Học đông học tây, bằng này cấp nọ, vậy mà tôi vẫn giật mình khi đọc bài House & Home của kts Võ Thành Lân.
Té ra, căn nhà nhìn thấy được, sờ mó được, ra vào để trú ngụ được, nó chỉ là house thôi. Còn home, cũng là cái nhà đấy, nhưng nó khác xa lắm.
Home - nhà tôi, là nơi mà tình yêu và nhớ nhung của ta luôn hướng về, nơi gìn giữ bền vững cội nguồn, nơi chứa đựng vô vàn kỷ niệm.
Thế nhưng, xoay quanh
cái home ấy, mỗi thời, cách nhìn nhận về home cũng mỗi khác, mỗi thế hệ, thái
độ ứng xử với home, cũng có ít nhiều bi hài xoay quanh.
House & Home, một
tản văn thú vị và đáng đọc!
******
Có nhiều từ mà người Việt chúng ta khi nói, khi viết, thường dùng với khái niệm rất chung chung, ví dụ như từ “nhà”.
“Nhà”, hàm nghĩa rất
rộng. Theo chức năng thì có: nhà ở, nhà ăn, nhà thương, nhà hát, nhà quốc hội,
nhà vệ sinh, nhà thổ. Theo chức danh thì có: nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà
nghiên cứu, nhà phê bình. Theo hình thức thì: nhà biệt thự, nhà cao tầng, nhà
tranh, nhà ngói, nhà lá. Theo đánh giá thì: nhà nghèo, nhà giàu. Ôi chao, vô số
“nhà”, cơ man “nhà”, và, có một từ, gần như nghĩa của nó bao gồm tất cả: “nhà
tôi”.
Trong khuôn khổ tản mạn này, người viết chỉ muốn nói một chút chơi, về khái niệm gần gũi và thiết thân nhất của từ “nhà” theo tiếng Anh “house - home”.
Người Mỹ có câu rất hay để phân biệt house và home: your house is nice, but I want to go home (nhà anh thì đẹp đấy, nhưng tôi chỉ muốn về nhà mình).
Đến đây, lại sực nhớ
câu mà các lãng tử thường nghêu ngao: giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / nghe tiếng
cơm sôi cũng nhớ nhà (Giang Hồ - Phạm Hữu Quang).
Nhưng than ôi, thời buổi bây giờ, nấu cơm bằng nồi cơm điện thì làm sao mà nghe được tiếng cơm sôi. Muốn nghe được cái âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ mép của chiếc nồi gang, đặt trên bếp cà ràng ông táo, củi cháy phừng phừng đút phía dưới.
Muốn nghe được âm thanh reo vui ấy, chỉ có thể là từ nơi mà bà mụ bắc ấm nước đỡ đẻ cho mẹ ta. Từ nơi mà nước trong ấm ấy, được lấy từ cái giếng sau hè, do ông nội ta đào để uống, để tưới hàng cau của bà nội, trồng hai bên lối vào nhà.
Rồi thì cái bộ phản ăn
cơm từng là nơi ta nằm ăn đòn, vì ham chơi trốn học, là do công của bố và chú
ta xẻ trên rừng kéo về, cả mấy cây cột, cây kèo cũng thế. Cho nên ở đó, ở nơi mà từng tấc vuông sống,
đều ngập hơi ấm bàn tay của những người thân thuộc, chắt chiu dựng xây, không
chỉ ngôi nhà, mà còn se chỉ để thắt, bện những sợi dây vô hình, nối kết con
người và lịch sử, nối kết quá khứ vào hiện tại. Bởi thế, hỏi sao mà, ta chỉ
muốn về nhà mình thôi.
******
Có một đôi, tuổi đã sồn sồn sắp lấy nhau, cần khẩn cấp một tổ uyên ương đến gặp tôi, nhờ vẽ giúp nhà. Tôi bảo, ông bà cần gì, thích gì, nói hết ra xem. Chàng từ tốn trình ra bảy, tám, ý thích, yêu cầu. Còn nàng, tất nhiên là gấp đôi.
Trước gần hai mươi cái gạch đầu dòng, tôi phân tích cho họ hiểu là chúng đá nhau loạn xạ, nên, muốn có cái này, phải bỏ qua cái kia. Chưa dứt lời, thì giữa chàng và nàng, đã xảy ra một trận võ mồm chí chóe, ỏm tỏi. Ai cũng cho ý của mình là đúng, dứt khoát phán theo kiểu hạ thủ bất quờn, để rồi tiếp theo, cả hai hầm hầm phủi đít ra về quên cả chào kiến trúc sư.
Cái hợp đồng góp gạo nấu cơm chung ấy, xem ra vẫn còn vô số điều khoản, mang màu sắc cá nhân, chưa thỏa thuận được. Nghĩa là, còn lâu, kiến trúc sư cứ việc ngồi đó mà hóng tiếp nhé.
Giới trẻ "hiện đại" bây giờ, nhìn về về cái home tương lai của mình theo tiêu chí 3C: condo - car - credit card. Nơi hẹn hò giờ đây, không phải là cây rơm còn thơm mùi lúa mới, hay bóng tre bên bờ ao, hay giậu mồng tơi xanh rờn như cha thơ sĩ nhà quê nhát cáy nào đó mô tả. Chỉ cần bấm một cái tin nhắn tới một địa chỉ năm chục một giờ, bảy chục hai giờ nhan nhản ngoài phố, cho nó nhanh. Cuộc đời chỉ là những việc cần giải quyết thế thôi, chẳng gì phải lăn tăn.
