Pages
- Trang Chủ
- About Me
- Truyện Ngắn
- Sưu Tầm
- Sưu Tầm from 2020
- Góp Nhặt Bên Đường
- Nhạc Chọn Lọc
- Sưu Tầm Sức Khỏe
- NPN's Recipes
- Trang Người Phương Nam
- Cười Ý Nhị
- PPS + YouTube Chọn Lọc
- Những Hình Ảnh Ý Nghĩa
- Thơ
- Thơ from 2020
- Bùi Phương Lưu Niệm
- Trang Anh Ngữ
- Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ
- Truyện Dài : Ngày Tháng Buồn Hiu
Sunday, April 27, 2025
Hồi Ức Sài Gòn Thời Lính Tráng - Nguyễn Ngọc Chính
Ngôn ngữ Sài Gòn trước
1975 mang đậm chất “lính”. Cũng là điều dễ hiểu vì miền Nam khi đó đang trong
thời kỳ “leo thang chiến tranh” với lệnh “tổng động viên” trên toàn lãnh thổ.
Thanh niên đến tuổi 18 đều bị “động viên” vào quân ngũ, chỉ trừ một số trường
hợp được “hoãn dịch” vì lý do sức khỏe, gia cảnh hoặc học vấn.
“Đi lính” là một thuật
ngữ xuất hiện thường xuyên trên đầu môi cũng như trong tâm thức của mọi người.
Bậc cha mẹ lo lắng khi con cái đến tuổi “quân dịch” còn thanh niên thì đứng
trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: “xếp bút nghiên theo việc đao cung”.
Mối lo của họ được thể hiện qua ám ảnh “Thi rớt tú tài…” và còn bi đát hơn với
hai câu thơ:
Rớt tú tài anh đi
trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ cho
xong…
Nhạc phẩm Thà như giọt
mưa cũng nói về chuyện “thi hỏng tú tài” và kết quả là phải “đợi ngày đi lính”.
Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên viết bài thơ này cho một người con gái tên Duyên, sinh
viên trường Luật, và người yêu… “lạc đệ tú tài”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc
để biến thành một bản nhạc buồn man mác:
Người từ trăm năm về
qua trường Luật
người từ trăm năm về
qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt
tình yêu
thi hỏng mất rồi ta
đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
đau lòng ta muốn khóc
Thời nào cũng vậy, những thành phần COCC (chữ tắt của cụm từ Con Ông Cháu Cha), bao giờ cũng có cách luồn lách để khỏi đi lính. Người Sài Gòn thường dùng chữ “trốn lính” hay “trốn quân dịch”. Một trong những cách “trốn lính” là tìm đường cho các “quý tử” đi du học, hay cùng lắm, khi bị “bắt lính” các bậc cha mẹ lo “chạy” để con được phục vụ trong các đơn vị không tác chiến, làm “lính văn phòng” hay còn một thuật ngữ rất phổ biến là “lính kiểng”. Người ta thường chưng hoa kiểng, cây kiểng để làm đẹp căn nhà nhưng “lính kiểng” lại chính là một hình thức “tự làm đẹp đời mình” trước những viễn cảnh u ám của chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn xảy ra hàng ngày.
Người Vợ Của Tù Cải Tạo VC - Thanh Minh
Tôi trở về nhà với một thân xác rã rời,
một đầu óc rỗng không, biếng ăn, mất ngủ, chả nói năng gì, mắt mở to mà không
nhìn thấy gì. Tôi đã phải ra, vào nhà thương Chợ Quán mấy lần. Rất may cho tôi
và các con là lúc đó tôi có một cô em và một người bạn lo lắng và chăm sóc mẹ
con tôi tận tình.
Vài tháng sau, tôi nhận được 2 thùng quà
trả lại với hàng chữ “Người nhận đã chết. Trại yêu cầu hoàn.”
Đến bưu điện lĩnh 2 gói quà xong, vừa ra
đến cửa tôi lại ngất đi. Rất may có anh bạn hàng xóm đạp xe xích lô đang chờ để
chở tôi về nhà. Tới bữa ăn, nhìn bốn đứa con ngồi ăn ngon lành với tóp mỡ ngào
đường và nước mắm, quà của bố trả lại, nước mắt tôi lại chảy như mưa. Rồi tới gần
cả năm sau, phường trưởng mới cử đại diện đến chia buồn và đưa cho tôi biên bản
“phạm nhân chết”.
Nhờ mảnh giấy này mà mẹ con tôi mới được
đi Mỹ theo diện HO. (Tôi vẫn còn giữ mảnh giấy này, xin gửi kèm theo đây để mọi
người biết “tội ác” của chồng tôi!)
- Can tội: Giảng viên tâm lý chiến xã hội
học Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. "Án phạt tù: 3 năm"; nhưng khi chết
đã 3 năm 7 tháng.
Nếu họ giữ đúng lời nói chắc chồng tôi
không thể chết trong tù.
Thế là xong, là tuyệt vọng cả đời. Lúc
đó tôi sống cũng như chết rồi, nhưng vì bốn đứa con nhỏ, chúng đâu có tội tình
gì. Bên nội bên ngoại ai cũng muốn nuôi dùm 1, 2 đứa nhưng tôi không thể nào chịu
được nếu để 1 đứa con xa tôi. Tình thương con đã thắng cái “điên” của tôi để lo
lắng cho chúng nhưng với phường khóm thì tôi thật là một “mụ điên dữ dằn”.
Tôi không chịu đi họp tổ, họp phường gì
cả. Công an khu vực tới tận nhà bắt đi họp. Tôi nói: “Người mà các anh thấy có
tội là chồng tôi thì anh đã chết rồi, tôi và 4 con nhỏ không còn gì phải họp với
hành nữa”.
Lúc trước mình ngu nên cứ tin là phải họp
hành cho tốt thì họ xét cho chồng về sớm. Nay tôi không còn gì để sợ nữa thì họ
lại để tôi được yên thân.
Tôi bắt đâu tính chuyện vượt biên, mấy mẹ
con dắt díu nhau đi tìm đất hứa không biết bao nhiêu lần. Hết đi từ Nhà Bè,
Vũng Tàu, Mỹ Tho đến Rạch Giá, Sóc Trăng nhưng đều không thoát, ở tù cũng mấy lần.
Xuống ghe ra biển lại thấy hối hận vì thương con, chưa thấy thoát mà chỉ thấy
chết tới nơi. Bị bắt tù đày thì lại càng hối hận hơn vì các con không có thức
ăn, nước uống chỉ có một ca nhỏ. Trong trại chỉ có 1 cái ao tù, ăn cũng đó mà tắm
giặt cùng nơi. Bẩn thỉu không thể tả cho nên trẻ con không bị đau bụng ỉa chảy
thì cũng ghẻ lở ghê hồn.
Tôi sợ quá đến không dám nghĩ đến đi nữa.
Phải cậy nhờ xin đi dạy lại dù biết là nhà giáo chỉ húp cháo thôi. Nhưng dù sao
đi nữa cũng còn có chỗ để mua “nhu yếu phẩm” và được “thầu” để bán quà cho học
trò trong trường.
Thời gian này tạm ổn định, lo cho các
con tới trường cũng phải chạy chọt vì “nhất thân, nhì thế” của xã hội lúc bấy
giờ. Phận mình thì xong rồi, bạn bè tôi còn rất nhiều có chồng đang tù tội.
Thỉnh thoảng chúng tôi họp nhau để “lá
rách nát đùm lá tả tơi” đứa nào có thứ gì cho tù ăn được thì mang tới gom lại để
chia cho những bạn sắp đi thăm. Trong cái tình đó tôi lại thấy được nhiều sự
đau khổ mà người vợ tù phải chịu đựng nhục nhằn mà không ai có thể chia xẻ với
họ.
Chẳng hạn như một chuyện rất thật của một
người bạn thân của tôi, chúng tôi đã chia sẻ từng bó rau muống từng chén nước mắm
“muối + nước màu” cho các con ăn. Từng viên đường thẻ để mang vào tù cho chồng.
Chỗ chồng bạn tôi ở lại có “nhà hạnh phúc” và các anh tù phải làm việc thật tốt
thì cán bộ mới cho phép gặp vợ tại đó. Lẽ dĩ nhiên chồng bạn tôi làm khổ sai cật
lực để được ân huệ đó. Chị cũng là một cô giáo, sống rất đạo đức và thành tín,
thương chồng vô cùng, nhưng khi vào thăm đã thấy “nhà hạnh phúc” có mấy cái
chõng tre và mấy anh cán bộ ngồi canh. Chị đã không thể “cho anh” và điều này
đã khiến anh nổi giận nghĩ là chị đã có “ai khác” ngoài đời. Chị đã bị anh chửi
bới tơi bời còn gì thê thảm hơn nữa không?
Thời gian đã qua tôi hy vọng anh đã
thông cảm với chị về cái “không thể cho anh” đó. Mặc dù giờ thì anh chị cũng đã
xa nhau, thật là một điều rất đáng tiếc.
Lại thêm một cô bạn láng giềng, may mắn
có ông chồng được thả về sau bảy năm tù tội. Những tháng ngày trong lao tù khiến
con người cũng thay đổi nhiều lắm. Dễ nóng giận và mặc cảm đầy mình. Một hôm cô
bạn tôi được nhà nước cho mua một khúc vải may quần với giá rẻ dành cho các
công nhân viên nhà nước. Cô mang về khoe nói là bán đi sẽ lời được sáu ngàn đồng.
