Pages

Sunday, June 9, 2024

Chuyến Xe Về Thành Phố - Đào Phạm Thùy Trang

Hình minh họa 

Tôi đứng chờ xe cơ quan ở trạm xăng Trường Thanh, chả là cây xăng này ở đường lớn, sẽ tiện cho xe hơn nếu phải rẽ vào nhà tôi mất 5km nữa. Xe cơ quan nên cũng ngại làm phiền nhau, rồi kéo dài thời gian khiến cho lịch trình trễ nãi nên tôi phải ra đường chờ xe là vậy.

Mới hơn bảy giờ sáng mà nắng quá. Nói đón xe ở trạm xăng cho có “điểm” để dễ biết vậy thôi chứ nơi đây không có ghế cho khách ngồi, càng không có dù che mát cho ai cả. Cạnh đây cũng không có quán cà phê nào nên đành chịu những tia nắng như thủy tinh xiên xiên vào mắt.

Bà chị với mấy chiếc bao to đùng ngồi nơi đây từ bao giờ, thấy tôi nhẹ nhàng với ba lô nhỏ xíu thì bắt chuyện ngay:

- Đi Sài Gòn làm việc mà sao đem cái giỏ nhỏ vậy em?

- Dạ…đi ít ngày thôi ạ!

- Sướng hén! Chị mà được như em thì hay biết mấy! Đàng này năm mấy nay mỗi tuần đều phải đi Sài Gòn với mấy bao bánh tráng này nè!

- Bánh tráng bỏ mối thì đi chi cực chị? Cứ gửi xe là xong mà?

- Có đâu. Mua xuống dưới bán ở á. Chịu cực mua từ gốc, bán tận ngọn để thêm mấy đồng lời vậy mà. Chị ở nhà trọ với đứa bạn, có cái xe đẩy nước giải khát, cà phê, bánh tráng trộn lề đường bán ấy mà!

- Bốn mấy rồi, con cũng đã lớn, làm nhiều quá tiền để đâu cho hết chị? Tôi tếu táo

- Gì bốn mấy, năm hai rồi. Nhưng hông làm thì ai làm? Có một đứa con mà mình cũng khổ cực vầy nè!

- Nó cũng ba mươi rồi, để nó tự làm tự ăn chứ ạ?

- Hồi đó hai cha con đi làm công nhân nhà máy cao su, chị ở nhà bán tiệm gạo cũng đỡ lắm. Rồi thằng chồng nghỉ việc, về mua cái xe tải tấn rưỡi chở thuê. Nói thà làm chủ lấy mình, có nhiêu ăn nhiêu chứ mười mấy năm đi làm lính cho người ta nghe chửi đủ rồi. Chồng mua xe nhưng đâu có bằng lái, thằng con thì có, vậy là cha bảo con nghỉ việc về phụ cha. Hàng ngày chồng chị ra quán cà phê ngồi “tám” để kiếm mối chở thuê. Thằng con thì có chuyến mới chạy, không thì nằm nhà bấn điện thoại với con vợ sắp cưới. Hai ba ngày cũng có một chuyến, được vài trăm ngàn chưa tính xăng xe, cơm thì vẫn ăn ngày ba bữa. Chưa kể xe hàng tháng vẫn trả góp ngân hàng năm triệu bạc. Chị kêu chồng hay là cứ đi làm công nhân cao su như lúc trước, xe giao lại cho con cũng được. Mà chả năm lăm tuổi rồi, ai thèm mướn. Rồi thằng con hướng dẫn cha học lái xe chờ ngày đi thi, cũng lái ra lái vô coi được được. Bữa chồng chị đem xe ra sân vận động xã tập lái, rồi tông vào con bò người ta chết tươi. Đền con bò hai chục triệu, cái xe thì ngân hàng lấy lại vì ba tháng không góp tiền. Chồng chị gãy chân sau cú tông con bò đó.

- Trời ơi…xui quá…

- Chưa hết đâu cưng. Con vợ sắp cưới của thằng con tự dưng đem “trả rượu”. Thằng nhỏ buồn đời bỏ nhà đi làm ăn xa cả nửa năm nay không liên lạc được. Chân ông chồng đi cà nhắc lại được nhưng tiệm gạo của chị đã sạt nghiệp. Rồi cô bạn lâu năm đi Sài Gòn làm ăn rủ chị về dưới đó, chỉ cần một chiếc xe đẩy thôi, chịu cực một thời gian sẽ ổn.

- Chị về Sài Gòn buôn bán bao lâu rồi?

- Hơn năm nay, mỗi tháng cũng dư ba triệu gửi về nuôi ông chồng cà thọt.

Trong câu chuyện của tôi và chị, bao nhiêu là chiếc xe đã chạy qua đoạn đường này, để hạt bụi nào đó bay vào mắt người đàn bà tuổi ngoài năm mươi cho chị dụi đến đỏ quạch?

