Pages

Friday, November 15, 2024

Cũng Một Kiếp Người


Tôi là một tên sĩ quan nhóc mới ra trường, mãn phép, đến trình diện đơn vị mà hậu cứ đóng tại Mỹ Tho,Giang đoàn 58 tuần thám. Tên gọi nghe đã đủ, không cần giải thích lòng vòng chi cho mệt.

Anh bí thư nhìn tôi trong bộ đồ tiểu lễ, ủi hồ trắng tinh, cứng ngắt, cười cười nói:

– Thiếu úy (chưa đánh đấm đã lên lon ngang xương) đến gặp ông phó Dương văn Tèo, chỉ huy trưởng không có mặt hôm nay.

Nghe tên của ông phó là tôi đâm ra dị ứng khiếp. Cái hình ảnh bần cố nông tự dưng chớp chớp trong trí tưởng tượng của tôi một cách hết sức đậm nét. Tôi lầm bầm, càu nhàu trong mồm khi bước vào căn phòng nhỏ của ông phó TÈO.

Một người đàn ông ngồi sau bàn sắt nhà binh, ngẩng lên nhìn khi tôi bước đến, tôi, người đứng thẳng chừ, ngực ưởn, tay trên trán chào kính, im re, chưa kịp báo tên, báo họ gì ráo thì đã nghe giọng nói trầm êm:

– Anh Bình đấy à. Được rồi! Được rồi! Anh Tài về đi, để đấy cho tôi.

Ông phó Tèo nói với anh bí thư đồng thời chỉ chiếc ghế bên cạnh bảo tôi ngồi xuống, lão nheo nheo mắt:

– Về thay bộ đồ tím đi, mình ra quán làm việc cho tiện mọi bề.

Thủ tục trình diện đơn vị quái đản hết chỗ chê. Mà cái ông phó Tèo của tôi lại là người đàn ông đẹp trai hết biết. Quan ba tàu thủy, dáng cao, mặt trắng, tóc tai bồng bềnh đầy vẻ nghệ sĩ, ăn nói lịch thiệp, trầm ấm, ăn xài phóng khoáng của dân ăn chơi lịch lãm. Tôi khoái lão từ phút đầu gặp gỡ.

Địa bàn hoạt động của giang đoàn tôi trên các nhánh sông rạch thuộc vùng Kiến Hòa, Đồng Tâm, cù lao Ốc... Ngày đi tuần, đêm đi kích, bước đầu tôi phụ tá cho một tên sĩ quan trưởng toán. Chỉ sau vài chuyến công tác, lão Tèo phân phối nhiệm vụ chính cho tôi thành một sĩ quan tuần tiểu bình thường như mọi sĩ quan khác.


Cuộc đụng độ đầu tiên trong đời quân ngũ:

Trời xế chiều, 4 chiếc PBR do tôi đảm trách công tác chạy phầm phập hướng về con kinh Đồng Tâm, tôi đi trên chiếc thứ hai, người mặc áo giáp, nón sắt trên đầu, lưng đeo súng ngắn, trông ngầu thì thật là ngầu nhưng chưa bao giờ bắn 1 viên đạn từ ngày hiên ngang thành mt thành viên của 1 đơn vị tác chiến trên sông rạch xứ này. Gọi là con kinh hay con rạch Đồng Tâm thì tôi không biết gọi thứ nào mới đúng, tôi chỉ biết đây là một nhánh sông nhỏ xí, hai bên toàn dừa nước dầy đặc, u ám, bên trên cũng vô số dừa, dừa, dừa...

Không có tiếng gì ngoài tiếng máy của 4 tiểu đỉnh chạy thành một hàng, trời xập tối, cảnh vật đen thui, từng chùm, từng bụi. Tôi ngồi trên chiếc võng, vô tư. Bỗng! Tôi nhìn thấy một lằn lửa rực rỡ từ trên bờ đâm phập vào chiếc tiểu đỉnh đi đầu, tiếp theo là những tiếng nổ ròn rã điếc tai cồng... cồng... cồng.... cồng... Tiếng súng thượng liên không thể nhầm lẫn được.

Tôi cứng cả người,từ trên võng tôi nhào xuống nấp sàn máy, tay quơ lấy máy PC 25, muốn báo cáo về phòng hành quân mà cà lăm, cà lặp nói không ra thành tiếng, tôi thấy chiếc tiểu đỉnh phía trước đâm dạt vào bờ vì trúng đạn địch. Mấy chiếc chiến đỉnh tự động bắn trả ngay lập tức. Nghe tiếng súng bạn, ngửi mùi thuốc súng, lúc này tôi mới thực sự hoàn hồn, báo cáo được vài chi tiết về phòng hành quân và ló đầu lên cầm súng ngắn trên tay bắt đầu điều động phản kích lại bọn giặc du kích trên bờ. Hỏa lực của ta kinh lắm, bắn tan nát hai bên bờ, bọn giặc im re, chừng như đã chết hết, hay trốn đâu đó. Tôi không biết, chỉ biết trận phục kích ấy đã diễn ra khá nhanh, họ bắn lén ta 5-7 tràng thượng liên, ta bắn trả lại gấp trăm lần và cuối cùng không biết kết quả bên giặc như thế nào, bên ta vài anh em bị thương, tàu bị thủng nhiều chỗ và lệnh từ base bảo tôi mau chóng chở anh em bị thương về base.

Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là chiến tranh, thế nào là bắn giết nhau thực sự. Thế nào là sự run sợ, nỗi kinh hoàng khi biết mạng sống của mình treo mỏng manh trên đầu tên, mũi đạn ở bất cứ giờ phút nào, ở bất cứ nơi chốn nào.

Tôi và lão Tèo hợp nhau và thân nhau lắm, từ đó tôi mới biết lão và vợ lão có vấn đề. Vợ lão ôm con nhỏ theo người bạn thân của lão. Đấy là một vết thương to lớn sâu kín, gặm nhấm tan nát tâm hồn của lão ngày đêm nơi đây. Lão Tèo sầu muộn âm thầm một mình cho đến khi có tôi cận kề bên, thân đến nỗi, lão có lần say khướt mở lòng ra tâm sự với tôi tất cả.

Đời sống ở đơn vị chiến đấu sông rạch cũng không tệ lắm, sau chuyến công tác, tôi hay vác cái bản mặt vô duyên lê la quanh mấy trường lớp, mang lon lá trên vai, ngồi uống nước ngắm mấy em nữ sinh đi qua, đi lại cho đỡ thèm. Tôi nhát gái nhưng mê gái. Nhìn mông ngực gái thì giỏi chứ chả dám dê em nào,bởi có mấy dịp thấy mấy em ngồi uống nước cạnh bàn, bạo gan lò mò đi sang khơi chuyện, vừa mở miệng phun ra một tiếng, tôi điếng hồn nhìn thấy một đám mắt xinh đẹp cùng lượt pha lên nhìn tôi, rồi 4-5 cái mỏ chu ra, sủa thánh thót:

– Vô dzuyên!

Cho nên tôi đi đít không về đít không. Lão Tèo nản quá, bỏ nhiều công sức vừa nhậu vừa truyền bao bí kíp, bao mánh mun lia chia, bao cách dê cao cấp, bao cách dụ tinh vi, bao cách xạo có căn, đủ độc chiêu nhưng tôi vẫn ‘mình tôi cô đơn nên muôn năm vẫn cơn đu’. Thôi trời cho sao để vậy đâu có chết thằng Tây nào đâu mà mất ngủ.


Mấy ngày gần đây tôi thấy lão Tèo tươi cười hơi nhiều, dễ hơn, làm dáng chải chuốt láng hơn, bao tôi ăn nhậu nhiều hơn. Tôi gặng hỏi mãi mới biết, lão ta có đào đẹp. Mà nàng Hân đẹp thật, đầu đít gì cũng trên trung bình, mặt mày đã tuyệt mà thân hình hết xẩy. Đến nỗi ghệ của người khác mà tôi nhìn nước miếng chảy tùm lum. Lão Tèo giỏi thật, tôi phục lão hết chỗ để,phục và mừng vì biết lão và Hân yêu nhau thm thiết. Nhưng khi nghe tôi đề cập đến chuyện cưới hỏi, thì người tôi như chạm phải một đám gai nhọn. Mặt lão sầm xuống đầy u sầu, đôi mắt của lão trôi dài ra xa xăm, vô tận, vô tận...

Thì ra gia đình của nàng Hân, đúng hơn là cha mẹ của nàng Hân có thành kiến xấu về Hải Quân, có lời thề trước tổ tiên là con cái trong gia đình tuyệt đối không được liên hệ gì đến đám Hải quân cả. Mặc dù lão Tèo đã tng quỳ lại, khóc lóc, van xin nhưng bố mẹ Hân cương quyết từ chối thẳng thừng và có lúc còn gọi quân cảnh đến mang lão Tèo về căn cứ, rồi lão đành lãnh vài củ trọng cấm. Lão đau một, Hân đau ngàn vạn lần hơn, bởi Hân đang mang hòn máu của lão trong bụng. Ngày nào lão cũng quỳ trước nhà Hân, đâu được vào nhà đâu và ngày nào quân cảnh cũng lôi đầu lão về trại. Tôi thương hoàn cảnh bi đát của hai người thân, thương cảm mà không biết phải làm gì, có lần tôi đánh bạo mò đến gặp hai ông bà cố chấp kia, nhưng họ vừa thấy mặt tôi lóng ngóng bên ngoài thì cửa đóng sập vào mặt tôi và tiếng còi hú của xe quân cảnh ập tới. Ông chỉ huy trưởng Nhi cảnh cáo tôi gay gắt lắm.


Tôi nghe phong phanh Hân sẽ phải nghỉ học, sẽ phải về quê nơi nào đó để giải quyết vấn đề không chồng, có chửa của Hân. Nguy quá! Tôi nghĩ mãi không biết lão Tèo sẽ phản ứng thế nào, tôi không có can đảm nghĩ thêm hơn.

Trên chuyến công tác thường lệ, tôi nằm đong đưa trong chiếc võng nhà binh, nghĩ bâng quơ, tàu chạy một máy chầm chậm trên sông lớn nước đục lờ lờ. Từ chiếc máy PC25 ám danh của tôi được gọi:

– Whisky! đây Charlie!

Thằng thiếu úy Bản gọi, tôi trả lời và tiếp theo một tin ngắn tàn khốc:

– Bà Hân quyên sinh. Chết rồi!

Thế thôi! Cả vũ trụ sụp đổ. Hân và đứa bé trong bụng đã chết. Mắt tôi ráo hoảnh. Tim tôi như ngưng đập, dường như tôi không hít thở được nữa. Nàng Hân xinh đẹp đã biến mất khỏi cuộc đời đầy thù hận này rồi sao! Tôi không dám tin đấy là sự thật. Tôi ngẩn ngơ không còn hồn vía gì nữa. Và lão Tèo, chỉ nghĩ thoáng qua tới lão, nước mắt của tôi đã lặng lẻ rơi xuống, rơi xuống, cứ rơi xuống...

Tàu về bến. Tôi tất tả chạy bay đến phòng lão, phòng trống không, lão Tèo mất tăm tích mấy ngày nay, quỷ không hay, trời không biết. Lão không có mặt trong các quán rượu, lão không có mặt nhà Hân, nơi xác mẹ con Hân. Tôi rình rập quanh nhà Hân, lão tuyệt nhiên biệt tích. Nhà Hân im lìm một cách đáng sợ, cây phượng trước nhà vẫn vô tình nở hoa máu đỏ rực rỡ, cng nhà vẫn ngang nhiên ngăn cách giữa thù hận và tình bao dung. Chiến tranh từ đó mà nẩy nở giữa con người với nhau một cách vô tình. Tôi đâm ra thù ghét tôi, thù ghét lão, thù ghét sự bất lực của con người trước những phi lý đầy rẫy trong đời sống.


