Pages

Saturday, May 10, 2025

"Gõ" Đầu Trẻ - Sài Gòn Cô Nương



Nghề “Gõ đầu trẻ” đúng như danh xưng của nó, nếu không “gõ” vào học sinh thì không phải nghề dạy học!

Vì thế cô giáo tròn mắt:

– Không đánh thì tụi nó leo lên đầu mình ngồi sao! Học sinh phần lớn lơ đãng, ham chơi. Nếu không đánh… chút để giữ kỷ luật nề nếp thì loạn ngay. Đố đứa nào học hành đàng hoàng nổi.      

 Cô lắc đầu chán nản:

– Ôi mệt lắm. Giáo viên trông nom một lớp độ bốn chục học sinh. Làm sao để không những mỗi năm chúng lên lớp đều đều, điểm cao, thi đâu đậu đó, học thật giỏi và tính tình thật ngoan ngoãn. Phụ huynh cứ ném con cái vào trường là khoán trắng việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ cho giáo viên. Tốt không sao vì đó là công việc của giáo viên. Không tốt thì giáo viên lãnh đủ, nhận mọi chỉ trích…

Chẳng phải giáo viên chỉ tập trung mỗi việc dạy học đâu mà còn đủ thứ giáo án, phong trào, thi đua… tối mắt tối mũi. Lũ học sinh đang tuổi hiếu động, đâu có ngoan ngoãn vâng lời cho công việc học hành trong trường lớp được mau mắn trôi chảy. Cho nên nếu không viện đến câu “Thương cho roi cho vọt” vẫn đúng ở mọi thời, ngay cả thời nay, thì khó làm nghề dạy học được!

Khi kết quả học tập không khá, con cái không vâng lời, phụ huynh luôn luôn đổ thừa hết cho giáo viên. Đủ thứ áp lực dồn lên đầu nên đôi khi họ khó giữ bình tĩnh để đối xử với học sinh theo đúng phương pháp sư phạm. Khi đó giáo viên quay sang trút bực bội lên đầu lũ trẻ dưới quyền. Có đủ thứ chuyện để “gõ” học sinh là vậy.

Các bé ở trường mầm non, mẫu giáo bị phạt khi ăn chậm, khi không chú ý làm theo hướng dẫn của giáo viên… Có bé bị tát vào má, đánh vào mông. 


Hiện nay nhiều trường nhà trẻ mẫu giáo có gắn camera nhưng không phải vì thế mà tránh được bạo hành. Cô giáo ở trường mầm non quận 3 túm đầu trẻ, tát trẻ ngã dúi dụi. Cô đút rất nhanh, khi bé ói, cô túm đầu cho bé ói vào tô thức ăn rồi đút tiếp. Chắc là khẩu phần đã chia có giới hạn nên không có dư bù cho phần bé ói ra!

Một cô giáo ở Ninh Bình đánh trẻ mầm non tới tấp, kéo lê dưới nền gạch. Cô khác ở Đồng nai tát trẻ 2 tuổi 31 cái. Mặc dù học phí tư thục mầm non khá mắc: 20 triệu/tháng nhưng cô vẫn đẩy, kéo, nhốt bé mầm non vào tủ quần áo…

Khang, sinh viên năm thứ ba cho biết vẫn không thể nào quên thuở nhỏ cảm giác khi đi nhà trẻ thường bị cô dọa treo lên quạt trần hay cho ông kẹ bắt. Cứ nhìn lên chiếc quạt chạy vù vù trên trần nhà là các em bé đủ khiếp hãi, cả ông kẹ không rõ mặt mũi vẫn luôn là hung thần trong thế giới bé thơ. Dọa nạt cũng là một cách “đánh” học sinh, một hình thức bạo lực tinh thần vậy.

Dễ bị phạt nhất là học sinh ở bậc tiểu học.

