Sáng thứ bảy, ngồi
nhâm nhi ly cà phê một mình trong bếp, chợt nhìn lên tấm lịch Tam tông Miếu
trên tường, Mai không khỏi buông tiếng thở dài. Chỉ còn một tuần nữa là đám giỗ
mẹ. Cái đám giỗ thứ năm. Nhớ mẹ. Nhớ da diết. Mái tóc trắng như bông. Những năm
cuối đời, bệnh hoạn liên miên, từ một người tướng mạo phương phi, mẹ trở nên
gầy gò, khô héo, bước đi xiêu vẹo! Thân xác có thay đổi nhưng tấm lòng từ bi,
thương con, thương cháu, thương tha nhân.... vẫn không suy giảm. Mẹ lúc nào
cũng vậy. Trái tim rộng như biển cả, như bầu trời. Hồi trước, nhận những cánh
thư từ các trại tị nạn, của những người quen thân, quen sơ, hay chưa hề quen
(có thể là người quen của một người quen nào đó)! cầu cứu, mẹ đều hối hả gởi
tiền bạc, thuốc men qua giúp đỡ. Có lần bé Châu cằn nhằn:
– Ai quen lạ gì bà
cũng cho.Rồi bà còn tiền đâu mà xài?
Mẹ cười hiền:
– Bà tích đức cho tụi
bây đó. Đời bà đã gần cuối nhưng đời tụi bây còn dài. Đừng bao giờ quên mình ăn
thì hết, người ta ăn thì còn đó con ơi. Vả lại bà già rồi, đâu cần mua sắm gì
nhiều.
*****
Ngày xưa mẹ đẹp lắm.
Đẹp và thông minh nhứt trong số 5 cô con gái của ông bà ngoại. Người dong dỏng
cao, da trắng nõn, cặp mắt lá răm. Hai bàn tay búp măng tuyệt đẹp. Ông ngoại là
điền chủ miệt Hậu giang. Nhưng không giống những người cùng thời, ông rất cấp
tiến. Trai gái đều được cho đi học như nhau. Trong nhà ông đặt mua tất cả các
thứ sách báo để mọi người cùng đọc, cùng học hỏi. Ông có một người em làm Đốc
phủ sứ tại Sóc Trăng. Ông bà Bảy có 2 trai, cậu Thuận và cậu Hòa. Rất thèm có
một cô con gái, nhưng sau hai cậu, bà không còn sanh thêm lần nào nữa. Một hôm
về Đốc Vàng dự đám giỗ nhà ông ngoại, thấy 5 cô tố nữ sàng sàng tuỗi nhau, cô
nào cũng tươi như ngọc như ngà, ông bà ngỏ ý muốn xin một cô làm con nuôi. Sẵn
dịp mẹ vừa học xong hết lớp tại trường làng, lại là đứa lanh lợi, thông minh,
ngoại liền cho mẹ về làm con nuôi ông bà Bảy. Năm đó mẹ vừa tròn 11 tuổi. Từ
nhỏ quen sống trong cảnh vui nhộn với anh chị em (cả nhà 3 trai, 5 gái),tự do
cười giỡn chạy nhảy, quanh nhà vườn tược rộng mênh mông, bây giờ phải sống gò
bó trong phủ, cậu Thuận và cậu Hòa lại học tuốt trên Sàigòn,chỉ ngày Tết hay
nghỉ hè mới về nên mẹ cảm thấy lẻ loi, nhớ mấy đứa em, buồn vô tả! Mỗi lần bà
ngoại xuống Sóc Trăng là mẹ lại khóc lóc đòi về. Ngoại phải dỗ dành, khuyên nhủ
mẹ ráng học thành tài, bỏ ngang uổng lắm. Nhưng ráng tới hai năm là mẹ đuối!
Một lần bà ngoại xuống Sóc Trăng thăm, lúc về chở đầy một ghe than đước, lợi
dụng lúc hai bà đang bận rộn từ giã nhau, mẹ lẻn trốn xuống ghe. Đi được mấy
tiếng đồng hồ, biết chắc ghe không thể nào trở lui lại được, mẹ mới ló đầu ra.
