt Nam ngày đầu ly hương, bộn bề giữa miếng ăn và những điều mới mẻ đánh vật với đời hội nhập, được dắt dìu vào bài học chữ Việt.

Căn cước của chúng ta – những hậu duệ Việt Nam Cộng Hòa

Bức hình được chụp ở Falls Church, Virginia, cho thấy những năm tháng di dân đã bước vào giai đoạn tương đối ổn định. Việc tìm về nguồn cội được những con người tất tả chạy khỏi quê hương với những mất mát đau đớn – thậm chí là những khoảng trắng không thể điền vào được bất kỳ một mô tả nào – đã bắt đầu được dựng lại với bài học về ơn nghĩa sinh thành.

Không có kể lể về sự thương đau hay ẩn chứa hận thù nào, bức ảnh sống động như một lát cắt về sự hình thành của cộng đồng người Việt Nam đến Mỹ sau năm 1975.

Có hàng ngàn những bức ảnh như vậy mô tả hình ảnh người Việt dựng một quê hương mới ở Bắc bán cầu, mà Việt Museum đang gìn giữ. Mọi thứ giống như một bài diễn từ câm lặng nhưng sục sôi và đầy sức sống của hàng triệu con người buộc phải rời khỏi ngôi nhà của mình dấn thân ra biển.

Mùa hè 2023, khi đến thăm Việt Museum, nằm ở 1650 Senter Rd, San Jose, nhóm phóng viên Saigon Nhỏ thấy một chiếc thuyền vượt biên từ miền Tây Việt Nam được phục dựng, nằm bên hông viện bảo tàng. Chiếc thuyền dài chỉ có mấy mét, chứa 5-7 con người, vượt những cơn bão khổng lồ gấp vài chục lần sức chịu của nó, nhưng rồi cũng đã đến được bờ đại dương mới.

Bằng một niềm tin và niềm hy vọng kỳ lạ nào đó, những công dân Việt Nam Cộng Hòa vô danh mới đủ sức mạnh sinh tồn lạ thường như vậy. Trong viện bảo tàng có những ghi chú về thuyền nhân Việt Nam ra biển: Có một thời bức ảnh Mẹ Quan Âm cưỡi con rồng đen, hiện ra cứu độ những chiếc thuyền mỏng manh giữa biển, được truyền khẩu như một huyền thoại, khiến những gia đình xuống thuyền thường bí mật mang theo bức ảnh đó trong túi áo như một niềm hy vọng giữa đêm đen. Những câu chuyện nhỏ và xao động lòng người như vậy, liệu có ai còn nhớ qua những năm tháng bắt đầu cơm no áo đủ?

(Hình: Cao Trí/SGN)

Cũng như chiếc thuyền nhỏ chở quá nhiều niềm hy vọng và chứng cứ về những sự tồn tại cần thiết, Việt Museum khởi đầu chỉ là một gian phòng nhỏ dung nhận những kỷ vật được góp nhặt bởi những di dân Việt, nay mỗi lúc lớn dần, và thậm chí là lớn hơn cả trong sức tưởng tượng của ông Vũ Văn Lộc, hay còn được biết đến với cái tên Giao Chỉ, cùng những người đang gìn giữ nó.

Lúc đầu, viện bảo tàng chỉ khiêm tốn gìn giữ những ký ức vật thể với hai tiêu chí: thuyền nhân và quân nhân VNCH. Thế nhưng thời gian trôi qua, dữ liệu mỗi lúc một nhiều và trách nhiệm phát sinh mỗi lúc một lớn. Giờ đây, viện bảo tàng ôm cả trong mình lịch sử khởi đầu của những người Việt đầu tiên tới Mỹ từ thế kỷ 19, cho đến lịch sử không thể lãng quên được của hai nền Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, đến tận những biến cố về sau.

Ký ức lịch sử, hiện thực cho thế hệ mai sau

Một trong những sự nối kết rất ngẫu nhiên giữa ông Giao Chỉ và viện bảo tàng là bởi hơn 30 năm làm công việc cho cơ quan tổ chức định cư di dân IRCC (Immigrant Resettlement and Cultural Center), ông Giao Chỉ nhận được cũng có, sưu tầm được cũng có, những di tích về VNCH và thuyền nhân.

“Tôi trưng bày với tính cách tài tử thôi, rồi ngày càng thấy nhiều di vật cho nên có nhu cầu phải có một viện bảo tàng. Nhưng mà trước khi có viện bảo tàng thì phải sáng tác thêm những tượng đài với lại vẽ những hình. Tới năm 2004 thì chúng tôi bắt đầu ký kết để có một chỗ ở San Jose History Park, sửa chữa lại thành nơi lưu trữ những kỷ vật,” ông Giao Chỉ kể.

