Đây là bài thứ ba trăm mười chín (319) của người
viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ
Oregon Thời Báo.
Cứ mỗi lần Tháng Tư đến là chúng ta được nghe, được
đọc những bài thơ, bài văn, bài nhạc nói về Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư. Ai
trong chúng ta cũng có niềm đau nỗi nhớ về ngày đau buồn này.
Trước năm 1975 tôi được bổ nhiệm về làm việc tại Bộ
Xã Hội- Sàigòn.
Sau ngày 30 tháng Tư 1975, cuộc “đổi
đời” đã đến với toàn dân nước Việt và đến với gia đình tôi. Bộ Xã
Hội giải thể, tôi phải về làm “bà mẹ quê” nuôi gà nuôi vịt ở Thủ Đức một thời
gian. Sau đó, gia đình nhỏ bé của chúng tôi dọn về sống với cha mẹ tôi để
giữ gìn ngôi nhà 3 tầng vì có tin đồn gia đình nào có nhà cửa rộng rải, to lớn
quá mà ít người ở thì sẽ có người mới vào ở chung. Từ đó, tôi trở thành
một bà bán bánh mì và bánh ngọt ở trước cửa nhà của một người quen. Khách mua
bánh mì thấy tôi vụng về khi làm ổ bánh mì để bán đã phải thốt lên rằng: “Bà
không phải là người bán bánh mì chuyên nghiệp rồi?” Đúng quá rồi
còn gì chối cãi cho được! Một người chuyên môn cầm viết để ký tên
trên các bảng báo cáo của nhân viên trình lên cho tôi ký gửi lên thượng cấp thì
làm sao biết cầm con dao cắt ổ bánh mì, cầm đủa nhét thịt, nhét đồ chua vào ổ
bánh mì nhanh nhẹn và khéo léo cho được. Lúc đó tôi cũng chỉ biết mỉm
cười đáp lễ mà không trả lời gì cả. Nhưng nụ cười ngày ấy dĩ nhiên là
“cười trong nước mắt” chứ không phải là “nụ cười sảng khoái” như bây giờ.
Smile!
Rồi những áp lực về cuộc sống, về tinh thần đã
làm cho chúng tôi quyết định phải ra đi.
Theo vận nước nổi trôi, tôi lưu lạc nơi xứ người. Nhờ Trời Phật ban phúc lành, gia đình bé nhỏ của tôi được xum họp, đoàn tụ với các em của tôi như cha mẹ chúng tôi hằng mong muốn. Chúng tôi đã chọn Portland là quê hương thứ hai của chúng tôi và chúng tôi đã sống ở nơi đây hơn 30 năm rồi. Đời sống tình cảm của tôi lại gắn liền với từng bụi cỏ, từng gốc cây, từng tên đường ở Portland như tôi đã sống ở Sàigòn ngày cũ.
Bạn bè tôi đã đến thăm viếng nơi đây.
Người viết cũng đã đưa bạn đi viếng thăm nhiều thắng cảnh đẹp ở Portland
như vườn hồng Portland, thác Multnomah, núi tuyết Mount Hood, v..v..
Nhiều người đã bảo nơi này đẹp như Đà Lạt nhưng mưa buồn quá! Người
viết cũng đã xúc cảnh sinh tình viết nên bài thơ Portland Thơ Mộng nhắn nhủ với
bạn bè chưa đến hoặc đã đến Portland thì xin hãy “để quên con tim” ở
Portland sau khi đã đến nơi đây:
Portland Thơ Mộng
Portland cảnh đẹp người hiền
Ở đây mà sống như tiên trên đời
Thu vàng, hồng nở, tuyết rơi
Sương lam lãng đãng chơi vơi mộng tình
Môi hồng, má đỏ xinh xinh
Ngày xưa Đà Lạt chuyện tình nên thơ
Bây giờ vật đổi sao dời
Portland sống lại một thời dấu yêu
Bạn xưa còn lại bao nhiêu?
