Pages

Wednesday, August 28, 2024

Những Đôi Giày - Du Uyên

Cách đây 2 hôm, tôi đi gặp khách hàng ở cửa hàng phun xăm. Sau khi cởi giày ra (chân còn mang vớ) đi được hai bước thì tôi đạp phải một cây kim dài khoảng 3cm.

Đôi chân sư Minh Tuệ được người đi đường chụp hồi 2022 – Nguồn ảnh: Facebook Thinh Pham  


Rất may, cây kim chưa đâm sâu vào chân tôi. Chủ nhà xin lỗi rất nhiều, giải thích đó là kim xăm nhưng còn mới, cây kim đó chưa “vấy máu” ai. Nghĩa là, ngoài bị thương và có thể bị nhiễm trùng ra, tôi sẽ không bị bệnh truyền nhiễm nào từ người khác. Sau đó, chủ nhà khuyên tôi hãy mang giày vào tiệm của họ (dầu trước cửa tiệm có bảng cảnh báo: Xin để giày dép bên ngoài.) Một nhà thiết kế nội thất chuyên trang trí nhà cho người giàu ở Việt Nam từng nhận nhiều chỉ trích từ dư luận vì tuyên bố: “Nếu ai mà mời Thái Công về nhà mà bắt phải cởi giày thì Thái Công sẽ đứng dậy đi về.” Có lẽ, ông ta cũng từng đạp “chướng ngại vật” như tôi chăng?


1. Đôi Giày Đức Tin

Từ xa xưa, con người đã biết bảo vệ đôi chân khỏi môi trường bên ngoài, điều này được những tài liệu về các nền văn minh cổ chứng minh. Trong Kinh Thánh, giày cũng thường hay xuất hiện. Trong văn hóa dân gian của nhiều dân tộc khác nhau như những truyện cổ tích Đôi giày bảy dặm, Chú Mèo đi-hia, Lọ Lem… cũng có giày hiện diện. Cách đây hơn 2,400 năm, Đức Phật cũng được tả là từ bỏ ngôi cao, xiêm y, đi chân trần khất thực – chi tiết chân trần được liệt kê, nghĩa là từ thời đó, người ta đã có… dép, giày. Theo google, nếu bây giờ người ta ném hoa cô dâu sau khi cưới cho quan khách thì hồi xưa có nhiều nơi, người ta ném giày ngày cưới như một cách trao may mắn, lời chúc phúc cho người nhận (có lẽ do giày ngày xưa gọn nhẹ, không có gót nhựa gót sắt như bây giờ). Ban đầu, giày chỉ đơn giản là miếng cỏ bện lại hoặc miếng da sống được gắn vào chân. Dần dần, việc làm giày dép được nghiên cứu kỹ hơn, và tới thời hiện tại, đó là một nền công nghiệp khổng lồ, cộng với lượng rác thải kinh khủng…


Do sự lệ thuộc của đôi bàn chân con người với giày dép đã quá lâu, nhất là ở nơi khí hậu nóng nảy như Việt Nam, nên việc ai đó đi chân không mỗi ngày trên đường nhựa, ổ gà, ổ voi… là điều rất khó làm, đó là một trong nhiều lý do khiến sư Minh Tuệ trở thành “hot news” ở trên mạng lẫn ngoài đời từ khi ông bị lực lượng truyền thông mạng nhắm tới. Rất may, trong vòng bạn bè trên mạng xã hội của tôi có một người đã gặp và viết về sư Minh Tuệ từ 2022, khi hào quang mạng xã hội chưa chiếu lên ông, làm cháy bước đường tu tập của sư Minh Tuệ. Quả tình, tôi là người đa nghi, từng không tin bất kỳ “hiện tượng xã hội” nào được thổi phồng bởi truyền thông nếu tôi không tận mắt kiểm chứng. Nhờ bài viết và những hình ảnh từ 2022 này mà tôi biết được ông đã thật sự đi chân không từ Nam chí Bắc suốt nhiều năm, không phải chỉ là chiêu trò truyền giáo hoặc thu hút dư luận thường thấy ở Việt Nam. Cụ thể, 2022, Facebooker Thinh Nguyen viết:


"Duyên. Gặp một thầy chùa đi bộ từ Nha Trang lên phía Bắc, ra đến Hà Nội thầy đi hết 1 tháng rưỡi. Hôm nay gặp khi thầy từ Lạng sơn về tới Cầu Long Biên, trên đường thầy tới quốc lộ 1 để đi về Nha Trang lại. Hành trang của thầy là cái miệng luôn cười, là đôi chân trần mòn sạm (trong hình), thầy có một cái bình bát chế từ lõi nồi cơm điện, kim chỉ và mấy miếng vải bố nhặt được để khi nghỉ đắp thêm vào y phục, mỗi ngày một bữa cơm chay của người dân biêú tặng, thầy không nhận tiền và cũng không lấy nhiều hơn một suất ăn. Tối thầy ngủ ở nghĩa địa hoặc những căn nhà bỏ hoang. Cái áo của thầy đủ dầy để không bị lạnh. Thầy có Phật danh là Minh Tuệ, trước đây là một cán bộ địa chính, vì một lẽ duyên nào đó thầy xuất gia năm 36 tuổi bây giờ thầy 42 tuổi. Thầy phát nguyện đi bộ không dùng tiền để hiểu đời hiểu mình, để cho mình trần trụi trước sân si, thực hành thoát khổ, muốn ra khỏi luân hồi. Lâu rồi mới có duyên gặp một vị thầy chùa mà mình muốn quỳ xuống đảnh lễ, thầy nhỏ thó nhưng uy nghi, có lẽ cái uy nghi của thầy xuất phát từ sự nghiêm túc thực hành giới luật. Thầy không còn kết nối với những mối quan hệ với quyền lực và tiền bạc. Giữ được điều này vô cùng khó, khi phần lớn phật tử ngày nay đều nể phục các sư sở hữu chùa to, có ô tô đồng hồ đẹp… Mình có hẹn 2 tháng nữa sẽ vào núi Sạn tìm thầy để hỏi về hành trình này. Lúc chia tay mình hơi quê khi lại gọi với lại. “Hay thầy lấy số điện thoại của con, khi nào gặp nguy hiểm hay khó khăn thì gọi một tiếng”.. Thầy chỉ cười. Ngu thật, thầy đã phát nguyện đi bộ để chấp nhận cái khổ, để không ràng buộc mà mình còn hỏi vớ va vớ vẩn. Ha ha, nhưng bệnh của mình là lo lắng thôi. Đấy cứ bám thế mới không thoát khổ được.” – Hết trích.

Cái gì đã bảo vệ đôi chân ấy trước những con đường đầy sỏi đá, nhựa đường, ổ voi, ổ gà, đinh, rác…? Có lẽ, đó là một đôi giày vô hình, mang tên là Đức tin?


2. Chiếc Giày Bản Lĩnh

Thành ngữ nước ngoài có câu “All that glitters is not gold” (không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng), vì vậy, tôi ngày càng ghét cuộc sống này, bởi ai cũng muốn lấp lánh, thứ lấp lánh đầy giả tạo. Và cái lấp lánh đó thường che đậy bên trong thối rữa mục nát. Tôi càng ghét chính trị, ghét các chính trị gia trên toàn thế giới, cho dầu có ghét những lãnh tụ độc tài nhiều hơn một chút. Vì nghe đồn, ít ai làm chính trị mà chịu nói thật, hoặc làm thật mấy cái họ nói, họ hứa. Bởi vậy, dầu người ta tôn thờ ai đó, tôi có thích cũng không dám thích nhiều, sợ mốt bị “hớ”.

Ví dụ, dầu bạn bè tôi có nhiều người mê ông Donald Trump, cũng có nhiều người ghét cay ghét đắng. Riêng trong mắt tôi, bạn bè tôi dễ thương hơn Donald Trump nhiều, vì họ là bạn bè tôi, dầu họ thích hay ghét Trump (với điều kiện là họ không quá khích khi chửi nhau). Donald Trump theo tôi thấy, ông là một người đàn ông hóm hỉnh, khỏe mạnh so với tuổi tác và là một chính trị gia nổi bật. Như cháu gái ông – Kai Trump nói hồi 17-7: “Đối với tôi, ông chỉ là người ông nội bình thường. Ông lén bố mẹ cho chúng tôi ăn kẹo, uống soda. Ông luôn hỏi tình hình học hành ở trường của chúng tôi như thế nào. Khi biết chúng tôi đạt điểm cao, ông Trump còn in ra để khoe với bạn bè…”

Nhưng, sau sự kiện ông Trump bị ám sát hụt vào chiều 13-7 khi tham gia cuộc mít tinh ở thành phố Butler thuộc tiểu bang Pennsylvania (Mỹ), tôi cảm thấy rất phục ông Trump, thích tính cách của ông hơi nhiều. Trong mắt tôi, ông đúng là một ông “già gân” rất bản lĩnh.

