Cách đây hơn sáu chục năm, sáng
sáng ở vỉa hè sát tường rào khúc Hai Bà Trưng với Phan Thanh Giản bên hông một
biệt thự cổ có một người dựa chiếc xe, lúc đầu là xe đạp cổ lổ sau đó là chiếc
Mobylette xanh có chiếc thúng tre đằng sau bán bánh mì chả. Người ta gọi là
Bánh mì Cụ Lý.
Gọi là Cụ thế thôi chứ ông này lúc đấy chỉ trạc tứ tuần, giọng Bắc Kỳ đặc sệt, đầu chải bri dăng tin láng mướt, vuốt ra đàng sau để lộ một khuôn mặt lúc nào cũng đo đỏ như người uống rượu với chiếc mũi khá to với mấy sợi râu lún phún. Nhìn ông ta chợt nhớ đến khuôn mặt của nhân vật biếm họa Lý Toét đăng trên báo Ngày nay của nhóm Tự Lực văn đoàn. Hay là vì cái sự giống nhau này mà người ta gọi ông là Cụ Lý chăng?
Bánh mì Cụ Lý ngon mà giá bình
dân. Chả đủ loại: chả lụa, chả chiên, giò thủ, chả mỡ. Chả nóng hổi, phảng phất
mùi hương của thì là. Chả của Cụ Lý không cắt lát như những xe bánh mì khác mà cụ
cắt từng miếng lớn, lộn xộn để lung tung trên mẹt lót lá chuối xanh dờn.
Từ lúc dừng xe dựa vào hàng rào,
cụ cắt không ngơi tay, khách hỏi chuyện, cụ lại nhón miếng chả đưa khách ăn
chơi. Xẻ ổ bánh mì, hồi trước bánh mì nướng củi, vỏ bánh vàng, ruột bánh trắng
phau chứ không như bánh mì bây giờ, cụ nhét đại mấy miếng chả vào, bốc một nắm
hành tây, rắc chút muối tiêu, xì dầu hay nước mắm theo yêu cầu của khách, thế là
xong một ổ bánh, không pa tê, chẳng dưa chua, hành ngò chi cả. Khách chen nhau,
lần lượt.
Cầm ổ bánh mì nóng, chả tràn trề, cắn một miếng, ngon nhức xương. Khách thường đứng ăn tại chỗ, cũng có khách mang đi. Cụ Lý đứng bán từ 6:00 đến gần trưa thì hết. Cứ hơn tiếng đồng hồ lại có xe chở giỏ lớn bánh đến giao cho cụ, cụ chỉ một mình làm liền tay. Chủ nhật, lễ Tết cụ nghỉ bán như công chức đi làm việc vậy.
Chả của cụ Lý không hàn the,
không hoá chất lại được làm thịt tươi nêm nếm với nước mắm ngon nên nó có một vị
đặc biệt mà những cửa hàng chả khác không có, lại bán giá bình dân nên khách nối
đuôi nhau là chuyện dễ hiểu. Bởi là món ăn bình dân nên khách thường là công chức
hạng thấp, nhiều nhất là giới sinh viên học sinh.
Thời đấy, hầu như sinh
viên Sài Gòn ai cũng từng ăn qua vài lần bánh mì Cụ Lý. Và cũng từ đó, chiếc bánh
mì nho nhỏ đầy chả ấy đã trở thành ký ức của một thời. Những món chả của Cụ Lý
là đặc sản của xứ Bắc, di cư vào Nam, người Bắc mang theo để rồi trở thành một
món ăn phổ biến rộng rãi ở miền Nam.
Người Bắc ăn miếng chả để nhớ quê, người Nam cắn miếng chả để hưởng thêm một món ăn đầy hương vị. Cụ Lý trở thành người đem miếng ngon xứ Bắc vào cho người Nam kỳ thưởng thức hàng ngày với giá thật bình dân, ai cũng ăn được, ai cũng mua được.
Biến cố 4.75. Sài Gòn thay đổi.
Bo bo, gạo hẩm, bột mì, khoai sắn thế cơm, thay gạo. Hàng ngày, Cụ Lý cũng vẫn
tựa chiếc xe mang theo cái thúng chả và bánh mì ở đằng sau.
Nhưng ổ bánh mì không còn như
xưa, ruột nó đen, vỏ nó tái. Miếng chả cũng kém đi hương vị cũ. Và chủ yếu là cả
nước nghèo, cả Sài Gòn đói nên bánh mì của cụ lại trở thành món ăn xa xỉ, khách
cũng vơi bớt nhiều.
Mấy năm sau, có lẽ tuổi cũng đã già, cụ Lý giao thúng bánh lại cho con, chiếc xe cũ không thấy nữa chỉ thấy sáng sáng chàng thanh niên nói giọng Nam đặc sệt chạy chiếc Honda vào trong hẻm gần đấy, ngồi với quán cà phê và tiếp tục công việc của Cụ Lý ngày xưa, lại cắt cắt, nhồi nhồi, nhét nhét những cục chả để cho ra những ổ bánh mì cụ Lý.
Rồi cuộc sống lại khá lên, khách
lại đông như xưa, thúng bánh chỉ đên 9:00 là vơi, ai đến trễ đành hẹn ngày mai
vậy. Quán cà phê hẻm dẹp tiệm, chắc là đội trật tự giao thông không cho lấn chiếm
hẻm, thúng bánh Cụ Lý lại giạt ra vỉa hè Hai Bà Trưng, sáng sáng lại thấy nhóm
người chen nhau mua bánh, người bán chẳng ngơi tay.
Vẫn chiếc thúng, vẫn những miếng chả to nóng hổi bỏ ngổn ngang trên mẹt tre bây giờ lót tấm nhựa xanh xanh và những lát hành tây, bánh mì cụ Lý tiếp tục tồn tại hàng ngày giữa phố Sài Gòn biết bao đổi thay.
Cụ Lý có lẽ chẳng còn sống
nhưng những chiếc bánh mì của cụ mãi là ký ức và kỷ niệm của nhiều người Sài Gòn,
nhất là những chàng trai mới vào đời, mới bước vào giảng đường đại học thập niên
sáu bảy mươi của thế kỷ trước, thời bánh mì Cụ Lý nức tiếng.
Thế hệ đó giờ đã qua tuổi bảy
mươi, không thường ăn bánh mì Cụ Lý nữa, nhưng nhiều khi nhớ lại, lòng cũng
rưng rưng nhớ lại một thời, một thời đã đi qua không trở lại.
2.4.2019
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment