Pages

Monday, March 13, 2023

Hội Liếm Tem - Nguyễn Giụ Hùng


-Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì nhà in sẽ giao Đặc san vào ngày thứ Sáu. Tôi đề nghị các anh chị mau triệu tập lập Hội “Liếm Tem” vào sáng Chủ nhật này để kịp gửi báo đi.

(Trích từ thư người bạn)

-Mời đọc bài “Dọn nhà dọn cửa” đã đăng trên Người Phương Nam (Jan. 11-2022)

 

       Cứ quanh cái thành phố San Jose này, ta thử đếm xem có bao nhiêu hội, bao nhiêu đoàn và bao nhiêu hội đoàn nhỉ? Chắc phải là nhiều lắm, nhiều như lá rụng mùa thu. Nay, nếu có ai muốn lập thêm một hội mới nữa ở đây thì dù nó có cái tên thật hấp dẫn như Hội Liếm Tem thì cũng chẳng sao, cũng chẳng có gì đặc biệt và cũng chẳng làm ai chú ý tới.

      Đã là hội thì phải có cái tên hội đã đành, hội còn phải có cả nội quy lẫn chủ trương, đường lối hoạt động đàng hoàng nữa chứ. Mấy thứ này thì riêng tôi không biết, ai muốn biết, xin cứ hỏi thẳng ông Chủ tịch hội tương lai.

      Tuy nhiên, cứ hiểu theo nghĩa thông thường, không có ý nghĩa ẩn dụ đằng sau thì ta cứ hiểu Hội Liếm Tem như thế này:

      Hội Liếm Tem được thành lập chỉ có một mục đích đơn giản là dùng lưỡi để liếm vào mặt sau con tem, gọi là lưng hay đít tem (những danh từ chuyên môn của tem), rồi dán lên phong bì thư, hay báo chí, hay những kiện hàng gửi đi qua dịch vụ bưu điện. Khi người ta phải làm công việc ấy với số lượng cao thì một người làm không xuể mà phải cần có nhiều người góp lưỡi, góp nước bọt vào. Và từ đó, nhu cầu lập hội được phát sinh.

      Công tác sơ khởi của Hội Liếm Tem này là giải quyết đống báo vừa in xong cần phải được gửi đi cho đúng ngày ấn định. Đấy là công việc trước mắt, công việc sau đó là gì nữa thì hẳn còn được dấu kín. Tôi chỉ là hội viên dự khuyết hay thân hữu của Hội nên không có quyền táy máy, tò mò hay bàn tán tới.

      Trong khi chờ đợi Hội ra mắt chính thức với bản tuyên ngôn quan trọng trong một ngày gần đây, một ngày trọng đại đáng ghi nhớ, đáng ghi nhớ như nhân loại ghi nhớ ngày "Quốc tế nhân quyền", hay ít ra cũng đáng ghi nhớ như nhân dân Hoa Kỳ ghi nhớ ngày tuyên bố bản "Tuyên ngôn độc lập" của sứ Cờ Hoa này vậy.

     Nay, tôi chỉ xin nêu lên một vài nhận xét bên lề của Hội:

     Hội Liếm Tem, chữ "Liếm Tem" ở đây phải hiểu nó là một danh từ kép và là danh từ riêng, riêng vì nó đã được trình tòa, không thể có ai được dùng nó nữa. Nhưng nếu ta đem cặp chữ "Liếm Tem" ra khỏi chữ “Hội” thì “Liếm Tem” có thể tách làm hai, chữ Liếm nó lại trở thành một hành động cụ thểliếm, một động từ; Tem là một vật thể có thật được gọi là tem, một danh từ chung, chung vì ai dùng cũng được, chung cho mọi người.

      Mà nói đến động từ liếm thì phải nghĩ ngay đến cái lưỡi. Không có lưỡi thì không thể liếm được. Lưỡi ở trong mồm, mồm gồm có lưỡi, răng và môi. Ba phần tử ấy có khi hoạt động riêng rẽ, có khi lại phối hợp với nhau một cách hài hoà. Khi "mút" ta chỉ dùng môi, khi "" là ta chỉ dùng môi và tí sức trong bụng hút vào, khi "cắn" hay chơi đòn "cẩu quyền" thì dùng răng, khi "liếm" như liếm môi, liếm mép là công việc riêng của lưỡi. Nhưng khi ta ăn, ta nói, ta gọi, ta thưa thì phải phối hợp chúng lại với nhau. Ta chớ nên lầm lẫn đấy nhé. 

      Cứ nói như thế thì cái hình ảnh biểu tượng (logo) của Hội Liếm Tem, không thể thiếu được, phải là cái lưỡi, hình ảnh cái lưỡi thập thò giữa đôi môi chúm chím đỏ choét.

