Khoác vội chiếc áo bay, leo lên chiếc
Honda cũ kỹ tôi rời cư xá sĩ quan độc thân hướng về phía phi đoàn. Cư xá Bắc Tiến
là một tòa nhà 2 tầng xây cất theo kiểu Tây đẹp và rất kiên cố, tọa lạc trên một
khu đất rộng rãi khang trang, có sân cỏ phía trước và trên đường đi vào bộ tư lệnh
sư đoàn 3 Không Quân, cư xá chỉ dành riêng cho các phi công khu trục còn độc
thân tạm trú.
Chiếc Honda cũ kỹ lạch bạch trên con đường
nhỏ, đôi khi tôi phải lách tay lái để tránh ổ gà, hai bên đường còn đọng sương
đêm long lanh dưới ánh sáng chan hoà của mặt trời vừa ló dạng. Không khí buổi
sáng trong lành pha lẫn với mùi thơm dìu dịu tỏa ra từ hoa và cỏ dại, bước chân
vào cửa trước của phi đoàn, người sĩ quan trực lên tiếng:
“Đến sớm quá vậy, tối hôm qua đạn pháo
kích nổ gần quá ngủ không được?”
“Sáng nay tôi bay sớm”.
Phi hành đoàn chưa ai đến, tôi ra quán
mua ly cà phê. Ngồi trong quán nhỏ cạnh phi đoàn, bên ly cà phê phin, móc túi lấy
điếu Winston kéo một hơi dài, nhấp chút cà phê đắng thơm dịu, tâm hồn sảng
khoái, không một chút gì lo âu cho phi vụ sắp tới, đời lính Không Quân ban đêm
an lành trong ánh đèn thành phố, ngày lái máy bay ra yểm trợ chiến trường, gần
gũi với bom đạn, đối diện với quân thù là công việc thường ngày của người phi
công tác chiến.
Ba chiếc phi cơ sắp thẳng hàng trên phi
đạo chuẩn bị cất cánh, giữ chặt chân thắng, tôi tống ga lên thử máy, thân tàu
rung mạnh, hai máy phản lực nổ rầm trời, con tàu như hổ dữ bị trói, lồng lộn
trên phi đạo, đẩy tay ga lên mức tối đa, hai động cơ phản lực thổi về phía sau
đẩy mạnh con tàu, người tôi như dính vào lưng ghế. Phi cơ lướt nhanh, ép mình
trên phi đạo rồi phóng vút lên cao, xếp bánh đáp, kéo cánh cảng về vị thế bay
thẳng, tôi đưa phi cơ lên mức bình phi, bay thật nhanh xuyên qua những làn mây
mỏng, chúng tôi giữ cao độ thấp để tránh radar địch. Mục tiêu phi vụ đặc biệt
này là tiêu hủy nhà máy đèn của thành phố Lộc Ninh, chúng tôi xử dụng yếu tố bất
ngờ để địch quân trở tay không kịp. Địch đã trang bị hệ thống phòng không rất mạnh
để bảo vệ nhà máy đèn với hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7, đại bác 12 ly 7 và 37 ly
phòng không, vì lý do an toàn cho phi hành đoàn, hai chiếc trực thăng cấp cứu
phải túc trực xa mục tiêu nên tánh mạng của những phi công gặp nạn trong phi vụ
này sẽ vô cùng nguy hiểm.
Ba chiếc phản lực cơ lần lượt bay dưới bụng
nhau để kiểm soát bom đạn, đặc biệt lần này mỗi chiếc mang theo 4 trái bom, mỗi
trái 500 pounds, một số bom được gắn thêm ngòi nổ chậm để tăng sự công phá khi
bom đào sâu dưới đất rồi mới nổ.
Đêm hôm nọ VC đã vi phạm lệnh ngưng bắn
của hoà đàm Ba Lê, pháo kích hỏa tiễn 122 ly vào thành phố Sài Gòn giết hại nhiều
thường dân vô tội. Chính quyền ra lệnh trả đũa và phi đoàn của chúng tôi đă được
lệnh với phi vụ hành quân đặc biệt sáng nay.
