Pages

Wednesday, February 10, 2021

Dấu Ấn Donald Trump - Vũ Linh

President Donald Trump speaks to supporters from The Ellipse near the White House on January 6, 2021, in Washington, DC Getty Images


TT Trump đã về Florida nghỉ hưu. Chẳng ai biết nghỉ hưu thật, vĩnh viễn, hay chỉ là nghỉ ngơi một thời gian. Dù phe DC thành công có được một biện pháp ‘đàn hặc’ cuội nào đó nào để cản không cho ông tham gia chính trường vĩnh viễn, thì ta sẽ vẫn còn nghe và thấy ông Trump dài dài. Gần 75 triệu người hay gần nửa số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông. Hơn nhiều nữa nếu không có gian lận. Đó là con số không thể coi thường.

    Ông Trump có nghỉ hưu luôn hay không thì gia tài ông để lại, cái có thể gọi là ‘chủ nghĩa Trump’, hay ‘trumpism’, chắc chắn sẽ còn nhiều dấu ấn lớn và rất lâu dài, cả hai ba chục năm nữa không chừng.

    Đây là lúc ta xem lại cái chủ nghĩa Trump và thành quả của nó. 

    Và đoán mò tương lai của TT Trump và trumpism.

    Nói cho cùng, TT Trump vẫn chỉ là một ‘công chức người dân thuê’, có trách nhiệm lo cho cuộc sống vật chất của người dân ngày một khá hơn, lo cho những chuyện như công ăn việc làm, sức khoẻ và an toàn, không phải là một thứ người hùng trừu tượng hay một lãnh đạo tinh thần mà người dân phải sùng bái, hay một thứ người mẫu làm gương đạo đức cho thiên hạ. Người công chức đó không thể hoàn hảo, cũng có thể sai lầm.

    Nhưng tổng thống khác các công chức sáng vác ô đi, chiều vác cặp về, ở chỗ có ra đi thì sẽ để lại dấu ấn lớn cho hậu thế, có thể xấu, có thể tốt. 

   TT Trump hành xử như một tổng thống bảo thủ, bảo vệ giá trị gia đình,  luân lý và tôn giáo, tôn trọng sự tự trọng, tự lực cánh sinh, không muốn ai sống bám suốt đời vào trợ cấp, không muốn thấy một Nhà Nước Vú Em chỉ đạo cuộc sống của mỗi người từ trong nôi cho tới khi vào quan tài, đặt quyền lợi của nước Mỹ và dân Mỹ trên hết, và nhất là không u mê trong khói mù xã nghĩa. Và đó chính là định nghĩa của cái gọi là ‘chủ nghĩa trump’, hay trumpism.

    Ông Trump xuất thân là một doanh gia rất thành công. Thực tế cho thấy những doanh gia lớn thường có tính tự tin quá cao, đưa đến tình trạng độc tài, lấy quyết định một mình bất chấp khuyến cáo của phụ tá hay cố vấn, không có sự mềm mỏng khéo léo mà một chính trị gia cần phải có. Ông Trump cũng quá cứng qua việc tuyển chọn phụ tá. Chẳng hạn ông chánh văn phòng John Kelly là một ông tướng thủy quân lục chiến, cứng hơn sắt; ông bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis là một ông tướng TQLC khác, có biệt danh là Mad Dog, Chó Điên. Phần lớn đều là những người có khuynh hướng độc đoán, óc thực dụng, không kinh nghiệm tế nhị chính trị gì.

    Thực tế đã cho thấy, cách làm việc của TT Trump có thể không được tất cả mọi người ủng hộ, nhưng lại có những kết quả cụ thể rất lớn, rất có lợi cho dân Mỹ.

    Muốn đánh giá một tổng thống, các sử gia dĩ nhiên nhìn rất kỹ các thành quả cụ thể của tổng thống dưới mọi khía cạnh, nhưng quan trọng hơn cả là trên các khu vực ngoại giao, quốc phòng, và nội trị. Một trăm năm sau, không ai thắc mắc chuyện đời sống riêng tư hay cá tính của các tổng thống.  

