Tôi đứng ngay tại Ngã Ba Hàm Rồng
nhìn dáo dác chung quanh. Buổi trưa nắng chang chang. Thỉnh thoảng một cơn gió
nổi lên cuốn theo những đám bụi đỏ mù trời. Tôi dụi mắt mấy lần cố tìm những gì
thân quen của một quá khứ yêu dấu xa xưa. Người tài xế của hãng du lịch chạy
đến bên tôi thắc mắc:
– Anh kiếm cái gì thế? Con đường
trước mặt đi về hướng Phú Nhơn đến tận Ban Mê Thuột,bên trái là ngõ về quận lỵ
Phú Thiện và tỉnh Phú Bổn, còn đằng sau là con đường mình mới từ Pleiku ra đây.
Anh muốn đi đâu thì cứ cho tôi biết, tôi sẽ đưa anh đến nơi đến chốn.
Không lưu tâm gì đến anh tài xế, tôi
vẫn đứng yên đó thầm nghĩ:
“Dù đã lâu lắm rồi nhưng làm sao
quên được. Mình đã để lại một đoạn đời hoa bướm, 1 mối tình đầu tha thiết nơi
rừng núi này. Quang cảnh chung quanh vẫn vậy, nhưng con đường trải nhựa có thêm
nhiều ổ gà, vắng người qua lại và hàng quán xơ xác tiêu điều hơn xưa”.
Rồi tôi trả lời bâng quơ:
– Tôi đang chụp hình.
– Tôi đâu thấy anh mang máy hình?
– Ồ, chụp hình trong đầu ấy mà.
Nguời tài xế há hốc mồm ra ngạc
nhiên, anh ta nói lẩm bẩm trong miệng nhưng đủ cho tôi nghe rõ:
– Mấy ông nội Việt Kiều thật là lẩm
cẩm.
Tôi leo lên xe và hối người tài xế chạy về phía quận Phú Nhơn. Chiếc xe mướn của hãng du lịch tương đối còn mới, lồng lộn lao về phía trước, lúc nghiêng qua trái, lúc lách qua phải để tránh những ổ gà và khúc đường bể chưa được sửa chữa. Mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ được sửa chữa nữa. Hàng trăm thứ chuyện quan trọng hơn người ta còn chẳng thèm để ý tới, xá gì một con đường nhỏ ở một thành phố xa xôi hẻo lánh này. Để mặc tài xế đánh vật với chiếc xe và con đường, tôi thả hồn chìm về dĩ vãng...
*******
Pleiku....
Ngày ấy đã xa lắm rồi. Tôi, một
Thiếu Úy trẻ măng vừa đổi về đơn vị mới thành lập. Tiểu Đoàn tân lập, từ sĩ
quan đến binh lính, hầu hết là những thành phần khó xài từ các đơn vị khác gởi
về. Dĩ nhiên tôi cũng ở trong thành phần bất hảo đó. Từ miền biển bị đưa lên
miền núi và chỉ huy một đám quân hỗn tạp gồm đủ mọi thành phần. Tôi còn đang
tập những bước đi chập chững của nghề chỉ huy thì bị quăng ra chiến trường.
Ngày ấy, cũng trên con lộ này, tôi dẫn 2 con Gà Cồ Đại Pháo 105 ly để yểm trợ
cuộc hành quân trực thăng vận tái chiếm quận lỵ Phú Nhơn mà Bắc Quân vừa mới
tràn ngập đêm hôm trước.
Ngã ba này bình thường chỉ có vài
quán cóc lèo tèo để bán đồ ăn thức uống cho khách của xe đò chạy đường
Pleiku-Phú Bổn hay Pleiku-Ban Mê Thuột. Hôm đó dân chạy loạn từ Phú Nhơn ra rất
đông, từ những làng Thượng, hoặc mấy khu dinh điền và những người làm ăn buôn
bán chung quanh quận lỵ. Đồng bào thấy lính đi tái chiếm quận, họ rất mừng rỡ,
người hỏi thăm, người cho quà bánh. Để đáp lại tấm thạnh tình, đám lính
tặng lại dân chúng thuốc lá và những đồ hộp Quân Tiếp Vụ. Họ ở quận nhỏ xa xôi
cũng nghèo khổ như lính vậy thôi.
Từ sáng sớm, lo đốc thúc tải đạn,
sửa soạn xe cộ, đại bác, hàng trăm thứ phải làm cho 1 cuộc trực thăng vận, cho
nên bao tử đã cồn cào. Phi cơ câu súng đại bác phải xin từ căn cứ Mỹ ở Quy Nhơn
lên, nên chờ cũng còn lâu. Tôi rủ anh chàng Chuẩn Úy Trung Đội Phó kiêm Đề
Lô vào quán bên đường kiếm cái gì lót bụng. Dân quận lỵ bu lại hỏi thăm tình
hình, đánh nhau có lâu không? chừng nào có thể về quận được? Toàn những câu hỏi
mà chỉ có Trời mới trả lời được. Có tiếng một cô gái hỏi thăm ông chủ quán người
Việt gốc Hoa:
– Mấy anh ấy đi giải tỏa quận Phú Nhơn phải không ông chủ.
– Tôi đoán vậy, cô thử hỏi mấy ổng
coi.
Tôi quay lại, người vừa hỏi là 1
thiếu nữ độ đôi mươi, nàng mặc chiếc áo dài trắng học trò, trông rất hiền thục,
đang hỏi thăm người chủ quán, tôi hỏi lại cô gái:
– Sao cô đoán tụi này đi giải tỏa
Phú Nhơn?
– Em mới từ Tuy Hòa lên Pleiku hôm
qua. Sáng nay đáp xe đò vô quận, không ngờ kẹt từ sáng đến giờ.
– Cô cũng ở quận Phú Nhơn sao?
– Em dạy ở trường tiểu học Phú Nhơn,
còn nhà em ở Tuy Hòa.
– Cô nên về Pleiku kiếm chỗ ngủ đỡ
qua đêm nay.
– Em không có ai quen ở Pleiku cả,
vả lại em nóng lòng không biết nhà cửa, trường ốc ra sao?
– Cô có lo lắng thì cũng chẳng làm
gì được, tốt hơn hết là kiếm chỗ nào nghỉ đỡ qua đêm nay, chờ giải tỏa xong mới
về được.
– Đám học trò của em chạy ra đây
cũng đông lắm, em không thể bỏ chúng được. À này các anh đừng pháo vào trường
học nghe.
Tôi vỗ vai Châu Đề Lô vừa cười vừa
nói:
– Cái đó cô phải nhờ ông Châu mới
được, ổng chỉ đâu là nơi đó thành bình địa.
Châu vội lên tiếng:
– Trường của cô giáo tụi này không
dám đụng tới đâu.
Tôi chế giễu Châu:
– Bạn hứa một mình chứ không có tôi
can dự trong đó đâu nghe. À nãy giờ mình nói chuyện mà quên giới thiệu. Tôi tên
Lập, anh bạn này tên Châu. Còn quý danh cô là...
– Em tên là Quỳnh Hoa, các anh hứa
là phải giữ lời đó à nghe!
Tôi chọc ghẹo Quỳnh Hoa:
– Nếu thế thì QuỳnhHoa phải đền cái
gì mới được chứ!
Tôi nhìn người con gái nước da trắng
hồng, mịn màng như trứng gà bóc, đôi môi đỏ như cánh bích đào, cặp mắt to đen
láy trông thật thông minh lanh lẹ, mái tóc thề phủ xõa ngang lưng, nụ cười tươi
như hoa với hàm răng đều đặn như những hạt bắp vừa đủ lớn. Nhìn Quỳnh Hoa đứng
giữa đám học trò nhà quê lem luốc bẩn thỉu, tôi có cảm tưởng nàng là bà tiên
giáng trần, đang cầm cây đũa thần gõ trênđầu đám chúng sinh đầy đau khổ. Nàng
rất bạo dạn tuy hơi lo lắng nhưng không có cái e lệ như những cô gái kinh thành.
Tôi tự nhủ:
– Bông hoa vương giả này sao lại mọc
ở chốn rừng không mông quạnh này nhỉ?
Quỳnh Hoa thấy tôi nhìn cô chăm chú,
có vẻ mắc cỡ đôi má càng hồng hào thêm, còn đang phân vân chưa biết trả lời ra
sao, Châu vội đề nghị:
– Thôi bữa nào giải tỏa xong, đãi tụi này một bữa cơm dân dã được
không Quỳnh Hoa?
– Em nấu ăn dở lắm, nhưng em sẽ đãi
các anh một chầu bún bò Huế, được không?
Tôi làm bộ nuốt nước miếng:
– Ôi chao, chưa thấy mùi mà đã thèm
nhỏ dãi rồi.
Có tiếng trực thăng từ xa vọng lại,
chúng tôi từ giã Quỳnh Hoa rồi vội vã đốc thúc anh em binh lính để cuộc di
chuyển được mau chóng. Bình, anh chàng tài xế xe jeep của tôi chạy lại hỏi:
– Mình cần về hậu cứ lấy thêm gì nữa
không ôngThầy?
