Pages

Monday, May 14, 2018

Khi Bức Màn Hạ Xuống - P. J. Honey, Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch


 16 tháng Tư, 1975 

Cộng sản Việt Nam không phải là nhóm nông dân chân đất lý tưởng chiến đấu bằng vũ khí thô sơ tự chế để giải phóng Việt Nam ra khỏi ách đô hộ của ngoại bang, hay là những người yêu chuộng hòa bình phải miễn cưỡng xử dụng bạo lực chống lại những đồng bào thối nát, được đồng đô la Mỹ nuôi dưỡng, đang đày đọa nước Việt Nam. Buồn thay ta cần phải bày tỏ điều này vì rất nhiều người ở Phương Tây chấp nhận không suy nghĩ hình ảnh ấy mà cộng sản và những kẻ thân cộng ra sức truyền bá bất chấp tất cả sự thật.

Họ là phong trào xâm lược bành trướng đã kiểm soát Bắc Việt và phần lớn ba nước láng giềng Lào, Cambodia, và Nam Việt. Họ là những người Phổ ở Đông Nam Á, tuy cực lực lên án người Nam Việt chấp nhận viện trợ Mỹ, nhưng chính họ hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ về quân sự và kinh tế tế từ Nga, Trung Quốc, và các nước còn lại trong khối cộng sản.Họ áp đặt lên nhân dân Bắc Việt một trong những mức sống thấp nhất trên thế giới để quân đội họ có thể tiến hành xâm chiếm nước ngoài. 

Trước tiên, chế độ ở Bắc Việt là toàn trị. Hay chính xác hơn toàn bộ quyền lực đều thuộc về một đảng chính trị duy nhất, tức đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản, mà kiểm soát chính quyền, lực lượng vũ trang, công an, báo chí, phát thanh và truyền hình, kinh tế, lao động, sự đi lại của dân chúng và nhiều thứ khác. Công dân Bắc Việt không được tự do rời khỏi nước hay thậm chí không được đi lại trong nước nếu không được phép. Nhiều nhu yếu phẩm hạn chế, có cưỡng bách quân dịch và có thể có cưỡng bách lao động bất kỳ khi nào nhà cầm quyền cộng sản muốn. Bắt giam tùy tiện và không có việc khiếu nại bắt giam, trong khi ấy các bản án thường rất nặng, như trong trường hợp một thanh niên bị kết án 14 năm tù và bị tước quyền công dân vì chơi nhạc Phương Tây. Một số viên chức cấp cao, những người như Trần Đại Nghĩa, chủ nhiệm các ủy ban nhà nước hay phó hiệu trưởng trường đại học tổng hợp Hà Nội, tiến sĩ Lê Văn Thiêm, đều tích cực ủng hộ Hitler. 

Chế độ đặt dưới sự lãnh đạo của 11 người lập thành bộ chính trị của ủy ban trung ương đảng Cộng Sản và chỉ những người này trong họ mới cùng nhau ra mọi quyết định chính. Uỷ ban trung ương, mà nhóm họp định kỳ, ngoan ngoãn phê chuẩn những quyết định này còn chính phủ chỉ là tổ chức hành pháp thực hiện những quyết định này. Ở Việt Nam chỉ có một đảng Cộng Sản mặc dù một đảng khác chỉ hư danh, đảng Nhân Dân Cách Mạng thành lập cho Nam Việt vào năm 1962 là để khiến cho những người ngoại quốc ngây thơ tưởng lầm rằng Việt Cộng ở miền Nam không lệ thuộc vào cộng sản Bắc Việt. Lúc sinh thời của Hồ Chí Minh bộ chính trị chấp nhận dễ dàng sự lãnh đạo của ông nhưng sau khi ông chết những sự khác biệt giữa các thành viên bộ chính trị trở nên rõ ràng. Những sự khác biệt này chỉ về cá tính và cách thức, vì không có sự bất đồng về mục tiêu cuối cùng. 

Cộng sản Việt Nam là sáng tạo của Hồ Chí Minh, và đảng vẫn còn biểu hiện những đặc trưng mà ông đã giáo dục cho đảng. Hầu như không có gì giả dối cho bằng hình ảnh nổi tiếng của Hồ như một người yêu nước thánh thiện, sống giản dị chỉ quan tâm đến công cuộc giải phóng dân tộc ông ra khỏi thân phận nô lệ ngoại bang. Là cộng sản tự phong, Hồ tàn nhẫn đến mức bán đứng lãnh tụ quốc gia Phan Bội Châu cho nhà cầm quyền Pháp ở Thượng Hải để loại trừ một địch thủ và dùng tiền thưởng ấy làm nguồn tài chính cho các hoạt động chính trị của mình. Ông đã rất cố ý khi chọn mặc áo quần nông dân giản dị và chọn phong cách hiền lành khi ông nhận thấy tác động chính trị của Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Hồ có sự nhạy bén chính trị khi lợi dụng lòng yêu nước của người Việt cho những mục tiêu cộng sản của ông, và ông làm cho ý thức hệ cộng sản trở nên dễ chấp nhận hơn bằng cách diễn đạt nó bằng tiếng Việt bình dân thay vì bằng thuật ngữ Mác-Lê không tự nhiên. 

Có lẽ kinh nghiệm chấn thương tâm lý nhất trong cuộc đời sống thọ của Hồ, và kinh nghiệm tạo ra ấn tượng không thể nào quên được đối với ông là việc Quốc Dân Đảng bất ngờ quay sang chống lại người cộng sản hợp tác với họ vào năm 1927, khi nhiều người cộng sản Trung Quốc bị giết chết còn bản thân Hồ thoát được chỉ nhờ ông có hộ chiếu Nga. Từ đấy về sau ở Việt Nam ông không bao giờ chịu chia xẻ quyền lực với những người không cộng sản và ông khiến cho toàn đảng lây nhiễm nỗi sợ hãi gần như bệnh hoạn về điều này. Những trung tâm quyền lực đối thủ tiềm tàng, dù thể chế hay cá nhân, đều luôn luôn bị tiêu diệt tàn bạo. 

Đặc trưng của việc Hồ cướp quyền lực ở Hà Nội là sự sát hại hàng loạt những đối thủ chính trị bao gồm Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, và các phong trào quốc gia khác, còn những viên chức Nhà Nước như Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm, đều bị giết chết cũng như Tạ Thu Thâu trốt-kít. Vào năm 1954, cái gọi là cải cách ruộng đất với khẩu hiệu là "Thà giết lầm mười người còn hơn bỏ sót một kẻ thù", đã gây ra cái chết của độ 100.000 người và châm ngòi cho cuộc nổi đậy công khai của những người nông dân tay không. 

Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cuồng tín, kiên định, và nhất quán trong công cuộc theo đuổi mục đích của họ. Họ coi cuộc đấu tranh trường kỳ của họ là một chiến dịch tổng hợp bao gồm cả quân sự lẫn chính trị và chúng phải phục vụ cho lợi ích lẫn nhau. Vì vậy, khi Bắc Việt đồng ý tổ chức hội nghị ở Paris trong suốt năm 1968, họ dùng chính trị để giảm bớt áp lực quân sự cho quân đội bại trận của họ và để ngừng cuộc ném bom Bắc Việt, không phải để thương lượng một giải pháp mang tính thỏa hiệp nhằm kết thúc chiến tranh. Cố Tổng Thống Johnson đã không hiểu điều này. 

Một lần nữa, khi Lê Đức Thọ nhượng bộ tiến sĩ Kissinger vào tháng Mười, 1972, Thọ làm vậy để giải tỏa áp lực cho quân đội cộng sản đang tháo lui. Về sau, những tính toán sai lầm của Hà Nội đã gây ra cuộc ném bom vào tháng Mười Hai, 1972, nhưng theo thỏa thuận cuộc ném bom ngừng lại để chấp nhận bản dự thảo hiêp định ngừng bắn. Qua giải pháp Paris Bắc Việt có được sự rút lui của Mỹ và quyền hiện diện quân sự hợp pháp ở Nam Việt. Đúng ra, Bắc Việt đã đồng ý rút quân ra khỏi Lào và Cambodia và cam kết không tiến hành xâm lăng quân sự ở Miền Nam, nhưng những cam kết này chỉ là những nhượng bộ mang tính chiến thuật của phong trào mà về lâu dài Bắc Việt không có ý định tôn trọng. Như thế giới đã thấy, Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm mọi điều khoản của hiệp định ngừng bắn Paris như vào lúc ký hiệp định tôi nói họ sẽ vi phạm. 

Cho dù Quốc Hội Hoa Kỳ có thể hợp lý hóa như thế nào chăng nữa; cho dù những người biện hộ cho cộng sản trong thế giới tự do có thể biện hộ như thế nào chăng nữa; cho dù các đài phát thanh Hà Nội hay "Giải Phóng"có thể phát đi những lời hứa hẹn hòa giải gì chăng nữa thì chiến thắng của cộng sản ở Nam Việt sẽ gây ra những cuộc giết người trên phạm vi lớn. Toàn bộ hồ sơ trong quá khứ của giới lãnh đạo Cộng Sản, sát hại hay bắt cóc 5.800 thường dân ở Huế trong 26 ngày Cộng Sản chiếm đóng vào năm 1968, trong suốt nhiều năm Cộng Sản không ngừng ám chỉ đến "những món nợ máu" "phải trả", đến "tội ác" của "bọn ác ôn" hay "bè lũ tay sai", những sự kiện kinh hoàng diễn ra theo sau cuộc tiếp quản của Cộng Sản ở Bắc Việt, và những lời chứng của những người được Bắc Việt phái đi thực hiện cuộc tiếp quản ấy khiến ta không còn nghi ngờ gì mữa. 

Đầu tiên Cộng Sản sẽ yêu cầu những người ngoại quốc phải rời khỏi Việt Nam và rồi, đằng sau biên giới bị đóng lại, họ sẽ thanh toán tất cả những người nào, những nhóm nào và thể chể nào mà họ tin sẽ gây đe dọa cho chế độ. Họ sẽ trả thù "những kẻ có tội", mà tội của những người này là phục vụ Chính Quyền Nam Việt được thiết lập hợp pháp hay chống cộng sản ở mọi cấp, địa phương, tỉnh hay toàn quốc. Nếu cuộc tắm máu xảy ra, nó không phải là cái cớ cho những người chẳng làm gì để ngăn cản nó nói rằng họ đã không biết. Tất cả những ai mà cho rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ không trả thù đang làm bộ không biết đến những bằng chứng rất nhiều và không thể tranh cãi. Những người này đang đánh cược ý kiến cá nhân của họ trên sinh mạng có lẽ của hàng triệu người Miền Nam Việt Nam. 


P.J. Honey (1922-2005) là học giả Anh chuyên nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Ông từng sống ở cả hai miền Bắc và miền Nam Việt Nam, và rất thông thạo tiếng Việt. Ông đã dịch tác phẩm của học giả Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), sang tiếng Anh. 

Nguồn: 
Dịch từ báo Anh London Daily Telegraph số ra ngày 16 tháng Tư, 1975. Bài báo được một dân biểu Mỹ đề cập đến ở Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 21 tháng Tư, 1975. Tựa đề tiếng Việt của người dịch. 

Người dịch:


No comments:

Post a Comment