NGOẠI GIAO

    Cả thế giới có thể không ưa TT Trump vì cái đấm ngực ‘America First’ mà họ thấy hết sức khó chịu, nhưng không một ai có thể không nhìn thấy những thành quả hiển nhiên của ông, tất cả đều có lợi cho cả thế giới nói chung chứ không phải chỉ cho riêng nước Mỹ.

- TT Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử cận đại Mỹ đã không chủ trì bất cứ một cuộc chiến tranh mới nào với sự tham gia của Mỹ. Tất cả các TT Mỹ từ TT Woodrow Wilson (Đệ Nhất Thế Chiến) tới TT Obama (Libya) đều đưa nước Mỹ vào một cuộc chiến, lớn hay nhỏ.

- TT Trump là tổng thống đầu tiên từ ngày Do Thái lập quốc sau Đệ Nhị Thế Chiến đã thành công làm trung gian cho cả nửa tá quốc gia Ả Rập ký hòa ước chấm dứt những cuộc chiến triền miên giữa Do Thái và các nước Ả Rập vùng Vịnh.

- TT Trump là tổng thống đã thực sự chấm dứt hai cuộc chiến dai dẳng nhất lịch sử Mỹ tại Iraq và Afghanistan. Cả al Qaeda và ISIS coi như đã xóa sổ. 

- TT Trump là lãnh tụ đầu tiên trên thế giới dám vạch trần ra mối nguy của chủ nghĩa bành trướng của đế quốc đỏ Trung Cộng, trên phương diện chính trị cũng như mậu dịch, cũng là người đã dám cố gắng chặn, dù biết không dễ.

- TT Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đã có thể nói chuyện được với Bắc Hàn, đặt chân lên đất BH trong khi từ chối không cho cậu Ấm Ủn đi Mỹ thương thảo, cho dù các thương thảo chưa đi đến kết quả lâu dài nào, nhưng ít ra cũng khiến Bắc Hàn ngưng thử bom nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa trong gần bốn năm qua.

- TT Trump là người đã thành công, điều đình lại thỏa ước NAFTA ký với hai ông láng giềng Canada và Mễ, thay thế NAFTA, có lợi hơn xa cho nước Mỹ và lao động Mỹ.

- TT Trump đã cắt giảm cho Mỹ cả tỷ tiền cúng cơm cho cả thế giới qua những lạm dụng của cả thế giới, kẻ thù cũng như đồng minh, với những thỏa ước quốc tế không công bằng trong đó dân Mỹ cong lưng gánh chịu hầu hết gánh nặng tài chánh. Một tỷ cho thỏa ước khí hậu Paris, 500 triệu mỗi năm cho Tổ Chức Y Tế WHO, cả tỷ cho ngân sách quốc phòng bảo vệ Tây Âu,…

    Cái mâu thuẫn lớn nhất là những thành quả đó lại đạt được trong khi ông Trump lại là người suốt ngày đấm ngực thình thịch hô “America First!”, coi thiên hạ như ruồi, trong khi cái ông tổng thống suốt ngày khom lưng, cúi đầu xin lỗi tám phương tứ hướng thì lại bị cả thế giới khinh thường, đến Bắc Kinh thì bị cho ra cửa hậu máy bay, với một viên chức hạng bét của bộ ngoại giao ra đón. Đã vậy, lại ký toàn những thỏa ước mà Mỹ lãnh đủ thiệt thòi, như thỏa ước ngớ ngẩn chặn vũ khí nguyên tử với Iran, hay TPP với Á Châu, thiệt hại lớn cho Mỹ đến độ TT Obama không dám mang ra trước thượng viện để phê chuẩn, mà đến cả bà Hillary cũng phải chống năm 2016.

    Cái ông tổng thống Trump này hiển nhiên mù tịt về những chuyện ngoại giao khách sáo, lịch thiệp, nhưng hơn ai hết, biết cách nói chuyện quyền lợi sòng phẳng thực tế với các lãnh tụ thế giới. Đây là cái mà ông Trump gọi là ‘art of a deal”, nghệ thuật thương thuyết. Nguyên tắc sơ đẳng trong nghệ thuật thương thuyết, cụ Tôn Tử ngày xửa ngày xưa đã nói: “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Biết sức ta, biết sức người, điều đình sẽ tất thắng.

