Pages

Wednesday, August 7, 2024

Ở Mỹ Sướng Hay Ở Việt Nam Sướng? - Duy Nhân

Thành phố Chicago, nơi tác giả đang sống

Một căn nhà ở quận 4-tác giả chụp tháng 3/2024


Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ.

Có ba tiền đề cần lưu ý trong câu hỏi “Sống ở Mỹ sướng hay Việt Nam sướng”?

Thứ nhất: Cộng đồng người Việt ở nước ngoài tập trung nhiều nhất ở Mỹ được hình thành từ sau ngày 30/4/1975 đến nay cũng tròn trèm 50 năm. Thời gian đã đủ để nhìn lại và đánh giá một cách công bằng và chính xác nước Mỹ cũng như Việt Nam về mọi mặt với một thái độ khách quan và công tâm, không tuyên truyền, không xuyên tạc, không chính trị hóa sự việc. Cho nên vấn đề được nêu ra trong lúc này là đúng thời điểm, không quá sớm mà cũng không quá muộn.


Nếu như một người mới sống ở Mỹ được vài tháng hoặc vài năm, chưa hiểu hết về nước Mỹ mà nói về nước Mỹ thì khó mà thuyết phục được người nghe. Cũng vậy, một người sống ở Mỹ chưa từng về Việt Nam mà nói về Việt Nam thì cũng có thể bị chỉ trích là phiến diện. Do đó nhà cầm quyền Việt Nam thường kêu gọi những người dân cử gốc Việt, tham gia chánh trường Hoa Kỳ, thường phê phán chế độ, hãy về Việt Nam để nhìn thấy đất nước thay đổi như thế nào (mặc dầu sự thay đổi bề ngoài ở những thành phố lớn chưa nói lên được gì cả)

Thứ hai: Nếu có  so sánh thì sự so sánh đó phải toàn diện, bao trùm mọi mặt chớ không thể chỉ nhìn ở một góc độ nhỏ (như sự sinh hoạt, ăn uống hàng ngày) mà nói đó là Việt Nam là không chính xác. Điều này luôn luôn nhìn thấy ở những người về sống ở Việt Nam, hết lời ca tụng Việt Nam mà không biết tới và nói đến những vấn đề quan trong khác như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, chánh trị, nhân quyền ở Việt Nam là một thiếu sót lớn. Những ai ca tụng chế độ, nói sống ở Việt Nam là sướng trước hết phải trả lời được câu hỏi “ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” hiện nay như thế nào?

Thứ ba: Từ sướng cần được hiểu cho đúng. Sướng được dùng ở đây như cách nói gọn của từ kép là sung sướng, là hạnh phúc. Trước hết nó có tính cách cá nhân, tùy thuộc vào cảm giác và nhận thức của mỗi người vì có những trường hợp đối với người này là hạnh phúc còn người khác thì không. Nhưng nói chung thì hạnh phúc chính là mục tiêu cuối cùng của mỗi con người sinh ra trên cõi đời này. Nơi nào có hạnh phúc thì người ta tìm đến, vì nơi đó đáng sống hơn những nơi khác vì “đất lành chim đậu” mà. Rốt cuộc hạnh phúc không phải là một cái gì trừu tượng của cá nhân mà nó phải dựa trên tiêu chí được đa số công nhận. Nơi nào mà đời sống khó khăn, không thoải mái, và không có tương lai thì người ta xa lánh và bỏ đi. Điều này là lẽ đương nhiên, không ai có thể phủ nhận hay chối cãi được.


Hàng năm các tổ chức và các cơ quan truyền thông quốc tế đều có đánh giá và xếp hạng các quốc gia đáng sống nhất, chính xác hơn là các quốc gia có “chất lượng cuộc sống” tốt nhất thế giới. Năm 2023 tờ US News và World Report khảo sát và xếp hạng 87 quốc gia căn cứ vào rất nhiều chỉ tiêu. Các chỉ tiêu quan trọng như ổn định chánh trị và an toàn an ninh cá nhân, kinh tế phát triển, giá trị tồng sản phẩm quốc nội GDP cao, văn hóa giáo dục phát triển, y tế hiện đại và phổ cập rộng rãi, môi trường sống lành mạnh, thu nhập đầu người cao cùng với giá cả thị trường ổn định, thị trường lao động tốt, người dân có công ăn việc làm vân. vân... 

Và 10 quốc gia đứng đầu được công nhận năm nay là Thụy Điển, Na Uy, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy sĩ, Hà Lan, Australia, Đức, Tân Tây Lan. Việt Nam được xếp thứ 44, sau các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Philippines thì làm sao so sánh được với Mỹ mà nói sống ở Mỹ sướng hay Việt Nam sướng.