– Chắc đủ rồi, vả lại cũng không còn
kịp nữa.
Tôi móc túi đưa cho Bình một ít tiền
lẻ và nói:
– Em vào trong quán mua vài gói mì
và một hộp trà, tối nay mình ăn mừng chiến thắng.
Bình cầm tiền, nheo mắt chọc tôi:
– Cái cô hồi nãy coi bộ chịu đèn ông
Thầy lắm rồi đó nghe.
Tôi thấy thích thú trong lòng nhưng
cũng làm bộ chống chế:
– Con gái đời nay đẩy đưa lắm, đừng
tưởng bở.
Trời bắt đầu đổ mưa khi trực thăng
vừa bốc 2 khẩu đại bác. Tôi nhìn bầu trời đen nghịt mà lo lắng cho những giờ
phút nguy hiểm gian lao sắp tới bởi vì tôi vừa phải chiến đấu với địch quân vừa
phải yểm trợ cho quân bạn ngay từ phút đầu trong thời tiết mưa gió bão bùng
này. Những cơn mưa trên miền núi thường dai dẳng và mang theo gió lạnh thấm đến
tận xương tủy của những người lính Pháo Thủ, vừa thiếu ăn vừa phải làm việc cực
nhọc. Tôi thầm hỏi liệu đêm nay trực thăng có kịp đổ quân để bảo vệ 2 con gà cồ
của mình không?
2 khẩu đại bác cùng với 4 túi đạn
105 ly và chiếc xe Jeep được thả xuống một ngọn đồi trọc. Dưới cơn mưa tầm tã,
đất đỏ lầy lội, đám pháo thủ thoăn thoắt làm việc: hì hục đẩy 2 khẩu pháo lại
gần nhau, khuân vác đạn dược, dựng cây truyền tin, nhắm hướng súng. Chỉ trong
vòng nửa tiếng đồng hồ, những trái đạn đầu tiên đã được phóng đi liên tục để
dọn bãi đáp cho 2 tiểu đoàn Bộ Binh đổ bộ xuống mục tiêu.
Trận tái chiếm quận Phú Nhơn hôm đó
đã thành công hoàn toàn nhưng Châu Đề Lô đã bị thương nặng, một mảnh đạn B40
của địch quân đã chọc một lỗ lủng lớn ở bụng của hắn. Toán Pháo Binh được di
chuyển về phía sau quận hành chánh để sẵn sàng yểm trợ cho lực lượng bảo vệ
quận.
Một buổi sáng, sau khi sửa sang
tuyến phòng thủ tạm ổn định, tôi ghé thăm Quỳnh Hoa. Ngôi trường chỉ bị thiệt
hại nhẹ. Anh em quân nhân trong quận đang giúp một tay sửa sang những chỗ bị
trúng đạn. Tôi đến bên lớp học của Quỳnh Hoa, nàng đang say sưa tập hát cho các
em nhỏ. Có tiếng một em bé báo động:
– Thưa cô có Ông Lính tới kiếm.
Nàng quay lại, gật đầu chào. Tôi ướm
thử xem nàng còn nhận ra tôi không:
– Ông Lính kính chào Cô Giáo, Cô
Giáo còn nhớ Ông Lính này không?
Nàng không thể nhịn cười được lối
diễu cợt của tôi, nhưng cũng chẳng chịu thua:
– Ông Lính đi đâu mà lạc vô đây?
– Ông Lính đi lạc vào Thiên Thai đó
ạ, không biết Tiên Nữ có cho Ông Lính thăm rừng Đào Tiên không?
Nàng cũng lém lỉnh không vừa trả lời
tôi bốp chát:
– Ông Lính tỉnh lại đi, đây là chốn
phàm tục, làm gì có nàng Tiên nào đâu.
– Chứ Quỳnh Hoa không phải là Tiên
sao?
Nàng nghe tôi khen không khỏi e
thẹn:
– Anh Lập làm Quỳnh Hoa mắc cỡ quá
hà! Người ta xấu như ma mà so sánh với Tiên, anh có mơ ngủ không đấy? Anh Châu
có khỏe không anh Lập?
– Châu bị thương nặng đang nằm ở
quân y viện Pleiku.
– Trời ơi, có nguy hiểm lắm không
anh?
