Pages

Monday, May 6, 2024

Những Cái Bằng - Gió Đồng Nội



Thời mà tôi cắp sách đến trường học thì chỉ cần đủ điểm hai kỳ thi lục cá nguyệt và có học bạ tốt là được lên lớp, không phải thi lấy bằng Tiểu Học, Trung Học gì cả. Không phải thi có nghĩa là thoát được biết bao ngày khan cổ học bài ra rả như chim cuốc kêu mùa hè, ve sầu kêu mùa hạ, chim quạ kêu mùa đông để kiếm lấy cái bằng đem về lộng kiếng, treo lên tường hù dọa những người ít chữ. Chỉ còn phải thi Tú Tài bán phần rồi toàn phần là được quyền làm sinh viên rồi. Làm sinh viên là làm người lớn. Nghe oai dễ sợ, dù vẫn còn trong cái tuổi "teen" mười tám, mười chín. Ngày xưa, khi nghe người lớn chọc nhau: nhỏ không học lớn làm Đại Úy tôi không hiểu họ mỉa mai những ông sĩ quan đánh trận giỏi nhưng không giỏi về học vấn. Rồi đến câu vè: Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ. Cấp bậc Sĩ Quan và Hạ Sĩ Quan chỉ khác nhau ở mảnh bằng Tú Tài I. (Sau này bỏ thi Tú Tài I, chỉ còn Tú Tài II) Chương trình bậc Tú Tài đâu có dạy con người lối xử sự đẹp với nhau, cũng chẳng dạy con người cách ăn ở sao cho phải đạo. Mà là từ bậc Tiểu Học. Những môn Công Dân, Đức Dục đã dạy cho đứa trẻ biết kính trên, nhường dưới, biết bổn phận một người con trong gia đình, một người dân trong xã hội. Có Học còn phải có Hạnh mới thành Nhân. Học mà thiếu Hành thì chẳng giúp được gì dù là cho chính bản thân, chỉ là một mớ từ chương nhét trong đầu.

Không chỉ người Á Đông mời trọng bằng cấp, Tây Phương cũng quý bằng cấp vậy. Có khi còn hơn chúng ta nhiều. Bằng cớ là họ đưa ra hằng ngàn loại bằng khác nhau. Nào là những cái bằng chứng thực hiểu biết về trí tuệ như Tiến Sĩ, Cao Học, Cử nhân.. thật khó nuốt. Thấp hơn một tí là bằng chứng nhận hai năm đại học. Dê dễ hơn một chút nữa là bằng cấp xác định khả năng chuyên môn như bằng thợ điên, thợ máy, thợ làm tóc, móng tay. Dễ có hơn nữa là bằng lái xe, và dễ ợt, chẳng cần thi cử là bằng... câu cá (nếu ta dịch chữ License là cái bằng). Học ít, học nhiều hay không học, mọi loại bằng đều phải tốn tiền vì hầu như cùng dùng trong một mục đích kiếm ăn. Kiếm lại số vốn đã đầu tư trong việc học. Cũng có không ít người cần cái bằng để cầu danh. Số người học thực sự cho kiến thức hay chỉ để giúp đời thật là nhỏ nhoi khiêm nhượng.


Hồi tôi mới tốt nghiệp bằng cử nhân, một anh bạn chồng đến rủ tôi ghi danh học trường hàm thụ mà anh đã theo. Cứ đóng đủ tiền, bảo đảm hai năm chị có cả bằng cao học lẫn tiến sĩ. Nghe đã lỗ tai quá nhưng tôi vẫn thắc mắc hỏi lại anh: Học vậy thì mình biết cái quái gì. Anh cười tỉnh bơ: “Who care”. Ai biết được. Miễn mình có mác tiến sĩ là oai rồi. Vừa nghe thế ông chồng tôi dằn mặt vợ liền: Em đi học trường đàng hoàng để dạy con chứ không phải để lòe thiên hạ đâu nhé. Thế là tôi chẳng bao giờ được làm bà tiến sĩ. Dù là tiến sĩ giấy. Tiến sĩ thật học gì nổi, khó thấy mồ. Người Mỹ học còn khờ người, huống chi mình tiếng Mỹ ăn đong. Đôi khi tôi giả vờ tiếc phải chi mình ở Việt Nam thì thế nào tôi cũng tiếp tục đi học để kiếm một mớ bằng cấp vì chữ của mình chắc dễ học hơn chăng. Cho đến một hôm tôi gặp mặt Soeur Vân từ Việt Nam sang Italy công tác, ghé Hoa Kỳ thăm một hội thiện nguyện. Tôi gọi là chị Vân. Chị trông nom một làng cùi. Chị được nhà dòng gửi về Sài Gòn học về Giáo Dục để dạy trẻ em. Thiếu bác sĩ, chị được gửi đi học Y khoa để lấy bằng ra chữa bệnh cho người nghèo trên cao nguyên. Rồi lại tiếp tục học Dược để phát thuốc. Vẫn chưa đủ, chị lại được đưa đi học Vật Lý trị liệu về chỉnh hình miễn phí cho người tật nguyền. Khi tôi hỏi cái bằng nào khó học nhất thì Chị Vân cười thật tươi, nhã nhặn trả lời: theo chị thì chỉ có mỗi một cái bằng khó học nhất là Bằng Lòng. Thật là một bài học quý giá cho tôi.


Gió Đồng Nôi

 

1 comment:

  1. Bằng cấp ở Việt Nam còn thua tờ giấy lộn, con nít ở ngoài miền Bắc học chửi nhau, đánh nhau thì nhiều, lẽ ra phải học làm người trước thì chúng lại học làm ngợm sao mà khá nổi . Cứ coi một số sinh viên Việt Nam sang nước người bị khinh chê thì biết liền .

    ReplyDelete