Bay ở cao độ thấp chiếc phản lực cơ lướt
qua những khu rừng thưa như mũi tên vừa vượt ra khỏi vòng cung bắn. Từ xa nhìn
thấy thành phố Lộc Ninh như còn đang ngái ngủ, yên lành chờ đợi, ba chiếc phản
lực cơ đổi qua đội hình tác chiến rồi phóng vút lên cao để lấy cao độ tác xạ,
nhà máy phát điện của thành phố nằm góc phía tây thành phố, súng cao xạ 12.7 và
37 ly phòng không của địch bắt đầu khai hỏa.
Chiếc số 1 lao đầu xuống mục tiêu thả
luôn một lần 4 trái bom vào nhà máy đèn, đến phiên tôi số 2 cũng nhồi luôn 4 quả
vào mục tiêu, vài hỏa tiễn tầm nhiệt SA7 được hốt hoảng phóng lên kèm theo những
làn khói trắng sau đuôi, không nhắm định được mục tiêu để bay theo nên nổ tan
giữa chân không như pháo thăng thiên, chiếc số 3 cũng vừa hoàn tất công việc, sức
công phá của 12 trái bom đã san bằng nhà máy đèn. Tất cả đang bị che phủ bởi
khói đen cuồn cuộn và những cột lửa khổng lồ.
Tôi tống hết ga phóng lên cao lấy lại cao độ, gom lại hợp đoàn rồi quay hướng bay trở về căn cứ. Đồng hồ trên bảng phi cụ chỉ đúng 7 giờ 25 phút, chúng tôi đã ở trên vùng chưa đầy 5 phút. Phi vụ thành công mỹ mãn.
Nhìn xa cuối chân trời ánh nắng ban mai
đã hoàn toàn ló dạng, bầu trời xanh thẩm, phía dưới mây trắng trải dài như thảm
tuyết mênh mông. Chỉ sau 15 phút bay, phi trường Biên Hoà hiện ra trước mặt, rực
rỡ dưới nắng sáng chan hòa, phi tuần trưởng xin phép cho phi tuần hạ cánh, cắt
nhẹ tay ga, kéo mũi con tàu lên một chút, tôi cho hai bánh sau đáp chạm nhẹ
trên phi đạo. Chiếc phản lực cơ chạy lướt trên mặt đất, chậm dần rồi dừng lại ở
đường quẹo vào taxiway. Leo ra khỏi phòng lái tôi lên chiếc xe Van trở về lại
phi đoàn. Xa xa đã nhìn thấy vài chàng phi công nai nịt sẵn sàng, mang dù đứng
chờ xe đưa ra phi cơ để thi hành một phi vụ mới.
Phi đoàn khu trục quân số khoảng 20 phi
công, tổng cộng có 5 ông cấp tá, 3 đại uý, 5 trung uý, 5 thiếu uý, 1 hạ sĩ quan
văn thư và 1 binh nhất tài xế, chỉ có bấy nhiêu thôi nên mọi người đối xử với
nhau rất thân mật. Cấp thiếu uý được giao thêm cho một “trọng trách” là thay
phiên làm sĩ quan trực, khi trực sẽ không được đi bay, ban đêm phải ngủ lại ở
phi đoàn nên nhiệm vụ này ít người ưa thích. Thời biểu của Pilot được sắp xếp
là đi bay 2 ngày thì được nghỉ 1 ngày để dưỡng sức nên nếu có bị làm sĩ quan trực
thì củng chỉ 2 ngày là xuống ca. Bổn phận của sĩ quan trực củng chẳng có gì khó
khăn, trả lời điện thoại, nhận chi tiết hành quân, gọi xe đưa đón phi công, gọi
vũ khí xin trang bị bom đạn trên phi cơ cho phù hợp với nhu cầu chiến trường,
vì không được đi đâu cả nên mấy chàng này hay dành thời giờ ôm điện thoại tán gẫu
với “em gái hậu phương”.
Đứng trước hành lang ngoài cổng phi
đoàn, tôi châm điếu thuốc, đưa mắt theo khói nhìn lên bầu trời xanh lẫn những
làn mây trắng. Nhập ngũ vào cuối năm 69, đầu năm 70 vào quân trường võ khoa Thủ
Đức, tháng 10 năm 1970 tôi ra trường với cấp bậc chuẩn uý và bắt đầu phục vụ
cho binh chủng Không Quân, đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ dạo ấy.
