Máy bay quân sự Việt
Nam bay qua đám đông trong lễ kỷ niệm tuyên bố nước Việt Nam Cộng Hòa mới vào
ngày 26 Tháng Mười, năm 1955, tại Sài Gòn. (Hình: AFP via Getty Images)
Chào đời tại Sài Gòn, trước Hiệp Định Genève, nhưng tôi
vẫn có mặt trong đoàn người di cư từ Bắc vào Nam, hồi năm 1954.
Tuy đây không phải là một “giai thoại” ly kỳ hay thú vị
gì cho lắm, tôi vẫn xin mạn phép để được ghi thêm đôi dòng, dặm thêm
ít nhiều mắm muối, cho câu chuyện được tỏ tường hơn, và cũng đỡ
phần nhạt nhẽo.
Tôi còn nhớ, tác giả Lê Duy San nhắc: “Ngày 12 Tháng Bảy, 1946,
theo lệnh của Trường Chinh, Việt Minh âm thầm cho công an đột nhập trụ sở Việt
Nam Quốc Dân Đảng ở số 9 phố Ôn Như Hầu. Hằng trăm người bị giết bằng cách trói
lại và bị quăng xuống những con sông, để họ chết chìm, rồi loan tin là những
người này bị Việt Nam Quốc Dân Đảng thủ tiêu. Vụ này đã làm cho Việt Nam Quốc
Dân Đảng tan rã, nhiều người phải chạy trốn sang Tầu trong đó có cụ Nguyễn Hải
Thần, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Hồng Khanh, Hoàng Đạo, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
và nhiều lãnh tụ của Việt Quốc và Việt Cách khác. Hàng ngàn người khác bị chúng
bắt đem di giam giữ tại Hỏa Lò Hà Nội và nhiều nơi khác trong đó có nhà văn
Khái Hưng Trần Khánh Giư.”
Tôi sinh sau đẻ muộn nên không được tường tận về những
sự kiện thượng dẫn, nhưng biết chắc rằng, ngoài những nhân vật nổi
tiếng vừa nêu, trừ Huỳnh Thúc Kháng, còn có vô số những đảng viên
cấp địa phương (của cả Việt Quốc lẫn Việt Cách) cũng bị truy lùng hay
sát hại vì không “bung” kịp, hoặc không tìm được đường để ra đến ngoại
quốc.
Thân phụ tôi là một trong những kẻ thuộc cái đám đông vô
danh tiểu tốt này. Thay vì chạy sang Tầu, như phần lớn những đồng
chí ở trung ương, ông trốn vào Nam. Tuy tay trắng, không có chi để lận
lưng, ngoài cái bằng tiểu học (Certificat D’Étude Primaires Complémentaires
Indochinoises, C.E.P.C.I) ông vẫn kiếm được đôi ba chỗ kèm trẻ, và một
nơi để trú thân, trong một cái xóm lao động nghèo nàn, có tên là Xóm
Chiếu, bên Khánh Hội.
Trong bài hát “Lá thư về làng,” nhạc sĩ Thanh Bình tâm sự:
Bố tôi không phải là nghệ sĩ nên thư chỉ đề cập đến
chuyện cơm, áo, gạo, tiền… Ông viết: “Trong này có khi cơm ăn không
hết, người ta đổ cho gà hay cho lợn.”
Mẹ hiền tôi, tất nhiên, không thể nào tin vào một chuyện
“hoang đường” cỡ đó! Bà vùng vằng, tức tối xé nát tờ thư trong tay
(ấy là tôi đoán thế, nếu sai, xin má bỏ lỗi cho thằng con út) lầu
bầu: “Lại phải lòng con đĩ ngựa nào trong ấy rồi, chắc định
trốn vợ trốn con luôn đây, chứ gạo cơm ở đâu ra mà cho gà với lợn?”
Nói xong, bất chấp mọi sự can ngăn, khuyên giải, năn nỉ
ỉ ôi của bà con hai họ, bà tức tốc lặn lội vào Nam. Tới nơi, hiền
mẫu tìm quanh quất mãi nhưng chả ra một con đĩ ngựa nào ráo trọi,
mà nhìn đâu cũng thấy phố xá tấp nập, hàng quán rộn rịp, và đồ ăn
thức uống thì ê hề khắp hang cùng ngõ hẻm.
Vốn ham vui, và rất chóng quên nên mẹ tôi ở lại luôn
trong Nam cả năm trời. Hệ quả (hay hậu quả) là tôi cất tiếng khóc
chào đời tại Sài Gòn. Khi hiệp định đình chiến được ký kết tại
Geneve, vào ngày 20 Tháng Bảy, năm 1954, tôi mới vừa lẫm chẫm biết đi.
Cũng mãi đến lúc này bà má mới “chợt nhớ” ra rằng mình còn mấy
đứa con nữa, đang sống với ông bà, ở tuốt luốt bên kia vĩ tuyến.