 QUỐC PHÒNG

    Về quốc phòng, dưới thời TT Trump, ngân sách quốc phòng chưa bao giờ cao như vậy. Nhưng cái khác biệt căn bản giữa quốc phòng Trump và quốc phòng Obama hay Bush, là TT Trump chú tâm việc bảo vệ lãnh thổ Mỹ chứ không quan tâm lắm đến những trận chiến cách xa nước Mỹ cả nửa trái đất, hay những công tác xây dựng dân chủ tại bất cứ xứ nào. 

    TT Bush con có một lý tưởng cao cả là xây dựng dân chủ theo khuôn vàng thước ngọc Mỹ tại Afghanistan, Iraq,… Nhưng TT Trump học được bài học thất bại của ông Bush, hiểu rõ dân chủ theo kiểu Mỹ không nhất thiết phải là thứ thể chế chính trị thích hợp cho Trung Đông hay cho bất cứ xứ nào khác. 

    Ông quyết định dứt khoát với hai cuộc chiến dây dưa Afghanistan và Iraq để lo thành lập và xây dựng một lực lượng, hay chính xác hơn, một binh chủng hoàn toàn mới lạ, là binh chủng “Không Gian”, để đối phó với một mối nguy quốc phòng cho chính nước Mỹ của kỷ nguyên 21, loại chiến tranh chưa bao giờ thấy trước đây. Đây là loại viễn kiến mà TT Obama không nhìn thấy mà cụ Biden thì còn mù tịt hơn nữa.

    Nhưng thành quả rõ nét nhất của TT Trump trên phương diện quốc phòng, phải nói chính là thái độ quyết liệt của ông với đồng minh Tây Âu, đã có ‘cái gan cùng mình’ là ‘dám’ tố các đồng minh lợi dụng cái dù quốc phòng của Mỹ để trốn tránh trách nhiệm chính mình tự bảo vệ mình. Các đồng minh này hiểu rõ Mỹ cần cái bình phong Tây Âu để chặn mối nguy của đế quốc Liên Xô, rồi đế quốc Nga, nên ỷ y, không chuẩn chi tiền để tự bảo vệ, công khai bán cái cho Mỹ, bắt Mỹ cõng gần hết gánh nặng tài chánh, và dĩ nhiên nhân lực nếu chiến tranh xẩy ra.

    Việc làm của TT Trump dĩ nhiên đã khiến đồng minh bực mình, ngay cả hàng loạt tướng lãnh Mỹ trong đó có tướng bộ trưởng Quốc Phòng Mattis, cũng lo sợ vì họ vẫn khư khư ôm cái chiến lược Mỹ cần đồng minh Tây Âu nên phải đồng ý mọi yêu sách của đồng minh.

    Sự cứng rắn của TT Trump đã đưa đến việc những đồng minh NATO đành phải gia tăng ngân sách quốc phòng của họ, đâu cả trăm tỷ đô, dù họ không vui. Cả trăm tỷ đô đó từ tiền túi của Tây Âu bỏ ra, cũng có nghĩa là bớt, không ra khỏi túi dân Mỹ.  

NỘI TRỊ

Đối nội, có 3 dấu ấn vĩ đại TT Trump đã để lại cho hậu thế: kinh tế, tư pháp và truyền thông. 

KINH TẾ

    Thành quả kinh tế của TT Trump mang lại cho người dân Mỹ mới chính là thành quả để đời, quá lớn, lớn đến độ trong suốt gần hai năm vận động tranh cử tổng thống, không một ứng cử viên đảng DC nào dám hé môi nói về kinh tế, kể cả trong cả chục cuộc tranh luận trên TV.

    TT Trump đã có hai biện pháp với những hậu quả khổng lồ, thay đổi hoàn toàn cuộc diện kinh tế Mỹ, và có lẽ cả kinh tế thế giới luôn.

