Pages

Sunday, June 30, 2024

Một Chút Tâm Tình Với Pulau Bidong - Nguyễn Văn Tới

                 Bản đồ trại tỵ nạn Pulau Bidong, Malaysia              

         Cầu Jetty, cây cầu lịch sử của thuyền nhân Việt Nam tại Malaysia


Cái tên Pulau Bidong nghe rất đỗi thân thương và gần gũi với nhiều người vượt biển Việt Nam lánh nạn cộng sản từ sau năm 1975 và cũng là biểu tượng của ngưỡng cửa Tự Do mà nhiều người mơ ước.  Mảnh đất nhỏ bé này là một hải đảo, cách xa tiểu bang Terengganu của Malaysia khoảng một giờ đi thuyền. Nếu có cơ hội, những người thuyền nhân năm xưa nên trở lại, chỉ một lần thôi, thực hiện một cuộc hành hương trở về vùng đất Thánh. Dù không phải là một cựu thuyền nhân tạm dung nơi hải đảo hoang vu này, đôi chân lạ lẫm không quen của tôi đã đặt chân lên Pulau Bidong trong một chuyến du lịch ngẫu hứng, cho ký ức quãng đời tỵ nạn ngày xưa lần lượt trở về trong tôi.


Nhóm bạn 10 người gồm 5 đôi uyên ương từ 2 tiểu bang Arizona và Florida: vợ chồng Bình-Ngôn, Lý-Sinh, Nhờ-Liên, Thái-Quỳnh, và vợ chồng tôi là Tới-Hòa. Chúng tôi đã lên chương trình gần 1 năm trước cho một chuyến du lịch tự do, đi theo cảm hứng, theo túi tiền, và theo sức khỏe sắp về chiều của chúng tôi. Khi đến Singapore, chúng tôi nảy ra ý định sẽ ghé hòn đảo thiêng liêng, vùng đất “muôn đời không quên” trong tâm khảm của những con người Việt Nam ra đi tìm Tự Do vào những thập niên 70, 80, và 90.

Trong nhóm 10 người, chỉ có 3 người đã từng tạm cư trên đảo Pulau Bidong: vợ chồng Quỳnh-Thái, người nữa là bà xã tôi. Những người còn lại đều đã ở các trại tỵ nạn khác nhau trong vùng Đông Nam Á như Indonesia, Thailand, hoặc Palawan, Philippines, ngoại trừ vợ chồng anh chị Bình-Ngôn đến Mỹ du học từ năm 1972. Khi tất cả chúng tôi vừa đặt chân lên hòn đảo, cái cảm giác một thời tỵ nạn năm xưa tràn về, chiếm ngập hồn chúng tôi, một cảm giác vui mừng xen lẫn một thoáng ngậm ngùi với cảnh vật tuy xa lạ mà dường như thân quen lắm.  

Chúng tôi đứng lặng nhìn rừng xanh lá phủ lên cảnh vật điêu tàn, lòng không khỏi ngậm ngùi, những nấm mộ phủ dầy cỏ dại, giây leo đan gần kín những cái tên họ Việt Nam khắc vụng về trên các bia mộ. Đó là những mảnh đời tan vỡ, những hy vọng chưa kịp nở hoa đã lụi tàn giữa biển cả mênh mông. Quang cảnh vắng lặng tiêu điều, gió biển rì rào len lỏi qua khu rừng xanh lá, cứ ngỡ các linh hồn đang trở về trong gió khiến tâm hồn chúng tôi xôn xao một cảm giác bâng khuâng lạ kỳ.

Ký ức của một thời tỵ nạn ùa về, không ai bảo ai, chúng tôi cúi đầu bồi hồi, để tâm hồn hoang mang đi ngược về quá khứ, từng hình ảnh những tang thương, xơ xác, những mất mát, những xác thân hao gầy, mòn mỏi ngày mới đến. Người xa lạ, kẻ thân quen, tất cả chúng tôi chợt xúc động mãnh liệt như hòa vào với vẻ tiêu điều trước mặt, chúng tôi thật sự cảm nhận được hồn dân tộc Việt Nam như vẫn còn hiện diện quanh đây.


Theo chương trình, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là quốc đảo Singapore. Chúng tôi ghé thăm hòn đảo này 3 ngày và từ đây chúng tôi sẽ bay qua Terengganu đi thăm trại tỵ nạn của người Việt Nam trên đảo Pulau Bidong thuộc Malaysia vì Singapore trước đây là một phần đất tách rời của Malaysia trước khi trở thành một quốc gia độc lập như ngày nay.

Xin được ghi thêm vài dòng về đảo quốc Singapore đặc biệt này một chút vì giữa “Nó” và tôi có một mối ân oán giang hồ: tôi không ưa Nó, thậm chí còn ghét Nó. Tháng 3, 1989, khi tàu Na-Uy cứu vớt và đưa chúng tôi cặp hải cảng chính của Singapore; cảnh sát biên phòng, súng lăm lăm, canh chừng không cho chúng tôi bước lên đất của họ trong lúc vị thuyền trưởng Na-Uy đang thương thuyết với chính phủ Singapore xin cho chúng tôi được lên bờ.

Cảm giác của những người không còn chốn dung thân, kiệt sức, bơ vơ, hoang mang, không còn tổ quốc như chúng tôi lúc này đau đớn lắm; cái biên giới mong manh giữa Tự Do và Vô Định chỉ vài bước chân mà không thể nào vượt qua. Sau một ngày chờ đợi trong lo âu, khi chiều xuống, chúng tôi đứng trên boong tàu, nhìn xuống bên dưới, dòng người và xe cộ qua lại thản nhiên, không ai biết có một nhóm người Việt Nam không còn tổ quốc để mà về, những người đang khát Tự Do còn hơn đoàn lữ hành trong sa mạc mong được tới ốc đảo có dòng nước mát trong xanh.

Cuộc nói chuyện thất bại. Cuối cùng, vị thuyền trưởng chỉ xin tạm thời gởi chúng lên đất Singapore một thời gian ngắn, sau khi chở bột mì đến Saudi Arabia, ông sẽ quay lại đón chúng tôi và đưa về Na-Uy. Ông trấn an chính phủ Singapore rằng ông chắc chắn thuyết phục được chính phủ nước ông nhận cho chúng tôi vào định cư ở quê hương Bắc Âu của ông. Chính phủ Singapore một mực lắc đầu và ra lệnh con tàu phải rời đất nước họ ngay trong đêm nay.

Ngay đêm hôm đó, con tàu chở hàng khổng lồ phải quay ra hướng biển. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau tuyệt vọng, mọi ánh mắt đều nhìn về phía mênh mông của bóng đêm trước mặt, những con người vô tổ quốc đang lặng chìm trong suy tư không biết ngày mai sẽ ra sao, hay số phận của mình cũng tăm tối như bóng đêm phía trước. Riêng tôi, tôi biết tôi không có đường về.


Sau này khi đến Mỹ, tôi đã nhủ lòng sẽ không bao giờ trở lại Singapore dưới bất cứ hình thức nào. Hôm nay, bạn bè rủ chúng tôi vác ba lô làm một chuyến du hành 30 ngày đi các nước ở Châu Á, bắt đầu bằng Singapore, tôi ngần ngừ, nhưng rồi cũng gật đầu. Sau 35 năm, tôi học được cách cởi bỏ những ràng buộc không cần thiết, và quan trọng nhất tôi học được cách làm hòa với mọi người xung quanh, làm hòa với chính mình và làm hòa với “Nó”, với Singapore. Tình yêu dù mặn nồng đến mấy cũng sẽ phôi pha theo năm tháng, huống chi một chút ân oán này.

Ba ngày trước khi nhập cảnh SGN, chúng tôi phải điền một vài thông tin cá nhân trên mạng trong mẫu đơn SAC, Singapore Arrival Card, để khi qua Hải Quan sẽ được lẹ làng hơn. Chúng tôi ở khách sạn Furuma Riverfront 3 ngày, gần khu trung tâm, tiện cho việc đi metro và đi bộ đến những địa điểm nổi tiếng như: Gardens By The Bay, Flower Dome & Cloud Forest Closures, Super Tree Grove …

Điều khiến tôi có ấn tượng tốt là hệ thống tàu điện Metro rất dễ dàng cho du khách và đường xá sạch sẽ; chỉ có cái nóng và ẩm tháng 5 ở đảo quốc này thật là đáng sợ. Chúng tôi ai nấy lưng áo ướt sũng mồ hôi mà chân vẫn phải rảo bước thật nhanh. Từ phi trường Changi, chúng tôi đổi ít tiền và mua thẻ tàu điện để về khách sạn, vừa rẻ lại vừa nhanh so với đi taxi.

Đảo quốc Singapore nói chung là một nơi rất đáng để đến thăm và quan sát, học hỏi nét văn hóa của họ tuy cuộc sống vật chất rất đắt đỏ. Phòng khách sạn nhỏ xíu, chật chội, tạm được, giá $120/đêm, bù lại đất nước này có nền ẩm thực đa dạng, ngon miệng mà giá cả phải chăng.  

Rồi chúng tôi rời Singapore, bay thẳng đến tiểu bang Terengganu, Malaysia và ở lại trong một HomeStay ngay khu thị tứ đông người. Vì đã hẹn trước, Hisham ra đón chúng tôi ở phi trường, bằng chiếc Van 10 chỗ và chở chúng tôi đến thẳng nơi cư ngụ. Anh hướng dẫn viên du lịch này có cái tên thật dài là Badrol Hisham Bin Zaki, anh xin chúng tôi gọi anh là Hisham.

Sáng hôm sau, anh trở lại đón chúng tôi ra bến tàu. Một chiếc tàu sắt nhỏ với 2 thủy động cơ Yamaha 400 mã lực sẵn sàng đưa chúng tôi và 3 thủy thủ đoàn trực chỉ đảo Pulau Bidong. Con tàu cỡi sóng như bay, tốc độ trên dưới 40 hải lý một giờ, nước biển rẽ nhanh hai bên mạn tàu, tung bọt trắng xóa phía sau; tâm hồn mọi người phơi phới, reo vui theo bọt biển tan trên sóng nước cuồn cuộn phía đằng sau lái. Gió biển mát rượi pha chút vị mặn của biển khiến ai nấy hít căng buồng phổi, tận hưởng không khí trong lành của buổi ban mai trên sóng nước Thái Bình Dương.

Từ xa chúng tôi đã nhận ra cầu Jetty lịch sử, cây cầu đã đi vào tâm khảm của mỗi một thuyền nhân từng đặt chân đến Pulau Bidong. Cây cầu đã chứng kiến biết bao cuộc trùng phùng lẫn biệt ly của nhiều lớp người tỵ nạn đến rồi đi.

  Bảo tàng lịch sử thuyền nhân Việt Nam, VBP, tại tiểu bang Terengganu, Malaysia.


Cầu Jetty giờ được lợp mái ngói đỏ, khác với ngày xưa, tuy không còn nhiều người đến và đi nhưng nhìn chung cũng không đến nỗi điêu tàn. Bảo tàng viện tiểu bang Terengganu là cơ quan được chính phủ Malaysia giao cho nhiệm vụ coi sóc và bảo tồn những di tích còn sót lại như một chứng tích lịch sử của Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam đã từng có mặt và sinh sống ở nơi đây.

Hisham là nhân viên của chính phủ tiểu bang và là Manager của bảo tàng viện tại Terengganu. Nghề tay trái là hướng dẫn viên du lịch. Anh có 6 đứa con mà 5 đứa là con nuôi do anh xin về từ viện mồ côi. Anh đã đưa chúng tôi đến nơi anh làm việc để nhìn tận mắt, rờ tận tay những cổ vật ngày xưa của người Việt tỵ nạn. Vật đầu tiên tôi chú ý là cái hải bàn (compass), giống y chang cái ngày trước chúng tôi đã xài khi vượt biển. Còn có một cái lu sành và hai cái tĩn nước mắm rất đặc trưng của người miền Tây trên ghe đi biển và những vật dụng thường ngày trên ghe, đặc biệt là tấm bản đồ của trại Pulau Bidong.

Chúng tôi nhìn bản đồ cũ của trại tỵ nạn, lần theo dấu tích những tượng đài ngày xưa, mang đậm dấu ấn hoang phế, điêu tàn của thời gian. Đặc biệt những dòng chữ Việt được khắc trên các tấm bia, những tảng đá, những tấm bảng tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Thượng Đế, Trời Phật vẫn còn rõ nét dù thời gian, dù cây lá, giây leo phũ phàng che lối.

Vén cành lá lòa xòa qua một bên, chúng tôi vẫn đọc được những nét chữ tuy phai mờ, và cảm nhận được cái hồn Việt Nam đang còn ở nơi đây. Những dòng chữ Việt trên bia đá, vẫn thi gan cùng mưa nắng, vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử trên hải đảo hoang vu! Những tâm tình từ lâu không còn nhớ, nay trở về, làm rung lên những cung bậc tận đáy lòng chôn kín, làm xôn xao tâm tư của những đứa con lưu lạc chưa về.

Đây là nền cũ của ngôi thánh đường Công Giáo, kia tượng Phật Bà đứng im mang một vẻ kiên nhẫn, chịu đựng giữa trời nắng gió xen lẫn thiếng tiếng xào xạc cây lá. Xa một chút là tấm bia của Cao Đài Giáo. Những bậc xi măng đi lên đồi Tôn Giáo, giờ đây một lớp lá khô và dày phủ lên, ẩm ướt, rong rêu, trơn trợt, thoang thoảng và ngai ngái mùi lá mục.

Bà xã tôi, vốn chẳng biết ăn nói, hôm nay cũng mừng vui quá, luôn tay chỉ trỏ những địa điểm quen thuộc giờ đây những cây rừng đã mọc che kín lối. Người xúc động nhất là cặp vợ chồng Thái-Quỳnh. Họ quen nhau và yêu nhau trên mảnh đất này. Tình yêu nảy mầm nơi mảnh đất tạm dung, để rồi 44 năm sau, họ trở lại và trao nhau một nụ hôn nồng nàn trước sự chứng kiến và chúc mừng của cả nhóm chúng tôi.

Anh Lý dùng những cành cây thay chổi để quét lá khô, vun vén cỏ dại trên nền cũ gian cung thánh của ngôi nhà thờ nhỏ cho dễ coi hơn, anh đang tìm lại hình ảnh những buổi cầu kinh, những thánh lễ đơn sơ đã từng hiện hữu ngay trên nền xi măng nứt nẻ này. Chúng tôi ai nấy thì thầm cầu nguyện riêng, bên cạnh những ngôi mộ nằm rải rác đây đó trên con dốc thoai thoải phủ kín màu xanh. Trên đồi Tôn Giáo nhìn xuống là một bãi cát trắng nhỏ tuyệt đẹp, sau khi dọn dẹp xong, chúng tôi lần theo triền dốc đi bộ xuống và ngâm mình vào giòng nước mát gột rửa sạch sẽ bụi trần của một ngày mang theo.


Thủy thủ đoàn mời chúng tôi lên ăn trưa do chính họ nấu nướng còn nóng hổi. Một bữa ăn thật ngon miệng với cá chiên dòn rụm và rau tươi họ mang theo. Anh Hisham giải thích cho chúng tôi nghe những cố gắng mà chính phủ Malaysia đã làm để giữ gìn, bảo tồn nơi chốn lịch sử này dù chính phủ cộng sản đương thời ở Việt Nam đã gởi công văn yêu cầu Malaysia xóa bỏ những di tích ở đây vì nó như một cái gai trong mắt họ. Ngày nào di tích này còn đứng vững thì nó vẫn là một minh chứng sống động cho tất cả đất nước trên thế giới thấy rõ sự tàn ác của chủ nghĩa cộng sản như thế nào.