Cuối năm 1972 tốt nghiệp phi công, với
đôi cánh bay trên ngực và bông mai thiếu uý trên vai tôi hãnh diện tham gia vào
cuộc chiến. Hai mươi hai tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của đời trai tráng, lứa tuổi
mà đa số còn mài đũng quần trong giảng đường của các trường đại học, còn chung
nhà với cha mẹ anh em. Sau Tết Mậu Thân, vì nhu cầu chiến trường, lệnh tổng động
viên đã được ban hành. Chiến tranh đã nuốt hết mùa xuân của tuổi trẻ, những
“mùa xuân” đổi thành những “mùa hè đỏ lửa”, tên những giảng đường của đại học
Khoa học, Luật, Văn khoa được thay bằng những địa danh như Tống Lê Chân, Rạch Bắp,
An Điền, Bình Long, An lộc. Tôi chấp nhận quân đội thành gia đình, chọn “Huynh đệ
chi binh” làm châm ngôn cho đời sống. Nhớ một buổi chiều, ra đứng ngoài hành
lang trước cổng phi đoàn hóng gió ngắm mưa, kéo điếu thuốc nhìn những hạt mưa
bay, cái đói chợt đến một cách đột ngột. Chưa đến giờ cơm tối, trong túi chỉ
còn được vài trăm, đủ tiền để mua được một bữa cơm bình dân 3 món trong một
quán nhỏ bên khu gia binh. Đảo mắt kiểm soát vòng quanh phi đoàn tôi chợt thấy
hai anh lính trẻ đang ngồi trong bóng tối dưới cánh phi cơ, thấy là lạ tôi lên
tiếng hỏi:
“Trời sắp tối rồi sao hai anh không đi
ăn cơm mà còn ngồi đây để làm gì?”
Thấy tôi đang đứng hút thuốc hai người
lính trẻ tiến lại gần, hai khuôn mặt thật trẻ chỉ khoảng 18, 19 tuổi ngây ngô
như thằng em út của tôi còn đang đi học:
“Thiếu uý cho tụi em xin điếu thuốc?”
Chìa bao thuốc ra mời, hai khuôn mặt
búng ra sữa mắt sáng lên rạng rỡ:
“Thú thật với thiếu uý tụi em không có
tiền ăn tối nên ra đây ngồi tâm sự chờ đêm đến về phòng ngủ hy vọng sẽ quên
đói”.
Vét túi tôi còn đúng ba trăm đồng, đưa hết
cho hai người lính trẻ:
“Thôi lấy đỡ số tiền này, chạy xe ra mua
ba ổ bánh mì không, bỏ thêm cho chút tương đen tương đỏ cho dễ nuốt, xin 3 bịch
trà đá rồi về đây mình ăn tối chung với nhau”.
Tối hôm đó chúng tôi đã có một bữa ăn thật
đạm bạc nhưng chan chứa tình người, tình đồng đội và tình chiến hữu. Quân đội
ta thời ấy phát lương cho lính chỉ đủ tiền ăn sáng, sĩ quan thì được cơm ngày
hai bữa, phi công thiếu ăn không đủ sức đi bay nên được lãnh thêm tiền “phụ cấp
ăn trưa”, nhiều lúc phải ăn xôi cho chắc bụng và lâu đói. Ít ai dám nghỉ đến
chuyện lập gia đình vì làm sao có đủ tiền để trang trải, mướn nhà và bảo bọc
cho vợ con. Thật tình cờ tôi đã gặp lại hai người lính trẻ đó. Giữa lúc chiến
trường đang hồi sôi động, phi đoàn tôi đã có vài chiếc bị bắn rơi, vài phi công
đã đền nợ nước, bãi đậu phi cơ ồn ào tấp nập, xe chở bom đạn rộn rịp trang bị
cho phi cơ, sẵn sàng cho những phi vụ hành quân đặc biệt. Được lệnh cất cánh khẩn
cấp, tôi nhảy vội lên chiếc xe Van vừa ghé để đưa đến chỗ đậu phi cơ, gác cái
dù trên ghế lái, tôi leo xuống đi vòng kiểm soát phi cơ và bom đạn trước khi cất
cánh, từ xa, hai anh bạn lính trẻ hôm nào mừng rỡ chạy đến, cả hai ôm tôi mắt ướt
lo lắng nói:
“Thiếu uý nhớ bảo trọng, phi vụ này rất
nguy hiểm, phi cơ mình bị rớt 2 chiếc ngày hôm qua, sáng nay có 1 chiếc vừa mới
bị bắn bể máy, tối nay mời thiếu uý đi ăn cơm tối, tụi em vừa mới được lãnh
lương”
Leo lên phi cơ, nổ máy lái tàu ra
taxiway, lầm lì kiểm soát phi cụ mà cảm thấy mắt mình cay, cằm bạnh lại, môi
mím chặt tôi đưa tàu ra phi đạo cất cánh. Thành phố Phước Long bị thất thủ,
quân bạn rút ra ngoại ô, dân chúng đã di tản, VC chiếm toàn diện khu toà tỉnh
trưởng, chúng tôi được lệnh trút bom trên đầu địch, cả một sư đoàn phòng không
đang chuẩn bị để chào đón. Đạn phòng không nổ rợp trời như bọt xà phòng trong bể
tắm, bầu trời bị che phủ bởi khói đạn từ dưới bắn lên, phải bay xuyên qua lớp
mây đạn đó mới thấy được mục tiêu để thả những quả bom cho chính xác. Bom vừa rời
khỏi cánh thì hỏa tiễn tầm nhiệt cũng vừa phóng lên, tôi tống hết ga, bay rà
sát đọt cây để tránh đạn, hoả tiễn lạc mục tiêu nổ tan trên trời như pháo thăng
thiên.