Ông chồng lại muốn may để mặc vì ông ta thấy cũng cần phải có một cái quần mới.
Bạn tôi ngần ngại nửa muốn cho chồng may, nửa muốn bán đi để thêm tý tiền lo
cho gia đình nên nói với chồng: “Khúc vải này sáu ngàn lận đó anh.” Chưa nói dứt
lời là bạn tôi bị một cái tát tai choáng váng mặt mày, sự việc xảy ra quá sức tưởng
tượng của mọi người. Anh chồng rất hối hận về hành động vũ phu của mình; tuy
nhiên anh vẫn đổ lỗi cho bạn tôi cái tội “coi cái quần hơn chồng”. Đó lại là một
trong muôn ngàn cảnh ngộ trớ trêu của vợ tù "cải tạo".
Thắm thoát đã qua 7 năm lúc này cuộc sống
mấy mẹ con tôi đã dễ thở vì chị em bạn bè ở ngoại quốc đã bắt đầu gửi tiền về cứu
trợ. Tôi được mẹ chồng cho theo đi để bốc mộ Anh. Tâm trạng tôi thật rối bời và
lo sợ liệu bốc lên có phải là Anh không hay lại là mồ của ai khác?!! Trên đường
đi cũng không kém gian nan cực khổ như khi đi thăm nuôi tại Kà Tum.
Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi mới biết
bốc mộ là gì và nhất là thấu hiểu được câu nói “cát bụi trở về với cát bụi”. Thịt
da đã tan vào với cát, chỉ còn bộ xương trắng mà các bạn anh đã từ từ cầm lên từng
cái đầu, xương vai, xương cổ ống tay ống chân, và ngay cả những đốt xương nhỏ họ
cũng mò tìm cho đủ. Một sợi dây làm bằng giây thép nhỏ, cái mặt làm bằng kính
máy bay có hình dáng 2 người đứng bên nhau đã được anh bạn lấy lên trao cho tôi
và nói chính chồng tôi đã làm để tặng cho tôi khi nào tôi lên thăm gặp mặt. Anh
đã phải cất giấu bao ngày vì nếu "cán bộ" thấy là bị tịch thu ngay.
Rất may là có mẹ tôi và người cháu lo lắng
lấy rượu rửa xương rồi quấn vào vải bỏ vào trong một cái bị to để chúng tôi
mang về . Còn tôi ngồi chết cứng với nước mắt rơi sầu tủi. Xót thương anh!
Trên đường về mới gặp toán người thăm
nuôi. Gặp cô bạn cũng đi với mẹ già, đang chuyển quà từng khúc một, tôi chạy lại
đỡ một tay. Khi tôi dắt bà cụ qua một người tù đang cuốc đất dưới ruộng, ngẩn
nhìn và khẽ gọi mẹ. Tôi quay lại giúp cô bạn còn vài giỏ đồ ăn, chúng tôi vừa
đi ngang thì lại nghe anh ta gọi “em Liễu”. Cô bạn tôi nghe tên, ngoảnh mặt lại
nhìn và lại bỏ đi luôn. Chạm mặt nhau rồi mà Liễu vẫn không nhận ra. Tới khi
anh ta quên cả sợ "cán bộ", chồm lên đường kêu “Liễu. Anh đây”. Lúc
đó bà cụ cũng đã trở lại và nhận ra con, cụ khóc oà ôm lấy anh tù, còn Liễu
cũng khóc nhưng la “Không phải anh mà, không phải anh đâu”.
Người chồng yêu quý vì tháng năm đói khổ phải ăn khoai mì nên mặt anh ta biến dạng vì quai hàm bạnh ra và nhựa độc của khoai mì làm cho tất cả tù nhân đều có cái mặt vuông gần giống nhau cả. Tôi cũng không cầm được nước mắt lại nghĩ rằng chắc chồng tôi còn sống thì mặt mũi cũng chỉ như vậy mà thôi.
Từ trại về chỉ có độc nhất một chiếc xe
đò, mọi người ngồi chật cứng trong xe, còn có nhiều người phải đứng bám vào cửa
xe rất là nguy hiểm. Mẹ con tôi về đến ga Vinh là trời đã tối, lại ôm cồng kềnh
một cái bị hài cốt của chồng tôi. Ngồi sân ga đợi tàu rất là nguy hiểm vì mẹ
con tôi ngơ ngác với xứ lạ quê người. Mẹ tôi phải lấy dây buộc cái bị và cuốn
quanh người. Chỉ sợ lỡ mất đi thì khổ lắm. Tôi hồi hộp sợ hãi còn hơn khi đi vượt
biên nữa. Tôi đánh liều vào nhà nghỉ mát của nhân viên xe lửa. Sau một lúc nói
chuyện gây cảm tình và nhờ có “thủ tục đầu tiên” (xin trả tiền trước) nên mẹ
con tôi được vào tạm trú qua đêm yên lành.