Chị hỏi tôi đi giúp việc nhà ở đường nào, quận mấy. Tướng nhỏ xíu thế này sao không học cái nghề văn phòng nào đó cho sướng thân? Cái nghề giúp việc nhà không vốn, không mưa nắng như buôn bán nhưng cay đắng những nỗi oan thấu trời xanh, bởi cứ hễ mất đồ là chủ nhà nghi người giúp việc đấy!

Tôi cười cười, rằng giúp việc cho bà dì ruột nên cũng không cực lắm. Chị cười buồn “Số em hên”.

Chiếc xe có tấm bảng “tốc hành An Sương” ghé lại bên đường theo cái vẫy tay của chị, anh lơ nhanh tay hất ba bao bánh tráng lên xe hối chị “Lẹ lên bà nội, trễ muời phút rồi”. Chiếc xe vút về phía thành phố như chạy đua với thời gian.

Xe cơ quan tôi vẫn chưa tới.

Từ bên kia đường, hai cậu nhóc tầm 15-17 tuổi vác hai chiếc ba lô khá nặng đi về phía trạm xăng Trường Thanh. Cậu chàng mặt mụn có vẻ dạn dĩ hơn, bắt chuyện với tôi:

- Dì đi Sài Gòn à?

- Ừ…

- Hi hi… vậy anh em cháu có bạn đi chung rồi!

- Hai cháu cũng Sài Gòn? Sao không đi lên bến, có chuyến chạy thẳng cho nhanh?

- Thôi ạ, đi xe đường, bao nhiêu tính bấy nhiêu. Xe chuyến đi có nửa đường vẫn trả hết chuyến, uổng tiền!

- Dì thấy…hai đứa cũng ít tuổi, sao không ở nhà học hành, đi Sài Gòn chi?

Thằng mặt mụn mím môi chưa trả lời. Cậu bạn đi cùng có dáng người như Đô-rê- mon, nước da đen bóng cười hì hì:

- Tụi con nghỉ học từ lớp 5 rồi! Ở nhà phụ mẹ, giờ 16 tuổi, có ông chú gần nhà kêu đi Sài Gòn làm culi, lương cao lắm!

- Nhà con ở đâu?

- Hẻm 11, đường Nguyễn Lương Bằng gần đây thôi dì!

- Trong hẻm đó dì có biết chú Út thợ hồ. Tụi con quen ổng không?

- Đó…chính là ông chú đó kêu tụi con đi thành phố á! Thằng mặt mụn trả lời.

Tôi không nói với hai cậu nhóc, chú hàng xóm của chúng chính là chú ruột của mình. Tôi nhìn hai cậu nhóc. Mới 16 tuổi, là kém con tôi hai tuổi, nhưng con tôi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, sáng sáng còn xòe tay nhận tiền của mẹ, ăn còn khen ngon chê dở, áo còn giặt bữa sạch bữa dơ. Vậy mà hai cậu nhóc này đã phải đi làm rồi ư?

- Hai đứa…biết làm culi thợ hồ rồi à? Niềm thuơng cảm bỗng dưng dâng ngập lòng tôi

- Dạ chưa dì! Hồi đó giờ ở nhà đi phụ tiệm cửa sắt, mà nay tự dưng cái mũi nhức khi nghe mùi lửa hàn nên không làm được nữa. Con với thằng Đô –rê- mon này là anh em bạn dì. Mẹ nó em của mẹ con! Cậu chàng mặt mụn nhanh nhảu.

- Mà dì cũng đi Sài Gòn…tìm việc làm hả? Cậu chàng Đô -rê -mon dè dặt hỏi.

- Ừ... Tôi đáp

- Trời ơi…tướng dì nhỏ xíu vầy đi làm culi gì nỗi, mua bán cũng hông được luôn. Chắc làm giúp việc nhà quá! Cậu chàng mặt mụn lanh lẹ

- Giúp việc nhà là gì hả anh An?

- Mày ngu quá! Vậy cũng hỏi, là ở đợ đó!

- Nhìn mặt dì đẹp vầy sao ở đợ được, kì lắm!

- Mày lại ngu nữa! Ở đợ vài tháng là ông chủ cưới làm vợ đó! Trong phim đầy! Chứ ai xấu hoắc như mẹ mày để bị ba mày bỏ, mày phải nghỉ học đi thành phố làm kiếm tiền phụ nuôi em!

- Anh nói em như vậy chứ mẹ anh đẹp lắm sao? Sao ba anh cũng bỏ, anh cũng đi ở đợ như em?

- Tao đi làm cu li chứ không phải giúp việc nhà nhen!

- Cu li cũng là làm mướn, mà làm mướn là ở đợ á!

Hai cậu chàng ném ba lô xuống chân, hai khuôn mặt kênh vào nhau như sắp xáp lá cà khiến tôi lo ngại. Lỡ chúng đánh nhau thật thì khổ. Tôi dịu giọng:

- Cho dì hỏi thăm chút nè, ở đây hai đứa không hàn cửa sắt thì làm việc khác, sao phải đi Sài Gòn làm culi vậy?

