Quán ẩn mình dưới bóng
mát của một hàng dương trên một mảnh đất gần con đường xuyên Viêt, nơi du
khách thường dừng lại nghỉ ngơi đón gió biển vì từ đó về tới Sài Gòn cũng còn
mất vài giờ lái xe.
Trước đây quán rất
đông khách nhưng từ ngày kinh tế khó khăn xe du lịch qua lại không nhiều, chỉ
còn bọn trẻ địa phương thỉnh thoảng ra tắm biển, khi mệt nằm dài trên bãi cát
trước quán. Đôi lúc họ cũng vào quán mua vài lon nước ngọt, nhưng hình như họ là
sinh viên nên không tiêu xài rộng rãi như những du khách, nhất là du khách Việt
kiều. Những buổi chiều vắng lặng bà chủ quán chỉ biết buồn buồn thở dài, và cô
tiếp viên cũng buồn không kém, hết đứng lại ngồi, phủi bụi bàn ghế ngoài mái
hiên, mặc dù chúng vẫn sạch sẽ vì mới được lau chùi.
Ông ta thường tới vào
những lúc hoàng hôn, ngồi tại cái bàn ngoài cùng gần bãi cát và chỉ gọi độc
nhất một món cà phê sữa. Ông ta ngồi đó nhìn ra biển, trầm lặng đến u buồn, và
hầu như không biết đến người xung quanh. Ly cà phê nhiều khi còn nguyên vẹn khi
ông ta đứng lên ra về.
Khi ông ta tới lần đầu
tiên Liễu tường ông ta cũng chỉ là một du khách như mọi người. Ông ta đi chậm
chạp, tay cầm cây gậy ngắn vì đã có tuổi. Thế nhưng khi ông ta trở lại nhiều
lần sau đó thì Liễu biết rằng ông ta chỉ là một người khách địa phương. Kể ra
cũng lạ, chỗ này hẻo lánh, không có mấy khách sang trọng như ông ta. Chiếc
Toyota đen bóng đậu lại bên đường, người tài xế nhanh nhẹn mở cửa xe đỡ ông ta
xuống, cúi đầu khi ông ta nhỏ nhẹ cám ơn, và yên lặng đứng nhìn ông ta ngồi hẳn
xuống ghế rồi mới đem xe đi đậu ở một chỗ nào đó, một vài giờ sau mới trở lại
đón ông ta về.
Ông ta trở thành thân
quen đến độ thấy ông ta là Liễu tự động pha cà phê mang ra, không cần ông ta
gọi, và lần nào cũng thế, ông ta chỉ nhỏ nhẹ cám ơn. Ông ta ngồi lâu hơn bất cứ
người khách nào nhưng bà chủ cũng như Liễu không bao giờ phiền lòng vì quán
vắng, và khi đứng lên ông ta luôn luôn để lại một món tiền cho Liễu, đôi khi
nhiều hơn cả giá của ly cà phê.
Một lần thấy ông ta
khó khăn cúi lượm cây gậy rơi dưới đất, Liệu chạy lại nhặt dùm, và đỡ ông ta
ngồi ngay ngắn lại trên ghế. Ông ta mỉm cười:
- Cám ơn cô nhé. Có
tuổi rồi nên làm cái gì cũng khó khăn.
Liễu vội vàng:
- Dạ, không có chi.
Được dịp, Liễu hỏi
thăm người khách quen nhưng vẫn còn rất xa lạ:
- Bác ở gần đây?
Ông ta gật đầu:
- Cũng gần, ngay ngoại
ô Phan Rang đây thôi.
Lần đầu tiên nghe ông
khách nói nhiều, Liễu ngạc nhiên nhận ra giọng nói của ông ta không phải là của
người điạ phương:
- Quê bác chắc không
phải ở vùng này?
Ông ta ngước mắt nhìn
Liễu mỉm cười, một tay vẫn vịn đầu gậy, một tay chìa ra chỉ chiếc ghế trống:
- Nếu cô không bận,
mời cô ngồi.
Liễu cám ơn và rụt rè
ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Nụ cười của ông ta thật hiền từ, nhưng giọng nói
thoáng buồn:
- Quê tôi tuốt ngoài
Bắc Ninh. Về thăm một lần đã khá lâu. Chắc là tôi chẳng bao giờ trở lại.
Liễu gật đầu:
- Cháu cũng đoán bác
là người Bắc. Chắc bác vô đây sau ngày “giải phóng”?