Rồi đám tang của Hân cũng được tổ chức. Tôi chưa từng thấy một đám tang nào tệ hại và thô sơ như vậy. Hân nằm trong một chiếc quan tài, đúng hơn là một hộp gỗ tạp, không kèn, không trống, không hoa trái, không sư sải, nhang khói gì ráo. Đi sau chiếc xe bò cũ, tôi đoán, hai người chị và đứa em trai nhỏ, bố mẹ Hân không có mặt để tiễn đưa con, cháu mình. Tôi đi cách quảng khá xa phía sau và nhìn dáo dát cố ý tìm xem lão Tèo có lấp ló ở xó nào không. Biệt tăm! Tôi đâm ra phát cáu và căm giận lão vô cùng. Đồ mặt chó!

Cuối cùng nơi Hân ở là đám cỏ hoang, phát cắt sơ sài, đấp điếm sơ sài, cũng cao cao thành một nhúm mộ mới, trước mộ, thằng em chắc thương xót chị, viết đầy đủ tên họ Hân, rồi cắm vội như miếng bia cho có lệ. Trời chiều, tôi chờ mọi người ra về hết mới chậm chạp bước đến, quanh nấm mộ của Hân cỏ dại vàng úa, cao, lất phất trong gió chiều, im, lạnh. Tôi nhìn tấm bia đóng xiêu vẹo trước mộ Hân, nước mắt của tôi tự dưng rơi xuống không thể nào kềm chế được. Tôi đứng đấy tay cầm chiếc mũ lưỡi trai HQ đầu óc trống không, chợt tôi có một cảm giác lạ sau gáy, tôi quay lại phía sau và lão Tèo thân yêu của tôi đứng đấy tự bao giờ.

Alain Delon Tèo đó sao? lão Tèo phong lưu dạo nào nay bỗng chốc già trên trăm tuổi, mặt lão hốc hác, râu ria lởm chởm, tóc tai bù xù, quần áo nhàu nát, dơ bẩn, đôi mắt đục, lờ đờ nhìn vào một khoảng không xa xôi, hai tay buông xuôi. Lão đứng đấy như một pho tượng đầy nét chấm phá cổ kính đổ vỡ. Tôi bước đến cầm lấy đôi bàn tay lạnh buốt của lão và tôi nghe tiếng nói rè đục như hơi thở của lão êm ru:

– Thôi mình về.

Từ đấy! Lão Tèo trở thành một người khác. Lão lầm lì suốt ngày không nói chuyện với ai, ngay cả tôi lão cũng tìm cách tránh né gặp mặt,tôi mò sang phòng lão thì chỉ tổ bị lão lạnh nhạt viện cớ này, cớ nọ đuổi đi. Có lúc lão yêu cầu ông trưởng cho lão dẫn thuyền đi công tác,ông trưởng không vui nhưng cũng lơ là cho qua chuyện.


Dạo nầy tình hình chiến sự đất nước căng thẳng cao độ. Bọn CS Bắc xâm nhập vào miền Nam liên tục, nhất là từ mạn Campuchia. Cho nên chưa bao giờ nhiệm vụ của HQ sông lại quan trọng như lúc này. Giang đoàn của tôi cũng chịu khá nhiều áp lực theo thời cuộc, ông trưởng Nhi ra đi, ông CB Tường về thành chỉ huy trưởng mới toanh. Lão Tèo bất mãn nặng nhưng mệnh lệnh quân đội là mệnh lệnh tiên quyết. Cùng quan ba với nhau nhưng quan này lại khác quan kia. Lão Tèo không còn chọn lựa nào khác hơn là phải sát cánh làm việc với ông trưởng mới mẻ này.

Con kinh đào Đồng Tiến chạy tới đâu thì tôi không biết. Tôi chỉ biết đấy là một con kinh đào thẳng băng, dọc hai bên là rừng đầy cây tràm, có nơi được phép tác xạ tự do vì vc có lúc nhiều hơn ruồi mui không chừng. Giang đoàn 63 tuần thám do thiếu tá Thìn (nhạc sĩ Trường Sa) đãm nhận và đang hoạt động ở địa bàn hắc ám này, hắc ám bởi ta đóng ngay một địa điểm chiến lược vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn trục giao thông chính yếu của bọn phương Bắc, xâm nhập từ phía Campuchia. Do đó nên Giang đoàn 63 bị áp lực nặng ngày đêm từ mọi phía.


Lệnh khẩn từ trung ương cả Giang đoàn chúng tôi toàn bộ tiến vào kinh Đồng Tiến, trước là trợ lực sau là chuyển đi vùng công tác cho 63 TT. Cả đoàn chiến đỉnh 18 chiếc (2 chiếc chìm trước đó) chạy thành một hàng dài trong nhiệm sở tác chiến thường trực, hai bên bờ thỉnh thoảng có nhà, dọc bờ có chỗ dân dùng cây, nhánh dựng chà nuôi tôm, chỗ ấy lòng kinh hẹp lại, thường thì mấy thuyền trưởng cho thuyền đi chậm chậm, để bớt sóng và nép hẳn về phía bên không có chà. Thuyền tôi đi hàng thứ tư, chiếc thứ nhất, thứ nhì của ông trưởng vừa qua, tới chiếc thứ ba vừa trở tới, tôi nghe một tiếng nổ khá to cùng một cụm khói đen bốc lên từ chiếc chiến đỉnh phía trước. Chiến đỉnh bị bẫy mìn, hư hại nặng, có thương vong.Chúng tôi không rõ đích xác nơi nào để đánh trả, chỉ bắn từng chập vào mạn rừng tràm hai bên, đồng thời dùng thuyền tải thương khẩn cấp.

Cảnh vật hai bên bờ trông vô cùng yên bình, trong cái yên bình ấy bạn không thấy được vô số bẫy rập chết người, những rình rập tàn ác, những mưu tính đầy giết chóc tàn độc của con người đối với con người. Tôi không còn sợ hãi như dạo trước nữa, sống với lửa đạn lâu rồi cũng chai lỳ và ngu ra thêm chút.

Báo cáo tình hình xong xuôi, Giang đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình với tinh thần khẩn trương hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng đến điểm hẹn, sau khi giải tỏa hết một đoạn kinh bị đóng cọc tràm bởi cs với mục đích hạn chế tầm hoạt động của Giang đoàn 63 TT. Chúng tôi đến, 63 đi. Công tác bàn giao cùng ngày, chúng tôi vào điểm kích cùng đêm dù chưa biết Ất Giáp tình hình địa phương lành dữ nơi nào, ra sao.

Vùng ĐT Mười quả nhiên hắc ám thật, nước thì phèn chua, pha cà phê sữa thì bị nhũ tương sợi sợi, tắm chà xà bông thì không ra bọt, rít rít da. Đi 2 ngày đêm công tác về base thì không có khỉ gì giải trí cho thư giãn đầu óc. Chỉ biết tụ năm, tụ bảy, chỗ thì xập xám, bên kia thì Rumi, bên nọ thì Dominos, ăn thua thì ít, chửi bới, chọc phá nhau thì nhiều. Mấy em thơm bán café ở công viên Lạc Hồng nay lại là mấy bà chằn lửa, nấp phía bên kia rừng bắn sẻ khi bọn này ló mặt ra, bắn dở mà hay bắn mới phiền.


Lão Tèo dạo nầy thân thiện lại với tôi ghê lắm, có một đêm lão rủ rê tôi qua chỗ ngủ của lão nói dóc chơi, tôi qua, sững lại vì tôi trông thấy tấm ảnh của nàng Hân được đặt trên chiếc bàn nhỏ của lão. Tôi cầm lên, ngay lúc lão từ phía sau bước ra tay cầm bia, tay cầm thuốc lá. Lão đứng khựng lại, quanh lão là một bức tranh tỉnh vật không một chút sinh khí, tôi giương mắt nhìn lão, tôi thấy tay lão run run, bờ vai lão run run, thân lão bất động duy đôi mắt của lão đã dàn dụa nước mắt. Lão Tèo nhà tôi khóc! Khóc vô thanh là cái khóc vô cùng thống khổ. Lão vẫn đứng đấy bất động ngoài nước mắt cứ mặc sức rơi rớt. Tôi buông tấm ảnh Hân xuống, bước tới bên lão, ôm lão và tôi không thể cầm được nước mắt của mình. Nỗi đau của đàn ông không một phụ nữ nào thấu hiểu cho hết ngoài tri kỷ, tri giao.