      Lưỡi có nhiều hình thể như có cái dầy, cái mỏng; có cái dài, cái ngắn và độ cứng mềm khác nhau. Cái lưỡi nếu có kich thước to hay nhỏ khác thường thì khi nói hay hát, âm thanh bị sai lạc đi, trở thành khó nghe. Có những trường hợp, người ta nói "con bé ấy ăn nói như người thụt lưỡi ấy" hay "thằng ấy lưỡi đầy mồm" ... là như vậy.

      Nói đến cái lưỡi mà không nhắc đến một câu chuyện trong quyển "Quốc văn Giáo khoa thư" lớp Sơ đẳng (lớp Ba) ngày nào thì thật là thiếu sót. Câu chuyện ấy đại khái được tóm lược như thế này:

      Một hôm, gia đình nọ có vị khách quý đến chơi, chủ nhân sai người đầy tớ mổ lợn và dặn "Mày đem cái gì tốt nhất của con lợn lên đây để tao đãi khách". Sau khi làm thịt xong con lợn người đầy tớ đem lên cho chủ một cái lưỡi lợn để đãi khách. Lần sau, một ông khách khác đến chơi, chủ nhân lại sai người đầy tớ mổ lợn và dặn "Mày đem cái gì xấu nhất của con lợn lên đây để tao đãi khách". Lần này người đầy tớ cũng vẫn mang lên cái lưỡi. Ông chủ tức giận hỏi người đầy tớ "Tao nói mày mang cái gì tốt nhất của con lợn, mày đem cái lưỡi, cái gì xấu nhất, mày cũng lại đem cái lưỡi, mày nói rõ lý do cho ta nghe". Người đầy tớ bình tĩnh trả lời "Dạ, thưa ông, cái lưỡi có thể nói lên những điều tốt đẹp nhất và cái lưỡi cũng có thể nói ra những điều xấu xa nhất". Câu chuyện tôi đọc đã lâu, không còn nhớ rõ, nhưng đại khái nội dung của nó là như thế. Ý nghĩa chuyện kể về cái lưỡi ở trên thật sâu sắc và thâm thúy là bao.

      “Liếm” thì cũng không chỉ đơn giản như liếm tem. Có nhiều cách liếm khác nhau tùy theo hoàn cảnh, đối tượng và tùy theo cá tính của mỗi người. Cũng như khi ta mút từ từ thì gọi là "mút mát", còn khi liếm từ từ, liếm một cách nhâm nhi hay nhẩn nha thì người ta gọi là "liếm láp".

      Thế còn tem thì là cái gì? Xin miễn dài dòng về tem, muốn biết, xin các anh cứ hỏi sở Bưu điện. Tôi chỉ biết tem có cả vạn loại khác nhau, khác nhau về hình ảnh, khác nhau về giá tiền in trên tem, khác nhau về giá trị của nó qua sự định giá của những người sưu tầm tem. Về kich thước của tem thì ngoài cái “size” bình thường, có cái “King size” to bản như cái lá mit, có cái hẹp và dài như cái tre. Những cái tem King size, ắt hẳn phải tốn nhiều nước bọt. Nước bọt chắc phải quý lắm nên các cụ ta mới nói tới một nghề, nghề "bán nước bọt". Chẳng biết hội này có làm kinh tài bằng cái nghề buôn bán này không.

      Dựa theo những hiểu biết của tôi như thế thì ắt hội này cũng phải "ra gì" lắm chứ chẳng phải chơi đâu. Nhưng có một điều tôi cứ thắc mắc mãi, thời buổi này, tem đã có “hồ” sẵn, chỉ việc lật tem ra bóc "yếm" là dán được ngay rồi, liếm láp làm chi cho mệt, chỉ trừ những con tem cổ như tem bà Hoàng Hậu Nam Phương nước ta hay tem bà Nữ Hoàng Đệ Nhất nước Anh ngày xửa ngày xưa mới phải lật lưng hay đít tem ra mà liếm láp trước khi dán thôi. Tôi đoán già đoán non là hội này toàn các ông già đã về hưu hoặc sắp về hưu vì thích hướng về đồ cổ.

      Vài hàng gửi đến các anh như một lời kêu gọi gia nhập, đóng góp ý kiến và quảng cáo cho Hội Liếm Tem sắp sửa ra đời nay mai. Hôm nào ra mắt, các anh cho tôi biết để còn để dành tiền mua nước bọt đem tới làm quà. Kể từ ngày về hưu, nước bọt cũng đã cạn rồi, nay tôi chỉ còn biết ngồi viết nhảm tào lao. [Cười.]

  

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Mời đọc lại

Dọn Nhà Dọn Cửa

https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2022/01/don-nha-don-cua-nguyen-giu-hung.html 

No comments:

Post a Comment