Nói chơi với nhau trong lúc trà dư tửu hậu, trong lúc tụ năm tụ bảy, chén chú chén anh, trong lúc lạng quạng, mơ màng trong hơi men chếnh choáng, nói về trường hợp cá biệt của riêng mình, ý kiến riêng của mình thì được chớ làm sao đủ tư cách mà bàn về những vấn đề vĩ mô, trọng đại của một quốc gia, hơn nữa là so sánh giữa một cường quốc và một nước Xã Hội Chủ Nghĩa thì nó chông chênh, khập khễnh lắm. 

Nhiều người nói nếu có tiền thì sống ở Việt Nam sướng hơn ở Mỹ khi mà Mỹ có thứ gì thì Việt Nam cũng có thứ đó thì đi Mỹ mà làm gì? Tư tưởng này không sai nhưng nó rất hạn hẹp. Nếu nói có tiền ở đâu cũng sướng thì sống ở Mỹ cũng sướng vậy, có khi còn sướng hơn! Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có tiền? và nguồn tiền này ở đâu mà có? “Có tiền” ở đây hàm ý là có rất nhiều tiền. Có rất nhiều tiền mới mua được mọi thứ để thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người, không kể là mua đất đai, nhà cửa, xe cộ, những thứ này ở Việt Nam mắc hơn ở Mỹ rất nhiều thì tầng lớp trung lưu và nghèo làm sao với tới? Tầng lớp giàu có ở Việt Nam gọi là đại gia đâu có nhiều.

Những người giàu có ở Việt Nam bao gồm hai thành phần. Một là những đảng viên Cộng Sản có chức, có quyền, có cơ hội để tham ô, họ sống sung sướng trên mồ hôi, nước mắt, trên xương máu của nhân dân. Những vụ án đưa ra tòa xét xử gần đây như vụ án chuyến bay giải cứu số người Việt còn kẹt ở nước ngoài muốn hồi hương trong mùa dịch cúm Covid 19 tháng 12 năm 2023, vụ  kit test ở công ty Việt Á tháng 1 năm 2023, vụ Đỗ Hữu Ca, cựu Giám Đốc Công An Hải Phòng tháng 4 năm 2024 đã chứng minh điều đó. 

Một thành phần khác không giữ chức vụ gì, không liên hệ gì đến cơ quan nhà nước nhưng rất giàu là các doanh nhân làm ăn bất chánh, vi phạm luật pháp,  lừa đảo chiếm đoạt tài sản các đối tác kinh doanh như bà Trương Mỹ Lan chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát vừa mới bị tòa sơ thẩm TP Hồ Chí Minh kết án tử hình ngày 11/04/2024. Những người này giờ đây chắc đã nhận ra rằng ở Việt Nam có nhiều tiền chưa chắc là sung sướng. Khi đối diện với bản án tử hình thì bà Lan mới thức tỉnh và tự trách mình: Có nhiều tiền để làm gì? Nhưng rất tiếc là đã muộn!


Tháng 11 năm 2021 ông Bộ Trường Công An cùng hai nhân viên nhân chuyến  công tác ở nước Anh, đi ăn bò dát vàng mỗi phần là 45 triệu, tổng cộng hết 135 triệu, không biết mấy ông sướng cỡ nào nhưng bị công luận và báo chí Việt Nam phê phán kịch liệt vì lẽ mấy ông dùng ngân sách nhà nước, là tiền thuế của người dân để chi tiêu hoang phí giữa lúc người dân đang chết lên chết xuống vì đại dịch Covid 19. Những người trong cuộc vẫn giữ im lặng còn nhà nước thì không một lời giải thích. Đó là Việt Nam? 

Con người ta cần có tiền để mua và thỏa mãn những nhu cầu vật chất trong đời sống hàng ngày nhưng nhu cầu vật chất bao giờ cũng có giới hạn như lương thực, thực phẩm, áo quần, nhà ở, phương tiện di chuyển... Ở thì chỉ cần một căn nhà, ngủ chỉ trên một chiếc giường, di chuyển chỉ cần một chiếc xe, ăn uống nhiều lắm cũng chỉ làm đầy cái bao tử chớ không thể hơn. Vậy là đủ rồi, đâu cần phải có thật nhiều tiền bằng mọi giá? 

Bên cạnh đó các nhu cầu về tinh thần xem ra còn quan trọng hơn như nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu đi lại, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu được bày tỏ chính kiến, thái độ, tư tưởng mà không bị đàn áp bắt bớ, nhu cầu có quyền làm chủ, danh từ kinh tế gọi là quyền tư hữu về nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, tài sản... Trong số này quan trọng nhất là quyền sở hữu đất đai, ruộng vườn. Nhưng hiến pháp và luật đất đai ở Việt Nam qui định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, được nhà nước thống nhất quản lý”. Khi qui định như vậy, bất cứ lúc nào nhà nước cũng có thể trưng thu, trưng dụng đất đai của người dân để thực hiện một công trình, dự án nào đó, thường là giao lại cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá cao gấp nhiều lần so với giá đền bù cho người dân, không được người dân đồng ý. Từ đó phát sinh một giai cấp mới gọi là “dân oan”, tối ngày chỉ có vác đơn đi khiếu kiện từ địa phương cho tới thành phố và trung ương, nhưng không nơi nào giải quyết, không một tòa án nào thụ lý hồ sơ. Điều này không hề có ở các quốc gia Tư Bản như Hoa Kỳ và Châu Âu.

Phong trào cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau năm 1954 và chiến dịch đánh tư sản sau năm 1975 ở miền Nam luôn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người dân trong cả nước, mặc dầu nó đã được thực hiện từ 50 năm, 70 năm về trước. Vậy mà người ta vẫn nói được là Việt Nam ta ưu việt và dân chủ gấp trăm ngàn lần Tư bản Hoa Kỳ đang giẫy chết! Nước Mỹ đang giẫy chết mà họ tranh nhau gửi con cháu  du học Mỹ mà không gửi đi Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba là những nước Cộng sản còn lại, tôn thờ chủ nghĩa Mác- Lênin như họ? 

Có một lý luận so sánh giữa Việt Nam và Mỹ như sau: “Nếu nói Việt Nam nghèo thì ở Mỹ cũng có người nghèo vậy, thậm chí những người ăn xin, những người homeless không nhà cửa ở Mỹ còn nhiều hơn Việt Nam. Ở Mỹ thì làm việc vất vả, cực khổ mà vẫn thiếu nợ ngập đầu”. Đây là lý luận của những người ở Việt Nam không hiểu gì về nước Mỹ, họ là những người ngây thơ, tội nghiệp, chỉ biết nghe những người có ác ý muốn cào bằng, muốn đánh đồng giữa Mỹ và Việt Nam, muốn hạ thấp giá trị Mỹ.

Thật ra nhận xét của họ là đúng chớ không sai nhưng chỉ đúng khi nhìn vào hiện tượng bên ngoài. Vấn đề là phải thấy được bản chất của vấn đề, không để hiện tượng đánh lừa bản chất. Đồng ý là ở Mỹ cũng có người nghèo như Việt Nam nhưng người nghèo ở Mỹ khác với người nghèo ở Việt Nam nhiều lắm, không thể đánh đồng với nhau được. Trong năm 2024 Mỹ qui định người có thu nhập thấp (low income) dưới 1.913 USD hoặc có tài sản dưới 2.000 USD được xem là người nghèo, hàng tháng được nhà nước liên bang trợ cấp một số tiền gọi là trợ cấp an sinh xã hội (Social Security Income). Số tiền này hiện nay là 943 USD cho mỗi cá nhân, tính ra tiền Việt theo tỷ giá 25.000$ một Mỹ kim là 23.575.000$, lớn hơn lương của Tổng Bí Thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc Hội và Thủ Tướng Việt Nam nữa. Cụ thể kể từ ngày 1/7/2024 thì lương của Tổng Bí Thư và Chủ Tịch Nước là 23.400.000$, Chủ Tịch Quốc Hội và Thủ Tướng chánh phủ là 22.500.000$. Đây là một khám phá bất ngờ và lý thú mà người viết biết được khi nghiên cứu để viết bài này. 

Ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng, người nghèo ở Mỹ còn được cấp phiếu mua thực phẩm gọi là food stamp, có chế độ chăm sóc y tế không mất tiền, có chế độ housing về nhà ở không mất tiền hoặc với giá tượng trưng, sử dụng phương tiện di chuyển công cộng miễn phí, con cái của người nghèo được đi học miễn phí từ tiểu học đến đại học. Do đó người nghèo ở Mỹ vẫn có thể nuôi con thành giáo sư, luật sư, kỹ sư, bác sĩ như bất cứ ai. Mỹ là đất nước cơ hội dành cho bất cứ ai có quyết tâm và cố gắng. Trong khi đó nhà nước Việt Nam đã làm được gì cho người nghèo và họ sống ra sao ? 

Một thực tế nữa phải nhìn nhận là số  người ăn xin ở Mỹ có vẻ nhiều hơn Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Có hai lý do để giải thích. Một là nhà nước Việt Nam tập trung họ lại có nơi có chỗ, không để họ xuất hiện tràn lan làm mất vẻ mỹ quan thành phố, làm phiền du khách khi mà chánh phủ đang cố gắng phát triển ngành du lịch Việt Nam để thu hút ngoại tệ. Ông Nguyễn Bá Thanh năm 2000 lúc còn làm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẳng đã được nhiều người biết tới là do giải quyết được vấn đề người ăn xin ở thành phố ông. 