Anh cho hay đã có một nhóm người không biết do ai tổ chức đã lên đảo Pulau Bidong và đập phá các tượng Phật, tượng Đức Mẹ, và phá hủy những tấm bia tưởng niệm hòng xóa hết các dấu tích của người Việt Nam tỵ nạn. Cộng đồng người Việt tại Úc đã quyên góp và xin phép chính phủ Malaysia cho phép sửa chữa lại nhưng họ chỉ cho phép ở lại trong ngày nên không có đủ thời gian để tu sửa.

Anh Hisham và các cộng sự ở địa phương đã cố tình lờ đi lệnh trên, cho nhóm thiện nguyện người Việt Nam tại Úc lưu lại lâu hơn để họ có đủ thời gian hoàn thành công trình; họ hiểu rằng Pulau Bidong ở cách xa chính phủ trung ương, nên Kuala Lumpur không thể nào biết được chuyện gì xảy ra nơi đây. Vì vậy, ngày hôm nay chúng tôi đến, các bức tượng mới còn đủ tay chân nguyên vẹn như ngày xưa. Chúng tôi rất biết ơn anh nên giúp anh bằng cách “tip” anh và thủy thủ đoàn hậu hĩ và mua áo T-shirt in hình trại tỵ nạn theo giá ủng hộ để anh có thêm động lực lưu giữ di sản tỵ nạn Việt Nam.

Chiều hôm đó, chúng tôi lên thuyền trở về lại Terengganu. Gió thổi mạnh, biển động, sóng to, tuy trời không mưa nhưng sóng đập dữ dội vào mạn thuyền, nước bắn lên tung tóe như mưa bão. Con thuyền lắc lư và chòng chành mạnh, sàng qua sàng lại trên những đợt sóng bạc đầu. Anh Bình không quen, nên cho … cá ăn chè, tất cả chúng tôi ướt như chuột lột, ba lô sũng nước, ai nấy mệt đừ vì sóng và lạnh run vì nước và gió.

Hisham cho hay gió và sóng thường rất mạnh vào ban chiều, nhưng chúng tôi vẫn phải tăng tốc độ để về lại Terengganu cho kịp, e rằng bão lớn sẽ ập đến đột ngột. Một ngày mệt nhoài pha lẫn hiểm nguy nhưng thật ý nghĩa khiến chúng tôi không ai thấy hối tiếc khi đặt chân thăm lại vùng đất lịch sử và thần thánh Pulau Bidong.


Sau một đêm nghỉ ngơi, Hisham trở lại đón chúng tôi đi thăm bảo tàng viện Thuyền Nhân Việt Nam gần trung tâm thành phố. Sau đó, anh đưa chúng tôi đến viếng nghĩa trang Thuyền Nhân Tỵ Nạn Việt Nam ở vùng ngoại ô, nơi những ngôi mộ tập thể của hàng trăm thuyền nhân xấu số được chôn cất tại đây: có người cặp bến nhưng bị chết vì ngộ độc khi ăn thịt rắn, có người chưa đặt chân lên miền đất tự do, thuyền bị dắm chìm, cả xác người và xác con tàu trôi dạt vào bờ, dân địa phương vớt được, đem an táng tử tế chung trong một huyệt mộ và khắc tên của họ lên bia đá, tùy theo giấy tờ tùy thân đem theo.

Chiếc xe van dừng lại ở một khu dân cư thưa thớt, nghèo nàn ở vùng ngoại ô Terengganu. Buổi trưa lặng gió, cảnh vật im lìm lắng đọng trong không khí oi nồng mùa hạ. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi lần lượt đi qua các nấm mồ tập thể và dừng lại nơi mỗi một ngôi mộ với một phút thinh lặng tưởng nhớ đến tất cả linh hồn, những số phận hẩm hiu đã bỏ mình trên đường đi tìm ước mơ và hai chữ Tự Do. Cố ngăn dòng nước mắt rưng rưng trên mi đang chực trào ra, chúng tôi đè nén nỗi xúc động sâu xa, góp một lời kinh cầu cho các linh hồn của đồng bào tôi.