Có rất nhiều vi phạm để bị “gõ”. Ví dụ không cắt móng tay. Mỗi học sinh xòe hai bàn tay đặt trên bàn để cô kiểm tra. Ai để móng tay dài một khẻ, con trai tóc để đuôi rùa tức là tóc hớt bình thường nhưng chừa lại một cái đuôi dài nhỏ xíu đàng sau nhìn rất “ăn chơi” cũng bị một khẻ, làm bể bình bông, giờ ra chơi chạy ngang qua phòng hiệu trưởng chửi thề… đều ăn khẻ cả, hoặc là giờ vào học, vừa đi vừa nói chuyện trên cầu thang… Theo nội quy, khi xếp hàng, học sinh phải tuyệt đối im lặng. Nếu chuyện trò dẫn đến đùa giỡn khiến hàng lối không giữ được ngay ngắn, nhìn không nghiêm trang, đẹp mắt… Ăn khẻ luôn… 

Có giáo viên khẻ nhè nhẹ nhưng cũng có người giáng thẳng cánh khiến lòng bàn tay học sinh bị đánh đỏ ửng hồi lâu. Dù sao khi tan học về nhà thì chỗ tay đó hết nổi lằn rồi, phụ huynh kiểm tra khó thấy chứng cớ để đi kiện.

Khẻ tay là hình phạt phổ biến trong trường học. Hồi đó đa số giáo viên đều sở hữu một cây thước kẻ kè kè bên mình. Ai từng đi học mà không biết đến cây thước ngàn đời này. Ngày xửa ngày xưa chính là cây thước gỗ sơn hai hoặc ba màu, vuông bốn cạnh, trên thước có vạch số dài 30cm cả giáo viên và học sinh đều dùng. 

Ngày nay, học sinh dùng dùng thước mica vì thước gỗ không tiện lợi, dùng lâu ngày sẽ bị phai số, dễ bám bẩn và tùy thời tiết, gỗ xấu có thể cong, gạch không còn thẳng hàng. 

Thước gỗ rất tiện lợi vì ngoài công dụng gạch hàng, số đo kẻ hàng, giáo viên còn dùng để chỉ bảng, đập mạnh để nhắc nhở sự chú ý của học sinh và khi cần thì khẻ tay. 

Thật ra cây thước gỗ ấy từ lâu đã bị đào thải, không còn trong cặp giáo viên, giống như cây roi mây, từ lâu chẳng ai dùng mặc dù ở hàng bán chổi vẫn thấy bày bó roi mây. 

Thước gỗ nhìn xưa quá, bây giờ người ta thích dùng cây ăng ten chỉ bài trên bảng hơn, có thể kéo dài hay thu lại cất gọn trong cặp, nhìn màu trắng, sáng loáng đẹp mắt hơn thước gỗ ngắn ngủn và mau xuống màu.

Vả lại, thước gỗ dần hiếm, không còn ai bán nên vài thầy cô dùng một cây thước gỗ bản rộng hẳn nguồn gôc là thước may dùng để đo vải cắt quần áo. Thứ này quất đau lắm nên thường chỉ dùng đập mạnh lên bảng hay bàn tạo nên tiếng động chan chát rất to đầy vẻ thị uy.


Cách đây mấy chục năm, giáo viên vẫn bắt học sinh nằm úp trên bục đánh lên mông, kế thừa cách mấy ông già xưa buộc con cháu nằm dài trên phản quất roi dạy dỗ. Cho nên mới có chuyện vui cậu bé sợ bị cha đánh đã láu lỉnh độn mo cau vào quần để tránh đòn đau. Hình phạt ấy “xưa” rồi, xưa như cây roi mây hay thước gỗ. Nay có nhiều cách phạt, không có con nít nào chịu nằm yên cho người lớn đánh cả. 

Chuyện gì cũng bị phạt. Giờ thủ công bỏ quên kéo, nói chuyện trong lớp… nhất là không thuộc bài và không làm bài.

Cô giáo lại than thở: 

– Nếu không đánh thì mình làm gì có thời giờ đi năn nỉ từng đứa? 

Một lớp mấy chục học sinh khó mà theo sát từng em để giải quyết từng trường hợp vi phạm nội quy nho nhỏ.

Thật ra giáo viên cũng không thường đánh học sinh. Có nhiều cách phạt phổ biến hơn như thụt dầu, chép phạt…

Những hình thức này cũng có khi bị lạm dụng, giáo viên quá tay gây hậu quả nặng nề.Thay vì thụt dầu chừng năm, mười cái có tính nhắc nhở thì một cô giáo ở Bến Tre bắt học sinh thụt đến lần thứ 250 khiến em liệt cả chân. Chở vào bệnh viên mới hay học sinh chấn thương cơ đùi và dây chằng cột sống. 