Sáng hôm sau cũng nhờ có ông "quản
lý" nhà nghỉ đó mà chúng tôi được lên tàu ở trong toa xe của các nhân viên
đi nghỉ mát. Tôi phải tin tưởng là chúng tôi đã có ơn trên che chở nên đã mang
thoát được bộ xương của chồng tôi về đến nơi đến chốn. Vì nếu không được ở
trong xe đó chắc chắn chúng tôi không thể thoát khỏi sự khám xét trên tàu. Họ
phát giác ra là có xương người là lập tức đuổi chúng tôi xuống giữa rừng hoặc
quăng bỏ mớ hài cốt đó. Sau đó lại nằm xuống với nước mắt trào ra không thể
ngăn nổi vì nhớ thương anh và tủi phận mình đơn độc.
Hiện tại thì chồng tôi đã được yên nghỉ
tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo ở Bình Dương. Nhưng cũng không biết được bao
lâu nữa vì họ còn tính dẹp cả nghĩa trang mặc dù đó là đất tư mà gia đình tôi
đã phải mua bằng những cây vàng lúc họ dẹp nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngay trong
thành phố Saigon.
Bốn mẹ con tôi xuống phi trường Dulles
vào một buổi tối mưa tầm tã của tháng 6 năm 1994. Được gia đình cô em ra đón,
tôi mừng quá nhưng vẫn chưa hết lo sợ, không biết đây là thật hay mơ. Nỗi ám ảnh
bị bốc đi vùng kinh tế mới và sự không nói có, có nói không của nhà nước công sản
đã khiến tôi mất hết niềm tin. Tôi chỉ còn biết cầu Đức Mẹ ban cho tôi một phép
lạ.
Chúng tôi cố gắng học hỏi để hoà nhập
vào cuộc sống mới ở Mỹ. Nay các con tôi đã lớn, đã thành đạt và rất hiếu thảo.
Chúng hết lòng lo lắng, chăm sóc tôi. Tôi thật mãn nguyện, nhưng tôi biết tôi
không thể ôm giữ chúng mãi được. Chúng phải có cuộc sống riêng, hạnh phúc
riêng. Dù biết vậy, nhưng mỗi khi chúng vắng nhà, còn lại một mình tôi, tôi lại
thấy sợ hãi. Những năm tháng khổ cực, hãi hùng của thời dĩ vãng lại kéo đến ám ảnh
tôi. Hình ảnh chồng tôi lúc oai hùng, mạnh mẽ trong bộ quân phục, lúc rách nát,
tả tơi, thoi thóp trên chõng tre lại chập chờn quanh tôi.
Tôi đã thì thầm với anh: “Đợi em đi
cùng!” Vâng, tôi ước mong được sớm ra đi bình yên để được xum họp với chồng
tôi. Chúng tôi chỉ mới được hưởng hạnh phúc gia đình có 4 năm 5 tháng. Tôi chắc
chồng tôi cũng nuối tiếc như tôi và đang chờ tôi đi với anh. Chúng tôi phải nối
tiếp lại những ngày hạnh phúc ngắn ngủi xa xưa. Tôi không thể sống mãi trong cô
đơn để run sợ trước những ám ảnh của dĩ vãng và những nhung nhớ khôn nguôi người
chồng mà tôi mãi mãi yêu thương như buổi đầu gặp gỡ.
Kính tặng Giáo Sư Tố Lan, người đã cho
tôi can đảm để thực hiện bài viết này.
*Trần
Thanh Minh*
Saturday, April 26, 2025
Chất Arsenic Gây Ung Thư Đang Tích Tụ Trong Gạo Của Thế Giới - Huỳnh Chiếu Đẳng
Nguồn
tin và chi tiết: https://gizmodo.com/cancer-causing-arsenic-is-building-up-in-the-worlds-rice-2000591855?utm_source=flipboard&utm_content=onelife007%2Fmagazine%2FInteresting+Spaces%21
HCD
tóm tắt bản tin:
Arsenic gây
ung thư đang tích tụ (càng lúc càng nhiều) trong gạo của thế giới
Gạo nuôi sống hơn
một nửa dân số thế giới. Biến đổi khí hậu đang làm cho loại ngũ cốc được yêu
thích này chứa đầy arsenic, tạo ra gánh nặng sức khỏe “đáng sợ”.