Tuy tức giận hết sức, nhưng nhìn thấy mặt mũi, mình mẫy mẹ như con lọ lem, bà
ngoại phải phì cười... Về tới nhà mẹ bị ông ngoại cho một trận đòn nhớ đời! Bị
đòn đau lắm nhưng mẹ nhứt định không trở xuống Sóc Trăng nữa. Ông bà ngoại đành
cho mẹ theo dì Trâm học nữ công, gia chánh.
Trong thời gian còn ở
Sóc Trăng với ông bà Bảy, có nhiều chuyện nho nhỏ xảy ra khiến cho khối óc non
nớt của mẹ nhớ hoài và cũng là tấm gương sáng cho mẹ sau này. Số là một hôm mẹ
theo chị bếp xách giỏ đi chợ. Mua xong nải chuối già hương chín vàng, 2 người
ngồi xề xuống gánh bánh canh kêu 2 tô. Cái giỏ có nải chuối đặt bên cạnh. Say
sưa với tô bánh canh bột lọc, giò heo, tôm cua béo ngậy... không ai để ý đến
cái giỏ. Chừng ăn xong quay qua kiếm, thì cái giỏ cùng nải chuối đã không cánh
mà bay mất tiêu! Hai người dáo dác chạy đi kiếm. Cuối cùng bắt gặp cái giỏ có
nải chuối trên tay một chị nhà quê. Chị bếp giận dữ giựt cái giỏ lại, nhưng chị
kia cũng không vừa, nhất định không buông. Hai bên vừa giằng co vừa cãi lộn om
sòm, người nào mặt mũi cũng đỏ như gấc, thì may có chú Đội đi qua. Chị bếp mừng
quá gọi chú lại. Có mẹ làm chứng, nên chú Đội bắt người đàn bà kia dẫn về phủ,
phạt nhổ cỏ trước sân.
Tan buổi hầu, dùng cơm
trưa xong, ông Bảy đi thơ thẩn trước hàng ba cho tiêu cơm, chợt nhìn thấy một
người đàn bà đang lom khom nhổ cỏ dưới cái nắng chang chang. Nhưng điều làm ông
ngạc nhiên là ngoài cổng có một người đàn ông, tay bồng đứa nhỏ chừng 1 tuổi,
đi qua đi lại, cặp mắt nhìn chăm chăm vào người đàn bà. Đứa trẻ thỉnh thoảng
lại giẫy dụa, khóc ré lên. Người đàn ông vừa dỗ con vừa nhăn nhó ra chiều rất
đau khổ! Ông Bảy kêu người nhà ra hỏi. Biết được nguyên nhân, ông cho gọi chú
Đội lên rồi quở rằng:
– Làm người ai cũng
biết xấu hổ. Nếu cô ta có đánh liều ăn cắp nải chuối cũng bởi cô ta thèm mà
không có tiền mua. Tội này không đáng bị trừng phạt như vậy, nhứt là bắt đứa
trẻ phải chịu khát sữa, tội nghiệp quá!
Ông bảo tha người đàn
bà về và cho luôn nải chuối.
Giáp ranh nhà ông
ngoại ở Đốc Vàng là nhà ông Ba Thạnh. Ông này có bà con xa. Tuy không nghèo
nhưng bản tánh keo kiệt, tham lam, nhiều lần lén lút lấn ranh đất nhà ông ngoại
nên hai gia đình thường xảy ra cãi cọ. Sau này giặc giã, gia cảnh sa sút, ông
ba Thạnh xoay qua buôn bán. Có lần ông chở một ghe đồ gỗ đi bán dọc theo các
tỉnh hai bên bờ sông Cửu Long. Ghé tới Sóc Trăng, ông ta bị bắt vì tội không
đóng thuế thân. Lúc bị đưa vào công đường, nhìn thấy ông Bảy, ông ta hồn bất
phụ thể, chắc mẻm phen này thế nào cũng bị ông Phủ phạt nặng để trả thù cho ông
anh. Nào ngờ, khi nhận ra ông ba Thạnh, ông Bảy niềm nở hỏi han và còn ứng 3
đồng bạc cho ông ta đóng thuế. Nói làm sao hết nỗi vui mừng và lòng biết ơn của
ông ba Thạnh! Khi trở về Đốc Vàng, đi tới đâu ông ta cũng hết lòng ca ngợi ông
Bảy và cuộc chiến tranh lấn đất với ông ngoại cũng tự động tan biến luôn…
Mẹ lấy ba năm 17 tuổi,
qua sự mai mối của một bà bác dâu. Bà này góa chồng sớm, một tay bương chải
nuôi đàn con thơ. Quanh năm với chiếc áo dài đen, tay xách cây dù xuôi ngược
khắp nơi.Nhà nào có cam quít, soài, dừa... là có bà đến thăm. Bà cũng là thân chủ
thường xuyên bao trái cây vườn nhà ông nội của Mai. Khâm phục sự đảm đang, giỏi
dắn của bà, một hôm ông hỏi bà có cô cháu gái nào đến tuổi cập kê thì làm ơn
mai mối cho con trai của ông (ngược lại với ông ngoại, ông nội có 5 trai, 3
gái). Ông nói:
– Tui chắc cháu chị
cũng sẽ giỏi giang như chị. Nói dại sau này con tui có qua đời sớm, tui cũng
yên tâm cho lũ cháu.
Không ngờ lời tiên
đoán này lại trúng phóc! Cha chả, gì chớ cháu gái bà đâu có thiếu! Vả lại một
bên là ông Cả, một bên là ông Chủ, môn đăng hộ đối quá rồi còn gì nữa! Bà bèn
nhận lời và về bàn bạc với ông bà ngoại.
Mẹ 16, ba 20. Hôm đàng
trai đến xem mắt, vẻ khôi ngô tuấn tú của ba làm mẹ xiêu lòng liền và nét duyên
dáng, yểu điệu của mẹ cũng khiến ba khó mà từ chối!
Sau đám hỏi, mẹ bắt
đầu sửa soạn may áo quần, mùng mền... chuẩn bị cho cuộc đời làm vợ tương lai.
Nhưng mẹ đâu có ngờ giấc mộng đầy hoa gấm của mình tan tành như mây khói, chỉ
vài ngày sau khi bước chân qua ngưỡng cửa nhà chồng! Bà nội là người có đầu óc
cổ hủ. Bà khắt khe với tất cả các con dâu. Bác ba Đại là trưởng nam của ông
nội. Lúc còn học trên Sàigòn, bác gặp và thương bác gái, ông bà phải lên Sàigòn
tổ chức đám cưới. Gia đình bác gái dân tây, quen cách sống phóng khoáng nên về
nhà quê làm dâu chưa đầy một tháng, bác chịu không nổi, nhứt định đòi trở về
với gia đình trên Sàigòn. Cuối cùng bác trai cũng đành cuốn gói chạy theo tiếng
gọi của con... tim! Rồi lập nghiệp luôn trên đó.
Bà ngoại biết mẹ yếu
đuối, không quen cực khổ, nên lúc về nhà chồng, bà cho một cô tớ gái đi theo,
hầu đỡ đần những công việc nặng nề. Nhưng bà nội có một lập trường dứt khoát,
chắc như đinh đóng cột:
– Nhà tôi là nhà làm
ăn, không phải chỗ cho mọi người bẹo hình bẹo dạng, quần là áo lượt!
Mẹ đành thở dài, xót
xa xếp những chiếc áo gấm, áo thêu, mà mẹ đã bỏ ra biết bao nhiêu tâm huyết để
hoàn tất, xuống tận đáy rương. Những chiếc quần cẩm tự, sa ten tuyết nhung
trắng muốt được đem nhuộm đen. Từ một tiểu thư đài các, nếu không thêu may thì cũng
đọc sách hoặc làm các thứ bánh trái, bây giờ phải thức khuya dậy sớm, suốt ngày
làm quần quật không ngơi tay, nên mẹ cứ bịnh hoài. Bà nội càng ghét, cho là mẹ
làm bộ nhõng nhẽo với ba để trốn việc!