Lão vỗ về lại tôi:

– Này! Này!  

Chúng tôi uống bia cho tới khuya, say khướt. Tôi ngủ ngay dưới sàn phòng lão. Sáng thức dậy lão Tèo đi đâu mất tiêu. Tôi đi qua phòng hành quân gặp trung úy Muôn k19 nhận lãnh công tác, thay vùng kích cho thiếu úy Thiện K1 OCS. Muôn nói:

– Ông phó xách tàu đi thay công tác với thằngThiện rồi.

– Sao vậy? Ngày công tác của tui mà, niên trưởng sao để ổng đi?

– Ổng nói mày say nhèm rồi, vã lại ông cũng đã thông qua với xếp, tao chào thua thôi.

Tôi vừa lầm bầm chửi thề vừa đi lệt bệt về phòng mình, đám bạn đang ì xèo sát phạt ngẩng lên nhìn tôi ngạc nhiên:

– Ủa! Không phải mày đi thay cho thằng Thiện hôm nay hay sao?

Tôi không trả lời trả vốn gì cả gieo người nặng nề xuống giường, nằm đó nhắm nghiền mắt lại.

Thiện bước vào từ cầu tàu, quăng nón sắt áo giáp cật vấn ngay khi thấy tôi nằm đấy:

– Mẹ! Tao chờ mầy hóa ra là ông phó. Thế này là thế nào? Mầy bịnh à?

– Ổng chuốc rượu tao đêm qua rồi xách tàu đi cho đỡ buồn, xếp biết rồi!

Thiện cười hì hì:

– Piston dữ hen. 

Tôi tụ lại với đám cô hồn, ngồi ké tới, ké lui, ăn chỗ này, chung chỗ kia cho hết thời gian. Bấy giờ trời bắt đầu xâm xẩm tối, vùng Đồng Tháp trời dường như tối mau lẹ hơn những nơi khác, mới chiều thôi mà trời đã tối thui, đen như bôi mực rồi. Đám quỷ chúng tôi đang cười nói, chửi nhau quanh các sòng bạc rôm rả. Chợt chúng tôi nghe tiếng súng liên tục ầm ì từ xa vọng lại, tiếng súng khác thường hằng đêm và tng chập hỏa châu cháy lập lòe, ma quái uốn éo trên bầu trời đêm đen bên ngoài.

Bọn chúng tôi dừng lại mọi thứ, nhìn nhau, lắng nghe. Lòng mọi người cảm thấy bất an không còn hứng thú sát phạt nhau nữa. Bên ngoài trời bắt đầu lấm tấm mưa, tiếng súng đạn vẫn liên tục vọng về, vọng về, mỗi lúc có vẻ gần hơn. Chợt chúng tôi thấy ông trưởng và Muôn tất tả dầm mưa chạy sang, mặt mày vô cùng khẩn trương. Ông trưởng nhìn tôi và nói:

– Ta bị phục kích ở DTV 38, ông Tèo bị thương. Anh Bình điều động 4 chiến đỉnh đi hổ trợ và mang ông Tèo về ngay.


Tôi bật dậy, quơ vài thứ cần thiết, xách đôi giày bốt, chân trần chạy hối hả xuống cầu tàu. 4 chiếc tiểu đỉnh chạy như điên, tôi ngồi đứng không yên, mắt cứ đăm đăm dán vào bóng đêm đen phía trước, mưa nhẹ nhưng giọt mưa như kim chích đâm vào mặt, tôi không cảm nhận được điều gì khác ngoài việc hối thúc tàu chạy nhanh hơn. Từ xa xa tôi thấy lờ mờ hình ảnh của đội ta qua màn mưa đêm. Tàu tôi đi đầu, khi đến nơi một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt tôi. Lão Tèo nhà tôi nằm trên nấp hầm máy của chiếc 44, đầu của lão gát lên đùi của một anh lính, tay của anh ấy đang bịt vào vết thương nơi cổ của lão Tèo, bàn tay của anh lính đầy máu, máu ướt hết trước ngực. Lão Tèo nằm bất động, mắt mở hi hí. Lão thở khò khè qua vết thương nơi cổ, vết thương lớn vô cùng trầm trọng.

Tôi hồn vía lên mây, nhảy đại qua chiếc 44 ngồi xuống nắm lấy tay lạnh ngắt của lão Tèo, tôi gọi khe khẽ:

– Anh Tèo, Bình đây! Anh Tèo, Bình đây!

Tôi giục mấy anh lính mang lão qua thuyền tôi và hối hả chạy ngược về hậu cứ. Trên tàu, tôi ôm lão trong lòng, tôi cầm nhè nhẹ bàn tay của lão hy vọng tìm được chút sinh khí nào ngoài tiếng thở đứt quảng từng chập của lão. Tôi dúi mặt tôi sát mặt lão, tay tôi bóp nhè nhẹ tay lão, tôi gọi nho nhỏ:

– Anh Tèo, Bình đây, anh nghe tôi thì anh nhút nhít mấy ngón tay nghe anh.

Im re một lát, chợt như tôi thấy mắt lão mở hơi lớn hơn một tí, tôi mừng quá bóp bóp bàn tay lão, gọi:

– Anh Tèo! Anh Tèo! Bình đây anh.

Mắt lão chỉ mở được như thế,hơi thở giật tng hồi ngắn, như tiếng nấc nhỏ,mỏng như tơ.Tôi kề tai sát vào miệng lão để nghe hơi thở, im re, bàn tay lão mềm nhũng trong tay tôi, mắt lão vẫn he hé mở, người lão êm ru và lão Tèo thân yêu của tôi đã trở thành người thiên cổ.

Tôi hết biết tôi là ai, tôi ôm bạn tôi trong lòng, thân bạn tôi từ từ lạnh giá, lạnh không vì mưa đêm Đồng Tháp, không phải vì sự bội phản của vợ con, cũng không phải vì cái chết của người yêu và đứa con chưa chào đời. Lão lạnh vì chỉ có lão biết sau cái lạnh ấy lão sẽ tìm được hơi ấm từ một cõi khác.

Tôi hết khóc nỗi, không có cái giống gì trên cõi đời nầy làm tôi khóc thêm được hết. Tàu cặp cầu, ông trưởng và mọi người ùn chạy xuống. Câu hỏi dư thừa đáng căm ghét phụt ra:

– Ông Tèo sao rồi? Ông Tèo sao rồi!

Tôi đặt xác lão xuống nền hầm máy, bước lên cầu thang dẫn về hướng doanh trại dã chiến, tôi bước ngang ông trưởng, bước ngang các đám bạn sĩ quan, không nhìn một ai và đau đớn nói:

– Chết rồi!

Đời người chỉ tóm tắt đơn giản như thế. Từ trên cầu tàu tôi nhìn xuống lần cuối chiếc tiểu đỉnh chở xác lão. Mưa đêm vẫn rơi lất phất, giọt mưa bay theo gió lóng lánh từng hàng dưới ánh đèn cầu mờ nhạt. Tôi không thấy được lão. Đầu óc của tôi trống rỗng. Tự dưng nước mắt của tôi chảy dàn dụa xuống.

Alain Delon Tèo đẹp trai, phong nhã của tôi nay biến mất ngọt ngào trên trái đất đầy thù hận nầy. Vĩnh viễn mất dạng. Tôi đứng thẳng dưới cơn mưa đêm, đưa tay lên chào kính lão lần đầu tiên cũng là lần cuối.

VĨNH BIỆT ANH TÈO


Nguồn: Cũng một kiếp người | Buồn Vui Đời Lính

No comments:

Post a Comment