Pages

Thursday, November 14, 2024

Con Đường Tôi Về - Bùi Đức Tính


Thầy Chín dắt chiếc xe đạp ra ngoài, cho nó đứng dựa vào lan can trước nhà. Ông lấy ống bơm gắn trên sườn xe ra, để bơm thêm hơi cho đầy hai bánh xe. Biết cha mình chuẩn bị đi đâu đó. Thằng Hai mon men đến gần cha, để xem và cũng để ông nhớ mà chở mình đi theo. Nhìn thằng con ngồi kế bên mình, hiểu ý con, ông quay sang con, cười cười:

- Hai! Con có muốn đi theo Ba, về thăm vườn không?

Thằng Hai chỉ chờ có thế. Nó mừng lắm, tíu tít nói với thầy Chín:

- Dạ đi! Đi, Ba!

Thầy vui vẻ bảo con:

- Con vô cho mẹ hay, rồi thay đồ đi chơi với Ba.

Thằng Hai như chỉ chờ có thế, miệng "Dạ", chân phóng chạy vào trong nhà, oang oang cho mẹ nó biết. Nó thay lẹ cái quần "sọt" đen và áo trắng sạch rồi chạy vụt ra ngay, đứng bên cạnh chiếc xe đạp chờ cha mình. Chưa đi mà nó đã nghe reo vui trong lòng.

Cuối năm học, nó thường nghe người lớn hát: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”. Nghe sao buồn quá. Đi học suốt 9 tháng, nó chỉ chờ đến hè để khỏi phải đi học, được đi chơi đây đó vui chơi với gia đình. Nghỉ hè, khỏi đi học lại được đi chơi, vui lắm! Nó không hiểu được tại sao nghỉ hè mà mấy anh chị lớp lớn lại than thở là buồn. Bây giờ, đã sang tháng Bảy. Nghỉ học hơn cả tháng rồi. Mùa bãi trường, cha nó nghỉ đi dạy. Vậy mà, lâu nay chưa được đi đâu xa chơi, nó thấy: như thế này mới là “lòng man mác buồn”. Hôm nay, được theo cha đi về thăm vườn, thì còn gì bằng; nó vui lắm!

Hồi trước, khi quê nhà còn bình yên, dân làng được tự do đi lại. Mỗi năm, đến mùa học sinh nghỉ hè, mấy anh em nó được về vườn chơi, đến hai ba tuần mới trở lên tỉnh thành. Nói là về thăm vườn, không chỉ để anh em nó vui chơi, mà còn là lúc cha mẹ nó thăm viếng, chăm sóc mộ phần ông bà nơi đây. Sau này, khi đêm xuống, làng nhà thường bị cái đám quân, mà bà con trong làng hay gọi xách mé là “đồ quỷ quái” kéo về quấy phá yên bình, lùng giết người rất là kinh hoàng. Cứ xem, hồi năm 1953, quân “quỷ quái” ấy xử bắn bà Năm, Nguyễn Thị Năm, ở Làng Bưởi, Hà Nội, chủ hiệu buôn Cát Hanh Long ở Hải Phòng, thì đủ biết cái dã tâm và man rợ của bọn chúng.

Bà Cát Hanh Long đã từng được quân “cách mạng” phong tặng là "Mẹ chiến sĩ", vì bà có công đóng góp tài sản, nuôi ăn, giúp đỡ cho rất nhiều người “cách mạng” của họ. Sau này họ thành những cán bộ cao cấp quan trọng trong đảng cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị... Bà còn góp cả hai đứa con trai là Nguyễn Cát và Nguyễn Hanh cho “cách mạng” và chính bà là Hội Trưởng Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam của tỉnh Thái Nguyên…

Rốt cuộc, sau khi quân “cách mạng” cướp đoạt chính quyền thành công, cũng chính bà Năm, tức bà Cát Hanh Long, lại trở thành nạn nhân đầu tiên bị lôi ra xử tử làm gương; theo chính sách: “Trí- phú- địa- hào: đào tận gốc, trốc tận rễ” của nhà nước “cách mạng”. Những ai đã từng chứng kiến hay đọc Hồi ký Đèn Cù, qua lời kể của Tiêu Lang, phóng viên báo Cứu Quốc, tác giả Trần Đĩnh có ghi lại cuộc hành quyết bà Năm - Cát Hanh Long, chắc hẳn không thể quên được cái chánh sách “cải cách ruộng đất” vô cùng man rợ ấy. Man rợ từ việc bắt giết đến cách đạp gãy xác bà Năm, cho thi hài bà nằm lọt vào bên trong quan tài.

