Con
người luôn có tính xã hội và thường bị ảnh hưởng của đám đông. Đó là điều
rất tự nhiên mà chúng ta thấy khi đại dịch xuất hiện, ngày càng có nhiều người
hoang mang. Nhất là khi gia đình có người là nạn nhân của con virus này,
sự buồn bã và lo âu chắc tăng lên gấp bội. Làm sao để cho tâm bất biến giữa
dòng đời vạn biến là điều không dễ chút nào. Ai cũng thuộc lòng câu: “Dù
ai nói ngả nói nghiêng… lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”, nhưng mấy ai
làm được?
Chắc
hẳn ai cũng có cách để thích nghi với dịch bệnh. Khi ở nhà, mỗi người đã
có những sáng kiến để giữ cho bầu không khí gia đình được bình an. Dù
virus có đảo lộn mọi thứ, tác động khủng khiếp đến mọi khía cạnh của đời sống,
nhưng ai cũng trấn an để mong cùng nhau vượt qua thách đố này trong an
bình. Đó là khao khát muôn thuở của con người. Không chỉ trong đại
dịch lần này, nhưng mọi bôn ba của kiếp người chẳng phải để tìm được bình an đó
sao?
Chắc
ai cũng hiểu bình an là sự yên ổn, êm đềm của cuộc sống. Ở đó không có hận
thù, sợ hãi và hoang mang. Bình an trong tiếng Do Thái còn có nghĩa là an
lạc, hạnh phúc. Người Do Thái thường chào nhau với hai chữ: Bình an
(Sa–lom). Chào như thế vì họ không chỉ thể hiện tương quan với nhau,
nhưng quan trọng hơn, họ có chung một Thiên Chúa là nguồn bình an cho con người.
Chúng
ta thấy khung cảnh lúc Đức Giêsu chết cũng không khác nhiều bối cảnh lúc
này. Các môn đệ hoang mang cực độ. Nơi các ông ở lúc đó đều cửa đóng
then cài. Phần vì các ông buồn bã trước cảnh tượng người ta giết thầy
Giêsu, phần vì sợ người ta có thể ám hại cả các ông nữa. Tính mạng của
các ông không mấy an toàn lúc này, nếu ở những nơi công cộng. Các ông buộc
phải cách ly trong hoang mang! Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã
hiện ra với các ông.
Chúng
ta sẽ ngạc nhiên với câu nói đầu tiên của Đức Giêsu: “Bình an cho anh em!” (Ga
20,19). Đó không chỉ là lời chào thăm, nhưng còn là nguồn động viên, “xốc”
lại tinh thần của các ông. Đức Giêsu biết lúc này các ông thực sự cần
bình an. Dù ngoại cảnh có nhiều nguy hiểm, nhưng một khi tâm hồn được
bình an, người ta có thể đón nhận được mọi thứ trong thanh thản. Kết quả
là các ông đã mở toang cửa để loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho toàn dân.
Các ông đến nơi đâu, cũng nói về câu chuyện Đức Giêsu đã chết và nay đã sống lại.
Chính Tin Mừng ấy trao rất nhiều bình an cho thính giả thời bấy giờ. Bởi
thế mà Giáo Hội sơ khai tuy chịu nhiều bách bớ, nhưng người con của Chúa luôn cảm
thấy bình an để làm chứng cho Tin Mừng này.
Thật
đẹp khi trong cảnh khốn cùng, rất nhiều người thốt lên với Đức Giêsu Phục Sinh:
“Lạy Chúa xin ban bình an cho chúng con và toàn thế giới.” Thiên Chúa là
nguồn của mọi bình an (Ep 2,14). Bình an của Thiên Chúa không như thế gian
ban tặng. Đó là bình an của tâm hồn, của niềm vui nội tâm và của tình yêu
giữa thụ tạo với Đấng Tạo Thành. Đó là quà tặng của Thiên Chúa cho những
ai đặt niềm tin nơi Ngài. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta
được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và tự do. Đừng quên
bình an nội tâm là nền tảng của sự bình an trong gia đình, trong xã hội và trên
thế giới.
Chắc
hẳn khi ở nhà quá lâu, sống trong cảnh dịch bệnh kéo dài, nguy cơ mất bình an
là có thật. Bởi đó, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều lời hướng dẫn hữu ích
để tạo cho mình được bình an. Là người Công Giáo, chúng ta may mắn có
Thiên Chúa luôn trao bình an cho mỗi người. Dĩ nhiên bình an ấy không
dành cho những ai lười biếng ngồi chờ sung rụng. Thiên Chúa đòi con người
cộng tác một chút, Ngài hứa sẽ ban bình an thật nhiều. Bằng cách nào?
Trong
câu hỏi trên, tôi tin ai cũng có câu trả lời cho riêng mình. Giáo Hội mời
gọi con cái mình cầu nguyện, hướng đến đời sống nội tâm nhiều hơn lúc
này. Mỗi ngày dành cho Thiên Chúa chút không gian và thời gian, để cùng với
Chúa vun đắp bình an cho tâm hồn mình. Thực ra bất kỳ ai liên kết với
Thiên Chúa, người ấy đều có được bình an đích thực. Khi có bình an, người
ta sẽ biết mình nên làm gì và cần phải làm gì trong thời gian đại dịch.
Hãy để sự bình an của Chúa cư ngụ trong tâm hồn mình và để Ngài cất bỏ những lo
âu phiền muộn. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28).
Hẳn
là chúng ta được an ủi trước câu hỏi này: “Trong kế hoạch, Thiên Chúa có định
cho con người phải đau khổ và phải chết không?” An ủi vì: “Thiên Chúa
không muốn cho con người phải đau khổ và phải chết. Từ khởi thủy Thiên
Chúa đã muốn cho con người sống nơi Địa Đàng, được sống mãi mãi, bình an giữa
Thiên Chúa, mọi người, và vạn vật chung quanh. Bình an giữa nam và nữ.”
(Youcat số 66). Tiếc là khi rời Vườn Địa Đàng, người ta luôn có nguy cơ mất
sự bình an này.
Với
chủ đề trên đây, hy vọng mỗi người nhắc mình cần bình an lúc này. Thực tế
là nhiều người quên mất mình đang sống trong bất an. Cảm giác ấy khó chịu
vô cùng! Hãy dừng lại đôi chút để đọc xem điều gì đang diễn ra trong tâm
hồn mình lúc này? Những nhà thiêng liêng chỉ cho chúng ta cách để tìm lại
được bình an: “Hãy giữ tâm hồn bạn bình an. Hãy để Thiên Chúa hành động
trong bạn.
Hãy đón nhận mọi tư tưởng nâng tâm hồn bạn lên tới Chúa.
Hãy mở rộng cửa tâm hồn bạn.” (Thánh Inhaxiô Loyola). Nếu bạn đang
thực sự bình an, hãy tạ ơn Chúa và tiếp tục vui sống với hồng ân của Chúa. Nếu
lòng bạn đang biến động giữa xáo trộn vì Covid–19, thử áp dụng vài phương cách
như thế cùng với Chúa xem sao?
Chúng
ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc lành của Chúa Phục
Sinh: Bình an cho anh em! Hy vọng bình an nội tâm sẽ là sức mạnh để mỗi
người, cùng với Chúa và với nhau, vượt qua những khó khăn, bức xúc và phức tạp
của hoàn cảnh hiện tại. Mong thay!!!
Giuse
Phạm Đình Ngọc SJ
No comments:
Post a Comment