Thứ tôi thích thú không phải là khoảnh khắc và hình ảnh ông Trump dùng tay gạt vòng vây của các đặc vụ để nhìn thấy khán giả và giơ nắm đấm lên hô lớn: “Fight! Fight! Fight!” – “Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu.” Mà là cách ông “đòi giày” một cách rất bản năng giữa lúc hỗn loạn, sau khi bị ám sát vài chục giây.


Khi những tiếng súng của nghi phạm Thomas Matthew Crooks vang lên tại vận động tranh cử tại Butler, tiểu bang Pennsylvania ngày 13-7, các mật vụ nhào lên sân khấu, xô cựu Tổng thống Donald Trump nằm sát xuống sàn rồi tạo thành một “bức tường người” bao quanh ông. Do hỗn loạn, ông Trump bị tuột mất một chiếc giày. Khi tay súng đã bị hạ, các mật vụ đỡ ông Trump dậy và hối thúc ông rời khỏi sân khấu, di chuyển đến xe bọc thép đậu bên cạnh. Họ muốn đưa ông đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt, nhưng có vẻ ông Trump không vội chút nào. Phản ứng đầu tiên của cựu Tổng thống là đòi lại chiếc giày bị tuột. Ông liên tiếp lặp lại lần thứ tư chỉ trong 9 giây:

“Để tôi mang giày đã”.

Tuy nhiên, ông Trump dầu thắng trong lòng giới mộ điệu nhưng thua trong công cuộc “đòi giày”. Sau hiệu lệnh, các mật vụ cùng đưa ông Trump về xe bọc thép, bỏ rơi lại trên sân khấu một chiếc giày kiểu Oxford màu đen đang nhìn theo chân chủ nhân một cách trách móc.

Chiếc giày bị tuột khi ông Trump được mật vụ hộ tống rời sân khấu sau vụ ám sát hụt – Nguồn ảnh: AP


Thói quen cũng không bằng bản năng sinh tồn. Với người bị hoảng loạn thì biến khỏi nơi đó là ưu tiên hàng đầu khi thấy máu và biết bị ám sát hụt. Nhưng bản năng của ông Trump lúc này lại là “chiến đấu” và đòi giày”, cũng có thể nói bản năng của ông coi trọng danh dự và sự quyết tâm hơn mạng sống. Nói thiệt, là tôi, giữa tình cảnh đó, dầu can đảm và không sợ chết cỡ nào cũng hồn bay phách lạc, tim đập chân run, và chạy nhanh cho kịp, hoặc đứng hình vài phút chứ không tự suy nghĩ và “làm càn” (nhiều người nhận xét) được như ông Trump.

Không những ông Trump, người dân Mỹ ở ngay tại hiện trường – những cử tri ủng hộ Đảng Cộng Hòa cũng quá đáng nể. Họ không bỏ chạy tán loạn, giẫm đạp lên nhau mất hết giày dép… mà đa số ở yên tại chỗ, nhìn ông Trump không rời, vỗ tay, hô rần “Nước Mỹ! Nước Mỹ!”…


Ở xa vạn dặm trùng dương, nhìn cảnh đó qua các video của những hãng thông tấn thế giới, tôi cũng cảm thấy khoái khoái. Bản thân tôi là người trẻ, vẫn mong nguyên thủ các quốc gia đều là người trẻ tuổi, còn hừng hực ý chí xông pha chiến đấu chứ không phải những cáo già lão luyện và thận trọng với hai chữ “đại cuộc”. Nhưng nếu tôi mà có quốc tịch người Mỹ bây chừ, tôi sẽ đi bầu cho “ông nội bình thường” của Kai Trump kỳ này! Chiếc giày của ông đã thuyết phục tôi.

Nơi lạnh nhất không phải là xứ sở tuyết, nơi lạnh nhất là lòng người – Nguồn ảnh: Google


Du Uyên

Những đôi giày - TRE Magazine (baotreonline.com)

No comments:

Post a Comment