Pages

Sunday, August 18, 2024

Tình Yêu Của Vú - Nguyễn Thị Thêm

Ngày Nụ về nhà chồng làm dâu Nụ thấy lạ là ba chồng ít khi ở nhà. Nhà chỉ có hai vợ chồng Nụ, thằng cháu chồng và má chồng sống với nhau. Nụ ngạc nhiên cũng phải vì khi đi cưới Nụ, đàng trai đi đủ cặp mà sao về đây chỉ thấy má chồng lui cui một mình. Nụ hỏi Long:

- Ba đi đâu mà em không thấy.

Long háy mắt về phía sau nhà, Nụ nhìn theo, ở đó Vú đang cho đàn heo trong chuồng ăn. Long kéo tay Nụ vào phòng nói đủ hai vợ chồng nghe:

- Ba ở với cô Hương ngoài phố huyện.

- Vậy còn Vú? Long thở dài:

- Thì Vú ở nhà hồi nào tới giờ.

- Vậy ba có về không?

-Thỉnh thoảng ổng về, ở đôi ba bữa, gom ít trái cây, lúa gạo gì đó rồi lại đi.

- Sao ba kỳ vậy? Cổ có con không?

- Có! Nhưng là con của chồng cổ.

- Hả? Vậy là sao? Vú có ghen không?

- Vú ghen hay không anh không biết. Chỉ biết Ba cứ đi rong như vậy

-Rồi Vú tính sao?

- Sao với trăng gì. Hồi nào tới giờ là vậy. Vú làm thinh, ba cứ đi. Quen rồi.

Nụ giằng tay Long ra, mắt long lên:

- Đàn ông bội bạc. Anh có như vậy không? Anh có giống ba không?

Long ôm lấy vợ siết chặt vào lòng:

- Anh thương Vú, anh thề với em sẽ không bao giờ như ba.

- Em mà biết anh hó hé với con nào, em chặt đẹp cho anh coi.

Long vùi đầu hôn vào cổ vợ.

- Anh biết em dữ như sư tử Hà Đông rồi mà.... 

Không biết sao ở nhà này các con kêu mẹ bằng Vú, lúc đầu mới nghe Nụ ngạc nhiên. Sao rồi nhập gia tùy tục Nụ cũng phải gọi mẹ chồng bằng Vú. Lúc đầu mới gọi, mặt Nụ đỏ bừng thấy kỳ kỳ. Nhưng rồi ngày tháng quen dần, Nụ thấy gần gũi Vú hơn. Nụ không thấy Vú xa cách với mình như một người mẹ chồng khó tánh. Gọi mẹ chồng là Vú, Nụ lại có cảm giác như bà là mẹ ruột đã cho mình bú mớm. Được Vú bao bọc bằng ánh mắt nhìn đầy tình thương. Cô dâu mới như Nụ nhờ tiếng gọi Vú mà thấy mình hạnh phúc. Nụ không còn sợ mẹ chồng hay từng đêm nhớ mẹ nhớ nhà. 

Vú ốm yếu nhưng dẻo dai làm việc cả ngày. Vú ít cười nhưng thật hiền  trong ánh mắt chan chứa yêu thương. Nhà mẹ chồng có hai cô con gái. Cô con gái thứ hai lấy chồng xa thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Cô chị đầu đã mất để lại một đứa con trai. Vú đem về nhà nuôi năm nay cũng vào mẫu giáo. Long là đứa con trai duy nhất cũng là con út nên Vú rất cưng. Tất cả những gì tốt đẹp ngon lành nhất Vú dành cho Long. Nhờ vậy Nụ cũng được hưởng sự chiều chuộng đó.

Long kể là sau khi sinh Long, Vú có mang thêm một lần nữa nhưng không giữ được vì vú bị té ở bờ ruộng. Vú bước đi bị hụt chân cái bụng đập vào bờ đất, Vú bị rớt xuống ruộng lăn mấy vòng máu ra lênh láng. Khi đem được Vú lên trạm xá cái thai không giữ được. Long rướm nước mắt hỏi Nụ:

- Em có biết lúc ấy ba ở đâu không?

- Làm sao em biết.