Lúc anh Tùng chào đời,
mẹ mừng lắm, tưởng sẽ được tự tay săn sóc cho con,nào ngờ bà nội dành luôn
nhiệm vụ đó. Nhiều lúc anh khát sữa khóc lả người, bà vẫn điềm nhiên cho anh
bú... vú da! Mẹ đứt từng đoạn ruột nhưng không dám phản đối. Ông nội biết tánh bà
nên hay binh mẹ. Điều này chẳng những không có lợi, mà còn bị “ép phê” ngược!!!
Ba là một người đàn
ông rất đẹp trai, tính tình hào hoa, ăn nói lại duyên dáng, nên các bà các cô
mê như điếu đổ. Trong đám tá điền của ông nội có gia đình ông Sáu Can ở cách
nhà độ 3 cây số. Hai ông bà có một cô con gái rất đẹp tên Kim Phụng. Người đẹp nhưng
tính nết lẳng lơ. Không hiểu cô ta ỏn thót làm sao, mà ông thân sinh hào hoa
phong nhã của Mai quyết định lập cô ta làm...phòng nhì (tất nhiên bà chánh thất
không hề được đức lang quân thông báo cái chương trình rất ư là kém hấp dẫn
này)! Có điều ổng mù tịt là bà có một màn lưới gián điệp rất bén nhạy. Nhờ Mai
có một bà cô họ nổi danh Sư Tử Hà Đông: ông chồng bà thuộc loại già không bỏ
nhỏ không tha nên bà có tai mắt khắp nơi. Mấy “con đĩ ngựa” vừa mới nhúc nhích
ngón tay út là bà đã được... vô tuyến truyền miệng thông báo liền tức khắc. Vì
vậy mẹ biết đích xác ngày giờ và nơi chốn của buổi tiệc “tân hôn” sắp diễn ra.
Tối “hôm đó”, sau bữa
cơm chiều, ba lấy xe đạp ra đi, trên tay có cầm một gói giấy khá lớn.Mẹ hỏi đi
đâu, ông trả lời đi họp. Mẹ vẫn thản nhiên, mặt không hề đổi sắc. Độ mươi phút
sau, bà tập hợp đám tay chân bộ hạ gồm có chị Xuân, chị Yến (con cô hai Bạch)
và chị Thư (con bác ba Chung). Tất nhiên là mẹ phải trả tiền công và năn nỉ gãy
lưỡi họ mới chịu hợp tác. Mấy cô sợ bị chú Tân đánh đòn. Năm đó lớn nhất là chị
Xuân, 13 tuổi, chị Thơ 12, chị Yến mới 11. Nhà quê ban đêm trời tối như mực.
Mấy thiếm cháu phải đốt đuốc mới thấy đường đi. Gần tới nhà cô Phụng, mẹ tắt
đuốc đứng xa xa rình. Trong nhà đèn đuốc sáng choang, tiếng cười nói vang ra
tới ngoài lộ. Khi nghe tiếng ba dặn người câu đem được bao nhiêu tôm cá cũng
phải đem lại hết thì mẹ mất bình tĩnh, kéo đám lâu la tới ngay trước cửa. Tội
nghiệp đám nhi đồng run như cầy sấy! Mẹ sôi gan khi nhìn thấy ông chồng yêu quí
của bà đứng song song với “con” Kim Phụng trước bàn thờ gia tiên nghi nghút
khói hương. Lại còn dám diện cái áo dài gấm xanh nữa mới là động thiên đình!
Cặp mắt toé lửa, bà xông vô nhà, túm ngay vạt áo dài của ông kéo mạnh. Vạt áo
tét lên tới nách! Tay kéo miệng la:
– Anh làm cái gì đây?
Đám cưới hả?
