Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, vị tướng nổi tiếng trong sạch, từng chiến thắng lẫy lừng trận Quảng Trị 1972. Đức thanh liêm, trong sạch của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng được người dân miền Nam ca ngợi bằng câu vè dân gian: Nhất Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng (tức các vị Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng, Thiếu Tướng Phan Trọng Chinh, Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh và Trung Tướng Ngô Quang Trưởng). (Hình: vi.wikipedia.org)
Quân và dân Miền Nam Tự Do đã mất hết tinh thần chiến đấu trước
cuộc tổng tấn công của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt, Quân Đoàn 1 QLVNCH,
vùng đất được cho là sẽ bị bỏ lại cho Cộng Sản trong kế hoạch “co cụm” lãnh thổ
của Việt Nam Cộng Hòa, đã mau lẹ rơi vào tình trạng hầu như “không đánh mà tan”
chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần lễ.
Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng, vị tư lệnh cuối cùng của Quân Đoàn 1 và Vùng I Chiến Thuật.
Trong hình, Tướng Trưởng thị sát quân lực bảo vệ Huế vào ngày 17 Tháng Năm,
1972. Phía sau ông là cố vấn Mỹ, Thiếu Tướng Frederick Kroesen. Chừng 900 quân
thuộc Sư Đoàn 2 của VNCH được không vận tới căn cứ Rakkasan, cách Huế 15 dặm về
phía Tây để tạo “vành đai thép” bảo vệ cố đô. (Hình: Bettmann/Getty Images)
Nếu cuộc lấn chiếm Phước Long đã khích lệ tham vọng đánh chiếm
miền Nam Việt Nam của các lực lượng Cộng Sản tấn công, vì Hoa Kỳ (dưới chính
quyền Gerald Ford) đã không chịu trả đũa Cộng Sản Bắc Việt như cựu Tổng Thống
Richard Nixon đã hứa, thì cuộc di tản hỗn độn và bi thảm của Quân Đoàn 2 QLVNCH
(về hướng Nha Trang và Sài Gòn) đã làm cho quân và dân Miền Nam Tự Do mất hết
tinh thần chiến đấu.
Biến cố này xác nhận việc Hoa Kỳ đã dứt khoát cắt hết viện trợ
và bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, dẫn đến mối lo sợ tột cùng rằng việc Tổng Thống
Nguyễn Văn Thiệu đã quyết định chỉ giữ lại Vùng III và Vùng IV và bỏ Vùng I và
Vùng II lại cho Cộng Sản là sự thật 100 phần trăm chứ không còn là lời đồn đoán
mơ hồ nữa.
Tâm trạng hoang mang của
quân và dân miền Nam Việt Nam sau Hiệp Định Paris 1973
Khi Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 khởi sự bị các lực lượng Cộng Sản
Bắc Việt tấn công dữ dội để rồi thất thủ vào Tháng Ba, 1975, nỗi lo âu rằng Hoa
Kỳ đành đoạn bỏ rơi miền Nam Việt Nam lại cho Cộng Sản muốn làm gì thì làm đã
trở thành một sự thật cay đắng, nhất là sau khi Hoa Kỳ đã đạt được Hiệp Định
Paris 1973 với Cộng Sản Quốc Tế để có thể rút toàn bộ quân đội của họ ra khỏi
Việt Nam “trong danh dự,” và sau khi những tù binh Mỹ cuối cùng đã được hồi
hương.
Đó chính là hậu quả trông thấy của việc Quốc Hội Mỹ, kẻ nắm hầu
bao trong mọi cuộc tiêu pha của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ, đã dứt khoát
không chi thêm một đô la nào nữa cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Từ $1 tỷ rưỡi
trong những năm trước đó, viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa sau
năm 1973 đã bị cắt giảm gắt gao, chính xác là đến tài khóa 1974-1975 thì chỉ
còn lại $750 triệu, tức là, trên thực tế, chỉ còn có $350 triệu dùng được sau
khi khoản viện trợ đó đã bị trừ đi chi phí $300 triệu dành cho phái bộ quân sự
Mỹ (DAO, Defense Attache Office, Saigon) còn lưu lại miền Nam Việt Nam cho đến
cuối Tháng Tư, 1975.
Bản đồ
Vùng I Chiến Thuật. (Hình: wikimedia.org)
Viễn tượng Việt Nam Cộng Hòa sắp bị bỏ rơi nửa chừng, cho dù
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã trở nên ngày càng hùng mạnh và có thừa khả năng một
mình chiến thắng quân Cộng Sản Bắc Việt xâm lược nếu được võ trang và tiếp tế đầy
đủ như thời gian trước Hiệp Định Paris 1973, đã làm cho tinh thần của quân và
dân Miền Nam Việt Nam mau lẹ suy sụp.
Ngón đòn cắt giảm viện trợ Mỹ để gây áp lực buộc chính phủ Việt
Nam Cộng Hòa phải nhường đất cho Cộng Sản hoặc gia nhập vào một chính phủ liên
hiệp với phe Cộng Sản, trên thực tế, đã gây thiệt hại nặng nề cho nỗ lực chiến
đấu chống lại cuộc xâm lược miền Nam Việt Nam của Cộng Sản Bắc Việt.
Về mặt kinh tế, những đợt cắt giảm viện trợ tài chánh liên tiếp
trong những năm 1973-1975 đã làm cho đồng bạc Việt Nam Cộng Hòa bị phá giá trầm
trọng, và mức sống của những người có đồng lương cố định, như giới quân nhân và
công chức, tại miền Nam Việt Nam bị sa sút thê thảm.
Về mặt quân sự, việc cắt giảm mức tiếp đạn được và quân trang,
quân dụng cho miền Nam Việt Nam trong khi chiến cuộc đang gia tăng cường độ đã
đặt các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào thế hết sức bất lợi. Bởi vì các
tiền đồn hẻo lánh không được trọng pháo và phi cơ yểm trợ, cho dù đó là một trận
đánh lớn của địch cỡ cuộc tấn công vào Tiểu Khu Phước Long hồi cuối năm 1974 hoặc
là một trận đánh nhỏ vào xã Khánh An ở Thới Bình thuộc tỉnh An Xuyên (Cà Mau) hồi
đầu năm 1975.
Quân Đoàn 1 tan rã
Ngày 14 Tháng Ba, 1975, trong một cuộc họp tại Dinh Độc Lập, Tổng
Thống Nguyễn Văn Thiệu cho biết Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH quyết định rút bớt Lữ
Đoàn 1 và Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù từ Quân Đoàn 1 về để bảo vệ thủ đô Sài Gòn, đồng thời
ra lệnh cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1,
rút quân từ các nơi khác về phòng thủ vùng duyên hải từ Huế và Đà Nẵng cho tới
Chu Lai trong kế hoạch “co cụm” lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa về hướng Quân Khu 3
và Quân Khu 4.
Ngày 19 Tháng Ba, tức là chỉ ba ngày sau khi các lực lượng Quân
Đoàn 2 khởi sự cuộc di tản cồng kềnh và đẫm máu – vì quân và dân lẫn lộn – khỏi
Cao Nguyên trên liên tỉnh lộ 7B, các lực lượng Quân Khu 1, trong đó có Thủy
Quân Lục Chiến, khởi sự rút khỏi Quảng Trị, về lập phòng tuyến ở Mỹ Chánh ở
phía Bắc Huế.
Tuy nhiên, đến tối ngày 20 Tháng Ba, Tổng Thống Thiệu lại ra lệnh
rút nốt Lữ Đoàn 2 Dù về Sài Gòn. Thế là Quân Khu 1 chỉ còn có Sư Đoàn Thủy Quân
Lục Chiến tăng phái cho Quân Đoàn mà thôi, lúc đó gồm có các Sư Đoàn 1, 2 và 3.
