Pages

Monday, August 5, 2024

Đoạn Trường... Cơm Chỉ - Hoàng Thanh


Nhớ cách đây hơn mười năm, khi tôi chưa sang Mỹ, cô bạn thân cứ rủ rỉ , rù rì, " dụ " tôi qua vùng Bolsa ở. Nào là " bồ qua đây đi, bên này mình không cần biết tiếng Anh vẫn sống phây phây ", rồi lại " qua đây tha hồ ăn đồ ăn Việt nam cho nó sướng ". Nhưng có lẽ cái mục hấp dẫn nhất mà cô bạn " dụ " được tôi thì phải nói là cái món " cơm chỉ ". Tính tôi thì hơi lười nấu ăn, mà lại thích ăn đồ Việt nam chính hiệu kia chứ. Lăn lóc ở xứ người hơn 25 năm, cho tới giờ, nói thiệt tình tôi vẫn không sao mê nổi mấy món đồ Mỹ. Kẹt lắm thì cũng ăn, nhưng ăn chừng đâu chỉ vài ngày là ngán lên tận cổ. Bởi vậy mới nói, có đi ăn lòng vòng thì cuối cùng tôi cũng quay về với quê hương đất tổ : món ăn Việt nam.


Thế là tôi mua vé qua Cali thăm cô bạn, nhân dịp cũng để thám thính tình hình trước khi quyết định là sẽ có nên dọn qua ở luôn hay không.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên cô bạn chở tôi vào một quán food to go trên đường Bolsa là tôi khoái ngay.

Chèn ơi, các món ăn Việt nam đầy dẫy ra đó, món nào trông cũng ngon và hấp dẫn. Mà chưa hết đâu nhe, chỉ có mỗi một đồng một món, làm tôi không thể nào tin được. Tôi nhẩm tính ( lúc ấy là chừng 10 năm về trước , chứ giờ thì có mắc hơn chút đỉnh rồi): một bữa cơm ba món, món canh, món mặn, món xào, và phần cơm 50 xu, chỉ tốn ba đồng rưỡi, mà lại vừa ngon vừa tiện lợi, khỏi mắc công chui vào bếp nấu nướng cho mình mẩy hôi mùi khói. Vừa đỡ tốn tiền, lại tiết kiệm thời gian. Đúng là danh bất hư truyền, xứ Mỹ có khác, cái gì cũng thiệt là tiện dụng.

Thế là tôi " say Yes " ngay, move sang miền Cali để tận hưởng cái nắng ấm và hương vị các món ăn Việt nam khoái khẩu. Ngày ba bữa, tôi trở thành khách hàng quen thuộc của các cửa hàng " cơm chỉ ". Hầu như tiệm nào cũng nhẵn mặt tôi. Ăn riết rồi tôi thuộc lòng tiệm nào có món nào là ngon nhất. Khi thì tôi ngồi ăn tại chiếc bàn trước cửa tiệm , lúc lại to go mang về nhà, hay mang theo đến sở làm. Lâu lâu tôi cũng " xé lẻ " đi ăn nhà hàng, mà sao thấy ngon thì cũng dzậy dzậy , nhưng giá cả lại " đau bụng " hơn, thành ra tôi ăn cơm chỉ nhiều hơn cơm tiệm. Đã có lúc tôi thắc mắc " Sao nhiều tiệm quá vậy, đếm không xuể, mà tiệm nào cũng sống cả chục năm nay rồi , tức là phải có một số khá đông khách hàng đến mua, thì kể ra loại thức ăn này đã đáp ứng được nhu cầu nào đó của người Việt trên xứ Mỹ " .

Anh bạn tôi, còn độc thân, và cũng thuộc loại dân lười nấu ăn, thì cho rằng " Các tiệm food to go tồn tại, vì nó quá tiện dụng, nhất là cho những người bận rộn, mà lại quá rẻ, giới lao động thích là cái chắc ".

Có lẽ lúc người dân mình mới đến Mỹ từ nhiều nhiều năm trước, và khi số luợng người Việt nam dọn về Cali ngày càng đông, thì mới nảy ra cái nhu cầu là ai cũng thèm đồ ăn Việt nam, nhưng lại bận rộn với cuộc sống, ăn nhà hàng mỗi ngày thì chịu sao thấu, nên mới ra đời những cửa tiệm food to go như thế này.

Tôi cũng có quen một gia đình làm chủ hai tiệm cơm chỉ. Cả nhà 6 người , hai cô chú , ba mẹ vợ , hai con nhỏ , không ai đi làm, mà sống khá thoải mái từ thu nhập của hai cửa hiệu này. Thế thì quá tuyệt rồi còn gì, chủ thì làm ăn khá giả, khách hàng có nhiều món ăn để lựa chọn, giá cả rất ư là phải chăng, thành ra cả hai đàng đều có lợi.

Nhưng - hãy khoan vội mừng - như tôi đã từng mừng cách đây vài năm...

Mới hai tháng trước đây, tôi ghé vào một tiệm cơm chỉ khá quen thuộc với người dân Bolsa, mua phần cơm với một món mặn, ngồi ăn tại chỗ. Xong tôi mua thêm một phần cơm, phần đồ xào, và phần canh khổ qua mang theo đi làm.

Trưa đến giờ cơm, tôi mang ra ngồi vừa ăn vừa thuởng thức. Bỗng dưng tôi nghe mùi gì hôi hôi và dường như có cái gì đó cọ quậy trong miệng, tôi lật đật khạc tất cả vào một cái chén. Chèn đéc quỷ thần ơi, tin nổi không, trước mặt tôi là một chú gián thật to, màu nâu sẫm, còn nguyên con, với 4 cái chân và hai chiếc râu còn ngọ nguậy trong cái chén. Tá hỏa tam tin, tôi chạy ào vô restroom, mở vòi nước và súc miệng ào ào cả chục lần, mà sau đó nghe cái miệng mình vẫn còn hôi ... mùi gián. Đúng là chuyện khó tin nhưng ... có thật 100 phần trăm ! Không còn hứng thú gì mà ăn nổi bữa cơm nữa, tôi vội đem quăng hết phần cơm, phần đồ xào và nhất là chén canh khổ qua (nó làm cho đời tui " khổ quá " !) vô thùng rác. Thế là trưa đó nhịn đói, mà lại còn tức mình vì cả buổi chiều, cái miệng vẫn cứ còn hôi hoài cái mùi con gián .... Nhớ lại mà còn thấy ... ớn nổi cả da gà ...

Sáng hôm sau, tôi lái xe đến tiệm cơm chỉ này thật sớm, để complain . Cô bán hàng vào trong gọi ông chủ ra nói chuyện với tôi. Ông ta không những không xin lỗi một tiếng - gọi là phép lịch sự tối thiểu, mà lại còn vặn vẹo, sừng sọ lại với tôi nữa chứ " Tiệm tui nấu thức ăn rất sạch sẽ, cô à, cô ăn canh có gián là do trái khổ qua đó tụi tui mua từ chợ, cô muốn thưa thì cứ đi thưa ... cái chợ nào bán trái khổ qua đó đi ... ".

Oh my God ! Tôi không tin nổi vào hai cái lổ tai mình nữa " Chú nói cái gì ? Khi mua trái khổ qua về, tiệm chú nấu xắt thành lát nhỏ để nấu canh mà, bộ lúc chú xắt ra mà không rửa , không nhìn thấy con gián à ? Hay là con gián lọt vô nồi canh do tiệm chú nấu dơ dáy, không vệ sinh ? ". Lập tức ông này làm dữ hơn " Sáng sớm cô đừng đến đây phá đám, tôi kêu police bây giờ, cô đi về đi ". Tôi tức ứ họng " Ông có phải là ông chủ tiệm này không ? Cho tui nói chuyện với ông chủ đi ". Ông ta chối phắt " Ông chủ không ra , tiệm này có chuyện gì là tui giải quyết . Cô đi về đi ". Tôi giận dữ bỏ về (giờ nghĩ lại đúng là mình thiệt ngu !).

Trưa đó , tôi gọi lại tiệm, hỏi cho nói chuyện với " ông chủ " . Cũng lại tiếng nguời đàn ông bất lịch sự khi sáng " Tui đã nói ông chủ không bao giờ ra tiệm, cô tưởng tui không nhận ra giọng cô hả ? ", rồi ông ta cúp phone cái cụp. Tôi giận điếng người ..., tức nghẹn muốn chảy cả nước mắt. Người Việt nam mình, lại có thể nào " mất văn hoá " đến thế sao ?