Thấy mặt Quỳnh Hoa biến sắc, tôi
thấy hơi ghen tỵ với bạn mình, nhưng vội trấn an:
– Chắc không đến nỗi nào, nhưng phải
nằm nhà thương một thời gian.
– Hôm nào anh có đi thăm anh Châu
cho em đi theo với nghe.
Tôi tự nhủ thầm sao nàng dễ xúc động
như vậy nên hứa đại cho xong chuyện:
– Cuối tuần tôi phải về hậu cứ nhân
tiện ghé đón Quỳnh Hoa đi thăm Ông Châu luôn thể, được không?
– Gia đình ảnh đã biết tin chưa vậy
anh Lập?
– Gia đình ảnh ở Pleiku đã được
thông báo rồi.
Tôi hỏi thăm qua loa về tình trạng
trường ốc và nơi ở của nàng rồi vội vã cáo lui, hẹn gặp lại sáng thứ bảy. Quỳnh
Hoa hiện ở trọ tại nhà bà Hiệu Trưởng, một người bạn cũ của gia đình nàng.
Chồng bà cũng là một cựu quân nhân giải ngũ, có tiệm tạp hóa ngoài chợ.
Sáng thứ bảy, tôi cho tập họp Trung
Đội, giao doanh trại cho Ông Thượng Sĩ Thường Vụ rồi hối đám quân xa chuẩn bị
xe cộ về hậu cứ lãnh lương thực và đạn được. Tôi gọi Bình vào văn phòng rồi
dặn:
– Bình à, coi lại xe cộ, xăng dầu
đầy đủ, bữa nay mình về hậu cứ đồng thời ghé thăm ông Châu luôn thể. À hôm nay
có một người bạn xin quá giang nữa nghe.
– Ai vậy ông Thầy?
– Cô giáo bữa mình gặp ngoài ngã ba
Hàm Rồng đó nhớ không em?
– Ồ, vậy em phải rửa xe cho thật
sạch mới được.
– Lính tác chiến màchú mày làm như
lính kiểng ở thành phố không bằng, không sợ tụi hậu cứ nó cười sao?
– Sức mấy mà tụi nó dám cười thầy
trò mình.
Tôi ghé lại nhà Quỳnh Hoa, nàng đã
chờ sẵn, vẫn chiếc áo dài trắng hôm nào. Nét mặt vui vẻ, nụ cười tươi như hoa
trông mới duyên dáng làm sao! Nàng bước ra cửa đón tôi:
– Chào anh, mời anh vào trong nhà
uống miếng nước đã.
– Chào cô Quỳnh Hoa, cám ơn cô để
khi khác, thôi chúng ta lên đường kẻo trễ.
Đến hậu cứ, tôi nhận tiếp liệu rồi
hẹn tất cả tập trung lúc 2 giờ chiều để trở ra Phú Nhơn. Tôi chở Quỳnh Hoa vào
bệnh viện. Châu vẫn còn thiếp trong giấc ngủ mê, khuôn mặt trắng bệch, hơi thở
yếu ớt. Bà mẹ của Châu nhìn thấy chúng tôi thì không cầm nổi nước mắt. Bà bắt
đầu thút thít khóc. Tôi tự hỏi trong những ngày qua người mẹ đau khổ này đã đổ
bao nhiêu nước mắt cho đứa con yêu dấu của mình. Chiến tranh thật tàn nhẫn! Nó
như một con quỷ luôn luôn cười cợt trên sự đau khổ của con người. Nó lấy xác
chết làm chiến lợi phẩm. Quỳnh Hoa nhìn thấy Châu, bỗng hai hàng lệ tuôn trào.
Tôi đưa chiếc khăn tay, nàng cầm lấy, che lên mắt và đi vội ra ngoài. Tôi không
ngờ nàng quá nhạy cảm và thương tâm như vậy đối với một người bạn mới quen. Tôi
an ủi bà mẹ của Châu mấy câu rồi vội vã đi tìm Quỳnh Hoa. Nhìn nàng đứng dựa
chiếc cột ngoài hành lang bệnh viện, đôi vai rung lên từng hồi, có lẽ nàng đã
quá xúc động. Tôi chẳng biết làm sao để an ủi nàng. Miệng lưỡi cứng đơ, chân
tay thừa thãi, tôi lặng lẽ đến bên nàng, mắt tôi cũng bắt đầu nhòa lệ, tôi ôm
lấy đôi vai bé bỏng của nàng. Quỳnh Hoa quay mặt lại và úp mặt vào vai tôi khóc
nức nở như một đứa con nít. Có lẽ những đau khổ thầm kín lâu nay được dịp tuôn
ra theo dòng nước mắt. Tôi để mặc nàng khóc cho vơi mối thương tâm. Một vài
người đi ngang dòm chúng tôi với đôi mắt dò hỏi rồi bỏ đi. Chuyện khóc lóc có
lẽ quá bình thường ở nhà thương. Nàng khóc một lúc rồi im lặng, chỉ còn những
tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi an ủi nàng:
– Em đừng khóc nữa, anh Châu chắc
không đến nỗi nào đâu, mẹ ảnh nói Bác Sĩ cho hay ảnh đã qua cơn hiểm nghèo rồi
chỉ chờ bình phục thôi.