Người Pháp có câu: mỗi ngôi nhà là một ước mơ. Đúng thế, khi vào tuổi trưởng thành, ai cũng từng có một giấc mơ, mơ về một “ngôi nhà và những đứa trẻ”, nhưng đôi khi lại quên rằng, để biến những giấc mơ ấy thành hiện thực thì phải tự làm lấy là chính.
Về những đứa trẻ thì
không ai dạy, cũng làm rất hăng. Riêng ngôi nhà thì có khi lại trao giấc mơ của
mình vào tay người khác, các kiến trúc sư. Mà các kiến trúc sư, tài giỏi mấy,
cũng chỉ thiết kế ra được những cái house để ở chứ làm sao mà vẽ ra được cái
home?
Và các bạn cũng nên biết thêm, rằng có đến 80% các kiến trúc sư đều trở nên bối rối, khi phải tự thiết kế và xây dựng ngôi nhà cho chính mình (20% còn lại thì chưa đủ tiền để xây nhà). Nên, nếu có ai thắc mắc với các kiến trúc sư, vậy chứ khi xây nhà cho mình, chắc các ngài có nhiều ý tưởng hay ho mới lạ lắm, phải không? Thì phần lớn sẽ được nghe trả lời: Ối giời, ý tưởng cái mẹ gì, làm nhanh để có chỗ ở và làm việc, bả thích gì thì cứ theo đó mà làm cho nó yên chuyện.
Thời nay người ta đi
mua căn hộ tái định cư, cao cấp, đẳng cấp gì gì đó, với quan tâm hàng đầu là,
nếu có sự cố thì tôi thoát ra bằng đường nào. Nỗi lo này là thực tế, thực tế
như là, có dễ bán, có dễ cho thuê không.
Cứ thế, chưa vào đã
tính thoát ra, chưa ở đã tính bán đi. Cho thấy, đơn giản, đó chỉ là một cái
house hay apartment tạm trú qua ngày. Lên voi người ta xây lâu đài biệt phủ. Xuống chó, thì bị nhét
vào cái hốc nhỏ trong căn nhà to, mà nghiền ngẫm cái sự đời. Cái sự đời hướng người ta chúi mũi
vào chiếc Lexus mà quên mất cây Ô Liu. Và như thế, kết quả cuối cùng không mấy
khó để đoán ra.
Chiếc Lexus và cây Ô
Liu, luôn là bài toán và vấn đề khó giải. Khó, nhưng không phải là không thể.
******
Từ xa nhìn thấp thoáng thấy chiếc cổng làng, cảm tưởng dường như mình đã về đến nhà. Dường như đã về đến nhà, vì nơi đó, tôi sẽ gặp những người quen biết, thân thương; vì nơi đó, tôi có thể lang thang đêm ngày mà không e ngại bất cứ điều gì; vì nơi đó, tôi có thể trút bỏ lại sau lưng, tất cả những phiền toái lo toan, đa đoan vướng bận, sách nhiễu nhì nhằng, mệt mỏi ám ảnh. Cái nơi mà, khái niệm về quê hay về nhà là một khái niệm không thể tách rời.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ ecological (sinh thái, chất lượng của môi trường) được xuất phát từ chữ Hy Lạp: oikos (ngôi nhà), cho nên, không chỉ “quê tôi, ai cũng có một dòng sông bên nhà”, mà còn là, quê tôi, nơi cho tôi một tình yêu để quay về.
Hỏi rằng người ở quê
đâu,
Thưa rằng tôi ở rất
lâu quê nhà
(Chào Nguyên Xuân -
Bùi Giáng)
Alexandre Yersin đến
Nha Trang từ cái thời, nơi đây còn là một vùng biển hoang sơ. Ông sống, làm
việc rồi một thân một mình chết ở xứ sở xa xôi này. Ông có “gửi nắm xương tàn
nơi đất khách quê người” như trong mấy câu vọng cổ ai oán hay ngân nga không nhỉ?
Không, ông đã sống và mất đi
trong cái home chung thân thiết của cả một miền quê, của cả nhân loại. Cái home
ông tự tạo dựng bằng tấm lòng nhân ái cao cả của mình. Một cái home thật sự, không nhất thiết phải có
“ngôi nhà và những đứa trẻ”, mà nó là một không gian rộng lớn, một homeland,
quê nhà thân thương và quyến luyến.
******
Đêm nhớ về Sài Gòn,
bóng mẹ hiền mờ mờ bên sông, mắt người tình một trời mênh mông (Đêm Nhớ Về Sài
Gòn - Trầm Tử Thiêng). Nhớ về, nhớ về Sài Gòn, giờ đây chính là nhớ về mẹ; giờ
đây, chính là nhớ về bạn bè, chính là nhớ ánh mắt người tình. Còn đâu một Sài
Gòn - homeland (quê nhà, nơi ta sinh ra và lớn lên)? Nếu có còn chăng, chỉ là
một quê nhà như chiếc vỏ rỗng màu mè, chứa những tàn phai, để ai kia, vội vã
trở về, rồi lại vội vã ra đi.
Nhưng vẫn phải nhớ về,
cái nỗi nhớ cứ canh cánh trong lòng, bởi lơ mơ “sẽ không lớn nổi thành người”
(bị dọa thế mà).
Ôi, giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa.
Tội nghiệp thằng bé!
Võ Thành Lân
Một bài đọc thấm nhẹ lòng người ! Nhớ ! nhớ ! nhiều...miên man...
ReplyDelete