    Biện pháp đầu tiên dĩ nhiên là biện pháp giảm thuế. Tất cả những người đang đóng thuế đều được giảm thuế. Đóng nhiều giảm nhiều, đóng ít giảm ít, không đóng xu thuế nào dĩ nhiên không được giảm xu nào. Dù vậy, phe đối lập vẫn khai thác lòng tham vô đáy của thiên hạ, xúi dục thiên hạ khiếu nại tại sao Bill Gates được giảm cả triệu mà tôi mỗi năm đóng 100 đô thuế mà không được giảm triệu nào.

    Phần đông thiên hạ chỉ chú ý tới việc có thêm bao nhiêu tiền trong túi khi giảm thuế mà không nghĩ đến chuyện giảm thuế tức là bơm tiền trực tiếp vào kinh tế thay vì cho tiền cho công chức vung ra cửa sổ. 

    Chính vì vậy mà quan trọng hơn xa việc giảm thuế cá nhân, là việc giảm thuế đánh trên lợi nhuận công ty, kể cả lợi nhuận trên kinh doanh ngoài nước, cũng như thuế đánh trên tiền hồi hương về Mỹ, giúp xây dựng lại kinh tế Mỹ.

    Cùng lúc với biện pháp giảm thuế, nhưng có tính trường kỳ và kín đáo hơn là việc thu hồi lại cả ngàn thủ tục và luật lệ hành chánh thư lại rườm rà, vô lý, lăng nhăng, vớ vẩn, chi phối kinh tế, trói tay các sinh hoạt kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh nhỏ. 

    Từ những luật dấm dớ bảo vệ môi trường, môi sinh, cho giới thượng lưu được thở không khí trong sạch, sống lâu trăm tuổi, trong khi dân lao động vì nhu cầu đó, hãng đóng cửa, mất job, không có bữa cơm tối, không biết cả gia đình có thọ tới sáng hôm sau không; tới những luật lệ chống trái đất quá nóng, nổ tung trong 30.000 năm nữa trong khi dân nghèo không có lò than để sưởi cho qua mùa đông. 

    Chưa kể cả ngàn luật ‘văn minh’ nâng đỡ dân da màu làm ít mà lương cao, nghỉ nhiều, đề cao công bằng mà bất cần công suất theo mô thức xã nghĩa Tây Âu,… 

    Hậu quả vĩ đại của giảm thuế và thanh giản hóa thủ tục và luật lệ kinh doanh là các đại tập đoàn Mỹ đã đóng cửa nhiều hãng xưởng ở ngoại quốc, chuyển tiền lợi nhuận về lại Mỹ để mở hãng xưởng, thuê nhân công Mỹ lại. Hàng ngàn tỷ đô từ ngoài nước trở về, hàng ngàn công ty hãng xưởng mới được mở và hàng chục triệu dân Mỹ có job lại. Dưới đây là vài con số chính, dĩ nhiên trước khi COVID thay đổi mọi chuyện:

- Tỷ lệ thất nghiệp xuống tới 3,5%, thấp nhất trong 50 năm qua;

- Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp trong khối dân da đen và da nâu xuống mức thấp nhất trong cả lịch sử Mỹ;

- Trong 3 năm đầu của TT Trump, ông đã tạo 6,5 triệu việc làm mới, trong khi mức lương trung bình của dân Mỹ tăng vọt.

    Đúng là TT Obama cũng tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng cái khác biệt lớn là việc làm của Obama tạo ra là những việc làm với mức lương thấp trong những ngành lương thấp như công chức, nhà hàng ăn nhanh -fast food industry-, hay WalMart; hay những việc làm bán thời, không có những đặc quyền bổng lộc gì khác, chẳng hạn như không có bảo hiểm y tế, không có nghỉ hè ăn lương, không có nghỉ ăn lương để đập bầu, không có thâm niên. Trong khi các ngành trả lương cao và nhiều bổng lộc như các thợ thuyền kỹ nghệ sản xuất hay công nghệ cao thì ngày càng suy thoái. Đến độ TT Obama còn phải khuyến cáo họ “đi học nghề khác đi”. Cho đến khi ông Trump xuất hiện, và đúng như TT Obama đã nói, phép lạ đã xuất hiện, phục hồi lại cả chục triệu việc làm cho dân vùng kỹ nghệ quanh Đại Hồ.