Xin ghi lại những hình ảnh và những gì được khắc trên những tấm bia mộ có tên và những tấm bia mộ vô danh để quý vị có thể truy tìm thân nhân của mình đã bỏ mình trên đường vượt biển. Ví dụ: MG1 = Mass Grave 1, mồ tập thể, kèm theo hình những tấm bia mộ sau đây:

-        MG1: 137 Thuyền Nhân vô danh.

-        MG2: 19 TN chết vì ngộ độc vì ăn cháo rắn năm 1977.

-        MG3: 39 TN vô danh chết đuối ngoài khơi gần Batu Rakit + hơn 30 TN không tìm được xác.

-        MG4: 53 TN vô danh gần cửa biển Kuala Terengganu ngày 23/11/1978.

-        MG5: Nhiều TN vô danh (Numerous VBP) + 3 TN có tên ở Rantau Abang ngày 30/4/1979, số tàu MH3012.

-        MG6: 33 TN vô danh ở Seberang Takir, ngày 13/1/1987, số tàu: SS04281A.+ 5 TN có tên.

-        MG7: Nhiều TN vô danh gần Merchang.

Còn hàng trăm ngôi mộ vô danh được quét vôi trắng nằm rải rác trong một khu dành riêng cho các Thuyền Nhân Việt Nam. Đây chỉ là những thân xác Thuyền Nhân người Việt mà ngư dân Malaysia vớt được, còn hằng mấy trăm ngàn thân xác con dân Việt Nam khác nằm lại ngoài khơi sâu thẵm của Thái Bình Dương, theo ước tính của cao ủy tỵ nạn Liên Hợp Quốc. Thật là một bi kịch có một không hai trong lịch sử loài người và lịch sử tỵ nạn thế giới. Cho đến bây giờ, nhân loại vẫn còn nhắc hai chữ Boat People khi nói về những người tỵ nạn Việt Nam.

Sự im lặng của những ngôi mộ vô danh này là tiếng thét đau đớn về một phần lịch sử đầy bi thảm, nơi con người đã dũng cảm đối mặt với biển cả để tìm kiếm Tự Do, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng vĩnh hằng. Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện chưa kể, một nỗi niềm chưa nói, một tiếng lòng bi ai trong trang sử Việt nam.

Mặc cho sự im lặng của biển khơi, dân tôi thời gian đó, từng đoàn người, lũ lượt bỏ nước ra đi tìm kiếm ước mơ được sống như một con người, họ không còn biết sợ, họ đã gởi lại thân xác vào lòng biển sâu, người vĩnh viễn nằm lại giữa đường, người vừa đặt chân lên ngưỡng cửa Tự Do thì lại nằm xuống vì lý do này khác. Đã có lúc, cái đáng sợ hơn nữa là sự im lặng của loài người đã cạn kiệt lòng nhân đạo, để mặc những con tàu gỗ mong manh chìm vào đại dương sâu thẵm; cũng như lúc này, chết chóc, đói khát, bệnh tật đang diễn ra ở Ukraine và ở vùng đất Palestine-Do Thái.

Câu chuyện Pulau Bidong không những cần được nhắc lại cho thế hệ con cháu chúng ta như một trang sử truyền miệng, mà còn là những chứng tích được ghi lại để thế hệ sau còn biết cha mẹ chúng đã bỏ nước ra đi tìm cái sống trong cái chết, để đến được ngưỡng cửa Tự Do, đã sống gian khổ ra sao trước khi đặt chân đến nước Mỹ chỉ với hành trang là một trời hy vọng về viễn ảnh tương lai. Chúng tôi đã sai lầm khi chưa bao giờ nói cho con cái nghe về cuộc hành trình của mình. Thằng con trai khi coi hình chúng tôi gởi đã phải thốt lên

-        Con không hề biết mẹ đã phải sống ở đó 2 năm, trên một hòn đảo rừng rậm hoang vu. Làm cách nào mẹ sống được khi không có việc làm? Cao ủy tỵ nạn lấy tiền đâu mà nuôi cả mấy chục ngàn người như vậy?