Trên khắp Đồng bằng
sông Dương Tử, một khu vực ở miền Nam Trung Quốc nổi tiếng với sản lượng lúa gạo
nông dân trồng gạo trong ruộng ngập nước, phương pháp nông nghiệp này chiếm ưu
thế từ những cánh đồng trũng thấp ở Arkansas cho đến những ruộng lúa rộng lớn ở
Việt Nam.
Khi hành tinh
nóng lên, cách trồng lúa phổ biến này đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn theo
nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư trên tạp chí Lancet Planetary Health. biến đổi
khí hậu dường như đang làm tăng lượng hóa chất arsenic độc có trong gạo.
Donming Wang,
nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh thái tại Viện Khoa học Đất, Viện Hàn lâm Khoa học
Trung Quốc “Kết quả chúng tôi thấy rất đáng sợ”, “Đó là một thảm họa…”.
Ước tính có khoảng 40.000 loại gạo trên thế giới, được chia thành ba loại dựa
trên chiều dài của hạt gạo. Gạo hạt ngắn, hoặc loại gạo dẻo thường được dùng
trong món sushi; gạo hạt dài, bao gồm các loại gạo thơm như gạo basmati và gạo
hoa lài. Gạo hạt trung bình, trong số này, gạo japonica hạt ngắn đến trung bình
và gạo indica. Gạo hạt dài là loài chính của gạo trồng được ăn trên khắp châu
Á. Bảy quốc gia tiêu thụ và sản xuất gạo hàng đầu châu lục: Bangladesh, Trung
Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Philippines và Việt Nam. Ấn Độ, Việt Nam và
Trung Quốc nằm trong nhóm tám quốc gia dẫn đầu phần còn lại của thế giới về xuất
khẩu gạo.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng trên 2 độ C (3,6 độ F) và kết hợp với mức CO2
tăng thêm 200 phần triệu, mức arsenic vô cơ trong các giống gạo được nghiên cứu
sẽ tăng vọt tới 44 phần trăm. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa số mẫu gạo sẽ vượt
quá giới hạn đề xuất hiện tại của Trung Quốc, giới hạn 200 phần tỷ đối với
arsenic vô cơ trong lúa nước, với ước tính 13,4 triệu ca ung thư liên quan đến
phơi nhiễm arsenic từ gạo.
Lewis Ziska, một
nhà sinh học thực vật nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng tại
Đại học Columbia: "Bạn đang nói về một loại cây trồng chính nuôi sống hàng
tỷ người, và khi bạn cân nhắc rằng lượng carbon dioxide cao hơn và nhiệt độ ấm
hơn có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng arsenic trong loại cây trồng, hậu quả về
sức khỏe liên quan đến điều đó là vô cùng to lớn".
Các
bạn cũng nên lưu ý rằng ăn gạo lức sẽ bị nhiễm arsenic nhiểu hơn ăn gạo trắng
Huỳnh Chiếu Đẳng (Quán ven đường)
Kế Sách “Rút Củi Đáy Nồi” Và Ngày 30/4/1975 Chiến Thắng - BS. Lê Bá Vận
Giải phóng miền Nam trấn lột làm hoen ố và thay đổi ý nghĩa ngày 30/4
chiến thắng, phơi bày mặt trái.
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn, thủ đô miền Nam thất
thủ, cuộc chiến ở Việt Nam kết thúc.
Từ đó đến nay, nửa thế kỷ trôi qua. Lễ kỷ niệm 50 năm ngày 30/4 được tổ chức trọng thể hơn bao giờ hết nơi nơi trong và ngoài nước, nhưng mang những ý nghĩa đối nghịch.
Do trên thực tế ngày 30/4 có các tên gọi khác nhau. Và có nhiều đặc điểm.
Bắc Việt thắng cuộc thì ca ngợi, gọi là ngày 30/4/1975 đại thắng chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước… vĩ đại nhất trong lịch sửMiền Nam thua cuộc thì nói đến tháng Tư đen chết chóc và 30/4/1975 Quốc hận, “Ngày miền Nam khiếp sợ giải phóng”, tán gia bại sản, trắng tay mất sạch vào túi kẻ đến giải phóng.
Người ngoại cuộc gọi chiến tranh VN kết thúc năm 1975 là một cuộc nội chiến, huynh đệ tương tàn giữa Bắc và Nam. Mỗi bên đều có chính phủ được dân bầu, có Hiến pháp, được quốc tế công nhận. Có vẻ là một cuộc chiến giữa 2 lý tưởng Mác Lê và tự do, dân chủ phi Mác Lê.
Cao siêu hơn thì vạch ra đây là một cuộc
chiến tranh “ủy nhiệm” (proxy war).
Bắc Việt được Sô - Tàu cung cấp toàn bộ
quân viện để đánh thuê cho chủ nghĩa cộng sản.
Miền Nam được Mỹ và Đồng minh giúp đỡ, chiến đấu tự vệ cho thế giới tự do.
Nhìn một cách thực tế thì chiến tranh VN kết thúc năm 1975 là để giúp kẻ thắng thoát nghèo.
Người dân miền Nam nói đến ngày 30/4/1975
thì gợi lại hình ảnh xe tăng Bắc Việt húc cổng sắt tiến vào dinh Độc lập xen lẫn
hình ảnh kẻ thắng thu hoạch lợi phẩm, thuyền nhân chết trên biển
cả, những trại tù cải tạo rùng rợn, những vùng kinh tế mới cằn cỗi… đã 50 năm
trôi qua.
____
Cuộc chiến ở Việt Nam có nhiều sắc thái, đặc điểm, hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào.
1) Đó là một cuộc chiến phát khởi chậm chạp, tăng cường độ dữ dội vào phút chót. Điều này khác với thông thường, chiến tranh ác liệt ngay từ đầu, điển hình giữa Nga và Ukraina hiện tại.
2) Kết thúc dứt khoát, có kẻ thắng người thua, không hòa, vd. Thế chiến II (1939-1945). Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thì hòa, cắt đôi đất nước thành lập Nam Hàn và Bắc Hàn. .
3) Nhiều huyền thoại chiến tranh. Lái phi cơ núp trong mây, chờ địch bay ngang, nổ máy xông ra bắn hạ 7 máy bay địch gồm cả B-52, vừa lấy tay bít các lỗ đạn trên thân máy bay mình (Nguyễn Văn Bảy). Lấy thân lấp ổ châu mai (Phan đình Giót); lấy thân chèn vào càng pháo, ghìm giữ không cho khẩu pháo cao xạ 37 mm bị lăn xuống vực (Tô Vĩnh Diện). Nhỏ người nhưng tay không từ dưới nhảy vọt lên níu càng máy bay trực thăng địch, ghìm không cho bay lên (Bùi Minh Kiểm)…
4) Điều
nghịch lý bên thắng là bên nghèo. Ăn mặc thiếu thốn, có được chiếc đồng hồ Liên
Sô đeo tay, chiếc xe đạp, đã là một tài sản lớn, ước mơ cả cuộc đời. Bên thua
thì xe hơi, xe gắn máy chạy rợp đường, trong nhà thì tivi, tủ lạnh, bếp điện,
máy giặt. Ấy thế mà thua đau, mất sạch. Thì ra miền Bắc nghèo thật nhưng có
không thiếu súng đạn, tăng pháo Sô-Tàu cung cấp, lại đánh thí mạng cùi.
Và trong Nam thì cực khổ lắm, bị Mỹ ngụy kìm kẹp, mất tự do, miền Bắc phải vào giải cứu!
Kẻ nghèo mạt đi giải phóng một anh nhà
giàu, nghe lạ tai, chưa hề có. Tất phải có nguyên do.
Thực tế thấy rõ giải phóng hoàn tất là của cải miền Nam đổ tràn ra Bắc như nước vỡ đê. Nhà cửa, phố xá không biết đi thì được chia chác, phân phối cho đảng viên, cán bộ làm chủ. Đó là giải phóng miền Nam cướp bóc trắng trợn toàn diện làm hoen ố và thay đổi ý nghĩa ngày 30/4 chiến thắng.
Để giữ thể diện lãnh đạo miền Bắc biện
minh bằng cách ‘làm tới’, buộc tội “chống phá, phản bội, nợ máu, tay sai”… tăng
cường khủng bố, cải tạo công thương tịch thu tài sản, ba lần đột ngột đổi tiền,
vơ vét, cắt hộ khẩu buộc đi kinh tế mới ở đồi núi cằn cỗi. (1).
Lập trại tù học tập cải tạo để thể hiện sự
khoan hồng của chế độ song ở các nơi sơn lam chướng khí, hành hạ man rợ thân
xác, hạ nhục nhân phẩm…. Trại học tập hay để trả thù?
Nhiều trại viên trí thức miền Nam được dạy Mác-Lê 10 đến 20 năm vẫn chưa thấu triệt để có thể tốt nghiệp, cho ra trại. Phước lớn là trại viên chỉ được dạy Mác-Lê, tư tưởng, đạo đức HCM chưa kịp ra lò, tai biến tẩu hỏa nhập ma khó xẩy.
5) Hai sự kiện độc đáo,
“Dấu ấn” của ngày 30.4/1975, không đâu có, là:
a) Di tản Vượt biển. Tiếng Anh gọi là “Vietnamese boat people” (Thuyền nhân Việt Nam). Gần một triệu người đã liều mình ra đi trên những chiếc thuyền nhỏ chở đầy ắp người, nam nữ già trẻ. Tất nhiên hơn một nửa gởi thân xác trên biển cả (năm 1954 di cư trật tự, an toàn), số còn lại đến được bờ bến tự do. Một số đông bị công an đuổi bắt trở lại, tịch thu tiền của, giam tù vì tội vượt biên trái phép.Trong lịch sử di tản do chiến tranh là nhiều song theo đường bộ và tử vong rất thấp.
b) Áp đặt chế độ cai trị thuộc địa lên miền được giải phóng với mỹ từ ‘Thống nhất
đất nước’. Còn nhớ thời Đế quốc Pháp thống trị nước ta (1884-1945) Chúng gởi đến
một số quan chức Pháp cầm đầu nền hành chánh song vẫn duy trì triều Nguyễn với
quyền hành tiếp xúc với dân.
Pháp tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán
bản địa.
Cộng sản thì từ rất sớm đã lên kế hoạch
cai trị miền Nam triệt để, toàn diện.
Bị tiêu hủy tận gốc văn hóa miền Nam, đốt
sạch toàn bộ văn, nhạc phẩm, sách báo…
Cả một cỗ máy cai trị hoàn chỉnh được bê
vào Nam để thay thế, từ A đến Z, trường kỳ.
Như thế họ gọi là “Giải phóng miền Nam (!?).
Minh họa điển hình là vụ bạo loạn vũ trang của người Thượng ở Đắk Lắk, Tây
Nguyên ngày 11/6/2023, đang đêm tấn công vào trụ sở UBND và đồn công an ở 2 xã
Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin. Bốn công an bị giết, 2 bị thương nặng gồm
Thượng úy, Đại úy, Thiếu tá. Hai đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thì đều
hy sinh. Các cán bộ được gởi đến công tác ở chốn xa xôi này và chịu thương vong
là người miền Bắc từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Bắc Giang, Hưng Yên.
Hiện tại
ở bộ Ngoại giao mọi cấp tùng sự trong và ngoài nước hầu như toàn người Bắc độc
chiếm. Có thể thấy qua vụ tham nhũng ”Các chuyến bay giải cứu” năm 2021-22 thời
dịch Covid-19.
Xướng
ngôn viên, MC truyền thanh, truyền hình trên khắp nước hầu như đều phát âm giọng
Bắc.
Các Đại
tướng QĐND và CAND tại chức đều là người miền Bắc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhờ đó
ta đánh nhau rất giỏi, siết chặt an ninh, kinh tế thoái trưởng!
Nói về Đảng thì Tổng bí thư hiện nay phải không được là người miền Nam… Nói chung, trong Nam ở đâu thì người ngoài Bắc cũng được đưa vào chiếm đa số áp đảo về chức vụ và số lượng.
6) Một đặc điểm quan trọng của miền Bắc về chiến lược dẫn đến ngày 30/4/1945 là sử dụng kế sách thứ 19 “Rút củi đáy nồi” (Phủ để trừu tân (釜底抽薪) trong ‘Tam thập lục kế‘, đánh tiêu hao hậu cần. Thi hành Hiệp định Hòa bình Paris kêu gọi ngừng bắn (và cấm Bắc Việt đưa thêm quân vào Nam Việt Nam), Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1970, và những người lính cuối cùng trở về vào tháng 1 năm 1973, xem như Mỹ tác chiến bị CS Bắc Việt vô hiệu hóa.
Ngay sau Hiệp định hòa bình Paris, Quốc hội
Hoa Kỳ đã cắt giảm ngân sách lớn cho viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Cọng với mất sự cộng tác trực tiếp của
binh lính Mỹ về nước, bị rút củi đáy nồi QLVNCH nhanh chóng rơi
vào tình trạng hỗn loạn. Mặc dù vẫn là lực lượng chiến đấu hiệu quả trong suốt
năm 1973 và 1974, nhưng đến năm 1975, lực lượng này đã tan rã.
Sài Gòn, thủ đô của Nam Việt Nam, đã bị QĐND Việt Nam vũ
trang hùng hậu với đại pháo, xe tăng Sô-Tàu chiếm
vào ngày 30/4/1975 và Chiến tranh Việt
Nam kết thúc.
Kế 20 - Hỗn thủy mạc ngư (混水摸魚) Đục nước bắt cá. Bắc Việt lợi dụng tình thế hỗn loạn để bắt trọn địch quân.và thi hành các mục tiêu kinh
tế, chính trị của mình.
____
Lời Kết.
Thông thường với một chiến thắng lớn, bên
thắng tổ chức kỷ niệm, lâu dần nhắc nhở cho có lệ.