Giáo viên khác ở Thái Nguyên bắt học viên chạy 200 lần quanh sân, mỗi vòng gần 400mét. Nếu chính thầy cô ra tay xem chừng tội lỗi quá nên một giáo viên lớp 4 ở tỉnh Thái Bình cho cả lớp, 33 học sinh tát vào mặt một bạn về tội để quên cuốn sổ thi đua ở nhà. Kết quả em học sinh nạn nhân cũng phải nằm bệnh viện mười ngày. Hình phạt khác không thuộc bài chép phạt một trăm lần. Chép cứng cả tay mà bài vẫn không hiểu, miệt mài chép phạt nên không có thời giờ học bài mới. Thế là lại tiếp tục chép phạt triền miên.

Đó vẫn là những hình phạt nhẹ nhàng. Một học sinh lớp 5 ở Đồng Tháp vì bị nghi lấy bốn mươi tám ngàn đồng tiền quỹ mà bị ép cung đến rối loạn tâm thần, em lớp trường ở Hà Tây bị thầy tát đến vỡ mặt đồng hồ và bắt quỳ…, một học sinh ở trường Đà Lạt bị thầy đánh rạn xương mũi và chấn thương ổ bụng. Nhẹ hơn chút, học sinh lớp 1 mang đồ chơi  vào lớp chơi trong giờ toán khiến cô giáo xoắn tai và vỗ đầu, vỗ lưng gây bầm tím… 

Lên đến trung học, có vẻ giáo viên hầu như không đánh nữa vì sẽ vấp phải sự phản ứng của học sinh đã lớn tuổi.

Trường nào có giám thị đông đảo thì giáo viên nhường quyền trừng phạt qua cho giám thị, như vậy đỡ mang tiếng hành hạ học sinh. Những trường kỷ luật nghiêm khắc không đánh học sinh mà thường đuổi học và mời phụ huynh đến nói chuyện. Phụ huynh phải đi làm bận bịu, lui tới trường hoài thật mất thời giờ phiền toái nên cách phạt này tuy khá hiệu nghiệm nhưng lại rất mất công cho cả hai bên.

Thật ra ngày nay số giáo viên đánh học sinh rất ít. Do bị khống chế ở sự kiểm điểm, ở phong trào thi đua quy ra mức thưởng, tăng lương, các biện pháp kỷ luật. Không kể học sinh phản ứng mạnh hoặc phụ huynh làm dữ nên giáo viên không dám ra tay.

Cô giáo đánh bầm xước một bé gái lớp mầm ở Bình Tân, phụ huynh đòi phạt 10 triệu đồng nhưng sau nhiều cuộc thương lượng, số tiền “bồi thường tổn thất tinh thần” được đẩy lên 100 triệu đồng

Tuy nhiên theo thói quen giáo dục Á Đông xưa, nhiều người lớn vẫn cảm thấy có quyền đét con nít. Nhiều khi đưa tới kết quả bất ngờ.  Hôm qua, một giáo viên tiểu học về nhà kể câu chuyện nóng hổi:

– Nghe học sinh chửi thề, mình khẻ nhẹ liền một thước giải quyết cho xong chứ thời giờ đâu bắt làm bản kiểm điểm này nọ. Ai dè nó lên phòng Hiệu Trưởng mách liền. Hiệu trưởng đập cho mình một trận tơi bời, hăm cắt lao động tiên tiến. Mà mất tiên tiến là mất thưởng, kéo dài thời gian tăng bậc lương… Thay vì nó viết kiểm điểm, té ra mình viết một kiểm điểm nhận lỗi, hứa không tái phạm…

Cô khổ sở phân bua:

– Con nít thật rắn mắt. Mình nói rã miệng tụi nó đâu có nghe. Chương trình học thì nặng nề. Học sinh không học thì giáo viên lãnh hậu quả. Cứ trông vào kết quả học tập và mức độ vi phạm kỷ luật của học sinh mà giáo viên bị đánh giá, bị phê bình… 