http://www.nytimes.com/2014/04/28/business/economy/recovery-has-created-far-more-low-wage-jobs-than-better-paid-ones.html

    Tổng sản lượng quốc gia dưới thời Obama có tăng, kinh tế dưới thời Obama có phục hồi sau cơn tsunami của cuối năm 2008. Nhưng đó là phục hồi kinh tế yếu nhất và chậm nhất trong lịch sử cận đại Mỹ, theo các chuyên gia kinh tế của CNN.

http://money.cnn.com/2016/10/05/news/economy/us-recovery-slowest-since-wwii/index.html?iid=EL

    Cả nước lấy lại niềm tin ở tương lai kinh tế.

   Cứ nhìn vào thị trường chứng khoán thì hiểu. Thị trường chứng khoán bề ngoài là chỉ số trị giá của các cổ phiếu các công ty, nhưng hiểu cho rõ, đó chính là chỉ số có tính cách đầu cơ, đo lường niềm tin của thiên hạ vào tương lai kinh tế. Thiên hạ không tin vào tương lai kinh tế, sợ hãi, bán cổ phiếu, chỉ số thị trường giảm. Trái lại, người dân tin tưởng ở một tương lai sáng hơn, đổ xô đi mua cổ phiếu, chỉ số tăng.

    Cái khác biệt giữa phục hồi Obama và phục hồi Trump có lý do rất giản dị: Obama không thiết tha với phục hồi quá nhanh, nhiều người thoát vòng kim cô trợ cấp, ăn nên làm ra, phú quý sinh lễ nghĩa, bỏ đảng DC theo CH, không còn ai bầu cho đảng DC. Càng nhiều người thất nghiệp thì càng nhiều người nô lệ trợ cấp, càng nhiều cử tri cho đảng DC. Nhìn vào đó thì hiểu ngay Văn Phòng Ngân Sách của quốc hội CBO đã tính toán các quyết định đầu tiên của cụ Biden sẽ khiến 4 triệu người thất nghiệp trong những năm tháng tới. Nghĩa là đảng DC sẽ có thêm 4 triệu cử tri trong túi.

    Nhiều người ồn ào công kích TT Trump vì con số công nợ đã lên tới mức quá cao. Họ chỉ biểu diễn cái tính giả dối thô bạo nhất khi họ im re trước ông ‘chúa chổm nợ nần’ Obama tăng công nợ lên gần gấp đôi. Biểu đồ dưới đây cho thấy khác biệt giữa Obama và Trump trong vấn đề công nợ. Cũng cần phải ghi nhận công nợ dưới thời TT Trump năm 2020 bao gồm gần 3.000 tỷ tiền cứu trợ chống COVID, nếu không kể biến cố đặc biệt này thì tổng số công nợ của TT Trump chỉ là 3.700 tỷ chưa bằng một nửa mức gia tăng của Obama.


    Điều đáng tiếc là các cụ tị nạn cuồng chống Trump hiểu biết rất ít về kinh tế, chỉ biết tìm những bài viết của các ông Mỹ viết chỉ trích Trump, rồi mở Google ra dịch trong khi không hiểu gì hay hiểu rất lờ mờ. Như bài dịch mới đây về kinh tế Trump của ông Thomas Firey viết trên The Bulwalk, là trang mạng của khối CH#NeverTrump (cụ tị nạn dịch không nên thân, viết sai tên của ông Firey thành Fiery!). 

TƯ PHÁP

    TT Trump hay bất cứ tổng thống nào khác, khi nhậm chức, đều tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp. TT Trump đã giữ lời tuyên thệ đó khi ông bổ nhiệm gần 300 thẩm phán liên bang và 3 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, có khuynh hướng bảo thủ, tức là tuyệt đối tuân hành theo Hiến Pháp, thay vì bổ nhiệm những thẩm phán cấp tiến là những người diễn giải Hiến Pháp theo xu thế thời đại.