Thế đấy, quân cách mạng đã đền ơn “bà mẹ chiến sĩ” như thế đấy!

Thế nhưng, nhà cầm quyền cộng sản vẫn chưa thỏa mãn, họ kiên quyết “đào tận gốc - trốc tận rễ”. Ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm, cũng là một cán bộ cao cấp trong quân đội cộng sản, có kể lại thảm cảnh của gia đình như sau:

“Khi mẹ bị xử bắn, tôi đang cùng đơn vị ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Người ta giấu tôi mọi tin tức từ trong nước. Hai tháng sau, cuối tháng 6/1953 tôi được đưa về nước, bị tống ngay vào trại giam ở Tuyên Quang vì là con của “địa chủ gian ác”. Năm 1954 tôi mới được nghe vợ tôi đến trại để thăm nuôi kể rõ về sự kiện bi thảm này. Em ruột tôi là Nguyễn Cát, bí danh là Hoàng Công, cả 2 anh em tôi đều hoạt động từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1944 ở vùng Đình Cả, Vũ Nhai. Hoàng Công từng là trung đoàn trưởng của sư đoàn Quân Tiên Phong 308, cũng bị đưa vào trại cải tạo năm 1953, năm 1956 mới được tự do khi em tôi bị đau ốm, đến năm 1989 em tôi bị chết thảm trong một tai nạn xe máy.

Năm 1993, sau 40 năm tìm kiếm rất kiên trì, gia đình tôi mới tìm thấy di hài mẹ tôi cạnh một ao sen, ở bên gốc cây phượng hoa đỏ, nhờ chiếc vòng ngọc bám chặt cổ tay và chiếc răng vàng cũng như 2 đầu đạn. Cúc, vợ tôi, cho biết: sở dĩ chiếc vòng ấy còn vì mẹ tôi đeo từ hồi trẻ, nó thít chặt vào cườm tay, khi đấu tố có người đã cố rút ra mãi, nhưng không được. Di hài bà Năm, mẹ tôi, được đưa về nằm bên mộ chồng tại làng Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội.”

Cuộc hành quyết bà Năm “Cát Hanh Long” không phải chỉ có một, mà là khởi đầu cho biết bao chứng tích giết người man rợ, trong chính sách cai trị đầy man rợ của cộng sản, từ Bắc vào Nam, trải dài từ “Cải Cách Ruộng Đất”, cho đến ngày hôm nay.

Trong khi The International Museum for the Victims of Communism, tức Viện Bảo Tàng Quốc Tế về Nạn Nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản được thành lập tại Tallinn, thủ đô của Estonia. Trước đây, Estonia từng là quốc gia cộng sản, thuộc Liên bang Xô-Viết. Đây là viện bảo tàng toàn diện đầu tiên trên thế giới về tội ác cộng sản. Bản chất phi nhân tính của chế độ và ý thức hệ cộng sản còn phơi bày đó và sẽ không bao giờ bị thế giới lãng quên.

Tại Việt Nam, chế độ cộng sản vẫn không thay đổi chính sách cai trị tàn bạo, tiếp tục đối xử vô nhân đạo đối với người dân. Cái khác biệt về tội ác của cộng sản Việt nam thời nay, là các cách tra tấn, hành quyết nạn nhân ngày càng nham hiểm, tàn độc, tinh xảo hơn. Nhà nước cộng sản Việt Nam dùng quyền lực che đậy chứng tích tù đày và tra tấn. Bây giờ, người ta không còn lạ gì với các mẫu tin ngắn trên báo về người bị bắt “tự tử” chết ngay phòng tạm giam, tại đồn công an.

Hôm cuối năm, anh Nguyễn Minh Sang qua đời tại bệnh viện Chợ Rẫy 8, chỉ sau vài tiếng bị giam giữ trong trụ sở Công an phường 2, quận Tân Bình (TPHCM) là trường hợp điển hình liên quan đến vấn nạn người dân chết trong đồn Công an Việt Nam năm 2018, nâng con số nạn nhân lên 11.

Đây chỉ là những trường hợp ít oi được ghi nhận trên truyền thông mà thôi!

Ai cũng biết, báo chí Việt Nam không được phép đăng tất cả các tin tức bất lợi cho nhà nước. Không thể tìm được tổng hợp về con số nạn nhân chết trong nhà tạm giam, nơi tạm giữ của công an trong những năm qua. Thế nhưng, chỉ cần dựa theo bản báo cáo duy nhất của Bộ Công an hồi năm 2015, con số kinh hoàng về người bị chết trong đồn Công an đã có đến 226 người. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an cho là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.

Năm nay, mới mấy tháng đầu năm, trong các trường hợp phơi bày trên mặt báo, đã có đến 6 người được cho là tự tử hoặc tự ngã dẫn đến tử vong, và các vụ này phần lớn đều rơi vào trạng thái im lặng, người nhà nạn nhân sợ hãi, tránh có ý kiến công khai trên mặt báo.Theo luật sư Võ An Đôn, người phụ trách cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ năm vừa qua cho biết rằng:

“Rất khó để những người bị giam có thể tự kết liễu đời mình!”

Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị té ngả mà chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự tử.

Luật sư Đôn còn khẳng định:

“Thực sự mà nói thì không ai vào đó mà tự tử được hết, một cái phòng giam ít nhất có 2, 3 người trở lên làm sao mà tự tử được, có gì đâu mà tự tử. Cho nên tôi nghĩ là không bao giờ có trường hợp tự tử.

Bên cơ quan điều tra nếu mà công bố sự thật thì phải khởi tố, nếu khởi tố thì nhân viên liên hệ phải đi tù nhiều.

Người ta không có cách nào nói, nên nói tự tử là an toàn nhất!”

Sau những tuyên bố thẳng thắn ấy, Luật sư Võ An Đôn, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên, đã bị nhà cầm quyền cộng sản tước thẻ luật sư.

* * *

“Trí - phú - địa – hào: đào tận gốc, trốc tận rễ”

Đó là khẩu hiệu sắt máu của đám quân xưng danh là “cách mạng”. Thầy Chín biết rõ thân phận mình, làm thầy giáo là đương nhiên bị đảng kết tội vào thành phần “trí”, tức là kẻ thù số một, được xếp tận trên cùng của bảng phân loại, thì chắc chắn phải bị "đào tận gốc, trốc tận rễ”. Chết là cái chắc!

Cho nên, mấy năm sau này, ban ngày, yên tỉnh, thầy Chín chỉ còn lén lút đạp xe về thăm viếng mộ phần cha mẹ trong chốc lát, rồi quay về tỉnh thành ngay.

Thằng Hai khoái được ngồi trên cái yên xe phía sau, cho thầy Chín đạp chở đi đây đó lắm. Chuyến đi về vườn thăm mộ ông bà Nội là chuyến đi xa xôi nhất, trong mấy tháng Hè. Được thầy Chín chở đi chơi lâu như thế, nó chịu lắm. Rời thành phố càng xa, xe cộ càng thưa vắng hơn. Khung cảnh hai bên đường yên bình, tươi vui với ruộng đồng mênh mông, cùng các rặng cây xanh. Nắng mùa Hè như dịu mát, dễ chịu hơn. Nét đẹp hiền hòa đơn sơ từ ngọn lúa, lá tre xôn xao trong gió, đến con đường mòn khúc khuỷu bên dòng sông quanh co êm đềm uốn lượn.

Đồng quê mơ màng!

Qua đoạn đường tráng nhựa êm ả, đường xe chạy thu hẹp lại, chỉ còn đủ cho người qua lại bằng xe hai bánh hay đi bộ. Chiếc xe đạp quanh vào khu chợ nho nhỏ ven đường. Quá trưa, nên chợ vắng, người bán, người mua lưa thưa. Thầy Chín dừng xe trước quán của chú Tài:

- Xuống xe đi con.

Chỉ chờ có thế, nó nhanh nhẹn tuột xuống, chạy vào quán. Như thường lệ, thầy Chín dựng xe, lấy ghế ngồi nghỉ chân, uống nước và nói chuyện với chú Tài. Còn thằng Hai được ly nước mía mát lạnh, thơm lừng hương mía tươi, vị ngọt lịm cả người.

Lúc rời quán, nó nghe chú Tài nói với thầy Chín:

- Thầy nhớ dòm chừng, dòm đổi, nghen Thầy!... Bây giờ, tụi nó đào hầm hố nhiều chỗ lắm đó... Tui nghe nói: hôm qua nay, trong trỏng nó động lắm đó, Thầy à!... Thầy coi mà hỏi thăm bà con mình dọc đường nghen thầy,... đừng có mà dìa trong trỏng đại, nghen Thầy!

Rời chợ, hai cha con theo con đường mòn, chạy chầm chậm về thôn nhà. Từ đây, con đường hẹp hẳn hơn. Con đường mòn duy nhất, uốn khúc cong quẹo, dọc sát theo bờ sông. Mặt đường lồi lõm nối với gập ghềnh. Nhiều đoạn eo hẹp, chỗ ít nhà, nên ít người qua lại, cỏ mọc lan tràn um tùm, chỉ còn trống một khoảng vừa hai bàn chân người bước đi. Nghe lời căn dặn của chú Tài, ông đạp chầm chậm, giữ cho bánh xe chạy trên lối đi có dấu người qua lại, tránh mấy chỗ cỏ mọc hoang dại.

Xa xa mới có căn nhà. Chạy một lúc lâu, không thấy bóng dáng ai cả. Đạp xe thêm một lúc, bên bờ sông có đám đông ghe xuồng chống sào, cột dây, đậu san sát nhau. Người ta chở theo các thứ đồ đạc lủ khủ, vật dụng lặt vặt trong nhà, có cả chó, mèo, gia cầm. Mỗi khi sóng đùa vào nghiêng lắc ghe xuồng, mấy con gà, con vịt và cả heo, quen sống thăng bằng trên bờ, bây giờ bị cột chen chúc trên ghe xuồng, lúng túng lao chao, sợ hãi, kêu toáng lên inh ỏi.

- Thầy Chín!

Dừng xe, định bước đến gần bờ sông để thăm hỏi tình hình thì thầy nghe có người gọi mình. Tiếng gọi lớn mừng rỡ, từ bên dưới sông vọng lên. Thầy Chín chống chân, giữ chiếc xe đạp thăng bằng, ngó xuống đám ghe xuồng, tìm xem ai gọi mình.

- Thầy Chín ơi!... Tui đây nè! Đi đâu đó Thầy?

Người đàn ông đứng trên mũi chiếc ghe bên ngoài cùng, vẫy tay gọi lớn. Thêm mấy người quen trong làng nghe vậy, cũng vui mừng lên tiếng, vồn vã thăm hỏi.

- Chào hết bà con mình! Anh Một đó hả?...

- Thì Một đây!... chờ tui lội lên nói chuyện chút đã đi, Thầy ơi!

Thầy Chín trông vui lắm khi nhận ra nhiều người quen biết, gọi tên thăm hỏi qua lại, rồi quay ra sau bảo con:

- Con xuống xe, chờ Ba nói chuyện với bác Một một chút nghen.

Nước ròng cạn, ghe cột xa bên dưới sông. Người đàn ông lom khom bước chuyền qua mấy chiếc ghe, chiếc xuồng kế bên để lần đi vào gần bờ hơn, rồi hối hả chạy trên thân cây dừa thả nằm dài từ bờ xuống nước làm cây cầu.

Thằng Hai theo thầy Chín bước tới đầu cây cầu dừa để đón bác Một.

- Anh Một khoẻ hả?

- Thì cũng "dậy", qua ngày, Thầy ơi!... Bộ Thầy tính dìa thăm mộ ông bà hả?

- Dà, thì cũng cả năm rồi anh,... Hai, thưa bác Một đi con!

- Dạ chào bác Một!

- Ờ,... con trai, coi lớn đại rồi!... bác nói chuyện với Ba con chút nghen!

Bác Một cười vui vẻ đáp lời thằng Hai rồi quay sang thầy Chín:

- May mà tui gặp Thầy ở đây!...

Thầy Chín lo lắng:

- Bà con mình chạy giặc nữa, hả anh?

- Thì đó! Chạy giặc đó Thầy! Từ chiều tối hôm qua lận... tui với bà con mình trốn ra ngoài này, gần chợ, gần đồn lính mình cho yên thân….Tui nói cho thầy nghe: Thầy đừng có dìa trỏng mần chi!... Khúc dưới, tụi quỷ ôn nó đào hố đầy hết!... chông, mìn, lựu đạn tùm lum á!... Tụi quỷ nó tràn lan trong trỏng, đầy hết cả làng mình rồi thầy Chín ơi!... Thầy chạy dìa ngoài ngoãi đi!

Bác Một nói một lúc dài. Thằng Hai thấy cha mình đứng nghe mà tần ngần, buồn hiu, không nói câu nào hết.

Bác Một vỗ vai thầy Chín, thở dài:

- Thôi!... tui xuống ghe coi cái nồi cháo đang nấu,... nghe tui!... dìa đi Thầy!

Thầy Chín gật đầu:

- Cám ơn anh Một… cho tôi gởi lời thăm chào hết bà con mình dưới bến,nghen anh! 

- Rồi!... tui nói lại cho mà, dìa đi Thầy!... Ráng học cho giỏi nghen cháu!