Ông ta lắc đầu, nụ
cười buồn trên môi:
- Không. Tôi là “bắc
kỳ 54”, gia đình tôi di cư vào Nam khi tôi còn bé tí!
- Ồ! Thế ra bác lập
nghiệp ở đây hả? Cháu ít thấy người Bắc ở vùng này, bây giờ gia đình bác ra
sao?
Liễu nghĩ tới chiếc xe
hơi mới tinh, tới người tài xế lễ phép, và đoán là nếu ông ta không phải là một
thứ “đại gia” thì cũng là một cán bộ cao cấp vừa hồi hưu, tuy nhiên Liễu ngạc
nhiên không hiểu là vùng đất khô cằn này có gì cho ông ta lưu luyến.
Đưa mắt nhìn ra khơi,
đôi mắt tinh anh sâu thẳm nhưng lúc nào cũng thoáng buồn, ông ta nhỏ nhẹ:
- Chỉ có mình tôi ở
đây.
- Sao bác lại chọn chỗ
này? Sài Gòn hay Hà Nội có phải vui hơn không.
Bất chợt ông ta hỏi:
- Cô biết bãi biển
Ninh Chữ không?
- Dạ, cháu biết.
Giọng của ông ta trầm
xuống hầu như đang nhớ tới cái gì rất xa xôi:
- Ngày xưa thời VNCH
có một duyên đoàn của Hải Quân đóng ở đó. Tôi là lính duyên đoàn, mấy năm rồi
mới đổi xuống tàu đi biển.
Liễu thở ra:
- Vậy là cháu hiểu
rồi. Bác về đây sống vì những kỷ niệm cũ.
Ông ta bật cười:
- Nghe cô nói như là
đang đọc một truyện tình.
Liễu cũng cười, chống
chế:
- Hồi học cấp ba cháu
cũng giỏi văn lắm. Chỉ tiếc là không có điều kiện theo học đại học. Mà thôi,
bác nói tiếp đi. Cháu nói vậy có đúng không?
- Cũng đúng một phần.
Tôi quả có một mối tình ở nơi này, về đây vì tôi cũng còn rất yêu biển, và cần
khí hậu ấm áp để dưỡng bệnh.
Liễu ái ngại:
- Bác bệnh gì vậy?
Trông bác quả có hơi yếu.
- Nhiều thứ lắm. Áp
huyết cao, phong thấp, mới đây lại bị “stroke”, may mắn không chết, dù đã gần
khỏi nhưng đi đứng vẫn còn khó khăn. Ở bên Mỹ các con tôi đều bận rộn với gia
đình riêng nên tôivề bên nàyđể chữa trị.
- À, bác là Việt kiều,
thảo nào…
Liễu ngập ngừng không
nói tiếp. Ông ta cũng không nói gì thêm, mắt vẫn nhìn xa vắng. Đúng lúc đó
người tài xế trở lại. Anh ta cũng đã khá nhiều tuổi, người thấp bé nhưng
còn rất tráng kiện, lúc nào cũng như cái bóng, yên lặng đứng sau lưng ông ta
đợi chờ. Ông ta vịn vào cạnh bàn đứng lên:
- Cám ơn cô nhiều lắm.
Nghe bà chủ gọi cô là cô Liễu, phải không?
Liễu cũng đứng lên:
- Dạ. Cháu chào bác.
Lần tới bác nói chuyện bên Mỹ cho cháu nghe nhé. Chắc là vui lắm.
- Ở đâu cũng có những
chuyện vui buồn. Thôi, chào cô nhé.
Người tài xế đỡ nhẹ cánh tay để ông ta đứng vững, nhưng rồi lùi lại phía sau, để mặc ông ta chậm chạp bước vì hình như ông ta quyết tâm, không muốn ai phải nâng đỡ mình. Liễu nhìn theo bóng dáng ông ta cho đến khi người tài xế mở cửa xe đỡ ông ta lên mới tần ngần xếp lại ghế ngồi, và mang đổ ly cà phê còn gần như nguyên vẹn.
******
Khi người khách trở
lại lần sau đó, Liễu rụt rẻ hỏi thăm và được biết tên ông ta là Nguyễn. Vẫn đôi
mắt nhìn xa xôi nhưng ông Nguyễn đã bớt lạnh lùng, mời Liễu ngồi và thân mật
nói chuyện đời với Liễu như thể là đã quen biết từ lâu.
“Hồi đó tôi còn trẻ
lắm,mới hơn 20 tuổi! Người ta cứ nói lính Hải Quân đa tình bay bướm, nhưng tôi
chỉ yêu một mình cô ấy, và đến tuổi này nghĩ lại những ngày hoa bướm đó tôi vẫn
cảm thấy êm đềm. Cô ấy là nữ sinh, thỉnh thoảng mặc áo dài trắng đến thăm tôi
tại đơn vị vì tôi ít khi được ra ngoài.
Lúc đó làm gì có cell
phone cho chúng tôi hẹn hò, chiều chiều nếu không bận công vụ tôi đứng bên hàng
rào doanh trại, lóng ngóng đợi chờ. Hôm nào thấy bóng cô ấy tôi vui như chưa
bao giờ vui thế. Gặp nhau cũng chỉ để ngồi với nhau trong câu lạc bộ, thủ thỉ
chuyện trò cho đến khi hoàng hôn xuống là cô ấy phải ra về.
Ngày tôi phải đổi
xuống tàu biển, tôi cuống quít cầu hôn với cô ấy, và may mà được gia đình cô ấy
bằng lòng. Mẹ cô ấy vẫn ngại đời lính tráng, và chiến tranh lúc đó đang khốc
liệt, nhưng cũng đành để tôi mang cô ấy về Sài Gòn sống với gia đình tôi, trong
lúc tôi đi biển, lâu lâu mới được về thăm nhà một lần.
ThángTư năm1975 tàu
tôi được biệt phái ra Phan Rang ngăn chặn bước tiến của Bắc quân. Pháo từ xe
tăng trên bờ bắn ra trúng đài chỉ huy, một mảnh đạn nhỏ văng trúng đầu tôi, đi
vào óc, và vẫn còn nằm trong đó đến bây giờ. Tôi chỉ bị thương nhẹ nhưng mảnh đạn
oan nghiệt đó không thể lấy ra vì giải phẫu óc rất nguy hiểm. Lâu lâu tôi vẫn
có những cơn đau buốt tưởng như không chịu được nhưng trông tôi vẫn bình
thường, và tôi vẫn làm việc như thể là chưa bao giờ bị thương.
Cũng may mắn là dù bị
bắn, tàu tôi cũng giải cứu được một đơn vị bộ binh, đưa họ về Sài Gòn, và tôi
kịp đón gia đinh di tản vào cuối tháng Tư. Lúc đó chúng tôi đã có đứa con trai
đầu lòng mới sinh được vài tháng. Cha mẹ tôi không chịu đi theo chúng tôi vì cứ
sợ qua Mỹ không biết làm gì để nuôi nhau!
10 năm sau tôi mới đón
được bố mẹ sang, sau khi tôi đã tốt nghiệp một trường cao đẳng chuyên nghiệp,
và đi làm cho Cisco, một hãng hi-tech tại thành phố San Jose, California. Tôi
may mắn gia nhập công ty từ thuở ban đầu,công ty lớn mạnh và cũng như bao nhiêu
nhân viên khác, tôi được tưởng thưởng một số cổ phần, trở nên sung túc, và sớm
thành một triệu phú ở nơi xứ lạ quê người. Chúng tôi cũng có thêm hai cháu gái,
và cả ba cháu bây giờ đã tốt nghiệp đại học, có gia đình riêng và đều có một
cuộc sống trung lưu khá vững vàng. Thế nhưng trời cho cái này thì lấy đi cái
khác cô Liễu à. Cơn đau trong óc càng ngày càng mãnh liệt và xảy ra thường
xuyên hơn. Những lúc như vậy tôi chỉ muốn chết. Nhà tôi thương tôi nhưng cũng
không biết làm gì hơn là ngồi trước bàn thờ, đọc kinh cứu khổ cứu nạn, mong
Phật Bà Quan Thế Âm thương xót tôi mà xoa dịu bớt cơn đau. Có nhiều hôm tôi
thiếp đi, khi tỉnh dậy vẫn thấy nhà tôi ngồi im lìm cúi đầu, hai tay chắp trước
ngực, cầu nguyện cho tôi suốt đêm thâu.
Tôi bỏ việc làm, và
nhà tôi cũng vậy, để ở nhà chăm sóc tôi. Tôi được bệnh viện Stanford cho thử
nghiệm một thứ thuốc mà họ mới phát minh nhưng chưa rõ hiệu quả ra sao. Tôi
tình nguyện vì nghĩ rằng ít ra cũng có chút hy vọng dù không rõ hậu quả của
thuốc có gì tai hại hay không. Thuốc làm tôi hết đau nhưng chỉ được vài giờ, và
tôi phải uống vài lần mỗi ngày. Mỗi lần uống xong tôi muốn như mê đi, nhưng dù
sao cũng giúp tôi sinh hoạt gần như bình thường. Nhà tôi vẫn cầu nguyện, nhưng
không còn phải thức suốt đêm như xưa, cho đến một ngày…
Cơn đột quỵ đến bất
thình lình, không biết có phải vì hậu quả của thuốc hay không, tôi ngã gục ngay
lúc sáng sớm, khi vừa ra khỏi giường. May mà nhà tôi gọi được xe cấp cứu, đưa
tôi vào bệnh viện điều trị nên tôi sống sót, nhưng cũng phải tập luyện cả năm
mới đi lại được như bây giờ. Sau cơn bạo bệnh đó tôi thấy cái chết như gần kề,
tôi bỗng nhớ quê hương, nhớ đường biển xưa, nhớ nơi tôi đã có một mối tình vĩnh
cửu, nên tìm về chỗ này. Người già sống với dĩ vãng cô ạ. Cô thấy tôi thường ra
đây ngắm biển, vì lúc nào tôi cũng tưởng nhớ đến những ngày tháng êm đềm năm
xưa.”
Liễu ngắt lời ông
Nguyễn:
- Bác gái đâu, có về
VN với bác không?
Ông Nguyễn lắc đầu:
- Không. Nhà tôi ở lại
bên đó trông nom đứa cháu ngoại mới sanh vì con gái út của tôi không được khoẻ.
- Ồ, thế thì ai chăm
sóc bác ở bên này?
- Có đứa cháu gái bên
vợ, và anh Hiệp, người lái xe cho tôi.
Ngừng lại một phút,
ông Nguyễn thở dài nói tiếp:
- Tôi cũng đã bình
phục gần như xưa, dù chậm chạp nhưng có thể tự chăm sóc vệ sinh cho chính mình.
Khi tôi đòi về VN sống, nhà tôi cũng băn khoăn lắm nhưng nhờ có tài chính đầy
đủ và lương hưu, nên chúng tôi xoay sở cũng dễ dàng. Vài tháng tôi lại qua Mỹ
một lần, thăm con cháu và khám bệnh lại cho nhà tôi yên tâm.
- Bác vẫn còn uống
thuốc giảm đau mà bệnh viện đang thí nghiệm?
Ông Nguyễn gật đầu:
- Biết làm sao bây
giờ. Không có thuốc tôi như người chết dở. Được ngày nào hay ngày ấy, cô ơi.
******
Ông Nguyễn trở thành
người bạn vong niên của Liễu. Thoáng thấy bóng chiếc xe hơi là cô vội vã chạy
ra, phụ với anh Hiệp mở cửa xe cho ông, và mỗi lần ông ra về, cô theo ra tận
xe, quyến luyến đứng nhìn cho đến khi chiếc Toyota khuất bóng. Chiếc bàn nơi ông
Nguyễn ngồi lúc nào cũng sạch bóng, và cô muốn dành riêng cho ông, không bao
giờ đưa khách lạ tới đó. Ông Nguyễn vẫn tới đó rất đều đặn, vẫn xa vắng nhìn ra
biển khơi, thỉnh thoảng nói với Liễu về những bến bờ xa lạ mà ông ta đã có dịp
ghé qua hơn một lần.
Ông cũng cho Liễu xem
tấm hình đứa cháu gái lên 10 đang ngồi chơi Piano. Liễu hỏi con bé có biết nói
tiếng Việt không, ông lắc đầu, cười tủm tỉm:
- Nó chỉ nói được ba
tiếng: “Ông”, “Bà” và... “Phở”.
Liễu bật cười, và ông
Nguyễn cũng cười.
Cứ như thế, ngày nào
Liễu cũng chờ ông khi trời vừa tắt nắng. Thế nhưng hơn tuần nay không thấy ông
Nguyễn tới. Liễu băn khoăn nhưng đoán là trái gió trở trời, ông ta đau ốm nên
nằm nhà. Mỗi lần nghe tiếng xe hơi ngoài xa lộ là Liễu đưa mắt nhìn. Những chiếc
xe vụt qua như bóng thời gian, hơn tháng trời, mới lại thấy chiếc xe Toyota đen
bóng. Không đợi cho xe ngừng hẳn, Liễu chạy vụt ra nhưng rồi chợt thấy hụt hẫng
vì chỉ có chú Hiệp lái xe, không thấy ông Nguyễn ở băng sau, chỗ ông thường
ngồi.
Hiệp mất hẳn vẻ nhanh
nhẹn thường ngày, chập chạp ra khỏi xe, cúi đầu khi gặp ánh mắt dò hỏi của
Liễu. Chừng như lâu lắm chú mới khẽ thở dài:
- Ông cụ về Mỹ rồi.
Liễu hỏi tới:
- Rồi bao giờ trở lại?
Hiệp lắc đầu:
- Không trở lại nữa
đâu... ông cụ mất rồi.
Liễu thảng thốt đưa
tay che miệng:
- Trời!
Hiệp buồn bã:
- Hơn tháng trước bỗng
dưng những cơn đau càng ngày càng dồn dập. Thuốc uống hầu như liên tục, cuối
cùng ông cụ quyết định trở về Mỹ để giải phẫu. Bà cụ đã ngăn cản ông cụ nhiều
năm vì sợ nguy hiểm, nhưng cuối cùng cũng đành. Giải phẫu xong ông cụ đi vào
hôn mê, và vài ngày sau thì mất.
Liễu đứng thẫn thờ
trong lúc Hiệp cố ngăn niềm xúc động, nói như thì thầm:
- Ông cụ tốt với tôi
lắm, thường cho tôi tiền để tôi gửi về Bắc tặng mẹ tôi. Nguyên tôi là bộ đội
phục viên, nghèo không nuôi nổi thân, lang bạt đến tận nơi này, may được người
nhà ông cụ mướn lái xe. Ông cụ coi tôi như người nhà, kể chuyện đời mình, tôi
cũng chẳng giấu ông cụ, nói cho ông cụ biết là tháng Tư năm 75 tôi là người lái
xe tăng tiến quân qua vùng này. Tăng của chúng tôi bắn vào chiếc chiến hạm của
VNCH đang ủi bãi vớt người, và có thể tôi là người đã gây ra mảnh đạn oan
nghiệt đó trong đầu ông cụ. Tôi thật là ân hận.
Nghe tôi nói thế ông
cụ chỉ cười, vỗ vai tôi: “Đâu có phải lỗi tại chú. Chúng mình đều là chiến
binh... Chiến tranh ngày đó đã qua rồi.”
Hiệp dụi mắt, móc
trong túi quần đưa cho Liễu một phong bì dầy:
- Ông cụ để lại di
chúc, tặng tôi chiếc xe này để tôi chạy taxi, làm kế sinh nhai. Ông cụ cũng nhờ
tôi đưa tặng cô ít tiền, để cô đi học đại học, và cám ơn cô đã bầu bạn với ông
cụ những ngày qua.
Liễu đưa tay nhận
chiếc phong bì, lòng nặng trĩu u buồn:
- Cám ơn chú. Gia đình
có đưa ông cụ về an táng tại VN không chú?
Hiệp lắc đầu:
- Nói chuyện điện
thoại với gia đình bên đó tôi mới được biết là ông cụ đã được hỏa táng, tro rắc
ngoài biển… Thôi thế cũng là xong.
- Có liên lạc qua bên
đó chú cho Liễu gửi lời phân ưu tới bà cụ, và xin cám ơn tấm lòng rộng lượng
của ông cụ cùng gia đình.
- Vâng. Thế nào tôi
cũng sẽ chuyển lời. Bây giờ tôi về nhé. À, còn một ít sách vở của ông cụ, tôi
biết là ông cụ rất muốn để lại cho cô. Tôi sẽ mang ra đây để cô giữ làm kỷ
niệm.
- Cám ơn chú.
Hiệp gật đầu chào, lủi
thủi chui vào xe. Khi xe đã lăn bánh và mất hút trên xa lộ Liễu mới buồn bã đi
tới cái bàn và ngồi xuống cái ghế ông Nguyễn thường ngồi. Cô đưa mắt nhìn ra
biển và nói như thể là ông Nguyễn đang ngồi bên:
- Cuối cùng thì bác
cũng về với biển, nơi chốn bác yêu thương.
Liễu mở chiếc phong
bì. Xấp tiền có lẽ thừa cho cô theo đuổi mộng văn chương ở đại học như cô từng
ước mơ, thế nhưng cô không thấy vui. Cô cúi mặt, và một giọt nước mắt ứa ra,
đọng nơi khoé mắt cùng với tiếng thở dài.
Trần Quang Thiệu
No comments:
Post a Comment