    Các thẩm phán này có nhiệm kỳ vĩnh viễn, đều thuộc lứa tuổi 40-50, tức là họ sẽ tại chức hai ba chục năm nữa. Bảo đảm nước Mỹ sẽ không lao đầu xuống hố xã nghĩa quá nhanh.

TRUYỀN THÔNG

    Trong vấn đề đối nội, ngoài thành quả kinh tế, TT Trump đã để lại một gia tài vô giá: đó là việc phơi bày ra bộ mặt thiên tả phe đảng của khối truyền thông Mỹ. TT Trump khác xa tất cả các chính khách khác, chẳng những không sợ đám truyền thông, mà còn dám công khai chỉ mặt tố giác chúng chỉ là đám fake news, đã vứt lương tâm nghề nghiệp vào thùng rác từ lâu lắm rồi. 

    Đây là chuyện dân Việt ta đã nếm mùi và chịu hậu quả đau thương nhất (không kể những cụ hý hửng cám ơn TTDC và cụ Biden đã giúp họ mất nước để có dịp qua Mỹ phè phỡn ăn trợ cấp Mỹ) nhưng bây giờ dân Mỹ mới thấy. 

ĐI ĐẾN ĐÂU?

    Muốn nhận định công và tội của TT Trump, phải nhìn kỹ các vấn đề lớn, có lợi hay hại cho đất nước, cho cả dân tộc, chứ chúi mũi vào những chuyện vớ vẩn như nói láo, dâm đảng, ăn nói thô tục, kỳ thị, … chỉ là ngớ ngẩn tin những tuyên truyền hỏa mù xuyên tạc của đối lập. Đảng DC và TTDC thấy rõ những thành công trên, hiểu rõ không đụng tới TT Trump được trong các vấn đề lớn đó, nên bắt buộc phải xoáy mũi dùi vào khiếm khuyết cá nhân của TT Trump.

    Các cụ tị nạn chống Trump, nghèo nàn hiểu biết, cũng chỉ biết nhai lại những công kích của TTDC như vẹt, vẫn loay hoay trong ba cái tội dấm dớ đó, không bao giờ biết bàn thêm về những chuyện lớn về chính sách hay chiến lược của TT Trump. Những loại bài viết công kích cá nhân TT Trump của mấy cụ đó chẳng có một ly giá trị nào, chỉ có tác động duy nhất là giúp cơ hội cho các cụ cuồng chống Trump hý hửng khoác áo thụng vái lạy nhau vì được gãi đúng chỗ ngứa.

    Thật ra những khuyết điểm đó không có gì mới lạ và chẳng hại được TT Trump. Bằng chứng là những công kích cá nhân đó đã được tung ra suốt năm 2016, mà cuối năm đó, dân Mỹ vẫn bầu cho ông Trump. Dân Mỹ đủ dân trí và óc thực dụng để biết họ trông chờ gì ở một tổng thống. Họ không coi ông Trump như một ác quỷ mà phe cấp tiến tô vẽ, cũng chẳng coi ông như thánh sống bất khả xâm phạm mà nhiều người ủng hộ ông tin tưởng.

    Cái không may, hại TT Trump chính là vi khuẩn COVID Trung Cộng. Dĩ nhiên không kể chuyện gian lận.

    Dù đây là một đại dịch mà cả thế giới loay hoay chưa đương đầu nổi, nhưng phe đối lập đã khai thác tối đa để chụp lên đầu TT Trump cái tội đã khiến cho mấy chục triệu dân Mỹ bị nhiễm, hơn 400.000 người chết. Như DĐTC đã viết ngay từ hồi COVID mới bắt đầu tấn công, không ít dân Mỹ chết nhát sẽ hoảng sợ, lo tìm ‘bác sĩ’ mới nếu COVID tiếp tục hoành hành ngày bầu cử. Cho dù TT Trump có đại công đốc thúc và giúp việc sáng chế ra thuốc ngừa trong một thời gian ngắn kỷ lục, cũng bị đối lập và TTDC khỏa lấp, nhất là khi bầu cử đã diễn ra trước khi thuốc ngừa được phê chuẩn.

   Lịch sử sẽ nhận định TT Trump công bằng hơn, sẽ đánh giá ông vào hạng thành công nhất lịch sử cận đại Mỹ, ngang ngửa với TT Reagan. Cái lạ là ông thành công trong khi lại là một thứ cao bồi một người, một ngựa, không bao nhiêu phụ tá hay cố vấn giúp, trái lại, lại bị chống phá tàn bạo nhất từ phiá đối lập cũng như truyền thông, trong khi lại bị phục kích bởi cả một guồng máy Nhà Nước ngầm.

    TT Trump ra đi, về Florida ‘nghỉ ngơi’, chuyện gì sẽ xẩy ra?

    Trước hết, nói về cá nhân TT Trump. Đảng DC sợ ông thần Trump hơn sợ ông Cọp nên cho dù ông đã mãn nhiệm, đảng DC vẫn không dám sơ hở để ông có cơ hội ra trận lại, mà phải tìm cách ‘nhổ cỏ tận gốc’. Đó chính là lý do thực sự của việc đàn hặc lần thứ hai. Chẳng phải vì ông Trump đã phạm tội gì, mà chỉ là tìm cách không cho ông Trump và cả con cháu sau này không có cách nào tham gia chính trị lại được nữa. Đám DC thành công hay không sẽ tùy thuộc vào các thượng nghị sĩ CH trong cuộc biểu quyết đàn hặc tới.

    Đưa đến câu hỏi thứ nhì, chuyện gì sẽ xẩy ra cho đảng CH?

    Một mặt thì nhiều ông CH cũng rất sợ TT Trump, là một người mà không ai trong đảng CH có thể kiểm soát được, họ sợ ông làm quá mạnh, đi quá xa, tát đầm lầy quá mạnh trong đó cũng có họ luôn.

    Mặt khác, họ cũng nhìn thấy sức mạnh của ông Trump trong quần chúng, trong khối gần 75 triệu người đã bầu cho ông, là những cử tri mà các dân biểu và nghị sĩ của đảng CH cũng vẫn rất cần. Và theo những thăm dò mới nhất, 95% khối cử tri đó đã không hề ‘hối hận’ đã bỏ phiếu cho TT Trump, tiếp tục ủng hộ ông tuyệt đối, ngay cả sau khi phe DC tố ông đã khích động nổi loạn và đàn hặc ông.

    Đó là bài tính mà các chính khách CH, thống đốc, dân biểu, và nhất là thượng nghị sĩ phải cân nhắc để chọn con đường phải đi: tiếp tục ủng hộ TT Trump? Hay quên ông ta đi. 

    Không phải tự nhiên mà đã có tới 45 thượng nghị sĩ CH biểu quyết lên án đàn hặc TT Trump lần thứ nhì là vi phạm Hiến Pháp, bảo đảm đàn hặc lần này cũng vẫn chẳng đi đến đâu hết.

    TT Trump mới đây cũng đã khẳng định, ông sẽ còn hiện diện trong chính trường, ngay trong đảng CH chứ không thành lập đảng mới, sẽ tích cực hậu thuẫn những chính khách còn ủng hộ chính sách trumpism của ông, để chống lại tất cả những ai chống lại, bất kể DC hay CH.

    Nếu có người nghĩ gần một nửa dân Mỹ ủng hộ TT Trump đã yếu bóng viá, nản chí, bỏ cuộc, thì người đó chẳng hiểu gì về người Mỹ, chẳng hiểu gì về những người thật sự ủng hộ TT Trump, chẳng hiểu gì về trumpism, và chẳng hiểu gì về ông Trump. 

    TT Trump sẽ còn đó, cử tri của ông và chủ nghĩa của ông sẽ còn đó. Còn rất lâu.

30/1/21

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment