Pages

Đoạn Cuối Buồn Một Chuyện Tình - Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn


Vừa bước ra khỏi tòa án gia đình ở Fairfield, dù đã cố gắng lấy lại bình tĩnh nhưng Loan cũng không dằn dược nỗi uất ức khi nghĩ đến Minh, người đã đầu ấp tay gối, đã cùng chia ngọt sẻ bùi với mình hơn mười năm nay mà trong thời gian gần đây đã trở mặt, và nhất là vừa mới đây, trong phiên tòa cuối cùng xử việc ly dị giữa Loan và Minh, bộ mặt xấu xa, đểu cáng của Minh đã bộc lộ một cách rõ ràng. Rồi Loan lại nghĩ đến hai đứa con, Hạ Đoan và Huy Vũ, một gái và một trai. Hạ Đoan tám tuổi và Huy Vũ thì mới gần sáu tuổi. Loan tự nhủ: "Mình phải can đảm, phải cố gắng sống và đem lại chút hạnh phúc cho hai con mình. Chúng đang hồn nhiên vui vẻ, chúng không có tội tình gì cả. Tại sao người chồng tệ bạc đó có thể làm cho Loan yếu lòng được. Không, không, Loan không thể vì sự bội bạc, sự phản bội của Minh mà bỏ hai con của Loan được". Sau khi về nhà ba mẹ Loan ở gần đó, Loan đã tỉnh táo và nghĩ ngợi rất nhiều. 

*******

Mười hai năm trước... 
Loan và ba mẹ được một người anh bảo lãnh sang Úc. Khi đó Loan vừa tốt nghiệp trung học ở VN. Sau một thời gian ngắn chờ đợi, Loan được theo học một số giờ Anh văn dành cho di dân mới đến Úc. Sau khi hoàn tất xong các khóa học Anh văn, Loan ghi danh học lại lớp mười hai ở một trường College gần nhà và sau đó thì được nhận vào đại học Sydney ngành Accounting. Tại đây Loan đã gặp Minh, một sinh viên đang học ngành kỹ sư computer năm thứ hai. Loan và Minh yêu nhau. Minh không có thời giờ nhiều vì ngoài việc học, Minh còn nhận dạy kèm cho hai em học sinh trung học. Tuy vậy cả hai vẫn có với nhau những buổi chiều hò hẹn cuối tuần, tuy ngắn ngủi nhưng cũng thật thơ mộng và lãng mạn. Vào những dịp nghỉ hè, Minh thường hay đến nhà Loan chơi. Minh nói chuyện với ba mẹ Loan về những chuyện học hành của Minh, của Loan. Thỉnh thoảng Minh xin phép ba mẹ Loan cho Minh đưa Loan đi chơi vài giờ. Minh thường đưa Loan đi ăn ở một nhà hàng VN, rồi sau đó lại cùng Loan vào sân trường đại học Sydney tâm sự ít phút và Minh lại đưa Loan trở về nhà. Cũng có khi Minh đưa Loan đi xem một phim hay, hay xem một vài phong cảnh đẹp của Sydney như nhà hát con sò, vườn bách thú... 

Có những lúc Minh và Loan đi bên nhau, ngồi bên nhau hàng giờ mà cả hai chỉ nhìn nhau, chẳng ai nói với ai câu nào. Thời gian êm đềm lặng lẽ trôi. Tình cảm giữa Minh và Loan càng ngày càng nảy nở một cách tự nhiên. Một buổi chiều cuối năm, Minh đến trường đón Loan. Tuy đã vào xuân nhưng thời tiết vẫn còn se lạnh. Cây cối xanh tươi và hoa nở màu sắc rực rỡ cả vườn trường. Từng bầy chim nhiều màu sắc hót líu lo trên cành. Trước khi về Minh và Loan lại ngồi trên chiếc ghế đá cạnh vườn trường bên những bụi hồng đủ màu sắc của vườn trường đại học Sydney. Hôm đó, Loan mặc quần tây đen, áo sơ mi màu ngọc. Chiếc áo len mỏng màu đỏ đậm làm nổi bật làn da trắng của khuôn mặt, của đôi bàn tay và nó cũng làm tăng thêm vẻ đẹp thùy mị, đoan trang của Loan. 

Cả hai ngồi xuống ghế đá. Sân trường lúc đó đã vắng người. Lác đác đâu đây còn một số sinh viên về trễ vì bận ôn bài nơi thư viện. Lần đầu tiên, Minh ngồi sát vào cạnh Loan. Cả hai nhìn nhau đắm đuối và cùng linh cảm như sẽ có một chuyện quan trọng sắp đến với hai người. Ánh nắng chiều nhạt dần. Vài con chim chuyền trên cành cây cao trước mặt và hót líu lo như tò mò, hồi hộp chờ đợi một chuyện gì quan trọng sắp xảy rạ Minh mạnh dạn vòng tay qua ôm nhẹ Loan. Loan không phản ứng. Bốn mắt nhìn nhau trìu mến và Minh mạnh dạn đặt một nụ hôn lên mái tóc của Loan, lên đôi môi mọng đỏ của Loan và thì thào: 

- Loan, anh yêu em! 

Minh hơi ghì sát người vào Loan và hôn Loan lần nữa: 

- Anh sẽ thưa với anh chị của anh sang thưa với ba mẹ em. Nếu em yêu anh và bằng lòng, anh sẽ xin cưới em vào cuối năm tới. 

Loan gục đầu vào vai Minh thổn thức nhẹ trong niềm sung sướng. Minh vuốt nhẹ mái tóc Loan: 

- Còn một năm nữa anh sẽ tốt nghiệp. Anh sẽ cố gắng học giỏi để được một học bổng master. Cũng có thể anh vừa học master vừa đi làm. Em cũng vậy, hai năm nữa em sẽ tốt nghiệp. Khi em tốt nghiệp, trước khi đi làm, chúng ta sẽ sang Mỹ để thăm ba mẹ anh và những người thân cũng như bạn bè. Sau đó chúng ta sẽ trở về Úc và kiếm việc làm. 

Loan ngước nhìn Minh như cảm nhận và thầm cảm ơn những điều Minh vừa nói. 

Minh và Loan im lặng nhìn nhau. Họ đang nghĩ về một tương lai tươi sáng sau khi tốt nghiệp đại học. Cả hai ngồi cạnh nhau nhìn buổi chiều trôi đi trước mặt và lắng nghe niềm hạnh phúc của nhau. Hoàng hôn chuyển màu, trời dần tối. Minh đưa Loan về nhà rồi từ biệt Loan. 

Rồi Minh và Loan thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trong sân trường đại học. Cả hai đều cố gắng dành nhiều thì giờ cho việc học của mình. Có những buổi chiều cuối tuần rảnh, Minh đến nhà Loan chơi. Có lần Minh ở lại dùng cơm với gia đình Loan và thưởng thức món bánh bột lọc mà Loan làm. Một lần Minh xin phép ba mẹ Loan để đưa Loan đi shop, đi ăn. Cả hai đều cố gắng nâng niu và trân trọng tình yêu của mình. 

Có lần Loan nói nhỏ với Minh: 

- Nếu chúng mình có con gái, anh để cho em đặt tên nhé! 

Minh cười vuốt nhẹ má Loan: 

- Con trai hay con gái anh cũng ưu tiên để em chọn tên. Anh biết em đã có sẵn những tên thật hay cho những đứa con của mình rồi phải không? 

Loan cười gật đầu: 

- Nếu là con gái, em sẽ đặt tên là Hạ Đoan, nếu là con trai em sẽ đặt tên là Huy Vũ. Nhưng em thích chúng mình có con gái trước. 

Minh cười nhẹ nhìn Loan: 

- Tên hay quá. Có con gái trước hay con trai trước là do em đó. 

Loan nhíu mày và véo nhẹ Minh một cái.

Thời gian lặng lẽ trôi, tình yêu của Minh và Loan càng ngày càng thắm thiết, càng được nâng niu trân trọng. Hai tháng sau đó, anh chị của Minh sang thưa chuyện cùng ba mẹ Loan và rồi sau đó ba của Minh cũng đã sang Úc để cùng gia đình Loan bàn chuyện tổ chức đám cưới. Ba mẹ và anh chị của Minh, dù định cư ở Mỹ và Canada nhưng cũng đã sang Úc vào cuối năm sau để dự đám cưới của Minh và Loan. 

Một tháng sau, Minh tốt nghiệp kỹ sư computer với hạng danh dự và nhận được một học bổng của hãng IBM để học master. Mùa hè năm đó, Minh đưa Loan sang Mỹ thăm ba mẹ và những thân nhân, bạn bè của Minh. Nắng ấm miền Cali như quyện lấy hai người. Minh và Loan được đi thăm nhiêu thắng cảnh đẹp của tiểu bang Cali. Trở về Úc, cả hai lại tiếp tục bận rộn với việc học. Đây là năm cuối của Loan và Minh thì lại bắt đầu năm thứ nhất bậc cao học. 

Cuối năm Loan tốt nghiệp, sau vài tháng Loan tìm được một công việc thích hợp ở Sydney. Minh tuy đang bận rộn với chương trình cao học nhưng cũng đã nhận được một công việc parttime làm thảo chương cho một hãng tư. Khi sắp có đứa con đầu lòng, Loan bàn với Minh: 

- Anh ạ, vài tháng nữa con chúng ta sẽ chào đời. Em nghĩ chúng ta có thể mua một căn nhà. Em đã đi làm được hơn nửa năm và anh cũng đang làm part time. Chúng ta có thể vay ngân hàng. Em muốn cô con gái đầu lòng của chúng ta - Hạ Đoan - được chào đời trong căn nhà mới. 

Minh phì cười: 

- Con chúng ta phải chào đời trong một bệnh viện hay một dưỡng đường nào đó chứ đâu có thể nào chào đời tại nhà được. 

Loan nhéo Minh một cái: 

- Anh chọc em nè. Sau khi ở bệnh viện vài ngày thì em và con cũng về nhà chứ bộ! 

Những tuần lễ sau đó, Minh và Loan rất bận rộn với việc đi xem nhà. Anh chị của Minh và ba mẹ của Loan thỉnh thoảng cũng đi cùng Minh và Loan và đã giúp cho Minh và Loan nhiều ý kiến. Cuối cùng, Minh và Loan đã chọn mua một căn townhouse ở vùng Berala, gần nhà ba mẹ Loan. Căn nhà nhỏ xinh xắn với 3 phòng ngủ, có phòng chơi và một mảnh vườn nhỏ sạch sẽ mới được xây cất cách đây sáu năm. Hơn một tháng sau Minh và Loan dọn về sống trong căn nhà mới đó. Những ngày cuối tuần, Minh đưa Loan đi sắm sửa những đồ dùng cần thiết trong nhà và những thứ cần thiết cho con gái đầu lòng sắp chào đời của họ. Những giờ còn lại, Minh sửa sang đôi chút cho căn nhà và làm lại mảnh vườn bé nhỏ để làm một play ground cho các con sau này. 

Đầu năm sau, Hạ Đoan, cô con gái đầu lòng chào đời trong niềm vui của Minh, Loan và mọi người. Đúng như niềm mơ ước của Loan. Cô con gái đầu lòng của họ đã được sống trong căn nhà họ hằng mơ ước. 

Sau khi nghỉ vài tháng để chăm sóc con, Loan đã đi làm trở lại. 

Khi Hạ Đoan được tròn năm tuổi cũng là lúc Minh vừa tốt nghiệp master, và ngay sau đó đã nhận được một công việc phù hợp với khả năng với số lương khá cao. Tuy vậy, Minh phải lên Canberra làm việc. Minh suy nghĩ và phân vân mãi. Loan góp ý: 

- Em nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho anh. Anh cứ nhận và lên Canberra làm. Một thời gian sau, khi anh đã có nhiều kinh nghiệm, em nghĩ anh sẽ dễ dàng tìm được một công việc tương tự ở Sydney. 

Minh phân vân: 

- Nhưng ở nhà chỉ có hai mẹ con em, anh cũng thấy lo. 

Loan đề nghị: 

- Em sẽ nhờ Hạnh sang ngủ và giúp em trong thời gian đầu. 

Lúc này Hạnh cũng đang rảnh. Sau đó em nghĩ rồi sẽ quen đi. Vả lại, em nghĩ cũng chỉ sau một thời gian rồi anh cũng có thể xin được việc ở Sydney. 

Minh cười: 

- Nhưng anh nhớ em và con lắm! 

Loan hôn nhẹ Minh: 

- Vậy mỗi tuần anh về một lần để thăm em và con, nếu có thể được. Từ đây lên Canberra cũng chỉ gần 3 giờ lái xe thôi. Khi con lớn hơn, có thể em cũng đưa con lên thăm anh cuối tuần. 

- Không được đâu, anh sẽ cố gắng về mỗi tuần thăm em và con. 

Rồi Minh lên Canberra làm và mỗi cuối tuần đều về thăm Loan và Hạ Đoan. Có nhiều lần, thấy Minh có vẻ mệt mỏi vì phải lái xe đường xa, Loan đề nghị Minh có thể hai tuần về một lần nhưng Minh vẫn về hàng tuần vì nhớ Loan và Hạ Đoan. 

Năm sau, Loan lại hạ sanh Huy Vũ, con trai và cũng là đứa con thứ hai của Minh và Loan. Dù rất bận với công việc nhưng Minh cũng đã xin nghỉ holiday hơn bốn tuần để ở nhà giúp Loan và chăm sóc hai con. Cuộc sống hạnh phúc, Minh và Loan tưởng chẳng còn gì để mơ ước hơn nữa. 

Thời gian lặng lẽ trôi, Minh đã làm việc ở Canberra được hơn ba năm. Hạ Đoan nay đã vào trường mẫu giáo. Thời gian sau này, Minh không về Sydney mỗi tuần. Có khi hai, ba tuần hoặc một tháng Minh mới về một lần. Minh viện cớ vì công việc quá bận, có nhiều project mới cần phải làm cho xong đúng thời hạn nên thường phải làm thêm vào cuối tuần. Có vài lần Loan đề nghị: 

- Nếu anh không thể transfer vê Sydney được thì anh thử tìm một công ty khác ở Sydney được không. Có thể công việc mới này lương thấp hơn nhưng em nghĩ, nếu được ở gần nhà thì mình cũng tiết kiệm được tiền bạc nhiều, anh và em có nhiều thời gian để chăm sóc con cái hơn. Bây giờ Hạ Đoan cũng đã lớn rồi. Anh và em cũng cần gần gũi Hạ Đoan để chuyện trò với con. 

Minh ngần ngừ: 

- Anh biết vậy nhưng hiện công việc đang làm rất phù hợp với khả năng của anh và giúp cho anh có rất nhiều cơ hội học hỏi để thăng tiến khả năng của anh. Sau này, nếu có điều kiện, anh có thể tự build lấy một cái business ở Sydney.

Loan chậm rãi nói: 

- Nhưng em thấy anh vất vả quá. Em thấy gia đình mình như vậy cũng đủ rồi. Anh và em cả hai đều đi làm... Hay là em xin nghỉ một thời gian và đưa hai con lên Canberra. 

Minh trả lời cho xong chuyện: 

- Anh sẽ lưu ý đến đề nghị của em. Em và hai con không thể lên Canberra được vì khí hậu ở đó rất khắc nghiệt. Hơn nữa, ở đây em đang có một công việc tốt lại ở gần ba mẹ em. 

Rồi Minh vẫn tiếp tục công việc ở Canberra và thời gian sau này Minh cũng rất ít khi về nhà vào cuối tuần. Minh viên cớ công việc quá bận làm Minh mệt mỏi nên không muốn lái xe đường xa. Loan để ý, thỉnh thoảng trong những lần về sau này, Minh có vẻ hơi khác thường, đôi khi hay gắt gỏng với Loan và hai con. 

Có một lần, cũng đã khuya, điện thoại reo, Loan bắt phone và nhận ra một giọng nữ ở đầu giây bên kia muốn nói chuyện với Minh. Mối nghi ngờ về Minh bắt đầu và Loan đã hỏi Minh về chuyện đó. Minh chối và nói đó chỉ là một cô bạn cùng sở làm gọi cho Minh nói chuyện về công việc làm thôi. 

Một ngày, cách đây hơn hai năm, Minh nói với Loan là Minh cảm thấy giữa Minh và Loan không còn hợp với nhau nữa. Minh cũng đã yêu một người khác. Minh nói: 

- Vì anh vẫn muốn chúng mình coi nhau như bạn.Chúng mình không hợp nhau trong một số vấn đề. Anh nghĩ nếu chúng ta cứ tiếp tục gượng ép sống chung thì chỉ làm khổ nhau thôi. Anh cũng khổ, em cũng khổ và Thu cũng khổ. Anh nghĩ là chúng ta tạm thời có thể ly thân rồi sau đó ly dị. 

Cả bầu trời như sụp đổ trước mặt Loan. Vừa sụt sùi khóc, Loan vừa nói: 

- Anh nghĩ sao mà nói như vậy. Chúng mình quen nhau, tìm hiểu nhau hơn 3 năm rồi mới làm đám cưới. Bây giờ, anh đòi ly dị, làm sao em có thể trả lời anh được. Em đã có lỗi gì, các con đã có lỗi gì? 

Minh phân trần: 

- Không, em và các con không có lỗi gì. Anh chỉ muốn nói với em là chúng ta có nhiều điều không hợp nhau nên không thể tiếp tục gượng ép sống chung mãi với nhau được. Anh mong em hiểu cho anh. 

Loan vừa khóc vừa chạy vào buồng đóng sầm cửa lại. Qua vài tháng sống chung một cách gượng gạo. Thấy không còn có thể hàn gắn được nữa vì tới lúc này gần như Minh đã công khai sống hẳn với Thu trên Canberra rồi. 

Loan bằng lòng chia tay với Minh. Qua vài phiên tòa hòa giải và hôm nay là phiên tòa cuối cùng để chính thức thừa nhận sự ly dị của Minh và Loan. Loan sẽ được nhận nuôi hai đứa con và Minh có bổn phận phải trợ giúp cho các con cho tới khi chúng trưởng thành. Loan thẫn thờ nhìn Hạ Đoan, nhìn Huy Vũ, hai đứa con mà Loan đã đứt ruột đẻ ra rồi lại nghĩ đến Minh, người đàn ông tệ bạc mà Loan đã hết lòng tin tưởng trao thân gởi phận. 

Loan thấy mằn mặn nơi khóe miệng. Vài giọt nước mắt vô tình chảy xuống. Một điệu nhạc buồn của nhạc sĩ Lê Dinh phát ra từ căn nhà hàng xóm: "Thôi hết rồi người đã xa tôi. Quên hết lời thề ngày xưa..." Loan đứng dậy vào phòng rửa mặt và tự nhủ: "Mình phải giữ gìn sức khỏe để còn lo cho các con. Người đàn ông đó không xứng đáng để mình nghĩ tới nữa". 


Mai Khánh Thư - Phạm Doanh Môn

Wednesday, November 13, 2024

Môn Đăng Hộ Đối - Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn


Tôi là đứa con gái đầu lòng trong gia đình bốn người con. Ba đứa em tôi đều là con trai nên Ba Mẹ chiều chuộng tôi lắm, vả lại tôi là một con bé trắng trẻo, mũm mĩm như con búp bê, ngoan ngoãn hiền lành, ai cũng khen tôi như vậy. Ba tôi là một thương gia thành công, giàu có. Ông có một nhà máy làm ve chai thủy tinh và đồ nhựa để cung cấp cho mấy dược phòng thuốc tây hay các hãng nước mắm, hoặc đồ uống đóng chai. Ngoài ra còn một hãng dệt bao bố để cung cấp cho các vựa gạo. Ông còn vài đồn điền trồng trà, cà phê, và chuối gần Bảo Lộc do chú tôi cai quản.

Một trong các khách hàng quan trọng là người bạn của ông. Đó là một Dược Sĩ tốt nghiệp tận bên Pháp, ông có một dược phòng rất lớn sản xuất thuốc Tây, chúng tôi gọi là Bác Ba. Ông thường lại nhà tôi chơi, đôi khi cả hai gia đình kéo nhau lên đồn điền ở chơi vài ngày, khi mà an ninh chưa tồi tệ lắm. Đồn điền có máy phát điện riêng và một Chateau d’eau (tháp nước) với máy bơm nước đàng hoàng để cung cấp nước cho các nông trại, cho nên tương đối cũng đầy đủ tiên nghi. Trong thập niên 70 đường xá khó khăn chúng tôi không còn lên đó nữa, để mặc chú tôi cai quản.

Ba tôi vốn là một “Thầy Tu Xuất”, cho nên mặc dù thương yêu con cái, nhưng rất nghiêm khắc. Chúng tôi chẳng bao giờ dám làm trái ý ông. Mỗi sáng Chúa Nhật, Ba tôi chở cả nhà đi nhà thờ, rồi đưa đi ăn tiệm. Buổi tối Mẹ thường quây quần các con lại để đọc kinh cầu nguyện trước khi lên giường ngủ. Trong nhà có chị bếp giúp mẹ tôi nấu nướng và đi chợ. Chú tài xế chở Ba tôi đi làm và chúng tôi đi học.

Có thể nói tuổi thơ và tuổi dậy thì của tôi được Ba tôi gói vào khuôn khổ gia đình lễ giáo, một mẫu mực của những tiểu thơ khuê các kín cổng cao tường, giống như người ta gói những chiếc bánh chưng bằng lá dong trong chiếc khung gỗ, các cạnh bánh vuông vức đều đặn, cột bằng lạt tre thẳng thắn, ngay ngắn. Đời tôi lớn lên như vậy, giống y hệt một chiếc bánh chưng ngày tết!

Lúc còn bé, Ba tôi gởi vào học trường Colette, đó là trường Pháp dạy bậc tiểu học đến lớp 6 me (Tương đương lớp nhất bậc tiểu học VN). Sau này lớn lên học trường Saint Paul của mấy Bà Phước, cho nên nói và viết tiếng Pháp rành hơn tiếng Việt.

Sử ký, địa lý cũng vậy đều nói về nước Pháp chẳng biết gì về Việt Nam cả, nghe toàn nhạc Pháp, hát quốc ca Pháp, đọc sách báo Pháp. Sau này khi ra đời tôi luôn mắc cỡ về cái quá khứ “Gốc Tây Đui” của mình.

Sau khi đậu bằng Brevet (Trung Học đệ nhất cấp), tôi tiếp tục học lên để lấy bằng Baccalauréat (BAC). Tôi chẳng thiết tha việc học là mấy, tuy vậy cũng chẳng có dịp đi rong chơi với bạn bè cùng trang lứa, cho nên tuổi dậy thì chưa bao giờ nghĩ đến chuyện trai gái. Nói trắng ra chưa từng có mối tình nào vắt vai để khoe với bạn bè.

Năm đang học 1ère (lớp 11). Một hôm Bác Ba mời gia đình tôi qua ăn cơm, nhân dịp cậu con duy nhất của Bác du học bên Pháp từ nhỏ về chơi. Đó là một anh Tây con, mặt Việt Nam. Anh chỉ biết nói tiếng Pháp, tiếng việt thì nghe và nói lõm bõm vài chữ thôi. Trong nhà nói chuyện với nhau đều dùng tiếng Pháp. Tôi chẳng có cảm tình chút nào về anh ta cả, như một người xa lạ gặp nhau ngoài đường, nói chuyện cho lịch sự xã giao thôi.

Sau đó vài ngày, Ba tôi gọi tôi vào văn phòng, ông nói với tôi Bác Ba muốn xin cưới tôi cho con ông ấy. Tôi từ chối, viện lẽ còn muốn đi học. Ba tôi nghiêm sắc mặt, nói là ông đã chọn chỗ này “MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI”, khắp Saigon không còn chỗ nào hơn được nữa. Ba muốn tôi qua Pháp ở để làm đầu cầu cho các em tôi sẽ qua đó du học như anh Tây, con Bác Ba. Tôi chỉ biết khóc và xin với Mẹ nói giúp tôi để Ba từ chối lời cầu hôn. Tôi biết Mẹ luôn nghe lời Ba, nhưng còn cách nào hơn?

Sau hơn một tháng, đám cưới giữa tôi và anh Tây con cũng diễn ra êm xuôi. Tôi với anh ấy chẳng có ý tưởng gì về tình nghĩa vợ chồng cả. Ba Má chồng tôi mua cho chúng tôi một căn biệt thự nhỏ để tôi đứng tên. Vợ chồng tôi dọn về căn nhà đó được hai tháng thì chàng phải trở về Pháp để tiếp tục học, Còn tôi về lại ở với Ba Mẹ, vẫn tiếp tục đi học như xưa. Tôi nghỉ học khi biết mình có bầu, đó là đứa con gái đầu lòng của chúng tôi. Chồng tôi về Việt Nam vào mùa hè năm sau và hứa sẽ làm thủ tục để đưa tôi qua Pháp, tôi nói chưa muốn đi xa Ba Mẹ. 


Rồi kiếp nạn “30 Tháng Tư” ập đến. Ba Mẹ tôi và bên nhà chồng đều bị tịch thu hết tài sản nhà cửa để đưa đi vùng kinh tế mới. Đi vùng kinh tế mới chỉ là lý do để họ, những người thắng cuộc, chiếm đoạt mấy căn biệt thự đồ sộ thôi. Ba tôi lên đồn điền ở với chú, vì vùng quê xa xôi đó không ai để ý, vả lại xưa kia chú vẫn phải đóng thuế cho cả hai bên nên họ, những người bên kia, vẫn làm ngơ cho Chú sinh sống làm ăn. Ba Má chồng tôi vì có quốc tịch Pháp nên tòa Đại Sứ Pháp can thiệp cho họ về lại Pháp. Còn tôi, sống bên Ba Mẹ như một con ốc sên trong chiếc vỏ cứng cáp, chẳng phải lo lắng gì, nên quyết định ở lại, dù sao bên người thân cũng thấy an tâm và ấm áp hơn.

Mẹ con tôi ở lại căn nhà cũ, nhiều lần họ muốn đuổi chúng tôi đi nhưng tôi viện cớ có con nhỏ nên cương quyết từ chối. Tôi bắt đầu mang những đồ quý giá trong nhà ra bán ngoài chợ trời. Lâu dần cũng quen đi với nếp sống mới, cái mác “Tiểu Thư khuê các” cũng phai dần theo năm tháng. Tôi vẫn còn dấu được một ít tư trang do Ba Mẹ tôi cho làm của riêng, và cả của bên Chồng tôi cho nữa. 

Nhũng tư trang đó tôi cất rất kỹ để phòng thân không bao giờ đụng tới. Bây giờ tôi học được nghề bán chợ trời và những mánh khóe tránh công an kiểm tra. Mua đi bán lại những nhu yếu phẩm cần thiết và rất khan hiếm thời đó. Tôi vẫn không có tin tức gì về người chồng hờ hững của tôi bên trời Tây xa xăm, nhưng may mắn quen được một người thanh nên tháo vát tên Huân. Anh ta là cựu giáo chức biệt phái, bị thất nghiệp nên đi bán chợ trời như tôi. Chúng tôi hợp tác làm ăn, anh ấy đi lùng mua hàng hóa, còn tôi đi rao bán ngoài chợ. 

Chúng tôi mướn một sạp nhỏ, bán đủ thứ từ rau cỏ, trái cây, nhưng hàng dấu kín là thuốc tây và những hàng “ngoại”, chỉ bán cho người quen biết. Huân thường ra phi trường, nơi hàng hóa gởi về từ ngoại quốc, hay bến tàu, nơi những thủy thủ tuồn xuống từ tàu buôn ngoại quốc hay các anh quan thuế lấy được mang ra lén lút bán.

Buôn bán như vậy lời nhiều nhưng không phải bao giờ cũng chót lọt, bọn công an luôn ngắm nghé, có khi tịch thu hết cả mặt hàng. Chúng tôi luôn cất dấu hàng ở một nơi, chỉ mang một ít làm mẫu thôi. Tuy vậy cuối cùng vẫn phải chia chác với công an để được yên thân.

Những năm phong trào ra đi bán chính thức mà bọn công an tổ chức cho người Hoa vượt biên lên cao. Đi đâu cũng nghe tiếng rỉ tai: “Nộp vàng đi bán chính thức”. Anh Huân móc nối được vài ba tổ chức, tôi nhắn Ba gởi mấy đứa em ra đi theo họ. Mỗi đứa đi theo một tổ chức khác nhau. May mắn cả 3 đều đến Mỹ an toàn. Tôi giục anh Huân đi theo mấy đứa em, tôi sẽ cung cấp tài chánh cho anh, nhưng anh nhất quyết nói rằng nếu tôi đi anh ấy mới đi. Tôi nói tôi còn con nhỏ, vả lại vẫn phải chờ tin tức của chồng tôi. Anh Huân nói sẽ chờ tôi, dù là chờ suốt cuộc đời.

Thật ra những ngày tháng đó, tôi có vất vả về thể xác, nhưng tinh thần rất thoải mái, không còn phải đóng khung trong lễ giáo. Tôi chẳng nghĩ gì khác hơn là mỗi ngày lo kiếm ăn để lấp vào hai cái bao tử chống rỗng. Mẹ con tôi ăn uống cơm hàng cháo chợ. Đôi khi công an có tới khám xét nhà nhưng chẳng kiếm ra cái gì, vì hàng hóa anh Huân giữ cả, tư trang tôi cất một nơi rất kín đáo. Tôi chờ tin tức của chồng tôi mãi rồi cũng chán, chỉ mong sống qua ngày thôi. Ba thỉnh thoảng về qua nhà thăm tôi, mang ít thực phẩm từ nông trại, rồi lại đi ngay. Anh Huân luôn săn sóc hai mẹ con tôi, những lúc ốm đau, thiếu thốn. Việc làm ăn của chúng tôi cũng khá xung túc, nhờ tài tháo vát lục lọi mua hàng của anh ấy. Tình cảm của chúng tôi ngày càng thắm thiết theo nhịp độ hợp tác buôn bán.


Một hôm con gái tôi đi học về bị tai nạn xe, chiếc xe đạp bị xe hơi đụng cong queo. Anh Huân mang nó vào nhà thương và lo cho nó cho đến khi bình phục hẳn như thể nó là con của anh ấy. Từ đó tình cảm nẩy nở, chúng tôi yêu nhau lúc nào không biết. Đó là tình yêu đầu đời của tôi, của một người đàn bà đã có chồng, có con. Lớp vỏ tiểu thư khuê các đã rơi mất từ ngày tôi ra đứng dầm mưa giãi nắng ngoài chợ trời. Anh Huân thiết tha muốn chúng tôi thành vợ chồng, nhưng một lần ngỏ ý với Ba tôi, ông nhất định từ chối và nói “Con gái chỉ có một chồng”. Tôi, trên nguyên tắc vẫn là người đàn bà đang có chồng. Tôi có cảm tưởng mình đang sống vào thời đại quá khứ hàng mấy trăm năm về trước. Dù sao cũng không ai ngăn cản được tình yêu của tôi và anh Huân.

Chúng tôi yêu nhau từ tận trái tim, trong hoàn cảnh nghèo khó, trong cuộc sống khắc nghiệt mà mọi bước đi phải dòm chừng, tính toán sao cho chót lọt. Tuy vậy, tôi thấy tất cả đều dễ dàng vì tôi đã có chỗ dựa vững chắc, một nơi an nghỉ thoải mái trong trái tim, mỗi khi quá mệt mỏi.

Cho đến ngày gia đình tôi được giấy bảo lãnh qua Mỹ, nhờ mấy đứa em đã qua trước. Tôi ngậm ngùi từ giã anh Huân, giắt con theo Ba Mẹ tôi ra đi, giao căn nhà đang ở cho anh làm chủ. Tôi hứa với anh sẽ trở về, anh cũng hứa sẽ chờ đợi tôi dù đến cuối cuộc đời. Nghe như trong tiểu thuyết lãng mạn của vài thế kỷ trước!

Chúng tôi ở Mỹ một thời gian, Ba mẹ tôi liên lạc được phía bên chồng tôi, thế là họ đón tôi qua bên ấy. Chồng tôi ở với Ba Má anh ấy, mẹ con tôi ở một chung cư không xa là mấy. Thỉnh thoảng chồng tôi cũng qua thăm hai mẹ con, anh ấy lo cho con đi học và làm thủ tục nhập cư cho tôi. Chúng tôi xa lạ như hai người hàng xóm, ai có đời sống riêng người ấy, mặc dầu trên danh nghĩa chúng tôi vẫn là vợ chồng. Tôi cũng chẳng biết gì về cuộc sống của anh ấy trên đất Pháp, học hành, nghề nghiệp? Anh ấy cũng chẳng hỏi về cuộc sống của tôi trên quê hương xa lạ Việt Nam. Chúng tôi luôn như vậy trên danh nghĩa vợ chồng. Lúc đầu anh ấy vẫn cung cấp tài chánh đầy đủ cho hai mẹ con, sau này tôi xin được việc làm, tiền chu cấp cũng giảm đi.

Con tôi ra trường xin được việc làm khá tốt, không cần nhờ vào trợ cấp của anh ấy nữa. Tôi có về Mỹ thăm mấy đứa em và Ba Mẹ tôi vài lần. Tôi chẳng bao giờ nói về đời sống của vợ chồng tôi bên Pháp, coi như mọi sự đều ổn thỏa. Nhìn mặt tôi lúc nào cũng vui tươi, hòa nhã nên Ba Mẹ tôi không nhọc lòng. Riêng tôi, tôi đã chấp nhận đời sống của riêng mình chẳng có gì phải phàn nàn cả, nên vẫn cảm thấy thoải mái, yêu đời. Tôi có một góc trời riêng của tôi trong lòng mình mà tôi luôn mang theo đi bất cứ nơi nào. Một góc trời xanh bao la, tôi luôn nhìn thấy dù đêm hay ngày.

Ba Mẹ chúng tôi lần lượt qua đời. Con gái tôi đã có chồng. Tôi chẳng còn gì ràng buộc với bên chồng tôi nữa và đề nghị chồng tôi ly dị để cả hai bên đều được tự do.

Chẳng ngạc nhiên, anh ấy đồng ý ngay, dù sao chúng tôi cũng ảnh hưởng Tây hoc nên rất thẳng thắn và cởi mở. Từ lúc đầu, chúng tôi đều chỉ vâng lời cha mẹ hai bên, cho nên kết duyên vợ chồng theo thông lệ.


Tôi đã sống gần hết cuộc đời cho người khác. Bây giờ thời gian chẳng còn bao lâu, tôi phải sống cho tôi thôi. Tôi gọi anh Huân hỏi anh ấy có còn chờ tôi không?


Minh Đạo Nguyễn Thạch Hãn

Jacaranda Tour Kirribilli - Sydney

Jacaranda in Kirribilli, Sydney Source: Flickr


Mỗi năm, từ cuối tháng mười đến tháng mười một là mùa của phượng tím Jacaranda ở Úc châu. Chung quanh Sydney, con đường nào cũng thấy rải rác vài cây phượng tím vươn lên bầu trời trong xanh, màu hoa tim tím như sương như khói mơ màng phủ lên thành phố một vẻ đẹp vừa thơ mộng, vừa liêu trai.   

Hôm nay chúng tôi cùng một nhóm người già hẹn nhau đi ngắm hoa ở Kirribilli, ngoại ô thành phố Sydney được tổ chức free bởi hiệp hội chuyên chở cộng đồng.
Xe bus đi tới từng nhà rước người, chạy lòng vòng trong thành phố rước 15 người mất gần hai tiếng đồng hồ mới đi tới nơi. Con đường hoa này đẹp có tiếng nhưng tiếc thay trước đây vài ngày, Sydney bị một cơn mưa khá lớn làm tàn tạ một số hoa trên cành, mất đi vẻ đẹp vốn có.  

Xe bus cộng đồng
















Sau một tiếng đồng hồ dạo quanh ngắm nghía và chụp hình kỷ niệm, chúng tôi được chở tới một câu lạc bộ trong vùng để ăn trưa. Mỗi người tự order và trả tiền món ăn của mình. Chúng tôi order Hawaiian pizza và sesoned chips. 



Cuộc du ngoạn ngắm hoa chấm dứt sau 5 tiếng đồng hồ. Ông tài xế đưa mỗi người về  tận nhà như lúc đi.
Cám ơn ông driver Dave và cô carer Cathy. Cám ơn Community Transport cho chúng tôi một ngày vui như ý.


11/11/24
Chụp từ ipad
Người Phương Nam 

Tuesday, November 12, 2024

Trong Vòng 72 Giờ Sau Khi Trump Đắc Cử

 

"Hiệu ứng Trump" 
Chỉ sau 72 giờ Donald Trump thắng cử, ông vẫn chưa bước vào Nhà Trắng trở lại, ông chưa được nhậm chức và chuyển giao quyền lực, nhưng hiệu ứng quá mạnh.

����NYC sẽ ngừng cấp thẻ ghi nợ cho người nhập cư bất hợp pháp
���� Một số công tố viên đặc biệt liên quan ông Trump và vụ J6 vội vã từ chức.
���� Bộ Tư Pháp "tự nguyện" phanh phui âm mưu ám sát Tt Trump của Iran
���� FEMA "tự nguyện" phanh phui vụ trợ lý FEMA chỉ đạo bỏ qua thiệt hại những căn nhà ủng hộ tt Trump.
����Các công ty Hoa Kỳ thông báo đưa sản xuất về nước, rút khỏi Trung Quốc.
����Thị trường chứng khoán đạt mức cao nhất mọi thời đại.
����Bitcoin đạt mức cao nhất mọi thời đại.
����Đoàn di cư lậu mới nhất tan rã, 300 người Venezuela lậu đầu tiên đã bị trục xuất
����Qatar chính thức đồng ý trục xuất các nhà lãnh đạo Hamas
����Hamas muốn "ngay lập tức" chấm dứt chiến tranh, Houthi chỉ sau vài giờ tuyên bố ngừng phong tỏa biển Đỏ và bắn tên lửa.
����Taliban tuyên bố muốn "chương mới"
���� Iran mong muốn ông Trump xuống nước, giảm sức ép
����Trung Quốc muốn "chung sống hòa bình"
����Nga "sẵn sàng" đàm phán với Hoa Kỳ, và sẽ dùng USD trong giao dịch bán dầu.
����EU thông báo muốn mua Hoa Kỳ khí đốt, không phải khí đốt của Nga
���� Israel ca ngợi sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử, và hợp tác với tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. TT Trump bật đèn xanh Israel tấn công Iran không hạn chế.
����Các nhà lãnh đạo Ukraine đang đàm phán với Trump/Elon
...
Còn gì không nhỉ?

Có điều là bữa nào đảng DC nói đó là công của họ, bởi vì nó diễn ra trong khi Biden-Harris cầm quyền. Ai đó đánh thức 2 người này dậy làm việc với! 


Trump breaks through in California, flips 10 counties 

https://www.deseret.com/politics/2024/11/08/california-harris-trump-flip-counties/ 


Kim Duncan chuyển

Một Thoáng Qua Hồn - Vi Vân


Con đường đến Nghĩa Trang Quân Đội Cần Thơ bỗng dưng quen thuộc với tôi hơn một tháng nay, kể từ ngày anh tôi được đưa về đây an nghỉ.

Mỗi ngày sau khi tan học tôi đến đây ngồi trước mộ anh để ngậm ngùi tiếc thương, đau đớn. Người anh thân yêu của tôi đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mộng sông hồ chưa phỉ chí, mộng tình còn dang dở.

Anh là một người lính đa sầu đa cảm, anh có một chuyện tình thật buồn, anh yêu say đắm một người con gái. Nhưng định mệnh trớ trêu, nàng đã quay lưng ngoảnh mặt để anh ôm mối hận tình vạn thuở.

Sau khi chôn cất anh, ngày nào tôi cũng đến đây, tôi ngồi hàng giờ, thật lâu, mãi khi bóng chiều đổ xuống tôi mới lửng thửng ra về.

Con lộ nhỏ vắng vẻ loáng thoáng chỉ có vài bóng người đi thăm mộ như tôi. Nghĩa trang buồn hiu hắt, gió chiều lên nhè nhẹ gợi cảm giác sầu muộn bơ vơ. Trong nỗi cô tịch, lặng lẽ đến não lòng của nghĩa trang, tôi cảm nhận được những hồn hoang đang vất vưởng đâu đây, đang lang thang, đang tìm kiếm những gì thân mến đã chợt xa tầm tay. Tôi thấy ngậm ngùi thương tiếc làm sao những người nằm xuống nơi đây, họ hầu hết là những thanh niên trẻ, rất trẻ, những người trai của thế hệ, những người hùng, những người con yêu của tổ quốc. Ai cũng hiểu vì sao họ nằm nơi đây, để đêm đêm rên rỉ xót thương nuối tiếc những ngày ngắn ngủi trong cuộc đời đã đi qua, để đêm đêm mơ về một thời oanh liệt vẫy vùng giữa đạn tên khói súng. Họ không chùng bước trước kẻ thù, vẫn kiêu hùng bước đi trong lằn tên mũi đạn, với hào khí ngất trời họ đã làm sống lại những trang sử oai hùng từ nghìn năm trước:

Lam Sơn ơi, hồn Chí Linh, sông Đằng

Vạn Kiếp hay Hà Hồi… những giòng lịch sử đâu rồi? 

Tôi đi về hướng con đường chính để đón xe về nhà, bao nhiêu ngày rồi tôi vẫn thế: đến ngồi bên mộ anh thở than, tâm sự cùng anh rồi lủi thủi ra về khi bóng chiều dần xuống.

Một ngày kia vì mãi ngồi than thở với anh tôi mà trời đã tối lúc nào tôi không hay. Màn đêm đã bao phủ mọi vật chung quanh, tôi hốt hoảng đứng lên bước theo con lộ nhỏ để ra đường lớn đón xe. Trong bóng tối chập choạng tôi thấy hình như có một người lính đi đến gần tôi, tôi cảm thấy có chút sợ sệt và vội vã bước nhanh.

Khi gần tới đường lớn tôi quay lại chẳng thấy ai cả. Tôi lẩm bẩm:

– Cái anh chàng nào mà bất lịch sự thế, dù không quen nhưng giữa đường như thế nầy mà bỏ đi chẳng một lời từ giã.

Có lẽ anh đã đi về một ngã khác không màng gì đến sự cô độc của một người con gái giữa nghĩa trang lúc màn đêm đang dần xuống.

Nhiều buổi chiều sau đó tôi vẫn đến thăm anh tôi rồi lại ra về. Tôi có ý nhìn quanh trên đường về xem có thấy anh lính đó không nhưng chẳng thấy gì cả. Tự nhiên tôi cảm thấy như mình thiếu một người bạn đồng hành trong nghĩa trang hiu hắt nầy. Tôi có cảm giác như anh đang đứng ở đâu đó, đang nhìn tôi nhưng không xuất hiện để trêu chọc tôi, làm cho tôi mong đợi.

Chiều nay tôi chợt thấy buồn hơn những buổi chiều qua, hình ảnh không rõ rệt của người lính ngày ấy cứ mãi ám ảnh tôi, không biết anh có còn trở lại đây để thăm ai đó trong nghĩa trang nầy, hay sẽ không bao giờ trở lại? Mãi nghĩ vẩn vơ nhìn quanh thấy những người đi viếng mộ đã ra về hết rôi, tôi giật mình sợ hãi, nhanh chân bước ra đường để đón xe về nhà.