- Vì đi thành phố nhiều lương hơn, ông chú hàng xóm con nói, mỗi tháng trừ hết tiền ăn tiền trọ, con vẫn còn dư ba triệu gửi về cho mẹ trả nợ! Cậu chàng mặt mụn nhanh miệng

- Còn mẹ con nói, chỉ cần mỗi tháng con gửi về hai triệu là đủ phụ mẹ nuôi được nhỏ em học lớp 7! Cậu Đô-rê-mon trả lời.


Niềm thương cảm dâng ngập trong lòng tôi, hình như giọt lệ nóng nào đó vừa rịn chảy. Trời ơi….tuổi các em còn quá nhỏ mà phải gánh trên vai món nợ áo cơm gia đình đến nỗi phải mưu sinh xa xôi như thế. Các em đã biết thành phố là thế nào chưa? Chắc chưa rồi. Những con chuột cống chắc không như chuột đồng quê em, càng không như chuột nhà bởi nó to lù lù, mình mẫy đầy ghẻ lở và hôi hám. Những buổi tối cúp điện nằm trong căn phòng 12m vuông ém đến sáu con người chưa kịp tắm. Những ngày chưa kịp có lương mà bụng cứ mãi đói, em sẽ ăn mì khô vì nước sôi cũng không có để mà chế vào…Cuộc sống thành phố khắc nghiệt biết bao nhiêu, thì làm sao ở tuổi 16 các em có thể đủ nuôi bản thân và dư ngần ấy tiền gửi về cho mẹ hàng tháng?

Tôi không nói với các em rằng tôi cũng đơn thân như mẹ các em. Tôi cũng đang nuôi con độ tuổi như các em. Nhưng có lẽ gia cảnh các em khó khăn hơn, vì cậu nào cũng còn em út để phụ mẹ lo. Cũng có thể người đàn ông mà các em gọi bằng cha ấy ra đi bỏ lại một đống con và một đống nợ. Nên người mẹ các em phải gánh gồng. Cái gánh ấy nặng quá, năm tháng qua đi, sức khỏe bào mòn, chị kham không nỗi đành nhờ con gánh phụ.

Cậu chàng mặt mụn thì lêu nghêu gầy còm, cậu Đô- rê –mon thì còn quá thơ ngây. Làm sao gồng gánh nỗi cuộc sống nơi phố phường đô hội ấy?

- Hai con ăn gì chưa? Dì cũng chưa ăn nè! Hay mình đi ăn chung rồi đi Sài Gòn luôn?

- Thôi …mẹ con dặn, đi thành phố không được ăn uống đồ của người lạ mời ạ! Cậu chàng Đô-rê -mon chậm rãi đáp

- Nhưng nãy giờ mình quen rồi, mà xe cũng chưa đi thành phố mà? Tôi cười với cậu chàng mập lùn ấy

- Ông chú hàng xóm con biểu xuống tới thành phố rồi ăn luôn, ổng đón ở An Sương ạ! Cậu chàng mặt mụn cho biết

- Anh An nói chơi á dì! Ông hàng xóm không có nói vậy, tại tụi con chỉ đủ tiền đi xe nên không ăn sáng đâu! Cậu chàng Đô-rê-mon lại thật thà.

Nắm đấm từ tay cậu chàng mặt mụn dứ dứ về phía cậu em họ mập lùn khiến cậu em cười ha hả.


Một hồi kèn thật dài. Tôi nhìn về phía con đường, lại một chiếc xe có bảng “tốc hành An Sương” đang chạy đến. Hai cậu bé nhoài ra đường nhìn ra và gọi “Xe tới kìa dì, mình đi đi!”. Chuyến xe này sẽ mang các em về hướng thành phố, để bao nhiêu nhọc nhằn gian khó hay phước phần gặp người tốt thương yêu giúp đỡ cũng không biết chừng. Nhưng chắc chắn rằng tôi và các em chia tay sẽ khó lòng gặp lại. Khẽ rút trong ví ra tời tiền hai trăm ngàn, tôi bước thêm một bước ra lề đường và “tiện tay” ấn tờ tiền vào túi chiếc áo khoác màu đen cũ kỹ trên người cậu bé Đô-rê-mon nói khẽ “Dì tặng hai anh em con ăn đi đường”.

“Ơ…”. Tôi chỉ nghe được cậu bé nói như thế, vì bước chân của chúng đã lên xe mất rồi. Chiếc xe ấy đã lao vun vút về hướng Sài Gòn, mang theo mơ ước đơn giản của tuổi trẻ rằng “Mỗi tháng chỉ mong có vài triệu đồng gửi về cho mẹ”.


Đ.P. Thùy Trang

No comments:

Post a Comment