Pages

Saturday, May 4, 2024

Giữ Vết Chân Tình - Sỏi Ngọc

Nam mô a rị da, bà lô Yết đế, (Hình: Kevin Frayer/Getty Images)


“…Nam mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô Yết đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa…” (Chú Đại Bi)

Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra, làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an.

Đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building, mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ Hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…

Dòng thác Niagara hùng vĩ dồn dập chảy bên dưới tạo ra những tiếng động thật to, át cả tiếng xe chạy lẫn tiếng tụng kinh Chú Đại Bi bên trong nhà, những giọt nước li ti của dòng thác bắn ra một khoảng khá xa ngoài vành đai, làm ướt cả một phần rộng lớn của con đường nơi có những hàng quán bán đồ lưu niệm và đồ ăn giải khát cách đó một quãng khá xa. Nước mạnh của dòng nước cộng với gió bay lên nơi tôi đứng thật mát mẻ, dễ thở, tạo ra một màn sương dầy đặc ngay trước mắt khó có thể thấy rõ những gì đang xảy ra bên dưới.

Thác Niagara được Unesco công nhận là một di sản thế giới từ 1983, nằm ở biên giới giữa Canada và Hoa Kỳ, giữa bang New York-Hoa Kỳ và Ontario của Canada, phần đẹp nhất ở bên Ontario-Canada, hay còn được gọi là Horseshoe Falls, vì nó có hình dáng cong như chiếc móng ngựa. Không những là điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới với cảnh thiên nhiên hoang sơ, thu hút lòng người mà đàng sau nó, còn có một câu chuyện tình lãng mạn của chàng Lelawala, người dân tộc bản địa Iroquois và cô gái tên Niagara, một cô gái trẻ xinh đẹp của bộ tộc Seneca.

Cô gái Niagara bị cha mẹ ép gả cho một người đàn ông mà cô không yêu, vì đã đến tuổi cặp kê, cô quá buồn tủi, đã gieo mình xuống thác, thần thác là Heno vì thấy thương cho tình cảnh của cô, đã chứng kiến bao ngày những giọt nước mắt đau khổ thầm kín của người con gái đẹp và những lời tâm sự từ đáy lòng của nàng, thần đã hóa thành chàng trai Lelawala đến cứu nàng thoát khỏi lưới tình không mong muốn, và họ có lời nguyện bên nhau mãi mãi trên dòng sông Niagara.

Sau lời nguyện thề ấy, thân thể họ hòa nhập vào dòng sông, biến hóa thành một loạt các thác nước lớn như để chứng minh cho nhân loại biết sức mạnh của tình yêu, niềm tin và hy vọng của họ mạnh mẽ, tràn ngập vô bờ như dòng thác vậy.

Vì biết tôi rất yêu thiên nhiên, nên con gái đã đặt căn airbnb rộng rãi hai phòng ngủ tại Ontario cho vợ chồng chúng tôi hưởng mùa du lịch một tuần lễ vào đầu mùa Xuân. Căn nhà nhỏ này có bếp, tủ lạnh đầy đủ tiện nghi như chính ngôi nhà ở của mình vậy. Đã thế, con gái còn xếp cho chúng tôi cả một tủ lạnh đầy ắp đồ ăn, hoa quả, rau tươi, sữa trứng cho đủ một tuần lễ mà tôi không phải mất công xuống dưới đi chợ nữa.

Đã 40 năm ở Boston, tôi chưa quay lại thăm dòng thác đầy kỷ niệm này. Giờ đây, đứng trên cao nhìn xuống từng đôi tình nhân khoác vai, âu yếm bên nhau ngắm thác nước rộng lớn ồ ạt đổ xuống mạnh mẽ, cùng với những chiếc cầu vồng bẩy màu hiện ra giữa dòng nước làm ký ức tôi không thể không quay về những lời hẹn thề duyên phận khó quên.

Thác Niagara được Unesco công nhận là một di sản thế giới từ 1983. (Hình: DANIEL SLIM/AFP via Getty Images)

Vào năm 1978, khi chuyến tàu vượt biên trốn Cộng Sản của chúng tôi được những ngư dân Thái Lan cứu sau 12 ngày lênh đênh trên biển, đồ ăn, nước uống cũng như xăng dầu cho tàu, tất cả đã cạn kiệt, nhưng may mắn, chúng tôi không bị cướp, ai nấy đều vật vờ như những xác chết với đôi mắt thâm quầng, đôi môi khô rám, không còn sức lực để nhấc nổi cánh tay hay nói được nữa.