Thế là tôi được bế liền ra Bắc, ra mắt bà con nội
ngoại, rồi lại được gồng gánh vào Nam, cùng với hai bà chị nhỏ ngay
tức khắc. Nhờ ra đời trước cái đám Bắc Kỳ con sinh trong Nam đôi ba
năm, nên từ thuở ấu thơ tôi đã được nghe nhiều bài hát ca ngợi tình
Bắc duyên Nam, qua radio, vào thời điểm đó:
Chuyện “se duyên Nam Bắc có ngọt ngào tình yêu” thiệt không
thì chả ai dám chắc, và cũng không có chi bảo đảm cả nhưng với thời
gian, rồi ra, ai cũng biết cái mền là cái chăn, cái mùng còn gọi là cái màn,
cái phong bì với cái bao thư là một, cái bật lửa đã trở thành bựt lửa, cái hôn
và cái hun cùng một nghĩa, và cùng… “đã” như nhau.
Cuộc chung đụng giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái
chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với
cái muỗm… tuy không toàn hảo nhưng tương đối thuận thảo và tốt đẹp. Một một
phần tư thế kỷ sau, dù không ai tuyên truyền, xúi bẩy hay xúi dại gì
ráo nạo, chàng trai Biên Hoà Nguyễn Tất Nhiên vẫn cứ si mê “cô em tóc
demi garçon” và mê chết bỏ: “Đôi mắt tròn, đen, như búp bê/ Cô đã nhìn anh rất…
Bắc Kỳ/ Anh vái trời cho cô dễ dạy/ Để anh đừng uổng mớ tình si.” (“Cô Bắc Kỳ
Nho Nhỏ.” NXB Nam Á: Paris 1982).
Nền Đệ I Cộng Hòa ở miền Nam cũng có không ít những
khiếm khuyết, vô cùng đáng tiếc, nhưng việc định cư hằng triệu người
di dân di phải được coi là một điểm son của chế độ này, nhờ vào sự
trợ giúp tận tình của cả nước Hoa Kỳ. Không phải thế lực ngoại bang
nào đến Việt Nam cũng chỉ với mục đích xâm chiếm, cùng với chính
sách chia để trị.
Chủ trương phân biệt vùng miền, mỉa mai thay, lại là
đường lối xuyên suốt và nhất quán của cái nhà nước được mệnh danh
là cách mạng hiện hành, theo như lời của nhiều công dân Việt, như Trần
Đình Thu viết: “Để kỳ thị hai miền Nam Bắc xẩy ra ngày càng nghiêm
trọng là do những chủ trương tuyên truyền hung hăng của nhà nước Việt
Nam.”
Hay blogger Ku Búa tự đặt câu hỏi rồi trả lời: “Ai là người gây
ra nạn phân biệt Bắc Kỳ Nam Kỳ? Đó không phải là sự khác biệt trong tư duy,
trong môi trường sống, trong quan niệm sống hay con người, mà chính là sự phân
biệt trong chính sách chính phủ hiện tại.” Hay như lời Thức Trần viết: “Bất
công là nguồn gốc của mọi sự thù ghét nhau giữa dân chúng hai miền và có lẽ đó
cũng là ý đồ của đảng khi chia để trị.”
Họ có quá lời chăng?
Không dám quá đâu. Từ cuối thế kỷ trước, ông Vũ Đình
Huỳnh, một nhân vật quan trọng của ĐCSVN cũng đã từng nói những điều
tương tự: “Sài Gòn là một thành phố bị chiếm đóng. Không phải là một thành phố
được giải phóng. Chỉ vài năm thôi, nó sẽ giống Hà Nội.” (Nguyễn Chí Thiện.
Hỏa Lò. 7th ed. NXB Cành Nam, Virginia: 2007).
Thực sự thì Sài Gòn chưa bao giờ được “Bên Thắng Cuộc”
xem “giống như Hà Nội” cả. Sự thực phũ phàng này được nhìn thấy rõ
hơn trong những năm tháng vừa qua, như lời tác giả Nguyễn Khoa nhận xét:
“Dịch bệnh cũng làm bộc lộ mâu thuẫn chính trị vùng miền, với sự thống trị của
miền Bắc, vốn là nơi phát xuất những đội quân chiến thắng năm 1975. Trong những
năm 1990, người ta dành kinh phí quốc gia để xây dựng đường số 5 Hà Nội-Hải
Phòng, hay đường số 18 Hải Dương-Quảng Ninh, thay vì con đường nhiều hàng hóa
hơn là Quốc lộ 1 Sài Gòn-Mỹ Tho, hay liên tỉnh số 8 Sa Đéc-Long Xuyên.
Việc này có thể được thông cảm vì hệ thống đường sá miền Bắc quá
tệ hại. Nhưng vào năm 2021, với một dân số gấp đôi, số người nhiễm bệnh gấp ba
Hà Nội, mà số liều vaccine phân phối về Sài Gòn lại ít hơn là điều không thể
tha thứ được.”
Bao giờ mà kẻ
thống trị còn giữ được quyền bính thì họ chả cần đến sự “tha thứ”
của bất cứ ai. Câu hỏi đặt ra là cái đạo quân chiếm đóng hiện nay
sẽ còn tiếp tục duy trì được quyền lực ở Việt Nam thêm bao lâu nữa,
và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?
July 21, 2024
Tưởng Năng Tiến
No comments:
Post a Comment