Nó đặt ra cả chục câu hỏi với một sự quan tâm đặc biệt. Tôi phải mất thời gian giải thích cho nó hiểu, không quên nhấn mạnh rằng ba má có được cuộc sống ngày hôm nay trên đất Mỹ, ba má vẫn không quên ơn những người đã đưa bàn tay ra giúp mình thông qua Cao Ủy Tỵ Nạn. Vì vậy, đến phiên mình, ba má mỗi năm đều có nghĩa vụ đóng góp để giúp lại những người không may mắn, những nạn nhân chiến tranh, những người liều chết đi tìm tự do như mình ngày xưa. Nếu không được nhắc nhở, những hy sinh của thế hệ đi trước sẽ dần mất đi ý nghĩa của hai chữ Tự Do và nó sẽ chìm vào quên lãng dưới bánh xe lịch sử.

Chúng tôi nhắc nhở câu chuyện Pulau Bidong, không phải để giữ mãi sự thù hằn với những kẻ bên kia chiến tuyến, khác chính kiến với chúng tôi, dù họ là kẻ bị bịt mắt, bị nhồi sọ, gây ra thảm cảnh nồi da nấu thịt, anh em tận diệt lẫn nhau; chúng tôi chỉ muốn lưu giữ những chứng tích lịch sử để con cháu các thế hệ tương lai của chúng ta biết và hiểu được tại sao chúng ta có mặt ở vùng đất Tự Do. Lịch sử luôn luôn lập lại, lịch sử là tấm gương soi để con cháu chúng ta không bao giờ còn dẵm đạp lần nữa lên dấu tích oan khiên của những thế hệ đi trước.


Xin tạm biệt Pulau Bidong, tạm biệt những nấm mồ ở lại, chúng tôi trở về nhà nhưng sẽ không bao giờ quên các bạn. Chúng tôi tin rằng linh hồn các bạn giờ này đã siêu thoát, đang thanh thản trong cõi vĩnh hằng, không còn biết thù hận hay đau thương; nhưng trong tâm khảm những Thuyền Nhân Việt Nam, VBP, cũng như những người chưa biết cuộc đời tỵ nạn, chúng tôi là những người con nước Việt, luôn ghi khắc trong lòng bài học lịch sử Pulau Bidong.

 

NGUYỄN VĂN TỚI. THÁNG 6, 2024. 

 

Phần phụ thêm:

Ai đã một thời tỵ nạn ở Pulau Bidong, có thể gởi email cho Hisham, với tên họ, ngày sinh và ngày đến trại, anh sẽ lục trong thư khố thuyền nhân và anh sẽ gởi tặng 1 tấm thẻ tỵ nạn đúng theo bản gốc ở Pulau Bidong để bạn lưu giữ một kỷ niệm đau thương thời vượt biển và cũng là một căn cước của người tỵ nạn chính trị Việt Nam.

Kèm hình ảnh các ngôi mộ ở Pulau Bidong và các ngôi mộ tập thể chụp tại nghĩa trang Terengganu, Malaysia.

 Nghĩa trang và bia lưu niệm trên đảo Pulau Bidong.

Hằng trăm ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam vô danh ở Terengganu










2 comments:

  1. Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tới, bài viết thật cảm động cho ngày quay lại thăm Pulau Bidong Cái giá cho tự do đắt quá! Cám ơn chị Tố Kim chuyển ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị Hồng Thủy ghé qua. Muốn cảm được trọn vẹn tâm tình Pulau Bidong, phải là 1 người VBP, phải không chị?

      Delete