Tướng Trưởng đâm ra bối rối trước sự thể quân Cộng Sản Bắc Việt ngày càng gây
áp lực nặng nề, với thêm bốn sư đoàn sẵn sàng vượt sông Bến Hải và kết hợp với
các đơn vị của Cộng Quân đã có sẵn tại vùng Hỏa Tuyến nhằm tiến chiếm toàn bộ
Quân Khu 1.
Ngày 21 Tháng Ba, Cộng Quân đã cắt đứt Quốc Lộ 1 ở Truồi (giữa
Huế và Đà Nẵng) và đóng chốt ở đèo Phú Gia. Như thế, đoạn đường bộ giữa Huế và
Đà Nẵng đã bị Cộng Quân khống chế. Ngày 25 Tháng Ba, Tướng Trưởng quyết định
cho các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến rút ra cửa Thuận An trong khi Sư Đoàn 1 Bộ
Binh, Biệt Động Quân và Địa Phương Quân được lệnh xuống cửa Tư Hiền đề các tàu
của Hải Quân VNCH đến đón.
Trong tình thế hỗn độn khi quân và dân Vùng I chen chúc nhau chạy
loạn giữa những đợt pháo kích truy đuổi của Cộng Quân, cả hai đoàn quân rút lui
nói trên đã tan rã tại hai cửa biển này, và khi về tới Đà Nẵng thì chỉ còn lại
một phần ba quân số. Cuộc rút lui của Sư Đoàn 2 Bộ Binh tương đối thành công
hơn chút đỉnh vì họ chỉ phải di chuyển từ Chu Lai ra bờ biển để được tàu Hải
Quân chở ra Cù Lao Ré ở gần đó, vì thế hơn phân nửa sư đoàn này đã về tới Bình
Tuy.
Ngày 27 Tháng Ba, 1975, tình hình Đà Nẵng vô cùng nghiêm trọng,
quân Cộng Sản Bắc Việt dùng đủ loại trọng pháo và súng cối pháo kích liên tục
vào Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 1 và nhiều nơi trong thành phố Đà Nẵng, tạo bất ổn và
gây nhiều thương vong cho các lực lượng đồn trú, đồng thời làm cho tinh thần của
dân chúng thêm hoảng loạn. Hơn nữa, dân chúng từ Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng
Tín, Quảng Ngãi… đổ về đây quá đông từ nhiều ngày trước khiến chính quyền và
các lực lượng an ninh không thể nào kiểm soát được tình hình tại chỗ. Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng đành ra lệnh rút bỏ Đà Nẵng.
Ngày 28 Tháng Ba, tàu Hải Quân đến Đà Nẵng đón binh sĩ và dân
chúng di tản đưa vào Nha Trang, Cam Ranh, và Vũng Tàu, với ưu tiên dành cho các
đơn vị Thủy Quân Lục Chiến từng hứng chịu những tổn thất nặng nề trong cuộc rút
lui hỗn độn dẫn đến sự tan rã của Quân Đoàn 1 và Vùng I Chiến Thuật.
Ngày 29 Tháng Ba, các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tiến vào chiếm
đóng đô thị lớn hàng thứ hai tại miền Nam Việt Nam, thành phố từng giữ một
vị trí chiến lược độc đáo kể từ khi người Pháp khởi sự cuộc chiến tranh chinh
phục Việt Nam hồi năm 1858. Rồi hơn một thế kỷ sau đó, hồi năm 1965, các lực lượng
Mỹ bắt đầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam để cứu vãn tình hình quân sự nguy ngập tại
đây, và bây giờ khi Cộng Sản Bắc Việt bỗng chốc trở thành chủ nhân nơi này trên
đường tiến quân về Nam để đánh chiếm Sài Gòn.
Tàn cơn binh lửa
Trước khi thực hiện kế hoạch bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, một đồng
minh quan trọng tại Đông Nam Á, không những chỉ trong những thập niên cuối của
thế kỷ 20 mà còn kéo dài cho tới những thập niên đầu của thế kỷ 21 nữa, Quốc Hội
và chính phủ Hoa Kỳ, được sự hỗ trợ tích cực của nền báo chí thiên tả cố hữu
trong nước, đã tìm cách đổ hết mọi tội lỗi lên đầu chính phủ và quân đội Việt
Nam Cộng Hòa để ru ngủ lương tâm mà phủi tay trước cuộc diện tồi tệ. Nào là
chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tham nhũng, nào là quân đội Việt Nam Cộng Hòa thiếu
khả năng, nào là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu độc tài và phe đảng, vân vân.
Từ cuối năm 1972 tới đầu năm 1975, nhiều phái đoàn của Quốc Hội
Mỹ đã được cử đến miền Nam Việt Nam để hạch sách và điều tra về tình trạng tham
nhũng trong chính quyền và quân đội, về cách đối xử với các tù nhân tại các nhà
lao không đúng với Công Ước Geneva về tù binh chiến tranh, về hành vi kiểm duyệt
và bóp nghẹt báo chí trong nước, về tin đồn chính quyền và quân đội miền Nam Việt
Nam bán thuốc Tây và đạn dược cho Cộng Sản… Tất cả chỉ với mục đích tìm cho ra
ít nhất một cái cớ nào đó để có thể bỏ rơi không thương tiếc Việt Nam Cộng Hòa,
một đồng minh thân thiết và quan trọng mà chỉ ba thập niên sau họ lại bắt đầu cảm
thấy sự sinh tồn của người bạn đó là thiết yếu cho nền an ninh của thế giới tại
vùng Ấn Độ và Thái Bình Dương trước hiểm họa bành trướng hầu như không có gì cản
nổi của Cộng Sản Trung Hoa.
Trung Tướng
Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Quân Khu 1, gắn huy chương tưởng thưởng
quân nhân Hoa Kỳ sau trận chiến, vào ngày 12 Tháng Tám, 1972, tại Đà Nẵng.
(Hình: Bettmann/Getty Images)
Mặc dù hầu hết quân và dân tại miền Trung Việt Nam – và sau đó
là toàn thể dân chúng miền Nam Việt Nam – đều phải hứng chịu những hậu quả tàn
khốc do sự tan rã bất ngờ của Quân Đoàn 1 QLVNCH nơi địa đầu giới tuyến, tưởng
cũng nên ghi nhận rằng, giữa những tang thương, bi hận đó của cuộc chiến, Tướng
Ngô Quang Trưởng và Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, éo le thay, lại nằm trong
số các nạn nhân đáng thương của cuộc lui binh hết sức đáng tiếc đó.
Tướng Trưởng, một vị tướng lãnh tài ba và trong sạch của QLVNCH
với biết bao chiến công lừng lẫy, bỗng dưng trở thành một bại tướng trong tình
thế hỗn loạn và mờ mịt của cuộc rút quân mà ngay từ những giờ phút đầu tiên đã
vượt khỏi tầm kiểm soát của ông.
Đại Tướng Mỹ Norman Schwarzkopf, trước kia là cố vấn cho Đại Tá
Ngô Quang Trưởng và sau này trở thành tư lệnh cuộc Hành Quân Bão Sa Mạc (Desert
Storm) ở Iraq hồi năm 1991, nhận định rằng Tướng Trưởng là “vị tư lệnh tác chiến
sáng chói nhất mà ông từng được biết tới” (Truong was “the most brilliant
tactical commander I’d ever known”).
Còn Lữ Đoàn 147 của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến “bách chiến,
bách thắng” thì hầu như bị bỏ quên (vì không có ai đến đón họ xuống tàu di tản
như đã định trong kế hoạch hành quân) tại bãi biển Thuận An, khiến lữ đoàn này
phải một mình chiến đấu giữa vòng vây của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt. Để rồi
lữ đoàn này đành phải cay đắng hứng chịu số thương vong cao nhất, với hàng trăm
chiến binh tử trận trong giao tranh và dưới mưa pháo của địch cùng với hàng
nghìn chiến binh khác bị địch bắt sống sau khi họ đã chiến đấu cho đến viên đạn
cuối cùng mà không được tiếp tế, đừng nói chi tới tiếp viện.
No comments:
Post a Comment