Thật không may tôi đã trễ chuyến xe nên phải đứng đợi bên đường khá lâu để chờ chuyến tới. Trời chẳng thương tình lại đổ cơn mưa, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ làm tôi run rẩy vì gió lạnh.

Vì quá thương anh mình mà hơn một tháng qua tôi đã không quan tâm đến sức khỏe yếu đuối của một người con gái. Hôm ấy tôi về nhà muộn và lên cơn sốt mê man…

Chiều nay tôi lại đến nghĩa trang thăm anh tôi. Tôi rất ngạc nhiên vì khi tôi vừa đến mộ đã thấy anh lính đứng đó, anh nhìn tôi mỉm cười:

– Sao đến trễ quá vậy cô bé?

– Sao anh biết ngôi mộ nầy là người thân của tôi?

Anh nói:

– Tôi còn biết người trong mộ là anh của cô nữa kia, vì anh của cô bé cũng là bạn của tôi mà.

Tôi nhìn anh ngờ vực:

– Sao tôi không nghe anh tôi nhắc tới anh khi còn sống? Anh tên gì vậy?

Anh làm ra vẻ bí mật:

– Rồi cô bé sẽ biết sau, cô bé tên gì?

– Tôi tên Ngọc Lan.

Anh nhìn tôi một lúc rồi nhìn vào mộ bia của anh tôi:

– Tôi lớn tuổi hơn anh của Ngọc Lan, vậy cho phép tôi gọi Lan bằng em nhé? Anh không có ý gì đâu, muốn nhận Ngọc Lan làm cô em gái nhỏ thôi vì anh thấy Lan thật ngoan, thật tốt bụng. Một người vợ khi chồng chết còn chưa chắc đã đến nghĩa trang thăm chồng mỗi chiều chớ đừng nói chi là em gái, ước gì anh được là người anh, người bạn của Ngọc Lan.

Sau đó cả anh cùng tôi đốt mấy nén hương cho anh tôi. Tôi lại sụt sùi rơi lệ. Anh nhìn vào ngôi mộ và nói:

– Cậu có một cô em tuyệt vời đó có biết không?

Trời bắt đầu về chiều, một màu xam xám u buồn đang dần dần đổ xuống nghĩa trang, tâm trạng của kẻ mất người thân nào ai hiểu được, tôi nghe lòng xót xa đau buốt. Tôi thấy hình ảnh anh tôi lờ mờ giữa màn sương đục của buổi chiều như còn lưu luyến đứa em nhỏ dại. Tôi và anh lính cùng đứng dậy đi chầm chậm về phía con lộ chính. Ngoài xa xa có một quán nước nhỏ, anh nhìn tôi và nói:

– Trông Lan cũng mệt mỏi quá rồi, hãy đến quán nước kia kiếm gì uống cho khoẻ một chút rồi về cũng không muộn, được không Lan?

Không hiểu sao tôi bỗng gật đầu dù tôi quen anh chưa được bao lâu.

Anh rất chửng chạc trầm ngâm, tôi liếc nhìn anh: sắc mặt anh xanh xao nhưng nét kiêu hùng hiện rõ trên khuôn mặt phong trần dày dạn gió sương.

Khi vào quán nước anh kêu cho tôi một ly cam vắt, anh một ly cà phê đá. Bây giờ tôi mới nhìn thấy tên trên áo lính của anh là Chinh. Anh hỏi tôi:

– Ngọc Lan học lớp mấy rồi?

– Dạ, Lan học lớp Đệ Nhị.

Anh cười:

– Sắp là cô Tú rồi đó. Ráng học đừng để bị rớt nghe cô bé. Anh của em đã yên nghỉ rồi em đừng quá đau buồn. Những người lính như tụi anh là phải chấp nhận sống chết vì quê hương, vì tổ quốc thôi, đó cũng là danh dự, là niềm kiêu hãnh em có biết không?

– Lan hiểu nhưng khó tránh khỏi đau lòng anh ạ! Nó đến bất ngờ quá, Lan chưa từng chuẩn bị tâm tư để chờ cái ngày đó xảy ra. Lan cứ mong đợi ngày anh của Lan về phép, anh em vui vẻ bên nhau, chia xẻ tâm tình trong những ngày xa cách, vậy mà…

Tôi lại rưng rưng nước mắt. Anh nhìn tôi lắc đầu:

– Thật tội nghiệp cho em.

Tôi ngước nhìn anh, phong cách và tư thái anh rất đứng đắn. Anh không có vẻ gì tán tỉnh hay lợi dụng tình cảm của tôi cả. Anh đối xử với tôi đơn thuần như một người anh quan tâm cho em gái.

Tôi đoán anh khoảng 25 hoặc 26 tuổi gì đó. Anh có thể lợi dụng lúc tôi đang đau buồn, đang mềm yếu nầy đắp xây tình cảm với tôi, sao anh không làm vậy?

Anh như đoán được ý nghĩ của tôi nên nhìn tôi hơi lâu rồi nói như lời tâm sự:

– Lan biết không, gia đình anh có 4 anh em, đều là con trai cả. Anh lớn nhất học Quốc Gia Hành Chánh đã ra trường mấy năm và đang làm việc cho một quận thuộc tỉnh Vĩnh Bình. Một đứa em đang còn trong quân trường Hải Quân ở Nha Trang, đứa em út còn đi học. Riêng anh không thích làm quan văn như anh của mình nên anh gia nhập trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, anh muốn sống hùng, sống thật đúng ý nghĩa của một trang nam tử. Anh ra trường cũng hơn 3 năm rồi, hiện anh đang phục vụ tại Sư Đoàn 7 BB và đang đóng quân ở Cai Lậy, Mỹ Tho.

Tôi nhìn anh bằng ánh mắt cảm kích:

– Sao mới quen Lan mà anh kể hết về anh và gia đình anh cho Lan nghe vậy?

– Vì anh đã nhận Lan làm em gái rồi mà.

– Ham lắm, người ta có chịu hứa chưa mà tự tin thế?

Anh cười buồn:

– Chắc em không nở từ chối một kẻ cô đơn như anh đâu.

– Ai biết anh cô đơn hay không, chỉ có trời mới tin được mấy ông lính.

Anh nhìn tôi như không mấy hài lòng về câu nói đó:

– Em đừng chanh chua với anh, hãy nghe anh nói. Ngày xưa khi còn đi học anh đã yêu thầm một cô bạn cùng lớp, nhưng anh mang mặc cảm mình chưa có sự nghiệp gì nên câm lặng chẳng dám mở lời với cô ta. Đến một ngày kia cô ta bước lên xe hoa cùng người khác anh mới thấy bẽ bàng tiếc nuối. Từ ngày anh rời khỏi trường học, vào quân trường, rồi ra đơn vị lăn mình vào lằn tên mũi đạn, chiến đấu ngày đêm, khi thì giữa rừng cây rậm rạp âm u, khi thì nơi đồng ruộng sình lầy. Thú thật với em anh không có thì giờ để có được một mối tình đẹp, một người yêu để nhớ thương. Bây giờ gặp được em, một cô gái ngoan hiền, anh đã theo dõi em bao nhiêu ngày rồi, anh hiểu và biết về em khá nhiều, nhất là tánh tình của em. Anh ước gì có được người bạn gái như em để có người tâm sự, chia xẻ niềm vui nỗi buồn nhưng…mình gặp nhau muộn màng rồi.

Tôi nhìn anh ngập ngừng:

– Anh nói vậy có nghĩa là…anh đã có vợ rồi phải không?

– Không phải, anh đã nói là anh không có được một mối tình nào mà, làm sao có vợ được.

– Vậy thì tại sao anh nói là muộn màng?

Anh lắc đầu buồn bã:

– Rồi một ngày nào em sẽ biết thôi.

Tôi không được hài lòng:

– Anh thật khó hiểu, nếu anh có ý muốn làm bạn với Lan đâu có gì muộn màng, trừ khi Lan không bằng lòng. Anh đâu có già đến đổi “quá tuổi” có bạn gái.

Anh im lặng thật lâu, mắt nhìn ra ngoài xa.

Buổi chiều thầm lặng, mây xám hờ hững trôi buồn. Gió thổi từng cơn cuốn theo những chiếc lá chết vàng võ bơ vơ, không gian chợt như lạnh lẽo giá băng. Nhìn về phía nghĩa trang hoang vắng tiêu sơ lòng tôi dâng lên nỗi sầu dịu vợi, một cánh chim vừa bay ngang buông giọng lạc loài, khắc khoải.

Thật lâu anh lên tiếng:

– Thôi em về đi kẻo mẹ mong.

style="background: white; margin-bottom: 0cm; text-align: justify;">– Sao anh biết mẹ em mong?

– Anh biết em chỉ có mẹ và các em thôi. Anh biết tất cả về gia đình em mà.

Tôi ngạc nhiên:

– Anh điều tra về gia đình em tự bao giờ?

– Anh đã nói anh là bạn của anh em mà!

Tôi nhìn thẳng vào mắt anh:

– Nhưng em không biết gì về anh cả. Nhà anh ở đâu, con cái nhà ai? Những lời anh nói có thể nào tin được hay sao? Một người lính vào tuổi anh mà không có người yêu, không vợ, không con…ai tin anh mới là…ngu đó.

– Ngọc Lan à, mình không dễ gì có cơ hội gặp nhau, hãy vui vẻ tâm tình với anh một chút đi em. Mai đây biết đâu mình không còn có dịp thấy nhau nữa!

Tôi nhìn anh ngờ vực:

– Anh thật lạ và khó hiểu. Mình đang ở trên cùng một đất nước, nếu ta muốn gặp đâu có gì trở ngại? Chỉ có điều được gặp nhau thường hay lâu lâu mới gặp mà thôi. Anh nói đang đóng quân ở Mỹ Tho thì đâu có xa xôi gì.

Anh trầm ngâm như có chút nghĩ ngợi. Thật lâu, anh thở dài:

– Ngày chủ nhật em đến chùa Bửu Pháp sẽ gặp mẹ anh đến đó cúng chùa, mẹ anh là bà Ngọc Trâm. Em hỏi bà thì sẽ biết về anh tất cả, đừng thắc mắc nhiều cô bé, anh mong ước rằng dù thế nào Lan vẫn là em gái hay bạn của anh nhé. Thôi bây giờ anh kêu xe cho em về, trời tối rồi.

Anh và tôi rời quán nước trở ra đường chính. Một chiếc xe vừa chạy đến, anh sợ trễ chuyến xe cho tôi nên chạy nhanh ra đường giơ tay chận đầu xe lại. Thật không may, tài xế ngừng xe không kịp nên đâm thẳng vào người anh làm anh té văng ra bất tỉnh, máu đầu chảy ra lênh láng.

Tôi kinh hãi kêu thất thanh:

– Trời ơi, anh ơi, anh có sao không? Bớ người ta mau cứu giùm anh ấy…bớ người ta!

Tiếng tôi la hét thật lớn làm một người nắm bàn tay tôi lắc mạnh:

– Ngọc Lan. Con làm sao vậy? Con nằm mơ à?

Tôi mở mắt ra bàng hoàng ngơ ngác. Thì ra chỉ là một giấc mơ, tôi đã gặp anh trong cơn mơ. Đầu tôi còn nóng sốt, mồ hôi ướt đầm trên trán. Mẹ tôi lấy khăn lau mồ hôi cho tôi, cho tôi uống một viên thuốc với ly trà nóng và nói:

– Con đừng lên thăm mộ anh con mỗi ngày như vậy. Sức khoẻ con không được tốt. Con có biết nỗi đau của một người mẹ mất con sâu sắc thế nào không, nhưng mẹ phải cố gắng chịu đựng, cố gắng dằn nén để còn lo cho các con. Nếu mẹ ngã quỵ thì ai lo cho các con đây? Con cũng phải giữ gìn sức khỏe để tiếp mẹ lo cho các em con, ít ra cũng là về mặt tinh thần.

– Dạ con hiểu và con xin nghe lời mẹ.

Mẹ xoa đầu tôi, tôi thấy mắt bà long lanh ướt.

Người tôi bắt đầu ấm lại, tôi thấy dễ chịu hơn, mẹ đã bước ra ngoài cho tôi được yên tỉnh nghỉ ngơi.

Tôi nằm nhớ lại những gì đã xảy ra trong cơn mơ. Không biết vì quá mệt mỏi nên tôi mê sảng hay đó là điềm báo trước tôi sẽ được gặp anh trong tương lai? Chúng ta có duyên gì với nhau chăng?

Nhưng anh là ai, ở đâu? Tôi chỉ gặp anh có một lần đó vào một buổi chiều nhạt nhòa sương khói trong nghĩa trang buồn, chưa từng nói chuyện, chưa từng thân mật, tại sao lại vương vấn cả trong giấc mơ? Tôi thắc mắc và không thể nào xua tan hình bóng anh trong đầu tôi, hình ảnh anh cứ mãi hiện ra trước mắt, thật trầm ấm, thật ngọt ngào.Tôi nhớ lại anh bảo tôi ngày chủ nhật đến chùa Bửu Pháp gặp mẹ anh thì sẽ biết về anh. Tôi tự nhủ mình phải mau hết bệnh để ngày đó đến chùa gặp mẹ anh.

Không hiểu sao tôi cứ nghĩ ngợi, lưu luyến về anh, lòng bâng khuâng, khoắc khoải, lo lắng, hồi hộp. Tôi chợt mỉm cười khi nghĩ đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du:

Người đâu gặp gỡ làm chi.

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Tôi tự trách thầm:

– Mi hư lắm đó, người ta có hứa hẹn gì với mi đâu mà nghĩ vẩn vơ vậy? Chỉ gặp gỡ một lần rồi về đâm ra tương tư, mộng mị.

Dù biết mình ngu dại nhưng tôi vẫn có ý định phải gặp được gặp mặt mẹ anh.

style="background: white; margin-bottom: 0cm; text-align: justify;">Sáng ngày chủ nhật tôi đã thật sự khoẻ nên thức dậy sớm, tôi nôn nóng đi đến chùa để được gặp mặt mẹ anh. Gặp mặt lần đầu phải để cho mẹ anh có cảm tình với mình mới được, tình cảm của anh đối với mình sau nầy tốt hay xấu sẽ liên quan rất nhiều đến buổi gặp mặt mẹ anh hôm nay. Nghĩ vậy nên tôi ra chợ mua hoa quả nhang đèn rồi mang đến chùa Bửu Pháp.

Chùa Bửu Pháp là một ngôi chùa lớn, rất nhiều thập phương bá tánh và Phật tử đến cúng kiến và sinh hoạt mỗi chủ nhật. Hôm nay trời trong mây trắng nắng ấm chan hòa, tôi thấy lòng nôn nao rộn rã, không biết vì sao? Có lẽ tôi sắp được gặp mặt mẹ anh, tôi sẽ biết thêm về anh và…biết đâu tình cảm của mình sẽ thân thiết hơn trong tương lai.

Khi tôi đến chùa thì đã có rất nhiều bạn trẻ trong “gia đình áo lam” tề tựu sinh hoạt nhộn nhịp. Tôi len lỏi vào phía sau chùa thấy có nhiều bà lớn tuổi đang chuẩn bị hoa quả để cúng Phật. Xen giữa đám người đó tôi thấy có một người đàn bà tuổi độ ngũ tuần trầm ngâm, u buồn, đẹp quý phái. Nhìn bà tôi có cảm tình ngay nên đến gần làm quen:

– Thưa bác, bác đến đây cúng chùa thường không?

Bà nhìn tôi bằng đôi mắt nhiều thiện cảm:

– Chủ nhật nào tôi cũng đến đây.

– Bác đến thường vậy bác có biết bác nào tên là Ngọc Trâm không?

Bà nhìn tôi dò xét:

– Cháu tìm bà Trâm mà cháu không biết mặt bà ta sao?

– Dạ không, thật sự cháu không quen bác ấy. Cháu muốn tìm bác ấy để hỏi chút việc mà thôi.

Bà dịu dàng:

– Bác là Trâm đây, cháu tìm bác có việc gì?

– Ồ! Bác là bác Ngọc Trâm?

Tôi có chút lung túng ngại ngùng, nhưng sau cùng tôi quyết định phải nói rõ lý do tôi đến gặp bà:

– Thưa bác, trước tiên cháu xin bác đừng nghĩ cháu lá là đứa con gái xấu tính. Cháu suy nghĩ đắn đo rất nhiều trước khi gặp bác vì cháu quen với con bác: anh Chinh. Anh ấy muốn cháu đến đây để gặp bác.

Bà mở to mắt nhìn tôi:

– Cháu quen với thằng Chinh con tôi? Hồi nào?

Tôi thành thật đem câu chuyện tôi gặp anh vào một ngày tôi đi thăm mộ anh tôi trong nghĩa trang và như có sự “thần giao cách cảm” gì đó nên tôi và anh lại gặp nhau trong giấc mơ và đã kết làm bạn bè…

Bà lặng nghe tôi kể, nước mắt bà rơi rớt vì cảm động, sau khi tôi dứt câu chuyện bà nắm lấy tay tôi:

– Cháu thật tình muốn làm bạn với con bác sao? Ôi môt người con gái đáng mến! Con bác thật có phước lớn nếu có cô bạn gái như cháu.

Tôi nhìn vào mắt bác không biết nên trả lời làm sao. Bác phải hiểu là tôi muốn làm bạn với anh Chinh nên tôi mới tới đây tìm bác. Điều nầy tôi đã tự thấy xấu hổ rồi vì mình là con gái, vậy mà bác nở bắt tôi phải trả lời. Tôi cúi mặt lặng yên. Bác nhìn tôi một lúc rồi vuốt tóc tôi:

– Thôi được rồi, cháu đi theo bác.

Bác kéo tôi đi vào trong chùa nơi có mấy bàn thờ lớn với rất nhiều hình ảnh, bác chỉ vào một tấm hình trên bàn thờ và nói:

– Thằng Chinh con của bác ở đây.

Tôi giật mình toát mồ hôi, ngỡ ngàng, xót xa, tê tái. Đúng là anh rồi, nét mặt nầy, nụ cười nầy tôi đã từng gặp trong mơ, trời ơi, thì ra người gặp tôi trong cơn mơ chỉ là hồn ma bóng quế. Thảo nào nét mặt anh xanh xao, u buồn, khó hiểu và anh bảo tôi rằng mình gặp nhau quá muộn màng vì anh đâu còn trên dương thế nữa.

Tôi nghe lòng thương cảm biết bao nhiêu, tội nghiệp anh biết bao nhiêu, một người lính trẻ đã chết cho quê hương sông núi khi chưa có một mối tình trọn vẹn mang theo.

Nước mắt tôi chợt ướt đầm trên mặt, tôi thắp cho anh một nén hương và khấn nguyện:

– Anh hãy yên nghỉ đi, đừng lưu luyến chuyện thế nhân làm chi. Ngọc Lan vẫn mãi là đứa em, là người bạn của anh. Anh hãy vui cùng non bồng nước nhược, hãy bay thênh thang trên nẻo Thiên Đường, nơi đó sẽ có nhiều trăng sao hoa cỏ, có nhạc có thơ, không có chiến tranh, không có hận thù, đó là miền vĩnh cửu.

Bác Trâm nói tiếp:

– Hôm nay bác đến đây cúng một trăm ngày cho nó. Chinh trước kia là lính thuộc Sư Đoàn 7 Bộ Binh, nó đã tử thương trong một trận đánh ở chiến trường Cai Lậy gần Mỹ Tho. Không thể nào tả hết nỗi đau đớn của bác khi người ta đưa xác nó về đây, nỗi đau của “tre già khóc măng non” mới bi thiết làm sao cháu ơi! Bây giờ lòng bác vẫn còn như kim châm muối xát, bác ước gì mình được chết thay con, tuổi đời nó còn quá trẻ, mộng ước tương lai còn chờ đợi, vậy mà Chinh đã vội vã bỏ đi…

Bác Trâm đưa chiếc khăn tay lên lau nước mắt. Một lúc sau bác hỏi tôi:

– Hôm nay sau khi cúng xong bác sẽ lên thăm mộ nó, cháu có muốn đi không?

– Dạ, cháu sẽ đi với bác, cháu cũng đến đó thăm anh của cháu luôn. Anh cháu mới mất gần hai tháng nay thôi.

Bác nhìn tôi rồi nói bâng quơ vào hư không:

– Thật tội nghiệp cho tuổi trẻ các con.

Tôi cùng bác Trâm đến nghĩa trang vào buổi xế chiều khi trời bắt đầu nhạt nắng. Lòng tôi lâng lâng, đầu óc hoang mang trĩu nặng không còn biết nghĩ ngợi gì nữa. Gió thổi lồng lộng, những cánh hoa giấy màu tím trước nghĩa trang bay tản mạn trên lối vào. Con đường nầy tôi đã có lần gặp anh lờ mờ trong bóng chiều nhạt nhòa sương khói, hồn ma anh đi lặng lẽ sau tôi mà tôi nào biết, tôi chỉ biết trách anh sao vô tình bỏ đi không từ giã. Giờ đây cũng trên lối cũ tôi lại đi bên mẹ anh, tâm tư tôi chợt nghe đau buốt. Tại sao anh lại trêu ghẹo tôi, làm quen với tôi làm gì? Anh lại cho tôi gặp trong giấc mơ để rồi tất cả chỉ là mây khói khi sự thật đã phơi bày. Anh đã làm tôi hụt hẫng, ngỡ ngàng và cũng xót xa biết bao nhiêu khi nghĩ về thân phận của tôi, của anh!

Bác Trâm vẫn lặng lẽ bên tôi. Chúng tôi hai người, một già, một trẻ đi bên nhau mỗi người theo đuổi nỗi niềm riêng.

Hôm nay có đông người hơn mọi ngày nhưng rất yên tĩnh. Ai cũng trầm ngâm trước mộ người thân với những giòng lệ nghẹn ngào chua xót, không gây tiếng động, không có tiếng khóc than vật vả.

Tôi ghé qua mộ anh tôi trước, đốt vài cây nhang cho anh, niềm đau vẫn đong đầy chưa suy giảm, vẫn còn nghẹn cứng trong lồng ngực tôi. Bác Trâm nhìn vào mộ bia của anh tôi rồi nói thật nhỏ như chỉ để một mình tôi nghe thôi:

– Mới 25 tuổi, cố Đại Úy… giống như thằng Chinh con bác, thật tội nghiệp!

Sau đó bác dẫn tôi đi ra dãy mộ phía sau, cách mộ anh tôi mấy hàng, thảo nào Chinh bảo anh là bạn của anh tôi, đúng là bạn láng giềng.

Nhìn bức ảnh của anh tôi nghe buồn vời vợi, đắng cay dâng ngập trong lòng. Trong giấc mơ hôm nào anh rất quan tâm đến tôi, rất thân thiết với tôi mà giờ đây trước mắt tôi anh chỉ là một nấm mồ vô tri vô giác với hàng chữ lạnh lẽo trên bia:

Cố Đại Úy Thái Ngọc Chinh

Sinh ngày…

Tử trận ngày…..

Tôi ngồi bệt xuống đất, lòng không kềm được xúc động nghẹn ngào, nước mắt nhạt nhòa.

Gió vi vu thoảng qua buồn rưng rức như âm vang lời anh:

– Đừng khóc em, ráng ngoan nghe cô bé.

Thật bi ai chua xót làm sao! Dù chỉ quen anh qua giấc mơ kỳ diệu nhưng tôi có cảm giác đã quen anh thật lâu rồi, sự việc xảy ra quá bất ngờ ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi không muốn tin là sự thật, nhưng đó rõ ràng là sự thật không thể nào phủ nhận, anh đã thuộc về cõi hư vô!

Ôi thương tiếc làm sao, đáng kính phục làm sao những anh hùng không tên tuổi. Anh cũng như anh của tôi đã âm thầm nằm xuống cho quê hương, các anh đã đem máu xương báo đền non sông tổ quốc, các anh nằm xuống cho bao người được sống, có mấy ai biết được sự hy sinh của các anh? Tôi nghe mặn đắng bờ môi, tim nhói đau nghèn nghẹn. Tôi chợt nhớ đến một bài hát thật buồn, thật xót xa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên, tiễn đưa anh trong một ngày buồn, đất ôm anh đưa về cội nguồn.

Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh, như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình.

Nơi đây một lần nhìn anh đến, những xót xa đành nói cùng hư vô.

Anh nằm xuống như một lần vào viễn du, đứa con xưa đã tìm về nhà…

Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng Thiên Đường cuối trời thênh thang…

Bác Trâm đứng sau lưng tôi, bác đặt tay lên vai tôi nhỏ nhẹ nói:

– Thôi mình về cháu, không nên ở đây lâu. Bây giờ cháu hiểu vì sao bác ít đến đây chứ? Bác không đủ can đảm đứng nhìn mộ nó, bác không đủ can đảm đối diện với thương đau.

Tôi theo bác đứng lên. Tôi ngước nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm:

– Ông Trời ơi, ông có hiểu được nỗi đau thương, đoạn trường của người dưới trần gian không? Sao chiến tranh cứ mãi dai dẳng trên đất nước tôi để bao lớp trai trẻ phải hy sinh tuổi đôi mươi, phải tan tác cuộc đời trong binh đao khói lửa? Và còn có biết bao mối tình tan tác bẽ bàng vì cuộc chiến nầy?

Tôi chưa phải là người tình của anh mà còn ngậm ngùi như thế thì những người yêu, người vợ của các chiến sĩ nằm đây còn đau đớn đến thế nào!

Tôi theo bác Trâm ra về. Gió lướt thướt đuổi theo, tôi có cảm tưởng như linh hồn anh đang bay theo tôi, không muốn rời tôi. Hoa lá tung bay lả tả trên lối về và nước mắt tôi chợt rơi rớt theo từng bước chân buồn rời rã. Bên tôi bác Trâm cũng đang đưa chiếc khăn tay lên lau những dòng nước mắt.

Sau lưng chúng tôi nghĩa trang vẫn hoang sơ lặng lẽ muôn đời.


Vi Vân