Bạn nay xin giữ cho nhiều mến thương
Rồi đây vạn nẽo đường trường
Bạn về có nhớ có thương nơi này
Thì xin tay nắm lấy tay
Trao nhau lời chúc: “Mai này gặp nhau”.
Sương Lam
Xứ Mỹ có nhiều tiểu bang cảnh đẹp hữu tình, có
nhiều thành phố to lớn tráng lệ thì Portland, nơi người viết cư ngụ, chỉ là một
thành phố nhỏ “mưa buồn tỉnh lẻ” mà nhạc sĩ Từ Công Phụng đã
đặt tên là “Xứ Thầm Trầm”. Nhưng đối với tôi, Portland lại là một thiên
đàng hạnh phúc vì ở nơi này tôi có tình thân mến của bạn bè, tôi có gia đình
nhỏ bé của chúng tôi sống vui vẻ, hạnh phúc trong yêu thương, tôi có không gian
tĩnh lặng êm đềm của những người đã “ngựa nản chân bon” trên bước đường danh
lợi, bây giờ thích sống an phận thủ thường.
Mái ấm gia đình của tôi không to lớn, phòng ốc nhà
tôi không rộng rãi trưng bày đồ vật quý giá mà chỉ là một ngôi nhà nho nhỏ, bé
bé xinh xinh với hoa vàng trước ngõ, khóm trúc bên hiên như tôi đã từng mơ uớc
khi tôi còn là một cô thiếu nữ đầy mộng mơ.
Tôi cũng đã từng cắp sách trở lại trường nơi xứ Mỹ
sau khi chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Bằng cấp ngày xưa chỉ là những kỷ vật đáng yêu,
đáng quý để mà nhìn ngắm khi trà dư tửu hậu mà thôi. Trong thực tế, tôi phải đi
“học đại” “đại học” để có tiền từ những“Basic Grant,” từ những “Work Study” hầu
có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn v.v... trong những bước đầu
làm lại cuộc đời từ con số không nơi xứ lạ quê người sau khi gia đình tôi vượt
biên đi tìm tự do ở nơi phương trời xa lạ. Ði học lại vào lúc tuổi đã hơn ba
mươi không phải là chuyện dễ dàng với một kẻ sống nhiều về tình cảm, đầy ấp
những kỷ niệm về quá khứ và những lo nghĩ về tương lai như tôi.
Xin hãy cảm thông tâm tình của người viết trong
những ngày đi học đầu tiên của khóa mùa Thu ở “đại học trường làng”
Portland Community College ở Portland, Oregon.
“Khi còn ở quê nhà chốn cũ
Vẫn mơ về bến mới Tự Do
Nào hay đâu đã đến được bờ
Lại mang nỗi u hoài khó tả
Những buổi sáng trên đường tới lớp
Trời Thu buồn khắp nẻo sương giăng
Bao niềm thương nổi nhớ xa gần
Trong thoáng chốc quay về lũ lượt
Nào cha mẹ, trường xưa, bạn cũ
Nào những ngày khốn khổ điêu linh
Nào bao nhiêu kỷ niệm, ân tình
Hình ảnh ấy bao giờ xóa được"
Rồi tôi lại ngậm ngùi khi nhớ về Saigon:
"Từng thu đến, lại từng thu đến
Gió lạnh về tê tái, cô đơn
Kẻ sĩ xưa ôm mối đau hờn
Nơi xứ lạ sống đời viễn khách
U hoài ấy biết ai tâm sự
Nữa cuộc đời sống ở quê hương
Saigòn ơi! Cách biệt đôi đường
Còn gì nữa, để quên để nhớ!"
(Saigon Còn Gì Ðể Quên Ðể Nhớ - Thơ Sương Lam)
Những thân hữu cùng trang lứa, cùng tâm sự như tôi
chắc hẳn cũng mang nỗi u hoài như tôi, bạn nhỉ?
Từ ngày sang xứ người, tôi an phận làm một cô giáo
tầm thường ở Portland cho đến ngày tôi vui thú điền viên. Tôi thấy vui vui khi
nhìn những đứa bé tung tăng theo chân mẹ hay cha đi đến trường trong ngày đầu
tiên, nhất là những em bé lớp Head Start, lớp Pre-School và lớp mẫu giáo. Có em
khi đến lớp rồi vẫn giữ chặt tay mẹ, khóc lóc không chịu vào lớp, có em thì dạn
dĩ hơn, vừa vào lớp là chạy ngay đến bàn đồ chơi lấy giấy tô màu xanh xanh đỏ
đỏ ngay. Nhìn em bé ngồi khóc lóc bên trong, nhìn bà mẹ đứng lo lắng bên ngoài,
tôi thấy thương cả mẹ lẫn con, bạn ạ!
Ôi! Hình ảnh, tình cảm thiêng liêng tuyệt đẹp giữa
Mẹ và con này đã làm tôi nhớ lại mẹ tôi cũng đã lo lắng, thương yêu tôi như
thế:
"Có những niềm vui suốt đời nhớ mãi:
Thuở tuổi ấu thơ, theo mẹ đến trường
Mẹ nắm tay con, gửi trọn tình thương
Con đã vào lớp, mẹ còn trông ngó"
(Có Những Niềm Vui - Thơ Sương Lam)
Rồi từ những kinh nghiệm trong quá khứ, người viết
đã học được nhiều bài học về sự biết ơn.
Bên cạnh sự biết ơn tổ tiên, cha mẹ, thầy cô, chúng
ta phải biết ơn những người chiến sĩ đã hy sinh cho tổ quốc để bảo vệ màu cờ
vàng ba sọc đỏ, chúng ta phải biết ơn những đồng minh đã chung vai bảo vệ lý
tưởng tự do, chúng ta phải biết ơn người dân nơi chúng ta đến định cư đã giúp
đỡ chúng ta trong những ngày đầu bắt đầu xây dựng cuộc sống mới nơi xứ người
v…v…
Và chúng ta cũng đã học được bài học là mình phải
tự mình đứng lên và tự lo cho mình sau khi bị vấp ngã.
Người viết xin mượn câu chuyện Thiền dưới đây để
làm kết luận cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.
Câu chuyện con lừa
Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy
chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ
trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: con lừa đã già, dù
sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con
lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào
giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thảm thiết.
Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn
xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc
mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại
bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên
miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.
Cuộc sống sẽ đổ rất nhiều thứ khó chịu lên người
bạn. Hãy xem mỗi vấn đề bạn gặp phải là một hòn đá để bạn bước lên cao hơn.
Chúng ta có thể thoát khỏi cái giếng sâu nhất chỉ đơn giản bằng cách đừng bao
giờ đầu hàng
(Nguồn: Sưu tầm trên internet)
Chúng ta ra đi đem gì từ quê hương?
Đối với ngưòi viết, đó là mộng ước được ngắm “hoa
vàng trước ngõ, khóm trúc sau hiên” nơi mái ấm gia đình của tôi, mà người viết
đã ấp ủ từ lâu khi còn ở quê nhà nước Việt và nay đã thực hiện được nơi quê
hương thứ hai của tôi ở Portland, Oregon qua các youtube dưới đây do người viết
thực hiện:
1- Youtube Hoa Vàng Trước
Ngõ
2- Youtube Khóm Trúc Bên
Hiên
Xin cảm tạ Phật Trời đã ban phúc lành cho gia đình
chúng con.
Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an
lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm
trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi- MCTN 319-ORTB 727-42716)
Sương Lam
Cám ơn Tố Kim đã chuyên chở tiếp tâm tình Tháng Tư Nỗi Nhớ của chị SL đến những người bạn văn nghệ của em. Niềm đau nỗi nhớ về Tháng Tư oan nghiệt này đã đọng lại trong trái tim tình cảm của chúng ta thành bài thơ lời hát mà suốt đời chúng ta luôn nhớ mãi, phải không em?
ReplyDeleteChúc gia đình em an vui nơi đất Úc xa xôi, em nhé.
Chị Sương Lam