Ba Mai thấy vợ thì
rụng rời. Một tay bụm miệng bà, một tay ôm ngang eo ếch, lôi ra khỏi nhà. Mẹ
giãy dụa kịch liệt, nhưng vốn yếu đuối nên chống cự không nổi, bị lôi trở ra
đường lộ. Để bà đứng đó dậm chân khóc lóc, ông vội chạy đi lấy xe đạp, rồi kéo
bà lên ngồi trên đòn dong, hối hả đạp đi, mặc cho đám nhỏ vừa chạy theo sau vừa
khóc ỏm tỏi vì... sợ ma!! Hôm sau, biết được chuyện, mẹ bị bà nội rầy cho một
trận:
– Trai năm thê bảy
thiếp là chuyện thường. Nó đi chán rồi lại về, có...hao mòn, sứt mẻ gì đâu mà
phải ghen!?
Mỗi lần được về thăm
ông bà ngoại là mẹ mừng còn hơn bắt được vàng. Mặc sức ăn, ngủ, cười giỡn. Càng
gần tới ngày phải trở về nhà chồng, mẹ càng u sầu, ủ dột. Bà ngoại chuẩn bị đủ
thứ quà cáp để mua lòng bà sui. Mẹ kể, ghe về gần đến nhà, xa xa nhìn thấy cái
cầu tàu nhà ông bà nội, mẹ chỉ muốn nhảy xuống sông tự tử phứt cho rồi! Có lần
Mai nói nếu là con thì con không thèm trở về. Ở luôn nhà ông ngoại cho khỏe! Mẹ
lắc đầu, chép miệng:
– Bộ con tưởng mẹ chưa
từng nghĩ đến điều đó sao? Nhưng thời xưa, con gái bỏ chồng là một điều sỉ nhục
cho gia đình. Ai gặp trường hợp của mẹ cũng đành phải cắn răng chịu đựng thôi.
Mai thầm nghĩ các cụ
ngày xưa quả có một “nội lực” phi thường. Có lần cô Tư Xuân của Mai phát biểu
một cách khinh bỉ, khi nghe cặp bạn của con bà sắp sửa ly dị vì lý do... hổng
hợp tính tình:
– Chèn ơi, hồi đó mà
như bây giờ, chắc tao đã bỏ ba tụi bây cả trăm lần rồi! Ngày nay thay vợ đổi
chồng còn lẹ hơn thay áo. Tao thấy mà bắt chóng mặt!
Có điều an ủi là mẹ
được mọi người trong làng yêu mến. Bất cứ ai cần gì mẹ cũng giúp đỡ tận tình.
Ngay từ thuở còn chạy chơi với đám bạn nhỏ trong xóm, mẹ đã biểu lộ cái tánh
thương người. Trong làng có một người đàn bà tên Lý. Lúc trẻ lên tỉnh làm nghề “không
vốn”. Mới ngoài 30 đã vướng phải bịnh giang mai. Thân tàn ma dại, đi đứng không
nổi cũng ráng mò về làng cũ. Nhưng đi đến đâu cũng bị thiên hạ xua đuổi. Mẹ
thấy vậy huy động các bạn, cất một cái chòi lá phía sau đình làng, để bà ta có
chỗ che nắng che mưa. Lúc đầu phân công mỗi ngày một đứa đem thức ăn cho bà.
Sau đó đám bạn bỏ cuộc dần dần, cuối cùng chỉ còn mẹ hằng ngày vẫn đem cơm nuôi
bà ta cho đến lúc qua đời. Chuyện này đương nhiên vì không có thuốc làm sao hết
bịnh?!!
Trong cuộc đất của ông
nội, có gia đình bác Hai Dần, con đông lại nghèo xác nghèo xơ. Bác cho đứa con
trai tên Hiền, năm đó độ 15-16, ở cho ông nội sai vặt. Bác gái hằng ngày xách
cần đi từ bến nọ qua bến kia, câu những con cá lụn vụn như cá lòng tong, cá
chốt, cá mại, cá trèn... đủ cho hai bữa cơm. 3 cô lớn, đến mùa lúa thì cấy mạ
mướn, lúc lúa chín thì đi gặt. 2 đứa nhỏ nhứt mót lúa để dành ăn. Riêng bác
trai mắc bịnh lao, ốm yếu hom hem nên được miễn lao động!…
Năm ngoài Bắc bị nạn
đói chết hơn 1 triệu người, miền Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Một hôm mẹ qua
nhà bác Dần định nhờ việc gì đó. Thấy trong nhà im lìm, mẹ lên tiếng gọi cũng
không ai trả lời. Lấy làm lạ bà bước vô xem thử, chợt thấy bác trai nằm trên cái
chỏng tre, thở thoi thóp. Thấy mẹ, bác gượng ngồi dậy nhưng không nổi lại nằm
vật xuống. Mẹ định lên tiếng hỏi thì vừa lúc bác gái xách cần câu và cái giỏ có
lèo tèo mấy con cá lòng tong về tới.Bác gái cũng ốm nhom,đi không muốn nổi! Vừa
thấy mẹ, bác òa lên khóc. Mẹ hỏi mới biết rằng cả 10 ngày nay nhà bác không có
1 hột gạo. Phải ăn rau luộc cầm hơi,chờ mấy cô con gái đi cấy lúa mướn đem tiền
về.Chỉ lo bác trai yếu quá sợ không qua nổi. Nghe xong mẹ vội vàng về nhà, lén
bà nội xúc một thúng gạo biểu anh Hiền bưng về cho mẹ anh nấu cơm. Từ đó, thỉnh
thoảng mẹ lại giấu diếm ít gạo, nước mắm tiếp tế cho gia đình bác Dần qua cơn
túng quẩn.
Một gia đình khác, bác
Tư Đức cũng nghèo và đông con như bác Hai Dần (cái mục này rất dễ hiểu, vì nhà
nghèo không có thú vui lành mạnh nào ngoài cái thú vui sản xuất... nhi đồng)!
Cậu con trai 14 tuổi tên Đẩu ở chăn đàn bò cho ông nội. Cùng nạn đói ngoài Bắc,
trong Nam bị nạn thiếu vải trầm trọng nên dân nghèo phải mặc rách rưới, vá
chằng vá đụp. Còn rận thì vô số kể. Người nào người nấy ngồi đâu gãi đó, gãi
đến tóe máu mới thôi! Quần áo cả nhà mẹ luôn luôn bắt
nấu với nước sôi để diệt trứng rận.
Trong Nam, khoảng
tháng 10, tháng 11 âm lịch, cũng có chút gió bấc thổi hiu hiu. Tuy gió hiu hiu
nhưng cũng lạnh se da. Một hôm ra thăm ruộng, mẹ ngạc nhiên tột độ khi nhận ra
giữa đàn bò đang nhởn nhơ ăn cỏ, anh cu Đẩu trần truồng như nhộng ngồi trên lưng
con bò Đốm. Mỗi khi cơn gió bấc thổi qua, cậu ta lại run lên cầm cập! Hỏi ra
mới biết cả nhà bây giờ chỉ còn mấy bộ đồ rách te tua, dành cho bác gái và mấy
cô chị của cậu. Ngay cả bác trai cũng chỉ đóng cái khố. Ba Mai làm sở lúa gạo
dưới Sađéc nên nhà lúc nào cũng có trữ nhiều bao bố tời. Mẹ lén lấy một mớ, bảo
anh Đẩu đem về để bác gái cắt thành quần áo cho cả nhà mặc đỡ và không quên đưa
thêm vài bộ đồ cũ của mẹ cho mấy chị mặc khi đi ra ngoài. Kể sao cho hết những
nghĩa cử của mẹ đối với chòm xóm, láng giềng...
Rất lâu, sau này đi
làm ăn xa trên vùng cao nguyên Trung phần, một hôm Mai thấy mẹ dẫn về nhà 1 cô
gái độ 17-18. Người ngợm chỉ còn là một bộ xương biết đi. Mẹ nói gặp cô ta đang
lang thang ngoài đường, đi đứng xiêu vẹo như người hết hơi! Cô ta nói bị bịnh
thương hàn, nằm nhà thương mới xuất viện sáng nay. Tứ cố vô thân không biết đi
về đâu. Động lòng trắc ẩn mẹ dẫn về nhà nuôi cho mạnh, sau đó muốn đi đâu thì
đi...
Những năm giặc giã sôi
động, ba lên Sàigòn ở với chú Sáu Tú. Một mình mẹ phải cáng đáng hết mọi việc
trong ngoài. Thỉnh thoảng còn phải dẫn chị em Mai chạy tuốt vô trong đồng sâu
trốn những trận ruồng bố của lính Tây. Cực ơi là cực. Vậy mà không bao giờ mẹ
mở miệng than van.
Đến khi chú út Khang
lập gia đình thì ông bà nội cho ba mẹ ra riêng. Cũng từ lúc đó ba bắt đầu bị
đau bao tử và chai gan, nên sức khỏe yếu dần và mẹ cũng
bắt đầu đi vào con đường thương mại. Cũng giống như bà bác dâu thủa nào, mẹ đi
khắp nơi tìm mua những thứ có thể bán được. Từ gà vịt, heo bò đến trái cây đủ
loại... Mai còn nhớ như in một lần theo mẹ chở một ghe soài hòn xuống Vĩnh Long.
Giữa đường giông gió nổi lên, mưa như trút nước. Chiếc ghe nghiêng qua ngã lại
như sắp chìm. Mai run như cầy sấy, ôm mẹ chặt cứng vì tưởng hai mẹ con sắp bỏ
mạng trên giòng sông Cửu Long, mà thường ngày Mai thấy rất hiền hòa!... May mắn
lần đó tai qua nạn khỏi.
Anh Thăng và chị Lan
lần lượt lập gia đình. Đến năm Mai lên 14 thì ba mất vì chứng xuất huyết bao
tử. Sau đó Mai rời bỏ miền Hậu giang cây trái sum suê,theo mẹ lên lập nghiệp
nơi miềnCao nguyên đồi núi chập chùng.
Những tháng đầu lạ
nước lạ cái lại không quen ai, mẹ gặp rất nhiều khó khăn. Bị những người đi
trước chèn ép, hiếp đáp. Nếu là người khác chắc chắn đã bỏ cuộc. Nhưng mẹ là
một người tính khí quật cường, lại từng được tôi luyện trong “lò” của bà nội
suốt mười mấy năm ròng, nên nhất định không lùi bước! Và bà đã thắng cuộc.
Khách hàng thích tánh tình vui vẻ, cởi mở của mẹ nên tiệm lúc nào cũng nườm
nượp khách.
Mỗi lần về quê thăm
nhà, mẹ mang rất nhiều tiền bạc, vải vóc để giúp đỡ cho người nghèo.
Những năm cuối đời, bà
nội bị lòa và đi đứng không được, chỉ ngồi một chỗ. Có lần Mai về thăm bà, bà
nắm chặt tay Mai, mếu máo nói:
– Tội nghiệp mẹ con,
hồi xưa cực khổ quá!
Mai cảm động bóp bóp
tay bà, nói vài câu an ủi. Trong thâm tâm, Mai cho rằng đó là những lời nói
sáng suốt nhất trong cuộc đời của bà!
Thiếm út Khang, đầu
tắt mặt tối với đàn con gần chục đứa, đâu hơi sức nào để ý đến những lời chì
chiếc của bà nội, nên bà nói gì thì cứ nói, thiếm xem như gió thoảng bên tai,
tỉnh rụi như không!
Dù ở xa, nhưng mỗi lần
có chuyện cần kíp là anh Thăng, chị Lan lại đánh điện cầu cứu. Mẹ vội vàng bỏ
hết công việc, về quê để giải quyết mọi vấn đề rắc rối cho các con.
Sau 75, theo vợ chồng
Mai sang Canada, mẹ trăn trở, thở dài, than vắn. Cắc ca cắc củm nào vải vóc,
thuốc men, tiền bạc... gởi về Việt Nam cho gia đình anh Thăng, chị Lan. Mỗi bận
nghe có thiên tai, bão lụt mẹ lại mất ăn, mất ngủ, đêm ngày ngóng trông tin
tức….
Trời sinh ra mẹ là để
lo cho tha nhân. Có cái quần cái áo nào đẹp, ai ngỏ ý thích cũng sẵn sàng tặng
ngay. Món ngon vật lạ gì cũng dành cho con cho cháu. Không bao giờ nghĩ cho
chính bản thân mình. Mẹ không đi nhà thờ, cũng chẳng đi chùa, nhưng lại giúp đỡ
người vô số. Sau khi qua đời, có cả chục gia đình, đã từng thọ ơn bà, xin ảnh
để thờ.
Cái mảnh vườn con con
ở góc sân, lúc còn sanh tiền mẹ trồng đủ thứ rau: mồng tơi, quế, răm, húng, tía
tô, thìa là... Mai vẫn giữ y nguyên. Mấy cây bạc hà tươi tốt, cứ đến mùa đông
là Tiến lại đánh vào chậu, mang vô garage. Từ 6 năm nay, mỗi sáng đứng trong
phòng nhìn qua cửa sổ, Mai vẫn có cảm tưởng như nhìn thấy bóng mẹ với mái tóc
bạc phơ, thấp thoáng bên mấy luống rau, vừa tưới nước vừa nhổ cỏ dại, hoặc đang
nâng niu từng cọng ngò, lá cải…
Bé Ngà trong phòng đi
ra, thấy mẹ bèn xà xuống ngồi bên cạnh. Mai nói với con:
– Chúa nhật tới này cả
nhà mình đi chùa. Tới ngày giỗ ngoại rồi đó con.
Bé Ngà chu mỏ:
– Đi dự lễ, dự văn
nghệ thì vui, nhưng nhớ bà quá à!
Con bé lẩm nhẩm tính
rồi nói tiếp:
– Ngoại mất 6 năm rồi
hả mẹ?
Mai gật đầu, giọng
sũng buồn:
– Ừ, 6 năm rồi. Nhưng
kỳ ghê, lúc nào mẹ cũng có cảm tương như bà vẫn còn sống trong gia đình mình.
Bé Ngà cười cười:
– Mà có cái lạ nữa là
từ xưa mẹ rất sợ ma. Bây giờ tự nhiên mẹ “tiến bộ” hẳn, dám ở nhà một mình.
– Đâu có gì lạ. Ngoại
lẩn quất ở đây, ma cỏ nào dám hiện hồn nhát mẹ? Có ngoại bảo vệ là mẹ yên chí
lớn.
Ngà ôm cổ mẹ, cười như
nắc nẻ:
– Trời ơi, con không
ngờ mẹ chưa già đã lẩm cẩm! Theo con, người tốt như bà, giờ này chắc phải đang
“hưởng phước” trên thiên đàng mới hợp lý.
Mai cười theo con:
– Ừ, mẹ cũng biết điều
đó. Nhưng mẹ thương ngoại quá, cứ “nghĩ đại” như vậy, có chết ông tây đen nào
đâu mà sợ.
Rồi nhìn đồng hồ Mai
hối con:
– Lẹ lẹ lên cô nương,
kẻo trể giờ học tiếng Việt. Tuần rồi mẹ nghe cô giáo nói sẽ dạy tụi con bài
Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân đó. Bài này mẹ đã từng hát cách đây 40 năm.
Ngà lúc lắc cái đầu,
tay vuốt mái tóc huyền chảy xuống tới thắt lưng:
– Con biết bài đó rồi,
con nghe trong cuốn băng của cô Hoàng Oanh.
Rồi con bé cất giọng
trong như giòng suối mát:
Lòng mẹ bao la như
biển Thái Bình dạt dào
Lòng mẹ tha thiết như
giòng suối hiền ngọt ngào…
Mai không ngăn được
niềm cảm xúc, len lén đưa tay chùi vội giọt nước mắt vừa lăn tròn xuống má, gọi
thầm: Mẹ ơi…
Tiểu Thu
No comments:
Post a Comment