(Hình: Cao Trí/SGN)

Một trong những công việc đầy ám ảnh mà ông Giao Chỉ phải làm, đó là phải sưu tập cho đủ những số liệu chính xác phối hợp từ các cơ quan của Hoa Kỳ, kể cả Liên Hiệp Quốc, để tìm ra có bao nhiêu người Việt đã chết trên biển và có bao nhiêu người đã ra đi để đến được bến bờ tự do.

Cũng là một thuyền nhân đến Mỹ từ năm 1976, ông Giao Chỉ thu thập về những người có cùng số phận với mình, kể cả những người không may, để làm thành một hệ thống dữ liệu lịch sử như bức tường đá đen của người Việt trong thế kỷ 20.

“Phối hợp tất cả tài liệu, kết luận cuối cùng của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tổng kết là 964,000 người Việt đã đi trong năm đợt. Đó là lịch sử của 20 năm thuyền nhân tị nạn. Theo ước tính của tôi, có lẽ vào khoảng 300,000 người đi mà không tới, kể cả những người bị chết trên đường bộ và đường biển, nhưng mà đa số là đường biển,” ông Giao Chỉ trầm ngâm kể lại.

“Tất cả chúng ta là công dân của một nước cộng hòa bị hủy diệt. Điều mà tôi ấp ủ đó là dựng lại tất cả những gì thuộc về hành trình của một cộng đồng, và giá trị của một linh hồn tự do Việt Nam bất diệt không thể nào mất đi. Mục đích của Việt Museum thật sự rất đơn giản: Đó là làm rõ căn cước và nguồn gốc của chúng ta – những công dân và hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa,”  –  ông Vũ Văn Lộc.

Một trong những tác phẩm đắc ý của ông Giao Chỉ, là việc tạo nên một hải đồ bằng đồng, mô tả những nơi khởi hành và điểm đến của lịch sử thuyền nhân Việt Nam, được trưng bày nổi bật ở lối vào của bảo tàng. Tấm hải đồ phác thảo một thế giới không khoan nhượng để tìm đến tự do, nơi những công dân VNCH quyết ra khơi tìm quê hương thứ hai của mình.

“Nếu bây giờ chúng ta không thu thập và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới về điều này, thì lịch sử và hành trình của hàng triệu người tị nạn sẽ biến mất,” ông Giao Chỉ nói. “Tất cả sẽ biến mất.”

Rất nhiều người, kể cả không phải là người Việt, khi đến viện bảo tàng đã đứng nhìn, trầm ngâm rất lâu khi được biết về ý nghĩa của tấm hải đồ này.

(Hình: Cao Trí/SGN)

Tinh thần của viện bảo tàng là để lại một di sản và những ký ức lịch sử hiện thực cho thế hệ mai sau. Điều ngạc nhiên mà ông Giao Chỉ kể, là ông tìm thấy được sự đồng điệu từ rất nhiều người làm đủ ngành nghề, để cùng góp sức xây dựng nên một viện bảo tàng tương đối đầy đủ và khang trang như ngày hôm nay.

“Tôi biết ơn vì đã được một nhóm nghệ sĩ, các điêu khắc gia, các họa sĩ cùng góp sức thực hiện. Và các anh em cũng nói rằng không muốn để tên tuổi. Các anh nói là tất cả vì công việc chung cho mai sau,” ông nhấn mạnh tiêu chí mà ông cùng mọi người thực hiện theo đuổi. “Chúng tôi muốn kể lại những chuyện gì đã xảy ra, quan trọng nhất là tự do – dân chủ – nhân bản và trung thực. Cái đó là lịch sử.”

Ông Giao Chỉ đã bắt tay vào sứ mệnh của mình bằng hai bàn tay trắng. Việc thuyết phục chính quyền sở tại cũng như những cư dân Việt Nam đang mệt mỏi với cuộc sống mới, qua việc đóng góp cho một viện bảo tàng, là điều thực sự rất khó khăn.

Ông quyết định bán cả căn nhà của mình để có nguồn ngân sách đầu tiên xây dựng và sửa chữa viện bảo tàng. Năm 2007, Việt Museum chính thức mở cửa đón khách và gây được sự chú ý lớn từ cư dân lẫn các chính khách Hoa Kỳ. Cùng góp sức, có dân biểu Zoe Lofgren, Giám Sát Viên Hạt Santa Clara Cindy Chavez và cựu Dân Biểu Mike Honda, cùng những người khác.

Ông Vũ Văn Lộc bên trong viện bảo tàng. (Hình: Cao Trí/SGN)

Viện Bảo tàng VNCH, nơi dẫn lối về nguồn cội

Khi được hỏi rằng liệu Viet Museum rồi sẽ chỉ là một nơi để hoài niệm của những người đã gắn bó cuộc đời của mình với hai nền Cộng Hòa ở Việt Nam, hay có thể tác động gì được đến giới trẻ ngày hôm nay hay không, ông Giao Chỉ cười với sự thú vị, nói rằng ông cũng nghĩ đến điều này từ đầu, và vận động đưa Việt Museum vào danh sách hoạt động ngoại khóa, để có thể kết nối với giới trẻ ở Hoa Kỳ nói chung.

“Viện bảo tàng của chúng tôi có chương trình rất đặc biệt là mời tất cả trẻ em và sinh viên, đặc biệt học sinh Việt Nam ở toàn thể vùng Bắc Cali này đến thăm viếng, vì chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho thế hệ tương lai để các em biết thuyền nhân là ai, VNCH là như thế nào, và tại sao chúng ta có mặt ở nước Mỹ này. Trong năm qua chúng tôi đã mời được sáu hội sinh viên Việt Nam ở các đại học ở đây về thăm. Và đặc biệt là chuyến viếng thăm của 180 sinh viên trường Stanford,” ông Giao Chỉ kể.

Ông Giao Chỉ Vũ Văn Lộc bên những kỷ vật trong Viet Museum. (Hình: Cao Trí/SGN)

Ông thuật thêm một chi tiết rất cảm động: “Trong số các em đó, có hai em mà mới đầu tôi tưởng là dân Á châu khác, nhưng sau cùng mới biết là hai em sinh viên Việt Nam. Cả hai đã ôm nhau khóc trước bức tranh thuyền nhân. Các em nói, mẹ của một trong hai em là thuyền nhân mà các em không bao giờ biết đến chuyện thuyền nhân như thế nào, cho đến khi đến thăm viện bảo tàng thì họ mới hiểu. Cả lớp lúc đó mới biết các em này là con em của thuyền nhân và các em sắp sửa tốt nghiệp cử nhân Đại Học Stanford về chính trị học.”

“Giờ thì hàng trăm em, có khi đến cả ngàn em mỗi tuần đến thăm theo chương trình chung được nhà trường tổ chức. Nhưng điều chúng tôi rất muốn là đón khách từ Việt Nam,” ông Giao Chỉ nói, và ngầm chứa trong đó một niềm kiêu hãnh của một quân nhân từ một quốc gia đã bị hủy diệt, để cho thấy rằng mọi thứ thuộc về quốc gia đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới đó bây giờ vẫn sống, và vẫn được lưu truyền.

“Chúng tôi phải mở cửa cho những người bốn phương trời cũng như những người ở Việt Nam không hề biết VNCH là gì, và thuyền nhân là ai. Có nhiều gia đình quân cán chính VNCH mà hiện giờ vẫn còn ở Việt Nam sang thăm gia đình ở đây đã đến Việt Museum, và họ rất ngạc nhiên, rất cảm động khi nhìn thấy bà con mình trước kia đã sống chết vượt biên như thế nào. Họ thậm chí rất xúc động khi nhìn thấy lá cờ vàng, và quân phục của miền Nam VNCH!”

Tính trung dung và hoàn toàn phục vụ giá trị lịch sử thuần túy là điểm mạnh nhất của Việt Museum. Khi dạo qua những tranh tượng và mô hình về những người tù cải tạo, với những vật dụng thời khốn khó nhất từng giúp hun đúc và nuôi lớn những trí thức người Việt hải ngoại đóng góp vào sự phát triển của Hoa Kỳ, ông Giao Chỉ cũng được hỏi là liệu đây có là dấu tích của lòng căm thù?

Ông Giao Chỉ năm nay đã hơn 80 tuổi. Điều ông vô cùng lo lắng rằng không biết về sau này những người thừa kế sẽ tiếp tục gìn giữ Việt Museum và phát triển nó ra sao. “Thử tưởng tượng 50 năm, 100 năm sau, nếu cả trăm triệu dân Việt Nam không hề biết VNCH và thuyền nhân ra làm sao. Tôi mơ về một nước Việt Nam bình an,” ông Giao Chỉ nói, đôi mắt nheo nheo. “Dân tộc mình đã phải cầm súng, giết nhau và hận thù quá lâu rồi.”

(Hình: Cao Trí/SGN)

Một trong những trưng bày tâm đắc của ông Giao Chỉ là bộ sưu tập bốn cây súng của hai phía Nam-Bắc đối đầu nhau.

Trong chiến tranh, hình ảnh tiêu biểu là người lính và cây súng, nhưng người Việt Nam không làm ra súng để giết nhau. Việt Museum giữ lại bốn cây súng tiêu biểu của Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ – những khẩu súng đã được đặt vào tay thanh niên Việt Nam để đánh nhau suốt 30 năm, làm cho ba triệu người chết. Ông Giao Chỉ lắc đầu, nói: “Một cuộc chiến quá nhiều mất mát và vô nghĩa.”

Niềm mong mỏi cuối cùng của ông Giao Chỉ là viện bảo tàng của ông không chỉ trở thành một phần di sản của người Việt hải ngoại, mà nó cần phải được phát triển mạnh hơn. Ông mong muốn mọi người cùng góp tay góp sức, giúp làm đầy đặn và sâu thẳm về những gì mà người Việt đã mất, và còn lại với nhau.


Tuấn Khanh

March 18, 2024

-----------------------------

The Viet Museum (the Museum of the Boat People & the Republic of Vietnam)

-Kelley Park, 1650 Senter Rd, San Jose, CA 95112

-Phone: (408) 287-2290

-Email: vietmuseumsj@gmail.com

5 comments:

  1. Toi that su khong biet gi nhieu ve ong "goi la " Giao Chi nay , nhung co mot y cua ong lam toi hut hang vi mot nguoi nhu ong ma van khong nhin ra su thuc ve chien tranh VIET NAM thi hoa ra bay gio o VN co qua nhieu con bo do la chuyen khong ngac nhien. Ro rang chien tranh VN se khong xay ra neu MIEN BAC KHONG GOI QUAN VAO PHA PHACH MIEN NAM. Truoc khio chien tranh Viet Nam xay ra , ro rang tren thuc te co hai nuoc VN ro ret : co bo coi , quan doi, chieu huong . Tu vi tuyen 17 tro len Bac theo phe CS va tu vi tuyen 17 tro vao Nam thuoc phe Cong Hoa . Co nguoi cho cuoc chien VN la noi chien Toi nghi noi chien la hai phe cung mot nuoc chong doi nhau ( nhu NOI CHIEN MY ) CON VN ro rang la hai quoc gia du mot tieng noi VVV. Do phai goi la chien tranh chong xam lang Tu mien Bac cua nhung nguoi o mien Nam . Lay mot vi du don gian se hieu : neu CHNDTQ xuat quan danh Dai loan hay Bac Han danh chiem Nam Han, the gioi se goi nhung cuoc can qua do la noi chien hay xam luoc ? Cung y nhu VIET NAM thoi . Co mot anh tu xung la Tong Thong Va khoe minh co TIEN SI LUAT nhung van khong phan biet duoc the nao la noi chien the nao la xam luoc, thi nhieu nguoi bi lam lan la thuong. Cung nen noi ro vi VC hay nhan bay la cuoc vhien VN la cuoc chien chong MY, ( Nguoi My da khong loi loc gi trong cuoc chien vua qua , lai con ton nhieu tien , nguoi trong cuoc chien tranh) ro rang la CSBV khong gui quan , khi cu vao nam de ho tro bon khung bo mang ten MTGPMN thi My da khong hien dien o mien Nam, va neu mien Bac cu o ngoai do ma lo cho dan do doi ( thay vi dua quan doi, khi tai vao nam thi cuoc chien da khong xay ra, ong Giao Chi nay khong biet rang nguoi mien Nam phai xu dung sung my de doi dau voi AK47, T54, Hoa tien 130, 122 ly vi linh mien Nam khong the chong VC bang tam vong vac nhon .

    ReplyDelete
  2. Toi la nguoiviettudo truoc day van thuong goi bai cho chi sao dao nay goi di deu bi tra lai, chi lam on cho biet lai dia chi email chinh xac

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh Dũng ơi, tôi đã viết hỏi thăm anh ba lần nhưng chắc anh không nhận được.
      Tôi cho hay là đã đổi địa chỉ mà chờ hoài không nhận được bài của anh. Tôi tưởng anh không khỏe.
      Địa chị email mới là:
      kimbankstown123@gmail.com
      TK

      Delete
  3. Xin cho biet quy danh . Neu anh co email hoac dien thoai va thay khong tro ngai cho toi xin.
    email cua toi la tranta70@gmail.com .
    Cam on nhieu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh muốn hỏi địa chỉ email của Nguoiviettudo phải không? Nếu vậy để tôi hỏi lại ảnh.
      NPN

      Delete