Bác Một cúi xuống ân cần xoa đầu thằng Hai, rồi chạy xuống cây cầu dừa.

Thằng Hai nghe người lớn nói chuyện về bọn quỷ quái, nó không hiểu hết ngọn ngành, nhưng biết là lần này, mình chỉ đi được đến đây thôi.

Hướng xuống bờ sông, thầy Chín quơ quơ tay, chào chung bà con bên dưới, rồi quay đầu chiếc xe đạp trở về phía ngoài chợ.

Chờ thằng Hai leo lên yên xe ngồi xong, thầy Chín đạp xe chạy đi.

Hồi đi vui bao nhiêu, bây giờ quay về buồn bấy nhiêu. Buồn còn hơn thế!

Thầy Chín yên lặng đạp xe. Thằng Hai cũng không còn thấy gì vui. Nhìn cha mình đạp xe về, mặt trông buồn quá, nó không dám nói hay hỏi han chi thêm.

* * *

Cũng từ mùa nghỉ hè năm ấy, thôn xóm từ đấy chìm đắm trong đêm đen của loài quỷ quái. Thầy Chín không còn đạp xe chở nó về thăm vườn làng!

Và cũng từ khi miền Nam bị chế độ cộng sản cưởng chiếm, thằng Hai biết xót đau tận cùng khi mất cả quê hương!

Nay quá xa xăm đường về thăm thẳm!

Miền Nam, Việt Nam, vẫn còn trong chế độ cai trị của cộng sản. Tuy vậy, người ta có nhiều lý do để quay về nơi đã trốn chạy, trở lại nơi mình đã tìm mọi cách để ra đi. Bây giờ, người đi về không còn lén lút e dè. Chuyện đi, chuyện về, người ta thản nhiên kể nhau nghe, nói cười hể hả. Có người tìm được niềm vui thích cùng các cái thỏa mãn. Có người ngỡ ngàng, xót xa, như tâm tình của Lê Tín Hương qua lời nhạc “Con Đường Tôi Về”:

“Khi tôi về, tình quê hương ngạt ngào

Khi tôi về, lòng yêu thương dạt dào

Kỷ niệm xưa năm nào, đầy vơi trong tim đau!

Khi tôi về, nhìn dân tôi ngỡ ngàng

Khi tôi về, nhìn quê hương điêu tàn

Nhìn tuổi thơ nghèo nàn, nuôi đời trong dối gian!

Con đường tôi về, còn đó như xưa

Nhưng người năm cũ, là xác chưa đưa

Cha về tử tù, đau thương hao mòn

Mẹ quê gầy còm, mong manh áo vá

Vá được áo đời, hồn rách tả tơi! ”

Không phải chỉ có người đi xa mới biết thấm thía nỗi niềm đau xót của kẻ thiếu quê hương. Ngay cả những người sống trên đất nước Việt Nam vẫn thiếu vắng quê hương. Một quê hương Việt Nam không chỉ với núi đồi, sông biển còn sót lại, có ruộng vườn, cây trái, có chùm kế ngọt của chế độ cai trị ban bố cho. Người dân Việt mong tìm một quê hương có khối óc nhận thức tự do, có bầu nhiệt huyết dân chủ, có tâm hồn nhân bản.

Dân số Hong Kong chỉ có 7.5 triệu. Hôm 16/6, có đến 2 triệu người, hầu hết là tuổi trẻ; họ đã tạo thành những dòng biển người áo màu đen, “Sea of Black”, với các biểu ngữ trên tay “Free Hong Kong” “Democracy Now”, chống lại Trung cộng. Lòng can đảm phi thường tuổi trẻ Hong Kong đã làm cả thế giới ngạc nhiên và thán phục!

Tuổi trẻ Việt Nam, tuổi trẻ miền Nam, đã từng hiên ngang chiến đấu và hy sinh cho Tự Do và Dân Chủ. Dước chế độ cai trị của cộng sản, đất biển Việt Nam đã và đang bị hiến dâng dần cho quan thầy Trung cộng. Quốc nạn Bắc thuộc đã là hiện thực! Hôm nay, Việt Nam có đến 97.5 triệu người!

Tôi mơ một ngày!

Đêm tàn, ngày rạng,

Rực nắng ban mai.

Con đường tôi về,

Có hàng phượng đỏ,

Mùa hè thắm tươi,

Áo trắng học trò,

Chân bước tự do!


Bùi Đức Tính

1 comment:

  1. Bài viết nói về những kỷ niệm củ thật sống động. Miền Nam, một thuở yên vui, một thuở lầm than !

    ReplyDelete