Phi cơ chạm bánh xuống phi đạo, kéo ga
giảm tốc độ tôi quẹo vào bãi đậu, ngạc nhiên và cảm động khi thấy hai người bạn
trẻ vẫn còn đứng đó, đang lo lắng chờ đợi, vẫy tay vui mừng khi thấy phi cơ của
tôi trở về bình an vô sự. Tối hôm đó, trong một quán nhậu bên bờ sông, 3 anh em
chúng tôi say tuý luý, ba tháng lương vừa mới lãnh, tiền lính tính liền, không
ai còn biết tính toán hoặc lo nghĩ đến ngày mai, không cần biết đến tương lai
xa gần gì cả, chúng tôi chỉ sống cho hiện tại. Chiến tranh đang đến hồi khốc liệt,
VC kéo vào cả sư đoàn phòng không trang bị những vũ khí mới nhất do Nga viện trợ,
Trung Cộng cũng gia tăng súng đạn cho Bắc Việt, bên ta thì trái lại, quân đội
Hoa Kỳ đã rút quân khỏi miền Nam, cắt giảm viện trợ quân sự nhất là về vũ khí,
bom đạn, ảnh hưởng rất nhiều đến sự chiến đấu của quân ta.
Vài sư đoàn của CSBV đã tiến quân về gần tới Saigon, quân ta đang dồn hết lực lượng để bảo vệ thủ đô, phi đoàn chúng tôi được lệnh trực ứng chiến 100% . Phi công được sắp xếp để bay liên tục không nghỉ, mỗi ngày mọi người bay trung bình 2 phi xuất, một sáng và một chiều, mức quy định tối đa cho phi công lái phản lực siêu thanh. Cũng trong thời điểm này tôi đã bị mất đi một người bạn thân, anh bị tử thương ngay cuối phi đạo, tàu bị nổ trên đường đang cất cánh. Vừa mới lên trung uý chưa đầy một tháng mà hôm nay bạn tôi đã trở thành cố Đai uý. Đứng gác linh cửu anh trong Tử Sỉ Đường TSN, gắn điếu thuốc trên môi chưa bật lửa thì thấy đôi môi mình hơi giật như ai đang mồi thuốc, xác anh nằm yên đó nhưng chắc hồn anh đang đùa giỡn quanh đây.
Thay thế cho những người đã mất, phi
đoàn tôi được bổ xung quân số, bốn chàng thiếu uý khôi ngô bảnh trai với cánh
bay mới toanh trên ngực, bông mai vàng sáng giới trên vai, các anh vừa tốt nghiệp
ưu hạng từ các trường huấn luyện phi công quân sự mới về nước. Tiền bạc rủng rỉnh
nhờ dành dụm đô la, chưa xài được đồng nào thì phải trình diện đơn vị, tình trạng
ứng chiến không ai được rời đơn vị nên các anh này ngày thay phiên nhau làm sĩ
quan trực, tối lại “tập tạ” bằng bia 33, ban ngày chúng tôi chỉ nghề bay bổng,
đêm về ra quán chỉ món nhậu để “ma mới” có chỗ tiêu tiền. Mấy ông này tuy nghề
bay chưa vững nhưng binh “xập xám” thì rất là điêu luyện nên nhiều đêm xây sòng,
họ lấy hết lại tiền đã chi...
