Pages

Friday, October 19, 2018

Một Xã Hội Tàn Nhẫn - Đỗ Duy Ngọc


Một đứa bé sáu tuổi bị cắt cổ chết ngay trước ngưỡng cửa nhà mình bởi một nhát dao oan nghiệt không duyên cớ.

Một sinh linh mới hơn hai mươi ngày tuổi bị chính bà nội của mình siết cổ cho chết vì tin lời thầy bói.
Một cô bé mới lớn tự kết liễu đời mình vì bị hiếp dâm mà những người thi hành công vụ lại toa rập với thủ phạm, em oan ức tìm cái chết để phơi bày sự thật.
Những đứa trẻ vẫn ca bài Cô giáo như mẹ hiền khi những cú đạp, cái tát, cú đấm vẫn hàng ngày dồn dập trên thân thể bé bỏng của chúng do chính những cô giáo gây nên.
Một đứa bé mới bảy tuổi đang ở cùng cha ruột và mẹ kế bị dí sắt nóng vào mặt. Ai cũng chối nhưng chắc chắn phải có kẻ hành hạ như thời trung cổ với đứa bé ấy gây nên những vết phỏng, mà đứa bé lại là con của mình?

Hàng ngày, xã hội ta nhan nhản những câu chuyện đau lòng như thế.

Những đứa trẻ ấy có tội gì không? Chúng vô tội.

Và những kẻ giết người và hành hạ trẻ con ấy nhân danh cái gì để làm điều tàn ác đó? Cũng chẳng có nguyên nhân gì rõ rệt.
Có người cho rằng nó bắt nguồn từ thượng tầng. Ở trên cao, người ta vặt lông nhau, âm mưu triệt hạ nhau, dùng mọi thủ đoạn để hạ bệ nhau để đưa đến dưới hạ tầng mục nát sẵn sàng cắt cổ lẫn nhau để được sống và vinh thân.

Có một thời người ta cho rằng những vấn đề của xã hội chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của một thời đại. Thế nhưng, càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng những hiện tượng đó bắt nguồn từ bản chất của một thể chế, của những chính sách man dã không còn phù hợp với xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Xã hội chúng ta đang sống trở thành nơi chốn man rợ và tàn nhẫn, người ta giết nhau chẳng bởi lý do nào. Càng văn minh, con người càng ngu muội. Con người đối xử với nhau còn tệ hơn súc vật. 

Những con vật không ăn thịt đồng loại, những con vật đoàn kết, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau để tồn tại. Còn con người hôm nay, trong xã hội này hầm hè, ăn tươi nuốt sống nhau nhiều khi chẳng vì lý do nào hoặc chỉ bởi những điều phi lý. Con người đã bị đánh mất lương tri hay được giáo dục ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình và phủ nhận những gì còn lại. Xã hội dạy cho họ toàn điều ác, và những kẻ ác sẽ có sức mạnh và thành đạt. Và từ đó người ta đem cái ác để đối xử với nhau, cuộc sống trở thành nơi mạnh được yếu thua, mọi chân lý đều được giải quyết bằng bạo lực.

Người ta thống kê được rằng, đã có hơn 260 sinh mạng đã trở thành xác chết sau khi được đưa vào đồn công an. Thế là, nơi đáng lẽ là chốn thực thi luật pháp trở thành lò sát sinh. Ai cho phép điều ấy xảy ra? Chẳng có ai trả lời. Những người nắm quyền lực ngó lơ cho tội ác tiếp diễn, những kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ và lên chức đều đều. Chỉ có những người đã chết và gia đình của họ vẫn tự hỏi tại sao bản thân và người thân của mình phải chết. Vẫn chẳng có câu trả lời. Xã hội đầy dẫy chuyện vô lý và những cái chết phi lý.

Thế mà khi có người phản ánh những hiện thực đó lại bị nhiều người lên án, cho rằng chỉ nói đến tiêu cực. Họ yêu cầu mang tính tích cực trong các bài viết, họ vẫn cho rằng “ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”. Khi nêu những hiện tượng xấu của các cá nhân và xã hội, họ yêu cầu có bằng chứng, đòi phải chứng minh. A ha! Có cảm tưởng như bọn họ đang ở hành tinh khác và có một cuộc sống khác, cách thở khác với mọi người. Họ làm người mù, kẻ điếc và người câm để nhận những ân sủng.

Có người phẫn uất với những vấn đề của xã hội, họ thấy có trách nhiệm phải cất lên tiếng nói, đó là trách nhiệm công dân. Và đôi lúc họ phải nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc.

Có loại người nhìn thấy những vấn nạn của chế độ, của xã hội nhưng vì hèn nhát, sợ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của mình nên đành im lặng, nhẫn nhục mà sống. Đôi lúc cũng phải cảm thông cho họ.

Khốn nạn nhất là loại người tầm nhìn không qua cửa sổ nhà mình, chỉ biết nghĩ đến bản thân, vẫn ca ngợi và đề cao những điều khốn nạn đang xảy ra hàng ngày. Họ không quan tâm tới những người chung quanh, những điều trái khoáy đang diễn ra trước mắt họ. Họ chỉ biết làm tiền, hưởng thụ, làm tình với vợ với chồng, quanh quẩn trong ngôi nhà của mình và cho rằng cuộc sống như thế là hạnh phúc. Họ lên án những người phản ánh những vấn đề của xã hội và cho rằng đang de doạ cuộc sống an bình của họ. Họ thờ ơ với những gì đang diễn ra và bằng lòng sung sướng được sống như đang sống. Họ không biết rằng họ cũng đang tiếp tay với tội ác và họ cũng không nghĩ rằng một ngày nào đó, chính họ và thân nhân của họ cũng sẽ là nạn nhân của một xã hội tội ác.

Nếu không nhận diện được tội ác, chúng ta sẽ trở thành những kẻ tội đồ và cũng sẽ là nạn nhân của tội ác đó. Không thể đồng loã với tội ác, cũng không thể thờ ơ với tội ác. Bởi thế, phải lên tiếng. Bởi vậy phải tố cáo. Trong một xã hội văn minh không thể để những cái chết phi lý và phi nhân cứ tiếp tục tiếp diễn.

Chúng ta vẫn đang phải sống trong một xã hội tàn nhẫn và trách nhiệm của mỗi người là xoá bớt, xóa sạch cái ác để cuộc sống tốt đẹp hơn.

29.11.2017
DODUYNGOC

1 comment:

  1. Thượng bất chánh hạ tắc loạn.Muôn tội trong dân là tội của nhà nước.

    ReplyDelete