Long cúi mặt giọng như nghẹn đi:

- Ba đang ăn nhậu với bạn bè ở nhà cô Hương. Lúc Vú nguy cấp ba không có mặt, chiều  hôm sau ba tỉnh rượu về nhà thì nội đã đem cái thai chôn ở nghĩa trang gia tộc.

Vú suýt chết vì ra máu quá nhiều lại buồn rầu vì chồng không đếm xỉa tới mình nên vú bệnh một trận thật lâu. Từ đó vú ít nói và không can thiệp vào đời sống của ba nữa.


Vú sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Cha đau yếu bệnh tật. Mẹ tảo tần lo cho chồng cho con từng bữa cơm bữa cháo. Do vậy ngay từ nhỏ Vú không được đến trường để học đến nơi đến chốn.

Trong khi đó gia đình ông nội chồng Nụ giàu có, cậu con trai độc nhất được nuông chiều từ nhỏ. Cha chồng Nụ ham chơi ỷ lại, sống phung phí với vai trò cậu ấm. Thấy cậu ấm như con ngựa không cương, gia đình lại giàu có, tài sản nhiều cần người tin cậy biết quán xuyến trong ngoài. Thế là nhà chồng đã đi hỏi vợ cho con. Vú là cô gái được chọn vì Vú ngoan hiền, xinh đẹp, giỏi giang. Ba chồng Nụ đồng ý cưới vợ vì không muốn bị cha mẹ cắt tiền tiêu xài. Lễ cưới được tổ chức đúng nghi lễ, đàng hoàng trang trọng. Tiền nạp lễ cho nhà gái được dùng vào việc trị bệnh cho người cha già đau yếu của Vú.

Vú tâm sự: "Vú không biết chưng diện lại ít học nên không được chồng thương. Chồng cưới về để làm việc nhà nhiều hơn làm vợ". Người  chồng  vẫn bay bướm cô này cô kia bên ngoài. Vú chỉ là vợ hờ ở nhà mỗi khi cần thiết. Sinh con bé đầu lòng mẹ chồng nói tuổi con bé xung khắc với tuổi cha và mẹ nên bảo cháu nội gọi mẹ là Vú để dễ nuôi. Cứ thế rồi quen dần, tất cả các con sinh sau đều gọi mẹ ruột là Vú. Có ai không biết cứ tưởng mẹ chồng Nụ là vú nuôi vì tính xuề xòa và lam lũ của bà.


Thế nhưng trời bất dung gian gia đình suy sụp. Sau 1975 ông bà nội chồng Nụ buồn rầu lâm bệnh rồi mất, gia sản đi theo thuốc thang tàn lụi chỉ còn lại cái nhà. Căn nhà lớn lại bị nhà nước trưng dụng vì bị quy là tư sản. Căn nhà nhỏ phía sau dành cho người làm là nơi náu nương cho cả gia đình. Một tay mẹ chồng Nụ bươn chải lo cho con và giữ lại miếng đất sau nhà coi như là đất đai hương quả. Cha chồng Nụ không quen khổ cực nên ông tìm cách đi làm ăn xa tự túc bản thân. Vốn quen thói vô trách nhiệm nên ông như người khách trong gia đình mặc cho Vú xoay sở trong thời buổi cơm bo bo, rau độn. 

Các con lớn dần, lấy vợ, lấy chồng một tay vú lo lắng. Ngày cưới ông ăn mặc chỉnh tề làm chủ hôn. Cho nên ngày cưới Nụ có mặt cha chồng.

Nụ đã hiểu vì sao mẹ chồng lúc nào mặt cũng bình thản không cãi lại với cha chồng. Nụ biết trái tim bà đã khép chặt lại không còn có chỗ để cha chồng chen vào đó ảnh hưởng. Ông ấy bây giờ cũng chỉ là một khách trọ trong nhà này. Ông vui buồn hay trăng gió với ai bà cũng không còn cảm xúc hay muốn tranh giành. Điều đó khiến cho cha chồng Nụ tự ái thấy mình thừa thãi, bị vợ khinh thường nên ông hay gây sự vô lý. Mẹ chồng Nụ lặng thinh. Bà không muốn hơn thua với ông để con cái xấu hổ. Bà thương yêu bảo bọc các con bằng mọi giá, còn chồng bà đã cạn tình hết nghĩa.

 

Nụ về làm dâu được một thời gian thì mẹ chồng chuẩn bị một chuyến vượt biên. Bà bán hết bầy heo trong chuồng, gà vịt ngoài vườn và kêu người cháu về ở trong nhà để đề phòng nhà nước lấy. Không may lúc đó Nụ lại cấn bầu đứa con đầu lòng. Nụ ốm nghén không ăn uống được chỉ nằm vùi chịu trận. Ngày cả nhà men theo bờ ruộng lên chiếc xuồng con để ra ghe lớn, Nụ lội sình không nổi tưởng đâu bị bỏ lại. Vú và Long hai người kè hai bên cố gắng dìu Nụ vượt bãi kịp giờ. Chuyến đi vượt biển cam go nhưng may mắn được tàu lớn cứu đưa vào trại tị nạn. Nếu không có Vú một lòng chăm sóc lo lắng cho dâu thì Nụ chắc sẽ không sống được. Từ đó Nụ thề với lòng mình coi Vú như mẹ ruột để chăm lo, phụng dưỡng.


Khi lên đảo làm thủ tục nhập trại, Vú nói với hai vợ chồng Nụ là Vú sẽ khai làm hồ sơ riêng. Vú và đứa cháu chung một hồ sơ. Hai vợ chồng Long một hồ sơ. Vú lý giải là vợ chồng Long còn trẻ hãy lo lắng cho nhau. Thằng Dũng là cháu ngoại Vú đem nó theo Vú phải có trách nhiệm với nó. Vú không muốn một già một con nít làm gánh nặng cho vợ chồng Long.

Lý luận thứ hai là mình chưa biết phải về đâu sau này. Hai hồ sơ riêng có gì sẽ hổ trợ cho nhau.


Thật ra đi vượt biên là tìm đường sống trong cõi chết. Cái mạng còn sống là còn hy vọng để đổi đời. Đi về đâu, sống thế nào là đợi chờ định mệnh. Như Vú tiếng Việt không học hành đến nơi đến chốn, tiếng Anh, tiếng Pháp một câu cũng không nói được. Ôm theo thằng bé con 6 tuổi thì qua xứ người phải sống thế nào. Nhưng mặc kệ, cứ liều, người ta cứu mình trên biển thì không thể để mình chết đói chết lạnh ở đất nước họ. Đừng lo.

Mấy mẹ con bà cháu được cấp chung một gian nhà ở trại tạm cư. Cái thai Nụ lớn dần, Nụ được mẹ chồng và chồng chăm sóc cho đến ngày sinh nở. Một đứa bé gái chào đời trong trại tị nạn. Long đặt tên cho bé là Ái Phi ngụ ý đứa con yêu quý sinh ra ở trại tị nạn Phi Luật Tân. 

Không thân nhân ở nước ngoài đứng ra bảo lãnh nên cả nhà chỉ biết chờ đợi những người xa lạ từ tâm nhận về. Vận may Vú và bé Dũng được hội nhà thờ Tin Lành nhận về miền Nam California. Ngày Vú rời trại để lên máy bay  cũng là lúc vợ chồng Nụ và Ái Phi được tin một gia đình người Mỹ đã đồng ý bảo trợ họ về tiểu bang Utah Hoa Kỳ. 

Tiễn mẹ chồng rời trại tị nạn Nụ khóc sưng cả mắt vì thương. Không có Vú ai săn sóc bé Phi, ai lo lắng cơm nước cho gia đình. Cali ở đâu? có xa Utah không? Chừng nào gặp lại mẹ chồng. Nụ đã bỏ lại cha mẹ ở VN, giờ đây lại rời xa mẹ chồng? Nụ ôm lấy Long khóc hàng đêm vì nhớ Vú. 

Vú và cả gia đình Nụ cũng không ngờ ở Mỹ chính sách trợ cấp dành cho người tị nạn quả là thiên đường. Một đất nước quá ưu đãi với những người di dân tay trắng. Liều chết đi vượt biên chỉ là trốn tránh sự đàn áp bất công, đến nơi này rồi mới thấy sự lựa chọn ra đi của mình quá đúng.


Gia đình Vú đến Cali được hội nhà thờ giúp đỡ đem bà cháu đi làm các thủ tục cần thiết. Bé Dũng còn nhỏ nên theo luật Vú được hưởng tiền Welfare nuôi bé Dũng đến lúc 18 tuổi. Mỗi tháng tiền mặt được gửi tận nhà. Thức ăn có Food Stamps trợ cấp. Bệnh đau đi bệnh viện, đi bác sĩ cũng khỏi trả tiền. Hội nhà thờ lại giới thiệu hai bà cháu đến share phòng một gia đình người Đại Hàn già tốt bụng. Những vật dụng, quần áo được mọi người trong Hội chung tay giúp đỡ. Đứng trong căn phòng đầy đủ tiện nghi, Vú ôm đứa cháu ngoại vào lòng rưng rưng nước mắt. Tiền nhà, tiền ăn, đời sống của hai bà cháu ở xứ người là những lo âu nặng trĩu trong lòng Vú, bây giờ đã được gở xuống nhẹ nhàng. Bây giờ tất cả đều có chính phủ đài thọ. Vú vốn tiện tặn, nên từng ấy trợ cấp Vú và Dũng sẽ được ấm no. Một cuộc đời mới sẽ bắt đầu. Vú chính thức bỏ lại sau lưng một quá khứ đau buồn đeo bám cả cuộc đời của Vú. 

Ngày nhận được tấm check đầu tiên, Vú đã gửi ngay qua cho Long một ít để hai vợ chồng mua thêm thức ăn bồi dưỡng. Vú về miền Nam Cali ấm áp, khu vườn sau nhà bỏ hoang cỏ mọc đầy. Vú xin chủ nhà cho mình trồng ít rau để ăn. Thế là Vú biến miếng đất sau nhà thành khu vườn có hoa, có rau, bầu, bí, mướp, cà chua... Chủ nhà cũng vui với khu vườn xinh đẹp. Bầu đất trái bò tràn lan, mướp sai trái treo mình trên giàn, cà chua đỏ rực. Ăn không hết, Vú cắt đem ra chợ ABC bán rẻ cho khách đi chợ. Dần dà Vú làm thêm ít bánh ít, bánh giò, bánh ú bán kèm kiếm thêm thu nhập. Tiền có ra có vô, Vú tiện tặn gửi làm từ thiện ở VN, gửi cho con gái còn nhiều khó khăn trong nước.

Hai vợ chồng Nụ qua Utah không bao lâu thì tới mùa đông. Trời phủ đầy tuyết trắng xóa không làm ăn gì được. Nụ quen khí hậu ấm, chịu lạnh không nổi bệnh lên bệnh xuống. Vú đau lòng bàn với hai đứa về Cali sinh sống cho có mẹ có con.

Tình cờ một hôm ngồi bán rau ở cửa chợ ABC, Vú gặp lại một người quen chung xóm ở VN trước kia. Gia đình họ qua Mỹ theo diện con lai hiện sống ở Riverside. Nơi đây giá nhà rẻ hơn Orange County. Khu vực yên tịnh cũng không khó tìm việc làm. Họ rủ Vú và gia đình Long về Riverside. Nhờ có người quen tìm nhà và giúp đỡ nên không bao lâu mấy mẹ con đã có cuộc sống đoàn viên tạm ổn định.


Vú khuyên Long nên đi học một nghề đàng hoàng để có tương lai sau này. Người hàng xóm ngày xưa giới thiệu Nụ may gia công để kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu Nụ để con cho Vú chăm sóc, mình đến hãng may làm việc. Sau một thời gian dành dụm Nụ mượn thêm tiền chủ hãng mua máy may trả góp và nhận hàng về nhà may. Nụ may đồ, Vú chăm cháu và lo cơm nước. Cả gia đình sống đùm bọc yêu thương nhau. Có nhiều khi hàng may hư, Vú đã thức cùng con dâu, con trai  tháo chỉ và sửa lại cho kịp giao hàng đúng hẹn. Long đã tìm được việc làm ổn định, Nụ sinh thêm một cô con gái và một cậu con trai út. Ba đứa cháu nội cho Vú thấy mình hạnh phúc và quên đi bao nỗi nhọc nhằn. Dũng rất có hiếu với ngoại, hết giờ học là Dũng về nhà giúp  cậu mợ những việc nặng nhọc. Vốn thông minh, chuyên cần học tập Dũng tốt nghiệp Trung học loại giỏi và có học bỗng để tiếp tục Đại học. Khi Dũng  18 tuổi thì Vú cũng đã đủ tuổi để nhận tiền già.

Căn nhà ngày xưa ở Việt Nam Vú đã dành dụm gửi tiền về sửa lại tươm tất. Vú kêu cô con gái về ở để hương khói cho ông bà. Những lúc trẻ trung hào phóng đã qua rồi, cha chồng Nụ bị người tình đá ra không thương tiếc. Ông về sống nương tựa với con gái với bệnh viêm gan khá nặng. Vú và Long lại gửi tiền về để chăm sóc ông, đem ông đi bệnh viện, mua thuốc điều trị.

Khi phát hiện ra bệnh viêm gan của ba chồng Nụ đã không thể chữa trị, Bác sĩ cho ông về nhà. Con gái phải đi làm, con rể cũng bận. Nghe lời Vú, con gái mướn người đến chăm sóc cho ba, nhưng vì đau đớn ông luôn gắt gỏng, la lối gây khó dễ với họ.

Thế là Vú quyết định trở về VN lo cho ông cuối đời. Nụ và Long không đồng ý nói Vú già rồi hãy lo cho mình trước đã. Vú nói với hai con là Vú về không phải còn yêu thương gì ông mà vì cái nghĩa vợ chồng. Cả đời Vú đã sống cho gia đình bên chồng, thì đây là lần cuối Vú quyết làm tròn bổn phận của mình. Ai sai ai đúng ơn trên soi xét, nghiệp quả tự nhận.

Vú về VN chăm sóc cho cha chồng Nụ độ chừng hai tháng là ông mất. Sau khi lo tang sự cho ông hoàn chỉnh, Vú quay về Mỹ với con, với cháu. Ngày thằng Dũng tốt nghiệp đại học Vú đang nằm bệnh viện không tham dự được. Dũng mặc nguyên bộ đồ ra trường vào bệnh viện với ngoại. Cháu nhờ người chụp hình mình với ngoại coi như ngoại đã tham dự ngày vinh quang nhất của đời mình. Ơn của ngoại Dũng không bao giờ quên. Ngoại là bà, là mẹ, là cha đã bảo bọc hy sinh cho Dũng cả cuộc đời. 


Bà Vú trong câu chuyện tôi viết trên đây là một nhân vật có thật. Bà là mẹ chồng của Nụ bạn của con gái tôi. Những ngày tôi mới đến Mỹ, Nụ nhận hàng rồi chia bớt cho con tôi. Long nhận phần lấy hàng và giao hàng cho hãng. Tôi vừa may gia công cho hãng vừa chăm sóc mẹ chồng đau yếu. Chị Vú là người tôi thường tiếp xúc. Chúng tôi coi như là bạn già để tâm sự. Chị Vú đã cho tôi một cái nhìn lạc quan của cuộc đời. Cái gì buông bỏ được thì nên buông. Đừng bám víu những gì ngoài tầm tay chỉ khiến mình thêm đau khổ. Cả đời chị không có được tình yêu với chồng. Đó là nghiệp duyên từ kiếp trước cho nên chị không oán hận, không mong cầu. Chị toàn tâm toàn ý làm tròn trách nhiệm với cha mẹ chồng và con cái.

Bây giờ chị Vú đã mất và gia đình Nụ đã chuyển qua tiểu bang khác khi con gái đã trưởng thành và lấy chồng.

Ai nói mẹ chồng không thương con dâu. Bà mẹ chồng tôi viết ở đây là minh chứng cho tình yêu thương tuyệt vời của một người mẹ. Hãy mở lòng ra và yêu thương chân thật, ta sẽ nhận lại được nhiều hơn ta nghĩ.

 

Nguyễn thị Thêm.

10/8/2024

No comments:

Post a Comment