Thắt lại chiếc khăn choàng màu xanh nhạt,
kéo cổ áo bay lên một chút, sáng nay trời trở lạnh, xuân về Tết đến, không được
nghỉ ngày nào để về thăm nhà, hình ảnh cô bạn gái chợt hiện ra trong ký ức,
nàng có một khuôn mặt hiền lành dễ thương, cách nói chuyện chân tình, cởi mở và
duyên dáng, mái tóc dài tha thướt, đứng tựa gốc cây nâng niu cành hoa tôi mới tặng
với nụ cười như hoa hàm tiếu, mắt u uẩn buồn nhìn tôi trong những lần chia tay.
Tôi quen nàng trong khuôn viên trường luật, những buổi chiều dạo mát trên đường
Duy Tân cây dài bóng mát, những trưa hè ngồi bên ly nước dừa hay ghé quán kem
trên đường Lê Lợi và dạo phố Saigon. Sống trong chiến tranh, đối đầu với nguy
hiểm, sự sống và chết rất gần nhau, tương lai mù tịt không ai nghĩ đến, chúng
tôi quen nhau khá lâu nhưng không một lời hứa hẹn, không mộng ước xa vời. Hẹn
nhau trong quán nhỏ bên trường, có lúc chia tay, nàng nhìn tôi với đôi mắt buồn,
môi mím lại, lo sợ nhở một ngày nào đó tôi sẽ không bao giờ đến nữa. Chiến
tranh đang đến hồi khốc liệt, những ngày được nghỉ bay để hẹn hò không còn nữa,
phi đoàn tôi di tản về TSN, gần nhà nàng nên tôi có dịp ghé thăm, gặp nhau lần
cuối, nàng ngước mắt nhìn tôi hỏi:
“Rồi anh sẽ đi đâu?”
Tôi cúi đầu im lặng, là quân nhân sự ra
đi không thể tự mình quyết định. Trời chuyển mưa, đứng nhìn nhau im lặng, tôi cảm
thấy hai má của mình ướt, đưa tay lên vuốt nước mưa trên má và mắt như để thay
lời tạ từ chia tay. Rồi chuyện gì đến đã xảy đến, chiều ngày 28 tháng 4 năm
1975 tên phi công phản tặc Nguyễn Thành Trung dắt VC bay vô trút bom xuống phi
trường TSN, những trái bom 250 pounds thay nhau rời cánh 3 chiếc A-37 phá hủy
toàn căn cứ, sức ép của bom hất tôi văng vào vách đất trong căn hầm trú ẩn,
màng nhĩ như bị đẩy sâu vào trong, tôi ôm đầu nằm bẹp xuống sàn đất lạnh. Tối
hôm đó, cả ngàn quả đại pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly của Việt cộng liên tục bắn
vào phi trường. Tân Sơn Nhất đang thật sự vùng vẩy hấp hối, chìm dần trong lửa
đạn, co quắp, rã chết và sụp vỡ. Năm giờ sáng ngày 29 tháng 4 chúng tôi được lệnh:
tất cả phi công, nếu không có tên trên bảng phi lệnh hành quân, phải di chuyển
ngay về cư xá sĩ quan độc thân để tránh đạn pháo kích.
Mặt trời vừa ló dạng, tiếng động cơ của
10 phi tuần, 30 chiếc phản lực siêu thanh nổ rầm trời như đánh thức cả thành phố
đang gục đầu trong khói lửa. Ba chục chiếc phi cơ ra đi như những phi vụ cuối
cùng của cuộc chiến, các phi công anh hùng đó đã cất cánh bay đi, không lời giã
biệt và không bao giờ trở lại. Phi trường hỗn loạn, đài kiểm soát không lưu
ngưng hoạt động, phi cơ lên xuống tự do không người hướng dẫn, cổng chính của
căn cứ bị bỏ ngõ. Với tình cảnh sống chết đan kín, hoảng hốt, không còn cấp chỉ
huy để nhận lệnh, tôi tìm được một chiếc phi cơ tạm khả dụng, leo lên phòng lái
đưa tàu ra thẳng phi đạo cất cánh. Rời khỏi mặt đất, đưa tay xếp bánh, kéo mũi
đưa con tàu lên cao, bay không định hướng, lần đầu tiên trong đời, khi hỏng
bánh cảm thấy người mình hụt hẫng, buông tay, tôi thả tàu bồng bềnh trong cõi
không gian mênh mông và vô tận.
Sau ngày CS xâm chiếm miền nam, hàng triệu
người ngơ ngác, hoảng hốt, hàng vạn quân, cán, chính phải vô trại tập trung rồi
bị đẩy vào những nhà tù “cải tạo”...
Bên kia bờ đại dương, hàng vạn người
cũng đang ngơ ngác buồn thảm, bơ vơ nơi xứ lạ quê người, họ bị tập trung vào những
trại tị nạn dựng lên bằng lều vải, ngày xếp hàng xin cơm, tối chun vô lều nằm
ray rức buồn khóc nhớ về quê hương và gia đình, ngoài một số rất nhỏ, tất cả chỉ
còn lại hai bàn tay trắng, ngôn ngữ bất đồng, nghề nghiệp bên nhà không được chấp
nhận, tương lai đen tối vô cùng. Tôi cũng trong hoàn cảnh đó, ra khỏi trại tỵ
nan, đến nhà người bảo trợ, chuyện đầu tiên là đi tìm việc làm để dành dụm
trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ phải tự túc về vấn đề sinh kế. Tất cả phải
làm lại từ đầu, nghề lao động tương đối dễ tìm, việc đầu tiên tôi xin được là
đi lượm rác, làm vệ sinh bên ngoài cho một công ty nhỏ, đang mùa hè nóng trên
100 độ F nên khổ nhọc vô cùng. Sau đó được “lên chức” lao công làm việc bên
trong, quét dọn, lau chùi cầu tiêu, sàn nhà, nhưng được làm trong phòng có máy
điều hòa không khí nên thoải mái vô cùng. Cũng có biết bao nhiêu người Việt đã
phải làm việc ngoài trời lạnh lẽo tuyết giá trên những tiểu bang miền Bắc. Đời
sống thay đổi quá đột ngột, mặc dù cố gắng phấn đấu tôi cũng không tránh khỏi
những ngày dài, mang tâm trạng của dân “cu li”, mệt mỏi chán chường, cuối tuần
lại tụ họp với nhóm bạn thờ thần “lưu linh”. Quan niệm quá thiển cận, không
nghĩ đến tương lai như hồi chiến tranh, là một điều sai lầm mà tôi chưa nhận biết.
Có lúc lười biếng, chán nản không muốn đi làm, tôi buông thả cuộc đời, đổ thừa
cho số phận. Một ngày kia, đang đi chợ trong tiệm tạp hóa nhỏ, tôi nghe một bà
lẩm bẩm:
“Làm ăn như mấy ông thì mất nước là phải,
vậy mà cứ đổ thừa là vì Mỹ nó bỏ rơi VN”...
Câu này đã làm tôi tỉnh ngộ, lập tức
thay đổi quan niệm sống, cố gắng thi vào trường, vừa làm vừa học để xây dựng
tương lai và vươn lên khỏi vũng lầy. Ra trường nắm được công việc tốt, thừa thắng
xông lên, tôi cố gắng tối đa để làm “vẽ vang dân Việt”, giúp đỡ đồng hương và
làm gương sáng cho hậu duệ. Dân mình vốn dĩ chịu khó và cầu tiến nên chỉ sau một
thời gian ngắn vài năm, mọi người đã bắt đầu có được đời sống thoải mái. Cùng
thời điểm đó, để giải quyết vấn đề khó khăn kinh tế, VN bắt đầu mở cửa cho phép
người Việt hải ngoại gửi quà và tiền về giúp đỡ thân nhân đang đói khổ. Vì tình
thương gia đình, dân Việt hải ngoại quyết tâm “đi cày”, có người làm hai công
việc, đa số đều xin làm thêm giờ phụ trội 12 đến 14 tiếng mỗi ngày để kiếm thêm
tiền gửi về giúp đỡ cho thân nhân.
Rồi ngày tháng trôi qua, đời sống an lành trong một quốc gia không chiến tranh, kỷ niệm cũng không có nhiều để đáng nhắc, thấm thoát vậy mà đã trên 41 năm xa xứ... ....
Hải Ưng Hoàng Hải
No comments:
Post a Comment