Ở Mỹ thì người ta tôn trọng quyền cư trú và tự do đi lại của mọi người. Người nghèo đã có chánh phủ lo, họ có đời sống thoải mái, không thích bị gò bó, tập trung. Ban ngày thì đi thang thang xin ăn thêm được đồng nào hay đồng đó. Tối về thì dựng lều sát bên nhau dưới gầm cầu, vĩa hè, công viên sinh hoạt, ăn uống nhậu nhẹt, kể cả sử dụng cần sa, ma túy mà không bị dòm ngó. Các cựu chiến binh Mỹ giải ngũ về, được chánh phủ ưu đãi mọi mặt, họ hưởng chế độ an sinh xã hội cao hơn những người khác. Cũng có thể họ vẫn có nhà cửa, vợ con, người thân nhưng vẫn thích sống đời homeless, lang thang, ăn xin ngoài phố là do họ muốn như vậy, cũng có khi họ bị tâm thần, trầm cảm, nhà nước phải tôn trọng thôi.


Đâu đó chúng ta vẫn nghe những lời oán than từ người đã từng sống ở Mỹ là những người lao động Mỹ làm việc vất vả, khổ cực lắm. Điều này cũng có phần đúng. Nhưng với người lao động phổ thông, lương được trả theo giờ. Năm nay chánh phủ liên bang ấn định lương giờ tối thiểu là $7.25/giờ, tính ra $928USD một tháng (tương đương 23.200.000 VN đồng, ít hơn lương Thủ Tướng Việt Nam một chút). Trên thực tế người ta trả cao hơn nhiều, trung bình là 33USD/ giờ trong khi lương thực, thực phầm rất rẻ nên người lao động ở Mỹ có đời sống thoải mái, không thấy ai phàn nàn điều gì. Chính nhờ sự đóng góp của những người lao động, làm việc cật lực nên kinh tế Mỹ mới phát triển và trở nên hùng mạnh nhất thế giới như ngày nay.

Cuối cùng phúc lợi xã hội cũng được trả về cho công nhân, chớ làm việc tà tà theo kiểu  “chân ngoài dài hơn chân trong” như ở Việt Nam, sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm, phải trông chờ vào “xuất khẩu lao động” ra nước ngoài làm bất cứ việc gì thì biết đến bao giờ Việt Nam mới cất cánh (take off), theo kịp các nước Đông Nam Á, nói chi đến giấc mơ con rồng Châu Á?

Mấy năm gần đây nhà nước Việt Nam cho các công ty nước ngoải vào Việt Nam mở nhà máy với thiết bị, máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại và sử dụng công nhân Việt Nam làm việc vất vả không kém gì ở Mỹ nhưng đồng lương không tương xứng, nhiều lúc không được hưởng chế độ lao động và bảo hiểm như thỏa thuận nên đã xảy ra nhiều vụ đình công lớn. Quan chức Việt Nam vì lợi ích cá nhân thường đứng về phía chủ nhân nước ngoài hơn là công nhân nước mình.


Sau 1975 người Việt đến được nước Mỹ bằng bất cứ phương tiện gì cũng được nước Mỹ dang tay đón nhận và giúp đỡ tùy theo chương trình, kể cả ứng trước tiền vé máy bay cho cả gia đình với cam kết là sẽ trả lại sau nếu thuộc diện HO. Không riêng gì người Việt tỵ nạn, cho tới nay các ngân hàng và tổ chức tín dụng Mỹ vẫn tiếp tục cho mọi người vay tiền để mua nhà, mua xe và các vật dụng cần thiết khác trong gia đình, hàng hóa, dịch vụ, cũng như để tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi xem xét điểm số tín dụng, sự ổn định việc làm và lương bổng. Người vay tự chọn cho mình thời gian  tốt nhất để trả hết  nợ vay (pay off). Hàng tháng ngân hàng trích từ tài khoản của khách hàng để thu nợ như thỏa thuận, có thể lên đến 30 năm.

Việc sinh viên vay tiền đi học thì có chế độ riêng. Nền giáo dục ở Mỹ là miễn phí từ tiểu học đến trung và đại học. Ở các trường cao đẳng (college) và đại học (univesity ) còn có chế độ Financial Aid, chế độ học bổng. Những năm đầu khi mới tới Mỹ gia đình tôi gồm vợ chồng con cái cả bốn người đều ghi danh học college, có Financial Aid. Sau khi trang trải mọi chi phí học tập còn có dư để gửi về cho người thân ở Việt Nam nữa. Thời đó người Việt mình thường nói với nhau rằng ở Mỹ đi học cũng là một nghề vì hàng tháng đều được chánh phủ trả lương.

Đối với các chương trình mà thời gian đào tạo và chi phí cao như y khoa thì chánh phủ cho sinh viên mượn tiền để học và sẽ hoàn lại theo kế hoạch sau khi tốt nghiệp và có việc làm. Chi phí đào tạo  một sinh viên y khoa ở trường công cao hơn trường tư. Từ khi làm nội trú chuyên khoa một bác sĩ tương lai đã được nhận trợ cấp rồi. Khi ra trường làm ở bệnh viện được trả từ 200,000 USD đến 300,000 USD một năm tùy chuyên khoa và kinh nghiệm, bác sĩ phẩu thuật chỉnh hình được trả đến 443,000 USD/năm. Ngoài ra bác sĩ nào cũng có phòng mạch tư và chưa có số liệu thống kê nào tiết lộ thu nhập của một bác sĩ ở phòng mạch là bao nhiêu, nhưng chắc chắn nó phải nhiều lần hơn tiền lương ở bệnh viện.