Năm nay 2025 lễ kỷ niệm đánh dấu 50 năm ngày 30/4/1975 rất lớn song có ý nghĩa vô cùng tiêu cực. Với thời gian chia rẽ và thù hận càng sâu sắc. Lỗi tại bên nào?
Hàng triệu người Việt Nam sống ở nước
ngoài, khắp năm châu từ Úc qua Âu châu sang Canada, Mỹ đã tưởng niệm ngày 30/4
năm nay với chủ đề “Hành trình 50 năm tìm Tự do”.
Lễ lạc gồm Thượng kỳ, hội thảo, văn nghệ trình diễn, công chiếu các bộ phim Thuyền nhân vượt biển; radio và Đặc san 50 năm rời quê hương, lột trần mặt trái giải phóng, tri ân nước đón nhận.
Tại quốc nội năm nay 2025, ngày 30/4/1975 được gọi là ngày Đại thắng giải phóng miền Nam. Ngày lễ kỷ niệm 50 năm thì được gọi là ngày Đại lễ Kỷ niệm 50 năm. Thêm chữ ‘Đại’.
Cộng sản cho triển khai một chương trình đại lễ đồ sộ, tráng lệ, gây tiếng vang quốc tế, làm nên lịch sử. Khối quần chúng mọi tầng lớp và kiều bào thì diễu hành; diễu binh thì với 3 ngàn binh sĩ và công an đáp xe lửa từ Bắc vào nhập cuộc cùng quân đội ba nước lân cận tham gia, rất độc đáo. Có hơn 13 ngàn người đồng diễu. Khối vũ trang mặc quân phục mới toanh, màu sắc tùy theo binh chủng, động tác tay chân nhịp nhàng, oai vệ, đẹp mắt; chia thành nhiều toán, mỗi toán hàng ngang 10, dọc 10, thêm 1+3 người đi trước mang cờ. Như vậy đoàn người đi kéo dài có đến vài cây số?
Vắng mặt trình diễu cơ giới, đại pháo, tên lửa… Song có màn bắn pháo bông tại 30 địa điểm, trình diễn thiết bị bay không người lái (drone) trên sông Sài Gòn, bắn 21 loạt đại bác. Đoàn trực thăng bay lượn giăng cờ sao vàng búa liềm, phi đội tiêm kích biểu diễn nhào lộn, gầm rú trên bầu trời, xếp hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập…
Làm linh đình cho lắm cũng không rửa sạch được các tội ác tày trời đi giải phóng!
Đại
lễ còn gồm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, thi đua,
khen thưởng, hội
thảo, tọa đàm, triển lãm văn hóa, văn nghệ, hòa
nhạc, thể thao ở mỗi cơ
quan, mỗi địa phương.
Có gần 7.000 bài dự thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giá dự thi có bài nói đến nỗi thống khổ của đồng bào miền Nam bị giải phóng lột sạch song cũng vui thầm đã giúp ích đồng bào miền Bắc thoát cảnh nghèo và tiếp cận lối sống phóng khoáng tự do dân chủ, công bằng bác ái, văn minh đa chiều!
Thói thường “Giấu (ẩn) ác khai thiện”. Cộng
sản làm thế. Để duy trì chính nghĩa thể chế độc đảng, mỗi năm đến ngày
30/4/1975 CSVN lại thừa cơ khơi dậy hận thù và lòng yêu nước, lôi Mỹ ra chửi bới,
gán ghép các tội ác trong chiến tranh Việt Nam và kể công đã oai hùng đánh tên
đầu sỏ Đế quốc cút về nước! Mỹ thì chỉ thị các quan chức ngoại giao không đến
tham dự Đại lễ 30/4.
Lê Bá Vận
____
Chú Thích.
(1) Cố Tổng bí thư Đỗ Mười (nhiệm kỳ
1991-1997) lúc ông đang là ủy viên ban bí thư Trung ương Đảng phụ trách đánh tư
sản, kiểm kê và tịch thu tài sản nhân dân miền Nam, ngày 20/02/1976 vào lúc 10
giờ 15 phút, trước sân tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, được kể lại là đã từng
tuyên bố:
“Giải phóng miền Nam chúng ta có quyền tịch
thu tài sản trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó [ám chỉ người
dân miền Nam], xe chúng nó ta đi, vợ chúng ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ,
còn chúng nó thì ta đày đi kinh tế mới và nơi rừng sâu nước độc, chúng nó sẽ chết
lần mòn”. (nguồn: Thầy giáo trong trại tù cải tạo https://conganhuynh.com ›
ThayGi... ).
_____
Hai khía cạnh của ngày 30/4/1975 chiến thắng oai hùng giải phóng miền Nam.