Nàng thì thầm bên tai tôi:
– Em nhớ ba em hồi đó, cũng nằm ở
bệnh viện này trong cơn hấp hối, nên em không cầm nổi nước mắt, xin anh tha lỗi
cho em.
– Anh xin lỗi em, không ngờ cuộc
thăm viếng này đã gợi cho em những đau đớn như vậy.
– Anh đừng nói vậy, anh không có lỗi
gì cả, chỉ vì em tủi thân đó thôi.
Khi đã tỉnh trí, nhìn thấy một bên
vai áo tôi ướt đẫm nước mắt, có lẽ thấy hơi ngượng ngùng nên Quỳnh Hoa đẩy nhẹ
tôi ra và lí nhí mấy lời xin lỗi. Tôi vội dìu nàng ra xe và rủ ra ngoài phố
kiếm gì ăn.Tôi dẫn Quỳnh Hoa vào quán như một đôi tình nhân gắn bó bên nhau.
Những cặp mắt nhìn soi mói của đám thực khách mà quá nửa là lính tráng khiến
nàng hơi bối rối. Tôi nhìn nàng với đôi mắt nồng nàn, thầm cám ơn Thượng Đế đã
cho tôi có dịp làm quen với người con gái dễ thương và thùy mị như vậy. Sự hiện
diện của nàng trong đời sống cô đơn và đầy hiểm nguy ở nơi tiền đồn bất trắc
khiến tôi thấy những gánh nặng trên vai bỗng nhẹ hẳn đi.QuỳnhHoa là một dòng
suối ngọt, một bóng mát, một hy vọng, một nơi yên tĩnh, êm đềm cho linh hồn và
thể xác mệt mỏi của tôi trong cuộc chiến tàn nhẫn đầy máu và nước mắt này.Tôi
luôn cảm thấy rằng sau nét mặt vô tư ngây thơ, Quỳnh Hoa có một sức thu hút kỳ
lạ, giống như một vùng đất mới chứa đầy những bí mật quyến rũ đối với những nhà
thám hiểm. Đúng vậy, nàng chính là sự thiêng liêng kỳ bí, một vườn địa đàng cho
riêng tôi. Tôi vẫn chưa hiểu tại sao nàng quá đau lòng khi thăm Châu trong bệnh
viện nên muốn tìm hiểu thêm:
– Quỳnh Hoa ở Phú Nhơn lâu chưa?
– Độ gần 1 năm thôi, em ra trường sư
phạm cấp tốc rồi xin đổi về đấy ngay.
– Sao em không xin dạy ở gần nhà có
phải tiện hơn không?
– Ngày xưa, ba em làm QuậnTrưởng Phú
Nhơn. Người đã bỏ cả cuộc đời để xây dựng và cải tiến cái quận đèo heo hút gió
này. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, dân chúng từ miền ven biển và từ ngoài Bắc di cư
lên đây lập nghiệp rất đông, đã được chính quyền tận tình giúp đỡ. Nhưng rồi
trong một cuộc đi thăm đồn điền của một xã phía tây quận lỵ, ba em đã lọt vào ổ
phục kích và bị sát hại. Em lớn lên, muốn tiếp nối cái hoài bão của ba em là
nâng cao dân trí để họ có thể hiểu được ý nghĩa của sự tự do, dân chủ, công
bình và lẽ phải.
Tôi thầm nghĩ những mỹ từ tự do, dân
chủ thật quá mơ hồ đối với những người lính tác chiến, với đám dân quê nghèo
thất học ở đây. Gia đình, vợ con, miếng cơm, manh áo, mạng sống, có lẽ gần gũi
hơn. Tôi thấy vừa kính nể vừa thương hại người con gái mới lớn mang trong lòng
một hoài bão quá lý tưởng, quá to lớn. Nàng đúng là một Tiên Nữ mà Thượng Đế đã
gởi xuống cõi trần đầy khổ đau này.
Sau nhiều lần đi thăm Châu, chúng tôi
thấy gần gũi nhau hơn. Tôi tìm thấy ở nàng một niềm vui, một ước mơ, một mái ấm
gia đình cho tương lai. Vùng đất hoang vu này trở nên tươi mát đáng yêu bởi vì
chỗ nào cũng thấy đóa hoa quỳnh nở rộn ràng.
Chúng tôi đã yêu nhau, có núi rừng
và con sông nhỏ chảy qua quận lỵ làm chứng. Con sông thật hiền hòa và dễ thương
như người tôi yêu.Bên bờ sông những hàng cây phượng vĩ nở đỏ rực mỗi mùa hè.
Mùa mưa nước phù sa đỏ ửng từ trên ngàn chảy cuồn cuộn xuống ngập gần hết cây
cầu sắt nhỏ bắc qua sông. Cây cầu nhỏ sơ sài có vài nhịp, bề ngang chỉ đủ cho 1
chiếc xe đò qua lại. Mùa nắng, nước cạn trơ những bãi cát trắng tinh. Người ta
đào cát thành những vũng nước trong, gánh về để uống. Giữa lòng sông nước trong
vắt chảy lững lờ, nhìn thấy cát và sỏi tận dưới đáy. Mấy chàng Pháo Thủ thường
ra tắm sông để được chiêm ngưỡng những nàng thôn nữ cao nguyên ngực no tròn và
tự nhiên một cách vô tư. Tôi yêu núi rừng cao nguyên, mỗi buổi sáng thức dậy
đứng trên đồi nhìn chung quanh chỉ thấy một màu xanh rì, mênh mông như biển cả.
Tôi yêu con sông bé nhỏ, tôi yêu cây cầu sắt cũ kỹ đưa người qua sông, tôi yêu
hàng phượng vĩ học trò, tôi yêu sân trường tiểu học Phú Nhơn, tôi yêu con đường
nhựa bé bỏng chạy qua quận lỵ và băng qua núi rừng cao nguyên. Tôi yêu và yêu
rất nhiều, bởi vì ở đâu cũng thấy hình bóng của nàng. Tôi yêu vô cùng những
buổi chiều hai đứa dẫn nhau ra bờ sông, lang thang dưới những hàng cây xanh um,
hoặc ngồi trên thành cầu nhìn dòng nước hững hờ trôi. Nàng ngồi bên tôi, đong
đưa hai bàn chân trắng muốt, cười nói vô tư như một Thiên Thần. Trời đất, vũ
trụ, thời gian như ngừng hẳn, ôi đẹp đẽ và thanh bình đất nước tôi! Ở đó, bấy
giờ, không nghe tiếng súng nổ, không nghe tiếng gầm gừ của máy bay phản lực,
không gian hoàn toàn yên tĩnh.
Chúng tôi đã dệt những giấc mộng
tương lai đơn sơ và êm đềm. Tôi thì thầm bên tai nàng:
– Quỳnh Hoa ơi, mai này chiến tranh
chấm dứt, anh sẽ cất một căn nhà bên bờ sông này, em sẽ tiếp tục dạy học, còn
anh sẽ biến vùng đất màu mỡ này thành một đồn điền trù phú, em có chịu không?
– Anh trồng cho em một vườn trái cây
mít, ổi, xoài, đu đủ, mảng cầu nghe anh.
– Ừ, anh sẽ trồng bất cứ cây gì em
muốn.
– Anh hứa thương em và chiều chuộng
em như ngày xưa ba yêu thương và chiều chuộng em nghe.
– Anh hứa.
– Anh đừng bỏ em, như ba đã bỏ em
một mình, em sợ lắm.
– Không, anh sẽ không bỏ em một
mình.
– Nghe anh nói thơ mộng và sung
sướng quá, cám ơn Trời Phật đã cho em gặp anh.
Có lẽ ba đã run rủi cho em gặp anh đó. Lập ơi, em thương anh lắm, anh biết
không?
– Sao em thương anh nhiều dữ vậy?
– Không biết nữa, có lẽ em thấy anh
giống ba em. Anh chiều chuộng em, anh là người lớn, bao dung, đại lượng, biết
nhiều, hiểu nhiều. Anh biết không, hôm em gặp anh đi hành quân, em thấy anh oai
hùng quá, giống như ba em ngày xưa. Mấy ông lính thương anh lắm phải không?
– Không, mấy ông ấy ghét anh lắm.
– Cái mặt xạo, ai mà ghét anh. Anh
nhiều đào lắm phải không? Nói cho em nghe đi.
– Có mình em thương anh thôi, thiệt
đó.
Tôi ngồi bên nàng, uống từng giọt
tình yêu ngọt ngào, nghe trái tìm mình đập từng điệu nhạc run rẩy trên lối vào
Thiên Đường chỉ có hai đứa chúng tôi. Nàng đã dạy cho tôi biết mơ mộng, thấy
đời đáng yêu hơn, những thứ đó tôi đã đánh mất từ khi mới lớn, từ khi bước chân
vào quân ngũ, tôi vẫn nghĩ tuổi trẻ của tôi đang đi vào ngõ cụt với những giấc
mơ hãi hùng. Đời tôi thật trống rỗng nếu không có nàng. Tôi thấy yêu thương
nàng quá đỗi. Quỳnh Hoa vẫn còn vẽ những giấc mơ của nàng nhưng tôi không còn
nghe gì cả, chỉ thấy cánh môi hồng mấp máy, hơi thở thơm tho mùi mía lùi phà
trên mặt tôi. Bất chợt, tôi ôm và hôn nàng say đắm, người nóng bừng như có dòng
điện chạy ào ạt từ tim lên đầu. Nàng đẩy nhẹ tôi ra:
– Coi kìa, người ta cười mình đó.
– Ai mà dám cười mình.
Nàng đánh trống lảng, bâng quơ hỏi
tôi:
– Anh ơi, cây cầu này có tên không
anh?
– Anh cũng chẳng biết nữa, hay là
mình đặt cho nó một cái tên làm kỷ niệm nghe.
– Em cho anh đặt đó.
– Ừ, hay là mình gọi là Cây Cầu Biên
Giới nghe em.
– Cái tên nghe cũng hay đấy, nhưng
mà nghe có vẻ chia ly quá. Giống như trong bài “Chiều Mưa Biên Giới anh đi về
đâu” của Nguyễn Văn Đông vậy.
Tôi phì cười:
– Mới thương nhau mà em đã nghĩ đến
chuyện chia ly rồi.
– Nhưng mà em sợ lắm, thời buổi
chiến tranh... Lỡ mai này, anh bỏ em ở đây một mình, em buồn lắm đó.
Tôi cố gắng đặt niềm tin vào trái
tim đang hoang mang của nàng:
– Không, anh sẽ không bỏ em một
mình, anh sẽ xin với mẹ để cưới em, chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau.
Nàng reo lên sung sướng như một đứa
con nít, mắt sáng ngời những tia hy vọng, rồi ôm lấy tôi. Ôi mùi thơm ngọt
ngào, tôi làm bộ đẩy nhẹ nàng ra:
– Coi chừng người ta thấy, họ cười
mình đó.
Vẻ mặt hân hoan, nàng không còn e dè
gì nữa, trả lời tôi một cách táo bạo:
– Ai cười hở mười cái răng!
Thật không ngờ, nơi rừng rú hoang vu
nguy hiểm này ai nghe đến cũng rợn tóc gáy. Bạn bè, người thân, lâu không gặp
nhau, hỏi tôi bây giờ ở đâu, tôi trả lời ở quận Phú Nhơn tỉnh Cheo Reo, ai cũng
lè lưỡi chọc tôi bộ hết đất rồi sao lên miền Thượng ở vậy, tôi chỉ cười khì.
Bây giờ tôi đã có lý do để trả lời họ... Bởi vì tôi mê hoa quỳnh, thế thôi.
– Anh làm gì ngồi thừ ra thế, hãy
nói tiếp về tương lai của chúng ta cho em nghe đi.
– Anh đang sung sướng quá nên làm 1
bài thơ kỷ niệm.
– Ồ, anh biết làm thơ nữa sao? Hãy
đọc em nghe đi, em sẽ thưởng cho anh.
– Ừ, anh đọc thơ con cóc, em đừng
cười nghe. Em biết thơ con cóc không? Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra.
Nàng đọc tiếp:
– Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy
đi...với anh!!! Em thích thơ con cóc lắm. Em sẽ làm con cóc như trong chuyện cổ
tích gì đó, anh học trò có người vợ cóc xấu xí, đêm đêm hiện nguyên hình là một
nàng Tiên săn sóc cho chồng. Ban ngày là một con cóc lẽo đẽo theo chồng.
– Nếu em là một nàng Tiên cóc, anh
sẽ bỏ em vào ba lô mang theo khi đi hành quân để lúc nào em cũng ở bên anh.
– Anh phải đọc thơ cóc cho em nghe.
Ơ, nếu vậy mấy ông lính sẽ gọi anh là người điên đó.
– Điên vì em, thì anh cũng
chịu.
Nàng bá cổ tôi nũng nịu:
– Thôi đừng đánh trống lảng, đọc thơ
con cóc cho em nghe đi anh.
– Ừ, anh đọc nghe, cấm cười đó, đứa
nào cười anh khóa miệng lại cho mà coi.
Thế là tôi phải đọc bài thơ con cóc
của tôi cho nàng nghe:
Chiều về thấp thóang bên sông,
Thấy Quỳnh thơm ngát thấy lòng xôn
xao.
Nàng cười rũ rượi, hai tay đánh liên
hồi vào vai tôi.
Một ngày như mọi ngày trôi qua,
trong thung lũng tình yêu, bên cây câu biên giới, nỗi chết đã chịu tạm rút lui,
để nhường chỗ cho tình yêu hoa bướm ngọt ngào. Tôi lấy con dao găm đeo bên mình
khắc câu thơ trên thành cầu sắt để đánh dấu một chặng đường yêu đương...
******
Tôi đánh rơi giấc mơ trên con đường
nóng bỏng khi nghe ông tài xế léo nhéo bên tai:
– Anh muốn vào chợ hay đến nhà ai ở
quận PhúNhơn?
Tiếng người tài xế kéo tôi về thực
tại. Giấc mơ thật ngắn ngủi, như cuộc tình của chúng tôi.
– Anh cho tôi lại trường tiểu học.
Quang cảnh vẫn không thay đổi mấy,
ngôi trường tiểu học vẫn như xưa. Thời gian như ngừng trôi ở quận lỵ nhỏ bé
này. Phố chợ đìu hiu vẫn còn kia, hàng rào kẽm gai chung quanh doanh trại nơi
tôi đóng quân vẫn còn đó, nhưng chẳng ai biết đến một người con gái đẹp như hoa
quỳnh đã từng in dấu chân nơi chốn này. Hình ảnh ngày xưa vẫn còn đủ chỉ thiếu
một người. Tôi hối người tài xế chạy ra phía cây cầu. Chiếc cầu sắt nhỏ bé đầy
dấu kỷ niệm, tôi như trong giấc mơ, chàng Tú Uyên ngày xưa khi tỉnh giấc không
thấy người đẹp trong tranh đâu nữa, chắc cũng ngỡ ngàng như tôi hôm nay thôi.
Tôi bước lên cầu, ngồi đúng vào chỗ ngày xưa chúng tôi đã từng có một thời mơ
mộng. Tôi ngồi bệt xuống, hai chân đong đưa, mắt nhìn xa xăm trên những ngọn
phượng vĩ bên sông, cố tìm chút nắng vàng ngày xưa của một buổi chiều tà. Tìm
mãi cũng chẳng thấy đâu, không thấy một dấu tích gì của nàng. Nơi thành cầu này
tôi đã hôn những nụ hôn đầu tiên trong đời, vẽ những giấc mơ đầu tiên trong đời
và những bài thơ con cóc đầu tiên trong đời tôi. Đúng là cây cầu chia ly như
nàng đã nói. Bây giờ nàng ở đâu, hay đã bỏ xác trên tỉnh lộ Số 7 trên đường di
tản về Tuy Hòa. Ồ phải rồi, tôi phải tìm lại bài thơ con cóc, có lẽ đó là kỷ
niệm duy nhất còn lại của tôi với nàng. Tôi dò từng tấc sắt trên thành cầu, bài
thơ còn đó nhưng đã dài thêm hai câu:
Chiều về chiều vẫn một mình,
Trách người năm cũ bỏ tình bơ vơ.
******
Tôi bay về Hoa Kỳ lòng buồn miên
man, bao nhiêu háo hức của ngày trở lại Việt Nam đã tiêu tan đâu mất chỉ còn
lại sự mệt mỏi và chán chường. Tôi đã đi mọi nơi, để tìm tung tích của Quỳnh
Hoa nhưng cũng không có tin tức gì. Ngày ấy nếu tôi không bị kẹt ngoài Huế,
chắc chúng tôi đã chết bên nhau hay cùng nhau lênh đênh trên con tàu vượt biển.
Thời gian thấm thoát trôi đi, tóc tôi đã bắt đầu điểm bạc. Mỗi lần đi đâu, thấy
bóng dáng mái tóc thề và chiếc áo dài trắng lòng tôi lại xôn xao như ngày nào
bên chiếc Cầu Biên Giới.
Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn
No comments:
Post a Comment