Mỗi buổi chiều trên đảo Songkla, bốn chị em gái khu A chúng tôi rủ nhau đi lấy thức ăn ở một lều cách xa nơi của chúng tôi chừng 6 km đi bộ, phải băng qua một khu nhà kho với những bao gạo xếp cao ngất tầm nhìn, họ chứa những bao gạo, thóc, khoai, thực phẩm khô, củi, than… trong những gian nhà trống để nấu đồ ăn mỗi ngày phát cho dân tỵ nạn. Ngày nào tôi cũng lấy thêm một phần ăn nóng cho một bác gái bị bệnh, cha mẹ tôi đã gởi gấm tôi cho bác ấy, bác lớn tuổi đã trên 60, bị say sóng, đói khát trên tàu vì những ngày lênh đênh nắng gió làm bác như mất đi tất cả sức lực.

Trong cả khu A, chỉ có bốn người con gái ngang tuổi nhau, khoảng 13-16, phải đảm nhiệm công việc nhẹ nhàng nhất là đi lấy phần cơm từ khu bên kia về lều của mình, còn những người lớn hơn thì xây dựng thêm lều, chỗ nấu ăn cho tập thể, phòng tắm…

Rất nhiều việc làm vì đảo này còn rất mới, chỉ là bãi đất trống, hoang vu. Chúng tôi mỗi đứa trên hai tay bưng hai bát cháo nóng hổi, vai thì vác mỗi người thêm một chiếc giỏ trong ấy đựng trái cây, vừa đi vừa nói chuyện rôm rả, ai cũng rất hồn nhiên, chân chất và ước mơ hoài bão cho tương lai căng đầy trong trái tim.

Tôi có thân nhân bên Cali rất đông, ngay cả cha mẹ cũng đã vừa mới vượt biên được bảo lãnh sang đó, chỉ còn một mình tôi là kẻ đi cuối cùng. Cha mẹ tôi muốn tôi đi vượt biên hơn là ngồi chờ giấy bảo lãnh về, vì sợ luật lệ Cộng Sản thay đổi rất nhanh thì làm sao một mình tôi xoay sở được. Nên khi vượt biên sang trại Thái Lan, chỉ yên tâm trau giồi tiếng Mỹ và chờ phái đoàn Mỹ phỏng vấn thôi.

Tôi là một đứa con gái mạnh mẽ và nhanh nhẹn, giúp mọi người làm bếp, giữ sổ sách, tính toán chi tiêu đơn giản khu ở của chúng tôi rồi cuối tuần gởi lên ban lãnh đạo của trại.

Được ban lãnh đạo tin tưởng, ngoài những việc làm sổ sách, họ cho tôi giữ một chìa khóa phụ của kho để kiểm toán, và họ sẽ đi mua hàng thêm khi có dịp vào thành phố.

Sau ba tháng ở trại, một buổi chiều trời mưa xối xả, ai nấy đều ở yên trong lều; tôi sực nhớ những bao gạo trong căn nhà kho sẽ bị mưa bắn vào vì cửa sổ nơi ấy thường không đóng, những hạt gạo sẽ bị mốc ẩm, ăn vào sẽ bị ngộ độc, nên tôi vội vã khoác áo mưa chạy đến kho, tay đem theo một lô bao nylon để che cho những bao gạo.

Vào đến nơi, tôi vội quẳng ra những chiếc bạt nylon thật rộng để che phần bao gạo bên ngoài cùng cạnh cánh cửa sổ to, để đừng bị nước mưa bắn vào. Tôi bé nhỏ so với một núi cao hơn đầu mình, những bao thực phẩm để lẫn lộn, tôi cứ phải nhẩy lên để hất đầu bạt nylon cho bao trùm lên, bỗng nhiên tôi thấy bên đầu bên kia có một cánh tay của một người nào đó giúp tôi kéo đầu chiếc bạt ấy thẳng lại và cột vào bao gạo. Hết hồn, tôi vội vàng dừng tay, lo lắng đứng yên chờ người ấy lên tiếng.

Không một âm thanh nào phát ra, tất cả đều im lặng, chỉ tiếng mưa nặng hạt ồ ạt chẩy trên mái tôn tạo ra một âm vang chìm đắm. Tôi cố gắng lên tiếng để tự trấn an:

-Có ai ở đó không?  (chỉ có tiếng thở nhẹ nhàng)

-Xin hãy trả lời tôi…

Căn nhà kho không rộng lớn lắm, tôi lùi ra đến gần cửa ra vào đề có gì còn co chân chạy, còn người giấu mặt kia đứng phía trong của ngôi nhà, gần cánh cửa sổ mở to không có khung chắn, nơi đó nước bắn vào rất nhiều, vẫn giữ im lặng, không chút cử động.

-Xin… hãy bước ra đi!

Sự yên lặng vẫn kéo dài, tò mò, tôi mon men nhẹ nhàng tiến đến góc trong nhà để biết ai đã giúp tôi kéo tấm bạt mà lại không dám ra mặt.

Tôi vừa ló đầu vào trong góc, nơi lẽ ra người giấu mặt đứng ở đó. Bỗng nhiên tôi giật mình, thấy bóng người vụt nhảy qua cửa sổ, nhanh như một con mèo hoang, tôi sững sờ nhìn theo dáng cao lớn, mảnh khảnh, toàn thân được bọc trong chiếc áo mưa đen, chỉ ló ra đôi sandal hai quai loại của những người dân Thái bên ngoài trại hay đi, chứ trong trại mọi người mang một loại dép giống nhau, rẻ tiền hơn.

Tôi tự hỏi “tại sao người này lại trốn tôi?” tôi không hiểu lý do gì cả và cảm thấy một chút gì đó bí ẩn.

Nhìn xuống góc những bao bằng vải bố chất chồng nhau, tôi thấy có một lỗ lõm vào, làm như đã bị ai đó lấy đi một bao mà những bao còn lại chưa được sắp xếp lại cho ngay ngắn để đừng ai để ý.

Thì ra người lạ mặt lúc nãy là… tên trộm đồ ăn của dân ty nạn chúng tôi!

Tôi thấy mình đã khổ, đi vượt biên tỵ nạn xứ người, lại còn có người bản xứ đói hơn chúng tôi nữa nên mời đi ăn cắp vặt như vậy. Nhìn trời mưa, tôi đoán không thể nào ngừng được, vội vàng khoác áo mưa thật kín, lao ra làn mưa, quay về lều khi cơn mưa vẫn còn đổ xuống như trút tất cả nước từ mọi đám mây trên trời.

Vừa đi vừa suy nghĩ đến tên trộm lúc nãy, đường sá trơn trượt, trước mắt chỉ có nước và nước, tôi không thể nhìn thấy đường, cũng không thể nhìn xa được. Bất ngờ, tôi trượt chân vào một cái hố, cả thân thể lăn nhào xuống, tôi sợ hãi không biết hố này sâu bao nhiêu, cũng không biết có ai xung quanh đây để tôi kêu cứu, tay chân quơ quàng tứ phía, tôi cảm thấy đau điếng ở chân vì đã đập vào cành cây hay gì đó, miệng la hét inh ỏi nhưng tất cả đều vô vọng vì nước mưa vào miệng, mắt, tôi đành để mặc cho cả người lăn mấy vòng, sặc sụa vì nước, rồi đến khi hết sức chịu đựng, tôi đụng vào một cánh tay vững chắc của một ai đó.

Khi tôi được đặt xuống, cả người ướt đẫm nước, tôi được ai đó đưa cho chiếc áo rách để lau mặt. Căn nhà nhỏ bé với bốn bức vách xây bằng lá, trong góc có để một chiếc giường, trên chiếc giường ấy một bà cụ gầy ốm chỉ có da bọc xương, đôi mắt nhắm nghiền, bà không cử động tí nào cả; trước mặt tôi là một người đàn ông, khoảng 20-25 tuổi người Thái, cả người cũng ướt nhem như tôi, người đã cứu tôi từ sâu lên, khuôn mặt hiền hòa, chiếc mũi cao, cặp mắt một mí, nhưng ánh lên sự dịu dàng cảm mến.

Tôi định đứng lên, chàng ngăn tôi lại nói bằng tiếng Việt trôi chảy:

-Hãy ngồi yên đấy! cô không thấy cái mắt cá sưng vù và vết thương đang chảy máu đó sao? để tôi đi lấy đồ băng lại chân cho cô vì chắc cô bị bong gân, và vết thương ngoài da kia cho dù máu có chảy nhiều nhưng sẽ sớm khỏi thôi, bây giờ cô không thể đi lại được đâu.

-Anh… anh là người đã vào nhà kho phải không?… tại sao…

-Vâng! Chính là tôi!

-Còn ai… nằm trên giường kia?

-Bà ngoại… Tôi phải nuôi bà ngoại, bà bị bệnh rất nặng, tôi là người xuất gia nên cũng không có tiền nhiều để chữa trị cho bà.

-Là người xuất gia?… sao lại… ăn trộm đồ?

Chàng mở to cặp mắt một mí nhìn tôi sững sờ:

-Tôi không ăn trộm của ai cả, tại sao cô lại nói tôi ăn trộm? đây là những sâu cá tôi đánh bắt được, lá thuốc này tôi cũng hái, sắn khoai này tôi cũng đào ở chùa…

-Anh đừng chối nữa! Tôi thấy có một bao bị thiếu trong nhà kho!

-Vậy cô có chính mắt thấy tôi lấy cái gì từ trong đó ra không? cô xem thử xung quanh đây có bao gì giống bao ấy không?

-Nếu không phải là anh thì là ai? Tôi thấy anh trốn trong đó mà? Sao anh không trả lời tôi khi tôi hỏi có ai ở đây không?… anh sợ gì chứ?

-Tôi đã nhảy vào cửa sổ để vào đó ngồi thiền mỗi ngày, nơi ấy chính là nơi nghỉ chân của tôi vào mỗi bận tôi đi bắt cá, đào khoai, nơi ấy không có ai để ý, chỉ thỉnh thoảng có người vào để làm kiểm tra, hay lấy đồ ăn cho một tuần thôi, tôi đã rất yên thân nghỉ ngơi, ăn uống, ngồi thiền…

-Sao anh không vào chùa?

Chàng muốn đánh tan mọi nghi ngờ trong tôi, nên cất lời tâm sự:

-Hồi tôi mới được sanh ra, mẹ đã bỏ tôi ở trước cửa chùa, tôi đã từng sống ở đó với thầy, tôi làm tất cả mọi việc trong chùa; đàng sau chùa có một mảnh đất rộng mà chúng tôi trồng rau, khoai sắn rất nhiều, cũng chỉ mình tôi chăm sóc, cho đến bây giờ tôi cũng hay lại đó gặt hái thành quả của mình. Rồi bỗng một hôm bà ngoại đến nhận tôi về để tôi chăm nom cho bà bệnh nặng, nên tôi đã không còn ở chùa nữa, nhưng tâm hồn tôi vẫn hướng về thầy và Phật. Thầy đã nói với tôi đây là chặng đường thử thách khó nhất mà tôi phải vượt qua.

-Oh! Tôi… tôi thật hồ đồ, tôi xin lỗi, tôi thấy trong nhà kho nơi anh vừa bỏ đi có một bao bị thiếu, nên tôi đã…

-Tưởng tôi lấy trộm?… Không đâu, tuy tôi nghèo thật nhưng không làm điều phi pháp ấy. Tôi không muốn tiếp xúc với người đời nhiều vì đây chính là hạnh nguyện của tôi…

Càng nói chuyện với chàng, tâm tôi thật bình yên, tôi không chút mảy may sợ chàng làm hại đến tôi dù lần đầu gặp một người lạ, giọng nói trong sáng, điềm đạm, đặc biệt đôi mắt chàng khi nhìn vào như mặt biển phẳng lỳ không gợn sóng, trong ấy tôi thấy mình thật bình yên. Nghe chàng nói là người đi tu từ nhỏ, lòng tôi bỗng cảm phục người con trai trẻ trước mặt mình, chững chạc, biết cách đối nhân xử thế. Không hiểu sao chỉ mới cái gặp gỡ đầu tiên này, tôi mang lòng cảm mến và tin vào sư thầy này đến thế!

Bên ngoài trời vẫn đổ nước nhưng bớt hơn so với lúc sáng.

Sư thầy ra phía sau nhà, đun ấm nước sôi, đem vào cho tôi một ly nước nóng với vài lá bạc hà, thầy nói:

-Cô uống cho ấm người, nếu mệt cứ nằm xuống nền đất này nghỉ…

-Còn chỗ của thầy ở đâu?

-Đàng kia dưới chân giường của bà ngoại.

Chênh vênh đầu trượng thiền sư
Cửa non khép ải sương mù bóng ai
Non xanh ướm hỏi trang đài
Trăm năm còn lại dấu hài động hoa.
(Động Hoa Vàng-Phạm Thiên Thư)

Sáng hôm sau, khi trời đã tạnh mưa, quang đãng, thầy đã giúp tôi về bằng cách đưa cho tôi một cặp nạng, nhưng đi đường bộ thật gập ghềnh, khó khăn, nhiều đoạn thầy đã phải cõng tôi trên lưng để vượt qua những con đường ấy. Khi lưng thầy và phía trước cơ thể chúng tôi chạm nhau, tôi thấy tim mình đập mạnh, cả người rạo rực kỳ lạ, máu như dồn cả vào thái dương, mặt tôi đỏ lên bẻn lẻn như người đang làm chuyện gì không đúng vậy, trái tim đập mạnh đến nỗi sư thầy cũng cảm nhận được, chàng đặt tôi xuống một hòn đá nhỏ, ngồi xuống cạnh tôi:

-Nếu có một điều ước, thì cô ước gì?

Mười bốn tuổi vào lúc ấy, tuổi của sự trong trắng ngây thơ, mơ mộng, tình yêu trong tim chưa hình thành trọn vẹn, nhưng tôi cảm thấy ngoài cha mẹ ra, sư thầy này chính thật là người tôi muốn dựa dẫm cả đời! muốn nhìn thấy cặp mắt một mí ấy mỗi ngày, muốn nghe tiếng thầy nói khi mở mắt thức dậy, muốn được đập cùng nhịp đập của con tim với thầy và nhất là…

Tôi ngước nhìn thầy với cặp mắt chan chứa tình cảm yêu thương:

-Em muốn được thầy… cõng mãi trên lưng…

Tình cờ anh gặp nàng đây
Chênh chênh gót nguyệt vóc gầy liễu dương
Qua sông có kẻ chợt buồn
Ngó hoa vàng rụng bên đường chớm Thu.

(Động Hoa Vàng-Phạm Thiên Thư)

Sau lần gặp gỡ ấy, tôi cố tìm gặp sư thầy khắp mọi nơi, nhưng không bao giờ gặp lại nữa, nhiều đêm ngủ tôi trằn trọc tự hỏi không biết sư thầy có phải là bóng ma của con chồn tinh về chọc ghẹo những đứa con gái nhà lành như tôi. Tôi hỏi thăm những người trong trại, không ai biết sư thầy đó là ai!

Tôi ở đảo Songkla chừng hơn nửa năm, được phái đoàn Mỹ phỏng vấn, rồi được bảo lãnh thẳng sang Cali nơi cha mẹ tôi đang ở. Tôi phải lo học lại từ đầu, tất cả những kỷ niệm trên đảo được nhấn chìm tận đáy tâm hồn vì tôi không còn thì giờ để suy nghĩ chuyện gì khác nữa ngoài việc học, đi làm thêm buổi tối để trang trải cho cuộc sống.

.

Mười năm sau đó, tôi ra trường về ngành quản lý doanh nghiệp, cuộc sống tất bật lo toan. Những người bạn trai đến với tôi rồi đi, không ai để lại trong tôi một nỗi nhớ băn khoăn nào cả.

Công ty tôi làm về may mặc những bộ quần áo suit cho đàn ông, tôi làm trong ngành quản lý, coi về doanh số thu mua, mướn người mới v..v… Đã ba năm nay chúng tôi làm việc dưới quyền David, một quản lý người bản địa, ông thật dễ tính, lúc nào cũng vui vẻ cười đùa, mua đồ ăn sáng hay café cho chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ ông nhắc nhở về những con số tăng giảm của thị trường cả, hình như ông không muốn gây nỗi stress lên những nhân viên, những người làm công ăn lương nên ông giữ tất cả trong lòng chỉ một mình ông lo thôi.

Bỗng một hôm ông họp chúng tôi lại và nói:

-Sáng mai mọi người hãy đến sớm một chút, cả sở chúng ta cùng chào đón ông Wanchai, ông là người chủ chính thức vừa về nước sau những năm làm việc ở Thái Lan, ông rất giàu kinh nghiệm trong việc quản lý và phát triển công ty…

Sáng hôm sau, xe tôi bị hư trên freeway, tôi không thể nào đến sở sớm để dự buổi họp, nên không biết mặt ông chủ Wanchai là ai; khi tôi sửa xe xong đã vào buổi trưa, mọi người cùng ăn trưa ở dưới nhà ăn với nhau, tôi phải nhanh chóng vào phòng lập tức để mở máy chạy bản phân tích bán mua cho công ty để chút nữa còn giao cho David.

Tôi làm nhanh nhanh vì sợ trễ giờ buổi chiều còn nhiều công việc, ly café mới mua xong để ngay giữa bàn đụng vào những giấy tờ ngổn ngang, đổ ào xuống mặt bàn, tất cả ướt nhẹp, cả tập hồ sơ mới in xong cũng thấm đầy café! Tôi thật khổ sở vì đã quá vội vàng muốn in cho nhanh làm luôn công việc chậm trễ buổi sáng nên mới ra nông nỗi, thật là muốn khóc luôn vì máy thì in chậm cà rịch cà tang, thêm ly café đổ hết thế này phải làm lại từ đầu thật mất công lắm!

Mặt đang xị không vui tí nào, tôi nghe tiếng nói quen thuộc trầm ấm sau lưng:

-Cô có cần tôi giúp gì không?

Đang không vui tôi trả lời sẵng giọng mà không quay lại nhìn ai:

-Không thấy café đổ đầy bàn hay sao, hãy giúp tôi đem cái khăn sạch lại đây hay cuộn giấy gì đó có được không?

-Oh hay cầm tạm cái khăn này được không…

Tôi chỉ để ý đến cái khăn tay đưa ra trước mặt, màu xanh dương thật sạch, đẹp, thơm mùi nước hoa đàn ông mà tôi vẫn thích khi vào những tiệm mua sắm. Tôi vội ngẩng lên xem chủ nhân của chiếc khăn là ai.

Chúng tôi nhìn nhau thật lâu, thật chậm, thời gian ngọt ngào như ngưng đọng lại, từng giọt café trên bàn đang nhiễu xuống đất, vang lên tong tong, khuôn miệng tôi mở tròn, cặp mắt tôi căng giãn ra. Tim đập loạn xạ. Ai thế này, là ai đây? Người của quá khứ đang đứng trước mặt tôi thật bất ngờ và hạnh phúc làm sao! anh ta cũng quá đỗi ngạc nhiên. Cặp mắt một mí dài, êm đềm như hồ nước, chiếc mũi cao vừa phải trên khuôn mặt cương trực, tôi không bao giờ có thể quên được câu hỏi của chàng hôm ấy:

“nếu có một điều ước, cô muốn ước gì?”

Tôi lắp bắp:

-Anh… anh… đi đâu đây?… Tại sao anh lại ở đây?

-Cô… cô làm ở đây sao?

-Anh không thay đổi chút nào, chỉ có là cao hơn và có da có thịt hơn thôi…

-Cô thì đã lớn lên nhiều, trở thành thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp rồi, nhưng vẫn còn nét ngây thơ của ngày xưa, đôi mắt và khuôn mặt vẫn không đổi, tôi nhận ra ngay!

-Anh mới xin vào làm đây à?… anh ngồi ở phòng nào vậy?

-Cô là người mướn tôi vào sao?

-Tôi sao? Tôi mướn hồi nào chứ, trong này đã đủ nhân viên rồi mà!

-Vậy sao còn hỏi tôi là mới xin vào đây?

Tôi gãi gãi đầu thẹn thùng vì thấy chàng lém lỉnh hơn xưa;

-Tại… anh làm tôi quýnh nên quên hết đó! Nếu anh không phải là nhân viên mới thì … anh là ai?