Nói cho đúng, giáo dục hiện nay đâu phải thời ông đồ dạy học chi, hồ, giả, dã nữa. Ngày xưa vốn trọng vị trí Quân Sư Phụ. Thầy đứng cao hơn cả cha mẹ. Nay đạo lý Khổng mạnh không còn, học sinh được tôn trọng ngang như người lớn. Có cả một bộ luật Quyền Trẻ Em được đưa vào chương trình của tiểu học. Chỉ có điều ý thức về quyền đó như thế nào là vấn đề còn nhiều bàn cãi. 

Thành thử giáo viên dĩ nhiên không được phép đánh học sinh nhưng ngược lại, rất nhiều trường hợp học sinh đánh giáo viên. Nóng nảy chốc lát phạt học sinh coi chừng bị trả đũa ngay lập tức. 

Ngày xưa, học sinh “trả thù” giáo viên thường thấy nhất bằng cách lén xì lốp xe của thày cô, viết bậy lên tường, vẩy mực vào tà áo dài của cô giáo… Những cách đó dần dần trở nên quá hiền, chẳng học sinh nào làm. Lũ học trò không tìm những trò tinh nghịch mà thiên về bạo lực. Bây giờ thì nặng rồi. Đánh học trò coi chừng tính mạng đấy. Coi thi bắt tại trận học sinh cóp- pi, ra về coi chừng nó lụi cho một dao, hoặc kêu cả nhà ra xin thầy cô… tí huyết. Nhất là khi phụ huynh của học sinh là chức sắc. Rất nhiều trường hợp khi nghe học sinh về nhà kể chuyện bị phạt trong trường, phụ huynh đã kéo cả nhà đến tận trường hành hung giáo viên. 

Đó là trường hợp lớp nhỏ, còn học sinh ở các lớp lớn hơn thường rủ bạn bè, thậm chí tự mình đón đường đánh giáo viên. Giáo viên môn Hóa học ở Phan Rang bị một học sinh lớp 11chặn đường đánh thương tích chỉ vì trong giờ học nhắc nhở em này làm bài.

Trước kia, các trường học thường treo câu “tiên học lễ, hậu học văn” ngay trên tường. Một thời gian dài, câu ấy bị xóa đi. Nay, vấn đề đạo đức trường học được nêu ra nên thấy xuất hiện lại trong một số trường. 

Không kể nhiều trường học phí cao. Quảng cáo dữ lắm mới chiêu sinh đủ sĩ số. “Khách hàng là thượng đế” nên nhà trường phải tìm đủ mọi cách giữ học sinh. Vì vậy cũng sinh ra tình trạng học sinh đâm lờn, coi thường thày cô. Chỉ cần học sinh hay phụ huynh kêu ca, than phiền là giáo viên bị đuổi việc ngay.

Thành thử nhiều giáo viên cũng tự nhủ thôi thôi thời buổi “tự do bình đẳng” nhịn cho lành!


Saigon Cô Nương

Cần Thơ Chiều Ly Biệt

No photo description available.

No photo description available. 

Quân Y Viện Chiều Nay Buồn Muốn Khóc

Lời Sau Cùng Không Bỏ Lại Anh Em

Niềm U Uất Chôn Sâu Lòng Dũng Tướng

Chưa Thành Lời Giây Phút Tháng Tư Đen

Chốc Nữa Đây Anh Cả Về Tư Thất

Sẽ Trả Lời Bằng Viên Đạn Đồng Đen

Ở Lại Nhé Đàn Em Quân Đoàn lV

Dòng Máu Nầy Chia Sẽ Với Anh Em

Chiều Tây Đô Đưa Tiễn Hồn Chủ Tướng

Mây Lặt Lờ Con Nước Lẳng Lờ Trôi

Chuông Thiên Mụ Sầu Buồn Từng Tiếng Nấc

Đèo Ngang Buồn Chim Quốc Vọng Ngàn Khơi

- Thề Chết Chớ không Đầu Hàng


Xin cúi đầu tưởng nhớ các vị tướng lĩnh đã hi sinh cho sự sống. 

Khuyết danh