Chế độ tín dụng Mỹ giúp người dân có tiền để chi tiêu, kích thích sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ, khiến nước này có nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới, bảo đảm cho đồng đô la có giá trị vững chắc, được cả thế giới tin dùng. Người Việt tỵ nạn qua đây với hai bàn tay trắng và phải làm lại từ đầu vậy mà ngay từ 1993 đã gửi tiền về cho Việt Nam và số tiền này mỗi năm mỗi tăng. Trong năm 2023 số kiều hối mà đồng bào gửi về Việt Nam là 16 tỉ, riêng cho thành phố Hồ Chí Minh hơn 9 tỉ USD, hơn 3 lần nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Ở Mỹ dầu sinh trong một gia đình nghèo khó bạn cũng có thể đi học để trở thành bác sĩ được nếu như có quyết tâm. Còn ở Việt Nam? Từ nhà trẻ lên đến mẫu giáo, tiểu học, trung học và đại học, cấp nào cũng phải đóng rất nhiều loại phí mà không gọi là học phí, không có cơ quan nào trợ cấp, cũng không có chế độ cho mượn tiền đi học như ở Mỹ. Gia đình nghèo cũng đành bó tay, cho con mình đi bán vé số. Hình ảnh một em bé cầm sấp vé số chạy khắp hang cùng, ngõ hẻm rao bán từng tờ vé số thật là tội nghiệp. Cũng trong giờ phút đó mọi trẻ con ở Mỹ đều ngồi trên ghế nhà trường, không có em nào lang thang ngoài phố cả. Hai hình ảnh không biết đã đủ để trả lời câu hỏi sống ở đâu sướng hơn, Mỹ hay Việt Nam, cho dầu bạn hiểu từ “sướng” theo cách riêng của bạn, cho dầu bạn nói không thích nước Mỹ theo cách riêng của bạn? 

Thật ra có rất nhiều bạn sống ở Mỹ lâu năm, nay quay về sống ở Việt Nam có những ý kiến trái chiều rất “vui”. Bạn D.T.H sống 10 năm ở tiểu bang Minnesota nêu lý do về Việt Nam là  sáng dậy sớm nghe tiếng gà gáy rồi đi chợ quê uống cà phê, ăn cà rem ngoài đường. Ở Việt Nam tha hồ giăng lưới, bắt con tôm con cá về kho mặn rất ngon, đi ăn đám giỗ ở Việt Nam thì vui ác ôn luôn. Ngoài ra bạn này còn khuyên Việt kiều Mỹ nên về Việt Nam sống nếu có điều kiện vì sống ở Mỹ cực khổ lắm, ở Việt Nam thì sướng hơn.

Lý luận của bạn H thì đơn giản và cũng nên thơ nữa, nhưng bạn quên mất nhiều điều. Một là bạn lấy tiền ở đâu để về Việt Nam hưởng thụ cuộc sống mà không làm gì cả? Đó là do bạn dành dụm, tích lũy sau mười năm làm việc ở Mỹ. Bạn có một lời cám ơn nước Mỹ chưa? Vì nếu cùng thời gian đó bạn vẫn sống ở Việt Nam thì có được như ngày nay không? Trong khi bạn hưởng thụ một mình thì thân nhân, bạn bè và những người xung quanh bạn sống như thế nào, bạn có biết không? Mai này bạn sẽ già yếu và phải đối diện với bệnh tật, thì trang thiết bị, trình độ y khoa ở Việt Nam có bằng ở Mỹ không? Chế độ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế có ưu tiên nào dành cho một người về hưu từ Mỹ  không? Số tiền còn lại của bạn có đủ để thanh toán y tế phí rất cao ở Việt Nam không? Hy vọng bạn có câu trả lời thành thật nhất cho chính bạn chớ không cho ai khác.


Có một bạn lấy nick name là Năm Lúa, đã sống ở Mỹ 30 năm, nay về Việt Nam sống với cha mẹ. Bạn này vừa ca tụng Việt Nam vừa đặt điều nói xấu Mỹ và người Việt ở Mỹ bằng lời lẽ hết sức ngây ngô. Chẳng hạn như bạn nói cha mẹ nuôi con tới 18 tuổi thì đuổi ra khỏi nhà,.Lý do là lúc nhỏ cha mẹ nói nó không nghe, đụng tới nó thì nó kêu cảnh sát cho nên không làm gì được nó, phải đợi nó đến 18 tuổi mới làm được bằng cách đuổi nó ra khỏi nhà. Bạn này nói láo hết chỗ nói vì không có cha mẹ nào, nhất là cha mẹ Việt Nam lại nhẫn tâm đuổi con mình ra khỏi nhà cả. Chỉ có trường hợp khi đến 18 tuổi con mình lên đại học và trường thì ở xa nhà nên nó thường dọn vào dorm, một loại ký túc xá trong phạm vi nhà trường để cho tiện việc học tập thôi. Làm gì có chuyện “đuổi” ở đây.

Bạn này còn nói tình cảm giữa con cái và cha mẹ ở Mỹ không bằng ở Việt Nam. Một lần nữa bạn này nói láo mà không có cơ sở, không có căn cứ. Bạn này không hiểu là cách biểu hiện tình cảm của ông bà, cha mẹ với con cháu của người Việt nó khác với người Mỹ là do sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Thí dụ ở Mỹ mà hun hít,  nựng nịu trẻ theo cái cách của người Việt Nam, của mấy bà nhà quê ở Việt Nam có thể bị kết tội là quấy rối tình dục, là abuse trẻ con. Khuynh hướng của người Mỹ là thích tự do và tự lập nên có điều kiện là dọn ra ở riêng, xây dựng một gia đình riêng, không phụ thuộc vào cha mẹ nữa, còn người Việt mặc dầu ở Mỹ nhưng ông bà, cha mẹ và con cái cùng sống với nhau trong một gia đình theo nghĩa “tam đại đồng đường” cũng là bình thường, cũng dễ hiểu thôi.

Năm Lúa còn khuyên mọi người là đừng có đi đâu hết vì “Việt Nam được giải phóng rồi, có tự do rồi. Ra đường không ai bắt bớ hay làm khó dễ, kể cả việc đưa máy quay phim vào mặt người ta quay cũng được”. Xin hỏi Năm Lúa một câu- Ông khuyên người ta đừng đi Mỹ nữa nhưng tại sao ông lại ở Mỹ đến 30 năm ? Ông nói ở Việt Nam ông được tự do đưa máy quay phim vào mặt người ta để quay. Xin thưa đó không phải là tự do mà là vô văn hóa và bất lịch sự.

Trường hợp những người sống ở Mỹ nhiều năm nay quay đầu về Việt Nam và chửi Mỹ như hai bạn DTH và Năm Lúa là trường hợp đặc biệt, rồi sẽ rơi vào quên lãng. Nhân tiện mời hai bạn nhìn lại trường hợp của Trần Trường để có cái nhìn rộng rãi hơn, để củng cố thêm niềm tin rằng ở Mỹ hay Việt Nam nơi nào sướng hơn, đáng sống hơn.


Năm 1999 Trần Trường treo hình Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm video Hi Tek của y ở đại lộ Bolsa, thành phố Westminster, tiểu bang California, bị cộng đồng người Việt ở đây phản đối và biểu tình suốt 53 ngày đêm. Trần Trường lấy quyền tự do phát biểu chống lại chánh quyền địa phương và đám biểu tình, cũng nhân danh quyền tự do phát biểu. Cuối cùng Trần Trường bị xử thua. Cửa tiệm bị đóng cửa vì lý do sang băng lậu và trốn thuế.

Năm 2005 Trần Trường bán hết tài sản được 7 tỉ đem tiền về Việt Nam mở công ty nuôi trồng thủy sản ở Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Số tiền Trường mang về không thấm vào đâu, ngân hàng hứa cho vay thêm 6 tỉ nữa, cuối cùng chỉ giải ngân 600 triệu, khiến cho y chới với. Trường phải hợp tác với nhà máy xay lúa ở địa phương để bảo đảm nguồn thức ăn cho cá, nếu không thì nó chết.Trường nợ bên đối tác 1.3 tỉ đến tháng 11/2005 trả được 209 triệu thì bị kiện về tội quịt nợ mặc dầu hợp đồng vẫn còn hiệu lực đến cuối năm 2005. 

Chánh quyền địa phương thì bênh vực bên nhà máy, niêm phong tài sản và đuổi vợ con Trần Trường ra khỏi nơi cư trú, khiến cho bà vợ bị điên, phải vào điều trị ở nhà thương điên Biên Hòa, bây giờ gọi là bệnh viện tâm thần. Năm 2012 Trần Trường quay lại Mỹ xin lỗi và cầu cứu đồng hương giúp đỡ gây quỹ để theo đuổi vụ kiện mà phần thua thiệt và thất bại đã quá rõ ràng vì chánh quyền địa phương không biết Trần Trường là ai, cho dầu y có tôn thờ Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản như thế nào chăng nữa.


Mấy năm gần đây tôi thường về Việt Nam mỗi lần ít nhất là hai tháng, đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam kể cả những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất để chụp hình, đi tìm cái đẹp ở quê nhà. Phải công nhận Việt Nam giờ đây đã thay đổi nhiều. Đường xá, nhà cửa, khách sạn, nhà cao tầng ở các thành phố lớn. Các quận nghèo ven đô có đất rộng như quận 4, quận 8 được qui hoạch lại rất khang trang, không còn là khu ổ chuột nữa. Các con kinh Nước Đen, kinh Tàu Hủ, kinh Nhiêu Lộc đều có bờ kè, nguồn nước được cải tạo trong sạch, không còn hôi thúi như trước kia.

Những công viên là lá phổi cùa thành phố như công viên Tao Đàn, công viên 23 tháng 9, Lê văn Tám, công viên Gia Định được chỉnh trang, nâng cấp rất sạch đẹp. Có cả những đô thị, chung cư cao cấp dành cho người giàu. Ra khỏi Sàigòn đi về các tỉnh và thành phố lớn đã có nhiều đường cao tốc với nhiều làn xe rộng rãi không thua gì những free way ở những quốc gia phát triển. Các bến phà già nua, cũ kỹ cũng được thay thế bằng những cây cầu treo hiện đại nối liền đôi bờ hai con sông Tiền, sông Hậu, thu hẹp khoảng cách, rút ngắn thời gian di chuyển từ một ngày, một buỗi xuống còn vài giờ. Những cây cầu nổi tiếng là cầu Mỹ Thuận ở sông Tiền nối liền Tiền Giang và Cửu Long, Cầu Cần Thơ trên sông Hậu nối Vĩnh Long với Cần Thơ, Cầu Rạch Miễu trên sông Tiền nối liền Bến Tre với thành phố Mỹ Tho của Tiền Giang, đi về các tỉnh. Ngoài ra là những cây cầu nhỏ hơn ở địa phương như cầu Hàm Luông, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi, Vàm Láng, Cao Lãnh... 

Chương trình đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ những quốc gia phát triển và gần 150 quốc gia khác đã làm thay đổi bộ mặt Việt Nam nhưng nền kinh tế Việt Nam không hề phát triển cùng một nhịp với sự cải tiến của hạ tầng cơ sở vật chất. Chất lượng đời sống người dân không khá hơn 50 năm về trước. Họ vẫn mua gánh, bán bưng, bám vỉa hè, lề đường để kiếm sống, bị đuổi chỗ này thì họ dời đi chỗ khác. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc và rõ nét. Người giàu có cả một đô thị mới biệt lập, những chung cư bạc tỉ để sống, người nghèo vẫn cứ chui ra chui vào cũng cái căn nhà ọp ẹp đã xuống cấp từ 50 năm nay mà không có tiền sửa chữa. 

Ở đầu cầu Calmette bên quận 4 hướng về quận 1 bên tay phải có một chung cư nhiều tầng không biết được xây dựng từ bao giờ, nay đã xuống cấp, rách nát tả tơi có thể sập xuống bất cứ lúc nào, vậy mà vẫn còn người ở. Cạnh đó vài chục thước, sừng sững một chung cư cao tầng mới xây, chắc là dành cho dân có tiền. Hai hình ảnh trái ngược này được tôi  cẩn thận ghi vào ống kính theo chủ đề “sự tương phản trong đời thường”. Sự tương phản (contrast) bao giờ cũng là một yếu tố cần có của một bức ảnh nghệ thuật!

Con cái của gia đình chưa có điều kiện gửi đi du học nước ngoài thì cho học ở các trường quốc tế do nước ngoài đầu tư và giảng dạy tại Việt Nam mong tiếp cận với nền văn hóa giáo dục hiện đại và nhanh chóng nâng cao trình độ Anh ngữ, trong khi những gia đình nghèo chạy một suất ở trường công là quá khó. Chương trình học năm nào cũng cải cách, học sinh phải thay đổi sách giáo khoa hàng năm, khiến cha mẹ, phụ huynh kêu trời như bộng. Nói tới nền giáo dục Việt Nam bây giờ người ta nghĩ đến từ “CHẠY” trong một thành ngữ mới của chế độ mới: “Chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”...Chưa hết đâu, khi ra trường còn phải “ chạy việc làm”. 

Ở Việt Nam bây giờ có rất nhiều bệnh viện đầu tư từ nước ngoài với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y tá, bác sĩ giỏi, phòng ốc sạch sẽ, rộng rãi, khang trang. Cung cách phục vụ văn minh và chuyên nghiệp. Dĩ nhiên những bệnh viện này chỉ dành cho người có tiền. Cán bộ viên chức nhà nước đã có bệnh viện riêng. Chỉ có bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh thì nằm lê lết ngoài hành lang, vệ đường ở các bệnh viện công đã quá tải, xuống cấp như BV Ung Bướu, BV Nhân Dân Gia Định, Nhà Bào sanh Từ Dũ, BV Nguyễn Trãi, BV Nhi Đồng, BV Chợ Rẫy, BV Chấn Thương Chỉnh Hình, vân. vân...

Trong khi người giàu và nghèo ở Việt Nam sống trong hai thế giới khác nhau thì ở Mỹ cũng có  giàu nghèo nhưng không hề có khoảng cách, không bị phân biệt đối xử. Người giúp việc nhà ở Việt Nam gọi là ô-sin, danh từ bình dân gọi là đầy tớ, ở Mỹ thì gọi là home maker, ăn mặc rất lịch sự, lái xe đến nhà chủ làm việc trong vài giờ, xong việc thì ung dung lái xe về nhà. Trên đường về có thể họ đi shopping mua sắm, hoặc ghé vào một nhà hàng sang trọng, ăn những món mà họ ưa thích, họ enjoy cuộc đời như bất cứ một người nào khác. Trong khi đó một ô-sin ở Việt Nam thì suốt đời vẫn là ô-sin, nếu không có cơ hội xuất khẩu lao động đi làm ô-sin ở nước ngoài. 


Người viết bài này có điều kiện đi nhiều ở Việt Nam cho nên cũng thấy rất nhiều, nhiều hơn những gì đã diễn ra trước mặt. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh quê hương Bác Hồ có nhiều nhà to đẹp, hỏi ra mới biết là gia đình có con em đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi tiền về xây. Ngoài đó người ta vượt biên và đi xuất khẩu lao động nhiều lắm. Còn ở trong Nam, bộ mặt nông thôn cũng thay đổi nhiều. Những căn nhà cây vách ván không còn nữa, thay vào đó là những căn nhà gạch đồ sộ, kiểu cách, được xây bằng tiền do bán đất, bán ruộng mà có. Người nông dân thì biến thành công nhân, ở nhà trọ, làm trong các nhà máy xí nghiệp của người nước ngoài mà đời sống không có gì bảo đảm, bởi vì chính các xí nghiệp này có thể đóng cửa, dời đi bất cứ lúc nào. Cơn đại dịch Covid 19 ở Việt Nam đã cho thấy điều đó.


“Sống ở Mỹ sướng hay Việt Nam sướng?” Đây không phải là vấn đề lý thuyết để bàn cãi, như bàn về chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư bản mà là vấn đề thực tế: Thức khuya mới biết đêm dài.  Nếu gạt ra ngoài yếu tố chánh trị nhằm mục đích tuyên truyền, xuyên tạc và làm một sự so sánh toàn diện giữa hai quốc gia thì sự tương phản sẽ nói lên được nhiều điều.

Nếu hiểu chữ sướng như một cảm giác rất chủ quan, tùy sở thích và hoàn cảnh của từng cá nhân như hai bạn DTH, Năm Lúa và một số người thì câu trả lời sẽ khác nhau. Các cán bộ Cộng sản có chức, có quyền, có điều kiện để tham ô nhất định sẽ nói sống ở Việt Nam là sướng vì không cần lao động vất vả mà có nhà “biệt phủ”, tiền gửi ngân hàng tính bằng tỉ đô la. Thành phần gọi là đại gia nhiều tiền, lắm bạc cũng nói sống ở Việt Nam rất sướng theo quan điểm “có tiền mua tiên cũng được”. Một số Việt kiều già, muốn hưởng thụ cuộc sống cuối đời, thích “gặm cỏ non” mà không còn cơ hội ở Mỹ, thường hay về Việt Nam cũng nói sống ở Việt Nam sướng lắm vì ở Việt Nam có nhiều gái đẹp. Một ông Thủ Tướng đã từng quảng cáo như vậy.


Trong lúc đó những Việt kiều sống ở Mỹ lâu năm, đã hiểu nước Mỹ và có quan tâm đến Việt Nam sẽ nói Mỹ là quốc gia đáng sống. Những công dân Việt Nam sống ở Việt Nam nhưng có máu đỏ đen, thích cờ bạc, cần sa, ma túy chắc chắn sẽ nói ở Mỹ sướng hơn vì Mỹ có chủ trương rất thoáng trong vấn đề này, có chế độ, luật lệ rõ ràng chớ không bị cấm đoán và trừng phạt nặng nề như Việt Nam.

Nói gì thì nói, có một sự thật đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ từ 50 năm nay là trên thế giới, trong đó có người Việt Nam vẫn tìm mọi cách vượt biên trái phép để vào nước Mỹ, có năm lên đến hàng triệu người. Ngược lại, chưa có một người Mỹ nào trốn chạy nước Mỹ tìm đến Việt Nam sinh sống. Nếu các lãnh tụ đảng và nhà nước Việt Nam có đủ dũng khí, không ngụy biện quanh co mà nhìn nhận sự thật, lý giải được sự thật  thì lúc đó Việt Nam mới khá lên được.

 

Duy Nhân

No comments:

Post a Comment