-Hồi sáng nghe nói xe cô bị hỏng phải không? bây giờ thế nào rồi?

-À vâng, xe tôi bị hư nên phải đem đi sửa mới vào trễ, vội vàng làm bù nên mới làm đổ café như thế này đây!… Thôi chết rồi, tôi lại chưa lau café đang đổ ướt hết giấy tờ rồi kìa.

Bây giờ vào tuổi hưu, chàng quay về kiếp tu, thiền, ăn chay, vẫn không quên được những bài tụng niệm vào đầu ngày; (Hình: TOSHIFUMI KITAMURA/AFP via Getty Images)

Chàng nhoẻn cười hiền hòa, lần đầu tiên gặp lại, tôi cảm nhận được trong nụ cười của chàng như có ngọn lửa nhỏ đốt cháy trái tim tôi. Tôi ngây người nhìn chàng, trái tim tôi loạn nhịp, tôi xoắn lấy chiếc khăn tay mà chàng đã đưa lúc nãy, cảm thấy thật thừa thãi. Chắc chàng cũng cảm thấy thái độ lạ lùng của tôi, nên vội ngồi xuống lau dùm tôi ly café bị đổ bừa bãi ra bàn và cả dưới đất.

Sau khi họp ban lãnh đạo sở, tôi mới biết chàng là giám đốc có 60% cổ phần trong công ty tôi làm, và tên là Wanchai!

Những ngày nối tiếp sau đó, tôi cảm thấy như có một động lực mạnh mẽ cho tôi dậy sớm về khuya đi làm việc, thật hạnh phúc mỗi lần bước vào sở làm, đi ngang qua phòng làm việc và thấy bóng chàng cặm cụi ngồi đó từ rất sớm đọc hồ sơ. Tôi vô cùng thắc mắc chàng đã không còn làm sư thầy nữa hay sao? chàng đã đi đâu làm gì trong cả chục năm nay để bây giờ xuất hiện giàu có như thế, so với ngày trước chàng không đủ tiền nuôi bà ngoại bệnh, cả thuê căn nhà ở cho khang trang? Tất cả những câu hỏi này tôi đành chôn kín chờ khi có dịp sẽ hỏi thôi.

Wanchai là một ông chủ trẻ rất hòa đồng, vui tính, quan tâm đến phúc lợi của nhân viên, chàng hay đề nghị những chuyến đi chơi với mọi người để có thêm tình thân, tổ chức những đội bóng đá, chèo thuyền, chụp hình cho mọi người vui chơi cuối tuần. Kỳ này chàng đề nghị đi thác nước Niagara ở New York, gần như cả sở ai cũng hân hoan vì phần lớn những công nhân trẻ di cư từ những nước nghèo đến chưa bao giờ có dịp đến nơi này. Chàng mướn một chiếc xe bus lớn 20 chỗ ngồi cho tất cả nhân viên ngồi chung nhau, ăn uống và kể chuyện vang rần trên xe thật vui.

Đến thác nước hùng vĩ thật tuyệt vời này, mỗi nhóm chia ra đi chơi riêng, hẹn sẽ quay về xe lúc buổi chiều khoảng 3:00 để về lại công ty.

Tôi đang lang thang một mình ở một góc ít người để dễ quay lại thác nước, tôi nghe tiếng chân nhẹ bước bên cạnh, tiếng nói trầm ấm vang lên:

-Em… hãy đứng vào cạnh bờ đá kia đi, anh chụp cho!

Tôi ngượng ngùng nhưng trong lòng rất thích lời đề nghị này, vội vàng nhẩy lên bờ đá khá cao sát cạnh thác nước, định bụng sẽ đứng lên đó giang hai tay rộng ra như cô đào Rose trong film Titanic vậy, tiếc là chỉ thiếu anh kép mà thôi, chưa kịp nhảy lên thì đã bị vấp cái áo đầm dài, té bật ra phía sau, Wanchai đã giang tay đỡ lấy, ôm trọn tôi vào lòng.

Ngay lúc ấy hai cặp mắt chúng tôi quấn lấy nhau như muốn nói vạn điều của trái tim!