Mấy ngày sau đó, tôi ôm hận canh cánh trong lòng, nhất định phải làm rõ chuyện cho " cái thằng già thiếu văn hóa " kia biết mặt.

Nhưng rồi lại lu bu với công việc, chuyện này chuyện kia, rồi chừng hơn một tuần trôi qua, cái máu giận hừng hực trong tôi tự nhiên ... không cánh mà bay. Tôi chặc lưỡi " Thôi kệ, cái thằng cha này sớm muộn gì cũng có ngày nó ... nuốt luôn nguyên con gián vô bụng. Nhân nào quả nấy mà ... " .

Sau cái vụ đó, tôi bắt đầu e dè với food to go. Ăn thì cũng vẫn ăn, nhưng phải nói là ăn trong ... cảnh giác cao độ. Múc một muỗng gì lên, là tôi nhìn tới nhìn lui, nhìn trước nhìn sau, xem có con gì, vật gì lạ không, rồi mới dám bỏ vô miệng. Gặp lại cô bạn cũ, tôi kể lại câu chuyện có một không hai này, thì cô ta lớn tiếng " Sao mà bồ khờ quá vậy ? Tại sao không giữ lại chén canh khổ qua với con gián ? ". Tôi thật thà đáp " Lúc đó tởm quá, nên lật đật đem quăng ngay cho lẹ, chứ ai mà giữ làm chi .". Cô bạn tôi gật gù " Đó, người Việt nam mình " ngu " là ở chỗ đó đó, chứ bồ mà khôn hơn một chút, bình tĩnh một chút, giữ lại chén canh " kỹ niệm " này thì bây giờ bồ giàu sụ rồi.. ". Tôi thắc mắc " Sao lại giàu sụ ? ". Cô ta bèn lên giọng giảng một bài moral cho tôi " Cái chén canh đó sẽ là bằng chứng hùng hồn nhất để bồ đi thưa cái tiệm đó, mà nhất là mấy thằng cha cà chớn như vậy thì mình cần phải làm cho nó sạt nghiệp càng sớm càng tốt, mà những người khách hàng khác còn mang ơn bồ nữa chứ ". Rồi chưa hết, cô ta kể cho tôi nghe chuyện một bà khách nào đó vô tiệm Mc Donald mua một ly cà phê , khi bưng ra bàn, không hiểu sao mà bà làm ly cà phê đổ vào bàn tay bà bị phỏng. Ấy thế mà ba ta đâm đơn thưa Mc Donald mới lạ kia chứ. Lý do bà thưa " Vì cửa tiệm không ghi rõ là " Cà phê nóng ! Xin quý khách cẩn thận, kẻo bị phỏng! ".

Ái chà chà, cũng lại là một chuyện ... thiệt khó tin nhưng có thật. Tôi ngây thơ hỏi " Nhưng lúc bà ta mua cà phê nóng, thì bà ta đã biết là nó phải nóng rồi, làm sao mà thưa được ?". Cô bạn tôi lên giọng sành đời "Thế đấy bạn ạ, vậy mà cuối cùng tòa xử cho bà ta thắng kiện đó, và cửa hàng Mc Donald đã phải bồi thường cho bà một số tiền không nhỏ. Còn trường hợp như bồ mà nuốt nguyên cả con gián vô miệng, thì thắng kiện là cái chắc, bồ sẽ có ít nhất cũng vài trăm ngàn như chơi. Lần sau bồ đừng ngu nữa nhé ". Tôi ngồi, thẫn thờ, nghe cô bạn nói, rồi tự hỏi "Có lẽ mình ngu thiệt ta ơi, nếu biết sớm thì giờ này thằng cha thiếu văn hóa kia phải đóng cửa tiệm từ lâu rồi " . Rồi bỗng dưng một ý hay loé lên trong trí " Hay là ... mình cứ tảng lờ đến tiệm đó mua đồ ăn, nhưng check thật kỹ lưỡng, hễ mà " con gián " xuất hiện lần hai là mình chơi tới cùng" . Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cái mùi hôi và cái vị nhờm nhợm trong miệng ngày hôm đó đã đủ mạnh để không cho phép tôi trở lại cái tiệm cơm chỉ mắc dịch đó nữa, dù biết rằng cũng sẽ có những khách hàng khác , như tôi, cũng sẽ ăn nhằm con gián, con kiến, hay bất cứ con gì khác, chỉ mong là họ sẽ ... không ngu như tôi ...

Cũng lại mới tuần rồi, khi đang ngồi ăn trong một tiệm food to go, tôi nghe một anh khách trẻ bước vào và nói nhỏ với chị bán hàng " Chị ra đây tôi nói chị cái này ! ", rồi tôi nghe anh ta nhỏ giọng " Hôm qua, lúc hơn 6 giờ chiều , tôi đến đây mua ly chè đậu xanh. Đến chừng ăn thì hình như nó muốn thiu rồi, nên tôi quăng, nói cho chị biết đó, làm ăn cho đàng hoàng ". Chị bán hàng lật đật xin lỗi " Xin lỗi anh nhe, mấy hôm nay trời nóng, nên chè nấu xong mà để đến chiều là muốn thiu hà, tui xin lỗi anh ". Anh này cười ha hả " Thôi, chuyện nhỏ, tui không có " sue " đâu (thưa kiện) , chị đừng lo ". Rồi anh mua thêm mấy món ăn khác . Khi tính tiền, 5 đồng 25, chị bán hàng lên tiếng " Thôi tính anh 4 đồng thôi, trừ lại tiền ly chè hôm qua, xin lỗi anh nhe, tui sẽ nói lại với ông chủ .. ". Anh khách có vẻ hơi bất ngờ, nhưng sau đó vui vẻ đồng ý trả 4 đồng và ra về có vẻ hài lòng lắm...

Tôi ngồi đó, mĩm cười một mình . Cũng gần gần như một sự việc, chỉ khác chút là anh khách nọ chưa nuốt phải nguyên con gián vô miệng, như tôi từng đã . Không biết chừng lúc đó, liệu anh sẽ có còn tha thứ hay không ? Nhưng rõ ràng thái độ và sự thành khẩn xin lỗi của chị bán hàng đã khiến cho người khách dễ dàng bỏ qua hơn. Phải nhìn nhận chị là một người " có văn hoá ", dù chị không giàu, không phải bà chủ tiệm, mà chỉ là một người làm lãnh lương . Trong khi người đàn ông - gọi là ông chủ kia, thì tư cách lại không bằng một chị làm công . Ấy bí quyết thành công khi làm business là ở chỗ đó. Một thằng chủ mất văn hóa đã đánh mất vĩnh viễn một khách hàng " trung thành " là tôi, trong khi một chị làm công lại làm hài lòng chàng trai nọ - nguời vừa than phiền chỉ mới cách đó vài phút, vì tôi biết chắc chắn là anh sẽ trở lại. Mà ngay cả tôi, người chỉ ngồi nghe hóng chuyện, cũng gật gù thầm khen cách sử xự của chị ...

Đọc tới đây có lẽ các bạn sẽ nóng lòng muốn biết tên cái cửa hiệu " con gián " kia phải không ? Biết để mà tránh. Biết để không bao giờ ghé vào cái tiệm mắc dịch này.

Tôi bảo đảm đây là chuyện có thật 100 phần trăm. Bạn bè, người thân của tôi thì từ khi nghe câu chuyện khó tin này, đã không còn ai dám ghé cái tiệm cơm chỉ đó nữa. Tiếng xấu đồn xa. Mà biết đâu thằng cha chủ mất văn hoá này đã phải dẹp tiệm rồi không biết chừng, vì ế khách quá mà. Nhưng sorry, bạn nhé, tôi không dám kể tên ra đây đâu, vì biết đâu chừng thằng chả còn dám đi " sue " ngược lại mình mới chết chứ. Ai biểu mình ngu, có mỗi cái bằng chứng sờ sờ là con gián còn sống ngoe nguẩy kia mà lại đem quăng, thì ráng mà chịu.

Nhớ nghe quý vị, có đi ăn thì phải nhớ là hễ có chuyện gì, thì làm ơn bình tĩnh mà giữ bằng chứng lại nghe. Biết đâu chừng bạn sẽ kiếm vài trăm ngàn như chơi ? Ai mà biết được ...

Cơm chỉ - đúng là cả một đoạn trường , mà ai có qua cầu mới hay .


Hoàng Thanh

1 comment:

  1. Ớn xương sống . Cám ơn bác gái cho biết .

    ReplyDelete