Anh dìu tôi ngồi xuống ghế cạnh đó và trải lòng:

-Anh bị mẹ bỏ ở trước cửa chùa khi mới sanh ra vì quá nghèo và không biết cha là ai, nhờ hòa thượng ở chùa đó nuôi lớn, đến năm 16 tuổi thì bà ngoại đến xin anh ra để nuôi bà bệnh, anh không biết mình có bà ngoại và cũng chưa bao giờ gặp bà, nhưng nghe bà nói bà bệnh cần anh chăm sóc thì dù không phải bà ruột của mình, anh cũng theo để săn sóc bà. Khi anh 22 tuổi, gặp em trong trận mưa bão định mệnh ấy, đêm đó bà ngoại đã lên cơn sốt, qua đời. Anh cảm thấy cả thế giới như sụp đổ, cuộc sống quá mong manh, người thân duy nhất không còn, nên không muốn liên lạc với ai nữa.

Bỗng hòa thượng gọi anh về chùa gấp, có người muốn gặp anh, đó là người mẹ đã bỏ anh ra đi từ lúc vừa lọt lòng, bà bây giờ rất giàu có, được thừa kế một gia sản kếch xù của người chồng Mỹ, ông ta lớn tuổi hơn bà rất nhiều, ông đã qua đời. Bà muốn về Thái tìm lại đứa con đã bỏ rơi để nuôi đi học lại và chia sẻ cuộc sống giàu có hòng bù đắp mọi tội lỗi của những tháng ngày khổ sở vừa qua.

-Mười năm qua anh đã ở cùng với mẹ phải không? bà ở Thái hay ở Mỹ?

-Hiện giờ bà đang ở bên Thái, trông coi một hãng sản xuất khá lớn vải vóc, anh đã ra trường về quản lý xí nghiệp như em vậy, làm giám đốc bên đó năm năm rồi mới qua đây. Hãng bên Boston này do mẹ anh đã đầu tư 60% cổ phần chung với những người bạn rủ làm ăn, có thể sau này anh sẽ mua lại hết để mình quản lý luôn.

-Chúc mừng anh đã đoàn tụ với mẹ, chúc anh sẽ có một cuộc sống từ nay sẽ thật nhiều may mắn nhé!

-Anh sẽ… hạnh phúc hơn nữa nếu anh được đeo chiếc nhẫn này vào bàn tay trái của em dưới sự chứng kiến của thần thác hùng vĩ thiên nhiên đang chảy trước mặt chúng ta đây mà anh rất tin sẽ là thần hộ mệnh tình yêu, anh hứa trước dòng thác này sẽ đem lại cuộc sống tốt nhất cho cả hai ta…

Tôi để nguyên bàn tay trái của tôi trong tay chàng khi chàng cầm lên đeo cho tôi chiếc nhẫn lấp lánh tuyệt đẹp, vô cùng ngạc nhiên lẫn sung sướng và hạnh phúc lan dần vào trong tim giữa màn nước nhỏ li ti bắn vào người của hai chúng tôi đang sát cạnh nhau, hai dòng lệ nóng hổi vì cảm động, vì sự chờ đợi mong ước của tôi từ rất lâu đã được ông Trời run rủi!

.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, 40 năm một đời chung sống, chúng tôi chỉ có một đứa con gái duy nhất, nay đã lớn lập gia đình và ra ở riêng, chúng tôi sống trong hạnh phúc nhẹ nhàng trân quý tôn trọng từng ngày.

Bây giờ vào tuổi hưu, chàng quay về kiếp tu, thiền, ăn chay, vẫn không quên được những bài tụng niệm vào đầu ngày; mỗi lần nghe tâm hồn tôi được bình an xoa dịu.

Hôm nay từ trên tầng cao nhìn xuống dòng thác cuồn cuộn chảy, niềm xúc động, ký ức xưa tràn về

Trên đường quần ngựa, chiều kia…
Em ơi, anh muốn dựng bia ân tình
Khi anh qua đó một mình
Thấy còn in bóng in hình đôi ta.
(Kỷ Niệm- Xuân Diệu)


Sỏi Ngọc Mars 29-2024

1 comment:

  1. Một thiên tình truyện thật đẹp, thật dễ thương với ngòi bút nhẹ nhàng pha chút chất Thiền.

    ReplyDelete